Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - Từ bắt chước, cầm nhầm đến phỏng tác và đạo văn (p1)

26 Tháng Tư 20171:42 CH(Xem: 17017)
GS. Nguyễn Văn Lục - Từ bắt chước, cầm nhầm đến phỏng tác và đạo văn (p1)

Từ bắt chước, cầm nhầm đến phỏng tác và đạo văn (p1)

blankSau 1954, miền Nam có nhiều khoảng trống lắm! Trong đó có khoảng trống văn học. Dòng chảy văn học bản địa xem ra đã bị vượt qua. Dòng văn học hội nhập từ miền Bắc vào chưa được định hình!

Một mảng tối của văn học miền Nam: Từ bắt chước đến cầm nhầm đến phỏng tác và đạo văn

Vấn đề đạo văn trong bối cảnh sinh hoạt văn học miền Nam 1954-1975
Bối cảnh chính trị, xã hội và văn học miền Nam như thể ở chỗ bắt đầu. Cái cũ xem đã lỗi thời cần thay đổi, hoặc xô bồ, lộn xộn trong khi cái mới chưa định hình. Người ta sắn tay vào cuộc và mỗi người, bối rối tự tìm cho mình một lối ra – như một thí nghiệm, như một chứng tỏ sự có mặt hoặc sự vươn lên còn nhiều điều chưa thoả đáng.

Điều cấp thiết là phải có cái gì mà nếu nó mới lạ thì đó là điều tốt nhất. Mặc dầu phần lớn những tác nhân trong cuộc di cư còn non nớt về trình độ kiến thức, học thuật, về kinh nghiệm nghề nghiệp. Có lẽ chỉ có vài người lúc khi lên tầu “há mồm” vào miền Nam đã tạo được một chỗ đứng trong văn học là Vũ Hoàng Chương và Đinh Hùng. Phần còn lại đều là những tay mơ như Nguyễn Sĩ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Việt Tuyền, Thế Phong, Tạ Tỵ, Duy Thanh, Thái Tuấn phần đông chưa rời khỏi ghế nhà trường. Nhưng chắc khát vọng của họ, tiềm năng của họ có thể là ôm mộng lớn lắm khi có cơ hội.

Trường hợp Mai Thảo là một ví dụ điển hình.

Mai Thảo di cư vào Nam, việc cầm bút còn khập khiễng, chưa có tay nghề. Cuộc sống vật chất còn bấp bênh, bữa no bữa đói cơm hàng cháo chợ. Rồi có “duyên văn chương” gặp được người Mỹ đang kiếm người để tài trợ tiền bạc để làm văn hóa. Qua U.S. Information Service (USIS) hay còn gọi là U.S. Information Agency (USIA), một cánh tay của khối chiến tranh tâm lý dùng cho trong công tác tuyên truyền xám (grey propaganda thay vì white hay black propaganda. Trích: “CIA influence on public opinion”, wikipedia.org) đã tài trợ để Mai Thảo làm tờ Sáng Tạo, và những người khác phụ trách các ấn phẩm khác như bán nguyệt san “Gia Đình” thay cho tập san Trẻ, sẽ do USIS in ở nước ngoài để phát hành tại miền Nam hay nguyệt san “Tập Nghiên cứu Chính trị” với mục đích chính là diễn đàn đấu tranh chống lại ý thức hệ cộng sản quốc tế dó Sở Nghiên cứu Chính trị phụ trách (Trần Kim Tuyến?)

(Lữ Phương, “Cuộc xâm lăng về văn hoá và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam”, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1981, trang 216 đến tr. 222).

Tương tự, qua trung gian Trần Kim Tuyến, Lý Hồng Phong với tờ Văn Nghệ, tờ Hiện Đại của Nguyên Sa, tờ nhật báo Tự Do của Phạm Việt Tuyền. Tiền người Mỹ bỏ ra có hiệu quả ứng dụng tốt. Các nhà văn, nhà báo di cư đã có chỗ dụng võ và họ đã làm nên chuyện, tạo được tên tuổi và có thể nói một dòng học văn học mang sắc thái miền Bắc như một chuyển trục từ Bắc vào Nam. Nhờ đó, khích động một không khí sôi động, phấn khởi như chất súc tác cho toàn thể sinh hoạt văn học miền Nam nói chung.

Người Mỹ tài trợ mà không can thiệp trực tiếp. Kẻ nhận được tài trợ như Mai Thảo coi như làm chủ tờ báo về mọi mặt từ nội dung bài vở đến chọn lựa người cộng tác.

blank

Tranh cổ động do USIA ấn hành dùng cho quân đội VNCH (1950s). Record Group 306
Records of the U.S. Information Agency, 1900-2003
Still Pictures Identifier: 306-PPB-79c

Đến ngay tờ Thế giới Tự Do do Sở Thông tin văn hóa Hoa Kỳ (USIS) đảm trách cũng có kết quả tốt đẹp. In ấn đẹp, trang nhã, giấy tốt, rất nhiều hình ảnh đi kèm, bài vở ngắn gọn, nhẹ nhàng mang tính chất thông tin lạc quan về một cuộc sống mới với những thành tựu không chối cãi được với những căn nhà khang trang sạch sẽ, những ngôi trường mới với trẻ con đến trường tươi vui, hớn hở, những ngôi nhà thờ xinh xắn. Tôi còn nhớ những giếng nước do máy bơm tay tiện nghi, sạch sẽ mà không còn vất vả dùng gầu để múc nữa. Nhiều gia đình di cư còn cắt những hình ảnh trong tờ báo để treo lên tường. Tờ báo nói lên sự phát triển, những thành quả đạt được của người di cư, gián tiếp dạy họ lối sống mới, giữ gìn vệ sinh nhà cửa, nếp sống văn minh tối thiểu. Hẳn nhiều người dân di cư 1954 vẫn còn nhớ hai câu lục bát trong phim ảnh và bích chương cổ động thời đó:

“Anh Nam uống nước lọc chai,
Mỗi ngày ba cốc chẳng sai cốc nào.”

Đó là thành quả thứ hai của văn hóa vụ của người Mỹ.

Bên cạnh đó, chính phủ của Thủ tướng Ngô Đình Diệm cũng xử dụng Bộ thông tin và qua bộ này, có cơ quan Văn hóa vụ mới đầu do Lê Quang Luật, rồi Phạm Xuân Thái thay thế chức tổng trưởng Thông tin. Bộ này đã ra hàng loạt các Nghị Định để cho ra các tờ báo mới như các Nhật báo Cải Cách, Gió Mới, Trẻ rồi Nhân Sinh, Lửa Việt (do sinh viên làm), Dân Chúng, Trách Nhiệm (ngoài Huế), nhật báo Tương Lai, Đại Chúng, vv.. (Trần Trọng Đăng Đàn, “Văn Hóa, Văn Nghệ Nam Việt Nam 1954-1975”, nxb Văn Hóa-Thông Tin)

Rầm rộ như thế, rồi không biết vì những lý do gì, các tờ báo ấy biến mất để được thay thế bằng các tờ khác.

Chính phủ muốn những nhà báo, nhà văn di cư — chưa có đủ tiền bạc để ra báo như các báo tư nhân của miền Nam đã có sẵn như các tờ Tiếng Chuông, Sai Gòn, Điện Tín — đảm nhận vai trò thông tin, nhất là vai trò chính trị trong chính sách chống Cộng của chính phủ.

Tuy nhiên, đường lối này không mấy đạt kết quả vì nhiều lẽ. Những vị chủ bút, chủ nhiệm không có thực tài, không phải là những người cầm bút có tiếng tăm. Người trách nhiệm viết bài vở phải viết theo đường lối chính phủ, theo lối “đơn đặt hàng”, một hình thức gián tiếp của thứ văn nghệ chỉ huy. Việc kiểm duyệt chỉ tô đâm thêm tính chất nghèo nàn, nhàm chán, một chiều và dần người đọc không đọc những tờ báo này nữa.

Trong số các tờ báo liên quan đến bài viết này, có tờ Văn Hữu mà trong Nghị Định cho xuất bản có ghi như sau:

“Tạp chí văn hữu nhằm mục đích phát huy văn hóa dân tộc, phổ biến rộng rãi chủ trương, đường lối của chính phủ” và quy điịnh rằng: tạp chí này phải do vụ trưởng Vụ Văn Hóa của Bộ Thông Tin làm chủ nhiệm cùng với một chủ bút do Bộ trưởng chỉ định”

(Trần Trọng Đăng Đàn, ibid., trang 82)

Ngoài ra, còn có tờ Sinh Lực do Uyên Thao giữ chức vụ Tổng thư ký.

Trong quân đội thì có tờ Chỉ Đạo do Bộ Quốc Phòng trách nhiệm. Người đứng đầu tạp chí Chỉ Đạo lúc đầu là Trung Tá Trần văn Trung làm chủ nhiệm và Trung úy Ngô Quân làm chủ bút. Tiếp theo là Trung tá Nguyễn văn Châu làm chủ nhiệm. Chủ bút lần lượt sau đó là Kỳ Văn Nguyên, Nguyễn Mạnh Côn, Đào Đình Hoan, Nguyễn Đình Bảo thay nhau làm. (Trần Trọng Đăng Đàn, ibid., trang 83)

Chính trong cái hoàn cảnh đặt để những người không có tài cán vào các chức vụ chỉ huy tờ báo như chủ nhiệm, chủ bút đã gây rắc rối thêm trong số lãnh đạo của một số tờ báo, cố tình bao cho kẻ đạo văn là Hoàng Trong Miên cũng như sự cố tình trù dập những người đứng ra tố cao chuyện đạo văn.

Tờ Văn Hữu trở thành công cụ của chính quyền với nhiều bài vở tuyên truyền về Dân Vệ Đoàn, sau này là Nghĩa quân.

Khái niệm đạo văn trong truyền thống văn hóa Việt Nam

Cho đến năm 1975, hầu như dân miền Nam cũng như trí thức miền Nam vẫn chưa có một khái niệm rõ rệt và ứng xử đúng đắn về quyền sở hữu trí tuệ dù đã có khung pháp lý bảo vệ quyền sở hữu ấy từ thời còn là thuộc địa Pháp — khi Đông Dương (Việt Nam, Cam Bốt, Lào) ký tôn trọng Luật Paris 1949. Trong khoảng từ 1957 đến 1975 Việt Nam Cộng hoà đã có luật cầu chứng, phát chứng chỉ bản quyền, cũng như bằng sáng chế cho sản phẩm trong và ngoài nước. Đến sau tháng 4 năm 1975, chính quyền cộng sản đã xoá bỏ tất cả quyền sở hữu tư nhân kể cả sở hữu trí tuệ.

(Elizabeth F. Vann, “The Limits of Authenticity in Vietnamese Consumer Markets”, American Anthropologist, Vol. 108, No. 2 (Jun., 2006), pp. 286-296 – trang 269)

Những người sống và lớn lên trong xã hội chủ nghĩa trước 2004 (khi CHXHCN Việt Nam ký công ước Berne) không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ là điều có thể hiểu được, nhưng hành động đó của người miền Nam trước năm 1975, nhất là thành phần trí thức, là điều rất khó có thể khoan nhượng.

Một nhạc sĩ tài danh như Phạm Duy, sáng tác đến cả 1000 bản nhạc đủ loại, đã đã phổ nhạc bằng cách lấy những bài thơ của nhiều tác giả mà không thương lượng, không xin phép, không ghi tác giả lời ca, dù có đủ điều kiện để làm việc đó. Tên tuổi các nhà văn, nhà thơ bị Phạm Duy xử dụng tài sản trí tuệ không biết bao nhiêu mà kể; có thể nói có rất nhiều bản nhạc Phạm Duy lấy thơ văn của nhiều tác giả, rồi tự ý sửa đổi, cắt xén. Có những nạn nhân như một người tình bé nhỏ tên Alice, con gái một người tình cũ của ông. Alice đã làm khoảng 300 bài thơ tặng ông và trở thành nguồn cảm hứng bất tận với những bản tình ca để đời như: Ngày đó chúng mình, Kiếp nào có yêu nhau nhau.

Xin trích dẫn vài câu thơ làm bằng chứng:

“Ngày đó có bơ vơ lạc về trời
Tình trên mây xa khơi có áo dài khăn cưới.
Ngày đó có kêu lên gọi hồn người
Trùng dương ơi có xót xa cũng hoài mà thôi.”

Vậy mà Alice đã không có một chỗ đứng đáng lẽ phải có trong âm nhạc Phạm Duy, phải dành cho cô. Đây có lẽ là cái tệ bạc nhất của con người Phạm Duy.

Nói chi đến những Nhất Hạnh, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Bính, Cung Trầm Tưởng, Hữu Loan, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Xuân Diệu và rất nhiều người khác.

Tuy nhiên, một trong những tác giả bị Phạm Duy xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, đã kiện Phạm Duy trước tòa án để đòi trả tác quyền của những bài thơ của ông mà Phạm Duy đã phổ nhac. Tòa án đã quyết định buộc Phạm Duy phải trả 6000 đồng cho Nguyễn Tất Nhiên.

Không hiểu ông tòa đã căn cứ trên điều luật hay án lệ nào để đòi Phạm Duy trao 6000 đồng cho Nguyễn Tất Nhiên? Tuy nhiên, quan trọng hơn, đó là một án lệ về sự bảo vệ quyền tài sản tri tuệ của người sáng tác.

Tuy nhiên, có nhiều mức độ “cầm nhầm” mà rất khó để có thể công khai kết án là đạo văn. Chẳng hạn, tôi còn nhớ trường hợp nhà văn Chu Tử viết cuốn “Yêu” khá là ăn khách và trở thành một “hiện tượng trong văn học” vì tính cách bạo dạn và quá lãng mạn của nhân vật truyện. Nội dung câu chuyện với hai nhân vật là chú Đạt và cháu Diễm mà tuổi hai bên chênh lệch như bố với con. Khi đọc truyện này, một cách dứt khoát, tôi liên tưởng đến chuyện của F. Sagan với Luc và Dominique. Có một sự giống nhau như thể một “bản sao”. Nhưng giữa bản sao và bản chính là hai chân trời văn học, một bên tây, một bên ta, với hai thứ ngôn ngữ khác biệt. F. Sagan chắc hẳn là không màng tới chuyện cỏn con này.

Tôi đã đọc và viết về Francoise Sagan nên nghĩ rằng, Chu Tử chỉ bắt chước được cái bèo bọt hiện tượng bề ngoài của F. Sagan, tức là chuyện tình ái lăng nhăng. Phải có hiểu biết triết lý hiện sinh, phải thấm nhuần, phải hiểu nhiều cái phải lắm mới hiểu tại sao F. Sagan đã sống nổi loạn. Một số nhà văn nữ của miền Nam sau đó cũng bắt chước “cái mốt hiện sinh”, phóng túng quá độ trong việc mô tả các cuộc làm tình như thể đó là cuộc đời đích thực. Tôi đã chẳng ngần ngại gì trong một bài viết khác, gọi chung đó là Những đứa con hoang của J.P. Sartre.

Theo tôi, muốn hiểu Sagan, phải biết về cuộc đời của bà!

Đã có lần bà viết:

“Pour moi, le bonheur, c’est d’abord d’être bien.” (Hạnh phúc, đối với tôi trước hết là được an vui.)

(Nguyễn Văn Lục, “Francoise Sagan: Adieu Trístesse: con người, cuộc đời, tác phẩm” http://newvietart.com/index4.27.Hoàng Trọng Miênl

Phần người đọc Việt Nam, công đâu mà tra dò tìm hiểu. Nhưng tôi là người đọc cả hai tác giả thì cảm thấy không vui và coi thường Chu Tử. Và F. Sagan không có mục đích mô tả những cảnh làm tình như một thỏa mãn, hay một khêu gợi. Cuộc đời không có gì quan trọng, ngay cả cả chuyện làm tình, luân lý cũng vậy. Cuộc đời trong một ngày, một tháng, một năm có gì là lạ, thản nhiên, vô cảm.

(Nguyễn Văn Lục, “F. Sagan”, Hợp Lưu số 79)

Một trường hợp khác không “cầm nhầm”, nhưng chỉ dựa trên cốt truyện của tác giả ngoại quốc, rồi “phóng tác” ra một tác phẩm khác. Đây không phải là dịch, vì dịch thuật đòi hỏi người dịch phải có căn cơ, rành cả ngoại ngữ lẫn tiếng Việt. Chỉ cần một trìnhđộ ngoại ngữ đọc hiểu câu truyện là có thể phóng tác, chỗ nào khó quá thì bỏ, chỗ nào cần thêm “mặn nhạt” thì gia vị tùy tiện. Đó là trường hợp nhà văn Hoàng Hải Thủy với nhiều truyện phóng tác như cuốn Đỉnh Gió Hú. Nội chữ Đỉnh và chữ Đồi đã giúp Hoàng Hải Thủy tránh né được biết bào phiền toái của công việc dịch thuật.

Trong cách trình bày bìa sách, Hoàng Hải Thủy lại chứng tỏ một sự mập mờ khôn vặt đáng nể. Trong cuốn Kiều Giang, xuất bản lần đầu tiên, Hoàng Hải Thủy đề tên Hoàng Hải Thủy chình ình trên đầu sách bắt buộc người đọc hiểu ngầm, chính ông là tác giả. Cộng thêm chữ Kiều Giang như tựa đề cuốn sách. Tên Charllote Brontë , khổ chữ nhỏ nằm khiêm tốn, không để ý thì không nhận ra! Có lần, ông còn cẩn thận cho tên tác giả người Anh nằm ở trang trong. Thật chu đáo và cẩn thận!

blank

Kiều Giang – Hoàng Hải Thủy phóng tác từ tiểu thuyết Jane Eyre của Charlotte Bronte – Ngày xanh XB

Cho đến bây giờ tôi vẫn cảm thấy không ổn hai chữ phóng tác. Phóng tác phải chăng nằm giữa sáng tác và dịch thuật? Nó không phải sáng tác mà cũng không phải dịch thuật. Nó có vi phạm luật bản quyền không? Có cần xin phép khi phóng tác không?

Nếu cứ như thế thì chỉ cần biết chút tiếng Anh hay tiếng Pháp, ta phóng tác các tác phẩm được giải Nobel và chẳng mấy chốc, sẽ có tất cả Nobel thế giới trong văn học Việt Nam?

Tôi không tự tin vào khả năng phán đoán của mình nên dở sách hỏi đàn anh Võ Phiến. Trong Văn Học miền Nam, Truyện 1 và truyện 2, tôi không thấy có tên Hoàng Hải Thủy! Chẳng biết ý của Võ Phiến như thế nào vì nay cụ đã không còn nữa để hỏi!


(Còn tiếp)


Nguyễn Văn Lục

Nguồn: DCVOnline

21 Tháng Chín 2013(Xem: 59470)
Tựa Đề: HÌNH NHƯ NẮNG VỪA PHAI Nhạc&Lời: Phạm Chinh Đông Hòa Âm: Tuấn Ngọc Ca Sĩ: Hương Giang
21 Tháng Chín 2013(Xem: 62967)
ChsNQ khóa 1 đến thăm thầy Nguyễn Xuân Hoàng và Thầy Phan Thông Hảo
20 Tháng Chín 2013(Xem: 53670)
Phùng Quán vịn vào câu thơ mà đứng vững. Mình dựa vào tình thương của mọi người, nghiến răng, đứng lên mĩm cười với số phận. Cám ơn tình bạn, cám ơn thương yêu và thông cảm.
14 Tháng Chín 2013(Xem: 57545)
Phải chăng nhà văn không có tuổi. Nhà văn chỉ có già đi và chết. Nhà văn không đếm cái khoảng thời gian sống. Thời gian của một nhà văn là ý nghĩa những dòng chữ họ viết ra.
14 Tháng Chín 2013(Xem: 54925)
(Viết hôm các bạn của nhật Báo Người-Viêt và Diễn Đàn Thế Kỷ đi thăm Nguyễn Xuân Hoàng) Nhiều khi chúng ta sống mà quên bẵng đi là mình có thể chết bất cứ lúc nào.
13 Tháng Chín 2013(Xem: 46976)
Mùa Thu sắp về đây. Thu về với lá vàng, với gió heo may và cây trái bắt đầu chín. Mùa Thu cũng là mùa thu hoạch. Mùa Thu đẹp lắm, rừng Thu bát ngát lá vàng rơi
06 Tháng Chín 2013(Xem: 78210)
Cái sung sướng lúc tốt nghiệp không phải là được đi dạy, làm giáo sư cho bằng thoát khỏi sách vở mà chúng như những kinh kệ vô nghĩa nhàm chán..
05 Tháng Chín 2013(Xem: 60266)
Việc bán thơ của Suskin xem ra phù hợp với văn hóa sống nhanh, sống vội, muốn gì được nấy, nhanh như người ta bấm máy truyền hình hoặc vào mạng internet.
05 Tháng Chín 2013(Xem: 45102)
Có cơ hội thì bạn bè gặp nhau vì quỹ thời gian chúng ta chẳng còn nhiều. Xin cám ơn những người bạn trên net của tôi, đã cho tôi niềm vui trong cuộc sống.
04 Tháng Chín 2013(Xem: 68618)
Đã thành thông lệ, sau lần họp mặt với bạn bè phương xa, bạn bè quê nhà sẽ cùng nhau đóng góp tổ chức tiệc chiêu đãi chia tay để người đi nhớ mãi ân tình nơi cố hương.
31 Tháng Tám 2013(Xem: 73405)
Ông trở thành một “ông già quét chợ” một cách tự nhiên như vậy đó, tự nhiên như khi ông từ đâu không biết đã đến cái chợ làng này…
30 Tháng Tám 2013(Xem: 52634)
Lúc bà mất, cậu Út ôm bà khóc như mưa, nghe cậu nhắn nhủ: "bà ngoại, ông ngoại, ba con ơi! nhớ về thăm cây mít nha!" cả nhà không ai cầm được nước mắt.
30 Tháng Tám 2013(Xem: 83374)
Xin bấm vào tựa các bài muốn đọc
23 Tháng Tám 2013(Xem: 77447)
Phần tôi, kể từ khi bắt đầu va chạm cuộc sống, tôi khám phá ra rằng con người ta không thể nào sống mà thiếu người khác được.
21 Tháng Tám 2013(Xem: 89667)
Công của những người đưa đò thầm lặng khoan dung, đã đào tạo bao lớp chúng tôi thành danh, thành nhân. Thời gian với bao biến đổi, nhìn lại cuộc đời chúng tôi luôn dặn lòng ”Nhớ Ơn Thầy, Nhớ Ơn Cô” để có một cuộc đời đáng sống.
20 Tháng Tám 2013(Xem: 50974)
Vì mẹ là ai con nào có thể biết, mẹ là ai hay có thể là bất cứ bà mẹ nào? Mẹ sẽ như nào nhỉ? Mẹ có giống người mẹ đã sinh ra con không? Giống, con cam đoan là giống.
17 Tháng Tám 2013(Xem: 60662)
Thầy ốm, ốm theo cả hai nghĩa. Thầy đang bị bệnh, cơn bệnh kéo dài hơn hai tháng. Thầy nhạt miệng không ăn uống được nhưng nên trọng lượng xuống như vật rơi tự do bị lực hút của trái đất hút xuống.
15 Tháng Tám 2013(Xem: 51585)
Chỉ một ngày vắng mẹ căn nhà đã quạnh quẽ buồn. Bàn tay mẹ là đôi đũa diệu kỳ biến ra cơm ngon canh ngọt, là ngọn gió mát lành ru giấc ngủ cho con… Vậy mà… Vũ Hạ mới ngần ấy tuổi đầu đã mất mẹ.
15 Tháng Tám 2013(Xem: 35715)
Trong gian nhà chúng chùa núi quá trưa, có mâm cơm chay dành cho bọn trẻ. Tôi nhẩm đếm, có hơn một chục thiếu niên. Đứa nào cũng đèo đẹt đen đúa, làn da khô héo quắt queo,…
14 Tháng Tám 2013(Xem: 79471)
Khi bố về thì mẹ vẫn nhìn bố, ánh mắt yên tâm hơn. Mẹ thầm lặng hơn bao giờ hết. Dưới mắt bố con chúng tôi, sự thầm lặng ấy càng ngày càng tỏa sáng.