Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hoàng Mai Đạt - ĐƯỜNG QUA TÂN HẠNH, ĐƯỜNG VỀ QUÊ HƯƠNG BÌNH NGUYÊN LỘC

02 Tháng Tư 201712:35 SA(Xem: 16432)
Hoàng Mai Đạt - ĐƯỜNG QUA TÂN HẠNH, ĐƯỜNG VỀ QUÊ HƯƠNG BÌNH NGUYÊN LỘC

Những ngày về Biên Hòa…

ĐƯỜNG QUA TÂN HẠNH, ĐƯỜNG VỀ QUÊ HƯƠNG BÌNH NGUYÊN LỘC

tan hanh

Tuy biết chúng tôi muốn quanh quẩn trong xóm Cây Me, để được gần má, má Sáu và những sinh hoạt thường ngày của hai bà cụ, các anh chị vẫn nhiều lần mời chúng tôi đến nhà riêng. Có lẽ anh chị lo ngại tôi sẽ chán ngán sau vài ngày ăn xong rồi lại nằm võng (nhìn thằn lằn), đi ra đi vô ở nhà ngoại. Họ thương chàng rể mới về quê hương và chưa có nhiều kỷ niệm để gói ghém mang qua Mỹ. Người đầu tiên rủ chúng tôi là anh Bảy. Chúng tôi nhận lời viếng thăm anh tại Tân Hạnh vào cuối tuần lễ đầu tiên. Sau này nhớ lại, tôi thầm cảm ơn các anh chị đã cho tôi được thấy nhiều hơn về đất nước mình.

Chuyến thăm nhà anh chị Bảy bắt đầu với hai xe gắn máy. Anh Bảy chở vợ tôi và Bé Cù, trong khi em út Minh Hải đèo theo tôi. Út Hải ngồi rất vững chắc, vừa lái xe vừa giải thích cho tôi biết những đoàn xe ở đâu ra mà đông nghẹt cả con đường (không phải có nghiệp đoàn công nhân biểu tình như tôi tưởng). Mỗi khi hai xe chạy gần nhau, trông anh Bảy ngăm ngăm đen, có dáng dấp phong trần của người lăn lộn nhiều trong cuộc sống, tôi vững tâm nhìn anh lèo lách đưa mẹ con Bé Cù qua những đoạn đường chật xe chen lấn nhau.

Tuy hiền, anh Bảy lại rất rành đời và biết khá đủ những mánh lới mà người ta dùng trong xã hội. Một lần kia đi lấy hình với cháu Cường, tôi dừng chân bên một quán nước và mua gói thuốc lá Jet biếu anh Bảy. Anh thường hút thuốc lá Jet nhập cảng từ Thái Lan. Khi tôi trao gói thuốc, anh Bảy cười lớn, nói rằng tôi mua lầm thuốc lá giả. Tuy nói vậy, anh cũng nhận thuốc và mời tôi hút một điếu. Đó là lần đầu tôi hút lại sau nhiều năm. Việt Nam đang có đầy rẫy những món hàng giả, từ rượu, xà bông cho đến quần áo hiệu ngoại quốc. Tôi không biết bằng cách nào anh Bảy nhận ra thuốc Jet giả. Ngoài hàng dởm, nơi đây còn nhiều thứ giả mạo khác mà hình như ai cũng chấp nhận với không một lời than phiền. Có lẽ càm ràm cũng vô ích.

Như nhiều người ở đây, anh Bảy nhẫn nại chịu đựng dưới cơn giông tố thời cuộc, chờ hoài một ngày tạnh mưa lặng gió cho yên cuộc đời. Cuộc sống anh đang bận rộn và dễ thở hơn với việc trông coi hệ thống phát điện cho một nhà máy Đại Hàn. Trước năm 1975, anh thuộc nhóm kỹ sư trẻ vận hành một nhà máy nhiệt điện lớn ở miền Tây, trong vùng Trà Nóc, Cần Thơ. Sau năm 1975, đám chủ mới “lưu dụng” bọn anh một thời gian để học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, trước khi đá bọn kỹ thuật thuộc chế độ cũ ra ngoài lề đường với lời “cảm ơn” vừa nói vừa cười nhếch mép. Đến lúc vợ mang thai đứa con đầu lòng, anh Bảy đã làm đủ thứ nghề, xoay sở tìm “độc lập, tự do, hạnh phúc” và giành giật từng miếng ăn ở ngoài chợ, trong bến xe lúc nhúc đám người cũng vừa được chế độ mới “cảm ơn” như anh. Cuối cùng anh về nương náu ở quê vợ bên cạnh dòng sông hiền hòa. Hai vợ chồng dựng một vách nhà bên cạnh ba má và bắt đầu bán quán.

Hai chiếc xe len lỏi qua những con đường đông xe. Từ chợ Biên Hòa, chúng tôi thay phiên vượt qua mặt nhau trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đến Xa Lộ Đại Hàn. Tại ngã tư Xa Lộ Đại Hàn, để quẹo trái lên xa lộ, hai chiếc xe phải chen từ từ giữa hàng chục chiếc xe chạy ngược chiều. Mỗi lần hai xe vượt qua nhau, tôi và vợ con thường nhìn nhau mỉm cười. Tôi chưa bao giờ có cảm giác vừa thoải mái và cũng vừa lo ngại. Lo ngại vì mỗi khi có xe hơi hoặc xe vận tải chạy sát bên cạnh, tôi có cảm tưởng tài xế xe lớn không mấy quan tâm đến những chiếc xe nhỏ ở chung quanh. Đến khi xe chạy băng qua Cầu Mới, tức là Cầu Biên Hòa, những luồng gió mát từ dưới sông Đồng Nai thổi lên làm tôi thoải mái hơn.

Cũng nhờ những luồng gió, mái tóc loáng thoáng sợi bạc của tôi được thổi bay bồng bềnh, như tóc nghệ sĩ sắp lên băng video. Tôi có tật tắm buổi sáng và không sấy tóc. Ở Biên Hòa, mỗi khi được người nhà chở đi đâu đó vào buổi sáng, tôi được gió “sấy” tóc và có một mái đầu “gợn sóng” suốt cả ngày. Hèn gì mấy bữa ở Biên Hòa tôi vẫn được vợ khen đẹp trai hẳn ra. Ban đầu tôi cứ tưởng nàng nói vậy cho tôi lên tinh thần, giúp tôi có thể rán chịu đựng cơn nóng Việt Nam và những trận chảy mồ hôi đượm đầy tay chân.

Nhà của anh chị Bảy nằm trên đường Liên Tỉnh 16 thuộc xã Tân Hạnh, giữa Biên Hòa và các vùng Tân Ba, Tân Uyên hướng lên tỉnh Bình Dương. Cho đến lúc đó tôi chưa bao giờ thấy một con đường nào nguy hiểm hơn đường Liên Tỉnh 16. Vào giữa trưa, khoảng mỗi phút đồng hồ lại có một chiếc xe vận tải phóng qua với tốc độ rất nhanh, tưởng chừng như tài xế đang tháo chạy sau một vụ ăn cắp hàng. Xe vận tải chiếm gần hết bề ngang của con đường đất, “nhường” lại khoảng hai thước ở hai bên đường, vừa đủ cho người đi bộ và các loại xe hai bánh nép tránh xe lớn. Nép bên lề là mấy đứa bé lem luốc, những người đàn ông già trước tuổi đang lọm khọm đạp xe về nhà. Con đường được đắp cao hơn những ngôi nhà nằm sát hai bên lề. Nếu tài xế chỉ chểnh mảng vài giây, xe tải chở đất đá của họ có thể cán qua những đứa bé ngồi bán xăng và lao thẳng vào nhà thường dân nằm sát lề đường. Nhà của anh chị Bảy rung chuyển theo mỗi đợt xe lớn chạy tới. Cửa sổ được đóng kín để ngăn chặn bụi bặm bắn tung vào nhà. Mỗi khi thấy bánh xe tải lăn qua, tôi nghĩ đến nhiều khung cửa khác đang rung chuyển trên khắp xứ sở, bên cạnh những con đường đất hứa hẹn một cuộc đổi mới rất cần thiết mà lại đầy nguy hiểm.

Trước khi kỹ nghệ khai thác đá bung mở ở vùng này, con đường yên tịnh uốn khúc vào một miền quê hẻo lánh, trong đó có cả quê nội của vợ tôi. Cha vợ tôi được chôn trong vùng Tân Ba. Vào giữa thập niên 60, những thôn xóm chung quanh vùng Tân Hạnh gần Tân Ba còn nhiều lò đường mía tiểu công nghệ tỏa hương ngọt ngào, thơm ngát một vùng quê. Con đường ít xe qua lại giờ đây trở thành một trục lộ quan trọng và đầy bụi bặm, trong một cuộc đổi mới kinh tế quá hấp tấp. Những đoàn xe chuyên chở vật liệu xây cất, như gạch, đá chạy rầm rập thường xuyên trên trục lộ, suốt ngày và suốt đêm. Một số nhà cư dân cho thuê bãi sông để làm bến cho các xà lan cập vào chở đi những nguyên liệu ấy.

Sau này thì tôi được biết thêm rằng công an không thể thi hành luật lưu thông đối với các tài xế xe tải, bởi các đoàn xe chính là phương tiện làm giàu của mấy “ông lớn.” Nếu thỉnh thoảng có ngăn chặn một vài tài xế chạy quá tốc độ, công an chỉ phạt lấy lệ nhằm chứng tỏ với người dân về sự hiện diện của chính quyền. Con đường nhựa xấu quá hẹp, chưa đủ dày chắc để chịu đựng những đoàn xe tải đang phóng vào cuộc đổi mới kinh tế. Người ta cứ mạnh ai nấy chạy, chụp giựt được lúc nào thì cứ chụp giựt. Chỉ tội cho những người sống ở hai bên đường. Sau nhiều năm chịu đựng sự nghèo kém đến tận cùng, họ phải chấp nhận một chút bụi bặm bắn vào nhà, với hy vọng có được một ngày mai khá hơn.

Nhà của anh chị Bảy có quán bán tạp hóa lặt vặt cho người trong xóm. Quán nằm khuất trong lối ra vào. Nhiều món hàng được bày trên quầy gỗ, treo trên tường và chất chung quanh lối đi xuống đằng sau nhà. Người trong xóm có thể mua cái máy bật lửa, đôi dép nhựa, gói đường cát, cái chén hoặc chai nước mắm, thậm chí vài viên thuốc cảm. Chị Bảy và con gái đứng bán hàng khi chúng tôi đến viếng thăm. Nhìn chị cười thân thiện với một người mua hàng, tôi tin rằng nếu nửa đêm có người trong xóm gọi cửa mua một lọ dầu khuynh diệp để cạo gió cho người bị bệnh, chị Bảy sẽ không ngại rời giường ngủ tìm cho họ lọ dầu.

Bước xuống vườn sau nhà anh chị Bảy, tôi quên hết đường xe bụi bặm và mau chóng tan mình vào một khoảng đất rộng, xanh tươi, mát rượi bóng cây chạy xuống tận mé sông. Nhìn những con gà bươi mổ lăng xăng trong bóng mát dưới mấy bụi tre, những gốc mít, bưởi, dừa, tôi biết tại sao một chút quê hương sẽ ở mãi trong tôi nơi xứ người. Đằng sau nhà có một căn phòng gạch, dành cho ba má của chị Bảy. Chúng tôi vào bên trong và thăm viếng bác gái với chút quà. Bác già yếu, cũng khoảng tám mươi tuổi như má vợ tôi. Trong lúc bác gái nói chuyện với vợ, tôi nhìn quanh quẩn, không biết bác trai đang ở đâu. Đến khi ra ngoài, tôi lại lôi máy ảnh ra và tí toáy bấm phim. Tuy chụp hình người, thật sự tôi muốn giữ lại hình ảnh xanh mát đằng sau nhà thì đúng hơn.

Chúng tôi thơ thẩn trong chốc lát dưới những bóng râm, rồi bước qua từng gốc cây, đám “diễn viên” chúng tôi tiến dần đến mé sông. Lúc sắp bấm máy chụp hình bên cạnh bờ sông rậm lá cây, tôi giật mình khi thấy có đầu người trồi bên trên mặt nước. Đầu người này chính là bác trai. Bác lặng lẽ và đen như gỗ hạnh nhân. Miệng ngậm một cây đinh, bác chăm chú cầm búa nện nhè nhẹ vào một cây đinh dài sét rỉ khác. Khi thấy tôi còn tò mò nhìn đầu người đang thập thò trên mặt sông, chị Bảy mới nói rằng ba chị đang sửa lại cây cầu gỗ. Vào đêm hôm trước, một chiếc xà lan lớn đã tông bừa vào bến, phá đổ nhiều bụi cây và cầu gỗ ven bờ. Bác trai đứng dưới bùn, để cho nước sông lên cao đến tận cổ, trong lúc bác nhẫn nại đóng lại miếng ván cong mục. Mỗi khi sóng nước vỗ mạnh vào bờ và rút ra, tôi mới thấy thân ngực trần đen đậm với đôi xương vai cong như đòn gánh của bác. Như biết tôi đang quan sát, bác ngước lên và nhìn ra giữa dòng sông, nơi đang có một chiếc xà lan chở vật liệu nằm bất động. Bác đưa bàn tay từ dưới nước và lấy đinh ra khỏi miệng. Bác chợt nói một câu ngắn, “Tụi nó chạy ẩu quá xá, phá hết bờ của người ta.” Xà lan đã trôi xa giữa dòng, làm ngơ như những chiếc khác đang xuôi ngược trên sông Đồng Nai. Có ai bận tâm hoặc còn thời giờ để nghe lời than phiền từ những thường dân như bác trai?

Trong bữa cơm trưa với anh chị Bảy, tôi thầm thán phục sự chịu đựng của gia đình này mỗi khi tôi nghe tiếng cửa sổ rung chuyển theo tiếng xe vang rền. Tôi cũng ngạc nhiên khi nghe chị Bảy biết rất nhiều về những trận đá banh World Cup đang diễn ra tại nước Pháp. Đài truyền hình chiếu lại một trận đấu giữa hai đội Ba Tây và Hòa Lan. Chị Bảy biết tên hầu hết các cầu thủ quốc tế và rất rành những “chiêu” đưa banh xuống sân của hai đội. Trưa hôm đó tôi uống nhiều chai bia Saigon với anh Bảy và út Hải. Thấy anh Bảy uống nhiều bia, nghe chị Bảy kể lại những cú đưa banh tuyệt hảo của Ronaldo, của Zidane, tôi hiểu tại sao họ có thể chịu đựng được cuộc sống hiện tại. Bia và đá banh cũng đang giúp cho hàng triệu người trên thế giới, trong đó có cả tôi, có thể nuốt trôi những nghịch cảnh và chấp nhận cuộc sống riêng tư của họ.

Sau giờ nghỉ trưa, anh chị Bảy và Minh Hải đưa vợ chồng tôi lên Tân Ba, quê nội của vợ tôi. Vì đường Liên Tỉnh 16 quá nguy hiểm, chúng tôi để lại Bé Cù ở nhà với con gái của anh chị và đàn gà con sau vườn. Gia đình bên nội ở trong thôn quê nghèo hơn bên ngoại. Bước vào một ngôi nhà thiếu ánh sáng, chúng tôi hỏi thăm một bác gái trên tám mươi tuổi. Ngoài sợi dây điện chạy trên tường và kết thúc với một bóng đèn trên trần nhà, tôi không thấy những tiện nghi thời đại nào khác trong ngôi nhà cũ kỹ này. Tuy chỉ nằm cách con đường ầm ầm xe tải “đổi mới” không tới mười thước, ngôi nhà của bác Hai vẫn không thay đổi bao nhiêu sau hơn hai mươi năm được “độc lập, tự do, hạnh phúc,” ngoại trừ có thêm bụi bặm và nhiều thất vọng.

Trong lúc chúng tôi ngồi hỏi chuyện bác Hai, một cặp vợ chồng trung niên bước vào nhà và nhận ra vợ tôi. Hai người mới vào rất gầy ốm, già trước tuổi và có đôi tay nổi cộm những đường gân lớn bằng cây đũa. Họ là con trai và con dâu của bác. Như nhiều người khác mà chúng tôi gặp, nụ cười và ánh mắt sáng của hai anh chị che đậy một cuộc sống cơ cực. Chị cho chúng tôi biết hai vợ chồng đi cắt cà từ sáng mới về, và nếu bán được hết mớ cà bắp này, họ có thể kiếm được khoảng mười ngàn đồng, tức là không tới một Mỹ kim. Tôi thấy chị vui nhất khi nói về đứa con gái lớn của chị. Đứa con sắp tốt nghiệp tại một trường huấn nghệ và có thể tìm được một việc làm tốt, khá hơn công việc đồng áng của cha mẹ.

Nghe ý định thăm mộ ba, mọi người đều khuyên chúng tôi không nên đi trong tháng Bảy này, vì đường vào khu mộ rậm rạp với cây cỏ cao quá đầu người, rất khó đi bộ hoặc đi bằng xe. Tuy thất vọng vì không có dịp được viếng mộ ba vợ lần này, tôi cũng vui trở lại trên đường quay về nhà anh Bảy. Niềm vui này là một niềm vui với một cố nhân, một hạnh phúc văn chương.

Trên đường từ Tân Ba trở về Tân Hạnh, hai xe gắn máy lượn qua những quãng đường với nhiều thửa ruộng xanh mát, chạy dài đến tận những ngọn núi tròn mềm mại. Tôi có thể thấy núi Bửu Long xa xa ở bên kia sông Đồng Nai. Trong lúc nhìn một ngôi nhà nằm cô đơn giữa cánh đồng, tôi chợt nhận ra mình đang sống trên quê hương của một nhà văn mà tôi quí mến từ lâu. Nhà văn này là ông Tô Văn Tuấn, tức tác giả Bình Nguyên Lộc quen thuộc trong giới văn chương miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ông chào đời tại làng Tân Uyên, phía trên Tân Ba nếu chúng tôi tiếp tục đi tới thêm một khoảng ngắn trên con đường Liên Tỉnh 16 này. Từ ngày bắt đầu đọc truyện Bình Nguyên Lộc, tôi chưa bao giờ dám nghĩ có ngày tôi có thể đi qua những con đường mà ông từng sống nửa thế kỷ trước đây. Quãng đường từ Tân Ba về Tân Hạnh quả thật đã đến không ngờ trong trí nhớ quá xa xôi của tôi.

Trong mấy năm đầu mới đến Hoa Kỳ, tiền dành dụm sau những lần cắt cỏ cho người hàng xóm và rửa chén bát trong một tiệm ăn dưới phố Irwin của tôi thường được dùng để mua hai thứ: đĩa nhạc Mỹ và sách tiếng Việt. Tuy chữ lem nhem và mờ nhạt, những cuốn sách in lại trở thành dăm ba món tài sản rất quí giá đối với tôi, ở một nơi mà hiếm khi tôi nghe có người nói tiếng Việt, ngoại trừ tiếng của mẹ và em tôi. Với món tiền để dành rất giới hạn, tôi gởi mua được trên mười tựa sách, gồm nhiều tác phẩm của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và một cuốn của ông Bình Nguyên Lộc. Những quyển sách đầu tiên này đều được tôi bọc bìa bằng một loại giấy keo dính trong suốt. Tôi xếp sách trên một kệ gỗ do tôi đóng và đặt bên cạnh giường. Sau nhiều năm thay đổi chỗ ở và phiêu bạt qua các tiểu bang, chưa kể những lần bị người khác mượn sách, tôi vẫn còn giữ được cuốn “Đò Dọc” của Bình Nguyên Lộc. Sau này tôi được đọc nhiều tác phẩm khác của ông, kể cả truyện ngắn “Rừng Mắm” đầy xúc động tình quê hương và vài bài ông viết trong những ngày sống ở miền Bắc California. Tuy thế, tôi vẫn mến tập truyện dài “Đò Dọc,” không hiểu vì đó là tác phẩm đầu tiên của ông tôi được đọc ở một nơi đầy tuyết giá, hay vì lối viết vừa vui, vừa hiền, vừa sâu sắc tâm lý và cũng vừa dễ dãi, cà kê dê ngỗng, như một câu chuyện tiêu khiển thời giờ trên một chuyến xe đò về miền quê.

Rời đại học vào năm 1986, tôi ôm theo (nhét vào đáy va-li thì đúng hơn) cái bằng cử nhân nghệ thuật điện ảnh mà thày giáo có nói rằng không thể giúp kiếm ra tiền và cũng không nên khoe với bất cứ ai, kể cả vợ. Tôi lang thang đến Bắc California để tìm việc làm. Trong những ngày ở tạm nhà người quen trong vùng San Jose vào cuối mùa xuân 1987, tôi tình cờ đọc được một bài viết của ông Bình Nguyên Lộc lẫn lộn giữa những trang quảng cáo của một tờ báo biếu dầy cộm, nằm phất phơ bên ngoài một tiệm tạp hóa. Báo biếu hay báo “free” thường nằm chất đống bên ngoài những cửa tiệm vào chiều ngày thứ Sáu hoặc sáng thứ Bảy. Bài của ông viết về một chuyến thăm Phố Tàu tại San Francisco, cũng với chút dí dỏm và dễ dãi đáng mến của một người miền Nam. Điều tôi nhớ đến nhất trong bài viết là ông đang sống gần Sacramento, cách San Jose nơi tôi ở không tới hai tiếng đồng hồ lái xe.

Thế nhưng trước khi tôi tìm đến Sacramento để được gặp người tôi quí mến từ lâu, ông Bình Nguyên Lộc đã về cõi thiên thu. Tờ báo biếu đăng tin buồn với bức hình cũ của ông mờ ảo đằng sau làn khói thuốc trắng. Thế là bảy mươi năm sau khi rong chơi ở miền quê Tân Uyên, Biên Hòa, trải qua những năm tháng sôi sục máu lửa chiến tranh tại miền Nam Việt Nam, người có bút hiệu “con nai miền đồng bằng” đã vĩnh biệt cõi đời tại xứ người, ở một nơi được gọi là Rancho Cordova, California. Vào đầu thập niên 90, vợ chồng tôi rời Nam California và trôi dạt đến miền bắc. Trong thời gian tạm dừng chân và mở một tiệm sách tại Stockton, vợ chồng tôi tình cờ quen biết một người họ Tô cùng lứa tuổi với chúng tôi. Người này tự nhận là con trai út của ông Bình Nguyên Lộc. Tôi thất vọng khi biết anh không có sở thích văn chương như cha anh. Người con út ấy giỏi cờ tướng, có một cơ sở kinh doanh đang phát triển tại Sacramento và thỉnh thoảng liên lạc với tiệm sách của tôi, để kiếm thêm thân chủ tại Stockton.

Trên đường từ Tân Ba trở về Tân Hạnh, gió mát ngoài đồng xanh mời tôi vào quê hương của ông Bình Nguyên Lộc. Tôi thấy những nơi ông đã thấy và thở không khí mà ông đã thở trước đây. Phải chăng luồng khí âm ẩm mà tôi đang hít vào buồng phổi cũng là khí sống trong tác phẩm “Đò Dọc”? Tôi có thể thấy một ngôi nhà tranh “vách trỉ long mốt” đang nằm chơ vơ giữa một cánh đồng, được xây theo kiểu mẫu nhà tre đăng trên báo. Ở đó, gia đình ông bà Nam Thành và bốn cô con gái chưa chồng đã tìm được bình yên sau những năm tháng sống xô bồ ở ngoại ô Sài Gòn. Băng ngang những cánh đồng xanh mạ với một con đường đất quanh co, ẩn hiện sau những bụi tre, tôi có thể thấy công tử Quờn đang bị bốn cô Hương, Hồng, Hoa và Quá chọc ghẹo. Tôi chợt mỉm cười như đang ngắm công tử Quờn nửa nhà quê nửa thành thị mà ông Bình Nguyên Lộc đã khoác cho “bộ bi-da-ma màu hường, màu xanh lá cây mà cậu mặc mãi từ sáng đến tối, từ trong buồng ra đến quận lỵ.”

Quê hương thời thanh bình vào cuối thập niên 50 của ông Bình Nguyên Lộc giờ đây có còn mấy cậu công tử Quờn quê mùa một cách đáng yêu? có còn những cô gái xinh tươi chờ đợi một tấm chồng? Dọc theo Liên Tỉnh 16 này, có bao nhiêu cặp vợ chồng đang còng lưng hái những bó rau cà bắp giữa trưa nắng cháy? bao nhiêu ông cụ tám mươi tuổi còn hì hục sửa lại một miếng ván cầu bị xà lan phá đổ? và bao nhiêu đứa bé lem luốc đi bên cạnh con đường ồ ạt những chiếc xe tải, chở nặng một cuộc đổi mới đầy chụp giựt mà không ai biết sẽ đưa xứ sở đi về đâu?

Hoàng Mai Đạt

Nguồn:"http://hoangmaidat.com.''

tan hạnh.jpg 2

31 Tháng Ba 2024(Xem: 995)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 698)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 632)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 647)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1257)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 925)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1029)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1073)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 833)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
16 Tháng Ba 2024(Xem: 973)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
09 Tháng Ba 2024(Xem: 1292)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1013)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1135)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 726)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 955)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1040)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 1277)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1223)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1618)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.