Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - Ơn Thầy.

12 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 71806)
Nguyễn Trần Diệu Hương - Ơn Thầy.

 

ƠN THẦY

 

Nguyễn Trần Diệu Hương

 

 

Rất nhiều năm sau này, tôi bắt đầu hiểu được những hạt giống tốt thầy đã ra công gieo vào tâm hồn mới lớn của chúng tôi. Hạt giống năm đó, chưa đúng điều kiện, chưa thể nẩy mầm. Đến khi chúng tôi lớn lên, khôn ra, đúng thời điểm, hạt giống tốt ngày xưa nẩy mầm, đơm hoa, kết trái.

 

 

 

thay-content

 

 

 

Người Việt Nam với văn hóa Đông Phương có câu “Công Cha Nghĩa Mẹ Ơn Thầy”.

Từ thời Tiểu Học, thơ dại, học sinh đã được giảng dạy rất kỹ thế nào là Công Cha, Nghĩa Mẹ, Ơn Thầy. Hình như trong mười năm đầu tiên đi học, chúng tôi đã làm ít nhất là ba bài luận văn về đề tài này. Hồi đó, còn ngây thơ, khờ dại, đứa nào cũng ngồi cắn bút, gãi tai mà chỉ có thể thấy được một phần của Công Cha, Nghĩa Mẹ, Ơn Thầy. Lớn lên, “bước xuống cuộc đời”, dù có lạc quan đến độ nào, mọi người đều thấy không phải ai cũng thành thật với mình, không phải ai cũng chỉ bảo điều hay lẽ phải cho mình như cha mẹ và thầy cô.

Ở đây, xin được nói về Ơn Thầy, một trong những đạo đức căn bản của người Việt Nam.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ rõ tên của tất cả các thầy cô từ Mẫu Giáo ở Việt Nam đến Đại Học ở Mỹ. Những thầy cô ở Mỹ không để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc như các thầy cô ở Việt Nam, nhất là những thầy cô ở trường Trung Học Ngô Quyền.

 

Năm lớp sáu, mới đậu vào Ngô Quyền, “ốc tiêu” nhất trường, lớp 6/1 chúng tôi có thầy Đức dạy Hình Học vừa mới ra trường. Cả thầy lẫn trò đều bỡ ngỡ với ngôi trường Trung Học công lập lớn nhất miền Đông Nam Phần. Hình như thầy bỡ ngỡ nhiều hơn chúng tôi, vì chúng tôi có đến hơn năm mươi đứa bạn cùng lớp, mặc dù chúng tôi đến từ nhiều Trường Tiểu Học khác nhau, từ Trịnh Hoài Đức, Nữ Tiểu Học, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khắc Hiếu… Đầu năm lớp sáu, niên khóa đầu tiên trường có đến mười hai lớp sáu, so với chín lớp sáu của niên học trước, nên tuần đầu tiên ở Trung Học, có một số giờ, chưa có giáo sư, chúng tôi chỉ được chép chương trình (curriculum) do các thầy cô giám thị đưa xuống. Chép chương trình, và dặn dò học sinh mới chỉ mất tối đa là nửa giờ, nửa giờ còn lại chúng tôi có dịp làm quen nhau, và kịp “kết bè kết cánh” để xứng đáng là “thứ ba học trò”.

Tuần thứ hai, chúng tôi bắt đầu có giáo sư chính thức, và bắt đầu vào học thực sự. Lần đầu tiên thầy Đức đến lớp với quần xanh dương đậm, và áo chemise trắng, với dây nịt đàng hoàng, thầy lại còn mang theo một cái cặp nhỏ, trông giống học sinh hơn là thầy giáo. Đó là lần đầu tiên chúng tôi gặp thầy. Thầy vừa ra trường từ Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, còn lớ ngớ, và mang chất sinh viên nhiều hơn là thầy giáo. Chúng tôi tưởng lầm đó là một học sinh lớp mười hai đi lộn phòng học, thế là gần năm chục cái miệng đồng thanh:

-- Đi lộn lớp rồi!

Nhiều đứa còn chanh chua hơn:

-- Đi ra nhìn lại tên lớp học đi. Mắt mũi để đâu vậy? Có cần phải đeo kính không?

Một thoáng bối rối, nhưng thầy Đức bình tĩnh ngay:

-- Tôi là Đức, thầy giáo dạy Hình Học của các em. Lớp sáu một phải không? Chắc chắn là tôi vào đúng lớp, không lộn đâu. Các em trật tự lại.

Dĩ nhiên chúng tôi bẽn lẽn im ngay. Nhưng sau đó, trong niên khóa đầu tiên, biết thầy trẻ nhất trong các giáo sư và rất hiền, cả lớp chọc phá thầy nhiều nhất so với các thầy cô khác.

Có lần Tuyền bị gọi lên bảng trong giờ Toán, nó quên học bài nhưng đã rất tinh ranh để tránh khỏi điểm xấu.

Thầy hỏi:

-- Tại sao em không học bài?

Tuyền cười, tỉnh bơ:

-- Thưa thầy em có học. Nhưng tự nhiên bị gọi lên bảng đứng cạnh thầy, em run quá,

quên hết mọi định luật, định đề.

Mấy chục cái miệng con gái không hẹn mà cũng mở ra cười hết cỡ. Thầy Đức trẻ măng, có lẽ chỉ hơn chúng tôi khoảng mười tuổi, đỏ mặt lên, cho Tuyền về chỗ. Nhưng sau đó thầy dẹp ngay “mầm mống nổi loạn” bằng cách kể lại với giáo sư hướng dẫn là cô Nguyệt dạy Quốc Văn. Cô Nguyệt cũng trẻ nhưng đi dạy đã gần mười năm, nên cô đầy đủ kinh nghiệm để đưa chúng tôi “vào khuôn khổ”.

Ấy vậy, nhưng thầy Đức dạy rất kỹ, và đã tạo cho chúng tôi một căn bản rất vững chắc về Hình Học. Bao nhiêu năm trôi qua, tôi vẫn nhớ lời thầy:

-- Các em phải giỏi Toán, mặc dù môn Toán không có ứng dụng thực tiễn trong đa số

 nghề nghiệp, nhưng khi giỏi Toán, các em sẽ giỏi khả năng suy luận, yếu tố chính để thành công trong tất cả mọi lãnh vực.

Lời thầy lúc đó chúng tôi chưa thấy đúng hoàn toàn, nhưng hơn 20 năm sau, ở tuổi nửa đời người, chúng tôi hiểu thầy không chỉ dạy chúng tôi các trường hợp tam giác bằng nhau, những khái niệm về đường thẳng, đường cong, mà thầy còn tạo nền tảng cho khả năng suy luận của chúng tôi.

Năm đó, chúng tôi cũng có cô Liên dạy Nữ Công, hướng dẫn chúng tôi những bài học nữ công gia chánh, thêu thùa, nấu nướng, nghệ thuật làm “nội tướng” sau này. Cô Nguyệt dạy Cổ Văn xây nền móng đạo đức Đông Phương cho chúng tôi “Trai thì trung hiếu làm đầu, gái thì đức hạnh làm câu trau mình”. Cô Thanh dạy Kim Văn, kiên nhẫn dạy chúng tôi kỹ thuật viết những bài văn ngắn mạch lạc. Thầy Mẫn dạy vẽ, dạy chúng tôi biết thưởng thức tranh Picasso. Thầy Tỵ dạy nhạc đưa vào hồn chúng tôi những nốt nhạc trầm bổng cùng những bài hát thiếu nhi có tiếng sáo diều vi vu của mơ ước tuổi thơ. Thầy Mẫn dạy Pháp Văn dẫn dắt chúng tôi làm quen với ngoại ngữ đầu tiên trong đời…

Thầy Long dạy Vật Lý giúp chúng tôi suy luận và phán đoán những hiện tượng căn bản trong đời sống. Cô Tuyết dạy Hóa Học đưa đường dẫn lối cho chúng tôi nhìn mọi hiện tượng dưới lăng kính khoa học, và biết yêu thiên nhiên hơn.

Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn các thầy cô, nhưng phá thì vẫn phá, và hôm nào quên học bài thì có đủ thứ lý do để biện hộ.

 

Vào năm lớp bảy, năm học rơi vào đoạn cuối của chiến tranh, thời sự rất là dầu sôi lửa bỏng, nhiều nước mắt đổ xuống, chúng tôi vẫn nghêu ngao bài hát thầy Tỵ dạy chúng tôi năm đầu Trung Học “Tổ quốc vấn khăn tang, mây che phủ đầu…”. Nhưng thế giới học sinh của chúng tôi chưa bị khuấy động nhiều. Nên chúng tôi vẫn yên ổn học hành, vẫn yên ổn phá phách, mặc dù lòng có đôi lúc chùng xuống trước “đại bác đêm đêm, vọng về thành phố”, trước những tin tức chiến sự trên báo chí mỗi ngày.

Đa số chúng tôi vẫn trẻ thơ, vẫn chơi cò cò trước cửa lớp, vẫn cột áo dài lên, chơi u mọi trong giờ ra chơi. Nhưng một vài đứa trong lớp đã bắt chước người lớn đến trường với một lớp phấn hồng nhẹ trên má, với một lớp son phớt trên môi. Chừng đó thôi, so với các em cùng tuổi ở Mỹ bây giờ thì không có nghĩa lý gì. Nhưng thời đó, thập niên 70, đủ để các thầy, cô lên tiếng. Mở đầu là thầy Bình dạy Pháp Văn, cuối giờ học, sau khi đã hoàn thành một bài học mới, biết chia động từ ở quá khứ gần và xa, thầy chợt tằng hắng:

-- Đáng lẽ đây không phải là lãnh vực thầy nói với các em, mà nên để các cô, hay ba mẹ các em đề cập đến, nhưng vì thầy muốn các em có một thời mới lớn ngây thơ, trong sáng như tuổi mười hai, mười ba của các em nên thầy phải nói. Thầy không có ý phê bình bất cứ em nào trong lớp nhưng thầy chỉ muốn nhắn nhủ với các em rằng: người ta chỉ cần trang điểm khi người ta cần che dấu những vết hằn của năm tháng. Ở tuổi của các em, em nào cũng đẹp như những bông hoa hàm tiếu, không cần phải trang điểm các em vẫn rất đẹp vì các em đang bước vào những năm tháng đẹp nhất đời người.

Sau đó đến cô Diệp dạy Kim Văn, giáo sư Hướng Dẫn. Cô người Huế, tuy còn rất trẻ, nhưng rất nghiêm khắc, mặc dù cô rất thương chúng tôi:

-- Tại sao đang còn trẻ không muốn làm con nít, mà muốn làm bà già ở tuổi mười hai, mười ba? Trang điểm lên, các em vừa bị già hơn, mà làn da non mới lớn của các em còn bị tổn thương bởi những hóa chất trong mỹ phẩm. Người ta làm ra mỹ phẩm để giúp cho những người trên ba mươi tuổi che bớt những vết nhăn, đâu phải để cho những người mới lớn như các em hủy hoại làn da đẹp tự nhiên.

Rồi cô Khang dạy Vạn Vật, rất ít nói, mà cũng lên tiếng:

-- Người ta chỉ đi đóng phim, đóng tuồng khi người ta trưởng thành. Không ai trát phấn bôi son ở lớp bảy đâu các em ạ!

Cô Tài dạy Đại Số, vừa khôi hài, vừa mỉa mai:

-- Các em hơn cô nhiều, “trò hơn thầy là lớp có phúc”. Cho đến lúc rời trường Đại Học Sư Phạm cô vẫn chưa biết trang điểm.

Mãi cho đến bây giờ, đã xa rất xa thời tươi mát của tuổi mới lớn, mỗi lần phải “điểm phấn tô son”, lời thầy Bình, lời cô Diệp vẫn còn vang vang bên tai tôi.

Ngoài những bài học căn bản của lớp bảy, các thầy cô còn dạy chúng tôi rất nhiều điều, từ đạo đức căn bản của một con người, một công dân tốt đến tư cách một người đàng hoàng. Những đứa ngồi bàn đầu, đứa nào lỡ dại rung đùi, đều bị các cô nhắc nhở:

-- Con gái phải có ý tứ, không ai ngồi rung đùi như vậy, các em phải nhớ giữ ý tứ.

Hồi đó, còn thơ dại, nhiều lúc chúng tôi cũng bực mình vì bị bắt bẻ từng chút. Nhưng lớn lên, hiểu thêm nhiều điều, chúng tôi vô cùng mang ơn các thầy cô thời Trung học. Đôi khi các thầy cô chỉ dạy nhiều điều vượt quá khả năng hiểu biết của chúng tôi lúc đó, nhưng đã vẽ một đường đi rất rõ ràng, chính xác cho chúng tôi đến đạo làm người. Chẳng hạn, thầy Phận dạy Công Dân, cứ mỗi lần xong bài học, còn dư giờ, thầy đọc cho chúng tôi nghe một đoạn trong quyển “Le Petit Prince” của văn hào St. Exupery, tiếng Việt là “Hoàng Tử Bé”. Cho đến cuối năm lớp bảy, chúng tôi đã nghe trọn quyển sách triết lý nổi tiếng đó, nhưng… “nghe thì nhiều mà hiểu chẳng bao nhiêu!”

Khi lớn lên, ở tuổi hai mươi, tôi bắt đầu đọc lại “The Little Prince”, và đọc đi, đọc lại rất nhiều lần bằng cả ba thứ tiếng Việt, Pháp và Anh. Đến lúc tôi hiểu rõ mọi ý nghĩa triết lý của anh chàng Hoàng Tử bé hạt tiêu nhưng có những tư tưởng siêu việt thì tôi càng cảm nhận “Ơn Thầy” xứng đáng đứng hạng thứ ba sau “Công Cha, Nghĩa Mẹ”.

Cũng như thầy Phận, thầy Chí dạy Cổ Văn, (thầy chuyên dạy Triết ở Đệ nhị cấp, nhưng vì thiếu giáo sư, thầy dạy lớp chúng tôi) đã đưa vào tâm hồn chúng tôi những triết lý cao siêu của Phật Giáo, những “chánh kiến, chánh ngữ, chánh nghiệp…” mỗi cuối giờ Cổ Văn. Dĩ nhiên ở lớp bảy, chúng tôikhông hiểu gì hết! Lời thầy nói vào lỗ tai bên này, bay qua lỗ tai bên kia, bay vào hư không. Ấy vậy, mà những danh từ triết lý đó vẫn nằm ở một ngõ ngách nào đó trong tiềm thức chúng tôi. Rất nhiều năm sau này, tôi bắt đầu hiểu được những hạt giống tốt thầy đã ra công gieo vào tâm hồn mới lớn của chúng tôi. Hạt giống năm đó, chưa đúng điều kiện, chưa thể nẩy mầm. Đến khi chúng tôi lớn lên, khôn ra, đúng thời điểm, hạt giống tốt ngày xưa nẩy mầm, đơm hoa, kết trái. Chúng tôi mới hiểu ra những tư tưởng tốt đẹp các thầy muốn gieo vào tâm hồn còn trong trắng của chúng tôi lúc đó.

Bằng nhiều cách khác nhau, ngoài kiến thức căn bản của hai năm đầu Trung Học, các thầy cô đã tạo được một nền móng vững chắc của đạo làm người trong tâm hồn của mỗi chúng tôi.

 

“Ơn Thầy” được chúng tôi khắc ghi ở một vị trí đặc biệt trong lòng khi chúng tôi trưởng thành. Những học sinh ngây thơ của 7/1 ngày xưa, có đứa đã đứng ở bục giảng của trường Đại Học trong nước, có đứa đã đóng những vai trò chính yếu trong những công ty lớn, những bệnh viện từ Châu Mỹ qua Châu Âu, đã góp được bàn tay xoa dịu những bất hạnh đến từ mọi phía của những đồng bào không may. Và cũng có những thầy cô đã vĩnh viễn từ bỏ cuộc đời. Nhưng chúng tôi chưa có dịp nào để nói lời cám ơn từ tận đáy lòng, chưa mua được cho các thầy cô một món quà nhỏ nào. Nhưng hình như món quà lớn nhất mà chúng tôi đã mang lại cho các thầy cô là sự đóng góp của chúng tôi cho cả hai Tổ Quốc. Trong mỗi chúng tôi, có ba vị trí cao nhất trong lòng, chúng tôi vẫn dành cho Cha, Mẹ và Thầy Cô.

 

chsNQ Nguyễn Trần Diệu Hương

 

Với lòng tri ân sâu xa dành cho tất cả các Thầy Cô, những “người lái đò nhẫn nại” đã đưa chúng em đến bến bờ.

 

21 Tháng Ba 2023(Xem: 3721)
Úc là một quốc gia quân chủ lập hiến, là một liên bang phân chia quyền lực. Quốc gia này có chính phủ theo thể chế đại nghị, Quốc vương Charles III là nguyên thủ của Úc.
20 Tháng Ba 2023(Xem: 5963)
Nước Mỹ là miền đất hứa đã luôn mở rộng vòng tay chào đón và tạo cơ hội tốt cho bất kỳ ai, miễn là họ có khát vọng vươn lên và phải nỗ lực thực hiện bằng được khát vọng ấy.
13 Tháng Ba 2023(Xem: 4078)
Trưa Chủ Nhật, ngày 5 tháng 3, 2023 đồng hương Biên Hòa và một số thân hữu đã đến nhà hàng Paracel Seafood, Westminster tham dự buổi Tân Niên Hội Ngộ do Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Biên Hòa tổ chức.
13 Tháng Ba 2023(Xem: 4196)
Không dễ mấy ai có thể chối từ một số tiền lớn lao như vậy vào thời đó. Sự từ chối này làm nên nhân cách Uyên Thao và làm cho Sóng Thần có uy tín với độc giả, đông nhất là trong giới quân nhân.
12 Tháng Ba 2023(Xem: 3427)
Nhân ngày 8 tháng ba tôi muốn gửi đến họ lòng kính mến và cảm phục. Bởi vì họ đang vùng lên không phải chỉ cho phụ nữ mà vì sự tự do và công bình cho đất nước họ trên thế giới này.
11 Tháng Ba 2023(Xem: 3340)
Đêm nay hoa Quỳnh nở sớm, hình như những búp hoa đang nhẹ nhàng chuyển mình để rồi từ từ hé mở vào lúc nửa đêm. Trong tôi hình như cũng đang có ngàn nụ hoa Quỳnh nở sớm trước canh khuya.
10 Tháng Ba 2023(Xem: 3647)
Người đàn ông khôn ngoan, tinh tế, thông minh, có thể biến vợ thành người tình và người Hồng nhan tri kỷ một cách thật dễ dàng.
04 Tháng Ba 2023(Xem: 6057)
Sau khi trải nghiệm tàu ra vào kênh tôi không ngạc nhiên khi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã xếp kênh đào Panama là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
22 Tháng Hai 2023(Xem: 3453)
Với tôi, tháng Hai là tháng mùa đông tàn phai, chuẩn bị tâm hồn phơi phới cho những ngày sắp tới. Các bạn tôi giãy nảy lên, xúm vào bảo tôi “nói thách” sớm quá,
20 Tháng Hai 2023(Xem: 4822)
Nói chung, văn nghiệp của ông tạo ra một dòng chảy văn học miền Nam rất cá tính; nó tiếp lửa truyền thừa từ những nhà văn tiền bối và ngọn đuốc soi đường cho những người đến sau ông.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 8806)
thầy Nguyễn Kim Linh nguyên là giáo sư môn Vạn Vật trường trung học Gia Long. Năm 1965 thầy được Bộ giáo dục điều động về làm Giám học trường trung học Ngô Quyền
19 Tháng Hai 2023(Xem: 4568)
Cả hai con chim bằng đã gãy cánh trên vòm trời lửa đạn miền Đông khi tuổi đời chưa đến 25. Thương cho những kiếp sống ngắn ngủi trong thời chinh chiến.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 6442)
Trong lúc Kansas City Chiefs vui mừng trong rừng confetti thì đội Philadelphia buồn vì vừa đánh mất chức vô địch trong tầm tay khi chỉ còn 8 giây nữa là kết thúc trận đấu.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 4941)
Đến với tiệm Nam Tạo, dân ghiền đọc sách có thể tìm được bất kỳ thể loại sách nào, thậm chí khan hiếm ở các nhà sách lớn.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 3811)
Nàng đọc thầm những câu thơ Nam vừa gửi vào email: “Những rung động trong ngực thầm chan chứa/ Xin trao em làm tặng vật mùa xuân”.
16 Tháng Hai 2023(Xem: 3734)
Ở một nơi không phải đất nước tôi, tôi chứng kiến được nhiều bài học đạo nghĩa của chính dân tộc Ukraine, thay vì đào tẩu khỏi chiến tranh, trốn ở một đất nước yên bình khác,
12 Tháng Hai 2023(Xem: 4221)
Xin được thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ về một đàn anh NQ hiền hòa, điềm đạm và có hoài bão chung sức xây dựng hội ái hữu cựu HS của trường xưa
10 Tháng Hai 2023(Xem: 4230)
Chẳng biết từ lúc nào tôi đã thương mến thầm anh Phượng hàng xóm, anh hơn tôi chừng 7-8 tuổi, hát hay đàn giỏi, thỉnh thoảng buổi tối anh ngồi trước cửa nhà đàn hát,
10 Tháng Hai 2023(Xem: 5900)
Nàng chợt nhận ra… Ồ! bức tường nghiêng! Sao đêm nay nàng mới nhận ra bức tường của nàng đã nghiêng?!
05 Tháng Hai 2023(Xem: 4600)
Cuộc đời của Ba là sống cho người khác, cho gia đình, và giúp ích cho mọi người, xã hội, đúng với tên ông bà Nội đã đặt cho.Ba là thứ sáu trong gia đình, nên mọi người quen biết đều biết đến Ba là ông Sáu Nhơn.