Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG

07 Tháng Mười 201611:52 CH(Xem: 15402)
Nguyễn Thị Thêm - LỜI XIN LỖI MUỘN MÀNG
Lời Xin Lỗi Muộn Màng

 

Hắn và cô ta học chung một trường, một lớp.

 

Con đường về nhà hắn và cô ta chung một lối. Cái lối đi dài cả mấy chục cây số đó  như cuộc tình của hắn. Con đường còn có điểm dừng nhưng cuộc tình của hắn thì dài thiên thu. Bởi lẽ hắn yêu đơn phương và lẻ loi trên từng lối đi về.

 

Nhà của hắn nằm trên đoạn đường về của nhà cô ta. Cô ta đi xe hơi còn hắn đi xe đạp. Mỗi tối mẹ hắn ra đốt hương ngoài bàn thiên và lâm râm cầu khẩn. Hắn biết mẹ hắn đang xin xỏ ơn trên. Mẹ hắn chỉ có một mình hắn là con trai duy nhất. Thân mẹ góa con côi, bà đã hy sinh cả đời cho hắn, thì bà chẳng hề xin điều gì cho bà.

 

Lời cầu xin đến Phật Thích Ca, đến hầu hết mấy ngài Bồ Tát, hắn biết rõ là xin cho hắn. Chắc các vị đó cũng nhức đầu vì bà xin nhiều quá cho con, mà hắn thì chẳng có gì để các ngài động lòng. Hắn học thường thường, hắn không thông minh, hắn cũng chẳng đẹp trai gì. Xấu nữa là khác. Cái thành tích cá nhân tàng tàng như vậy, mà

 

 

mới từng tuổi này hắn đã biết yêu. Thế mới oái oăm cho cuộc đời của hắn.

 

Mỗi ngày hai lượt đi về, chiếc xe chở cô ta chạy ngang nhà hắn, bụi đường tung mù trời, bám lên những tàng lá cây chôm chôm xòe ra che một khoảng trời xanh.

 

Hắn biết rõ giờ giấc xe chạy và hắn đã đi thật sớm trên chiếc xe đạp cà tàng. Khi chiếc xe chạy ngang nhà thì hắn đã đi rồi, hắn sẽ bắt kịp cô ta trên đoạn đường vào phố quận. Ngay cái cầu nhỏ ranh giới giữa làng hắn với quận lỵ.

 

Khi toán học trò xuống xe và đi bộ vào lớp là lúc hắn đi ngang cô ta. Hắn tà tà đi sau cô ta một chút rồi đạp thật nhanh đến trường. Hắn cho xe vào bãi  khóa lại và đứng ở cạnh văn phòng trường để nhìn cô ta vào lớp. Khi cô ta đi ngang hắn, đôi mắt dửng dưng. Hắn nhìn cô ta và thân ái nở một nụ cười.

 

Hắn ngồi sau cô ta vài dãy bàn học và chăm chỉ làm tốt nhiệm vụ học trò của mình. Hắn ngắm cô ta từ phía sau một cách an toàn và bí mật. Không một người nào biết hắn thầm theo đuổi cô ta. Tuổi học trò khi mới biết nghĩ đến một người khác phái chỉ có vậy. Tình yêu hắn chỉ có vậy. Ngu ngơ và đúng theo bài bản của hắn.

 

Hắn chưa lớn đủ để biết thế nào là tình yêu. Hắn chỉ biết cô ta có cái gì đó đặc biệt hấp dẫn hắn. Hắn thích mái tóc dài cô ta cột cao ngỗ ngáo. Đuôi tóc lắc lư như cái đuôi ngựa,  quất qua quất lại ngang ngạnh như tính tình cô ta. Có khi cô ta tết lại thành hai cái bím dài rồi gập đôi lại bằng cọng thun. Tới giờ tập thể dục, hai cái bím và bô đồ đồng phục thể thao trông cô ta có nét gì thật lạ. Hắn lén nhìn mãi miết quên cả tiếng còi hiệu lệnh của ông thầy Phúc lùn lùn.

 

…..

 

Cô là con gái  duy nhất trong một gia đình toàn là con trai. Thân thế cô cũng chẳng có gì đặc biệt. Nhà cô không đến nỗi nghèo đến nợ nần chồng chất, cũng chẳng giàu để cô lên mặt lên mày. Ba cô làm tài xế cho sở cao su. Hàng ngày sau khi đưa dân cạo mũ ra lô là ông có nhiệm vụ đưa học trò ra quận lỵ để học. Cái sở cao su nhỏ bé chỉ có đến lớp nhì là hết, nên từ lớp Nhất trở lên các học sinh phải ra trường quận để học tiếp.

 

Chiếc xe chở học sinh ban đầu được chủ sở đóng cho hai hàng ghế để ngồi cho an toàn, lịch sự. Nhưng học trò mỗi năm mỗi đông, nên cuối cùng hai hàng ghế được dẹp đi để học sinh đứng vịn vào thành xe tới lớp, giống như những người dân phu ra lô mỗi ngày.

 

Cô là con tài xế nên được ưu tiên ngồi trước cabin. Đôi khi có những người có giang ra quận mang bầu hay già cả, bố già đuổi cô ra sau đứng với bạn bè. Cô cũng thích cái không khí quậy phá của tuổi học trò. Nên hôm nào được leo lên thùng xe để đứng phía sau cô thích lắm. Nhất là tới mùa trái cây. Cả bọn sắm những cây cù móc. Khi chiếc xe chạy tới, móc những chum chôm chôm vàng ươm hay đỏ mọng, giựt mạnh rớt vào thùng xe giành nhau ăn vui lắm.

 

Khoảng chôm chôm xòe nhánh ra ngoài đường nhiều nhất là ngay đầu đường. Nơi đó nghe nói là nhà của một số cô gái điếm. Tụi học trò đồn thổi với nhau như vậy, khi thấy nhiều cô gái ăn mặc lòe loẹt hay đứng trước nhà. Nhưng bà chủ của miếng vườn chôm chôm sai trái đó mới đáng nói. Mỗi lần xe học trò chạy qua là bà tức tối vô cùng vì bị hái trộm trái cây. Xe chạy qua rồi, nhóm học trò còn thấy bà ra đứng xỉa xói nói gì đó sau làn bụi đường mờ mịt.

 

 

Một buổi chiều trên đường về, xe học trò trờ tới, bà ta ra giữa đường chận xe. Tay lại cầm cái cây la mắng nhóm học trò phá phách. Bà mắng vốn với bác tài xế là ba của cô. Gương mặt bà ta không đến nỗi xấu, nhưng cơn giận và cách nói của bà làm cô không có thiện cảm tí nào. Nhìn đôi mắt giận dữ và hai tay quơ quơ hăm dọa, cô thấy bà ta thật dễ ghét.

 

Ba cô nỗi tiếng là người ít nói nhưng rất có uy. Ông để cho người đàn bà trút hết phẩn nộ rồi mỉm cười từ tốn:

- Bà chị thông cảm. Tui chỉ là tài xế lái xe. Trên xe, tụi con nít làm gì tui đâu có biết. Mà bà chị cũng biết rồi, học trò nó phá cho vui, chứ hái được mấy trái đâu khi xe đang chạy. Bà chị đừng nóng, thôi để tui la nó.

Rồi ông nhìn lên thùng xe, nghiêm giọng:

- Mấy đứa ngày mai không được nghịch phá hái trái cây nữa nghe chưa!.

Ông xoay qua người đàn bà, cười cười:

- Tui la tụi nó rồi. Bà chị yên tâm đi.

Ông chưa kịp leo lên xe để lái đi thì một tên học trò mặc áo trắng quần xanh lái xe đạp trờ tới:

- Má ! Cái gì vậy má?

 

Thì ra bà già khó ưa kia là má hắn, cái thằng học chung lớp với cô. Cái thằng dễ ghét, cứ nhìn cô cười cười. Ân oán bắt đầu từ đó.

 

Buổi sáng hôm sau, cô vào lớp và trong lúc không ai để y, trước khi toán trực kịp thời lau bảng. Cô vẽ một người đàn bà gương mặt dữ dằn tay cầm cây quơ quơ hâm dọa rồi viết lên hàng chữ “ Má thằng Sơn nè tụi bây”. Cô  thấy thật thỏa dạ đã trả thù cho cả nhóm học trò bị la mắng hôm qua.

 

Cô đã không có cảm tình với hắn mà má hắn chỉ vì mấy trái chôm chôm mà chận xe ba cô mắng vốn. Từ đó cô càng ghét cay ghét đắng cái thằng học dở mà còn hay lén nhìn cô cười cười. Nhiều bận cô mắng thẳng mặt.

- Cái gì mà nhìn tui cười hoài. Bộ mặt tui dính lọ nghẹ hả? Hả?

 

Hắn không nói gì. Mà biết phải trả lời sao khi cái mặt cô đỏ bừng tức giận. Hai con mắt to của cô mở lớn nhìn hắn như ăn tươi nuốt sống. Hắn lặng lẽ cúi đầu vội bước ra khỏi sân trường.

 

Có hôm cô cùng nhóm bạn ra uống đậu đỏ bánh lọt ở cái xe nước đá trước trường,  Hắn đã nhanh tay trả tiền dùm cho cô. Thay vì cám ơn thì cô lại trổ cái trò chanh chua ra mắng tét tát vào mặt hắn:

- Bộ tưởng tui nghèo đến không trả nỗi tiền ly nước hả. Đừng lên mặt làm phách nhà có vườn trái cây. Cái mặt thấy ghét.

 

Rồi cô thảy tiền trả lại hắn kèm theo một cái nguýt bén hơn dao.

 

…..

 

Rồi thì cái lớp của hắn và cô ta lên trường tỉnh để học. Học trò trường quận lên tỉnh như nhà quê lên phố chợ. Cả nhóm mướn nhà trọ gần trường để tiện việc đi học và cũng để giúp đở lẫn nhau. Ai có gia đình hay có bà con quen thì ở trọ do cha mẹ gửi gấm. Cô ta không ở trọ với các bạn nên hắn một lần nữa không thể cùng cô ta gặp gỡ hàng ngày.

 

Mà cũng lạ tại sao hắn không thể quên cô ta. Cô ta không đẹp để hắn có thể chết mê chết mệt. Cô ta cũng không hiền để cái nết đánh chết cái đẹp. Hắn đôi lúc cũng giận mình sao lại nhớ nhung.

 

Hắn biết nhà cô ta ở trọ. Khi những người bạn chưa ăn bửa sáng để chuẩn bị đi học, hắn đã phóc lên chiếc xe đạp ra đi. Hắn đứng nép mình bên một gốc cây cuối con đường trong xóm. Khi cô ta bước ra khỏi cái cổng nho nhỏ của căn nhà thì hắn dẫn xe đạp đi sau. Hắn chừa một khoảng cách để cô ta không thể nào mắng hắn.

 

 Thoáng thấy cô ta quay lại là hắn giả vờ nhìn trời cao mây trắng như không hề quan tâm tới ai. Đường chung ai muốn đi thì tự do. Gần tới trường, hắn phóc lên xe đạp chạy qua mặt cô ta . Hắn cất xe vào bãi và mặc dù hắn học ở tầng dưới, nhưng hắn vẫn lên lầu đứng ở cầu thang nhìn xuống. Khi cô ta bước lên cầu thang ngước mặt nhìn lên, chạm mắt hắn. Hắn nở một nụ cười thật tươi và hạnh phúc. Chỉ ngần đó thôi cũng đủ cho hắn có một ngày vui.

 

…….

 

Cô ta ghét hắn Không hiểu sao như vậy. Dường như kiếp trước hai người có nợ oan gia. “ Cái Thằng mặt thấy ghét” là câu cô ta nói về hắn dù hắn không làm gì để cô ta phải phật lòng ‎.Cái tiếng “Thằng” mà nhóm học trò thường gọi để chỉ về một đứa con trai, không cách gì thay đổi dù bây giờ đã lên Trung học đệ Nhị Cấp. Tuy nhiên với mấy đứa con trai khác, cô ta không hề ghét mà còn rất thân. Nhưng riêng hắn khi nhìn hắn cười cười với mình cô ta thật bực mình và giận lắm.

 

Cô ta biết hắn thích mình, nhưng tại sao bao nhiêu bạn gái cùng trường mà hắn không thích và đeo đuổi mà lại đi theo ám mình. Nhiều lúc cô ta muốn nói thẳng hay mắng cho hắn một trận nhưng dường như hắn tránh né sự đối diện chua chát đó. Hắn chỉ thích làm cái bóng, một cái bóng âm thầm đi sau cô ta.

 

Kỳ thi tú tài gần kề, đối với học sinh thời chiến, kỳ thi này quyết định vận mệnh con người. Thi rớt có nghĩa là bước vào đời quân ngũ. Nghĩa là chấm dứt tuổi học trò tươi vui để đối diện với súng đạn và cái chết.

 

Những ngày cuối cùng trong niên khóa. Một ngày hắn theo một người bạn vào thăm cô ta. Mặc cho cô ta và người bạn chuyện trò vui vẻ. Hắn vẫn ngồi im lặng lẽ nhìn. Khi tạm biệt ra về, lúc người bạn quay lưng ra cửa, hắn lột nón để cái đầu cạo trọc và nói nhỏ, giọng thật buồn “Tôi thương cô, tôi cạo đầu vì cô đó”.

 

Cô ta khựng lại một giây, một niềm hối hận trào lên. Không! Không đời nào cô ta có thể yêu hắn. Cô ta chỉ thấy lạ. Sao hắn lại dại dột như vậy. Bộ hắn không biết rằng cô ta ghét cay ghét đắng hắn hay sao? Mà thật lạ, sao mình không thể cho hắn một tình bạn như những người khác. Nhưng đã muộn mất rồi. Hắn đội mũ lên và đi thật nhanh ra khỏi cái cổng nhỏ của căn nhà cô ta ở trọ.

 

Cô ta thi đậu kỳ thi rồi lên thành phố học tiếp. Cuộc sống cuốn hút cô ta theo vòng xoáy của đời người. Cô ta quên bẳng đi hắn dễ dàng như quên những câu chuyện chẳng có gì đáng quan tâm.

 

……

 

Chiều nay trên tiền đồn người lính trẻ nhớ nhà quay quắt. Nhớ mẹ già, nhớ bạn bè và nhất là nhớ cái dáng của cô ta. Người con gái định mệnh đã làm hắn đau khổ triền miên. Nhìn những cô học trò trong làng đi về trong những tà áo dài trắng bay bay, hắn nhớ trường, nhớ lớp. Nhớ từng dãy ghế và chỗ ngồi từng người. Hắn đã từng hí hoáy ngồi vẽ hình cô ta với mái tóc cột cao như đuôi ngựa. Hắn nhớ dáng cô ta mỗi khi lên thuyết trình trước lớp. Giọng cô ta lúc sang sảng lúc trầm xuống theo cốt chuyện. Cô ta thật đẹp trong hắn.nhưng hắn biết không bao giờ cô ta chọn hắn.

 

Mặc kệ ! Hắn chỉ cần cô ta biết hắn yêu cô ta vô cùng. Còn gì tiếp nữa hắn giao cho định mệnh.

 

Hắn rút trong ba lô ra một tập giấy pơ luya (pelure) Hắn chọn màu xanh hy vọng và nắn nót viết thư. Hắn nói với cô ta đừng xé, hãy vui lòng nhận và đọc thư hắn như đọc một chuyện vui cười nào đó. Hắn kể chuyện lính tráng, chuyện vui buồn và nỗi nhớ triền miên.

 

Hắn không giỏi văn chương, nhưng thư viết là tất cả nỗi lòng chân thành của hắn. Một người lính đang đối diện với chiến tranh và cái chết. Niềm hy vọng là có một người con gái đang nghĩ về mình. Người con gái mà hắn yêu thương trong thầm lặng.

 

Hắn gấp thư lại, ngày mai sẽ gửi đi, hy vọng cô ta nhận được và đọc thư hắn với một nụ cười. Chỉ có vậy thôi mà hắn thật vui, thao thức cả đêm.

 

…..

 

Cô giáo ra khỏi cổng trường. Cô ta cảm thấy có gì lạ lạ vướng víu bước chân. Nhìn bên phải, cạnh quày hàng bán nước học sinh. Cô ta lại bắt gặp nụ cười ngày nào. Hắn ngồi đó nhìn cô ta với đôi mắt rực sáng mừng rỡ. Người bạn học ngày nào ngồi đó. Bộ đồ lính trông hắn khác đi, nhưng nụ cười và đôi mắt của hắn không thay đổi.

 

Cô ta không giận hắn, cô ta thoáng chút mừng là hắn bình an, nhưng đôi chân cô ta vẫn bước tới không dừng lại. Tại sao vậy, cô ta cũng không hiểu được mình. Chỉ biết những bức thư hắn gửi về cô ta đều đọc. Như hắn nói cô ta đọc như đọc một mẫu tin chiến sự. Những tình cảm của hắn không làm cô ta rung động mà đôi khi lại có ý nghĩ hắn ta tửng tửng, không được bình thường. Những lời lẽ như vầy cũng có thể nói ra. Đọc xong cô ta xé không thương tiếc và cũng không hề gửi lại cho hắn một lá thư hồi âm .

 

 Trong từng ngày tháng hắn kể, cô ta thấy cuộc sống hắn vất vả và hiểm nguy. Hắn bảo vệ cho cô ta ngồi yên đèn sách. Hắn đem sinh mạng của mình để cô ta bình an. Thế mà tại sao cô ta lại ghét hắn. Cô ta cũng không hiểu được, chỉ biết  là cô ta không hề có cảm tình với hắn, nhìn mặt hắn là cô ta ghét. Thế thôi.

 

Đôi lúc cô ta muốn viết cho hắn một lá thư để an ủi hay khuyên hắn quên cô ta đi. Nhưng khi ngồi lại bàn, trước tờ giấy trắng. Cô ta không thể nào viết được gì.

 

Hôm nay chắc là hắn ta về phép, nên tới trường thăm. Có nên dừng lại hỏi thăm hắn như một người bạn đi lính về thăm trường không? Nhưng dừng lại để nói gì với hắn khi trái tim cô ta không hề rung động. Hắn vẫn là hắn và cô ta vẫn là cô ta. Làm sao định nghĩa được tình yêu khi hắn chỉ là một chiếc bóng lẻ loi bên đời cô ta.

 

Thế rồi sau mấy ngày thấy bóng hắn lãng vãng trước cổng trường, cô ta không thấy hắn xuất hiện. Một nỗi buồn và ân hận dâng lên. Cô ta tự trách mình tàn nhẫn, cô ta phát hiện mình ích kỷ và đáng ghét. Tại sao lại khép lòng với một người chân thành như hắn. Tại sao không cho hắn một tình bạn để hắn có niềm vui mà tiếp tục cuộc đời binh nghiệp đầy chết chóc. Liệu lỡ hắn chết đi hay vì chút tình vô vọng này mà tâm trí bất thường thì mình sẽ ân hận suốt đời. Sẽ gánh cái nghiệp này biết bao giờ mới trả xong...

 

.....

 

Chiều nay, cô giáo già ngồi trước máy, những con chữ nhảy múa trước mặt. Thêm một lần trường xưa họp mặt. Những kỷ niệm đẹp thời áo trắng thơ ngây lại hiện về . Ngôi trường thân yêu thời trung học với bao nhiêu gương mặt bạn bè thương mến.

 

Cô ngồi nhớ tên từng người. Điểm mặt từng người rồi cười hạnh phúc. Cô ta nhớ lần về họp mặt năm nào. Những người bạn cô đã bước qua cái tuổi 60 mà vẫn giữ được tình bạn thân ngày xưa.

 

Những nụ cười thương yêu thân thiện, Những cái bắt tay,. Những bài thơ hồi đi học cùng nhau đọc thật vui. Chở nhau trên những chiếc xe honda. Những ông bà nội ngoại thấy mình trẻ lại, hồn nhiên và hạnh phúc.

 

Nhìn bạn bè cùng đến chung vui chào đón người bạn già phương xa về thăm. Cô chợt thấy vắng một người. Một người mà trong lương tâm cô rất muốn gặp mặt.

 

50 năm đã trôi qua rồi, cái tuổi trẻ nông nổi, kiêu ngạo ngày xưa đã không còn. Thời gian và cuộc sống đã cho cô thấy ý nghĩa của tình người và thế nào là hai chữ tình yêu. Sự đào thải của thời gian và giá trị thực sự của con người để quay về bản ngã và tâm đạo, khiến lương tâm cô ta không yên.

 

Cô giáo già thấy mình cần phải nói lời xin lỗi sau bao nhiêu năm lặng im.

 

 

Người bạn ngày xưa ơi!

 

Tôi chân thành xin lỗi bạn. Trong đời tôi, đây có lẽ là lỗi lầm lớn nhất. Đó là đã làm tổn thương người khác. Mặc dù trái tim nó có lý lẽ riêng của nó. Tôi không thể đáp ứng tình yêu của bạn cũng như nhiều người đã từng tỏ lòng với tôi. Nhưng đối với một người bạn thời trung học thơ ngây, tấm chân tình bạn đã dành cho tôi bao nhiêu năm. Tôi cảm thấy mình vô cùng có lỗi.

 

Hãy tha lỗi cho tôi với những cữ chỉ vô ý thức ngày nào, Hãy thông cảm cho tôi khi thuở ấy tôi chưa biết yêu và chưa biết sự đau khổ của tình yêu tuyệt vọng. Khi nhận những bức thư bạn gửi về tôi đã dửng dưng và còn có ý khinh ghét bạn.

 

Tôi muốn một lần về lại quê hương để đối diện với bạn, dù bạn có ra thế nào chăng nữa, tôi cũng sẽ đến trước mặt bạn mà xin lỗi. Xin lỗi không phải tôi hối hận vì tôi không chọn bạn đi cùng tôi đi suốt đoạn đường đời. Cũng không phải vì bây giờ tôi nghĩ lại mà tiếc nuối.

 

Tôi xin lỗi vì ngày xưa tôi không biết xử thế mà cho bạn một tình bạn đơn thuần như những người bạn khác. Tôi không hiểu sao lúc đó tôi ghét bạn thậm tệ. Ghét đến không muốn nhìn mặt hay nói một lời nào. Có lẽ chúng ta có ân oán từ kiếp trước nên khiến như vậy. Tôi không đùa với tình yêu của bạn, cho nên tôi không có lỗi trong cuộc tình này. Tôi chỉ hối hận là không đối xử với bạn nhẹ nhàng hơn. Cho bạn một tình bạn chân thành để bạn có một lối thoát trong mối tình vô vọng xâu xé cuộc đời bạn.

 

Hy vọng bạn đọc được những lời này của tôi và mỉm cười tha thứ.

Hy vọng chúng ta có dịp gặp mặt nhau. Những người bạn già ngồi lại uống với nhau ly trà. Kể chuyện đời, chuyện con cháu và trân quý cái thời trung học thơ ngây.

 

Bởi vì, theo tôi không có tình bạn nào tươi đẹp và trong trắng như tình bạn thời cắp sách đến trường. Nó đơn thuần là tình bạn không tỵ hiềm, bon chen. Không đấu đá nhau vì miếng cơm manh áo. Không lo lắng sinh kế hay phân biệt giàu nghèo.

 

Tình bạn đó như kim cương bền vững với thời gian. Dù bây giờ nhiều bạn đã nằm xuống. Nhiều bạn đang đấu tranh với những căn bệnh tuổi già hay chật vật vì cuộc sống.

 

Tôi hy vọng sẽ cùng các bạn họp mặt vui vẻ, thăm thầy cô, và nói với nhau những lời chân thành nhất.

 

Riêng bạn, hãy nhận cho tôi một lời xin lỗi muộn màng.

 

 

NTT.

Hè 2016

 

 

 

 

 

 

 

22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1904)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1697)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5442)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5703)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1922)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5012)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3698)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2290)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2241)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 2620)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2659)
tôi đã không có cơ hội nào thực hiện cái lời hứa ấy. Sau này, gặp lại được hai dì cùng lứa tuổi dì Xinh tỵ nạn sang đây. Họ đã không biết gì về số phận dì Xinh nữa.
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2557)
“…Em yêu phút giây này Thầy em, tóc như bạc thêm Bạc thêm vì bụi phấn đã cho em bài học hay Mai sau lớn nên người .Làm sao, có thể nào quên?
06 Tháng Mười 2023(Xem: 2586)
Những tiến bộ điện tử giúp ích con người nhiều mặt nhưng cũng có mặt chúng làm thui chột trí óc và thể chất của chúng ta tỉ như làm chúng ta lười suy nghĩ
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2814)
Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3054)
Kể từ đó tôi đã có hướng nhìn rõ hơn về tương lai của mình là khi lớn lên tôi phải trở thành một nhà giáo, đó là một mơ ước mà tôi phải cố gắng biến nó thành hiện thực.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2934)
sau gần nửa thế kỷ tồn tại qua những thăng trầm biến động của thời cuộc, rạp KH vẫn còn hiện hữu mãi trong ký ức của người dân BH xưa về một thời huy hoàng tráng lệ ...
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2744)
giáo chức sĩ quan biệt phái tức là những thầy giáo do lệnh tổng động viên đã phải nhập ngũ một thời gian trưỡc khi được “biệt phái” về dạy học lại cũng phải đi “học tập cải tạo”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2854)
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2760)
Xin ghi nhận như một lời chia sẻ về một nhà văn lớn đã khuất. Tôi nghĩ viết một nhà văn lớn không bao giờ là thừa, dù thời đã qua.
10 Tháng Chín 2023(Xem: 2858)
Mất một chiếc vớ kể như mất cả đôi, chẳng thể mang một chiếc nhảy lò cò mọi nơi. Còn một thúng vớ lẻ bạn đang nằm thương nhớ kẻ bạc tình thì sao?