Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - NGƯỜI LÍNH SAU CUỘC CHIẾN

12 Tháng Tám 201610:51 CH(Xem: 15169)
Nguyễn Thị Thêm - NGƯỜI LÍNH SAU CUỘC CHIẾN
nguoi linh-1

 

Đại nhạc hội "Cám ơn Anh người thương phế binh VNCH" kỳ 10 đã kết thúc vào ngày chủ nhật. Một ngày chủ nhật đẹp trời.

Tôi không có điều kiện để đến tận nơi tham dự. Nhưng tôi vẫn theo dõi xuyên suốt bằng chương trình chiếu trực tiếp của đài SBTN.

Cứ mỗi năm Hội HO lại tổ chức một lần và Bà Hạnh Nhơn đã lên trước máy khai mạc buổi lễ.

Tôi nhìn bà Hạnh Nhơn mái tóc bạc trắng lên ngỏ lời cùng tất cả mọi quan khách, trong tôi lại dâng lên một niềm cảm phục. Với giọng Huế dịu dàng, với tất cả tâm tư, bà mẹ của những người con HO đã trải lòng cho tất cả mọi người: Những người lính VNCH, những người thương phế binh còn trong nước. Thật cảm động khi với số tuổi 90 bà còn xinh đẹp và tráng kiện như vậy.

Ơn trên đã cho chúng ta một người thật đáng ngưỡng mộ như bà Hạnh Nhơn. Khi cả hội trường hát chúc mừng sinh nhật bà, tôi cũng lẩm bẩm hát theo. Bởi vì tận đáy lòng tôi, tôi cám ơn bà và cầu nguyện cho bà thật nhiều sức khỏe và bình an.

Chương trình buổi lễ, chương trình văn nghệ và số tiền của các mạnh thường quân đóng góp ai cũng biết. Tôi chỉ ghi lại những gì tôi nghĩ về người lính về những thương phế binh. Những người đàn ông trong cuộc chiến trên quê hương VN nhiều đau thương của chúng ta.

 

........

 

Thú thật, có nhiều người không thích nhìn những người lính thật hay giả lính, mặc quân phục của quân lực VNCH. Họ nói mặc như vậy chỉ để phô trương, để trình diễn, là không tôn trọng sắc áo này.

Họ không thích nhìn nhìn những ca sĩ mặc bộ quân phục tinh tươm đóng vai người lính, hay những người phụ nữ chưa biết gì về chiến trận lại mặc đồ nữ quân nhân.

 

Tôi lại không nghĩ như vậy. Như Đỗ Tân Khoa mặc áo lính với cấp bậc của gia phụ, em ấy hẳn rất hãnh diện về cha mình. Người con biết tự hào về quá khứ của người cha sẽ làm người cha sung sướng và hạnh phúc. Lý tưởng của người cha đó phải là một lý tưởng tốt đẹp, có giá trị đạo đức và đáng cho con ngưỡng mộ.

 

Cũng có thể những ca sĩ trẻ hiện nay họ chưa bao giờ đi lính VNCH, họ chưa bao giờ biết về chiến trận một thời ác liệt. Nhưng khi khoác bộ đồ lính ngày xưa, trong trái tim họ đầy ắp những hình ảnh oai hùng hay tình cảm dạt dào của người lính trận. Người lính đó có thể là cha, là anh là những người họ từng quen biết, hoặc đã nghe kể lại với tất cả sự tốt đẹp làm họ ngưỡng mộ.

 

Người phụ nữ mặc bộ đồ nữ quân nhân tôi tin chắc họ hãnh diện về sắc phục họ mang trên người. Phụ nữ thích làm đẹp, khi ra mắt mọi người thiếu gì quần áo để họ khoe dáng. Thế nhưng khi họ khoác lên người bộ đồ nữ quân nhân hay chiếc áo dài có lá cờ VNCH là họ đã khẳng định lập trường chính trị của họ. Những người phụ nữ ấy họ đang dấn thân, họ đã can đảm hơn những người phụ nữ khác.

 

 

Tôi nhìn các anh quân nhân trên khán đài với sắc áo nhiều binh chủng. Tôi đã chỉ cho con, các cháu tôi biết quân phục nào thuộc binh chủng nào ngày xưa. Và tôi sẽ có dịp nói cho chúng biết về một thời VN chinh chiến. Chúng sẽ thấy lại bộ quân phục mà ngày xưa cha ông chúng đã mặc và chúng hình dung lại dáng dấp thời trai trẻ của ông.

Để chúng biết cha hay ông chúng cũng có một thời ngang dọc dấn thân vì lý tưởng bảo vệ tổ quốc. Để chúng tôn trọng màu cờ, sắc áo mà cha ông chúng đã từng liều thân phục vụ.

 

Nhưng khi mặc bộ quân phục người lính VNCH, xin hãy mặc cho đúng , đừng cẩu thả quần này áo kia, giày dép lộn xộn. Xin hãy tôn trọng nó, vì đó là kỷ niệm, là hồn nước, là một cái gì ta quý mến và bảo tồn. Hãy nghĩ trong bộ quân phục này bao nhiêu anh linh đã nằm xuống, bao nhiêu máu xương đã đổ ra. Bộ quân phục này đã đi vào quá khứ như đất nước còn đó mà màu cờ đã đổi. Khi khoác vào người là ta đang truy điệu một cái gì tốt đẹp trong tâm tưởng, ta yêu mến và hoài niệm chứ không phải là biểu diễn thời trang.

 

Khi mặc quân phục xin hãy giữ gìn tư cách của một người lính VNCH. Đừng xem nó như một cái áo mua đâu đó, muốn làm gì cũng được. Đừng mặc bộ đồ lính mà la cà nhậu nhẹt, có hành vi thất thố khó coi, hay lòe loẹt hoa hòe diêm dúa.

Như vậy ta mới tôn trọng màu cờ sắc áo của người lính VNCH  và ta mới tôn trọng chính bản thân ta.

 

Có một điều không biết các bạn có để ý không? Khi các bạn đi ra ngoài đường trong hay ngoài nước Mỹ, các bạn ít khi, rất ít khi gặp những người trên đường mang quân phục Hoa Kỳ.

 

Điều này khác với thời đại chúng ta trước 75, những người lính mặc quân phục có mặt khắp nơi. Trong quán bar, trong công viên, ngoài đường.... Song song đó những chiếc xe chở các người lính Quân cảnh cũng hiện diện để giữ trật tự, vì những người Cảnh Sát Quốc Gia không có quyền làm việc với lính.

 

Nhưng ở nước Mỹ này người lính chỉ mặc quân phục khi thi hành nhiệm vụ, trong những nơi cần thiết nhất. Nếu không họ sẽ mặc đồ thường dân. Vì mặc quân phục là phải thực hiện đúng  hành vi và phong cách người lính. Phải chứng tỏ được đạo đức, tác phong và ứng xử  của một quân nhân.

Còn có một một nguyên nhân rất quan trọng mà người lính Hoa Kỳ không mặc quân phục khi về thăm nhà, đi chơi, hay trên đường ra đơn vị là sự an toàn cho bản thân họ.

 

.......

 

Khi con cháu tôi hỏi vì sao chồng tôi suy nhược cơ thể, đau bệnh như vậy. Vì sao trong những đêm ngủ ông hay hoảng hốt, sợ sệt hay la hét bất thường. Tôi đã nói với chúng là chồng tôi bị tù tội hơn 8 năm. Những ngày kinh hoàng đó đã ảnh hưởng đến tâm lý của ông.

Chúng sẽ hỏi "Tại sao lại phải đi tù?"

Vâng! Thật sự chỉ những ai có hành vi xấu, có những việc làm trái với pháp luật mới bị tù. Theo sự giáo dục ở xứ người, người ở tù phải  là những người xấu, giết người, cướp của, dâm ô, biển thủ, có hành vi phá hoại nền an ninh quốc gia hay có một âm mưu làm tổn hại đất nước.... nghĩa là những người thật sự có tội theo luật pháp.Vì luật pháp rất công bình và không phân biệt đối xử bất cứ ai.

Nhưng có một loại tù mà người đi tù lại vui vẻ lên đường, tự mình đem theo thức ăn và không biết mình bị tội gì, bị kết án bao lâu. Đó là đi tù Cộng Sản mà có tên gọi là "Tù cải tạo".

 

Những người tù cải tạo thật sự họ có đáng bị tội hay không? Có hay không tùy theo suy nghĩ của hai phía. Khi người lính VNCH buông súng đầu hàng, có nghĩa là họ chịu thua cuộc. Họ đồng ý chấp hành theo lệnh của chính quyền mới. Họ chỉ mong trở về sum họp gia đình làm ăn lương thiện như một người dân bình thường. Thế nhưng họ bị đối xử ra sao ai cũng biết. Họ ở tù không có án, gia đình họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Cuộc sống tối tăm, sự trả thù tàn độc giáng xuống toàn cõi miền Nam VN.

 Lịch sử Hoa kỳ, sau cuộc chiến Nam Bắc, người lính phía bên kia được đối xử thế nào. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, người phía bên kia có cuộc sống ra sao? Tại sao đất nước họ phú cường và văn minh ai cũng kính nễ. Họ cũng là dân một nước, dù đối nghịch nhưng họ thật sự đặt quyền lợi tổ quốc lên hàng đầu. Họ coi chiến tranh như chuyện chẳng đặng đừng và họ muốn cùng nhau xây dựng đất nước hùng mạnh.

 

Người lính VNCH không hiếu chiến, họ là những sinh viên, học sinh bị tổng động viên khoác áo lính để bảo vệ tự do, bảo vệ đất nước.

Người học sinh đang học lớp 11 thi rớt Tú Tài phải vào trường Hạ Sĩ Quan Nha Trang. Người có mãnh bằng Tú Tài 1 thi rớt phần hai hay những sinh viên Đại Học, phải vào Thủ Đức. Những thầy giáo đang vui với học trò phải dừng lại biệt phái vào lính khi tình hình chiến sự gay go.

 

Người lính VNCH tình nguyện hay có lệnh tham gia quân ngũ vì họ phải bảo vệ đất nước. Bảo vệ từng tấc đất, từng thước biển quê hương. Bảo vệ nền an ninh lãnh thổ để người dân hưởng hạnh phúc an vui. Để những học sinh hồn nhiên ôm cặp đến trường mà không hề có tư tưởng thù ghét một ai.

 

Những người đó không hề muốn "Xẻ Trường Sơn để phơi thây quân thù" họ không hề" Muốn uống máu kẻ địch " bởi vì kẻ địch đối với họ là đồng bào, là anh em cùng giòng giống Lạc Hồng. Họ chỉ muốn chận đứng bước chân xâm lược, họ không muốn làn sóng đỏ nhuộm khắp VN. Họ chỉ muốn người dân được sống trong tự do, cơm no áo ấm.

Cũng có thể từ những tư tưởng nhân hậu đó mà họ bị thua, họ bị xe tăng và tham vọng của CS Trung Cộng cày nát đất nước.

 

Chúng ta phải giải thích cho con cháu những người HO nghe và hiểu, lý do tại sao những người HO phải ở tù CS và tại sao chúng ta có mặt ở đất nước này. Đó là việc phải làm để trả lại sự trong sạch và tư cách của nguời lính VNCH, cũng như sự kính trọng người chủ gia đình trong tâm tưởng con, cháu.

 

Những người quân nhân sĩ quan VNCH sau bao nhiêu năm tù tội trở về. Họ như một con người chết đi sống lại. Họ chịu đựng bao nhiêu là khổ nhục về thể xác cũng như tinh thần. Bao nhiêu người đã bỏ mạng vì bệnh tật, đói khát và sức tàn lực kiệt trên rừng núi hoang vu.

 

Khi được tờ giấy tha trại trở về, người tù CS với hai bàn tay trắng,một thân thể suy tàn, bị sự theo dõi chặt chẻ của chính quyền địa phương. Mỗi ngày phải trình diện, không thể tìm được việc làm và biết bao điều oan khuất không biết bày tỏ với ai.

 

Người tù CS ra một nhà tù nhỏ lại phải sống trong một nhà tù lớn và đau đớn hơn khi tận mắt nhìn vợ con vì họ phải sống kham khổ và mất hẳn tự do mà họ bất lực. Những đứa con vì cái lý lịch ngụy quân không thể tiếp tục học hành, cuộc sống bị đàn áp ngóc đầu lên không nỗi.

 

Một số có điều kiện tìm cách vượt biên dù phải đánh đổi bằng sinh mạng của mình.

Một số đành chịu đựng lê lết sống qua ngày và chương trình HO là một vận may để họ và con cái được tìm đến bến bờ tự do.

 

Họ dù không mang thương tật ngoài cơ thể nhưng họ cũng bị ám ảnh kinh hoàng về tinh thần. Những hậu chấn đó theo họ suốt đời, ám ảnh dày vò họ suốt đời.

 

Một số người đủ sức khỏe có điều kiện vươn lên để làm lại từ đầu và đã thành công. Cũng có người quá suy yếu không đủ khả năng làm việc. Tinh thần hoảng loạn, họ mang những mặc cảm về sự suy kiệt của cơ thể, những ám ảnh về những ngày kinh hoàng trong trại tù nên họ sa sút tinh thần rất nặng. Họ vô hình chung cũng là những thương binh.

 

Không nói đâu xa, sau cuộc chiến tranh với Iraq và Afghanistan số quân nhân người Mỹ phải vào bệnh viện điều trị, theo thống kê mà chương trình SBTN do Đỗ Dũng và Mai Phi Long phụ trách đã cho biết con số là 886.161 người và số quân nhân trở về nhận tiền disability là 83.000 người. Một con số không phải nhỏ.

.......

 

Chiến tranh kết thúc rồi, bao nhiêu người lính bị thương nằm ở Tổng Y Viện Cộng Hòa và các y viện quân đội khác bị đuổi ra đường.. Một hình ảnh thương đau và bất nhân chưa từng có. Các anh đã chịu sự nhục nhằn của tâm hồn và sự đớn đau tột cùng của cơ thể. Chỉ tưởng tượng đến cảnh đó thôi trái tim ta cũng nhói đau.

 

Những vết thương do chiến tranh xé nát thịt da, nằm một nơi có giường nệm êm ái, có Bác Sĩ y tá túc trực chăm sóc mà người thương binh còn không thể chịu đựng được. Hà huống gì phải mang vết thương đó bò ra ngoài đường trong khung cảnh náo loạn của một đất nước thay ngôi đổi chủ. Thật là kinh hoàng và đau xót tận cùng.

 

41 năm, bao người người thương phế binh đã sức tàn lực kiệt ra đi. Biết bao nhiêu người vợ lính chịu thương chịu khó chăm nuôi chồng sống đến giờ này. Các chị mới thực sự là những phụ nữ Việt Nam can trường và mẫu mực. Tôi đã thấy những người thương phế binh VNCH lang thang trên đường bán vé số, hay dìu nhau trên những chuyến xe đò xuôi ngược hát rong. Họ tàn tật nhưng trong đôi mắt họ không cảm thấy nhục nhã vì công việc mình làm. Họ cất cao tiếng hát, những bài hát về lính bị cấm đoán. Họ dường như hảnh diện  nói với mọi người" Tôi là người thương binh VNCH"

 

Tại sao vậy bạn có biết không? Vì họ sống có lý tưởng. Vì họ thấy sự hy sinh xương máu của họ chính đáng. Vì họ hảnh diện về màu cờ sắc áo họ phục vụ. Đó là sự an ủi vô bờ trong cuộc đời bất hạnh.

 

Người lính "Giải Phóng Miền Nam" sống trong sự no ấm của chế độ Cộng Hòa, lại phản bội nghe theo lời tuyên truyền của CS là đuổi Mỹ để xây dựng một cuộc sống CS thiên đường. Họ không thể tưởng tượng được cuộc sống ngoài Bắc dưới chế độ CS ra sao. Họ ngây thơ nghĩ rằng sau khi hòa bình lập lại họ có quyền có thế, sẽ là những người cầm quyền ở miền Nam VN. Họ đã bừng tỉnh và tìm thấy cái thiên đường đó ngay sau khi bộ đội Bắc Việt hống hách lẫn ngờ nghệch tràn ngập các nẽo đường miền Nam.

Sau bao nhiêu năm "Giải Phóng" họ đã sống trong cái thiên đường mà chính họ đem lại. Gia đình và bản thân họ cũng đã bị "giải phóng " nhiều thứ thật oan uổng và bất công.

 

Người lính "Bộ Đội Bác Hồ" lại càng vỡ mộng hơn khi tiến quân vào Sài Gòn. Mọi thứ lạ lùng, tuyệt vời như lạc vào một nơi nào đó văn minh xa vời trên trái đất. Họ choáng ngợp một Sài Gòn đầy sức sống, họ thấy công vượt Trường Sơn của họ phải được đền bù. Từ đó đổng, đài, xe đạp và mọi thứ theo chân họ trở về miền Bắc. Họ biết mình bị lừa gạt, bị  tuyên truyền và họ ước ao:"Giá miền Nam tiến quân ra giải phóng quê hương nghèo đói miền Bắc, thì bây giờ cuộc sống  đã sung sướng no ấm biết bao nhiêu"

 

Xã hội miền Bắc là một xã hội mạnh được yếu thua, đạp lên nhau mà đi tới, triệt hạ kẻ địch bằng mọi giá. Thế là nhìn đâu cũng thấy địch, những màn đánh tư bản, đổi tiền, điều tra lý lịch ba đời để gạn lọc, để thanh trừng, để tẫy não được đem ra áp dụng cho toàn cõi miền Nam.

Cái bẩy đã xập xuống, những người miền Nam chỉ thoi thóp chờ chết.

 

Những văn nhân, những người thật lòng nghĩ đến dân tộc càng bị đau đớn hơn. Họ bị vết thương tâm hồn còn thê thảm hơn vết thương trong cơ thể. Họ biết mình bị lừa, bị dối trá, bị bịt mắt dẫn đi trong tăm tối bao nhiêu năm qua.

Họ cũng là những thương binh sau cuộc chiến. Vết thương trong tâm hồn họ đi theo những sai lầm của chế độ càng ngày càng tàn phá, hỏi tội lương tri.

 

Sau 41 năm mọi sự thật được phô bày. Người thắng, người thua đã rõ ràng ai đúng ai sai. Thời đại khoa học tân tiến, Internet đã kết nối và phán tán mọi thông tin. Người dân đã rõ mặt ai mới là người yêu nước. Chính thể nào vì dân, vì tự do dân chủ, bảo vệ chủ quyền. Chính phủ nào mị dân, bán nước và ỷ thế cậy quyền. Người dân thấp cổ bé miệng bị đàn áp không thể nói ra hay chống đối, nhưng trong lòng mỗi người đều đã có phán xét và lập trường.

 

Người thương binh cả hai phía đều bị tàn tật và đau đớn thể xác như nhau. Dù những người thương binh, liệt sĩ của phía bên kia được hưởng tiêu chuẩn phụ cấp, nhưng không đủ và không công bằng.

 

Những bà mẹ liệt sĩ chẳng đã phải xuống đường biểu tình đòi đất. Mãnh đất ông cha để lại hay khai phá bằng cả mồ hôi lẫn nước mắt. Nơi chôn nhau cắt rún, nơi sinh ra người liệt sĩ đang ngồi trên bàn thờ kia đã bị chiếm đoạt bất công. Thế nhưng, mọi kêu gào đều vô ích, lợi ích cá nhân và những hợp đồng béo bở đã che mất lương tâm và trách nhiệm vì nước vì dân của giới chức cao cấp lãnh đạo, cầm quyền.

 

 Những liệt sĩ đã sinh Bắc tử Nam, có người chết với chân đã bị xiềng trên những chiếc xe tăng tiến về Sài Gòn,. Có người chết vì đói, vì bệnh, vì đạn hay bị bỏ rơi dọc Trường Sơn.

 

Cái chết nào dù bên này hay bên kia cũng đều đau thương như nhau. Cũng là một con dân Việt như nhau. Nhưng chết vì lý tưởng tự do vì dân, vì nước, linh hồn sẽ thanh thản, an vui.Còn chết tức tưởi vì bị lợi dụng cho một mục đích xâm lược thì linh hồn người chết mới vật vờ u uất không thể nào siêu thoát.

 

Người thương binh Cộng Sản có tự hào về một nước VN bị Trung Cộng lấn áp bốn bề như ngày nay không?. Câu hỏi để trả lời là những cuộc xuống đường bị đàn áp. Là nỗi đau Gạt Ma, là những cột mốc biên giới bị dời, là thác Bản Dốc bị mất, là Hoàng Sa, Trường Sa bị chiếm đóng, đường lưỡi bò của Trung Cộng đang liếm hết cả biển đông. Là cá chết, là biển chết, là hội nghị Thành Đô bị đưa ra ánh sáng. Là trăm ngàn điều lố bịch, xấu xa tham nhũng, bán nước hàng ngày được người dân đưa lên Face Book. You tube và các trang mạng xã hội.

 

Nếu vì quyền lợi cá nhân, vì tự hào ôm khư khư cái thành tích đánh Mỹ  thống nhất đất nước. Những người cầm quyền hiện nay bóc lột và làm giàu cho bản thân họ cũng có thể tha thứ được. Nhưng đem đất nước từng bước giao cho Trung Cộng thì trời không dung, đất không tha. Nếu một ngày toàn cõi VN lọt vào tay Trung Quốc thì số phận của bao nhiêu triệu đồng bào VN sẽ giống như Tây Tạng hiện nay. Tất cả những di tích lịch sử sẽ bị hủy hoại, Người dân sẽ bị phân tán, tàn sát và triệt tiêu từ từ. Lúc đó không còn gương hai Bà Trưng, Bà Triệu, không còn Lý Thường Kiệt hay Quang Trung. Chữ nghĩa VN bị mai một và ...trên bản đồ thế giới sẽ không còn hai chữ Việt Nam.

 

41 năm sau cuộc chiến như một bức màn đen được vén lên, mọi sự xấu xa tàn độc của CS đã được phơi bày ra ánh sáng. Người lính VNCH hảnh diện về lý tưởng và sắc áo màu cờ mình phục vụ. Người thương phế binh VNCH cũng được ấm lòng khi những người VN trong nước và trên thế giới tự do hướng về họ với tất cả mến thương và tri ơn. Người phía bên thắng cuộc cũng không còn nhìn họ với con mắt khinh thường.

 

Những món quà gửi về hàng năm không thấm thía vào đâu, không mua được món gì lớn lao, nhưng giá trị tinh thần thật vô cùng ý nghĩa.

Xin gửi đến tất cả những người thương phế binh VNCH những lời cám ơn chân thành nhất.

Xin cám ơn các chị, những người vợ lính đã trung trinh lo lắng săn sóc cho chồng tận đến bây giờ.

Mong các anh hãy giữ gìn sức khỏe, giữ vững niềm tin và được mọi sự an lành trong cuộc sống

 

Nguyễn thị Thêm

tháng 7/2016

 



15 Tháng Năm 2023(Xem: 3249)
Con của má sẽ là một bà mẹ hiền, một bà nội, bà ngoại dễ thương của các cháu. Má là bài thơ tuyệt vời con đọc hoài mà vẫn thấy hay, là cuốn sách học làm người con học mãi không xong.
14 Tháng Năm 2023(Xem: 6825)
Để rồi 48 năm sau cũng vào buổi trưa ngày 29 tháng 4 năm 2023 tại San Diego, tôi mất Mẹ. Tôi đang nhớ Mẹ, nhớ thật nhiều… Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ thơ… (*)
09 Tháng Năm 2023(Xem: 3149)
Chị chỉ mong được nhìn thấy nụ cười thương yêu của người thân, con cái, bạn bè khi nghĩ tới chị. Như vậy con sông đời chị thật thoải mái hòa nhập vào hư không để giữ lại niềm vui và một nụ cười.
09 Tháng Năm 2023(Xem: 2938)
Tọa lạc gần thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia, tòa nhà Thư Viện một tẩng, khiêm tốn nằm giữa một khu rừng tươi xanh, mát mắt.
08 Tháng Năm 2023(Xem: 2905)
Tôi vẽ lại những ước muốn cho tương lai của chúng tôi : được sống trên một đất nưóc tự do, được đi học thành tài, đi làm và sẽ có những đứa con xinh xắn . . .
30 Tháng Tư 2023(Xem: 3380)
Ngày 21/4/2023, Ban Giám khảo “Cino-Del-Duca” công bố quyết định trao tặng giải năm nay cho bà Dương Thu Hương nhằm “tôn vinh một nhà văn lớn vì nhân cách và sự nghiệp xuất sắc,
28 Tháng Tư 2023(Xem: 3307)
Đàn bà chúng tôi luôn luôn là nạn nhân trong cuộc chiến. Người đàn ông không thế nào hiểu được sự kiên trì chịu đựng của phụ nữ khi hy sinh cho người mình yêu thương.
28 Tháng Tư 2023(Xem: 3885)
Như đồng cảm với chúng tôi, ngày 30 tháng 4 hàng năm, giữa mùa Xuân ở Mỹ, mà trời vẫn đầy mây xám. Và nỗi đau năm xưa vẫn nhói lên ngút ngàn, chất ngất.....
27 Tháng Tư 2023(Xem: 2893)
Câu chuyện vượt biên, đến trại tỵ nạn, qua bao nhiêu năm, tôi chưa bao giờ kể lại. Những tưởng là ký ức đa vùi sâu dưới lớp bụi mờ, bỗng trở về trong tháng 4 như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
27 Tháng Tư 2023(Xem: 3389)
. Ngày ngày anh Sáu xách cái ba lô tiền sử đó theo các chị bên công đoàn vận động các gia đình công nhân trong kế hoạch. "MỘT GIA ĐÌNH CHỈ ĐƯỢC CÓ HAI CON."
22 Tháng Tư 2023(Xem: 3403)
Đã 48 năm qua, nhưng mỗi lần tháng tư đến lòng tôi vẫn chùng xuống, nỗi đau đớn, xót xa lại trở về.
16 Tháng Tư 2023(Xem: 3573)
Đại tá Bùi Cửu Viên đã rời khỏi VN trên chiếc HQ 801 và đã giúp soái hạm HQ 01 an toàn tìm về bến tự do Anh trở thành vị hạm trưởng bất đắc dĩ lần cuối cùng lái con tàu ra khơi tìm tự do
11 Tháng Tư 2023(Xem: 3645)
chúng tôi luôn có trong tim: “Quảng Bình là quê hương”, là nơi quê cha đất tổ và luôn mong ước có ngày được bước những bước trên vùng đất thân yêu nầy.
11 Tháng Tư 2023(Xem: 5105)
Con gái của người ta sau 24 giờ sinh ra đã trở thành con gái của tôi, và chỉ sinh sau con gái của tôi có 4 giờ tại Bảo Sinh Viện Quân Đội Thành Phố Nha Trang năm 1972.
11 Tháng Tư 2023(Xem: 4880)
Ông Ta gặp Tôi sau khi Tôi mở mắt chào đời chỉ mới có một đêm; chỉ nhìn Tôi có một phút đã nghĩ xấu về Tôi là “cái môi chu chu chắc lớn lên sẽ hỗn”.
09 Tháng Tư 2023(Xem: 3406)
Ngàn giot lệ rơi của Dung Krall không chỉ khóc cho đất nước Việt Nam mà còn khóc cho một người cha đã đi lầm đường.
02 Tháng Tư 2023(Xem: 3728)
Hôm nay giỗ anh, thấm thoát đã 52 năm, hơn nửa thế kỷ của đời người, sao nỗi đau về, như mới hôm qua… cơn nắng ngày nào vẫn còn nguyên trên da thịt, trên tóc, trên vai, trên những vòng khăn tang cuốn vội
02 Tháng Tư 2023(Xem: 3794)
Phải chăng tiếng đàn tranh du dương réo rắt của bác Bảy và tiếng hát ngọt ngào mùi mẫn của các ca sĩ đường phố, đã tạo nên cái hồn văn hóa của người dân phố thị
31 Tháng Ba 2023(Xem: 3606)
Anh An đã mất đi hơn 49 ngày rồi nhưng hình ảnh của anh vẫn ở trong tâm trí của gia đình và bạn bè. Chúc anh An an nghĩ nơi cõi Phật, You will be missed!
24 Tháng Ba 2023(Xem: 3602)
Tôi cám ơn nước Mỹ đã cưu mang gia đình tôi. Hệ thống chăm sóc y tế giúp tôi tuổi đời vui vẻ ít bệnh tật. Đời sống văn minh khiến tôi lạc quan có nhiều bạn bè, tận hưởng tuổi vàng an vui yêu đời