Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - Một số kinh nghiệm về 20 năm nền giáo dục miền Nam (phần 2)

12 Tháng Tám 201611:25 SA(Xem: 12548)
GS. Nguyễn Văn Lục - Một số kinh nghiệm về 20 năm nền giáo dục miền Nam (phần 2)
Một số kinh nghiệm về 20 năm nền giáo dục miền Nam (phần 2)

Các học trò trường công lập

Thầy trường công và nhất là học trò trường công thì khác xa về trình độ học vấn so với học trò trường tư. Một đằng trình độ tương đối đồng đều, có chọn lọc khi thi tuyển vào lớp đệ thất. Một đằng hỗn tạp, giỏi thì ít mà dở thì nhiều, kỷ luật cũng kém. Nói chung kém mọi mặt.

Cho nên tỉ lệ thi đỗ ở trường tư chỉ 15% đến 30% tùy trường. Tỉ lệ thi đỗ ở trường công từ 75% trở lên.

Sự đồng đều ấy cho thấy không có nạn chạy chọt, đút lót để cho con vào đệ thất trường công. Có những gửi gấm rất con người dù người khó tính đến đâu cũng phải chấp nhận. Như con bác cai trường, con thầy giám thị. Thú thực, chưa một ai gửi gấm tôi trong các kỳ thi đệ thất; gửi ai khác tôi không biết, dù chỉ một lần.

Điều đó chỉ ra tính cách nghiêm chỉnh của các kỳ thi, dù là thi đệ thất. Các kết quả dưới đây tự nó nói lên điều ấy mà không cần một lời biện minh.

Nhưng ngoài việc học giỏi, đừng quên một điều không kém quan trọng: Có kỷ luật. Nhờ có kỷ luật mà thầy-trò làm nên chuyện. Không thuộc bài phải thuộc bài. Không thể lười, muốn lười cũng không được. Trường nào kỷ luật kém thì việc học cũng xa sút,

Dưới đây xin được nêu ra vài bằng chứng cụ thể.

Trong giai phẩm xuân Gia Long 1968-1969 cho thấy một vài số liệu sau đây:

Kỳ thi tú tài I năm 1968, năm Mậu Thân có 89,73% trúng tuyển trong tổng số 760 học sinh dự thi, trong đó có 16 thí sinh đậu hạng ưu, 98 đậu hạng Bình và 198 đậu hạng Thứ.

Kỳ thi tú tài phần II năm 1968 có 79,10% trong tổng số 536 học sinh dự thi, trong đó có 7 đậu ưu, 38 đậu Bình và 114 đậu Bình thứ. (Bình thường thì tỉ lệ thi đậu của tú tài II thường cao hơn tỉ lệ của tú tài I, vì đã được sàng lọc ở tú tài I như trường hợp trường Petrus Ký).

Trong số đó, 159 thí sinh đậu Ưu và Bình trong cả hai kỳ thi được nhà trường thưởng một mề đay bằng vàng tây trên đó có khắc G&L lồng vào nhau.(5) Bà Trần Thị Tỵ, hiệu trưởng trường nữ trung học Gia Long, trường nữ lớn nhất Sài Gòn trước 1975; trong bài trả lời phỏng vấn của một cựu nữ sinh Gia Long, bà Võ Thị Hai, bà hiệu trưởng cũng nhìn nhận rằng:

“Trường học là nơi phải đạt mục tiêu hàng đầu là giáo dục học sinh, có nghĩa là phải rèn luyện để học sinh có đạo đức, có kỷ luật, có trật tự. Phải có trật tự thì các em mới chú tâm nghe giảng, mới có thể học giỏi được. Và cũng phải rèn luyện để các em đi dần đến ý thức tôn tôn trọng kỷ luật một cách tự giác.”(6)

Nói như thế không có nghĩa là không có ngoại lệ đáng tiếc ngoài dự liệu của nhà trường và lòng mong mỏi của ban giám hiệu nhà trường.

Sân trường Gia Long 1931. Nguồn:  tuxtini.com

Sân trường Gia Long 1931. Nguồn: tuxtini.com

Trường Gia Long, vào niên khóa 1971-1972, học sinh lớp 12 C1 có ra một tờ báo Xuân.(7) Chỉ tiếc một điều, trong số báo Xuân ấy, có một đôi câu được gọi là ‘ranh ngôn’ nhằm chế diễu các cô giám thị như sau:

“Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời giám thị mà thương học trò.”
(Ranh ngôn một)

“Nhỏ không học, lớn làm giám thị.”
(Ranh ngôn hai)

“Ở đời có ba điều đáng tiếc
Một là việc hôm nay bỏ qua
Hai là đời này chẳng học
Ba là thân này lỡ làm giám thị.”
(Ranh ngôn ba).

Ba Ranh ngôn này nói dỡn chơi với nhau cũng không nên. Vậy mà nó được chính thức đăng trong tờ báo Xuân và sau đó bị tịch thu và tiêu hủy. Phần mỗi cô trong ban biên tập, học bạ mục hạnh kiểm với hai con số zéro.

Tôi không biết bài viết này có được đăng trên Kỷ yếu Gia Long không? Giọng điệu bài viết nay viết lại vẫn giữ nguyên cái ác ý của mấy chục năm về trước.

Đó là điều không nên thứ hai.

Thầy cô giám thị là khổ, một cổ đôi ba tròng. Bao nhiêu tiếng ác đổ lên đầu thầy. Giả dụ chỉ vắng giám thị chỉ một ngày, trường sẽ loạn lên ngay.

Tôi đã từng đi dậy tư nhiều trường. Thầy giáo phải đóng thêm vai giám thị là một nỗi khổ tâm không ít.

Nhất là phần các nữ sinh, phần đức dục trường nào cũng quan tâm kỹ lưỡng. Các nữ sinh phải ăn mặc cho kín đáo nên có việc kiểm soát áo lá. Không có áo trong là không được. Nóng cũng phải mặc. Trước không được và ngay bây giờ cũng có thể không được nữa.

Từ đệ tứ trở lên là các cô đã bắt đầu trổ mã, cứ ngồn ngộn lên. Các cô đi học đâu có phải là dịp trình diễn phái tính?

Các cô hẳn là khó chịu khi từng cô phải đi qua mặt cô giám thị.

Nhưng cô giám thị đã thay mặt nhà trường, nhất là thay mặt cha mẹ các cô uốn nắn cho các cô vào khuôn phép, nề nếp cho nên người.

Các cô muốn nên người hay muốn mất nết? Xin thưa với các cô rằng: kỷ luật là xương sống của một nền giáo dục.

Ngay tại các nước tiên tiến như bên này thì cha mẹ có tiền đều muốn gửi con vào những trường có kỷ luật nghiêm minh.

Và đây là một câu chuyện ám ảnh khôn nguôi của một thời sinh viên. Tôi xin kể lại để thầy rằng ngoài cha mẹ, các thầy cô giám thị rất cần cho chẳng nhưng việc học hành mà còn có vấn đề đào luyện con người.

Chỉ vì một chút bồng bột tuổi trẻ và một chút khờ dại, cô nữ sinh đáng thương dưới đây đã tuyệt vọng tự hủy hoại đời mình và gây nõi đau khổ không bút nào tả xiết cho cha mẹ cô.

Ngay bạn bè trong lớp của tôi cũng không biết chuyện này, cả trường đại học cũng không biết luôn. Tôi nhớ, đó là năm thứ hai đại học. Tức là năm 1961-1962. Một cô nữ sinh Gia Long, lớp đệ nhị, phải lòng một ông bạn của chúng tôi. Cô đã dại đột bỏ nhà ra đi lên Đà Lạt. Khoảng một tuần sau, anh bạn tính mọi cách đưa cô về, gửi chùa Linh Sơn. Chùa không nhận. Tôi cũng không bao giờ hỏi vào chi tiết. Anh bạn ấy cũng không thể nào ngờ diễn biến câu chuyện lại bỗng chốc trở thành bi kịch như thế. Tưởng cô đã ưng thuận trở về gia đình. Trên đường về đến Định Quán nghỉ ăn trưa. Trong một nỗi tuyệt vọng chỉ một mình cô biết, cô đã nhảy vào đầu xe. Người lái xe là một bà đầm. Bà quay đầu xe trở lại Đà Lạt. Trong xe có ba người. Theo anh bạn, hình như cô chưa chết hẳn, còn ngắc ngoải. Nỗi kinh hoàng làm anh như người mất trí luôn. Nhưng rồi một người đã chết. Cô gái bất hạnh. Về đến Đà Lạt, anh bạn cho tôi và hai người bạn khác biết chuyện này để lo liệu, liên lạc với gia đình cô gái. Tôi cũng không còn nhớ tên cô gái nữa. Khuôn mặt cô lúc ấy tôi cũng thật sự không dám nhìn. Có nhìn cũng không rõ, vì ánh sáng mờ mờ của nhà xác. Chỉ biết, đó là nỗi kinh hoàng. Kinh hoàng.

Cho đến nay, hầu như tất cả sinh viên đại học Đà Lạt đã không biết chuyện này, nay nói ra một lần rồi thôi.

Chúng ta hãy tưởng tượng đi, tại nhà xác ở Đà Lạt, một cô gái còn trẻ măng, áo dài trắng, quần trắng đẫm máu nằm thõng thượt trên ghế đá nhà xác Chúng tôi đã chính mắt chứng kiến cảnh này. Còn cảnh nào đau lòng hơn thế nữa!

Học trò trường Petrus Trương Vĩnh Ký.

Sau đây là thành tích học tập niên khóa 71-72

pk72-73b– Tú tài I:

Ban A: dự thi 77, trúng tuyển 71, với 2 Ưu, 112 Bình, 17 Bình thứ, tỉ lệ thi đậu là 92%.

Ban B: dự thi 309, trúng tuyển 285 với 1 Tối ưu, 93 ưu, 62 Bình, 92 Bình thứ. Tỉ lệ 93%.

Ban C: dự thi 12, trúng tuyển 10 với 2 Bình thứ, tỉ lệ 83%

– Tú tài II:

Ban A: 101 dự thi, trúng tuyển 101 với 2 Ưu, 10 Bình, 25 Bình thứ, tỉ lệ 100%.

Ban B: 419 dự thi, trúng tuyển 419 với 11 Ưu, 53 Bình, 114 Bình thứ, tỉ lệ 100%.

Ban C: 52 dự thi, trúng tuyển 52, 7 bình thứ, tỉ lệ 100%.(8)

pk71-72

Những thành tích trên đây của hai trường trung học uy tín nhất của miền Nam nói lên vài điều.

  • Thứ nhất có một truyền thống của trường của các thế hệ trước.
  • Thứ hai, tỉ lệ đỗ cao trong việc tuyển chọn ngay từ năm đệ thất trung học đến năm đệ nhị cho thấy có một sự liên tục đến kinh ngạc. Theo giáo sư Nguyễn Thanh Liêm(9), hằng năm có 6000 học sinh thi tuyển vào đệ thất trường Petrus Ký và chỉ lấy chừng 300-400 em (năm 1964 có 400 học sinh trong 8 lớp đệ thất). Cũng theo gs Nguyễn Thanh Liêm, trong kỳ thi Trung học đệ nhất cấp cuối thập niên 1950, toàn quốc chỉ có một người đậu hạng Bình thôi, người đó là học sinh Petrus Ký. Thi bao nhiêu đậu bấy nhiêu, 100% là một tỉ lệ chỉ có trường Petrus Ký đạt được. (Rất tiếc, tôi không có được số liệu của các trường Chu Văn An, Trưng Vương).
    Điều đó có thể nói thêm là nhà trường từ ông hiệu trưởng đến giáo sư đến các học sinh nằm trong một cơ cấu tổ chức chặt chẽ, tổ chức kỷ luật nghiêm minh giúp học sinh phải cố gắng chăm chỉ học tập.

Nói chuyện người rồi nói chuyện bên lề của tôi. Tại Nha Trang những năm sau 1960. Tôi còn nhớ kỷ niệm lần đầu tiên đi dạy. Cổ không đeo thòng lọng. Tay không có cặp, chân không có giầy. Chữ nghĩa để trong đầu và cứ thế cầm phấn trước bục giảng.

Tôi vẫn là tôi. Cứ thế ung dung vào cổng trường bằng cửa chính. Bác cai trường chưa biết là ai trông thấy tôi. À cái thằng nào mà lộng quá, nó dám ngang nhiên vào cổng chính dành cho giáo sư. Bác quát, “Anh kia, đi lối này.” Bác quát lần thứ nhất, tôi không biết là quát tôi. Bác tiến gần tôi quát lần nữa. Tôi nghe tiếng quát, ớ ra, biết là bác quát tôi. Tôi nói ú ớ, “Tôi là giáo sư.” Bác để yên. Bước lên bục thềm trường, đụng thầy hiệu trưởng và thầy Cung Giũ Nguyên chứng kiến cảnh đó. Tôi đỏ mặt chào hai người.

Thầy giáo, nghề hay nghiệp?

Ông thầy trường công

Truyền thống triết học Hy-La để lại coi vai trò ông thầy chỉ là bà mụ đỡ đẻ, còn nhiệm vụ đẻ chính là học trò. Chân lý này theo tôi đời đời đúng mãi và là phương châm cho bất cứ nền giáo dục nào. Thầy trường công, ông là ai?

Tỉ lệ thi đỗ cao như trên, phải chăng do ông thầy dạy giỏi? Chỉ đúng một phần. Nói cho đúng, đó là mối tương quan hỗ tương: Trò giỏi thì thầy cũng giỏi. Nếu dùng một thuật ngữ trong triết Thiền luận thì giữa thầy và trò có một khả năng chung là khả năng thấu thị. thầy trò đồng cảm hiểu nhau, bắt được những tín hiệu truyền đi và như thế trò mãi mãi khắc ghi.

Không phải ông thầy nào cũng có được điều này. Nó thật dễ mà cũng thật hiếm hoi.

Trong nhà trường, có nhiều sinh hoạt bên lề như thể thao, báo chí, cắm trại, viếng thăm, đi Picnic, hội thảo, v.v., không phải ông thầy nào cũng sẵn sàng đảm nhận. Thường các thầy trẻ, ít bận gánh gia đình tình nguyện. Dù gì đi nữa cũng phải có lòng. Vì nó tốn hao nhiều công sức và thời giờ.

Và nếu hỏi, ông thầy nào xứng đáng là thầy thì câu hỏi đã có câu trả lời rồi đấy.

Chính các thầy cô gần gũi học trò, hiểu học trò và có thể ảnh hưởng trên tâm thức người trể tuổi, để lại dấu ấn trong tâm trí đến khó quên.

Tôi xin dẫn bằng vài chứng minh cụ thể.

  • Thầy Nguyễn Viết Long, trường Ngô Quyền Biên Hòa

Ông là một giáo sư trẻ tuổi, mới về trường. Gốc Bắc, cử nhân luật, hình như đang tập sự luật sư thì phải. Ông ăn nói hay, hùng biện, nhiệt tình, cởi mở chừng mực. Mới vào nghề mà tay nghề như thế kể là vững.

Học trò các lớp đệ tứ do ông phụ trách đón ông với niềm hân hoan. Nhất là lớp Tứ 3, do ông phụ trách hướng dẫn. Trò mới lớn, thầy chập chững bước vào nghề với một tấm lòng trong sáng mà theo thuật ngữ tôi nói ở trên, ông có khả năng thấu thị.

Cho nên, tôi chẳng lạ gì sau này có đến ba học trò, nay đã thành danh, viết về ông.

Ông xứng đáng được như vậy.

Chỉ đáng tiếc, nay trông ông đã khác nhiều so với thủa xưa.(10)

Bài đầu tiên nhan đề Thầy cũ, thầy mới, do Cô Võ Quách Tường Vi – Ngô Quyền khóa 10 – chấp bút.

Tôi đặc biệt lưu ý đến cử chỉ của thầy Nguyễn Viết Long đã đến thăm gia đình cô khi căn nhà cô ở đã bị cộng sản pháo kích đổ sụp. Cô nhắc nhở đến những kỷ niệm khó quên khi nhà bị VC pháo kích chỉ còn là đống gạch vụn. Thầy Long và mấy người bạn của thầy ở trường kỹ sư Phú Thọ đã đến thăm gia đình và ở lại dùng bữa trưa thanh đạm. Bếp là ba viên gạch chụm lại, mái che bằng một mái tôn che tạm trên 4 chiếc cọc. Cảnh ấy thật khó quên khi nghĩ đến cộng sản.

Vậy mà ở nơi đây có những tiếng cười và hẳn là chan chứa tình người, giữa ba của Tường Vi và mấy thầy giáo.

Và cô kết luận: “Thầy Long, thầy cũ, thầy mới này lúc nào cũng ở trong tâm hồn của tôi và những học trò của Thầy năm xưa.”

Còn phần thưởng nào lớn hơn cho ông thầy?

Bài thư hai của cô Võ Thị Ngọc Dung nhan đề, Trong và ngoài khung cửa lớp.

Đề tựa này rất là ý nghĩa bởi vì nó nói lên cái tương giao thầy-trò không chỉ quy định trong lớp học, mà còn ngoài lớp học. Và chính ở cái không gian ngoài lớp học trong những lần đi picnic, làm báo, hội thảo, sinh hoạt mới đan kết lên những điều đáng ghi nhớ nhất. Cô Dung viết:

“Trong năm học này, Thầy khuyến khích chúng tôi làm những bài thuyết trình và đồng hành với lớp chúng tôi trong các buổi picnic ở thảo cẩm viên, Cù Lao phố. Không biết tình cờ hay thế nào mà bất cứ cuộc vui nào của lớp chúng tôi luôn có cặp ba: Thầy Nguyễn Viết Long, thầy Nguyễn Văn Phú và thầy Trần Văn Phúc. Thầy còn soạn thảo kế hoạch chương trình cho lớp chúng tôi kết nghĩa với trường Quốc Gia Nghĩa Tử ở Thủ Đức với những buổi sinh hoạt du khảo thật thú vị.”

Cô Võ Thị Ngọc Dung viết tiếp như một lời kết luận đẹp:

“Dù qua bao biến động. Thầy vẫn là một trong những vị giáo sư mà chúng tôi rất ngưỡng mộ trong các năm học ở Ngô Quyền. Có lẽ sự nhiệt tình, năng động đầy sáng tạo của thầy đã lôi cuốn và làm nảy sinh trong lòng chúng tôi lúc ấy những ước mơ, hoài bão vào đời thật cao đẹp, đầy tự tin và cho đến nay nó đã trở thành động lực, kim chỉ nam đưa đến những thành tựu mà chúng tôi và các học trò ngày xưa của thầy đã đạt được.”

Võ Thị Ngọc Dung – NQ, K11.

Bài thứ ba Thầy với sinh hoạt Hiệu đoàn.

Cô Nguyễn Trần Diệu Hương là người trẻ nhất trong đám ba người viết. Và cô chú trọng đến những sinh hoạt hiệu đoàn mà thầy Long tham dự.

Tôi không thể ngờ là đã có những buổi thuyết trình về các tác phẩm văn học như “Bò sữa gặm cỏ cháy” của Duyên Anh, “Nói với tuổi hai mươi” của Nhất Hạnh, “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh. Và nhất là chọn ban khi vào đệ nhị cấp và chọn ngành khi vào đại học. Và cô kết luận:

“Những gì thầy hướng dẫn, dạy bảo tụi em vẫn còn đó… Dù muộn màng, em xin kính cám ơn thầy. Và mong thầy luôn an nhiên, vui khỏe. Học trò của thầy, các chs Ngô Quyền lưu lạc khắp nôi trên thế giới vẫn luôn luôn nhớ đến thầy.”

Nguyễn Trần Diệu Hương. NQ. K.15.

Tôi có cần viết thêm điều gì nữa không? Thưa chắc là không.

Nếu có thì tôi sẽ viết thế này: Ông đúng là có phong cách làm thầy giáo, đi đâu cũng có cái cặp. Ông làm những việc xem ra nhỏ, nhưng lại có tầm vóc lớn. Tầm vóc lớn bởi vì nó có tầm ảnh hưởng đến cả đời một người tuổi trẻ.

  • Thầy Phạm Xuân Ái, giáo sư Pháp Văn trường Petrus Ký.

Trước khi viết về thầy Phạm Xuân Ái, xin ghi chú vài nét về ngôi trường lớn nhất miền Nam này.

Trường Petrus Ký vốn có một truyền thống lâu đời mà mỗi học sinh mỗi ngày khi bước vào cổng trường đều nhìn thấy hai câu đối khắc hai bên cổng trường:

Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Tây Âu khoa học yếu minh tâm.(11)

Một trong những sinh hoạt ngoài học đường là các kỳ Đố vui để học được thực hiện khi Việt Nam được Mỹ cung cấp trang bị đài truyền hình trắng đen, số 9 dưới thời ông Nguyễn Cao Kỳ.

Chương trình mới mẻ này có sức thu hút rất lớn đối với học sinh và cả phụ huynh nữữa. Chương trinh do giáo sư Vũ Khắc Khoan điều khiển và giáo sư Đinh Ngọc Mô phụ trách.(12) Phải nói ông Đinh Ngọc Mô là cái đinh của chương trình này.

Ông là người có tài và từng thủ diễn vở kịch Thành Cát Tư Hãn của giáo sư Vũ Khắc Khoan. Sau đó, ông sang Pháp tu nghiệp thêm về Vô tuyến truyền hình và người thay thế ông trong chương trình Đố vui để học là giáo sư Cao Thanh Tùng.

Xin trích lại bài viết của tác giả Nguyễn Việt Dũng viết về người những thầy của mình, cả thầy Phạm Xuân Ái, và cuộc tranh tài giữa hai trường công uy tín nhất miền Nam.

“Tôi đã được đọc hồi ký của một số bạn thời còn mài đũng quần trên ghế nhà trường thế hệ 1964-71. Kỷ niệm đẹp nhất tôi còn giữ lại trong suốt 7 năm trung học dưới mái học đường Petrus Ký thân yêu có lẽ là chuyến ra quân chiến thắng vào tháng 2 năm 1971 với trường Chu văn An. Khi học được nửa năm, Thầy Phạm Xuân Ái (nay đang sống ở Aubervilliers bên Pháp) thông báo cho tôi biết được chọn cùng với 5 bạn khác đi thi đấu trong chương trình “Đố Vui Để Học” số 95 (thu hình ngày 14/2/1971, phát hình ngày 21/2/1971) của đài truyền hình trên băng tần số 9. Đối thủ của chúng tôi không ai khác hơn là đội Chu văn An. Thầy Ái còn nói thêm có trường gì ở trên Thủ đức đã thách trường Petrus Ký đấu với trường của họ, nhưng Thầy Ái nói rằng phía Petrus Ký từ chối, viện cớ là trường lớn và nổi tiếng của chúng ta không thi thố với trường quận vô danh tiểu tốt. Thật ra thì Thầy Ái nói riêng với chúng tôi: ‘Tụi bây không bì kịp với bọn mọt sách ấy đâu. Tụi bây vừa học vừa chơi, còn người ta là dân chủng viện, học ở trường thầy dòng, suốt ngày cấm cung học hành đấy.’ Giờ thì có dịp tranh tài với trường Chu Văn An ngang tài ngang sức. Trường Chu Văn An chuyên môn dạy toán ở đệ nhị cấp (chỉ có ban B thôi). Petrus Ký thắng thế hơn ở chỗ đa dạng, ban A (Vạn vật) có, ban B (Toán học) cũng có, ban C (Văn chương) cũng có nốt.

Trong đội của trường Petrus Ký có 6 ứng viên, 3 thiệt thọ, 3 dự khuyết. Tôi và Lê Trí Đạt đại diện cho ban B. Còn Lương văn Hy đại diện cho ban C. Tôi nhớ trong hàng ghế dự bị có Lê Nhơn Lộc học lớp 12A1. Lê Trí Đạt đã từng thi Đố Vui Để Học trên danh nghĩa cá nhân trước đó và đã trúng giải cùng với hai bạn khác. (Sau này Lê Trí Đạt đi du học ở Đức, sau lại di dân sang Mỹ, bây giờ thì bặt tăm). Phía Chu văn An có Vương Đình Điềm từng đậu hạng tối ưu trong kỳ thi Tú tài 1. Dù sao trong buổi thi đấu trên “võ đài” kiến thức tổng quát, ít khi thấy Vương Đình Điềm múa môi khua miệng. Còn tôi thì có tật trả lời liên miên, trật cũng nói, trúng cũng nói. Bởi vậy, dù lúc đầu chúng tôi dẫn trước trường Chu văn An với tỷ số 40/20, nhưng vì chúng tôi trả lời sai hơi nhiều nên giữa chừng (phút thứ 15) chúng tôi bị qua mặt với tỷ số 53/77. Người điều khiển chương trình là Cao Thanh Tùng lại nói là “Petrus Ký rượt gần kịp Chu văn An”. Chỉ 5 phút sau, chúng tôi qua mặt trường Chu văn An trở lại với tỷ số 78/77. Ở phút 25, tỷ số là 118/82. Cuối cùng chúng tôi cũng chiến thắng: 175 điểm, trường Chu văn An được 117 điểm. Thật hồi hộp khi bị vượt qua. Thầy Ái, “ông bầu” của chúng tôi, sốt ruột nên lập tức thay người, cho Lê Trí Đạt học lớp 12B6 ra nghỉ, và đưa Phan Hồng Châu học lớp 12B4 vào thay. Điều này hơi lạ vì Phan Hồng Châu không có tên trong danh sách dự bị. Vì thế khi thắng cuộc chúng tôi chia chiến lợi phẩm ra làm 7 phần bằng nhau, chứ không chỉ chia cho 6 người.

Chúng tôi vẫn còn biết ơn các thầy cô đã góp phần đào tạo chúng tôi kỹ lưỡng. Tôi còn nhớ trước khi ra quân, thầy Phạm Xuân Ái, thầy Phạm Ngọc Đảnh (từng sống ở Đức nay đã qua đời), thầy Dương Ngọc Sum (nay ở Mỹ) đã “quay” chúng tôi trong thư viện ở trường để thử sức. Chúng tôi phải biết rõ UNESCO, UPI, ILO, WHO, v.v… là chữ viết tắt của các tổ chức quốc tế nào. Ngoài ra, thầy Đảnh còn hỏi chúng tôi thêm về những chữ viết tắt tiếng Đức như SS, SA, Gestapo, v.v…

(T) Lương văn Hy lãnh phần thưởng hạng nhất toàn trường. (P) Nguyễn Việt Dũng lãnh phần thưởng hạng ba toàn trường. Saigon, 24/5/1971. Nguồn: NVD/HAH Petrus Trương Vĩnh Ký Úc châu

(T) Lương văn Hy lãnh phần thưởng hạng nhất toàn trường. (P) Nguyễn Việt Dũng lãnh phần thưởng hạng ba toàn trường. Saigon, 24/5/1971. Nguồn: NVD/HAH Petrus Trương Vĩnh Ký Úc châu

Riêng tôi thì thường xuyên la cà các thư viện có gắn máy lạnh để nghiên cứu cá nhân. Tôi thích tra cuốn “Kỷ lục thế giới” (World’s Guinness Book) để biết sông nào dài nhất, núi nào cao nhất, hố đại dương nào sâu nhất hoàn cầu, v.v… Tôi thích thám hiểm không gian nên cũng học luôn bản đồ mặt trăng, nhờ vậy đã trả lời được câu hỏi “ở đâu có miệng núi lửa Copernic?” “Trên mặt trăng”. Chính xác!

Chúng tôi trả lời được một câu hỏi về Vạn Vật nhờ thầy Nguyễn Ngọc Nam (từng sống ở Đà lạt nay đã qua đời): “Tế bào con người có bao nhiêu nhiễm sắc thể?” “46”. Câu hỏi khiến cả hai đội đều bí là một công thức hóa học nếu đọc ra thì là tri-ni-trô tô-lu-en tức chất nổ TNT. Thật ra, cho đến lúc đó chúng tôi chưa học xong chương trình lớp 12. Một câu hỏi khác cũng về hóa học mà cả hai đội không biết là tên thông dụng của glu-ta-mát monosodium. Là bột ngọt! Chúng tôi được ông Cao Thanh Tùng, người điều khiển chương trình, khen là có tinh thần đồng đội cao vì với câu hỏi “‘Tám tiết’ trong ‘bốn mùa, tám tiêt’ là gì?”, một bạn Petrus Ký đáp: “Lập đông”. Người khác tiếp: “Lập xuân”. Người này tiếp: “Lập hạ”. Một người khác nói nốt: “Lập thu”. Rồi: “Xuân phân”. Rồi: “Hạ chí”. Người khác tiếp: “Thu phân”. Cuối cùng: “Đông chí”. Như vậy ba người chúng tôi thay phiên nhau trả lời thay vì chỉ có một người giành nói hết.

Chúng tôi còn phải cám ơn thầy Lê Bá Kim dạy môn công dân giáo dục đã cho chúng tôi biết Proud’hon người Pháp đã nói câu: “Tư sản tức là ăn cắp”, nhờ đó chúng tôi đáp được câu hỏi này ghi thêm điểm số cho đội Petrus Ký.

Dù sao, chúng tôi chịu thua trước câu hỏi toán học về ma phương (hình vuông 16 ô, 12 số có sẵn, và 4 số kia phải tìm). Vì hồi hộp nên chúng tôi đã quên đó chỉ là vấn đề giải một hệ thống phương trình 4 ẩn số gồm 6 đẳng thức bậc nhất!

Dù sau, nhờ có các thầy dạy toán của các lớp 12B (Vũ Đình Lưu và Lê văn Đặng) mà chúng tôi trả lời được câu hỏi: “Ai đã phát biểu những câu này: (1) Qua hai điểm trong mặt phẳng không có đường thẳng nào đi qua, (2) Qua hai điểm trong mặt phẳng chỉ có một đường thẳng đi qua. và (3) Qua hai điểm trong mặt phẳng có hai đường thẳng đi qua”. Người thứ nhất là Riemann người Đức, người thứ hai: Euclid người Hy Lạp, và thứ ba: nhà toán học Nga Lobachevsky.

Thôi, không cần nói gì thêm nữa. Giờ đây đã có phần ghi âm. Muốn biết thêm, chỉ cần nghe lại toàn bộ chương trình 30 phút dưới dạng MP3. Vậy là 3 chàng ngự lâm pháo thủ PK71 đã tái xuất giang hồ sau 45 năm: Lương văn Hy đang sống ở Toronto, Canada; Phan Hồng Châu đang sống ở Texas, Hoa Kỳ và Nguyễn Việt Dũng đang sống ở Biên Hòa, Việt Nam.”(13)

Mẫu người thầy

Qua nhưng mẫu người thầy trên, tôi tạm chia ra có 3 mẫu người thầy.

  • Cô Trần Thị Tỵ, mẫu người thứ nhất. Bà là Hiệu trưởng trường nữ trung học Gia Long.

cotranthityCó thể nói về bà vì đã gặp trong dịp tôi là giám khảo kỳ thi tú tài II, Ban C mà bà là chánh chủ khảo.

Nhớ lại, bà là một phụ nữ độc thân, nhưng lại không có cái bề ngoài xã giao như thường tình. Bà không có thói quen nói cười, giả lả xã giao với người này người kia. Bà cho mọi người thấy: bà chỉ có công việc và trách nhiệm.

Cái bề ngoài lịch sự, ăn nói chừng mực, vừa đủ. Nhưng thật sự bên trong cứng rắn trong công việc và không ai có thể trách cứ bà điều gì. Tinh thần trách nhiệm cao ấy hẳn làm nhiều người nể phục. Học trò hiểu biết thì phải kính mến bà, trân trọng bà.

Nhưng điều tôi vẫn chưa hiểu là một người phụ nữ như bà, làm thế nào bà đã có thể điều hành một trường học dưới mái trường XHCN?

Sau khi trích dẫn bài viết này, tôi nhận ra phong cách của thầy Nguyễn Viết Long và thầy Phạm Xuân Ái là hoàn toàn trái ngược nhau.

  • Thầy Nguyễn Viết Long, mẫu người thầy thứ hai

thaynvlThầy Long là mẫu người trẻ năng động, lý tưởng và đi sát với học sinh ở các lớp đệ tứ. Mẫu mực ấy rất thích hợp cho các học sinh mới lớn lên. Và ông Hiệu trưởng có mắt lắm nên đã trao trách nhiệm Hiệu đoàn phó cho ông.

  • Thầy Phạm Xuân Ái, mẫu người thầy thứ ba

Tôi không có cái may mắn được biết thầy Ái. Nhưng qua cách mô tả của học trò, tôi hình dung ra được một ông thầy vừa nghiêm nghị, vừa khôn ngoan tùng trải, vừa chững chạc và thân mật với học trò như cha-con.

Thầy Phạm Xuân Ái, già dặn hơn, hiểu đời và nhất là hiểu học trò hơn ai hết. Ngôn ngữ giao thiệp giữa thầy trò họ cũng thân mật và gần gũi hơn. Tôi thích thú lối xưng hô giữa thầy trò họ. Thầy Phạm Xuân Ái điều khiển không phải học trò đệ tứ mà lớp đệ nhất sắp lên đại học.

Qua một vài chút phác họa của học trò thầy, sự già dặn của thầy thật đáng nể. Tôi thích nhất đoạn văn viết thầy từ chối cho những con gà của mình đối đầu với một trường thầy dòng nhỏ.

Bề ngoài thầy tuyên bố không nhận lời thách thức của trường dòng tu. Nhưng với riêng học trò, ông lại nói thật là tụi bay đấu với họ là thua, vì họ chăm.

“Thầy Ái còn nói thêm có trường gì ở trên Thủ đức đã thách trường Petrus Ký đấu với trường của họ, nhưng Thầy Ái nói rằng phía Petrus Ký từ chối, viện cớ là trường lớn và nổi tiếng của chúng ta không thi thố với trường quận vô danh tiểu tốt. Thật ra thì Thầy Ái nói riêng với chúng tôi: ‘Tụi bây không bì kịp với bọn mọt sách ấy đâu. Tụi bây vừa học vừa chơi, còn người ta là dân chủng viện, học ở trường thầy dòng, suốt ngày cấm cung học hành đấy.’”(13)

Có thể ông chỉ cốt dằn cái hiếu thắng của đám học trò của ông chứ họ vị tất đã thua học trò trường thầy dòng.

Thầy Ái đúng là mẫu người lãnh đạo.

Nói chung thì cả ba mẫu người ấy phản ánh đúng cái tựa đề của cô Dung, Trong và ngoài khung cửa lớp.

Ai_PhongCác thầy nay được học trò nhắc nhở đến nhiều nhất, chính là nhờ những sinh hoạt ngoài khung cửa lớp. Tôi cũng được nghe học trò vẫn nhắc lại thầy của họ sau cả nửa thế kỷ rời ghế nhà trường vì những bài học ngoài bài giảng hàng tuần như thầy Dương Hồng Phong, dậy Anh Văn, đối với học trò của ông ở Petrus Ký. Ông đã ảnh hưởng đến cả thế hệ học sinh không phải vì những bài học trong những cuốn “English For Today” mà bằng một câu tiếng Việt, “Các anh phải đi, và các anh phải về.” “Đi” ở đây là đi du học, và “Về” là về để xây dựng đất nước. Và thầy Phong luôn nhấn mạnh chữ “Về” như thể lo rằng học trò của thầy nghe chưa rõ.

Trước khi chắm dứt bài viết này, tôi cũng muốn nói thêm một chút về một ông thầy dạy ở Đại học mà sự quý mến của sinh viên cũng không khác gì lắm của giới học sinh trung học.

Tôi có nhận được một cuốn sách từ trong nước gửi ra và tác giả Ngô Văn Long, một bác sĩ, có nhã ý tặng tôi qua trung gian một người bạn của ông.

Ông viết về bạn bè trường Y Khoa của ông vào cuối năm 1975. Nhưng trong dòng chia xẻ giữa bạn bè, ông đã dành ít trang để nói về người thầy của ông và đám bạn bè: Thầy Hoàng Tiến Bảo đã mất ngày 20-1-2008.(14)

Nhan đề bài viết là Nhớ thầy.(15)

“Không thiếu gì những giáo sư y khoa nổi tiếng lỗi lạc cả một thời. Nhưng chính sự gần gũi với học trò đã tạo ra sợi dây liên lạc hữu cơ. Với thầy, chúng ta bao giờ cũng có những tình cảm thật gần gũi, như một người cha, dù đối với việc học hành bao giờ thầy cũng rất nghiêm ngặt, đúng quy tắc… thầy như một tấm gương. Từ cách làm việc, cách sống, tình yêu thương đối với học trò, sự tận tụy, óc hài ước, sự thông minh.”

Vài dòng đóng lại

Nhìn lại 20 năm giáo dục miền Nam, một thời gian quá ngắn, nhưng lại để lại một di sản quá lớn. Hàng triệu học sinh các cấp đã hưởng thụ được một nền giáo dục nhân bản để thành người hữu dụng.
Họ có thể sau này trở thành một người lính ngoài mặt trận, một chuyên viên, một người lãnh đạo thì cái cội nguồn giáo dục ấy vẫn giúp họ trong khi thi hành trách nhiệm của họ.

Nói chung và vắn tắt, đó là một môi trường giáo dục lành mạnh, ‘sạch’. Nếu cá sống cần biển sạch thì con người cũng cần một môi sinh, môi trường sạch.

Đây là vốn đầu tư lớn nhất mà chúng ta được thừa hưởng khi nhìn vào những thành quả lớn lao mà người Việt ở hải ngoại đã đạt được.

Người trồng lúa đợi một mùa thì có lúa ăn. Nhưng trồng người thì có khi phải chờ đợi nhiều năm!

Thầy Nguyễn Văn Lục (tác giả) và các nam sinh trường Trung Học Ngô Quyền. Nguồn: ngo-quyen.org

Thầy Nguyễn Văn Lục (tác giả) và các nam sinh trường Trung Học Ngô Quyền. Nguồn: ngo-quyen.org

Đó là kết quả của nghề thầy.

Ngày hôm nay nhìn lại, uống nước nhớ nguồn, lòng ta ở đâu thì trường ta ở đó.

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài do tác giả gởi. DCVOnline hiệu đính và minh hoạ.

(1) Chuyện ông Carnot nhan đề Học trò biết ơn thầy, trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư (Sách tập đọc và tập viết) Lớp Dự bị do Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, Đỗ Thận biên soạn. Nha Học chính Đông Pháp xuất bản (1935).
(2) Nguyễn Tấn Bi, “Lớp tiếp liên (cours des certifiés) năm 1949”
(3) Dương Thiệu Tống, “Suy Nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại”, trang 289.
(4) Dương Thiệu Tống, Ibid., trang 281.
(5) Bài viết của Võ Thị Hai, Saigon 7-2000, nhan đề Cô Trần Thị Tỵ – Người đã dành cả đời mình cho giáo dục lớp trẻ, đăng trên báo Đi Tới, số 37-38, năm 2000, trang 157.
(6) Võ Thị Hai, Ibid., trang 157.
(7) Tôn nữ Hương Bình, “Từ Ranh ngôn đến ác mộng”, báo Đi Tới, số 83, 2005, trang 89.
(8) Thành tích Học tập niên khóa 1971-1972, Kỷ yếu Trung học Trương Vĩnh Ký, 1971-1972, trang 99.
(9) Nguyễn Thanh Liêm, Trường Petrus Trương Vĩnh Ký, Saigon, Đi Tới, số 37—38, năm 2000, trang 17.
(10) Xem trang điện tử ngo-quyen.org, phần Một góc thầy cô.
(11) 孔 孟 綱 常 須 刻 骨 / 西 歐 科 學 要 銘 心: hai câu đối của Giáo sư Ưng Thiều có nghĩa là: Đạo lý cương thường của Khổng Mạnh: nên khắc vào xương / Kiến thức khoa học của Tây Âu: cần ghi vào lòng.
(12) Đinh Ngọc Mô tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Pháp văn Đà Lạt, niên khoa 1965. Sau đó, ông được đi tu nghiệp bên Pháp và chương trình do giáo sư Cao Thanh Tùng diều khiển.
(13) Nguyễn Việt Dũng, “Một Chuyến Ra Quân”, Hội Ái hữu Petrus Trương Vĩnh Ký Úc châu, 2016.
(14) Thầy Bảo còn có hai người anh em là giáo sư đại học Hoang Quốc Trương, đại học khoa học và Hoàng Khải Tiệp. Cả hai đều đi tu và làm linh mục.
(15) Ngô Văn Long, “Góp nhặt dông dài”, trang 50.


Nguyễn Văn Lục

Nguồn: DCVOnline
19 Tháng Hai 2023(Xem: 8349)
thầy Nguyễn Kim Linh nguyên là giáo sư môn Vạn Vật trường trung học Gia Long. Năm 1965 thầy được Bộ giáo dục điều động về làm Giám học trường trung học Ngô Quyền
19 Tháng Hai 2023(Xem: 4285)
Cả hai con chim bằng đã gãy cánh trên vòm trời lửa đạn miền Đông khi tuổi đời chưa đến 25. Thương cho những kiếp sống ngắn ngủi trong thời chinh chiến.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 5805)
Trong lúc Kansas City Chiefs vui mừng trong rừng confetti thì đội Philadelphia buồn vì vừa đánh mất chức vô địch trong tầm tay khi chỉ còn 8 giây nữa là kết thúc trận đấu.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 4491)
Đến với tiệm Nam Tạo, dân ghiền đọc sách có thể tìm được bất kỳ thể loại sách nào, thậm chí khan hiếm ở các nhà sách lớn.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 3446)
Nàng đọc thầm những câu thơ Nam vừa gửi vào email: “Những rung động trong ngực thầm chan chứa/ Xin trao em làm tặng vật mùa xuân”.
16 Tháng Hai 2023(Xem: 3381)
Ở một nơi không phải đất nước tôi, tôi chứng kiến được nhiều bài học đạo nghĩa của chính dân tộc Ukraine, thay vì đào tẩu khỏi chiến tranh, trốn ở một đất nước yên bình khác,
12 Tháng Hai 2023(Xem: 3838)
Xin được thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ về một đàn anh NQ hiền hòa, điềm đạm và có hoài bão chung sức xây dựng hội ái hữu cựu HS của trường xưa
10 Tháng Hai 2023(Xem: 3832)
Chẳng biết từ lúc nào tôi đã thương mến thầm anh Phượng hàng xóm, anh hơn tôi chừng 7-8 tuổi, hát hay đàn giỏi, thỉnh thoảng buổi tối anh ngồi trước cửa nhà đàn hát,
10 Tháng Hai 2023(Xem: 5285)
Nàng chợt nhận ra… Ồ! bức tường nghiêng! Sao đêm nay nàng mới nhận ra bức tường của nàng đã nghiêng?!
05 Tháng Hai 2023(Xem: 4258)
Cuộc đời của Ba là sống cho người khác, cho gia đình, và giúp ích cho mọi người, xã hội, đúng với tên ông bà Nội đã đặt cho.Ba là thứ sáu trong gia đình, nên mọi người quen biết đều biết đến Ba là ông Sáu Nhơn.
01 Tháng Hai 2023(Xem: 3420)
Ngày Tết, thật trang trọng đốt nén hương trên bàn thờ gia tiên. Ta sẽ cảm nhận được những người muôn năm cũ đang hiện diện trong tâm ta.
30 Tháng Giêng 2023(Xem: 3789)
Vậy là đã rõ, chính mấy con mèo được cho là mẫn cán và đã được rèn luyện-tu dưỡng... của ông chánh đã làm nên những chuyện này.
28 Tháng Giêng 2023(Xem: 3447)
Những tưởng người cùng thời so bề tài sắc, so bề tài năng, so bề thời vận, có thể có cái gì giống nhau vậy mà cũng khác nhau.
24 Tháng Giêng 2023(Xem: 4623)
Đối với tôi, mùa Xuân sẽ kém phần lãng mạn, tươi vui và mất đi ý nghĩa rất nhiều khi thiếu vắng những bản nhạc Xuân.
22 Tháng Giêng 2023(Xem: 3455)
rằng từ lúc ông quản lý được bọn mèo rồi thì kho lúa nhà ông không hề có con chuột nào dám bén mảng đến nên chẳng một hột lúa nào bị thất thoát!
19 Tháng Giêng 2023(Xem: 3648)
Thế Chiến II xảy ra như nó đã xảy ra và chúng ta cũng đã chứng kiến, nhưng những ước mơ khanh tướng còn vương vấn nơi những tấm lòng trần tục thì chắc chắn đường trần còn mang nhiều gió cuốn mưa bay.
13 Tháng Giêng 2023(Xem: 4086)
Dù không khí và cách đón Tết mỗi thời, mỗi nơi, mỗi khác nhưng trong tâm hồn của mỗi người dân Việt lúc Xuân về, Tết đến vẫn luôn có cảm xúc lâng lâng khó tả.
13 Tháng Giêng 2023(Xem: 4988)
Tôi thèm thưởng thức cái mùi hăng hắc, nồng nồng của một loài hoa dân dã mà miền Nam tôi gọi là BÔNG VẠN THỌ.
12 Tháng Giêng 2023(Xem: 3937)
Tài liệu quý quá, mình hảnh diện được làm một Hướng Đạo Sinh với truyền thống hào hùng của các bậc tiền nhân huynh trưởng ...
11 Tháng Giêng 2023(Xem: 3989)
Rồi những cái Tết tha hương ở “xứ lạnh tình nồng” Canada với bên ngoài tuyết trắng phủ đầy vạn vật khiến tôi thèm những cái Tết quê nhà ấm áp.