Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Hữu Hạnh - Tháng Ngày Nắng Vội.

28 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 73663)
Nguyễn Hữu Hạnh - Tháng Ngày Nắng Vội.

 

 

THÁNG NGÀY NẮNG VỘI...

 

                  (nhớ cô Phạm Thị Kim Sơn với phần thưởng “Tâm Hồn Cao Thượng”)

 

 

“Muốn sang phải bắt cầu Kiều,

Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”

 

 “Tâm Hồn Cao Thượng” do Hà Mai Anh dịch thuật, tôi đã từng đọc khi những ngày học lớp nhất của bậc tiểu học, và luôn nhớ câu chuyện một vị quan trên đường công tác dừng chân lại trường cũ để thăm lại thầy xưa. Cao đẹp biết bao hình ảnh của thầy cô, như những người làm vườn luôn vun bồi cho mầm xanh đươm lá, riêng người làm vườn riêng mình cằn cỗi với thời gian, hay như những người đưa đò tận tụy đã đưa nhiều lượt khách sang sông, nhưng khách sang đò vốn dĩ vô tình chưa một lần trở lại.  Đừng vội nói vô tình không đáng trách, hãy để tâm hồn lắng đọng dành một khắc một giây nhớ ơn thầy, nhớ ơn cô với tháng ngày nắng vội.

            Cho tôi tìm lại những ngày tuổi thơ, trở về thời trung học của một thời để yêu. Mong được nghe lại những hồi chuông vang, giữa sân trường Ngô Quyền ngăn cách hai dãy lầu, nhớ đến những hình ảnh đầu tiên, nhớ thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo với chiếc áo sơ mi xám cộc tay, đứng trước văn phòng, chờ đón học sinh đi trễ hoặc không đeo phù hiệu, nhớ đến dáng cao cao hiền hậu của thầy giám học Phan Thanh Hoài, nét ồn ào đôn hậu miền Nam cùa thầy tổng giám thị Bùi Quang Huệ. Chuẩn bị vào lớp, quên sao được thầy giám thị Cầm, cô Tư Giàu, thầy Lương Văn Tý, thầy Thân Toàn Tất và thầy Phan Khắc Tân. Và cũng không quên quý thầy cô đã đóng góp âm thầm như thầy Nguyễn Văn Hảo, thầy Lê Hồng Sanh, cùng thành phần ban giám hiệu được thay đổi tiếp nối với thầy Dương Hòa Huân, thầy Hoàng Đôn Trịnh và thầy Phạm Khắc Thành. Lớp Anh văn vỡ lòng Let’s learn English do cô Đào Thị Nga được dạy phát âm bằng máy hát đĩa, English for Today với cô Võ Thị Thu Thủy, thầy Nguyễn Xuân Kính, thầy Nguyễn Văn Lang, cô Phan Thị Tốt và thầy Phạm Văn Dật. Riêng Pháp văn là sinh ngữ phụ, luôn nhớ đến thầy Đinh Hữu Quyến và nhất là cô Nguyễn Thị Mỹ. Những bài toán đại số đầy căn số và hằng đẳng thức đáng nhớ, hình học không gian nan giải, quĩ tích tiến tới vô cực và làm sao để cân bằng được phản ứng hóa học nếu không có thầy Nguyễn Văn Phố, thầy Phạm Thăng Long, Nguyễn Phi Long, thầy Nguyễn Thất Hiệp, thầy Tôn Thất Phong, thầy Tôn Thất Để, thầy Lê Quý Thể, thầy Mai Kiến Phúc và thầy Lê văn Túy. Làm sao dẫn nhập từng bài viết, bằng lối diễn dịch qui nạp hay lung khởi, câu nối chuyển tiếp để lôi kéo và thuyết phục người đọc, trải dài tình cảm trong tác phẩm Kim Vân Kiều, Bích Câu Kỳ Ngộ, làm quen và đón nhận các thi phẩm giá trị của bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Hồ Xuân Hương nếu không có cô Hà Bích Loan, thầy Đoàn Viết Biên và thầy Phạm Ngọc Quýnh (còn thầy Nho với dáng dấp học trò). Đặc biệt có những thầy không người cạnh tranh là thầy Nguyễn Ngọc Ẩn dạy Sử Địa, và thầy Lâm Tấn Văn phụ trách môn Vạn vật, thầy Thân Trọng Hưng dạy Hán văn.Nhớ đến thầy Lê Hoàng Long với đàn violon cùng sáng tác độc nhất “Gợi giấc mơ xưa”. Bên Triết thì có thầy Bích và thầy Giáp, những tháng các thầy bị trưng tập quân sự, các lớp toán được tăng cường cô Tâm và thầy Lương từ Đại Học Khoa Học. Luôn nhớ đến tên quý thầy cô luôn gắn liền với mái trường như cô Bàng, cô Bê, cô Luông, cô Nhã Ý, cô Tiêu Quý Huê, thầy Đinh Văn Sái, thầy Nguyễn Minh Mẫn, thầy Thạc, thầy Thại, thầy Hoàng Phùng Võ, thầy Phạm Khắc Khiêm, thầy Nguyễn Hữu Tiến, cô Dung, sau nốt là thầy Hà Tường Cát v.v…

Rời bỏ trường xưa, tập tễnh vài năm đại học, lại rảo bước tha phương. Không gì sung sướng trên vùng đất lạ gặp lại người thân quen lại là thầy cũ của mình.  “Thưa thầy, em học thầy dạy môn vạn vật năm đệ lục trường Ngô Quyền,”… người trung niên thấp nhỏ, nước da ngâm đen  mừng rỡ  ôm chầm lấy tôi, như ôm lại kỷ niệm ngày nào, chúng tôi đã quên đi quân phong quân kỷ, cùng chia sẻ giữa thầy và trò. Thầy Quan dạy Vạn vật trong những năm đệ nhất cấp, (cùng thời với thầy Nguyễn Hữu Ân), thầy trò gặp lại trong một dịp tình cờ trong lần đi công tác yểm trợ cho hiệp định Paris 1973 tại Vĩnh Long, đứng trước cổng trường Tống Phước Hiệp mà cứ ngỡ là Ngô Quyền. Ngót tám năm qua với ký ức trẻ thơ tôi vẫn còn nhớ, trước đây khi còn dạy ở Ngô Quyền thầy đã giảng dạy tôi biết những nọc độc của loài ong đen, giờ đây gặp lại thầy lại hướng dẫn những nguy hiểm của vùng tranh tối cho đứa học trò cũ, chắc hẳn thầy cũng không nhớ tên… Thầy trò xuyên suốt biết bao niên khóa, lẽ thường thầy cô không bao giờ nhớ hết tên họ của học trò, nhưng khác hẳn với thầy Quan, thầy Trần Phiên có một thời gian dạy toán ở Ngô Quyền sau nầy thầy Phiên thuyên chuyển lên trường Võ Bị hiện đang định cư tại Texas. Nhắc đến thầy Phiên bằng những kỹ niệm đẹp nhất trong đời, dù đang sống trong thời gian đày ải cùng cực, căn bệnh rét rừng của vùng Bà Rá Phước Long, không biết bao nhiêu lớp người lớn tuổi đã gữi lại thân xác vùng rừng núi hoang vu nầy. Trước những tháng ngày nắng vội đầy nghiệt ngã, vẫn còn có thầy có trò bên nhau bằng sự tôn kính tràn đầy nhân bản, dù rằng chúng tôi đã được trang bị kỹ bài học bình đẳng, không thầy trò, cha con trong cuộc đời mới . Cám ơn thầy Phiên, cám ơn những người anh, người bạn đã cho tôi những hình ảnh đáng trân quý. Thầy Phiên đã có được những hạnh phúc miên viễn tình thầy trò, ngay những học sinh Ngô Quyền thầy chưa một lần dạy. Hãy cùng nhau chia sẻ email đầy tâm huyết của thầy Trần Phiên mới đây “tôi muốn tìm Đặng Vũ Vĩnh hs Ngô Quyền cùng thời với Đặng Thị Hảo, Đỗ Thị Kim Thoa . Vì Đặng Vũ Vĩnh, Ngô Đình Dũng, Lê Hữu Phước, là một số hs Ngô Quyền cũ đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong những ngày bi đát trong trại tù. Những người bạn không bao giờ có thể quên được”.

            Những ngày đầu của thập niên 80, có một lần gặp lại thầy Lê Văn Tuý trước công ty xổ số Đồng Nai. Nhớ lại ngày rời xa mái trường 1970 tôi cùng nhóm bạn có dịp cùng thù tạc với hai thầy Lê Văn Túy và Lê Quý Thể tại quán Thâm Giao, thầy trò tiếp tục vui chơi suốt đêm, mới biết mình đã trưởng thành. Qua tháng ngày nắng vội với bao thế sự thăng trầm, thầy Túy còn đây, không biết thầy Thể ở  phương nào, nghe đâu cũng định cư ở Cali, nhưng không có dịp gặp không biết thầy vẫn còn luôn mang dép da và quần không túi không?

            Tháng ngày hòa mình với quê hương, những ngày thồ xe dọc theo công viên bờ sông tôi vẫn thường gặp thầy Dương Hòa Huân ngồi đổi gió trên băng đá để tìm chút trong lành và nhìn theo bóng người qua lại. Và những người qua lại không ít là học sinh Ngô Quyền đã nên danh phận, một số còn long đong lưng gầy cố vác từng bao tải nặng ở các cửa hàng lương thực, hay gò mình trên chiếc xích lô với mồ hôi nhễ nhại lên dốc Ngã Ba Thành.

            Vào giữa năm 1993, tôi có dịp ghé thăm thầy Phạm Khắc Thành trong khu chợ nhỏ trước cổng trường, nhân dịp thầy trở về thăm lại người thân và được nghe thầy nhắc nhớ những kỷ niệm đầy nuối tiếc, những hoài bão dở dang. Riêng đối với thầy Phạm Khắc Thành còn nhắc nhớ, nhưng đối với thầy Bùi Quang Huệ thì không, lần cuối cùng ghé thăm thầy Huệ nhà trong cư xá Kiến Thiết Thủ Đức, lòng tôi bỗng chùng xuống và đầy bồi hồi xúc động, dù biết rằng thời gian sẽ không từ một ai, giọng nói ồn ào ngày xưa không còn nữa, được thay bằng giọng nói yếu ớt và đứt khoảng, đặt bàn tay run rẩy gầy guộc thầy cố gắng đặt lên vai tôi. Không biết sau tôi còn ai thăm viếng và xưng hô tiếng “Thầy” tôn kính ngày nào trong những ngày còn lại, vì thầy Bùi Quang Huệ đã ra đi trong lặng lẽ bên những người thân...

            Tách bước rời khỏi quê hương, tưởng chừng đánh mất thầy cũ, trường xưa. Trời Cali thấm lạnh, nhưng được sưởi ấm bằng tình cảm ngày nào bạn bè chung học dưới mái trưòng, tôi đã gặp lại thầy Mai Kiến Phúc, từ ngày cô Còn mất thầy Phúc có dịp gần gũi gia đình Ngô Quyền nhiều hơn. Gặp lại thầy Hà Tường Cát trong buổi tham dự sinh hoạt cộng đồng, tuy không học thầy nhưng tôi vẫn nhớ và đến chào thầy, thầy đang bận bịu săn ảnh cho bài phóng sự, cũng dành cho tôi một tiếp xúc đầy thân ái.

            “Tha phương ngộ cố tri” niềm vui mừng lớn lao được gặp lại Thầy Phạm Đức Bảo trong buổi tiệc tiếp đón thầy do một nhóm cựu học sinh NQ tổ chức tai nhà hàng Seafood World, nhân dịp thầy Bảo từ Đức sang Cali vào năm 1995. Đồng nghiệp và học trò cũ đều nôn nóng gặp lại thầy để nhìn lại “dung nhan ngày đó bây giờ ra sao” thầy Bảo đến từng bàn để tìm lại nét hồn nhiên đầy năng động ngày nào của từng đứa học trò, qua nhiều vết nhăn trên trán và tóc đã pha sương. Bồi hồi thầy Bảo nhắc lại những ngày nghỉ dưỡng sức ở B 5, nhắc đến đứa học trò thầy đã “ghét” nhất nhưng lại kề cận cùng thầy trong những năm tháng đen tối nhất, anh Lê Văn Thành, ngoài ra thầy Bảo nhắc đến sự chào kính và nhắc nhớ của một người đã từng học Ngô Quyền, dưới sự chăm sóc của thầy, nay đổi lại là người quản lý thầy trong những tháng ngày nắng vội. Hạnh phúc nhỏ nhoi lại tìm được trong những ngày đắng cay, thầy Bảo đã  từng thưởng thức cà phê Paris, Berlin hay Cali, nhưng hương vị chắc không đậm đà bằng ly cà phê sữa đá của Lê Văn Thành đã tìm mọi cách đem về cho thầy trong những ngày ở B 5. Kính thầy Bão giữ gìn sức khoẻ, để đến được ngày Đại Hội 50 Năm.

             Tháng ngày tất bật nơi xứ người, theo ngả  Bolsa  về Busha, nhìn lại hình ảnh của thầy giám học khả kính năm xưa, cũng dáng người cao cao, từng bước chậm âm thầm qua trung tâm Asia thầy vẫn miệt mài đóng góp vào mọi sinh hoạt cho trường xưa. Nhớ ngày rời đại hội NQ ở Bắc Cali để trở về lại mìền Nam, mọi người đều mệt mỏi được người thân đến rước, riêng thầy vẫn một mình thong dong bước nhẹ  đến trạm xe  bus về Westminster và vẫn giữ được nụ cười. Sau những lần họp măt tại nam Cali có gặp lại thầy Nguyễn Văn Phố, thầy Nguyễn Xuân Kính, thầy Nguyễn Phong Cảnh và cô Đặng Thị Trí. Riêng tôi không có học cô Trí, nhưng với trí nhớ tuổi thơ tôi vẫn còn nhớ vào những tháng ngày đi học, hình như cô Trí đã một lần bị thương sau vụ nổ plastic tại  một rạp hát  ở Sài gòn?

            Thầy Nguyễn Xuân Kính dạy Anh văn năm Ngũ 4, nhưng bạn bè cùng thời quá quắc của tôi luôn nhớ nhân vật Lý Bùi trong bài Việt văn của thầy Đoàn Viết Biên. Tôi đã học Toán thầy Nguyễn Văn Phố trong những năm đệ nhất cấp, hơn 30 năm gặp lại thầy luôn nhắc nhớ những học sinh giỏi thời nào, nhưng vì là đứa con nhà nghèo, xấu trai lại học dở, nên tôi không có tên trong đám học trò thầy vẫn nhớ. Nếu được như Tô Anh Tuấn gặp lại thầy Phố và cùng học chung lớp ESL biết bao là hạnh phúc. Luôn kính sức khỏe thầy Phố, hy vọng với chiếc xe cà tàng thầy luôn chở thầy Hoài đến với sinh hoạt chúng em. Thầy Nguyễn Phong Cảnh dạy Toán sau những năm 70, là một người thầy cũng như là một người anh trong gia đình Ngô Quyền, lúc sinh thời thầy Cảnh đã đào tạo một thế hệ đàn em không kém và là gạch nối giữa thầy cô và đông đảo học sinh Ngô Quyền, tôi không có hân hạnh học toán với thầy Cảnh, nhưng từ nơi thầy Cảnh tôi đã học được những bài học quý báu như tình thầy trò, tình bạn, nhất là tình nghĩa phu thê trong cơn hoạn nạn yếu đau, cao đẹp và thiết thực hơn những lời tuyên hứa của đôi uyên ương trong ngày lễ hôn phối. Tôi và thầy đã từng  song hành trong nghĩa trang vắng lặng, cùng suy niệm về thân phận con người trong ngày đưa tiễn thầy Phạm Khắc Thành. Trong đặc san NQ 2003, có một bài viết tôi nhắc đến thầy Cảnh, được thầy đọc mang niềm vui sức khỏe hồi phục, nay những giòng nầy viết về thầy, nhưng thầy không còn nữa…

            “Tâm Hồn Cao Thượng” được đọc lại sau hơn 40 năm, nhưng hình ảnh “Tôn sư trọng đạo” không phải được tìm lại trên trang sách cũ năm nào, lại tìm thấy được trong ngày đại hội NQ 2005 tại Nam Cali, chị Nguyễn Thanh Vân đến từ tiểu bang Oklahoma, người học trò đã tiếp nối bước thầy cô và thành công tại Hoa Kỳ, đã lên phát biểu lời chân tình biết ơn thầy cô đầy xúc động, những gì chị Nguyễn Thanh Vân đạt được ngày hôm nay là do sự tích lũy qua học tập và công lao dạy dỗ của thầy cô dưới mái trường Ngô Quyền. Cám ơn tâm tình tri ân của chị Nguyễn Thanh Vân, cám ơn thầy Hà Tường Cát đã đại diện thầy cô đón nhận sự biết ơn đầy bồi hồi xúc động. Hy vọng với những hình ảnh cao đẹp ngần ấy, như thầm nhắn nhủ rằng chúng ta dù thân xác hèn kém nhưng cố giữ cái tâm để biết sống tử tế cho nhau dù qua tháng ngày nắng vội.

                                                                                   

                                                                                    Nguyễn Hữu Hạnh

 

28 Tháng Sáu 2014(Xem: 30712)
• Việt Nam trong thế kỷ 20 vừa qua có ba điều bất hạnh xảy ra trùng hợp:... Trong ba cái bất hạnh ấy, cái thứ ba là nguy hiểm và tồi tệ nhất.
21 Tháng Sáu 2014(Xem: 29770)
Giữa văn chương và dạy học Hoàng thấy thế nào. Nguyễn Xuân Hoàng cho biết Văn là ý nghĩa chính của cuộc đời. Đi dậy chỉ là phụ. Cô Vy nói thêm. Nhưng cái phụ nuôi cái chính.
21 Tháng Sáu 2014(Xem: 18943)
Mùa trôi. Mùa vẫn trôi. Chớp mắt đã vụt qua, ta giơ tay nhanh mấy cũng không níu kịp. Ký ức xưa sao ta thấy ngày như càng dầy lên theo tuổi tác, cho thương nhớ vin theo mùa mà tìm về, ta biết làm sao từ chối?
20 Tháng Sáu 2014(Xem: 29257)
Hoàng thì đã và đang sống một cuộc sống tràn đầy, nên tôi cũng hiểu rằng bất cứ lúc nào bất cứ ở đâu, bạn tôi cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho dặm cuối của một chặng đường cheo leo trên con dốc tử sinh.
18 Tháng Sáu 2014(Xem: 18654)
Không, tôi ước gì năm nào cũng có bóng đá World Cup thì vợ chồng mình sẽ thôi khắc khẩu, sẽ hạnh phúc triền miên… Chị Bông cũng mỉm cười nhìn chồng. Anh nói đúng như trong lòng chị đang nghĩ.
14 Tháng Sáu 2014(Xem: 18037)
Một ngày bạn bè gặp gỡ trong tình thân. Bạn bè thân mến tôi ơi, còn cơ hội, còn sức khỏe, thì hãy đến với nhau. Một ngày vui rồi cũng qua mau....
13 Tháng Sáu 2014(Xem: 29408)
Ở Mỹ, ngày “Từ Phụ” “Father’s Day” thường tổ chức vào ngày Chủ Nhật của tuần Lễ thứ ba trong tháng Sáu. ...Mục đích của ngày lễ là để con cái tỏ lòng biết ơn và vinh danh cha mình.
13 Tháng Sáu 2014(Xem: 23854)
Mỗi khi nghĩ đến cha thì hình ảnh hiện ra trong đầu tôi là một người cha đạo mạo và nghiêm khắc. Tôi không muốn như vậy. Tôi muốn ông cười, nụ cười thật từ ái và hiền lành.
12 Tháng Sáu 2014(Xem: 22288)
Tựa đề: ĐẸP MÃI NHỮNG THIÊN THU Nhạc&Lời: Phạm Chinh Đông Trình bày: Tác giả. Bấm vào ô vuông ở cuối khung góc phải (Full screen) để mở lớn màn ảnh
07 Tháng Sáu 2014(Xem: 30442)
Dù sinh hoạt cuộc sống hằng ngày với bao lo toan, trách nhiệm gia đình và xã hôi. Nhưng chúng tôi vẫn luôn dành những ngày cuối tuần cho những buổi họp mặt để có những niềm vui.
06 Tháng Sáu 2014(Xem: 16876)
Và cháu ơi! Tất cả những sự việc tốt đẹp đều bắt đầu từ những cái bình thường nhất.
06 Tháng Sáu 2014(Xem: 25847)
Không niềm vui nào tả hết, sau hơn 40 năm, học trò gặp lại người thầy kính yêu. Học trò nhìn đôi chân thầy, vẫn đôi dép lê, chiếc áo pull giản dị. Tôi vui quá, thật sự một ngày vui, khi gặp lại các anh chị. Thầy ơi, bởi vì trái đất tròn. Thương sao trái đất vẫn tròn.
31 Tháng Năm 2014(Xem: 28257)
Còn 2 ngày nữa là hết tháng năm. Mùa hè đã về. Các cháu được hưởng những ngày hè vui vẽ bên gia đình.... Hình như tháng Sáu đang gỏ cửa . Còn 2 ngày nữa mới tới. Tháng Sáu ơi.
29 Tháng Năm 2014(Xem: 17289)
Riêng tôi trong mọi sinh hoạt giới trẻ vẫn mong muốn các cháu dù thành đạt nhưng vẫn luôn ghi nhớ biết mình từ đâu để quay về và hơn lúc nào hết phải nhận được nguyên do tại sao mình hiện diện trên đất nước này.
20 Tháng Năm 2014(Xem: 19431)
. Ông nói, ví dụ như khi có tiền lệ như thế rồi, nếu tương lai có một nước lớn tham tàn hung bạo nào đó thừa gió bẻ măng hoặc với lý do tương tự như vậy tiến chiếm đất đai, lãnh thổ nước Việt mình (3)
20 Tháng Năm 2014(Xem: 22536)
Xin hãy viết, hãy ghi những tâm tình, những dòng nhạc ca ngợi và biết ơn Tình Mẹ không chỉ trong Ngày Lễ Mẹ hay trong Tháng 5 nầy mà mãi mãi về sau dù thời gian đã làm ''mẹ con giờ tóc bạc như nhau''.
10 Tháng Năm 2014(Xem: 20797)
Ngày nào còn con người với những buồn vui mất mát, đau khổ lẫn ước mơ, ngày đó tiếng thơ Trần Kiêu Bạc còn mãi ngân vang.
10 Tháng Năm 2014(Xem: 15521)
Lúc trước nó thường hay chọc ghẹo là má nó hà tiện cứ ưa cất giữ đủ thứ mốc meo cũ xì nhưng giờ thì nó đã hiểu. Má không giữ đồ cũ, má cố giữ niềm vui ngày cũ. Ngày có Má có Con.
09 Tháng Năm 2014(Xem: 21408)
Những kinh nghiệm sống, những gian lao cực khổ của Mẹ đã chấp cánh cho anh em tôi bước vào đời. Mẹ truyền đạt cho tôi bằng những kinh nghiệm mà Mẹ từng trải.
05 Tháng Năm 2014(Xem: 17061)
Vâng. Tôi đã kể câu chuyện của tôi trong ngày 30 tháng 4 năm 1975. Còn anh, còn chị, còn các bạn. Ngày 30 tháng 4 năm đó đã làm gì? Ở đâu?