Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Văn Lục - Một cái nhìn từ bên ngoài của người Tây phương và người Việt về nước Tầu (1b - phần 3)

31 Tháng Ba 201611:56 CH(Xem: 18450)
GS. Nguyễn Văn Lục - Một cái nhìn từ bên ngoài của người Tây phương và người Việt về nước Tầu (1b - phần 3)

Một cái nhìn từ bên ngoài của người Tây phương và người Việt về nước Tầu (1b - phần 3)


Về kiểu tóc

Người dân Việt Nam cắt tóc ngắn, đi chân đất, khiêng võng chở Phaaft Hoàng Trần Nhân Tông. (Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ). Nguồn: By Ptdtch - Own work, CC BY-SA 3.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=33717474

Người dân Việt Nam cắt tóc ngắn, đi chân đất, khiêng võng chở Phật Hoàng Trần Nhân Tông. (Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ). Nguồn: By Ptdtch – Own work, CC BY-SA 3.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=33717474

Trần Quang Đức viết,

“Qua khảo sát tư liệu hình ảnh và văn tự tương quan, có thể thấy người Việt từ thời Lý đến thời Nguyễn đã từng để nhiều kiểu tóc khác nhau […] 1. búi tóc chuy kế (búi tóc củ hành); 2. cạo trọc; 3. cắt tóc ngắn; 4. xõa tóc dài.

Trong đó, búi tóc chuy kế (búi tóc củ hành) là kiểu tóc thịnh hành vào thời Lý, và là kiểu tóc đơn nhất của nam giới Việt thời Nguyễn; tục cạo trọc đầu thường thấy ở thời Trần; mái tóc ngắn chấm vai phổ biến vào thời Trần và Lê sơ; tóc xõa dài được ưa chuộng vào thời Lê – Trịnh.”(52)

Tiếp tục đề cao chủ nghĩa dân tộc, Ngô Nhân Dụng, kể chuyện Lê Quýnh ở cuối thế kỷ 18, viết, “Một câu nói của ông còn được lưu truyền: ‘Đầu tôi có thể chặt nhưng tóc tôi không thể đổi; da tôi có thể lột nhưng áo tôi không thể bỏ.’”(53)

Cũng chuyện Lê Quýnh, Trần Quang Đức viết,

Quốc Uy Công Nguyễn Phúc Thuần. Nguồn: By Unknown - http://english.vietnamnet.vn/fms/vietnam-in-photos/78314/ancient-costumes-of-vietnam.html, Public Domain, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=41014547

Quốc Uy công Nguyễn Phúc Thuần. Nguồn: By Unknown – http://english.vietnamnet.vn/fms/vietnam-in-photos/78314/ancient-costumes-of-vietnam.html, Public Domain, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=41014547

“Ngoài ra cần lưu ý thêm rằng trong khi triều thần nhà Lê là Lê Quýnh thà chết không chịu cạo tóc thì Quốc Uy công Nguyễn Phúc Thuần ở Đàng Trong lại cạo tóc tương tự kiểu kayasaki của người Nhật. Triều thần Lê Quýnh sau khi bị Phúc Khang An dụ cạo tóc đã tức giận trả lời: “Bọn ta đầu có thể chặt tóc không thể cạo, da có thể lột chứ y phục không thể thay.”(54)

Cùng một câu chuyện, Ngô Nhân Dụng và Trần Quang Đức viết rất khác nhau. Một bên đề cao dân tộc chủ nghĩa, một đằng biên khảo lịch sử. Lại nữa Trần Quang Đức luôn luôn dẫn chứng nguồn bằng văn tự nguyên bản và bản dịch, nếu có/cần cũng như hình ảnh có thực.

Thí dụ câu nói, “Ngã bối đầu khả đoạn, phát bất khả trĩ, bì khả tước, phục bất khả dịch dã”, của Lê Quýnh đã được Trần Quang Đức ghi ở cước chú là: (Việt) Hoàng Lê nhất thống chí – Đệ thập tam hồi. Nguyên văn: 我輩頭可斷,發不可雉,皮可削,服不可易也 Mục tháng 4 năm 1789 trong Cương mục cũng có ghi chép tương tự.

Về cái váy

Ngô Nhân Dụng viết câu đó “Cái thúng mà thủng hai đầu / Bên ta thì có bên Tầu thì không” chỉ là một cách để “chứng tỏ Ta và Tầu khác nhau”. Tác giả cũng nhắc đến hai câu, “Chiếu vua mùng tám tháng ba / Cấm quần không đáy người ta hãi hùng” mà ông gọi là hai câu ca chế riễu nhưng hoàn toàn không luận đến việc nếu bị cấm mặc váy thì đàn bà chẳng lẽ không mặc gì thay thế hay sao. Ngô Nhân Dụng không bàn đến việc này vì sự thực lịch sử từ năm 1744 đã đạp đổ cái luận cứ “không khụyu chân” mà ông đưa ra ở Chương một.

Theo những điều Lê Quý Đôn cho biết trong “Phủ biên tạp lục”, tương tự như sử đã chép trong “Đại Việt sử ký tục biên” và ký “Lịch sử Đàng Trong” của giáo sĩ Jean Koffler và nhiều tài liệu lịch sử khác.

1744, Nguyễn Phúc Khoát, sau này nhà Nguyễn truy tôn là Thế tông Hiếu Vũ Hoàng đế vì lời sấm truyền của người Nghệ An, “Bát thế hoàn trung đô” xưng Vũ Vương (thực ra vì Chúa Trịnh Đàng Ngoài đã xưng vương), thay đổi y phục triều đình, ra lệnh trai gái hai xứ Thuận Hóa Quảng Nam “đổi dùng quần áo Bắc quốc để tỏ sự thay đổi”, “đều ăn mặc theo thể chế nhà Minh”, “Chúa bắt bỏ lối quần áo thô bỉ của người Đàng Ngoài mà châm chước theo lối quần áo của người Tầu.”(55)

Như vậy câu nói của Nguyễn Trãi, “Phong tục Bắc Nam cũng khác” để xác định sự bất đồng giữa người Việt với người Tầu hẳn cũng đúng với văn hóa Đàng Trong Đàng Ngoài vào cuối thế kỷ thứ 18. Và như thế thì “cái váy” của Ngô Nhân Dụng đã bị chúa ở Đàng Trong đánh khuỵu. Và sau đó quần áo Đàng Ngoài đã bị vua Minh Mạng tung quả đấm bồi, cấm nhiều loại y phục trong đó áo tứ thân, váy đụp, và khố là trang phục Minh Mạng cho là xấu xí, hủ lậu nhất.

Ấn bản năm 2013 © Trần Quang Đức, © Nhã Nam

Ấn bản năm 2013 © Trần Quang Đức, © Nhã Nam

Việc thay đổi y phục ở Đàng Ngoài được tiến hành quy mô nhất dưới thời Nguyễn. Vua Minh Mệnh từ năm 1827 đã bắt dân Quảng Bình mặc theo lối Đàng Trong và đến năm 1828 thì bắt dân Bắc Hà đổi theo y phục của triều đình. Việc thống nhất y phục gặp nhiều chống đối nên đến năm 1838 lại ban dụ rằng:(56)

“Ngày trước từ Linh Giang trở ra Bắc, dân vẫn mặc y phục như cũ. Đã ban dụ truyền lệnh sửa đổi theo y phục từ Quảng Bình trở vào trong, để phong tục đồng nhất. Lại cho thời hạn rộng rãi, khiến dân được thong thả may sắm quần áo. Từ năm Minh Mệnh thứ 8 (1828) đến nay, đã 10 năm rồi, vẫn nghe nói dân chưa sửa đổi. Vả lại, từ Quảng Bình trở vào Nam, mũ khăn quần áo đều theo phong cách của nhà Hán, nhà Minh, xem khá tề chỉnh. Theo phong tục cũ của người miền Bắc con trai đóng khố, con gái mặc áo thắt vạt, dưới mặc váy. Đẹp xấu đã thấy rõ rệt. Có kẻ đã theo tục tốt, cũng có kẻ vẫn giữ nguyên thói cũ. Phải chăng cố ý làm trái lệnh trên? Các tỉnh thành nên đem ý ấy mà chỉ bảo, khuyên dụ nhân dân. Hạn trong năm nay, phải nhất tề thay đổi. Nếu đầu năm sau, còn giữ theo y phục cũ, sẽ bị tội.”

(Theo Nguyễn Duy Chính trong Tản Mạn Lịch Sử về Hình Dáng Người Việt Thế Kỷ XVIII, dẫn theo “Minh Mệnh chính yếu”. Bản dịch Lê Phục Thiện, Sài Gòn, 1974, tập 3, tr. 283 (dẫn theo Đỗ Đức Hùng “Về câu ca: Tháng Tám có chiếu vua ra…”, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế – Tạp chí Xưa & Nay: Những vấn đề lịch sử về triều đại cuối cùng ở Việt Nam, 2002), tr. 91.)

May thay, sau Minh Mạng không có chính sách cấm đoán y phục gay gắt nên khăn khố, váy đụp còn được xử dụng đến đầu thế kỷ XX(57).

Như vậy, từ lệnh của Hiếu Võ Hoàng đế bắt dân, quan thay đổi y phục theo thể chế nhà Minh, đến đời Minh Mạng thành “quần chân áo chít”, áo cổ đứng, cài khuy và quần hai ống đã thay hẳn trang phục Đàng Ngoài rồi trở thành trang phục chung cho cả hai phái nam nữ mà ngày nay gọi là áo dài với quần hai ống, quốc phục của người Việt Nam. Lịch sử cho thấy “sức đề kháng” của cái váy đàn bà và cái khố của đàn ông Việt Nam không đủ mạnh và không cường điệu như lời tác giả Ngô Nhân Dụng.

Về trường hợp sử gia Keith W. Taylor và cuốn “The Birth of Vietnam”, University of California Press ấn hành năm 1983.

Sở dĩ tôi đề cập đến sử gia Keith Taylor và cuốn “The Birth of Vietnam” của ông vì một số lý do. Dưới đây chỉ là những nét chính.

Thứ nhất, Keith Taylor viết xong cuốn “The Birth of Vietnam” vào năm 1983, 33 năm về trước. So với tác phẩm mới nhất của ông, 696 trang, do Cambridge University Press phát hành năm 2013, “A history of the Vietnamese” thì rõ ràng ông đã trở lại vấn đề, và viết lại tất cả những tri thức mà ông đã tích lũy về Việt Nam.

Những người quen thuộc với các nghiên cứu lịch sử Việt Nam của những học giả viết tiếng Anh thấy ngay ở những trang đầu cuốn “A history of the Vietnamese” tác giả đang mở ra một con đường mới dù ông không nói rõ điều này. Mãi đến phần “Retrospective” (Nhìn lại), ở cuối sách, ông viết

A History of the Vietnamese (Cambridge Concise Histories): K. W. Taylor:

A History of the Vietnamese (Cambridge Concise Histories): K. W. Taylor:

“Considering the events discussed in this book, no conclusion can be drawn in the sense of discovering some deep logic governing a presumed destiny of the Vietnamese people. Knowledge of the Vietnamese past in the English language accumulated in the late twentieth century in the shadow of war; academics, journalists and politicians accorded the chief privilege of shaping that accumulation to the group of Vietnamese fortunate enough to have allies that remained relatively steadfast until the last battle. What accumulated came from wartime propaganda based on a stridently nationalist version of Vietnamese history that featured, first, an affirmation of Vietnamese identity pre-dating contact with the ancient Chinese and, second, dominant themes of rebellion against colonial oppression and resistance to foreign aggression; neither of these ideas can be sustained by a study of existing evidence about the past.”(58)

“Xét các sự kiện được bàn cãi trong cuốn sách này, không có kết luận nào được rút ra theo cái nghĩa khám phá logic sâu sắc nào đó đã đưa đẩy số phận tiền định của người Việt Nam. Tri thức về qúa khứ của người Việt viết bằng tiếng Anh tích luỹ ở cuối thế kỷ XX, trong bóng tối của chiến tranh; giới hàn lâm, phóng viên, chính trị gia đã có cái đặc quyền trọng yếu định hình sự tích lũy [tri thức] đó cho nhóm người Việt đã may mắn có được những đồng minh tương đối vẫn không dao động cho đến trận chiến cuối cùng [Cộng sản Việt Nam]. Những điều được tích luỹ bắt nguồn từ sự tuyên truyền thời chiến dựa trên một phiên bản chủ nghĩa dân tộc điếc cả tai của lịch sử Việt Nam, thứ nhất, đã đề cao một sự khẳng định về căn cước Việt Nam đã có trước khi có những tiếp xúc với người Hán cổ, và thứ hai, là những chủ đề chính về sự nổi dậy chống lại sự áp bức thực dân và sự kháng chiến chống ngoại xâm; cả hai ý tưởng này không thể được xác nhận bằng việc nghiên cứu những chứng cớ về quá khứ hiện còn.”

Lời thừa nhận đã sai lầm trên đây của sử gia Taylor dù trễ nhưng rất quan trọng.

Điểm sai thứ nhất trong tri thức tích lũy về lịch sử Việt Nam là Việt Nam đã có căn cước dân tộc riêng – từ thời Hùng Vương – trước khi có giao tiếp với người Trung Hoa thời cổ đại. Đây là điều Taylor đã cố lý giải trong cuốn “The Birth of Vietnam”. Tại sao đây lại là một điểm sai lớn?

Ở cuối những năm 1960 đầu thập niên 1970, những học giả “viết sử” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã quyết tâm khẳng định về sự hiện hữu của một dân tộc và một nền văn hoá Việt trước khi người Trung Hoa đặt chân đến khu vực này vào thế kỷ III trước công nguyên để phục vụ cho mục đích tuyên truyền, kích động lòng dân trong chiến tranh. Cuốn “Histoire du Vietnam” của Nguyễn Khắc Viện (Éditions sociales, 1974) sau dịch thành “Việt Nam: Một thiên lịch sử” là một thí dụ tiêu biểu‎. ‎Và chính Taylor đã đưa những “khám phá” này của họ vào nghiên cứu của ông.

Trái lại, ở cuốn “A history of the Vietnamese” Keith Taylor đã phản tình bằng cách bắt đầu bằng cuộc Nam tiến bành trướng của đế chế Tần vào năm 221 trước công nguyên, và lập luận rằng ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam đã hình thành trong mười thế kỷ khu vực này thuộc về các đế chế Trung Hoa. (59)

Dựa trên một phân tích sơ bộ về tiếng Hoa-Việt, và các dữ liệu mới về ngôn ngữ Mường, nhà ngôn ngữ học John Phan lập luận(60) rằng

“An Nam đã chứng kiến một “sự thay đổi ngôn ngữ” ngay trong thành phần dân số ưu tú thoát khỏi một phương ngôn miền trung Trung Hoa và hướng về về một phương ngôn, không phải là tiếng Hoa của nhóm “Proto-Việt-Mường” (tiền thân trực tiếp của ngôn ngữ hiện đại Việt và Mường). Quá trình “thay đổi ngôn ngữ” này thay đổi hoàn toàn ngữ pháp và từ vựng của Proto-Việt-Mường.”

Và thứ hai, ông cho rằng

“Một nhóm nhỏ của những phương ngôn trong mảng (đã) đa dạng của các phương ngôn lai Việt-Mường, biến đổi trong cô lập, và cuối cùng đã phát triển thành ngôn ngữ Việt Nam hiện đại.”

Như thế John Phan cho rằng ngôn ngữ Việt Nam đã “sinh” ra ở những thế kỷ đầu thiên niên kỷ thứ hai, và trong suốt ngàn năm khi người Hán thuộc địa hóa đồng bằng sông Hồng, khi người dân nói một phương ngữ tiếng Hán địa phương chuyển sang một ngôn ngữ địa bản địa.

Taylor cũng thế, trong cuốn “A history of the Vietnamese” đã theo những lập luận của John Phan, người đã cho rằng ngôn ngữ Việt Nam như hiện nay đã hình thành trong suốt đoạn sau một ngàn năm bị người Hán đô hộ.

Với lập luận nhóm ngôn ngữ và văn hoá mà gọi là người Việt Nam đã hình thành trong phạm vi, và là một thành phần của đế chế Trung Hoa, Taylor đã thách đố phần tri thức tích lũy về lịch sử Việt Nam – cho rằng người Việt luôn luôn chống lại ngoại xâm, đặc biệt là Trung Hoa – cái mà John Phan gọi là loại “tưởng tượng học thuật lịch sử” (historiographic fantasy).

Thứ nhất, Taylor cho rằng ý tưởng huyền ảo, nặng tính chủ nghĩa dân tộc, cho rằng Việt Nam liên tục ở trong tình trạng nguy ngập vì Trung Quốc không có có sở trong thực tế. Chỉ có vài lần người Trung Hoa đem quân tấn công lãnh tụ người Việt trong nhiều thế kỷ ở  thiên niên thứ nhất sau công lịch – thời gian tổ tiên người Việt đã sống yên ổn, hòa bình như những cư dân của đế chế Trung Hoa. Những cuộc chinh phạt miền Nam là “hệ quả của những hoàn cảnh đặc biệt” và do đó không tiêu biểu cho bất kỳ một hiện tượng bền vững nào(61). Thứ hai, với lập trường cho rằng người Việt, về mặt văn hoá, là một thành phần trong cùng một thế giới đế chế như người Trung Hoa, ông chứng minh rằng những tuyên bố về tính riêng biệt, nét đặc thù văn hoá mà giới sử học cho rằng người Việt cố gắng gìn giữ và chống lại sự xâm lược từ bên ngoài là chuyện không có.

Đó là vài nét chính về sự thay đổi nhận định của một sử gia già kinh nghiệm và học thuật về lịch sử Việt Nam. Trong cuốn sách đồ sộ “A History of the Vietnamese” còn rất nhiều điểm đánh đổ những “tưởng tượng học thuật lịch sử” khác trong cuốn “Đứng vững Ngàn năm”.

Để hiểu tại sao đến thế kỷ XXI vẫn còn lấy những “tưởng tượng học thuật lịch sử”  đem in thành sách, và vẫn có người đọc rồi vỗ tay. Hãy đọc qua dẫn chứng sau cùng. Trong bài tiểu luận tựa đề “Việt Nam Khai Quốc” (hay Những con số biết nói) đăng ở Facebook, ngày 21 tháng 7, 2013, Trần Minh Khôi viết

“Các thế hệ Việt Nam lớn lên đầu thế kỷ 20 và trong thời kỳ hậu thuộc địa tin/viết/được dạy rằng lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược phương Bắc. Họ tiếp tục thuyết giảng niềm tin này cho các thế hệ sau và nó đã trở thành một thứ tín điều, cản trở chúng ta trong việc có những nhận thức đúng đắn về quốc gia Việt Nam hiện đại. Con số không biết nói dối. Bảng thống kê dưới đây, chắc hẳn là chưa đầy đủ, cho chúng ta thấy một lịch sử hoàn toàn khác, một diện mạo khác về sự hình thành quốc gia Việt Nam.”

Sau đó tác giả liệt kê một bản niên đại gồm 64 sự kiện bắt đầu từ [1] 938 Ngô Quyền đánh Nam Hán xâm lược đến [64] 1979-1988 Việt Nam xâm nhập Thái Lan (từ Cambodia) và ghi chú như sau:

“Những cuộc chiến tranh chống kẻ thù phương Bắc. Tổng cộng: 8 lần, chưa đến 40 năm. Phần còn lại, ngoài chiến tranh chống Pháp, là chiến tranh giữa các vương quốc làm nên quốc gia Việt Nam hiện đại.”

Bản đồ "Thời đại chư hầu". Nguồn: K. W. Taylor, Ibid., trang 654

Bản đồ “Thời đại chư hầu”. Nguồn: K. W. Taylor, Ibid., trang 654

Ghi nhận trên khai triển một đóng góp khác, mới và không nhỏ, của Keith Taylor trong cuốn “A History of the Vietnamese” về những xung đột vùng miền trong suốt lịch sử người Việt Nam, căng thẳng giữa Thăng Long với Thuận Hóa ngày xưa hay Hà Nội với Sài Gòn ở thời cận đại. Đối lập cả giữa Bắc và Nam và trong cả hai miền Bắc và Nam là một sự kiện thường xuyên tái diễn(62). Y phục Đàng Trong Đàng Ngoài thời Trịnh Nguyễn phân tranh là thí dụ điển hình. Cảnh cán bộ cộng sản vùng Thanh Nghệ tràn ngập Hà Nội sau 1954 lại tái diễn ở Sài Gòn sau tháng 4, 1975 với cán bộ cộng sản từ Hà Nội tràn vào. Ngay cả khi ở cùng một chế độ, người Việt Nam ở giai cấp lãnh đạo cũng có phân biệt vùng miền, “Tổng Bí thư phải là người miền Bắc, có lý luận…”(63) cũng như vấn đề cân đo Nam Bắc trong những nội các Việt Nam Cộng hòa, hay tỉ số áp đảo người miền Nam trong Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Lịch sử cho thấy chưa bao giờ có một dân tộc Việt Nam thống nhất.

Tóm lại, “Quá trình tự vệ và trưởng thành của dân tộc trong ngàn năm Bắc thuộc là một phép lạ cho người Việt tự hào”(64) cũng như hàng ngàn con chữ tương tự trong cuốn “Đứng vững Ngàn năm” vẫn chỉ là một loại historiographic fantasy, một thứ tín điều, một loại bài của ban tuyên giáo dùng để tuyên truyền kích động hơn là một biên khảo lịch sử nghiêm túc.

Tôi đâm ra nghi ngờ khả năng đọc của một số nhân vật đã đọc “Đứng vững ngàn năm” của Ngô Nhân Dụng, viết bài điểm sách(65) cũng như tổ chức các buổi ra mắt sách.

Đôi lời kết

Tình thế của ngày hôm nay có khác trước nhiều.

Biên giới địa lý không còn là yếu tố quyết định cho việc thành bại hay thắng thua. Ngay cả yếu tố chính trị nay với những liên minh quân sự, chính trị, kinh tế sẽ được đặt lên bàn cân để tính toán về cái lợi, cái hại. Tất cả tùy thuộc vào một người lãnh đạo, biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi đảng phái.

Nếu nói về cái hại thì cái hại số một hiện nay ở Việt nam là có một đảng độc quyền không đếm xỉa gì đến quyền lợi đất nước. Lẽ thua được nằm ở chỗ đó mà thôi!

Tiếc thay, Việt Nam đã mất nhiều cơ hội để hội nhập với bạn bè thế giới bằng lối đi ra biển, vượt thoát áp lực của nước láng giềng khổng lồ.

Một nước Lào nhỏ bé cũng có một chọn lựa can đảm để tìm một lối thoát cho họ. Còn chúng ta?

Lại một lần nữa, một tập đoàn bán nước sẵn sàng làm tay sai cho giặc.

© 2016 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”


Nguồn: Bài và chú thích của tác giả. DCVOnline hiệu đính và minh họa
(28) Hung Nô, Bách khoa Toàn thư mở
(29) University of Washington, “A. The Main Caravan Routes (b) The Central Route” or “Middle Route.” Web <http://depts.washington.edu/uwch/silkroad/texts/weilue/appendices.html>, 12/01/2016
(30) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Quyển I, Bộ Giáo Dục, Trung tâm Học liệu, trang 129
(31) Alexandre De Rhodes, Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài, trang 27
(32) Xem các tập về “Những Người bạn cố đô Huế”, nxb Thuận Hóa, nhiều tập. Hoăc các tập này đã được người Pháp sau 1975 số hóa.
(33) Nguyễn Ngọc Huy. “Quốc triều Hình luật. Quyển A”. Viet Publisher, 1989. tr 177.
(34) Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, Nxb Nhã Nam & Thế giới, 2013, trang 92
(35) Christophoro Bori, Xứ Đàng Trong năm 1621, Hồng Nhuệ (Translator), Nguyễn Khắc Xuyên(Translator), Nguyễn Nghị (Translator), 1988, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
(36) Trần Trọng Kim, Ibid., trang 90.
(37) Trần Trọng Kim, Ibid, trang 127
(38) Xem Tào Đại Vi – Tôn Yến Khanh – Dịch giả Đặng Thuy Thúy, Lịch sử Trung Quốc, nxb Tổng Hợp Tp. HCM, 2011. , trang 130–131
(39) Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, Nhà xuất bản tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 1982, trang 116
(40) Phan Khoang, Việt sử: xứ đàng trong, 1558-1777. Cuộc nam-tiến của dân-tộc Việt-Nam. Xuân Thu, 1967, trang 326–327.
(41) Ngô Nhân Dụng, “Đứng vững ngàn năm”, Người Việt xuất bản, năm 2013.
(42) Nguyễn Ngọc Bích, Đọc “Đứng vững ngàn năm” của Ngô Nhân Dụng. Diễn Đàn Thế kỷ
(43) Nguyễn Mạnh Trinh, “Thanh Tâm Tuyền, Nhà Thơ: Từ “Liên, Đêm Mặt Trời Tìm Thấy” đến “Thơ Ở Đâu Xa”. Trang Người Tình Hư vô, <https://nguoitinhhuvo.wordpress.com> truy cập 2/212016′
(44) Thanh Tâm Tuyền, “Thơ ở đâu xa”, Trang Talawas, <http://www.talawas.org/>, Truy cập 2/1/2016.
(45) Luân Hoán, “Đỗ Quý Toàn và cái cổ hạnh phúc”, 2007. Web 12/01/2016).
Thica.net, “Trang thơ Đỗ Quý Toàn”. Web <http://www.thica.net/tac-gia/do-quy-toan/>, 12/01/2016
Bách thư Toàn thư mở (tiếng Việt), Đỗ Quý Toàn. Web <https://vi.wikipedia.org/wiki/Đỗ_Quý_Toàn>, 12/01/2016; và Nguyễn Hưng Quốc, “Đọc ‘Đứng vững ngàn năm’ của Ngô Nhân Dụng”. VOA tiếng Việt, Web <http://www.voatiengviet.com/>, 12/01/2016
(46) Bằng Phong Đặng Văn Âu, “Thư gửi nhà báo Đỗ Quý Toàn”, DCVOnline, <http://dcvonline.net/>, 2/1/2016.
(47) Ngô Nhân Dụng, Ibid., 133.
(48) Alexander Woodside, “A Comparative Study of Nguyen and Ch’ing Civil Government in the First Half of the Nineteenth Century”, Harvard University Asia Center (December 15, 1988)
(49) Trần Quang Đức, Ngàn năm áo mũ, Nxb Nhã Nam & Thế giới, 2013, trang 25. Nguyên văn: 初覺亡占城,言中國虛實; Tr.289. Tờ 1b. Nguyên văn: 凡中國豪傑之士陽假以官,安揷于北; Tr.307. Tờ 37b. Nguyên văn: 賊在中國,民猶未定.
(50) Trần Quang Đức Ibid., trang 27 trích lại Cự Việt Quốc Thái úy Lý công thạch bi minh tự. Dẫn theo Thơ văn Lý Trần. Tập I. Trang 464 (nguyên văn: 蠻夷猾夏,臣之罪也[…]禁止夷俗,拱手而受墨刑;盜賊邊民,喪膽而歸皇化)
(51) Ngô Nhân Dụng, Ibid., trang 172.
(52) Trần Quang Đức, Ibid., trang 91.
(53) Ngô Nhân Dụng, Ibid., trang 174.
(54) Trần Quand Đức, Ibid., trang 256.
(55) Trần Quang Đức, Ibid. trang 259-260.
(56) Nguyễn Duy Chính, Tản Mạn Lịch Sử về Hình Dáng Người Việt Thế Kỷ XVIII, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8-9 (97-98). Sở Khoa học Công nghệ Thừa thiên Huế. 2012. trang 91.
(57) Trần Quang Đức, Ibid., trang 262-263.
(58) Keith Taylor, “A history of the Vietnamese”, Cambridge University Press, 2013, trang 620.
(59) Liam C. Kelley, University of Hawai’i at Manoa, Review, Keith Taylor, “A History of the Vietnamese”, Cambridge University Press, 2013. xvi, 696 pp. $45.00 (paper). Journal of Vietnamese Studies , Volume 9 (1) – Jan 1, 2014, p107-110. Norman G. Owen, Honorary Professor, University of Hong Kong, and Scholar in Residence, Duke University. Review of a History of the Vietnamese by K. W. Taylor. 28 May 2014.
(60) John Phan ©2010, “Re-Imagining ‘Annam’: A New Analysis of Sino–Viet– Muong Linguistic Contact”, Chinese Southern Diaspora Studies, Volume 4, 2010 南方華裔研究雑志第四卷, 2010
(61) Keith Taylor, Ibid., trang 622-3.
(62) Keith Taylor, Ibid., trang 623-4
(63) Nguyễn Phú Trọng, “Tổng bí thư phải là người miền Bắc, có lý luận”, tuyên bố trước Đại hội XII của đảng CSVN, 29/12/2015.
(64) Ngô Nhân Dụng, Ibid., trang 19.
(65) Nguyễn Hưng Quốc, “Đọc ‘Đứng vững ngàn năm’ của Ngô Nhân Dụng”, Blog Nguyễn Hưng Quốc, VOA – Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. Nguyễn Ngọc Bích, “Đọc ‘Đứng vững ngàn năm’ của Ngô Nhân Dụng”. Diễn Đàn Thế kỷ. Du Tử Lê, “Khả năng phân thân Đỗ Quí Toàn / Ngô Nhân Dụng”, Trang Ái hữu Đại học Sư phạm Sài Gong. Web <http://daihocsuphamsaigon.org/index.php/gioithieu/1632-docdvnnngonhandung>, 12/01/2016


Nguyễn Văn Lục

Nguồn: DCVOnline


17 Tháng Sáu 2023(Xem: 2898)
Việc gắn bó gần gũi với chợ LB ngay từ hồi niên thiếu đã cho tôi một miền ký ức ngọt ngào khó quên dù đã nhiều năm sống xa quê hương.
15 Tháng Sáu 2023(Xem: 3034)
Bây giờ dù đã bước đến buổi hoàng hôn của cuộc đời ta vẫn ước ao có phép mầu nào đưa ta đi ngược thời gian trở về tuổi học trò mơ mộng
11 Tháng Sáu 2023(Xem: 2914)
Cho đến bây giờ, tôi cũng không biết làm sao Ông có đủ thì giờ và sức khỏe để hoàn thiện tất cả mọi chuyện, mọi vai trò từ trong gia đình ra đến xã hội.
11 Tháng Sáu 2023(Xem: 2957)
“Người con gái phi thường” đó là cô Nguyễn Thị Oanh, một người con gái 27 tuổi, cao 1 thước 50, nặng 45 kí. Tuy trước đó cô đã 8 lần đoạt huy chương trong nhiều lần tranh giải SEA Games
10 Tháng Sáu 2023(Xem: 3768)
Năm nay ban Tân Chấp Hành Ngô Quyền đứng ra đảm nhiệm tổ chức. Kính mong được sự hổ trợ tích cực của Thầy Cô và tập thể Cựu học sinh NQ chúng ta,
09 Tháng Sáu 2023(Xem: 3060)
Cuộc nội chiến Hoa Kỳ cho chúng ta một bài học: đó là bài học của người lính dũng cảm cả hai phe trong chiến tranh và người chiến thắng quân tử của thời hậu chiến.
09 Tháng Sáu 2023(Xem: 2945)
Dãy phố Tây 5 căn tọa lạc tại trung tâm đường THĐ Biên Hòa (BH) trước 1975, đối diện với chợ Lò Bò gồm 5 căn nhà liền kề (số nhà 38-40-42-44-46).
22 Tháng Năm 2023(Xem: 2960)
Xin chúc mừng ngày lễ vàng của anh chị Minh & Hoa. Chúc mừng những cặp tình nhân đã cùng bên nhau sắc son bền vững 50 năm, 60 năm, 70 năm. Xin ơn trên giúp đỡ và chúc phúc cho họ.
19 Tháng Năm 2023(Xem: 3045)
chúc mừng gia đình anh cựu học sinh khóa 6 Trần Văn Việt.” Lớp hưng phế xô nghiêng từng triều đại “nhưng chúng ta còn có những mầm xanh.
17 Tháng Năm 2023(Xem: 2430)
Sau cái ngày nghiệt ngã của tháng tư 1975 Đồi Cù đã bị nhốt trong vòng kẽm gai gần bốn thập niên, nay người ta đã mang ra hành quyết.
15 Tháng Năm 2023(Xem: 2822)
Con của má sẽ là một bà mẹ hiền, một bà nội, bà ngoại dễ thương của các cháu. Má là bài thơ tuyệt vời con đọc hoài mà vẫn thấy hay, là cuốn sách học làm người con học mãi không xong.
14 Tháng Năm 2023(Xem: 6393)
Để rồi 48 năm sau cũng vào buổi trưa ngày 29 tháng 4 năm 2023 tại San Diego, tôi mất Mẹ. Tôi đang nhớ Mẹ, nhớ thật nhiều… Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ thơ… (*)
09 Tháng Năm 2023(Xem: 2767)
Chị chỉ mong được nhìn thấy nụ cười thương yêu của người thân, con cái, bạn bè khi nghĩ tới chị. Như vậy con sông đời chị thật thoải mái hòa nhập vào hư không để giữ lại niềm vui và một nụ cười.
09 Tháng Năm 2023(Xem: 2671)
Tọa lạc gần thành phố Atlanta, tiểu bang Georgia, tòa nhà Thư Viện một tẩng, khiêm tốn nằm giữa một khu rừng tươi xanh, mát mắt.
08 Tháng Năm 2023(Xem: 2499)
Tôi vẽ lại những ước muốn cho tương lai của chúng tôi : được sống trên một đất nưóc tự do, được đi học thành tài, đi làm và sẽ có những đứa con xinh xắn . . .
30 Tháng Tư 2023(Xem: 3104)
Ngày 21/4/2023, Ban Giám khảo “Cino-Del-Duca” công bố quyết định trao tặng giải năm nay cho bà Dương Thu Hương nhằm “tôn vinh một nhà văn lớn vì nhân cách và sự nghiệp xuất sắc,
28 Tháng Tư 2023(Xem: 2926)
Đàn bà chúng tôi luôn luôn là nạn nhân trong cuộc chiến. Người đàn ông không thế nào hiểu được sự kiên trì chịu đựng của phụ nữ khi hy sinh cho người mình yêu thương.
28 Tháng Tư 2023(Xem: 3491)
Như đồng cảm với chúng tôi, ngày 30 tháng 4 hàng năm, giữa mùa Xuân ở Mỹ, mà trời vẫn đầy mây xám. Và nỗi đau năm xưa vẫn nhói lên ngút ngàn, chất ngất.....
27 Tháng Tư 2023(Xem: 2540)
Câu chuyện vượt biên, đến trại tỵ nạn, qua bao nhiêu năm, tôi chưa bao giờ kể lại. Những tưởng là ký ức đa vùi sâu dưới lớp bụi mờ, bỗng trở về trong tháng 4 như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
27 Tháng Tư 2023(Xem: 2966)
. Ngày ngày anh Sáu xách cái ba lô tiền sử đó theo các chị bên công đoàn vận động các gia đình công nhân trong kế hoạch. "MỘT GIA ĐÌNH CHỈ ĐƯỢC CÓ HAI CON."