Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Minh Thủy - Chuyện Bà Mai.

22 Tháng Giêng 200912:00 SA(Xem: 75700)
Nguyễn Thị Minh Thủy - Chuyện Bà Mai.

 

 CHUYỆN BÀ MAI


nguyenthiminhthuy-content

Chắc kiếp trước bạn tôi, Ngọc Dung, có nợ nần chi đó với mấy anh chị phụ trách báo chí cho Hội Cựu Học Sinh Ngô Quyền, nên cô nàng sốt sắng với việc ăn cơm nhà vác ngà voi vô cùng. Và chắc kiếp trước, tôi cũng mắc nợ bạn tôi nhiều lắm, nên trái tim - tuy đã khổ luyện cho thật chai đá - của tôi cứ phải chảy mềm khi nghe bạn thiết tha réo gọi... nộp bài. Tối hôm qua, cô nàng còn “tinh vi” nhắc lại những kỷ niệm thời làm báo trường hồi nẫm nẫm, thời mộng mơ đầu đời của tụi tôi, để... “động viên” tôi nữa chứ. Nhờ Ngọc Dung nhắc, tôi mới nhớ lần nhân danh trưởng ban biên tập báo xuân Ngô Quyền năm Quý Sửu 1973, tôi đã “dám” loại, không đăng bài thơ của anh Nguyễn Tất Nhiên. Oai ghê chưa! Những cảm xúc cũ, trong một lúc, bất chợt ùa về. Ờ, tại sao mình không viết về chuyện giữa tôi và anh Nhiên - cũng kể là một mối tình Ngô Quyền chớ bộ - để như một lần “giải đáp thắc mắc” cho một số bạn bè, trong đó có chị Ngọc Huệ, về vai trò “bà mai” Ngọc Dung trong “thiên tình sử” ấy.

Nói đến “vai trò lịch sử” của Dung, tôi chợt giật thót mình! Thôi đã rõ như ban ngày còn gì, đâu cần chi kiếp trước tôi mắc nợ Dung; ngay kiếp này đây, trong những ngày quá khứ đầy sóng gió của đời sống tình cảm của tôi, tôi đã mắc nợ bạn tôi nhiều vô số kể. Với cương vị “đại sứ thiện chí”, Dung bị bên này trách phiền, bên kia mắng mỏ, vậy mà cái đuôi heo còn chưa được chứ nói chi đầu heo! Trong màn cuối của cuộc tình mười lăm năm, anh Nhiên, trong những lúc mất bình tĩnh, còn tận dụng phương tiện hiện đại, lưu lại mấy trái mìn nổ chậm trong “answering machine” để “make sure” địch thủ phải thọ trọng thương với những lời mạt sát kinh hoàng không thể tưởng.

Nhưng từ đầu chí cuối, Dung vẫn tận tụy với bạn, sẵn sàng ra tay nghĩa hiệp, không bao giờ từ chối một lời cầu cứu nào của tôi dù biết sứ mạng có đầy “hiểm nghèo”. Đôi khi tôi tự hỏi, hay là Dung cũng mắc nợ tôi với anh Nhiên từ kiếp trước? Đưa thư, đưa quà của anh Nhiên gửi cho tôi cũng Dung, mà trả lại thư, trả quà cũng cô nàng. Đến nỗi trong một bài thơ, anh Nhiên đã dùng phép ẩn dụ, ví Dung như... quỷ sứ. Có lẽ cho tới giờ này, Dung vẫn không biết điều đó. Thật tình, khi nghe anh Nhiên, trong một lúc vui miệng khi đã thành chồng vợ, bảo là anh viết câu thơ đó vì căm tức Ngọc Dung. Tôi bật ngửa, vừa buồn cười vừa thương bạn, than thầm: Trời mẹ ơi! Đâu dè giấc mơ đi vào văn học sử của bạn tôi lại “come true” một cách oái oăm như vậy! Đó là câu “Lỡ yêu tín đồ phải chấp nhận gian truân, Phải muối mặt giao du cùng quỷ sứ” trong bài thơ có tựa đề “Kẻ tự đóng đinh tim”. Bài thơ ấy có nhiều lời lẽ rất ngông ngạo nhưng cũng có nhiều đoạn thật dễ thương, thật tội nghiệp mà anh viết ra sau những lần lén đứng đón tôi đi học về, ngang nhà thờ Biên Hòa ở bùng binh công trường Sông Phố trước khi rẽ xuống đường Hàm Nghi. Tuy bài thơ đã từng được đăng trong một tạp chí văn học ngay lúc anh mới sáng tác, nhưng sau khi đã qua thời “trẻ người non dạ”, lúc gom lại thơ cũ để in tập “Thơ Nguyễn Tất Nhiên” vào năm 1979, anh không để vào vì ngại đụng chạm với giới tín đồ Thiên Chúa; mãi về sau, anh mới cho in lại nó trong tập “Chuông Mơ” (1987) với một vài sửa đổi cho dịu bớt. Bài thơ ấy có những đoạn như sau:

 

 

goc_phong_thi_nghiem-large


“Chiều em đi học về, ngoan tóc thả

Áo suông eo trinh bạch cả giáo đường

Ta ngọt ngào gọi khẽ, người đi luôn,

Nên lũ thiên thần bỗng nhiên thất chí

Bay xuống trần gian làm thi sĩ

Nâng Thánh Kinh mà hát thơ tình

........................

Chiều em đi học về, chim trắng bước

Ngang giáo đường nhòe nhoẹt màu vôi phai

Có động lòng xin hãy rút khăn tay

Lau giùm mắt kẻ xương bày trên thánh giá

Là ta đó, em ơi, đang tầm tã

Mưa đầy hồn đau đớn thương thân

Lỡ yêu tín đồ phải chấp nhận gian truân

Phải muối mặt giao du cùng quỷ sứ

Tính nhân hậu đã hồi nào hóa dữ

Chỉ vì em lành lặn quên chàng

Chỉ vì em... gõ nhẹ cửa thiên đàng

Bình thản gửi cho hai hàng bính tóc!”

 

Bài thơ với những hình ảnh quá tội nghiệp ấy đã đánh trúng lòng trắc ẩn của tôi, nên dù không thật sự rung động, tôi vẫn không thể chối từ. Vào những buổi trưa, anh hay đón đường tôi (cũng ở khoảng trước nhà thờ là nơi tôi đi bộ ngang để tới đầu đường Trịnh Hoài Đức đón xe lam đi học), để dúi vội một cuốn sách nào đó có kẹp những trang thư. Những lúc đó tôi chỉ biết lấm lét nhận đại cho xong và mau mau cất vào ngăn cặp vì sợ người nhà bắt gặp. Khổ như vậy mà sau đó anh còn gửi tôi một bài thơ trong ấy có đoạn:

 

“Ta vẫn nhớ trưa nào em ngồi hát

Ta vẫn thèm hôn lên mắt-tiểu-thư-hờn

Ta vẫn ăn năn những lúc đón đường,

(Em khó chịu... mà thư nào em cũng nhận!)”

 (Giữa trần gian tuyệt vọng)

 

Đọc tới bài này thì tôi vừa giận vừa ức, “xí, làm như người ta ham nhận thư lắm, đã vậy còn nói người ta khó chịu nữa”. Thế là Dung, sau khi nghe tôi năn nỉ, gồng mình vác hết chồng thư tình kèm bao nhiêu quà cáp, mang tới tận nhà anh để trả. Hậu quả ra sao thì chắc ai cũng dư đoán! Sau khi trút cơn thịnh nộ với “con tin”, anh lại đón đường tôi, phân trần, giải thích. Anh phân bua rằng anh dùng chữ “khó chịu” là muốn ca tụng một sự chịu đựng “phi thường” đáng tội nghiệp của tôi, vì anh thấy những lúc ấy mắt tôi đo đỏ như sắp khóc, chứ không phải nói “khó chịu” là chê tôi “khó ưa”. Khổ nỗi anh Nhiên làm thơ hay bao nhiêu thì nói năng vụng về bấy nhiêu, nhất là trong trường hợp cần “thanh minh thanh nga”. Vẻ lúng túng của anh càng làm tôi xấu hổ, và vì sợ gia đình bắt gặp, sợ bạn bè trêu chọc, tôi lại gật đầu cho qua chuyện, để anh “an lòng” thả cho tôi đi.

Sau đó, tôi bàn với Dung, cầu cứu bạn tìm cách nói cho anh Nhiên biết tôi có người yêu, đúng ra, tôi đang yêu một người khác rồi. Sợ kẻ si tình không tin, tụi tôi còn tính làm một màn kịch cho thấy tôi đang “yêu đắm đuối” một nhân vật nọ kia cho anh vỡ mộng mà quên tôi đi. Dĩ nhiên, anh Nhiên không tin, hay không muốn tin thì đúng hơn. Và trước khi anh viết tối hậu thư cho tôi, chịu “hứa sẽ không bao giờ làm phiền Thủy nữa”, thì bạn tôi cũng lãnh đủ trận lôi đình của anh vì đã dám “chà đạp” anh “như đạp lên con trùn con dế!”

Chuyện tình tưởng đã xong nhưng đúng là “nợ tình chưa dứt”, nên mới có màn tái hợp về sau và kết thúc bằng một bi kịch. Nhiều năm trôi qua, nước mắt tưởng đã khô nhưng hệ lụy vẫn khó bề dứt tuyệt, tôi làm sao gom hết được bao nhiêu tâm tình rối ren vào trong dăm dòng chữ ngắn, nên đành thôi ngưng kể tiếp chuyện tình. Vả lại, chủ đề bài này là “vai trò bà mai” của bạn tôi kia mà.

Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình. Số là vào năm lớp mười, Dung, Yến và tôi dự định ra một tập thơ chung, kiểu tập thơ học trò in bằng cách quay ronéo những bản viết tay hay đánh máy trên giấy stencil, xuất bản chừng vài chục cuốn để tặng bạn bè ấy mà. Vì một lý do nào đó tôi rút lui không góp mặt trong tập thơ đó, nhưng vốn đã “dính với nhau như sam”, mỗi khi Dung đi đâu để lo cho tập thơ thì cũng lôi tôi đi cùng. Hôm ấy, Dung tới gặp anh Nhiên ở quán Cà Phê Tuyệt vì cần lấy tấm bản kẽm bức tranh phụ bản “Duyên” của tập thơ Thiên Tai của anh để làm bìa cho tập “Tuyên Ngôn Mười Lăm” của Dung. Dung quen với anh Nhiên qua chị Duyên vì Dung là học trò tư của anh Đống, anh của chị Duyên. Nghe tới quán “Cà Phê Tuyệt”, đứa nào trong bọn tôi cũng rét run, đi ngang còn sợ huống gì là phải bước vào. Mà ác một nỗi là anh Nhiên nhắn Dung tới đó vì anh hay “ngồi đồng ngồi cốt” ở cái quán ấy. Sau này, cũng ở cái quán cà phê trứ danh ở đường Trịnh Hoài Đức này anh đã viết những câu mà Phạm Duy đã phổ nhạc thành “ngoài đường em bước chậm, quán chiều anh nôn nao”. Thực ra, trong bài thơ “Hai năm tình lận đận”, nguyên văn là:

 

“Ngoài đường em bước chậm

Trong quán chiều anh ngóng cổ cao...

 

(Khi làm bài thơ này, anh Nhiên cũng bị tôi giận bởi trong bài có câu “em vẫn còn mắt liếc, anh vẫn còn nôn nao”, nhưng tôi “liếc” ở đây là để lén dòm thiệt lẹ vô trong quán coi có bị rình không, thế mà anh viết như vậy “rủi” có ai tưởng tôi “liếc mắt đưa tình” với ảnh thì sao!)

Trở lại với việc theo Ngọc Dung vô quán Tuyệt. Lần đó, hai đứa lóng ngóng bước vào quán, lúc anh Nhiên đang ngang nhiên ngồi gác chân lên bàn. Dung nhanh nhẩu nhập đề trong lúc tôi đứng xớ rớ kế bên. Anh Nhiên hách xì xằng vừa nói chuyện vừa nhả khói thuốc, như chẳng đếm xỉa tới ai, trông rất ư là “mục hạ vô nhân”. Lúc ra khỏi quán, tôi bực bội bảo với Dung: “Thằng cha” Hải làm thơ hay mà lối quá, ngồi gác chân không thèm ngó tới ai, mày xin xỏ làm chi! (Lúc đó tài năng của anh Nhiên đã sáng chói trong giới học trò ưa làm thơ như tụi tôi vì anh vừa phát hành tập Thiên Tai (năm 1971) và từng vào các lớp trong trường để bán tập thơ.)

Đâu ngờ rằng chính trong lần ấy, anh Nhiên đã để ý tới tôi. Anh còn nói rõ anh nhớ gương mặt rạng rỡ sáng láng rất đặc biệt của tôi và đặc biệt hơn nữa, là... tôi có hàng lông mép khá đậm màu nổi bật trên làn da trắng trẻo! Thế nên đến lần anh tình cờ gặp lại tôi ở nhà một chị bạn thì anh tự cho đó là duyên số (tuy hàng lông mép của tôi lúc này không hiểu vì sao đã lợt đi rất nhiều!) và nhất quyết theo đuổi tới cùng, theo lời anh kể sau này.

Dòng đời, cùng với thời gian, trôi miệt mài không ngừng nghỉ và dường như càng lớn tuổi, người ta càng thấy thời gian qua nhanh. Bao bi ai phẫn nộ hay hỉ lạc hân hoan một thời rồi cũng lắng xuống dịu êm. Dòng sông đời của tôi cũng đã rẽ qua nhiều khúc, để rồi chiều nay, khi viết những dòng này, trong bóng hoàng hôn nhòa nhạt bên ngoài, tôi tự dưng mang tâm trạng chàng học trò thi trượt, ngồi trong quán chiều đợi chủ quán đun chín món kê vàng. Được một đạo sĩ cho mượn chiếc gối kê đầu, chàng học trò không may đã ngủ quên vì buồn rầu lẫn đói mệt. Trong giấc mơ chàng thấy mình thi đỗ làm quan, được vợ đẹp con khôn, đạt sự nghiệp vinh quang để rồi thăng trầm sao đó đến nỗi cuối cùng phải ra pháp trường để chịu xử trảm. Chàng sợ quá, vùng tỉnh dậy, và thấy mình mới vừa nằm mộng, và trên bếp quán, nồi kê vẫn hãy còn chưa chín. Điển tích “giấc mộng hoàng lương” tôi đã học trong chương trình Việt Văn thuở nhỏ chiều nay như chợt thấm thía tận hồn. Nhìn lại cuộn phim đời mình, thấy phúc họa quả thật khó lường. Nếu buổi chiều đó tôi không đi cùng Dung tới quán Cà Phê Tuyệt thì đời tôi sẽ ra sao nhỉ? Hay là... tôi đã không đi và tôi chỉ nằm mơ thấy mình đi? Tôi đang mơ hay tỉnh? Ờ, mà chắc không mơ, vì điện thoại đang reo giục giã, và tôi biết đầu dây bên kia ai đang gọi tới mình.

 

 Nguyễn Thị Minh Thủy

 30 tháng 4, 2006

 

 

07 Tháng Tám 2013(Xem: 78734)
Quý Thầy Cô, quý anh chị cũng chính là người trực tiếp góp bàn tay thiết thực nhất cho hội Ngô Quyền thêm vững mạnh. Xin hãy thực lòng với trường xưa...
03 Tháng Tám 2013(Xem: 67679)
Tựa Đề : HÌNH NHƯ LÀ TÌNH YÊU Nhạc & Lời : Phạm Chinh Đông Hòa Âm : Đỗ Hải. Ca Sĩ: Duy Thiên
02 Tháng Tám 2013(Xem: 85391)
Từ tình cảm nầy tôi tự nguyện vững lòng tiến bước tiếp tục mang niềm vui cho mọi người suốt hơn 12 năm qua. Xin được cám ơn lòng bao dung tha thứ của Thầy Cô và đồng môn.
02 Tháng Tám 2013(Xem: 45276)
Có một lúc nào đó bạn nghĩ về các loại hoa và tự hỏi mình giống như loại hoa nào chưa? Mỗi người phụ nữ theo tôi có thể ví mình như hoa dù mình chỉ là một người bình thường.
02 Tháng Tám 2013(Xem: 64073)
hi vọng sẽ có ngày bạn bè mình có dịp uống chung dòng nước mát quê hương, uống tràn đầy ly rượu tương phùng. Thời gian ơi! bạn bè lớp thất 3 của tôi ơi!
31 Tháng Bảy 2013(Xem: 58078)
Theo triết lý của bài thơ thì sinh và tử chỉ là một trò chơi đuổi bắt. Chia tay hôm nay nhưng sẽ gặp lại ngày mai. Gặp lại trong những dạng khác nhau của cuộc sống
22 Tháng Bảy 2013(Xem: 87018)
Đó là cái đẹp của tình thương yêu. Luật tự nhiên của cái đẹp là sự truyền bá. Truyền bá tình thương yêu là ảnh đích của tinh thần Hướng Đạo.
20 Tháng Bảy 2013(Xem: 63645)
BẦU TRỜI TRÊN KIA - Nhạc&Lời: Phạm Chinh Đông - Hòa Âm: Cao Ngọc Dung - Ca Sĩ: Tâm Thư.
20 Tháng Bảy 2013(Xem: 61953)
Đêm bây giờ dài vô tận, anh bảo thế. Đêm mùa đông ở đây còn dài nhiều hơn nữa. Khi nào trống trải hãy cố nhớ đến lời em nói
18 Tháng Bảy 2013(Xem: 86371)
Qua bao gian nan Ngô Quyền bền vững mãi Mãi mãi một thời để nhớ để thương...
12 Tháng Bảy 2013(Xem: 60844)
Tôi xin gửi đến thầy cô, bạn bè tâm tư của mình để nhắc nhau còn hai tháng nữa là đúng 50 năm khóa 8 NQ bắt đầu nhập học.
06 Tháng Bảy 2013(Xem: 44139)
Môt ngày vui đã chấm dứt, nhưng cái tình Ngô Quyền vẫn sống mãi trong lòng mọi người. Cám ơn thầy cô không ngại tuổi già, đường xa đã về đây họp mặt.
06 Tháng Bảy 2013(Xem: 51878)
Cô trong tâm tưởng của em lúc nào cũng là một vị thầy đáng kính, và tình cảm cô dành cho em qúa ấm cúng, bao la, tình cảm của một người chị cả luôn luôn che chở các em.
06 Tháng Bảy 2013(Xem: 69125)
Bảy năm gắn bó ở trung học Ngô Quyền đã cho tao nhiều kỷ niệm, nếu viết thành sách cũng mấy trăm trang. Viết thơ cũng mấy chục bài.
02 Tháng Bảy 2013(Xem: 53752)
Những cô giáo trường Nữ Tiểu học ngày xưa đã từng là niềm hãnh diện tự hào của người xứ Bưởi Biên Hòa .
29 Tháng Sáu 2013(Xem: 51318)
Hãy cho nhau nụ cười và vòng tay ấm thân thương. Ngô Quyền mãi là ngôi trường yêu dấu của những người con xứ Bưởi. Mong gặp lại các bạn trong ngày hội Ngô Quyền.
28 Tháng Sáu 2013(Xem: 70059)
Dịu dàng với học trò, tế nhị với đồng nghiệp, là dấu ấn đẹp trong lòng tôi đối với cô Phan Thị Lệ Hoa.
28 Tháng Sáu 2013(Xem: 64307)
Hoàng Duy Liệu mở trang Đại Hội Ngô Quyền 2013 và bà con ta nhào vô vui hết biết. Phải công nhận mỗi người con Ngô Quyền đều tha thiết về ngôi trường kỷ niệm nên ai cũng nôn nao.
21 Tháng Sáu 2013(Xem: 59421)
Đành vậy! Thôi cũng một lời cám ơn. Cám ơn người em với kỷ niệm tình rất đẹp, dù chỉ là bờ lưng quay vội và không là trăm năm…