Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - SÔNG CẠN

22 Tháng Giêng 20169:10 CH(Xem: 14678)
Nguyễn Thị Thêm - SÔNG CẠN

songcan  

Tôi đẩy chiếc xe ra khỏi chợ 99, thằng con không biết đã đi đâu. Nó không thích không khí lao xao, lưa chọn của chợ búa. Nó thường thả tôi xuống, viện cớ đi đổ xăng rồi biến dạng. Thường thì nó canh giờ hoặc đứng đâu đó chờ thấy bóng tôi ra là nhào tới đẩy xe dùm mẹ.

Hôm nay chợ Tết đông thế này mà nó đi đâu mất tiêu. Xe từng hàng đầy nghẹt parking biết nó đậu xe chỗ nào mà tìm.

Tôi đứng nhìn dáo dác, lòng có chút bực bội. Một tiếng nói vang lên phía sau:

- Cô ơi! cô mua bánh ít không cô? Bánh ít nhà làm ngon lắm.

- Cám ơn! Tôi không... mua.

Tiếng mua của tôi kéo dài rồi buông xuống nhẹ như bị rớt. Tôi nhìn bà bán bánh ít sững sờ.

Gương mặt quen quen, giọng nói quen quen, Bà này mình quen ở đâu đây?

- Cám ơn bác. Cháu thấy bác quen quen.

- Tôi cũng thấy cô... quen mặt lắm. Cô là...

- Phải bác... là bác Khan không?

- Cô là...là cô Chi, con bác Hai.

- Dạ! Đúng rồi. Con là cái Chi nè.

- Ối giời ơi! Tha phương gặp đồng hương. Quý hóa quá! cô thế nào? Ở đâu? Được mấy cháu rồi?...

Bác Khan hỏi tôi không kịp trả lời. Hai bác cháu tíu tít quên cả mình đang đứng giữa phố, choán cả lối đi.

Tôi mua cho Bác một chục bánh ít, lấy số phone và hẹn sẽ tới nhà thăm.

 

........

 

Ngày ở VN, nhà bác Khan đối diện với nhà tôi

Tôi không nhớ chính xác ba má tôi dọn lên ở khu này lúc tôi bao nhiêu tuổi. Cái làng nhỏ có đình, có chùa có nhà thờ in vào trí tôi sâu đậm hơn cái xóm này.

Quê tôi là một đồn điền cao su. Khu gia cư rất rộng được chủ đồn điền người Pháp cho xây nhà kiên cố cách đồn điền trồng trồng cao su rất xa nên không bị ảnh hưởng gì hết.

Nhà được phân lô có đường đi xe hơi chạy vào được, có mương thoát nước, có giếng bơm cho từng hai đầu khu xóm. Có nhà vệ sinh công cộng xây trên mỗi đoạn đường mương. Nước từ đầu nguồn con suối đổ về liên tục tống khứ ô uế ra cuối con suối rồi chảy vào rừng.

Làng trên làng dưới ngăn cách bởi một cây cầu bắc ngang con suối. Mọi người gọi đùa cây cầu này là “cầu Bến Hải.” Bởi vì đó là cây cầu phân chia làn ranh Quốc, Cộng  trong làng.

Khu làng trên cầu là nơi ở của những người làm việc văn phòng và là khu nhà máy chế biến mũ cao su. Có văn phòng chính của sở, có trạm xá, nhà kho và cơ xưởng. Cho nên người ta hay gọi là ''Xóm mấy thầy'' hay ''Khu nhà máy''.

Qua con suối, bên kia cây cầu là khu dân cư cạo mũ, các cai đội và những người làm việc linh tinh. Nhà chủ Tây và xếp Tây là hai ngôi biệt thự cất cao trên một cái đồi nhỏ ngay đầu làng. Dưới chân đồi là trường học rồi tới khu nhà dân. Cái ấp chiến lược được định hình ngay sau trường học đi vòng hết khu làng của người dân phu cao mũ.

Ngày tôi còn bé tôi ở dưới làng, nhà cách hàng rào ấp chiến lược độ 4 căn nhà. Mỗi ngày đi học, qua cái cổng ấp là tới trường.

Tôi yêu cái xóm nhỏ này lắm. Có bạn bè, có bao nhiêu kỷ niệm tuổi thơ. Nhất là ông thầy giáo già với chiếc xe đạp sạch boong (vì mỗi ngày phải có một đứa được phân công ra lau xe cho thầy). Thầy có mấy cái roi mây thật dài để bắt học trò nằm dài xuống đánh đít. Một củ mây ngắn gốc to thù lu để cốc đầu và khẻ vào năm đầu ngón tay chum lại của học trò. Thầy rất có uy và là hình ảnh thật trang trọng, uy nghiêm trong mỗi đứa học trò. Gặp thầy từ xa là chúng tôi đã đứng lại giở nón và khi thầy tới trước mặt là cúi đầu thật sâu lí nhí:

-“ Con kính chào thầy’


 Khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết, chương trình Xây dựng Nông Thôn bị tan vỡ, hàng rào ấp chiến lược bị bỏ phế Việt Cộng về làng thường xuyên. Ba má tôi dọn lên khu nhà máy, gia đình ông thầy giáo già cũng bỏ về Biên Hòa. Một số gia đình khá giả cũng dọn theo bà con đi xa. Chủ Tây không ở lại, mấy đứa con tây theo cha mẹ về Pháp, Thầy xếp công táp thay mặt chủ điều hành  và báo cáo về trên.

Ông chủ lớn thỉnh thoảng có về nhưng mướn khách sạn ở trên Sài gòn. Rồi dần dần gia đình thầy xếp công táp cũng dọn về Saigon. Ông không làm việc thường trực mà một tuần 3 hay 4 ngày ông lái xe xuống mà thôi.

Con suối ngăn đôi làng có cây cầu chia hai vùng. Bên trên khu nhà máy là vùng Quốc Gia có lính đóng thường trực, có quân đội Đồng Minh trú đóng bảo vệ. Hai biệt thự nhà chủ và xếp Tây là hai căn cứ của quân đội VNCH và Đồng Minh . Khu vực sân banh nơi máy bay hay tới thả tiền mỗi kỳ công nhân lãnh lương là nơi đóng đồn. Người ta không thấy mấy đứa Tây con  ra chơi mà chỉ thấy mấy ông Mỹ đen Mỹ trắng quần áo lính đi tới đi lui bên công sự.

Khu nhà dưới làng biến thành khu giải phóng nói theo kiểu thời bấy giờ. Vì hàng rào ấp chiến lược không còn, những người phía bên kia về làng hàng đêm. Những thanh niên tới tuổi trưởng thành  bị móc nối vào khu. Những cô gái bị biến thành dân công. Những phụ nữ không chồng vẫn đẻ con sòn sòn 2 năm một đứa. Con sinh ra có tiêu chuẩn lương thực và phụ cấp của sở cao su. Người dân tiếp tế cho chồng cho con với mọi hình thức, mọi kiểu và rất tinh vi.

Tôi đã học xong trường làng, đi học trường tỉnh, thành phố rồi đi dạy. Tôi ít về quê hơn, phần vì thiếu an ninh, phần thì bận rộn. Rồi tôi theo chồng đi xa khi chiến tranh đến hồi ác liệt.

Tôi trở về quê màu cờ đã đổi. Không còn màu cờ vàng VNCH, cũng không phải màu cờ của  mặt trận GPMN mà là cờ đỏ sao vàng Bắc Việt.

Nhà ba má tôi vẫn ở nơi cũ trong khu nhà máy. Một số lớn các cô chú lớn tuổi đã đi nơi khác, hoặc con cái họ đến ở. Khu nhà nhiều người lạ hơn xưa.


Đối diện nhà tôi không phải là nhà bác Sáu trưởng kho mà là nhà một người phụ nữa khá to con xinh đẹp. Nhà Bác xếp máy bây giờ là nhà một gia đình ngoài Bắc mới vào Nam. Hai ông bà lùn và ăn nói rất ra vẻ giáo điều CS.  Vì không phải là đảng viên nên dù từ Bắc vô
Nam anh chồng phụ trách tuyên huấn bên công đoàn, hai vợ chồng làm công nhân lao động. Mỗi khi tới giờ nghĩ hay họp tổ, đội, chị ta lên hát mấy bài nhạc văn công miền Bắc rền rền theo âm hưởng Trung hoa. Còn ông chồng thì lên lớp nói thao thao về đường lối chính sách đã thuộc nằm lòng.

Mặc dù chỉ là công nhân nhưng hai người tỏ vẽ rất hài lòng và vui vẻ trong công việc. Dân miền Nam than khổ trong thời kỳ bao cấp, tem phiếu, ăn bo bo. Nhưng đối với những người miền Bắc vào đây, vẫn là thời kỳ sung sướng gấp bao nhiêu lần những ngày đói khổ, nghèo nàn ngoài Bắc.

Nhà bác Khan đối diện nhà tôi chỉ cách một con đường với hai đường mương nhỏ dẫn nước thoát ra con suối tận sau vườn chuối. Bác không có chồng nhưng có đến một đàn con 4 đứa, mỗi đứa hay hai đứa một cha. Tướng bác to lớn, ngực nở, mông to và gương mặt khá đẹp với lưỡng quyền cao tươi nhuận. Người ta nói với nhau bác Khan có tướng  sát phu và hồng nhan đa truân.

Bầy con bác có đứa lai Thái Lan, lai Chà Và, có đứa VN. Nhưng bác lại không có một đứa nào lai Mỹ dù là Mỹ đen cho bác được đổi đời. Ngày tôi về lại quê ở với cha mẹ, hình như bác đang bước thêm bước nữa, già nhân ngãi non vợ chồng với một người đàn ông ở dưới làng. Đó là bác Kim, một người đàn ông góa vợ, thuộc gia đình liệt sĩ. Ông ta ở với  con trai. Ông Kim làm tổ trưởng và bà Khan làm công nhân cùng một tổ lao động.

Hai người cùng là người Bắc, rất hợp với nhau, ăn to nói lớn và không ngại hàng xóm phiền lòng. Mỗi khi họ có điều gì không vừa ý với nhau là họ chửi nhau rất to tiếng. Tất cả những câu nói khó nghe nhất họ ném cho nhau không thương tiếc. Bầy con mấy đứa của bác Khan mỗi đứa ngồi mỗi góc hay đùa vui như chẳng có gì đáng nói đang xảy ra. Thỉnh thoảng cãi nhau chán, Ông Kim xách cái bị cói hùng hục đi ra khỏi nhà về ở với con trai. Có một lần gặp ba tôi ngồi trước hàng ba uống trà, ông không ngại nói to:

- Này ông Sáu, tui bàn giao bà Khan nại cho ông đấy. Tui đếch cần bà ta.

Ba tôi điềm nhiên cười cười:

- Cám ơn ông, Nhưng chỉ có ông xứng cặp với bà ta thôi. Đi vài bữa lại về nói chi nặng lời cho gia đình không vui.

Ba tôi không thích nói đùa kiểu đó, không thích lối sống của hai người, nhưng làng xóm láng giềng đành phải chịu.

Tôi nhớ mãi bác Khan là những lúc quá vất vả và nóng tính bác đánh con thẳng tay không thương tiếc, sau đó lại ôm con mà khóc. Các đứa con bác Khan gầy yếu trơ xương và rách rưới tội tình. Má tôi thường tiếp tế lương thực cho các cháu những khi thấy các cháu quá đói.

Tội nghiệp thằng Hùng, nó lớn nhất, đen thui, cao nhòng mà lại bị bệnh suy nhược thần kinh. Nó ngu ngơ, khờ khờ, sai đâu đánh đó. Đôi khi làm sai bị mẹ đánh hoài.

Công nhân cao su phải làm cỏ cho những cây cao su mới trồng, làm bao nhiêu khoảng  thì hưởng bấy nhiêu. Bác Khan cho thằng Hùng ra ngoài lô cao su làm phụ. Có khi bác về nhà lo cơm nước cho con, bỏ thằng Hùng ở vườn cao su thênh thang cặm cụi một mình. Giữa cánh đồng hoang vắng, bạt ngàn những hàng cây cao su con mới trồng, cái bóng thằng Hùng nhỏ bé, ốm nhom như một đốm nhỏ di động, trong buổi chiều lặng lẽ trông thật tội tình.

Tôi không còn ở với cha mẹ và không gặp lại bác Khan từ lâu lắm. Hôm nay gặp lại bác nơi này tôi không khỏi ngạc nhiên và bồi hồi. Tôi tò mò muốn biết hiện tại bác sống thế nào, các con bác ra sao. Thật lòng tôi không ghét hay coi thường bác Khan mà từ bác tôi bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ miền Bắc dám sống cho mình, cứng cỏi, đanh đá và rất yêu con.

........

 

Một buổi chiều mồng ba Tết, con tôi chở tôi đến thăm Bác Khan.

Nhà Bác Khan trong một khu Mobil home trong vùng Sanbernadino. Một khu Mobil home khá sạch sẽ ngăn nắp. Những căn Mobil home không cùng cở nằm theo từng dãy có số rõ ràng.

 

Mỗi nhà có một garage sát bên gần cầu thang ra vào. Xe đậu chừng một chiếc nếu xe van, có khách đến thì phải chạy ra đậu nơi dành cho khách. Thằng con sau khi biết tôi đã vào đúng số nhà đang tìm và đã gặp chủ nhà ra mời vào, nó xin phép đi công chuyện để mẹ tự do trò chuyện. Khi nào muốn về gọi phone nó sẽ đến rước.

Bác Khan dẫn tôi vào nhà, cái Mobil home này còn khá mới, trông cũng sạch sẻ. Những đồ đạc trong nhà tuy không sang trọng, nhưng cũng đầy đủ, ngăn nắp:

- Cô Chi dùng nước!

Tôi giật mình ra khỏi dòng suy nghĩ. Bác Khan đã đến gần đặt tách nước trên bàn:

- Lâu cô Chi nhỉ? Ước chừng cả 30 năm mới gặp lại cô. Tôi cười nắm lấy tay Bác Khan.

- Cháu trông bác vẫn còn khỏe mạnh. Ít gì Bác cũng trên 80.

- 83 rồi đấy. Già thế này rồi mà còn vất vả vì con. Thế Ông Hai mất bao nhiêu năm rồi cô?

- Dạ! Ba cháu mất cũng trên 10 năm rồi Bác.

- Thế cô có về Việt Nam không? Các cậu nhà thế nào?

- Dạ! lâu rồi cháu không về. Các anh cháu cũng thường cả.

- Thế à! Chóng thật. Nhớ ngày nào...

Bác Khan ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh tôi, đôi mắt ánh lên niềm vui. Mái tóc dài, đen mun  thật nhiều ngày xưa biến mất. Những sợi tóc bạc mỏng tanh lòa xòa trước trán. Tóc bác lưa thưa và bạc có lẽ đã lâu không cắt lại nên dài cột sau bằng một sợi thun. Gương mặt màu da ngâm ngâm với đôi má nhô cao hồng hào thuở xưa biến mất. Hai lưỡng quyền cao nhô ra, hai má hóp lại nhiều nét gãy góc, hai hố mắt sâu hai mí lún xuống trên đôi mắt nhỏ già nua vẫn cho thấy ngày xưa bác là một phụ nữ đẹp.


Trong nhà không khí Tết vẫn hiện diện. Trên bàn một chậu cúc đại đóa vàng rực vẫn còn khoe sắc. Vài hộp mứt, trái cây tươm tất đặt trên bàn. Một khay trà và vài tách trà nho nhỏ nằm trong đó sạch sẽ. Nhà thật im ắng. Tôi trao vài món quà Tết do tôi làm đến tặng bác Khan. Bác nhận quà rất vui:

- Quý hóa quá! Cô tới thăm tôi là được rồi. Quà cáp làm chi. Tôi cười:

- Đây là chút quà tết do chính tay cháu làm. Bác ăn thử xem có thích không? Thế các em có về ăn Tết với Bác không?

- Chả có ai cô Chi à. Cái Hoa không về, thằng con nó thì vừa đi chơi với bạn. Tôi ở nhà một mình. Tết ở đây vắng lặng, buồn quá.

- Thế bác qua đây khi nào và các em có cùng đi với bác không?

- Tôi qua đây dạng bảo lãnh. Cái Hoa nhà tôi lấy chồng Việt Kiều, nó bảo lãnh tôi sang đây được hơn 5 năm rồi. Tôi ở với nó rồi đi buôn bán thêm để kiếm thêm tiền lo cho mấy đứa còn lại ở VN.

- Thế em Hùng bây giờ ra sao rồi Bác.

- Ối Giời! Cô không biết sao. Thằng Hùng  nhà tôi đã chết lâu lắm rồi. Nó đào hố trồng cao su, cuốc trúng quả bomby và bị nổ chết khi chở vào trạm xá.

- Ô! Vậy sao? Cháu không biết.Tội nghiệp em ấy. Còn các em khác ra sao hả bác?

- Chả có đứa nào ra hồn cả cô ơi!. Thằng Kết nhà tôi lấy vợ, vợ nó là con bà Bê ở dưới làng, cô biết mà. Hai vợ chồng có ba mặt con rồi. Hai vợ chồng nó đi cạo mũ. Nhưng thằng Kết hư lắm nhâu nhẹt say sưa, chả lo gia đình gì sất.

- Còn Đoàn và Thương ra sao hả Bác.

- Cũng chẳng ra sao. Chúng cũng tạm có cái ăn. Nhưng thằng nào cũng sa vào rượu chè cô ạ. Tôi rõ khổ vì các con nên theo cái Hoa  qua đây cho khuất mắt khỏi nhìn chúng mà đau đáu ruột gan.


Tôi ngậm ngùi nhìn bác Khan và đão mắt nhìn khắp nhà. Bỗng đôi mắt tôi dừng lại ở một bàn thờ có 4 tấm hình đàn ông. Trên bàn thờ hoa trái trang trọng. Cây nhang điện vẫn còn đang cháy.Tôi muốn hỏi nhưng thật ngại vì chỉ có một tấm hình nhỏ xíu nằm trong góc tôi đoán là thằng Hùng, còn lại là những người đàn ông khá đứng tuổi và hình như còn mới. Rồi không ngăn được tò mò. Tôi buột miệng:

- Bác... Bác, Bàn thờ... thờ ai vậy Bác?.

- Cô thấy em Hùng không? Còn lại đây là các ông chồng của con Hoa nhà tôi đấy. Rồi giọng Bác chùn xuống, nước mắt ngân ngấn bác kể chuyện nhà.

- Nói cô thương, nhà tôi vô phúc lắm. Không hiểu cái mạng đa truân của tôi nó vận vào con gái tôi hay sao ý. Cô biết con Hoa nhà tôi không phải là đứa hư hỏng. Nó cũng đẹp gái thế mà số mạng nó chẳng ra gì.

- Cháu nhớ em Hoa chứ. Em có nhiều nét giống bác nên rất đẹp. Em đã lấy chồng và đã được sang Mỹ như Bác kể. Thế sao? Tôi bỏ lửng câu nói, nhìn bác chờ đợi.

- Chả là trước khi được qua Mỹ nó đã có một đời chồng rồi.  Chồng nó là lơ xe hàng còn nó đi buôn nên hai đứa cáp nhau. Tôi chả biết gì đến khi nó dẫn về giới thiệu rồi xin phép tôi được lấy chồng.

- Vậy cũng mừng cho em có người chồng nghề nghiệp đàng hoàng.

- Mừng chi vội cô ơi. Thằng đó xì ke, ma túy nhậu nhẹt vô chừng nên nghề nghiệp không  bền. Con Hoa nhà tôi rõ khổ với thằng này.  Nó lại vũ phu đánh đập vợ mỗi khi cơn ghiền nổi lên.  Cái Hoa mấy lần trốn nó về khóc lóc với tôi. Cô biết tánh tôi không phải vừa, tôi la con Hoa rồi chửi cho chồng nó một trận te tát. Có một lần nó tìm về hăm dọa và đánh con nhỏ trước mặt tôi. Tôi làm dữ đuổi nó ra khỏi nhà. Nhưng như mắc nợ nó, cái Hoa nhà tôi cũng tha thứ và lại theo nó tiếp.

Một lần, nó lái xe Honda say xỉn thế nào không biết mà chui tót vào phía sau xe hàng. Đem vào bệnh viện thì mất.

- Thế em Hoa có thờ chú ấy trên bàn thờ kia không hả Bác.

- Nó không chịu thờ cô ạ. Nhưng tôi nghĩ cũng tội, bề gì cũng là chồng con mình nên tui thờ chung với thằng Hùng  nhà tôi cho có bạn.  Cái hình nhỏ, hơi mờ kế bên thằng Hùng là nó đó cô.

- Thế...

- Cô muốn hỏi mấy người kia hả? Ối giời ơi! Câu chuyện dài dòng và cũng không hay ho gì trong gia đình tôi. Buồn lắm cô ạ!

 Bác Khan cúi xuống lau hai giọt nước mắt. Đôi mắt bác buồn thật buồn. Tôi hơi hối hận đã làm bác không vui trong những ngày Tết. Tôi nắm lấy tay bác xoa xoa. Tôi muốn nói bác nếu câu chuyện không vui, làm bác buồn thì đừng kể. Nhưng Bác đã lên tiếng.

- Cái Hoa nhà tôi sau khi thằng chồng nó chết, nó không đi buôn hàng nữa. Nó lên thành phố làm tiếp viên cho một quán cà phê. Thế rồi nó dại dột cặp đôi với một người khá giàu có. Khi nó mang bầu thì vợ con ông ta tới làm dữ. Ông ta đành cho mẹ con nó với một số tiền rồi chia tay. Cái Hoa nhà tui đau khổ một thời gian dài. Nó sinh ra uống rượu, hút thuốc. Tôi chết khổ với nó. Nhưng vì thương con, thương cháu nên tôi lại lo lắng, bảo bọc cả hai mẹ con. Nó sinh được một thằng con trai rất kháu khỉnh, tôi đặt tên cho cháu là Sang. Khi thằng Sang cứng cáp, nó thả con cho tui nuôi rồi lên thành phố làm lại cuộc đời.

 

Tại đây nó quen biết với một Việt Kiều khá lớn tuổi. Cái ông già già này nè. - Bác chỉ vào bức hình một người đàn ông có tuổi khá lịch sự-  Ông ta tên Minh, góa vợ về VN thăm nhà và bắt gặp con Hoa nhà tôi. Ông xin phép tôi đàng hoàng và muốn làm đám cưới để bảo lãnh con Hoa sang Mỹ. Thấy ông ta tuy lớn tuổi nhưng biết điều, đứng đắn và thật lòng thương yêu mẹ con cái Hoa nên tôi đồng ý.

Khi cái Hoa sang  Mỹ, ông đối xử với nó rất tử tế, lo lắng mọi điều. Ông gửi tiền về để tôi lo cho thằng Đoàn bị đau gan nằm bệnh viện Chợ Rẫy. Mỗi tháng đều gửi tiền cho tôi sinh sống. Khi đủ điều kiện, ông lo làm thủ tục để cái Hoa bảo lãnh tôi và thằng Khang sang đoàn tụ.


Tôi sang tới Mỹ không bao lâu thì BS phát hiện ông ta bị ung thư phổi thời kỳ cuối. Những tháng ngày điều trị, tội nghiệp ông ta đau đớn, vật vã biết bao nhiêu. Ông ta làm giấy tờ nhận thằng Sang là con nên nó và con Hoa đủ điều kiện hưởng tiền hưu bỗng của ông ta.


Nhưng đời lại có những chuyện đau lòng. Khi ông ta mất, mấy đứa con tranh giành gia tài với cái Hoa nhà tôi. Căn nhà đang ở phải bán đi để chia cho vừa lòng con cái ổng. Con  Hoa nhà tôi mua cái Mobil home này để mẹ con về đây sinh sống.

- Như vậy cũng tạm ổn Bác nhỉ. Em Hoa cũng không lo nhiều về sinh kế vì có tiền hưu của ông Minh, mà cháu Sang cũng có tiền phụ ăn học. Phải công nhận ông Minh tốt thật.

-  Nhưng đời không phải như vậy đâu cô. Ông ta sống với cái Hoa nhà tôi trọn nghĩa trọn tình, nên khi ông ta chết nó khóc lóc dữ lắm. Khốn nỗi, cái số nó là hồng nhan đa truân nên luôn luôn có người theo tán tỉnh chèo kéo.  Khổ lắm. Tôi nói mãi mà không được.

- Thế em Hoa có đi làm không Bác?

- Nó đi làm nail nên tiếp xúc nhiều người. Chồng chết không bao lâu, nó gặp một ông khách vào làm nail say mê nó. Nó về kể với tôi, tôi bảo - Đừng con! Hãy ở vậy lo cho thằng Sang đi, ông Minh mới mất, đừng làm vậy ổng buồn-

- Rồi sao hả Bác?

- Nó dạ dạ, vâng vâng với tôi rồi cũng không kềm chế được lòng mình. Ông Sinh mua cho thằng Sang xe mới, lo cho cái Hoa nhiều thứ, dẫn đi đây đi đó, du lịch nhiều nơi. Hỏi thì ông ta nói vợ chết đã lâu. Chừng hai người ăn ở với nhau, tôi mới phát hiện là vợ ông ta còn sống, nằm liệt một chỗ như thực vật cả mấy năm nay.Ối giời ơi! Tội quá đi mất, thế như là con gái tôi giật chồng người, lại là một người bệnh nằm một chỗ cần được săn sóc thương yêu.

Ổng dẫn cái Hoa tôi đi du lịch rồi về VN làm tiệc tùng, chính thức ra mắt các anh của cái Hoa. Tôi giận nó nên tôi và thằng Sang không về dự.

Về lại Mỹ mấy đứa con ông ta không chịu. Cha con cãi nhau kịch liệt vì sợ cái Hoa chiếm cứ tài sản. Thằng con lớn ông ta đến nhà ông hăm dọa, nói ông ta những lời thật nặng nề.  Ông ta vừa sợ, vừa buồn bực thêm chứng bệnh đau tim tái phát. Ông ta gọi phone cho cái Hoa nhà tôi kêu nó tới gấp vì ông ta mệt quá. Khi nó đến nơi thì ông ta đã đứng tim không thể cứu vãn.

- Đó! Đó, bức hình ông ta mặc áo vest đó cô.

Tôi nhìn lên bàn thờ, thấy ông ta khá đẹp, gương mặt rất ăn ảnh tươi cười.

- Còn cái hình này. Tôi hỏi.

- Thật là phúc bất trùng lai. Ông Sinh vừa mất đi không bao lâu cái Hoa nghe tin bên Việt Nam Ba thằng Sang cũng mất vì ung thư gan. Bề nào thằng Sang cũng là con ông ta, nên tôi cho hai mẹ con về đưa đám và tôi thờ tất cả ở đây.

 

Tôi nhìn lên bàn thờ ngao ngán. Cái nhà thì không lớn mà bàn thờ có đến 5 người đàn ông ngồi trên đó trông ảm đạm làm sao. Dường như đoán được ý nghĩ củ tôi, Bác Khan bùi ngùi tâm sự.

- Cô  thấy đấy, tôi sống ở đây buồn lắm, thường chỉ có một mình. Sớm hôm tôi đốt nhang, niệm Phật cho tất cả mấy ông. Ngày Tết ngày nhất cũng phải tươm tất một chút. Dù gì họ cũng là chồng của con tôi, cái nhà này của nó nên tôi thờ tất cảcho trọn tình trọn nghĩa.

- Vậy em Hoa không về đây ở với bác sao?

- Cái Hoa nhà tôi sau vụ này nó như người mất hồn, bệnh một trận khá nặng. Khi tôi thờ tất cả ở đây nó không chịu, vì ai cũng có gia đình riêng, con cái họ thờ rồi. Nhưng tôi không nhẫn tâm vì họ cũng thật lòng thương con Hoa. Tôi nhũ lòng, thờ ở đây để hàng đêm đọc kinh cầu siêu cho họ. Đúng ba năm tôi sẽ dẹp, chỉ thờ mỗi thằng Hùng mà thôi.

Cái Hoa không muốn mỗi khi về nhà thấy mấy ông chồng cứ nhìn chầm chập vào mình, nên nó đi xuyên bang để làm, không ở đây nữa. Giờ nhà chỉ có mình tôi với cháu Sang.

- Thế cháu Sang đâu rồi Bác?

- Cháu đi học rồi. Cũng may cháu ở với tôi từ nhỏ nên rất có hiếu với ngoại. Không có nó hủ hỉ chắc tôi buồn tôi về VN ở luôn rồi cô.

- Vậy làm sao bác đi bán bánh ít?

- Ở nhà buồn quá nên thỉnh thoảng tôi làm ít bánh đi bán kiếm tiền chợ. Tôi đón xe bus để đi, đôi khi cháu Sang chở đi dùm.Chứ tôi đã có tiền già rồi. Nhà này và các khoản chi phí thì cái Hoa lo tất. Tôi kiếm thêm tí tiền gửi về cho mấy đứa bên VN. Nước mắt chảy xuống. Bao đời cũng vậy cô à.

- Thế bác thờ như vầy, bác không sợ sao?

- Có gì mà sợ hả cô! Đời người phải có trước, có sau, bề nào họ cũng là rể của tôi. Thôi thì số cái Hoa nhà tôi sát chồng, tôi phải làm một ít gì để giải nghiệp cho nó.


Hai bác cháu tâm sự nhiều điều, bác đem cho tôi coi hình con gái và cháu ngoại. Xem album thấy Hoa được các ông chồng rất mực yêu thương. Những tấm hình tươi cười, hạnh phúc biết bao nhiêu. Vậy mà định mệnh hay cái số của Hoa đã làm các ông rời bỏ cuộc tình và cõi trần gian quá sớm.


Tôi gọi con đến đón tôi về khi chiều đã buông. Căn nhà chỉ một mình bác Khan hiu quạnh. Tôi hứa sẽ thường xuyên thăm viếng và khuyên bác đừng đi bán nữa. Tuổi đã già nên giữ gìn sức khỏe mà lo cho cháu. Các con bên VN càng tiếp tế định kỳ thì càng làm chúng ỷ lại không lo làm ăn, sinh ra rượu chè hư hỏng. Bác Khan cười trong chua xót. "Biết vậy cô ơi! nhưng nghe chúng than tôi không chịu được. Mẹ nào mà chẳng lo cho con".

Từ đó thỉnh thoảng có dịp tôi lại ghé nhà. Khi mang cho Bác ít thức ăn tôi nấu, mời bác tới nhà chơi hay cùng bác đi chùa. Cô Hoa rất ít khi về nhà nên tôi ít gặp. Có lẽ cô đi xa để quên đi quá khứ của mình hay đi tìm một mối tình mới. Bây giờ tôi mới thấy rõ mấy chữ hồng nhan bạc mệnh vận vào một người đàn bà.


Một hôm đang làm bếp, tôi nhận điện thoại cháu Sang báo tin bác Khan đã vào bệnh viện. Tôi vội vã đến thăm. Trong khu vực ICU nhìn bác với chằng chịt dây nhợ, mắt nhắm nghiền tôi thương bác quá. Hỏi ra bác đi bán về mắc mưa bị cảm. Hôm ấy cháu Sang lại đi xuyên bang thăm mẹ nên không ai ở nhà săn sóc bác. Khi cháu Sang về thì bác đã quá yếu, thở không được phải gọi xe cấp cứu đem vào bệnh viện.

Tại đây chuẩn đoán phổi bác có nước, bị pneumonia và não đã không còn hoạt động.

Tuổi già, sức yếu bác sẽ khó qua khỏi.

 

Nhìn cháu Sang ngồi thật buồn , lặng lẽ bên bà ngoại tôi thật ngậm ngùi.

Bác qua Mỹ để hưởng hạnh phúc cuối đời mà bác có hưởng gì đâu. Cả một đời vật lộn, trầm luân theo vận mạng. Bác đã bươn chãi và tranh đấu với cuộc sống, giờ trút hơi tàn trong cô đơn quạnh quẽ. Con gái bác đang trên đường về để lo cho mẹ. Các con trai bác không ở đây để nhìn bác lần cuối, cũng không còn hàng tháng nhận tiền mồ hôi, nước mắt tằn tiện của mẹ nữa.


Người đàn bà như bác không biết đáng trách hay đáng thương. Những đứa con khác cha không thể có tình ruột thịt như những gia đình khác. Mỗi đứa một dòng máu, một người cha. Chúng đã chứng kiến những người đàn ông đi qua trong đời mẹ. Điều đó ảnh hưởng rất nhiều cho sự trưởng thành và ý chí lập thân của chúng. Người mẹ như Bác Khan thật đáng thương. Rồi cái bàn thờ có hình con, hình rể, những người đàn ông đi qua cuộc đời con gái bác không biết số phận sẽ ra sao?

Tôi lên chùa mỗi thất cúng hương linh Bác Khan. Tôi cầu nguyện cho Bác được thảnh thơi ra đi. Đừng vướng bận gì về con về cháu. Đã trả hết rồi những món nợ một kiếp người.


Trong tiếng chuông mõ ngân nga, hương bay làn khói trắng. Tôi bắt gặp lại hình ảnh Bác Khan tươi cười, má hồng, đôi mắt sắc sảo đứng trước nhà chải tóc. Mái tóc dài, đem mượt thỉnh thoảng được bác quấn lên như các cô gái Bắc ngày xưa. Tôi lại nhớ hình ảnh Bác trong những ngày hội đình. Bác mặc áo quần sặc sỡ múa may nhảy nhót, yểu điệu theo cô đồng trong những buổi hát chầu văn hay những ngày lễ kỳ yên nơi đình làng thờ  đức Thánh Trần. Một người đàn bà đẹp, truân chuyên theo số mạng.


Tất cả mờ nhạt, lung linh theo những giọt nước mắt hoen mi của tôi.

Vĩnh biệt Bác Khan.

 

Nguyễn thị Thêm.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1895)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1686)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5386)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5657)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1915)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4946)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3687)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2287)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2234)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 2612)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2656)
tôi đã không có cơ hội nào thực hiện cái lời hứa ấy. Sau này, gặp lại được hai dì cùng lứa tuổi dì Xinh tỵ nạn sang đây. Họ đã không biết gì về số phận dì Xinh nữa.
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2547)
“…Em yêu phút giây này Thầy em, tóc như bạc thêm Bạc thêm vì bụi phấn đã cho em bài học hay Mai sau lớn nên người .Làm sao, có thể nào quên?
06 Tháng Mười 2023(Xem: 2568)
Những tiến bộ điện tử giúp ích con người nhiều mặt nhưng cũng có mặt chúng làm thui chột trí óc và thể chất của chúng ta tỉ như làm chúng ta lười suy nghĩ
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2805)
Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3051)
Kể từ đó tôi đã có hướng nhìn rõ hơn về tương lai của mình là khi lớn lên tôi phải trở thành một nhà giáo, đó là một mơ ước mà tôi phải cố gắng biến nó thành hiện thực.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2924)
sau gần nửa thế kỷ tồn tại qua những thăng trầm biến động của thời cuộc, rạp KH vẫn còn hiện hữu mãi trong ký ức của người dân BH xưa về một thời huy hoàng tráng lệ ...
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2742)
giáo chức sĩ quan biệt phái tức là những thầy giáo do lệnh tổng động viên đã phải nhập ngũ một thời gian trưỡc khi được “biệt phái” về dạy học lại cũng phải đi “học tập cải tạo”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2846)
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2753)
Xin ghi nhận như một lời chia sẻ về một nhà văn lớn đã khuất. Tôi nghĩ viết một nhà văn lớn không bao giờ là thừa, dù thời đã qua.
10 Tháng Chín 2023(Xem: 2851)
Mất một chiếc vớ kể như mất cả đôi, chẳng thể mang một chiếc nhảy lò cò mọi nơi. Còn một thúng vớ lẻ bạn đang nằm thương nhớ kẻ bạc tình thì sao?