Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - ĐÓI

05 Tháng Mười Một 201510:55 CH(Xem: 16419)
Nguyễn Thị Thêm - ĐÓI

ĐÓI

Ông Hoàng không thể nào ngủ lại được. Cơn đói như một lũ sâu bọ  đang bò vào xâu xé cơ thể ông. Cơn đói quái ác nó lôi ông ra khỏi giấc ngủ đầy mộng mị. Nó trườn vào từng thớ thịt của cơ thể. Nó đang tranh nhau tìm một chỗ đứng trong cái bao tử trống rỗng của ông. Nó gào lên từng lúc làm ông mím môi chịu đựng.

Ông đảo mắt nhìn quanh, căn phòng vắng, đèn lờ mờ nên ông không biết bây giờ là mấy giờ. Chiều qua lúc cô y tá đem cơm vào, ông mệt quá không ăn. Cô ta để lại phòng một hồi lâu rồi tới tối cô ta bưng ra ngoài.  Ông đã ngủ như vậy đến bây giờ. Ông muốn lên tiếng để kêu người, báo cho họ biết là ông đang đói. Họ có thể cho ông ăn chút chi đó lót dạ. Thế nhưng miệng khô khốc, chân tay cứng ngắt, muốn nhúc nhích mà nó vẫn nằm một chỗ im lìm như thách thức với ông.

Ông lại nghĩ đến ngày xưa mà thèm bát cơm nóng hổi mạ ông vừa bới ra khỏi nồi. Bát cơm nấu bằng gạo mới đầu mùa vừa xay về. Mạ ông nấu trong cái nồi đất bằng lửa rơm. Cơm cạn, bà ghế xuống đặt một bên bếp lửa. Cào tro nóng để dưới và một ít xung quanh. Trên cái cà ràng ba chân đó bà kho một nồi cá nục còn tươi chong mới từ biển về. Những lát ớt đỏ rực nổi trên mặt cá, mùi ruốc kho chung bốc lên thơm lừng. Đĩa rau lang luộc còn nóng hổi quyến rũ cơn háo ăn của tuổi mới lớn.

Thỉnh thoảng mạ ông còn kho nước ruốc thật ngon, những củ nén giã dập với ớt nằm xen lẫn những miếng thịt ba chỉ thái mỏng, hành lá xắt nhỏ thơm thật là thơm. Cái mùi thơm của ruốc tươi quê nhà. Cái mùi của Huế, của quê hương Quảng Trị yêu thương. Bà làm một rỗ rau chơ lấy từ dưới sông lên với đủ các loại rau thơm trộn lẫn vào. Màu sắc của rỗ rau mới bắt mắt làm sao. Gắp một đũa đầy rau chơ, chấm vào tô nước ruốc kho loãng ăn với cơm nóng sao mà ngon quá đỗi. Ớt tăn tăn đầu lưỡi, ớt giựt giựt chân tóc làm toát cả mồ hôi. Vừa ăn vừa hít hà xuýt xoa mới đúng điệu ăn cay.

Nhưng có lẽ món mà ông khoái nhất là trái vã và cà pháo, thêm ít rau sống chấm với ruốc. Cái món ruột này chỉ có quê ông mới có, vì vã là một giống cây rất khó trồng. Vì vậy, mỗi khi được về phép thăm nhà, các bà chị họ lúc nào cũng làm "Mời cậu mi ăn một bữa cà vã cho bưa, mai tê khỏi thèm". Món ăn vừa rẻ tiền, vừa tình nghĩa mà ông không thể nào quên.

Này nhé, lấy một miếng vã, kẹp thêm tí rau thơm quẹt vào tô ruốc thật ngon có chanh, đường, tỏi, ớt. Cắn một cái, nhai  vào miệng, nghe tiếng rào rạo giòn giòn của vã, của cà. Ôi chao! Nó ngon không có cao lương mỹ vị nào bằng.

Có hôm mạ ông đi chợ trưa về, bà mua một miếng thịt heo luộc sẳn, một ít bún tươi. Lấy nước mắm thật ngon, cắt vài lát ớt bỏ vào. Thế là mấy mẹ con ăn bún với thịt luộc ngon sao quá là ngon. Heo được nuôi bằng cám, chuối trong vườn, con heo không to, thịt chắc, ít mỡ. Lát thịt luộc đậm đà ngon nhất nhớ mãi không quên.

Chỉ nghĩ đến món ăn thôi mà nước miếng đã tràn đầy miệng, chảy cả ra ngoài. Ông tìm cách nuốt nhưng sao nó vẫn ào ạt tràn về. Nhớ quá. những món ăn dân dã nhà quê mà ngon ngọt vô cùng. Có lẽ không có món ăn nào ngon bằng những món ăn do đích tay mẹ nấu cho con khi tuổi vừa mới lớn. Những món ăn đó đi vào khứu giác, vị giác và tri giác đầu đời nên nó in đậm và gây nhớ mỗi khi nghĩ đến một bữa ăn khi bụng đang đói.

Ông cũng có những ngày vàng son khi trong túi có tiền. Những bữa ăn đầy đủ thịt cá, bia rượu và gái đẹp. Những bữa ăn đó rộn ràng tiếng cười, tiếng nói, tiếng nhạc và cả tiếng chưởi thề. Những bữa ăn cho quên đời, quên cái chết đeo sau lưng không biết quật ngã ông lúc nào. Những bữa ăn hoang phí. Nhớ nhà da diết mượn rượu giải sầu, mượn gái cho quên đời, mượn thiên hạ làm vui đời lính. Cũng có những lúc bên mâm cơm linh đình ông ngồi ăn mà nuốt không vô. Nỗi buồn dâng lên đầy ứ khi nghe tin một người bạn thân vừa từ giã cuộc chơi hay nâng ly rượu tiễn đưa một thuộc hạ vừa nằm xuống.

Mỗi khi nhớ lại ông không còn chút nhớ gì về hương vị món ăn. Chỉ nhớ những kỷ niệm, những người bạn chung vai sát cánh chiến đấu đã ngã xuống. Nhớ những lần buồn quá uống rượu say mèm quên đời. Nhớ một chặng đời gay go đối diện cái chết và cái sống. Nhớ để thấm thía cuộc sống lính tráng xa nhà và một thời ngang dọc vẫy vùng trên những vùng chiến thuật.

Ông cũng từng đói. Cái đói cũng dày vò ông như bây giờ. Cái đói hút người tù vào một miệng cống đen ngòm hôi hám. Cái đói ác ôn, tàn độc, ma quái. Chỉ cần có một thứ gì bỏ vào miệng, nhai ngấu nghiến để tay chân không rung rẩy, để còn sống ngoi ngóp chờ ngày về. Có kẻ chỉ vì cái đói tàn khốc mà phản bội anh em. Có kẻ chịu đựng không nỗi phải gục chết thảm thương. Có kẻ tìm cách vượt ngục để thoát khỏi cảnh tù đày, đói khổ.

Nhưng những lúc đó còn có bạn bè, còn có tuổi trẻ và sức lực. Đói quá thì cái đầu nghĩ ra nhiều cách để tìm thứ gì nhét đầy bao tử, còn có lý tưởng, có hy vọng, có vợ con đang chờ đợi. Những lúc tù đày đói khát đó cái đầu còn sáng suốt linh hoạt, trái tim đầy ắp tình thương, còn  ước mơ tương lai tươi đẹp khi trở về. Đói nhưng ý chí vươn lên mạnh mẽ để mình không  ngã gục.

Bây giờ cái đói nó khác đi nhiều. Cơ thể gào lên đòi ăn mà tay chân rời rạc, đầu óc trống rỗng. Cái đầu tiêu cực thầm nghĩ thôi đừng làm phiền ai. Chết hay sống cũng đã đến lúc. Tấm thân già cô đơn thôi đành chấp nhận rồi cũng sẽ quen thôi. Một sự buông xuôi thất bại, một sự đầu hàng cuộc sống.

Ông lại nghĩ đến bà vợ ông. Phải rồi. nếu mà có bà vợ ông bên cạnh thì chỉ cần ông thức giấc là bà đã đến bên cạnh ông. Tối qua ông không ăn được thì bà đã lo nấu món khác ngon hơn, chờ ông thức dây mang vào mời ông.

Bà vợ già của ông thật tội nghiệp. Ông rươm rướm nước mắt khi nghĩ đến giờ này bà cũng đang trong bệnh viện. Hơn 10 năm chăm sóc cho ông  bà không rời ông nửa bước. Bà như cái bóng bên ông tận tụy. Mỗi khi ông đói thì bà đã lo sẳn bữa ăn nóng cho ông ăn vừa miệng. Khi ông cảm cúm, bà lo nấu cháu cảm có hành tiêu nóng hỗi và đút cho ông từng muỗng.

Đôi khi ông giận không ăn, bà đi theo năn nỉ. Bà lo cho ông không ăn đầy đủ sẽ mất sức, bệnh hoạn. Ông như người được sống trong nhung lụa không thấy thương người thiếu áo thiếu quần. Ông quen được bà nuông chiều nên cứ sống ấm êm trong vòng tay thương yêu chiều chuộng của vợ, của con.

Ông phải vào đây vì bà ngã bệnh, mấy đứa con phải lo đi làm kiếm cơm nuôi gia đình chúng. Đưa ông vào viện người già là biện pháp cuối cùng để bà yên tâm chữa bệnh. Ông không thể trách con cái vì nó không thể làm gì khác hơn với một người cha không thể tự mình sinh hoạt. Vào đây có y tá, có bác sĩ, có bạn bè trang lứa. Dẫu không được như ở nhà nhưng cũng có nhiều người chăm sóc và có đầy đủ phương tiện y tế để lo cho ông.

Ông lại nuốt nước bọt. Cơn đói dường như đã nguôi ngoai. Ông nghĩ đến bà đang một mình nằm trên một chiếc giường bệnh viện như ông? Bà cũng đang đối diện với đau đớn và bệnh tật như ông. Không biết nửa đêm bà có đói bụng giống như ông không?

Bà ơi! Ông nhắm mắt lại. Hình ảnh bà với nụ cười hiền hậu hiện ra lung linh. Ông thấy bà cười với ông. Ông thấy bà giang hai cánh tay ôm đầu ông vào ngực, xoa xoa lưng cho ông . Ông cảm giác mình thật ấm áp, nhẹ nhàng và sung sướng. Ông mỉm cười, nhắm mắt lại và đi vào giấc ngủ với hình ảnh người vợ xinh đẹp có nụ cười thật dễ thương.

 

Nguyễn thị Thêm.

 

21 Tháng Chín 2013(Xem: 59474)
Tựa Đề: HÌNH NHƯ NẮNG VỪA PHAI Nhạc&Lời: Phạm Chinh Đông Hòa Âm: Tuấn Ngọc Ca Sĩ: Hương Giang
21 Tháng Chín 2013(Xem: 62972)
ChsNQ khóa 1 đến thăm thầy Nguyễn Xuân Hoàng và Thầy Phan Thông Hảo
20 Tháng Chín 2013(Xem: 53697)
Phùng Quán vịn vào câu thơ mà đứng vững. Mình dựa vào tình thương của mọi người, nghiến răng, đứng lên mĩm cười với số phận. Cám ơn tình bạn, cám ơn thương yêu và thông cảm.
14 Tháng Chín 2013(Xem: 57553)
Phải chăng nhà văn không có tuổi. Nhà văn chỉ có già đi và chết. Nhà văn không đếm cái khoảng thời gian sống. Thời gian của một nhà văn là ý nghĩa những dòng chữ họ viết ra.
14 Tháng Chín 2013(Xem: 54930)
(Viết hôm các bạn của nhật Báo Người-Viêt và Diễn Đàn Thế Kỷ đi thăm Nguyễn Xuân Hoàng) Nhiều khi chúng ta sống mà quên bẵng đi là mình có thể chết bất cứ lúc nào.
13 Tháng Chín 2013(Xem: 46983)
Mùa Thu sắp về đây. Thu về với lá vàng, với gió heo may và cây trái bắt đầu chín. Mùa Thu cũng là mùa thu hoạch. Mùa Thu đẹp lắm, rừng Thu bát ngát lá vàng rơi
06 Tháng Chín 2013(Xem: 78217)
Cái sung sướng lúc tốt nghiệp không phải là được đi dạy, làm giáo sư cho bằng thoát khỏi sách vở mà chúng như những kinh kệ vô nghĩa nhàm chán..
05 Tháng Chín 2013(Xem: 60268)
Việc bán thơ của Suskin xem ra phù hợp với văn hóa sống nhanh, sống vội, muốn gì được nấy, nhanh như người ta bấm máy truyền hình hoặc vào mạng internet.
05 Tháng Chín 2013(Xem: 45103)
Có cơ hội thì bạn bè gặp nhau vì quỹ thời gian chúng ta chẳng còn nhiều. Xin cám ơn những người bạn trên net của tôi, đã cho tôi niềm vui trong cuộc sống.
04 Tháng Chín 2013(Xem: 68621)
Đã thành thông lệ, sau lần họp mặt với bạn bè phương xa, bạn bè quê nhà sẽ cùng nhau đóng góp tổ chức tiệc chiêu đãi chia tay để người đi nhớ mãi ân tình nơi cố hương.
31 Tháng Tám 2013(Xem: 73413)
Ông trở thành một “ông già quét chợ” một cách tự nhiên như vậy đó, tự nhiên như khi ông từ đâu không biết đã đến cái chợ làng này…
30 Tháng Tám 2013(Xem: 52705)
Lúc bà mất, cậu Út ôm bà khóc như mưa, nghe cậu nhắn nhủ: "bà ngoại, ông ngoại, ba con ơi! nhớ về thăm cây mít nha!" cả nhà không ai cầm được nước mắt.
30 Tháng Tám 2013(Xem: 83490)
Xin bấm vào tựa các bài muốn đọc
23 Tháng Tám 2013(Xem: 77562)
Phần tôi, kể từ khi bắt đầu va chạm cuộc sống, tôi khám phá ra rằng con người ta không thể nào sống mà thiếu người khác được.
21 Tháng Tám 2013(Xem: 89677)
Công của những người đưa đò thầm lặng khoan dung, đã đào tạo bao lớp chúng tôi thành danh, thành nhân. Thời gian với bao biến đổi, nhìn lại cuộc đời chúng tôi luôn dặn lòng ”Nhớ Ơn Thầy, Nhớ Ơn Cô” để có một cuộc đời đáng sống.
20 Tháng Tám 2013(Xem: 50975)
Vì mẹ là ai con nào có thể biết, mẹ là ai hay có thể là bất cứ bà mẹ nào? Mẹ sẽ như nào nhỉ? Mẹ có giống người mẹ đã sinh ra con không? Giống, con cam đoan là giống.
17 Tháng Tám 2013(Xem: 60667)
Thầy ốm, ốm theo cả hai nghĩa. Thầy đang bị bệnh, cơn bệnh kéo dài hơn hai tháng. Thầy nhạt miệng không ăn uống được nhưng nên trọng lượng xuống như vật rơi tự do bị lực hút của trái đất hút xuống.
15 Tháng Tám 2013(Xem: 51591)
Chỉ một ngày vắng mẹ căn nhà đã quạnh quẽ buồn. Bàn tay mẹ là đôi đũa diệu kỳ biến ra cơm ngon canh ngọt, là ngọn gió mát lành ru giấc ngủ cho con… Vậy mà… Vũ Hạ mới ngần ấy tuổi đầu đã mất mẹ.
15 Tháng Tám 2013(Xem: 35823)
Trong gian nhà chúng chùa núi quá trưa, có mâm cơm chay dành cho bọn trẻ. Tôi nhẩm đếm, có hơn một chục thiếu niên. Đứa nào cũng đèo đẹt đen đúa, làn da khô héo quắt queo,…
14 Tháng Tám 2013(Xem: 79475)
Khi bố về thì mẹ vẫn nhìn bố, ánh mắt yên tâm hơn. Mẹ thầm lặng hơn bao giờ hết. Dưới mắt bố con chúng tôi, sự thầm lặng ấy càng ngày càng tỏa sáng.