Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - THU CỦA TÔI

26 Tháng Chín 20151:35 SA(Xem: 22764)
Nguyễn Thị Thêm - THU CỦA TÔI

thu cua toi


Tôi và Thu ở chung một xóm. Cái xóm nhỏ của một làng quê nghèo.

Con đường nhà tôi qua nhà Thu phải đi qua nhà thờ. Nhà thờ nhỏ, cũ kỹ không được tân trang sau biến cố năm 75 nằm chơ vơ, lặng lẽ. Trước nhà thờ là hang đá. Hang đá loang lổ xám xịt. Chúa hài đồng nằm trong máng cỏ quạnh quẻ đơn côi,  . Chú lừa con đứng trang trí đã bị mất một vành tai.  Một số lớn giáo dân đã bỏ đi tìm nơi khác sinh sống.  Buổi lễ nhà thờ thưa thớt vắng người. Gát chuông đứng chơ vơ, mỗi chiều buông hồi chuông buồn "đính đoong" của ông trùm ngoan đạo. Những bước chân con chiên đến đây ngượng ngập, lo lắng vì sợ vì bị theo dõi. Tan lễ là vội vã đi về.

Tôi không theo đạo và Thu là một con chiên nhỏ. Chúng tôi hay ghé vào hang đá này và Thu thường quỳ xuống cầu nguyện. Bàn tay nhỏ bé đưa lên làm dấu thật dễ thương. Thu kể về những ngày họ đạo đông vui trước ngày "Giải phóng". Em le lưỡi nhún vai nói hai chữ này rồi cười cười:

- Sao được giải phóng rồi mà nhà thờ bị bỏ phế vậy anh?

- Anh không biết ?

- Bộ cán bộ không thích Chúa hả anh?

- Anh cũng không biết.

- Sao cái gì anh cũng không biết, em hỏi mẹ mẹ nói "Đừng hỏi bậy bạ. Coi chừng có người nghe."

- Thì em đừng hỏi.

- Thế nhưng mẹ lại bảo hãy yêu kính Chúa vì Chúa rất nhân từ. Chúa nhân từ sao cán bộ lại ghét.

- Anh cũng không biết.

- Thế anh có yêu Chúa không?

- Anh không có đạo. nhưng anh thấy Chúa cũng thật dễ thương và đẹp.

- Vậy anh yêu ai.

- Ba Mẹ và ông bà

- Không! Em nói ông gì cao hơn ba mẹ .

- Ờ! Ông Phật. Mẹ anh nói ông Phật cũng hiền lắm.

Tôi nói với Thu như vậy vì tôi thấy Mẹ hay quỳ xuống lạy mỗi đêm. Mẹ quỳ thật lâu sau khi các con đã ngủ. Trên bàn thờ có hình ông bà cố tôi thấy có hình một ông Phật mắt nhắm lại, tay chấp ngồi dưới một gốc cây. Mẹ nói đó là ông Phật Thích Ca. Ổng là Thái Tử, giàu lắm mà bỏ hết đi tu.

Tôi cũng đem kể lại cho Thu nghe và giữa chúng tôi, ông Phật hay Chúa đều tốt như nhau. Chúng tôi là những đứa bé con nhà nghèo cùng học chung một ngôi trường làng nên quấn quít và hiểu nhau nhiều.

Gia đình Thu là gia đình người Bắc công giáo. Thu không biết nhiều về gia đình vì Thu còn quá nhỏ. Nhưng theo má tôi kể lại là ông bà Thu đã theo tàu há mồm từ Bắc vào Nam năm 54. Thu bảo em tên Thu vì mẹ sinh em vào mùa thu mà bà thì lại rất yêu mùa thu Hà Nội.

Bà thường kể miền Nam nắng nóng không có mùa thu nên chả có gì lãng mạn. Mùa Thu Hà Nội đẹp nhất cơ đấy. Những hàng cây rũ lá mộng mơ, những con đường thật đẹp và những kỹ niệm về Hà Nội nhỏ nhặt còn vương lại trong đầu óc ngây thơ thuở bà còn bé.

Thu thật dễ thương trong mắt tôi, em ngây thơ, trong sáng. Còn tôi tuổi mới lớn thấy có cái gì khang khác mỗi khi Thu ngã vào tôi vòi vĩnh như một em bé. Tôi thích nhìn em cười và thích nghe em nói. Ăn một chút gì ngon là tôi lại nghĩ đến em và muốn đem đến cho em ăn để nhìn hai hàm răng nhỏ nhắn cắn ngon lành.

Má nói "Cái thằng Tuân đã dậy thì rồi. Giọng khàn khàn vịt đực.''

Thế nào là dậy thì tôi không hiểu, nhưng trên mặt tôi đã có những vết mụn xấu xí chớm mọc và tiếng nói như bị chận lại khàn đục kỳ kỳ.

Tôi hay nóng nảy, bực bội, cơ thể như muốn thoát xác để cao hơn, lớn hơn và mạnh mẽ hơn.

Một chiều sau giờ tới trường, tôi theo Thu lởn vởn ở sau nhà thờ, hai đứa nhặt những hoa sứ để kết lại làm thiên thần. Thu mang vương miện hoa sứ thật đẹp. Còn tôi, tôi nói :

- Anh không đội vòng hoa đâu. Anh là con trai mà, anh phải đội cái khác.

Thu mím đôi môi nhỏ một hồi rồi nói:

- Em biết rồi, anh phải làm vua.

Thế là Thu bắt tôi hái lá và chúng tôi kết thành một cái mũ lá để đội lên đầu.

Hai chúng tôi quỳ bên chân Chúa Hài Đồng. Thu lâm râm cầu nguyện, tôi nghiêng người lén nhìn Thu và có cảm giác hai đứa giống như vua và hoàng hậu trong một bức tranh vẽ tôi đã thấy.

Tôi hay dắt Thu ra bãi xem nhóm con trai chúng tôi đá banh. Mỗi khi tôi có banh trên chân là nghe tiếng Thu hét lớn cổ động.

- Nhanh lên, nhanh lên... sút.

Tiếng hét lớn của Thu khiến đôi chân tôi chạy  không biết mõi mệt và tôi giữ mãi trong đầu một ý nghĩ "Tôi sẽ thắng cho em vui".

 

Tôi học hết lớp năm trường làng tôi ra huyện học trung học, mỗi ngày tôi không còn chơi với Thu như trước. Tuổi học trò mau quên và bài vở cũng nhiều, đôi lúc tưởng chừng như tôi quên đi hang đá và cô bạn láng giềng nho nhỏ xinh xinh.

Cuối tuần Thu hay đến nhà tôi chơi và hỏi bài vở. Tôi đã biết ngại khi Thu nắm tay tôi lắc lắc vòi vĩnh như ngày xưa. Tôi khẻ khàng rút tay ra, mặt đỏ lên ngại ngần. Thu cũng đã bắt đầu lớn, gương mặt bầu bỉnh hồng hồng và tóc đã biết chải lên kẹp một chiếc nơ khá xinh. Nhưng đối với tôi Thu vẫn coi như là một người em gái nên rất tự nhiên.

Dường như khi lên trung học là đã bắt đầu lớn, tôi đã thấy những cô bạn cùng lớp mặc những chiếc áo dài trắng xinh đẹp, Những tà áo dài bay như những cánh bướm trong sân trường và tôi biết đỏ mặt quay đi khi cái nhìn bất chợt hướng về một bộ ngực vun tròn núp trong lần áo.

Cơ thể tôi bắt đầu đổi khác, những cái mới mẻ lạ lùng xuất hiện trong tôi. Thu đã xong trường làng, em lại cùng tôi đi học dù hai lớp khác nhau. Con đường đến trường khá xa nên chúng tôi thường đi bằng xe đạp. Buổi sáng mặt trời chưa lên, nhóm chúng tôi đã lên đường. Tôi hay chạy sau xe Thu mỗi khi có một chiếc xe chạy qua để bảo vệ em hay để ngắm em với tà áo dài con gái . Tà áo nhét dưới cặp sau ba ga xe bay phồng theo gió. Buổi chiều tan trường tôi lại chờ em ra rồi lại cùng song đôi về nhà.

Những hàng cây thẳng tắp che mát cho chúng tôi, những ước mơ dường như đã ươm mầm trong đôi mắt. Tôi không còn dám long rong tắm suối khi Thu có mặt. Không dám tự nhiên vạch quần chỉa vào một gốc cây tự nhiên như ngày xưa. Tôi không còn nhìn Thu soi mói tinh nghịch mà nhìn em với cái nhìn hơi cúi xuống e dè.

Tà áo dài làm cho con gái khác đi nhiều lắm. Cũng hai má hơi bầu bĩnh mà sao giờ như pha chút phấn hồng. Cũng đôi mắt đó sao bây giờ đen hơn và long lanh thế ấy. Cũng Thu với dáng nhỏ nhắn cao cao mà sao bây giờ dịu dàng yểu điệu. Tôi lắc  đầu ráng bỏ đi cái dáng Thu trong tâm trí của tôi. Ờ! miền Nam không có mùa Thu nhưng mùa Thu Hà Nội vẫn hiện lên hàng ngày với những gì bàng bạc nhớ nhung.

Mùa mưa miền Nam kéo dài với những cơn mưa bất chợt, những cơn mưa như  không muốn dứt. Học trò chúng tôi sợ nhất những chiều mưa. Không dầm mưa về nhà thì trời sẽ tối. Những chiếc áo mưa con nhà nghèo làm sao chống lại với những cơn gió theo mưa hất tung loạng choạng. Thu đội nón lá, chiếc nón lá bọc gió như muốn hất tung người. Gài nón vào ghi đông thì những hạt mưa như những làn roi quất vào mặt đau điếng. Hôm nào trời mưa là bọn học trò nghèo ở xa lóp ngóp, ướt nhẹp, tội tình. Chúng tôi nói với nhau đem thêm một bộ đồ bỏ vào cặp rồi bọc ngoài một lớp ny long. Sáng hôm nào đi học bị mưa có sẳn mà thay. Còn mỗi lần về mắc mưa thì đôi khi lạnh quá đạp xe không muốn nỗi. Những lúc đó dựng xe vào một gốc cây to núp mưa, chúng tôi đứng tụm vào nhau lạnh run lập cập. Lại sợ sét đánh nên chỉ một chút là vội vã lên đường về.

Một buổi chiều trời mưa như trút nước, chúng tôi như muốn kiệt sức vì đạp xe dưới cơn mưa tầm tã suốt đoạn đường xa. Đến cây cầu để về nhà thì nước trên nguồn đổ về cuồn cuộn. Do sau 75 người ta chặt cây, phá rừng không kể số. Nước như được giải phóng hoang tàn, ồ ạt, giận dữ trôi về đồng bằng.

Chúng tôi cả bọn dừng xe nhìn cái cầu ngao ngán. Nước lũ vẫn tràn về chảy xiết trên cầu. Đứa nào cũng rét run và đói bụng. :

- Liều thôi, mình đi chầm chậm chắc không sao?

- Nhưng nước chảy xiết quá

- Thế chả lẽ đứng mãi ở đây chịu trận. Em lạnh cóng rồi.

Thu nói xong dợm đẫy xe đi. Mấy đứa kế Thu cũng tán thành la lớn:

- Mình lên đường, cẩn thận nghen.

Chúng tôi dò dẫm từng bước. Nước chảy xiết cuốn bước chân liêu xiêu. Thu đã qua được nửa cầu bỗng bánh xe vấp phải một cái gì đó đão mạnh hất Thu té xuống. Mấy đứa chưa biết làm gì thì nước đã cuốn Thu đi. Cuốn nhanh, cuốn nhanh như thác lũ.

Chúng tôi đồng loạt la lên rồi ghì chặt lấy nhau đứng chết trân trên cầu. Cả xe và người Thu trôi theo dòng nước. Chỉ thấy tà áo nhấp nhô theo nước cuồn cuộn trôi xa. Thật lâu, nhích  từng chút chúng tôi mới qua được chiếc cầu định mệnh. Cả bọn vừa khóc, vừa la chạy như bay về báo gia đình. Tôi chạy đến nhà Thu báo tin trong nước mắt. Cả xóm bừng dậy, tiếng kêu la náo động nguyên cả xóm. Từng tốp người đổ về con suối.

Trời vẫn mưa không ngớt hột, từng cơn chớp lóe lên hung bạo. Tôi vừa khóc, vừa vuốt nước mưa trên mặt chạy theo ba tôi. Người trong xóm như điên cuồng lội theo con suối tìm Thu nhưng hoài công. Nước hung bạo cuốn em về cuối nguồn. Đêm dài bất tận, mưa gió tơi bời. Tôi ngồi run bên bếp lửa, nước mắt đã không còn để khóc. Thu ơ! Mùa Thu Hà Nội trôi dạt về đâu.

Mãi tới gần sáng trời mới tạnh mưa, người trong xóm bỏ cả ngày làm đi tìm xác em. Mẹ Thu chết đi sống lại, bố Thu như già đi chục tuổi, má tôi đi tới đi lui vừa lau nước mắt vừa niệm Phật.

- Tội nghiệp con bé! A Di Đà Phật, cho con bé bình yên. Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát độ trì cho con Thu tai qua nạn khỏi.

Má lẩm bẩm cầu nguyện, còn tôi hết muốn đến trường. Tôi muốn nhìn Thu, tôi muốn ở nhà để thấy em. Tôi cảm thấy tim mình đau lắm. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận mình vừa đánh mất một cái gì to lớn vô cùng.

Người ta đã tìm được Thu. Xác em tấp vào một gốc cây bị đánh bật rễ ngã nghiêng bên bờ suối cuối nguồn. Chiếc xe đạp bánh sau bị móc vào rễ cây bập bềnh theo nước. Mặt em úp xuống. Vạt áo dài nhuộm đỏ màu đất phù sa. Một đêm no nước, thân xác em như phình ra tội tình.

Người ta đem em về, nhưng tục lệ cử kiêng xác em không được đem vào nhà mà quàng trong một cái hòm gỗ đặt ngoài sân dưới cái lều bà con che tạm. Tiếng khóc của gia đình vang lên não nuột. Tôi không còn tha thiết gì bài vở. Hình ảnh em quơ quàng, chới với khi bị nước đánh xấp trôi đi ám ảnh tôi từng giờ.

Tôi như điên loạn, tôi che dấu cảm xúc của mình, tôi không dám la lớn, hét to, tôi giận mình bất lực, tôi tức tôi không đi sát bên em để kéo em lại. Tôi thù ghét những người cưa đốn cây rừng, tôi ghét ông trời, tôi giận cơn mưa, tôi muốn chặt phăng cây cầu oan nghiệt. Tôi thấy chiếc áo trắng em cuốn theo dòng nước, tôi thấy đôi mắt em mở to ngơ ngác. Tôi thấy dường như Chúa hài đồng đưa tay nắm lấy tay em. Tôi nghe tiếng chuông ''đính đoang, đính đoang'', tôi nghe người ta cầu nguyện. Tôi thấy tôi nắm tay em, bàn tay dịu mềm và nụ cười rạng rỡ. Tôi muốn đưa tay em lên hôn, một cơn chớp lóe lên, mưa xối xả, tôi chạy trong mưa, em chạy trong mưa, tôi gọi em thảng thốt.

Tôi sốt ngay sau hôm đó. Đám tang em tôi nằm bẹp trên giường. Má không cho tôi đi theo đám bạn đến phúng điếu em. Tôi mơ màng nghe cả nhóm lao xao tới thăm, tôi nghe má tôi thì thầm và tôi thiếp đi trong tiếng kêu của em gọi tôi kinh hãi trong vô vọng.

 

Nhiều năm qua rồi, tôi đã không còn ở cái xóm cũ có em ngày đó. Tôi đã đi theo gia đình xuất ngoại và đã ra trường làm việc. Bên này trời đất có đủ bốn mùa và mùa Thu rất đẹp. Mùa Thu Virginia với những hàng cây đổi màu vàng rực. Những con nai ngơ ngẩn lang thang. Mùa Thu lá rụng bay bay theo gió. Trời se sắt lạnh và tôi hay đi dài theo con đường dọc theo con suối để nhớ mông lung.

Tôi đã chạm vào mùa thu thật sự. Đón nhận hương thu bay theo gió và hưởng tất cả thi vị dịu dàng, lãng mạn của thu. Nhưng trong tôi hình ảnh Thu vẫn mơ hồ ẩn hiện. Em với tôi như kỹ niệm, như sự sống, như cuộc đời.

Thu của tôi đã đi xa, vĩnh viễn đi xa như thời thơ ngây tuổi trẻ của tôi không còn.

Tôi hái một lá thu vàng thổi bay theo gió.

- Bay đi, bay đi  chiếc lá nhỏ mùa thu dễ thương.

- Bay  đi, bay lên cõi vĩnh hằng tươi đẹp, Thu thiên thần ngày đó của tôi.

 

Em đã đi xa "mùa Thu Hà nội."

Còn lại bên tôi Thu Virginia.

Những chú nai vàng lạ lẫm bước ra.

Đứng ngơ ngác như tìm ai đã mất.

 

Tôi nhớ em, từng mùa thu ngây ngất.

Lá thu vàng bay giữa nắng mùa thu.

Cái chết tội tình, cô độc, hoang vu

Em chới với như lá thu rơi rụng.

 

Thu của tôi! dáng học trò bé bỏng.

Lời tỏ tình chưa kịp nói trên môi.

Nụ hôn đầu  trong giấc mộng đơn côi.

Em trong trắng cho tình tôi e ấp.

 

Vĩnh biệt em yêu, mùa thu đã mất.

Chỉ còn đây thu của những hoài mong.

Đừng chạm vào em, một vết thương lòng.

Mãi mãi nằm yên, trong tim thổn thức.

 

Nguyễn thị Thêm

Viết cho một người em.

Mùa thu Virginia 2015

 

 

 

 

 

09 Tháng Ba 2024(Xem: 564)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 569)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 655)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 448)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 605)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 573)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 710)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 757)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 963)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1072)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 2024(Xem: 1000)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 2024(Xem: 855)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 2024(Xem: 990)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 2024(Xem: 811)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
07 Tháng Hai 2024(Xem: 1690)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
06 Tháng Hai 2024(Xem: 765)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 2024(Xem: 711)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1706)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 2024(Xem: 967)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri