Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ XXXV)

29 Tháng Giêng 20151:21 CH(Xem: 23041)
Nguyễn Xuân Hoàng - BỤI VÀ RÁC (Kỳ XXXV)
BUI VA RAC-nxh-2-large
Kỳ XXXV


Tôi thèm khát biết bao nhiêu cái màu xanh trên bầu trời bên kia song sắt. Tôi sẽ nhảy cỡn lên, sẽ đi bằng những sải chân dài, sẽ chạy thật nhanh ra khỏi cánh cửa kia, sẽ bay lên những vòm cây, sẽ đậu trên mui chất đầy đồ đạc của chiếc xe đò ọc ạch chạy trên quốc lộ bốn... Tôi mặc xác cái tên Bình tù-cò-mồi, tôi thây kệ Sáu Phận, Nhị Hà. Nhưng mà tôi sẽ phải làm sao với Tư Long, Ba Trương Phi...?

Có phải cứ để họ trả cho xong món nợ máu và xương, và những cuộc đời bình thường mà họ đã lấy đi trước khi họ thong thả bước từng bước bên những bụi hoa buổi sáng để nghe ngóng mùi hương của những đóa hoa. Tôi thấy trước mặt tôi là cha Minh, là Kiệt, là Nhật, là Tâm, là Ký, là Lộc, là Phùng là những con người đang chia sẻ cái số phận tù đày... Nhưng mà, tôi giật mình tự hỏi tôi sẽ bay đi đâu, về đâu trên cái đất nước này, bên ngoài cái song sắt kia? Sáu Phận ở đây. Mười Tân ngoài kia. Một nơi mình yên trí là mình đang bị tù, còn một nơi mình tưởng là mình đang tự do. Có khác nhau chăng là cái bề rộng của không gian ở mỗi nơi. Quỳnh? Trời ơi, tôi nhớ biết bao nhiêu khuôn mặt của em. Cái trán vồ kiêu hãnh. Nụ cười quyến rũ với chiếc răng khểnh. Tôi nhớ tiếng khóc của con tôi trong nôi. Làm sao tôi quên được căn nhà trong ngõ hẻm khu Mã Lạng?


“Trần Lâm Thăng! Trần Lâm Thăng!”


Tôi nghe vai đau nhói. Bình vừa đập vào vai tôi vừa giục:


“Lên nhận lệnh tạm tha đi kìa!”


Như một cái máy, tôi đứng dậy bước ra khỏi hàng, đi thẳng lên trước mặt Sáu Phận.


“Tên gì?” Sáu Phận hỏi.


“Trần Lâm Thăng!”


“Địa chỉ?”


“Địa chỉ?” Tôi hỏi lại.


“Phải, đọc địa chỉ nhà anh coi có đúng không?”


Tôi đọc số nhà và tên con đường. Sáu Phận nhìn vào tờ giấy.


“Đây là lệnh tạm tha của anh. Xếp hàng bên tay trái tôi. Chờ người hướng dẫn ra cổng.”


Sáu Phận đưa cho tôi một miếng giấy mỏng lét màu vàng xỉn như màu rơm bị nước mưa. “Lệnh tạm tha.” Tôi thấy tên tôi, nhưng không thấy ghi tội trạng. Tôi bước đến chỗ đám tù may mắn như tôi. Tất cả ngồi quay mặt về phía những người đang còn chờ nghe tên mình. Tôi thấy cha Minh ở gần cuối hàng. Mái tóc cha bạc trắng. Bình cò mồi đưa cao tay vẫy vẫy.

Đến tối mịt tôi mới về tới nhà. Trong túi không còn một xu, tôi vừa đi vừa chạy. Bầu trời không một ánh sao. Con đường từ bến xe về nhà không xa, nhưng sao tôi đi hoài không đến. Tôi tưởng ở đầu hẻm anh Sáu vẫn còn ngồi với ngọn đèn leo lét trên lề chờ sửa xe đạp. Thằng út con của anh, bụng ỏng da chì đang chạy lòng vòng. Mấy chiếc xích lô đang đậu quanh trước rạp hát Quốc Thanh. Những hàng chè, cháo, thuốc lá lẻ... hiện lên dưới mấy ngọn đèn hột vịt hay những cọng nhang. Và bên trong phòng vé rạp hát ánh đèn điện sáng cho thấy tên vở diễn buổi tối.


Tôi tưởng... nhưng mà, không. Rạp Quốc Thanh đây rồi: Cửa sắt đóng im ỉm, tối om. Quán cà phê, sòng bi da... có chút ánh đèn nhưng không bóng người. Không một chiếc xích lô ghếch càng đợi khách. Anh Sáu bên trong khu nghĩa địa không ngồi ở đầu hẻm. Cả khu Mã Lạng cũng chìm trong bóng đêm.


Tôi thò tay vào bên trong cánh cửa sắt nhỏ, kéo chốt. Tôi bước lên thềm hành lang cao - chính tôi đã mua xi măng và gạch về xây nó cao lên để chận nước từ ống cống chảy vào nhà mùa mưa - tôi lắng tai nghe ngóng. Bên trong nhà không có ánh sáng. Tôi vặn nắm cửa. Cửa đã khóa chặt. Tôi gõ, lúc đầu nhỏ, về sau tôi đập thật mạnh. Nhưng vẫn không thấy động tịnh gì. Không, chắc chắn là Quỳnh không có nhà. Không một ai trong căn nhà tôi. Tôi mệt mỏi, hụt hơi. Tôi ngồi bệt xuống đất, tựa lưng vào cửa. Tôi nghe tiếng lách cách của những căn nhà bên cạnh. Bác Tốt phía trước. Nhà anh chị Bằng kế bên. Nhà ông bà Ngô, nằm chéo bên phải... Tôi nóng lòng muốn biết Quỳnh đi đâu. Nhưng tôi không vội. Có thể Quỳnh đi loanh quanh gần đây, chưa về kịp. Tôi ngước mắt nhìn lên bờ tường cao, nơi Quỳnh vẫn để những chậu hoa vui mắt. Buổi tối đứng bên cửa sổ nhìn trời, tôi vẫn thường được ngửi mùi hoa dạ lý thơm ngát. Nhưng bây giờ tôi có cảm tưởng những cây hoa đã chết khô trong chậu không người tưới.


Tôi cảm thấy lạnh. Tôi thèm được bước qua cánh cửa này. Tôi thấy chiếc giường kê sát cửa sổ ngó ra sân trước, mà sau đó khi Quỳnh về sống chung đã chuyển qua một bên nhường chỗ cho chiếc bàn ăn.

Tôi nhớ chiếc ghế sopha ở phòng khách bị rách lớp vải ở mặt sau, tủ sách đã dọn gần trống trơn một năm sau khi Saigon mất. Tôi thấy cái máng xối bằng thiếc bị bể nước trút ào ạt xuống mặt sàn gỗ căn gác sau, nơi chứa những thứ đồ vật không dùng đến... Không, chắc Quỳnh đi đâu đó, sắp về. Tôi phải kiên nhẫn chờ.


Tôi đã ngồi như vậy lâu đến chừng nào, tôi không nhớ. Tôi nghe tiếng muỗi kêu bên tai. Cái còn lại là sự lặng im. Cả một thành phố trên bốn triệu con người đột nhiên như bị cơn gió độc thổi qua làm câm họng. Tôi lại áp tai vào cánh cửa - cánh cửa tôi đã cho thay khi Quỳnh dọn về căn nhà này sống với tôi - nhưng tôi vẫn không nghe thấy gì. Không có chút sự sống ở bên trong. Vắng ngắt. Lạnh tanh.


“Con ơi!” Tôi nghe tiếng kêu từ bên trong tôi. “Quỳnh ơi!”


Khi bước chân lên chiếc xe đò chật ních những người buôn gánh bán bưng Kiên Giang-Saigon, trí tưởng tượng đã vẽ cho tôi thấy cảnh Quỳnh đang cho con bú, đứa bé khóc nhoi lên vì đòi mẹ bế. Điện trong hẻm bị mất, nhưng trong phòng Quỳnh một ngọn đèn dầu lửa bóng bầu dục vẫn sáng lấp lánh ấm áp. Tôi sẽ gõ cửa rất nhẹ và khi Quỳnh biết chắc tôi đang đứng trước thềm, cô sẽ mở toang cánh cửa ra, ôm chầm lấy tôi. Và tôi sẽ lặng im đón nhận những chiếc hôn tới tấp của Quỳnh, nghe thấm ướt trên môi chất mặn của những giọt nước mắt vui mừng đoàn tụ.


Tôi sẽ ôm trong tay mình tấm thân thể nồng nàn của người đàn bà đã nuôi sống tôi, đã làm cho tôi tin tưởng rằng cả thế gian này sở dĩ tồn tại được là nhờ có cô, có khuôn mặt rực rỡ với đôi mắt màu mã não, cặp chân mày hơi xếch, nụ cười răng khểnh... Chính là người đàn bà này đã mang đến cho tôi niềm lạc quan tin đời và yêu người. Tôi tưởng tượng Quỳnh sẽ nói với tôi về những ngày sống trong lo âu vì chạy ngược chạy xuôi lo cho sự tự do của tôi. Tôi sẽ bế con tôi lên và đứa bé sẽ thôi khóc mỉm miệng cười. Quỳnh sẽ nấu nước nóng bắt tôi tắm, sẽ lau khô những giọt nước bám trên thân thể tôi, sẽ để sẵn trên giường bộ quần áo đã ủi thẳng nếp. Và chúng tôi sẽ nói với nhau bao nhiêu là chuyện. Tôi sẽ quên đi những điều thắc mắc tại sao Quỳnh không thăm nuôi tôi, tạo sao cô có thể ngờ nghệch đến độ không biết chồng mình sống chết ra sao, tại sao, tại sao và tại sao... Với tôi, ra khỏi nhà tù đã là một điều hạnh phúc, ôm Quỳnh trong tay còn hạnh phúc hơn.


Nhưng mà..., tôi bỗng nhớ tới Mười Tân. Phải rồi, tránh được Sáu Phận, rốt cuộc tôi cũng gặp Mười Tân, lại gặp những “ông cách mạng ba mươi Tháng Tư,” lại gặp những cái nón cối u ám, những đôi dép râu hãi hùng, những khuôn mặt lạnh tanh. Đi trong một nhà tù nhỏ hay bơi lội trong một nhà tù lớn, đằng nào tôi cũng là tù nhân của một chế độ mà tôi không chọn. Nhưng mà tôi là thứ người có bao giờ chọn lựa cái gì đâu. Có lần Mười Tân nói thứ người như tôi giống như bóng ma chập chờn trong một nghĩa trang những đêm tháng Bảy. Cái bóng ma ấy chẳng làm hại được ai, nhưng chắc chắn xã hội không cần. Ông ta nói đúng. Tôi nghĩ như vậy, nhưng ông nói có phần quá đáng. Tôi cũng thấy sự có mặt của ông khác tôi, nhưng là khác một cách tai hại. Dưới những quyết định của ông, bao nhiêu người đã chết. Cái lý tưởng mà ông theo đuổi, đã được xây trên bao nhiêu xương máu của người khác. Có bao giờ ông nghĩ lại để thấy rằng cuộc chiến đấu của ông thật sự mang lại cái gì sau khi đã chôn vùi những con người có lý tưởng khác ông... Trời ơi, tạo sao tôi phải nghĩ tới Mười Tân nhiều như vậy. Tôi giật mình thấy một cơn lạnh chạy dọc theo sống lưng tôi. Tôi nghẹn thở.


“Quỳnh!” Tôi nghe tận trong tiềm thức tôi tiếng kêu thảng thốt của một người đàn ông tả tơi đang ngồi trước thềm nhà mình. Tôi muốn nằm xuống thềm xi măng lạnh lẽo và bụi bặm như một cọng rác. Tôi là một thứ rác rưới trong một xã hội bụi bặm. Tôi là một hạt bụi trong một xã hội rác rưới. Tôi rác rưới bụi bặm. Tôi bụi bặm rác rưới... Và tôi thấy mình ngã xuống, ngã xuống. Tôi mở mắt to ngó lên bầu trời cao, mỗi lúc một xa. Tôi quay mặt ngó cái đáy hun hút phía dưới mà mỗi lúc tôi mỗi lao nhanh xuống. Tôi gào to tên của Quỳnh. Tôi vùng vẫy la hét. Tôi thở hụt hơi. Tôi tìm cái gì để bám. Khuôn mặt Quỳnh hiện ra chỗ này, chỗ kia. Tôi chụp bắt, nhưng khuôn mặt ấy ẩn hiện như một bóng ma...


(Còn tiếp)

07 Tháng Năm 2011(Xem: 137759)
NUỐI TIẾC, TIẾC NUỐI - Nhạc và lời Đào Lê Văn, cảm tác từ truyện ngắn “NUỐI TIẾC” của Thiên Thu – Ca sĩ Tâm Thư .
06 Tháng Năm 2011(Xem: 143703)
Đứa con nào cũng vậy, luôn thờ ơ với Mẹ. Mẹ như một hiện hữu mà trời đã cho mình. Cứ nhận lãnh, hưởng thụ vô tội vạ. Cứ thấy mẹ chưa làm hết cho mình, chưa thương yêu mình đúng như mình muốn.
05 Tháng Năm 2011(Xem: 133026)
Trái tim của người Mẹ, từ một người mẹ non trẻ dại khờ, chưa đủ trí khôn, đến một người mẹ da mồi tóc bạc, đi gần hết cuộc đời lúc nào cũng chứa cả một đại dương tình thương cho các con của mình.
28 Tháng Tư 2011(Xem: 105400)
Tháng Tư, bạn có ngậm ngùi không? 35 năm về trước bạn đã thấy gì, bạn đã làm gì? Bây giờ bạn đang làm gì cho ngày 30 tháng Tư lịch sử.
25 Tháng Tư 2011(Xem: 169068)
"Khép một vầng trăng" hẹn kiếp sau Người về tan tác cuộc bể dâu Ngọc lan hương vẫn nồng trong gió Hiên vắng, tìm em biết chốn nào?
23 Tháng Tư 2011(Xem: 117280)
Đến tháng tư hàng năm, các cháu càng phải nhớ điều đó hơn bao giờ hết, các cháu nhé! Rồi sẽ có một ngày, chất xám Việt Nam thôi chảy ra ngoại quốc...
20 Tháng Tư 2011(Xem: 121776)
Quá khứ, kỷ niệm vẫn đeo đuổi tôi như hình với bóng. Quá khứ sẽ tan biến đi khi tôi không còn hiện diện trên cỏi đời nầy nữa. Buồn ơi! chào mi. Niềm vui ở lại.
10 Tháng Tư 2011(Xem: 137100)
Mụ ao ước nó cưới cho Mụ một cô gái cùng làng để Trâu ta ăn cỏ làng ta, trai làng lấy gái làng ta mới bền. Vậy mà thằng con đích tôn của dòng họ lại phải lòng một cô gái Biên Hòa.
10 Tháng Tư 2011(Xem: 113492)
Trong đêm trường tĩnh lặng, người phụ nữ đau khổ khóc nấc lên: “…Tại sao con tôi ra nông nổi này!? Tại… sao!?...”
01 Tháng Tư 2011(Xem: 133375)
Dẫu lưu lạc nơi xứ mình hay xứ người, tất cả các cựu HĐS Biên Hòa sẽ không quên một thời ...
10 Tháng Ba 2011(Xem: 91420)
Khi những cánh diều đã bay cao, chúng mình nằm trên mặt ruộng , ngửa mặt nhìn trời, tay gối đầu, chân gác chữ ngũ, mắt ngước nhìn những cánh diều bay lượn. Thong dong cuộc đời.