Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - ĐÊM MƯA NGHE HÁT BÀI THƠ CŨ

10 Tháng Chín 201412:56 CH(Xem: 18662)
Nguyễn-Xuân Hoàng - ĐÊM MƯA NGHE HÁT BÀI THƠ CŨ

ĐÊM MƯA NGHE HÁT BÀI THƠ CŨ

nguyen-xuan-hoang1

Nguyễn Xuân Hoàng thời Barbara
phác thảo sơn dầu trên giấy plast. 18 x 20 in
đinhcường 8 – 2013

Mưa là một người khách cẩn trọng báo tin trước bằng những đám mây đen và những ngày âm u oi bức rung động trong một thoáng gió như tiếng chuông leng keng của người thầy lễ dẫn đầu đám rước.

Mỗi ngày bầu trời như muốn thấp gần những mái nhà.

Rồi một buổi chiều nào đó trong một ngày nào đó, mưa đến, ung dung và khoan thai đến, gõ đều đặn những nhịp tay trên cánh cửa nhà ta.

Và như thế mùa nắng đã hết.

Tối hôm qua mưa ào ạt tới hai lần. Một lần vào lúc nửa đêm và một lần vào lúc gần sáng. Mưa bay qua cửa sổ tạt ướt chỗ nằm ta đánh thức cơn mê ngủ quá khứ, khơi dậy những hoài niệm tưởng đã chết. Mưa là cây kim nhọn đâm thủng cái nhọt bọc căng kỷ niệm, mưa là đốm lửa của đầu điếu thuốc làm xìu quả bóng trên tay đứa bé.

Mưa, chính là cơn gió lớn xô sập cánh cửa dĩ vãng.

Ta đốt một điếu thuốc. Nhớ nhà, Nhớ nhà châm điếu thuốc.


Hồ Dzếnh,

Phải rồi, đó chính là Hổ Dzếnh. Một Hồ Dzếnh thi sĩ được khói thuốc âm nhạc của Dương Thiệu Tước phà vào tâm hồn ta.

Kỳ lạ thay, mưa đêm làm nhớ nắng chiều. Chiều của người thi sĩ này không giống như chiều của bất kỳ một người nào khác.

Ta tưởng như đang nghe vọng lại đâu đó tiếng thơ của Huy Cận qua những tiếng khua động tí tách của giọt mưa trên mái tôn.

Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn
Nghe đi rời rạc trong hồn
những chân xa vắng dặm mòn lẽ loi
Rơi rơi dìu dịu rơi rơi
….

Nhưng không, đó chỉ là Hồ Dzếnh, một Hồ Dzếnh làm thơ cho Dương Thiệu Tước được yêu mến hơn và một Dương Thiệu Tước làm cho Hồ Dzếnh gần gũi chúng ta hơn.

Một người bạn nói với ta rằng thơ hay chỉ được đọc trong đầu và âm nhạc tuyệt diệu nhất chính là sự im lặng.

Nhưng tại sao gọi là Thi Ca?

Âm nhạc phải chăng là thứ ngôn ngữ phổ quát nhất còn thơ vốn là thứ ngôn ngữ đặc thù nhất.

Hình như ta chỉ có thể yêu được nhạc của Võ Đức Thu trong Tống Biệt của Tản Đà, yêu thêm một tình yêu nữa tiếng thầm thì Phạm Duy trong Ngậm Ngùi của Huy Cận, và nhìn khuôn mặt Phạm Đình Chương rõ hơn một chút trong Mộng Dưới Hoa của Đinh Hùng.

Và ngược lại, tại sao không phải là “hình như” một Đinh Hùng chỉ thức dậy với Phạm Đình Chương, một Huy Cận chỉ làm xao xuyến tâm hồn ta bởi Phạm Duy và một Tản Đà được nâng cao vóc dáng lên nữa bằng âm nhạc Võ Đức Thu?

Phải, tại sao không?

Chiều.

Đó là bài thơ của một người không giống một người nào và âm nhạc của họ Dương không phải là âm nhạc của ai.

Nhưng ta cảm thấy có lẽ họ Dương đã hiểu quá rõ Hồ Dzếnh, và âm nhạc của chàng đã thẩm thấu thơ của người.

Dương Thiệu Tước là người nói lớn hơn giọng nói của họ Hồ, là người phóng rọi to thêm nữa cái tâm hồn hồn nhiên của thi sĩ. Và hơn tất cả những điều đó, Dương Thiệu Tước làm thơ của Hồ thơ hơn, cũng như thơ của Hồ Dzếnh làm nhạc của Dương tràn đầy nhạc tính hơn.

Vả lại, dường như (?)âm nhạc tuyệt diệu đó trong dòng thơ phi thường kia được nghe lại trong đầu ta đêm nay không phải là cái gì khác ngoài tính cách kêu gọi, tham dự, can thiệp của vật xúc tác tốt nhất, giống như thìa nước trà tan những vụn bánh Madeleine của Marcel Proust hé mở tấm màn sương mù của ngày cũ.

Phải rồi, đó là những ngày ta lạc trong rừng, tuổi nhỏ và núi cao và chiến tranh. Bộ đội Nam Long, Hòn Lớn, Sông Ba, những ngày trốn giặc Pháp, những đêm lửa trại ca hát, những âm nhạc, thơ và kịch.

Phải rồi, đó chỉ là ta, chạy lúp xúp trong rừng sâu; trầm mình trong lá cây và tiếng chim.

Phải rồi, đó chỉ là điếu thuốc đầu tiên hút lập bập trong tiếng cọp gầm và tiếng súng.

Phải rồi, đó là tuổi nhỏ ta lạc trong chỗ không người. Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ anh em và nhớ nhà. Mây trên trời, hoa lá trên cây, lo sợ trong đầu.

Chiều.

Đó là ta. Chỉ là ta. Trong một buổi chiều buồn rầu tâm hồn lãng đãng, điếu thuốc đắng, hơi thở khô.

Kỳ lạ thay. Hồ Dzếnh và Dương Thiệu Tước chỉ là cái cơ hội để nhớ đến cái ta đầy tội nghiệp.

Nghe lại một lần nữa bài Chiều để ta còn nhìn lại ta.

Có kỳ cục không, người ta không nhớ đến sự vật, người ta không nhớ đến âm nhạc, người ta không nhớ đến thi ca, người ta chỉ nhớ đến chính mình mà thôi.

Ai đã nói thế?

Chẳng cần nữa.

Chỉ là cái ta trong suốt qua sự im lặng của âm nhạc, hơi thở của bài thơ và tiếng mưa rơi thánh thót trong đầu.

Nguyễn-Xuân Hoàng

(Trích trong ” Ý Nghĩ Trên Cỏ”. Nguyễn Đình Vượng xuất bản, 1971)

Nguồn: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4nnnmn0n31n343tq83a3q3m3237nvn

19 Tháng Chín 2014(Xem: 22999)
Cầu nguyện ơn trên trong giấc ngủ an lành, dẫn đưa hương linh của Thầy sớm về cõi Phật.
18 Tháng Chín 2014(Xem: 26217)
Hóa ra, anh và Nguyễn Xuân Hoàng dù rất khác nhau về nhiều điểm nhưng quả đã chung một điều - Cả hai chưa hề nói với nhau về văn chương, chữ nghĩa,
16 Tháng Chín 2014(Xem: 24772)
Sáng nay một lần nữa tôi lại cảm nghiệm được lẽ vô thường của đời sống khi vào thăm Thầy Nguyễn Xuân Hoàng, Thầy dạy Triết của các đàn anh đàn chị Ngô Quyền , Thầy dạy văn chương của tôi.
15 Tháng Chín 2014(Xem: 16843)
Tác giả của “Người Đi Trên Mây” và của “Bụi Và Rác” đã trở về với cát bụi trong sự thương yêu, luyến tiếc của các thân nhân, bạn hữu, bạn văn và các cựu học sinh từng một thời ngồi trong lớp học của “thầy Hoàng.”
13 Tháng Chín 2014(Xem: 30835)
Bốn mươi bốn năm đời sống hôn nhân, bao nhiêu lần em nuốt nước mắt vào lòng câm nín. Niềm riêng canh cánh bên lòng em không thể nói với ai.
13 Tháng Chín 2014(Xem: 24924)
Đường đời dù muôn ngàn lối rẽ – từng xô dạt “ ngũ long” trôi tận cuối đất cùng trời – thì vẫn còn có ngày, nhóm “ngũ long” chúng mình cùng lúc tìm về thăm bến sông xưa…
12 Tháng Chín 2014(Xem: 29365)
Không cần xem lịch hoặc đọc báo, cũng không cần bước ra ngoài sân hoặc lên “nét,” tôi vẫn biết mùa thu đang đến qua ánh mắt buồn hiu hắt của vợ.
11 Tháng Chín 2014(Xem: 38200)
Viết cho Nguyễn Xuân Hoàng - người bạn đã một thời cùng chung dưới mái trường của Platon, hiện đang ở bên bờ tử sinh.
10 Tháng Chín 2014(Xem: 16722)
Hai tay đặt lên trên mặt bàn, chị Thúc nhìn chăm vào tờ giấy. Tôi có cảm tưởng như chị không còn nghe thấy gì ngoài những dòng chữ trên tờ giấy đã viết sẵn kia đang ám ảnh đầu óc chị.
04 Tháng Chín 2014(Xem: 14478)
Hắn bỗng đổi cách ngồi, thả một chân xuống ghế, mặt chồm về phía tôi. Hơi thở hắn nồng nặc mùi thuốc lá nặng.
02 Tháng Chín 2014(Xem: 22536)
Để trân trọng những kết quả sau cùng hiện tại là một mái ấm gia đình bền vững, viên mãn. Anh chị Phương & Loan đã làm được điều đó để cuộc sống vợ chồng luôn tươi mát và nhiều màu sắc.
29 Tháng Tám 2014(Xem: 16892)
Nhưng mà tôi vui, vì tôi biết rằng từ nay tôi sẽ không còn phải đứng trên bục gỗ nói những điều hoàn toàn trái nghịch với những gì tôi đã từng nói trước đây cũng trên cái bục gỗ ấy.
28 Tháng Tám 2014(Xem: 20766)
Cho nên cái áo lính do vải, do hồ, do nhiều thứ của một thời chinh chiến cộng lại. Quyện với mồ hôi chồng tui cho tui có những hồi ức đẹp khó quên trong đời.
27 Tháng Tám 2014(Xem: 13512)
“Chị nên nhớ, cả gia đình chị là một ổ phản động. Chồng chị và hai con trai chị đều là sĩ quan ngụy, có nợ máu với nhân dân. Rể chị, chồng của cô Thùy đây là một viên chức ngụy quyền.
23 Tháng Tám 2014(Xem: 30248)
Năm nay, lần thứ ba tôi về họp mặt với những người yêu tiếng Việt, những người muốn tiếng Việt ngày càng phát triển theo chiều hướng đi lên ngay cả trên quê người.
22 Tháng Tám 2014(Xem: 33154)
hai em đã tô điểm cuộc sống bằng chữ tâm với lời nhắn nhủ, con người sống trên đời cần có một tấm lòng….
22 Tháng Tám 2014(Xem: 27755)
Cái góc bếp ấy thật là dễ thương. Nói không phải nhiều chuyện. Đó là nơi phát nguồn vui buồn và sự hưng thịnh của một ngôi chùa.
21 Tháng Tám 2014(Xem: 16478)
Tôi trở về Nhà Từ Đường sau 15 năm đi xa. Thật ra con số 15 năm là không đúng. Nó chỉ đúng tính theo ngày tôi bỏ nước ra đi, chứ không đúng tính từ ngày tôi trở lại Nhà.
21 Tháng Tám 2014(Xem: 15091)
Tôi đưa tay chùi nước mắt. Không có trận mưa nào đang xối xuống đám tang của anh tôi. Chỉ là một chút nước trong ly làm sóng sánh đại dương. Chỉ là một hạt bụi hóa thân làm thành một kiếp nhân sinh tàn lụi.