Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Song Thao - KHI ĐẾN SAN JOSE

27 Tháng Bảy 20141:31 CH(Xem: 17018)
Song Thao - KHI ĐẾN SAN JOSE


Khi đến San Jose

Trong chuyến tới Cali vào dịp Tết Canh Dần vừa qua, tôi có ghé San Jose. Hai ngày ở thung lũng điện tử nay đã hết…điện này tôi chỉ cốt gặp ông bạn Nguyễn Xuân Hoàng. Trong một buổi ăn tối, một chầu cà phê Starbuck vào sáng hôm sau, chúng tôi nhắc tới những ngày xưa cũ. Sài Gòn những ngày còn thanh xuân. Tòa báo Văn Học trên đường Lê Văn Duyệt, góc Nguyễn Du, nơi chúng tôi quen nhau. Mới đó mà tóc đã thành cước! Chuyện gì đã xẩy ra cho Ngủ Tử Tư? Báo chí? Đời sống? Tai nạn? Một ẩn khuất của đời chàng? Giờ thì chỉ lửng thửng giúp một tay cho người bạn đời Trương gia Vy làm tờ tuần báo Việt Tribune.

Một buổi sáng, tới thăm tòa báo. Rộng. Sách ngập kệ, báo đầy phòng. Vơ vội vài tờ Việt Tribune mang lên máy bay coi. Mở tờ báo…chùa thấy cách trình bày mang đậm dấu ấn Nguyễn Xuân Hoàng. Gặp được bài của một cô bạn văn trẻ. Thu Thuyền. Tháng Giêng Cuối Cùng Bên Bố. Bố của Thu Thuyền là nhà thơ Hoàng Anh Tuấn, một nhà thơ tài hoa, rất tình.

Em vẫn bé, anh vẫn còn ngây ngất
Màu áo hường còn gợn sóng âm thanh
Mắt thuyền qua nên nón vẫn nghiêng vành
Chân cuống quít nên guốc ròn gõ cửa
Anh mở vội cả nghìn lần hớn hở
Cho hồn nhiên, mắc cở với hoài nghi
Em cúi đầu và lặng lẽ bước đi
Từ hôm ấy cửa nhà anh bỏ ngỏ

Nhà thơ của tình yêu ấy, trong Tháng Giêng Cuối Cùng Bên Bố, đã thành một ông già trong một viện dưỡng lão. Tuổi ông lúc tháng giêng đó vừa 74, chỉ nhỉnh hơn tuổi Nguyễn Xuân Hoàng và tôi bây giờ chút ít. Hàng xóm của ông là những…quái nhân. “Có ông bị bán thân bất toại, cực kỳ gàn dở khó tính. Lúc nào cũng gắt hơn mắm. Vợ con đến thăm phát điên đầu về những lời than vãn, nhiếc móc. Còn các cô nhân viên thì khổ “như chó” với ông này: “Các con có biết, ông già đó ác đến độ vừa tắm rửa xong, y tá bê lên giường nằm chưa được một giây đã nghiêng người bĩnh cho một bãi be bét rồi quay ra nằm ngửa. Bẩn từ lưng xuống đùi!”….Vừa lúc ấy ông bạn cùng phòng của bố được đẩy vào. Tôi hỏi khẽ, có phải bác này là vua bĩnh không bố? Bố tôi cười ha hả. Không đâu con, ông ấy đi đứt rồi! Tôi ôm miệng để khỏi la hoảng. Thôi bố ơi, chết rồi thì để người ta yên. Bố tôi không nói về bác Bĩnh nữa thì quay qua nói về bác Nghịch. Bác Nghịch thích bấm chuông kêu y tá, đến lúc họ vào, bác tỏ vẻ ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Bố kể: “Có hôm bác rên rỉ nhờ bố bấm chuông dùm. Bố bấm xong, y tá vào. Bố chỉ qua bác ấy, bác lại chỉ qua bố kêu: Ông bấm sao lại chỉ tôi!”.

Nhà thơ nhìn quanh cũng có khác. Không thấy thơ thì cũng bắt được tiếng cười. Cuộc sống phải chăng là thứ vặt vãnh. Dại chi mà nghiêm chỉnh với nó. Cuộc sống gần tàn trong chốn cận kề cửa tử lại càng nhạt nhẽo. Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn gửi những ngày tháng cuối nơi viện dưỡng lão Mission de la Casa. Chẳng còn chi vui thú ngoài những lần thăm viếng của người thân. Đó là những vui thú chắt chiu được từ đời sống bên ngoài. Họ luôn luôn ngóng ra cửa. “Tôi đã dặn cả nhà đừng nói cho bố hay về chuyến đi của tôi, thế mà khi vào đại sảnh của Mission de la Casa, đã thấy bố ngồi chờ trên chiếc xe lăn. Mắt bố hướng về cửa chính, trên người khoác chiếc áo len xanh dương sọc trắng của tôi gửi biếu tháng trước. Tôi reo toáng lên: “Bố!”. Đôi mắt bố lấp lánh. Cả khuôn mặt bố rạng rỡ. Sau này tôi vẫn nói với chồng, nhìn bố lúc ấy, thật không bõ công bay xa!”

Nơi tôi ở thường diễn ra những cuộc bầu cử. Hết bầu liên bang, tỉnh bang, đến bầu nghị viên thành phố, đại diện các học khu. Phòng phiếu nhiều khi nằm trong khuôn viên các viện dưỡng lão. Mỗi lần vào viện dưỡng lão đi bỏ phiếu, tôi thường được đón tiếp bằng một hàng rào danh dự gồm những chiếc gậy, những chiếc nạng và những bánh xe lăn. Không có gì sáng bằng cặp mắt của những con người luộm thuộm, lếch thếch, chủ nhân của những thứ không muốn mà cứ quấn lấy họ đó. Mỗi lần có bỏ phiếu là một ngày hội của họ. Ngày có những người ở thế giới khác tấp nập đến với họ. Họ không trông mong gì hơn là một nụ cười, một câu chào của những người sống gần họ mà như tới từ một hành tinh khác. Nhìn họ đố ai không trùng lòng xuống. Họ cô đơn quá.

Thu Thuyền đến thăm bố Tuấn vào một ngày tết. Tết là ngày hội ngộ, ngày đoàn tụ. Dù ở góc trời xa xăm nào người ta cũng lần mò về lại gia đình trong ngày đầu năm mới. Hình như sự cô đơn trong ngày tết làm nhà thơ của chúng ta…người hơn. Hình như nó quá sức chịu đựng của ông. Bởi vậy nên khi gặp con gái, ông cũng “người” như mọi người khác. “Những giây phút mới gặp, bố tôi dường như còn bị choáng, cứ trả lời từng nhát một. Tôi thì muôn đời bắng nhắng. Hỏi chưa nghe ra câu trả lời đã bắc sang câu kế, chưa kịp biết bố có đồng ý đã nhảy ngay ra Lee’s Sandwich đem về lủ khủ cà phê sữa đá, chuối chiên, paté, bánh giò… Một ít xếp vào tủ lạnh. Còn lại bày đầy ra bàn. Hai bố con nhìn “mâm cỗ tết”, không biết phải bắt đầu bằng món gì trước. Chợt có bà cụ lăn xe ngang phòng 128 của bố, thấy nhộn nhịp, dừng mắt lại vài giây: “Con ông Tuấn về chúc tết đấy à?”. Bố tôi vênh vang gật đầu như thầm nói, “Tôi bảnh chưa? Con ở mãi tận Texas lặn lội về đây thăm đấy!”. Bà cụ chặc lưỡi:“Con gái tôi hôm nay bận không thăm được nhưng hôm qua có tới đưa gói mứt, để tôi về phòng đem qua đây ăn cho vui”. Nhưng bố tôi cản nhanh: “Thôi bà ạ. Cháu nó sắp đưa tôi ra ngoài rồi!”. Nhìn khuôn mặt phúc hậu của bà cụ trùng xuống, tôi thấy thắt cả ruột!”

Hơn nhau chỉ là sự quan tâm của những người bên ngoài, từ một thế giới khác. Tội nghiệp cho nhà thơ lúc chịu đựng tuổi già. Có lẽ sự lẻ loi là hình phạt phũ phàng nhất mà con tạo dành cho những người có cuộc sống dài dằng dặc. Họ cô quạnh trong cái kén của riêng họ để vờ vật nghĩ đến những ngày dập dìu nhộn nhịp xưa cũ. Cũng nằm trong viện dưỡng lão nơi được mệnh danh là Thung Lũng Hoa Vàng này là Phạm Huấn. Phạm Huấn của những ngày quân phục sĩ quan cấp tá Việt Nam Cộng Hòa đứng giữa lòng Hà Nội đặc sệt mùi cộng đỏ từ tháng 2 năm 1973 trong công tác chứng kiến cuộc trao đổi tù binh ở Gia Lâm để viết nên cuốn “Một Ngày Ở Hà Nội”. Hà Nội lúc đó còn xa tít mù khơi. Đó là quê hương mịt mù trong thế giới đỏ mất hút trong mắt của những người Hà Nội ly xứ. Phạm Huấn của những Triệt Thoái Cao Nguyên, Những Trận Đánh Lớn Trước Khi Mất Miền Nam, Điện Biên Phủ 54 - Ban Mê Thuột 75 Trận Hạ Lào. Khi về già, bệnh tật người bạn thân của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn cũng chôn vùi dĩ vãng trong một viện dưỡng lão ở San Jose này. Không phải viện Mission de la Casa có nhà thơ họ Hoàng mà là viện dưỡng lão do bác sĩ Nguyễn Văn Ngải thành lập. Cô Ngọc Thủy kể lại một lần cùng nhà văn Phan Nhật Nam tới thăm người phóng viên chiến trường sôi nổi năm xưa: “Anh Phan Nhật Nam đứng sững lại, chăm chăm ngó người đàn ông ấy mà vẫn không nhận ra nên có vẻ tần ngần, cả hai đứng lưỡng lự một lúc khá lâu, bối rối không biết đánh thức người kia dậy thế nào. Một hai phút yên lặng trôi qua, tôi vụt gọi: "Anh Phạm Huấn ơi!" Một tiếng gọi ngắn nhưng người đàn ông choàng tỉnh ngay, mở mắt ra nhìn ngó hai người khách lạ đứng trước mặt, gương mặt tươi tỉnh với nụ cười như đã nở sẵn trên môi tự lúc nào, anh Phan Nhật Nam tiến nhanh đến sát giường vừa nắm tay vừa khẽ gọi: Anh Tư, anh nhớ em không? Người đàn ông vẫn ngó chăm chăm một lúc rồi từ từ nói, tiếng phát âm nghe có vẻ lọng ngọng khó khăn với từng chữ như người ngọng nghịu cà lăm: "Phan Nhật Nam đấy à...". Anh Phan Nhật Nam xúc động cầm tay anh Phạm Huấn áp lên mặt: "Vâng, em đây, anh Tư"! Giây phút cảm động giữa hai người bạn từng thân thiết, gắn bó chung một con đường phục vụ trong ngành báo chí quân đội, là phóng viên chiến trường cùng có mặt trên các mặt trận sôi bỏng, lẫy lừng năm xưa, nhất là thời điểm mùa hè đỏ lửa 1972 và 1973 trong chuyến đi Hà Nội theo phái đoàn trao trả tù binh hai bên của Ủy Ban Liên Hiệp Quân Sự Bốn Bên.v.v... đã làm tôi nghẹn ngào lây với những hạt nước mắt không kềm giữ được khi nghe họ cùng mừng vui thăm hỏi, nhắc nhở với nhau về một vài kỷ niệm khó quên trong những tháng năm đậm sâu ấy.”

Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn và nhà báo Phạm Huấn đều đã kẻ trước người sau bước vào vùng thiên cổ ngay tại San Jose này. Nhà báo họ Phạm đi trước vào tháng 10 năm 2005 và nhà thơ họ Hoàng theo sau vào mùa thu 2006.

Tới San Jose thăm bạn, vớ được tờ báo của bạn, đọc được bài viết của người bạn văn nhỏ tuổi viết về bố, tôi bỗng sa đà vào chuyện u uẩn cuối đời của những người viết tại vùng đất này. Bên ly cà phê sáng hôm đó chúng tôi chẳng có chuyện gì vui. Gặp nhau là cái vui duy nhất. Cái vui của những người kè kè tuổi trời bên cạnh, mỗi lần gặp nhau là một lần khó. Hoàng cũng là một thứ chủ mỏ than. Như các ông bạn Luân Hoán và Đinh Cường của tôi. Ba ông trấn ba mỏ than ở ba vùng…chiến thuật. Than chi cho ốt dột. Chúng tôi vẫn chưa phải…dưỡng. Vẫn còn cầm được cây viết cây cọ. Thế là đủ. Đòi chi hơn nữa.

Bởi vậy tôi mới cố tình dùng chữ “chàng” để nói về ông nhà văn họ Nguyễn đang trấn vùng Thung Lũng Hoa Vàng. Để giỡn nhau một chút! Nguyễn Xuân Hoàng vốn dị ứng với hai chữ “chàng” và “nàng” trong các bài viết. Theo tôi đếm được thì đã hai lần chàng ra tuyên ngôn khai tử “chàng và nàng”. Chụp được cái mũ “chàng” trên đầu người bạn từ những năm xưa tôi muốn nhắc Hoàng là “chàng” vẫn còn ngon. Không có ai gọi những bóng hình trong các viện dưỡng lão là chàng và nàng cả. Chàng và nàng tự chúng đã có nét xuân thì. Tôi thích nhìn thấy Hoàng trước mắt như anh chàng hào hoa, cao ráo, điển trai năm xưa mỗi chiều thứ Bảy tụ tập đấu láo nơi tòa soạn báo Văn Học của vợ chồng Phan Kim Thịnh. Quên đi nhúm tóc bạc như cước trên đầu. Coi chúng như ngoại vật. Cái ở trong cái hộp khuất sau nhúm tóc đó mới đáng kể. Ngồi trong tòa soạn báo Việt Tribune, chúng tôi vẫn hồn nhiên “mày tao”. Như những ngày Văn Học năm xưa. Có chi thay đổi đâu! Tôi muốn mượn câu thơ của Phạm Nhuận để tặng Nguyễn Xuân Hoàng. Có hề chi vàng một chút rong rêu!

SONG THAO

03/2010

Nguồn: Trang web Song Thao

22 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1894)
chị đã thấy đã nghe có những người Mỹ làm ra tiền mà vẫn quanh năm túng thiếu, mua cái gì cũng phải trả góp, từ cái ti vi, tủ lạnh, tấm nệm giường,
19 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1681)
Trước năm 1975, ở miền Nam bộ môn cải lương rất được mọi người ưa thích. Những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng rất được quần chúng hâm mộ và các bầu gánh săn đón.
17 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5381)
Chuyến đi xa nhất đời người, phải chăng là chuyến cuối cùng?… Riêng đối với anh chị em cựu hđs.BH chúng tôi, dẫu có đi thật xa rồi cũng sẽ trở về.
13 Tháng Mười Một 2023(Xem: 5650)
Trong suy nghĩ riêng tôi, chết không đồng nghĩa với sự mất mát, mà chỉ tạm thời vắng xa hình bóng người thân. Buồn là tất nhiên rồi, nhưng tôi nghĩ cần chuẩn bị trước
12 Tháng Mười Một 2023(Xem: 1911)
Tình cảm của các anh chị cựu học sinh hướng về Thầy Cô hiện tiền cũng như đã quá vãng trên tinh thần “Giáo dục là thâm ân” thật đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 4945)
Đặc biệt lần này thầy được đón tiếp trọng thể do 2 nhóm cựu học sinh NQ Bắc và Nam Cali kết hợp tổ chức tại nhà hàng Chez Christina - Milpitas vào đêm Thứ Bẩy 21 tháng 10 năm 2023.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 3686)
Hơi sớm một chút cho mùa lễ Tạ ơn ở Mỹ, nhưng chưa bao giờ thừa, có được niềm tự hào đi theo suốt cả cuộc đời là nhờ công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2285)
Cuối tháng 8 và vào đầu tháng 9 năm nay tôi có đi cruise kéo dài hai tuần của hảng MSC (Mediterranean Shipping Company) để thăm các đảo thuộc vùng Caribbean.
04 Tháng Mười Một 2023(Xem: 2230)
Lật bật mà thời gian tôi đã sống ở Canada “ xứ lạnh tình nồng” gần bằng thời gian tôi sỉnh ra, trưởng thành, học hành, dạy học, đi lính và đi tù “cải tạo” ở Việt Nam.
23 Tháng Mười 2023(Xem: 2609)
Mọi người đều không tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế. Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh. Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵnsàng ra đi
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2654)
tôi đã không có cơ hội nào thực hiện cái lời hứa ấy. Sau này, gặp lại được hai dì cùng lứa tuổi dì Xinh tỵ nạn sang đây. Họ đã không biết gì về số phận dì Xinh nữa.
21 Tháng Mười 2023(Xem: 2547)
“…Em yêu phút giây này Thầy em, tóc như bạc thêm Bạc thêm vì bụi phấn đã cho em bài học hay Mai sau lớn nên người .Làm sao, có thể nào quên?
06 Tháng Mười 2023(Xem: 2568)
Những tiến bộ điện tử giúp ích con người nhiều mặt nhưng cũng có mặt chúng làm thui chột trí óc và thể chất của chúng ta tỉ như làm chúng ta lười suy nghĩ
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2803)
Có những nhà văn mà phong cách trí thức cũng như tình người để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc đến khó quên.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 3049)
Kể từ đó tôi đã có hướng nhìn rõ hơn về tương lai của mình là khi lớn lên tôi phải trở thành một nhà giáo, đó là một mơ ước mà tôi phải cố gắng biến nó thành hiện thực.
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2916)
sau gần nửa thế kỷ tồn tại qua những thăng trầm biến động của thời cuộc, rạp KH vẫn còn hiện hữu mãi trong ký ức của người dân BH xưa về một thời huy hoàng tráng lệ ...
23 Tháng Chín 2023(Xem: 2737)
giáo chức sĩ quan biệt phái tức là những thầy giáo do lệnh tổng động viên đã phải nhập ngũ một thời gian trưỡc khi được “biệt phái” về dạy học lại cũng phải đi “học tập cải tạo”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2843)
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”.
12 Tháng Chín 2023(Xem: 2751)
Xin ghi nhận như một lời chia sẻ về một nhà văn lớn đã khuất. Tôi nghĩ viết một nhà văn lớn không bao giờ là thừa, dù thời đã qua.
10 Tháng Chín 2023(Xem: 2851)
Mất một chiếc vớ kể như mất cả đôi, chẳng thể mang một chiếc nhảy lò cò mọi nơi. Còn một thúng vớ lẻ bạn đang nằm thương nhớ kẻ bạc tình thì sao?