Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Kiều Liên - MẸ YÊU DẤU NHẤT ĐỜI CON

07 Tháng Năm 201312:00 SA(Xem: 61589)
Kiều Liên - MẸ YÊU DẤU NHẤT ĐỜI CON


Mẹ yêu dấu nhất đời con!

 

me-large-content

"Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra."

 

 Mẹ ơi, hôm nay là một ngày vô cùng đau đớn của chúng con. Nước mắt không thể lấp đầy nỗi đau trong lòng con. Con không biết nói thế nào để diễn tả được nỗi buồn đau của mấy anh chị em chúng con khi nhìn thấy mẹ đã nằm im, không còn nói cười với chúng con và sẽ mãi mãi không ở chung với chúng con nữa! Thật đau lòng quá mẹ ơi!

 Mẹ ơi, tình thương bao la như trời biển của mẹ, con không thể nào kể hết ra đây được. Chúng con, mỗi đứa con của mẹ đều có rất nhiều câu chuyện để nhớ thương về mẹ, để hồi tưởng laị tình yêu vô bờ bến của mẹ dành cho chúng con. Nhưng trong lòng con, con vẫn nghĩ mình là đứa con được mẹ thương yêu nhiều nhất và con đã có rất nhiều kỷ niệm với mẹ. Những gì mẹ đã làm cho con từ lúc bé thơ đến giờ, những yêu thương mẹ đã dành cho con trong bao nhiêu năm tháng đã khắc sâu trong tâm trí của con.

 Thuở ấu thơ, con là một con bé mỏng manh, yếu ớt, mẹ đã khổ cực vì con biết bao nhiêu. Mẹ đã hao tổn biết bao nhiêu sức lực, tâm trí để lo lắng, chăm sóc con vì cái bịnh suyễn quanh năm của con. Con đã bị bịnh suyển từ nhỏ, đến lúc 2, 3 tuổi bịnh của con càng nặng thêm. Con bị khó thở, mẹ không thể đặt con xuống giường được. Suốt đêm con khò khè, hơi thở đứt quãng như muốn ngừng lại nên cứ khóc mãi không ngủ được. Bao nhiêu đêm con bịnh, con khóc, con không ngủ là bấy nhiêu đêm mẹ thức trắng, để vác con trên vai đi qua đi lại trong nhà cho con được thở. Biết bao nhiêu đêm như thế làm cho thân thể mẹ hao gầy bơ phờ vì con, nhất là lúc mẹ đang mang thai em của con gần đến ngày sanh nở. Một cái thai đang mang trong người đã quá mệt nhọc, lại thêm một con bé 2, 3 tuổi vác trên vai dỗ dành suốt đêm. Mẹ đã khổ cực vì chúng con biết bao! Lúc con mang thai đứa con đầu tiên, con càng thấu hiểu công lao trời biển và tình thương bao la của mẹ:
 "Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
 Năm canh dài mẹ thức đủ vừa năm "

 Con là đứa con ốm yếu nhất trong nhà. Có lẽ vì vậy mà mẹ thương con nhiều nhất phải không mẹ? Trán con bị ghẻ lở quanh năm, mẹ dùng tất cả những thứ thuốc gia truyền nào mà mẹ nghe được, biết được để chữa cho con lành bịnh. Mẹ bắt các anh chị bằng mọi cách phải đi kiếm thuốc cho con để trị bịnh suyển. Mật gấu đâu phải là thứ dễ tìm, nhưng mẹ đã lặn lội tìm kiếm cho bằng được để cho con uống với hy vọng con được khỏe mạnh. Mẹ còn khoét gốc cây chuối bỏ đường phèn đem nấu lên, canh bếp lửa trong nhiều giờ để lấy nước cốt cho con uống, mẹ hao tổn bao nhiêu thời gian, sức lực vì con. Còn nhớ lúc con khoảng 5 hay 6 tuổi, ngày ngày cứ 5 giờ sáng mẹ phải bế con đi bác sĩ để chích cho con khỏi bịnh suyển. Có khi mẹ đem con đi đủ các thầy bùa, thầy pháp, chỗ nào xa xôi, khó khăn, khổ cực đến mấy mẹ cũng đi với mục đích tìm thầy, tìm thuốc để chữa bịnh cho con. Mẹ bế con đi bộ qua đoạn đường dài thăm thẳm. Bế con trên tay nặng trĩu lại còn vừa sợ ma vừa sợ chó cắn, nhưng vì thương con mà mẹ vẫn cứ đi. Vì thương con mà mẹ quên cả thân mình. Chó chạy theo sủa, con cứ rối rít kêu mẹ: “Mẹ ơi, con sợ chó cắn". Chân con cuống quýt quơ lên phía trên để không bị chó cắn, chớ có biết đâu là mẹ có thể bị chó cắn. Vậy mà mẹ có nghĩ gì đến thân mẹ đâu!

 Những lúc con bịnh mẹ đã cực khổ với con như vậy. Mẹ chỉ mong sao nhìn thấy con vui là mẹ yên lòng. Mẹ ơi, Con nhớ hoài có những buổi trưa hè nắng gắt con đi học mà lại thích đi bộ với chúng bạn cho vui. Không muốn con đi dưới trời nắng gắt, thấy con thở khò khè vì bịnh suyển mà lòng mẹ xót xa. Mẹ bước theo sau nhìn theo bóng con, cho đến khi con đã đi khuất thật xa mới quay về. Ơi, mẹ yêu dấu của con, con thương mẹ biết bao nhiêu!

 

 Những ngày cuối cùng ở Việt Nam, con vẫn còn nhớ mãi, gia đình mình phải đau đớn rời bỏ mái nhà êm ấm ở Biên Hòa để đi Saigòn ở tạm, trong lúc chuẩn bị rời Việt Nam đi tị nạn ở Hoa Kỳ. Trong cảnh nước mất nhà tan, một người phụ nữ từ trước tới giờ chỉ biết lo việc gia đình như mẹ, bỗng trở thành trụ cột chống vững cho cả gia đình. Trong những ngày lâm nguy của tháng 4/1975, mẹ rất lo sợ cho sự nguy hiểm của Ba. Mẹ nói Ba mà bị kẹt ở lại thì không thể nào sống được, nên mẹ đã tìm đủ mọi người, mọi cách để gửi gắm cho Ba đi trước. Mẹ nói sợ nguy hiểm cho Ba nên Ba phải đi trước còn mẹ ở lại cũng không sao, mẹ sẽ cố gắng thu xếp cho cả gia đình mình. Cả đời mẹ đã hy sinh cho Ba và các con mà không hề nghĩ đến thân mình.
Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng biến loạn từng ngày, mẹ đã lo chu toàn cho anh chị em chúng con rời Việt Nam để đi định cư ở Hoa Kỳ. Mẹ ơi, con không thể diễn tả được lòng thương yêu của mẹ, đối với chúng con to lớn đến chừng nào! Mẹ đã tiện tặn, dành dụm tiền để dành cho những ngày này. Cũng nhờ mẹ vất vả, hy sinh cả đời không tiêu xài phung phí, để bây giờ có số tiền dành dụm đó mà lo cho cả gia đình, trong những ngày tháng cuối cùng sống ở Việt Nam và chi phí cho cả gia đình sang được vùng đất tự do nầy. Con nhớ lời khấn nguyện của mẹ, xin ơn trên phù hộ cho gia đình mình ra đi được đầy đủ là mẹ vui rồi, mẹ không cần gì khác. Đúng như lời khấn của mẹ, các anh của con đã có gia đình riêng cũng tụ họp về rồi gia đình mình đã ra đi đầy đủ. Không còn của cải gì nữa, chỉ còn có Ba Mẹ, anh chị em chúng con cùng các cháu, gia đình mình phải làm lại từ đầu. Mẹ vẫn luôn là trụ cột của gia đình, mẹ đã mang đến cho các con hạnh phúc tràn đầy, cho các con một tình thương vô bờ bến và để lại cho các con một tấm gương soi sáng đoạn đường còn lại của cuộc đời. Mẹ yêu, đối với chúng con, mẹ là tất cả!


Những ngày gia đình mình ở đảo Guam, hôm đó con bị bịnh mà cứ nói ước gì có một ly fruit cocktail để ăn. Mẹ nghe con nói như vậy rồi âm thầm một mình đi đến nhà ăn, xa mút tận mấy khu lều để lấy cho được ly cocktail đem về cho con ăn. Nhưng than ôi, trời đã tối mà con nhìn hoài cũng không thấy mẹ ở đâu hết. Trông ngóng một hồi lâu con mới nhìn thấy mẹ từ xa đi đến, trên trán mẹ là một lớp băng trắng... Me đã khóc òa lên khi mẹ kể lại … vì không nhìn thấy, mẹ vấp phải cái cọc của căn lều nơi nhà ăn, mẹ té ngã máu tuôn chảy ra trên trán, người ta phải đưa mẹ đến Hội Hồng Thập Tự để băng vết thương rồi mới để cho mẹ về. Mẹ ơi, nói đến đây nước mắt con lại tuôn tràn ra không cầm lại được. Tình thương của mẹ dành cho con thật vô bờ bến.
Ngày con lên xe hoa mẹ khóc âm thầm trong lòng, vì con không còn được ở gần bên mẹ nữa. Mẹ ơi, con thương mẹ quá, mẹ mỗi ngày một già đi, sức khỏe của mẹ mỗi ngày một yếu đi, lưng mẹ mỗi ngày một còng hơn. Con rất lo buồn mà không biết làm sao kéo lại thời gian. Những lúc sau này con gặp nhiều chuyện buồn phiền riêng của con, nên cũng không lo cho mẹ được như ý muốn, nghĩ lại con cảm thấy hối tiếc vô cùng.


Ngày hôm nay, đêm Thứ Ba 28 tháng 10 năm 2008. Lúc 10 giờ tối trước khi đi ngủ, con bước sang phòng mẹ để đắp chăn cho mẹ, thì hỡi ôi con thấy hai cánh tay của mẹ buông thõng ra khỏi giường, mặt mẹ tái xanh. Con đến gần sờ mặt mẹ thì đã lạnh rồi, sờ đến bụng thì hãy còn ấm... con không muốn tin vào những gì con đang nhìn thấy, mẹ đã ngủ yên mãi mãi không bao giờ thức dậy nữa ư? Mẹ đã ra đi đột ngột quá. Chúng con cứ sợ là khi mẹ già rồi không đi lại được nữa, phải nằm một chỗ bị lở lưng rồi đau đớn, chứ có ngờ đâu rằng mẹ đã lặng lẽ mà ra đi như thế!
Lúc nào mẹ cũng nói mẹ muốn ở gần các con, bằng mọi giá mẹ muốn được đi theo các con. Ước nguyện của mẹ đã thành, anh chị em chúng con lúc nào cũng xúm xít quanh mẹ. Mẹ đã được ở gần chúng con, mẹ nằm xuống chúng con vây quanh bên mẹ. Nhưng bây giờ mẹ không còn ở với chúng con nữa, nước mắt con cứ tuôn trào, nỗi buồn mỗi lúc một nhiều hơn. Con như người mất thần, mất mẹ cũng như con đã mất hết tất cả. Mẹ ơi, chưa bao giờ con thấy buồn nhiều như lúc này.
Mẹ đã ra đi nhưng đức hy sinh của mẹ sẽ ở lại mãi với chúng con. Mẹ là gương sáng cho chúng con noi theo. Mẹ đã sống hết một cuộc đời cho chồng và cho các con. Ôi! làm sao để mẹ hiểu được nỗi lòng của con trong những lúc thiếu vắng mẹ như thế nào.

 Mẹ của chúng con đã ra đi trong một giấc ngủ bình an.

 

 Thương mẹ nhiều
 Kiều Liên cùng các anh chị em

 

 

 

 

31 Tháng Ba 2024(Xem: 995)
Mỗi khi nghĩ về quê hương xứ sở, tôi lại luôn có nhiều cảm xúc và hoài niệm đẹp về những bữa cơm gia đình thơm ngon và đậm vị yêu thương như vậy.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 703)
Hoàn cảnh của Ukraine hiện nay gần giống như VNCH ngày xưa khi mối bận tâm của Mỹ đặt vào cuộc chiến ở Trung Đông. Nhưng may mắn thay tên đao phủ thủ
31 Tháng Ba 2024(Xem: 636)
Bây giờ, tuổi đã nhiều, cuộc sống đã ổn định, tôi có thể tìm cho mình những bộ áo quần vừa ý, hợp thời, may cắt khéo léo. Tôi có điều kiện tìm hiểu trang phục thích hợp.
31 Tháng Ba 2024(Xem: 649)
Năm nào cũng vậy, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, dù đang ở trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều nhớ đến ngày tết âm lịch thường được gọi là tết Ta để phân biệt với tết Tây.
20 Tháng Ba 2024(Xem: 1258)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 2024(Xem: 926)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1029)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 1077)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 2024(Xem: 834)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
16 Tháng Ba 2024(Xem: 975)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
09 Tháng Ba 2024(Xem: 1292)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1013)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1135)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 2024(Xem: 726)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 2024(Xem: 955)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 2024(Xem: 1040)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
24 Tháng Hai 2024(Xem: 1277)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1223)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 1618)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.