Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - MỤ CHÉT

14 Tháng Mười Một 20206:48 CH(Xem: 9983)
Nguyễn Thị Thêm - MỤ CHÉT
Hình tựa Mụ Chét


Mụ Chét tất tả đi về phía Ủy Ban Xã. Hôm nay là ngày mụ được vinh dự mời lên để nhận quà. Món quà mà chỉ có gia đình liệt sĩ mới nhận được.



Mấy tháng trước làng bị lụt nặng. Những cơn mưa dầm liên tiếp cả tuần, gió rít từng cơn khiến trời lạnh cóng hơn nhiều hơn năm trước. Nước từ con sông dâng lên mỗi lúc một cao. Nhà mụ chồng ghế, chồng bàn lên giường để  tránh lụt. Cuối cùng mụ được đưa lên ngồi lên khu đĩ nhà, lụt mới từ từ rút lui. Nước rút, căn nhà như ruộng mới bừa xong, dơ nhớp không chịu được. Mọi thứ đều hư hại. Ló không có bao nhiêu lại bị ngâm nước lên mộng hết phân nửa. Sắn trong nương bới không kịp cũng bị hư hết một mớ. Nhà đã nghèo lại bị tai trời, rau ngoài nương thúi cả, gạo  ẩm độn với sắn đã chạy chỉ vàng khè, cơm ăn vào nó cứ say say thế nào. Ủy Ban đã họp và gửi văn bản xin cấp trên cứu trợ, nhưng chờ hoài cũng chưa thấy tỉnh ủy ra thông báo hay gửi thông tư về. Nhà mụ cứ ăn độn cầm chừng, đã mượn nhà mụ Cẩm một ang lúa hẹn mùa tới để trả. Trận lụt vừa rồi nhà mụ bị hư hại khá nhiều, nhưng tiền không có để mua gạo ăn thì lấy gì sửa nhà. Cũng may là bát hương tổ tiên và hình Bác Hồ, mụ Chét đặt vào một cái mủng và ôm theo tránh lụt nên không sao.

Theo hội Phụ Nữ thông báo đây là phần quà từ Ủy Ban Quốc Tế gửi đến cứu trợ cho người dân VN bị nạn nên quý lắm. Hôm kia mụ Sơn chủ tịch hội phụ nữ xã đã mặc để đi họp. Ui Chao cái áo mới đẹp và dày. Cháu mụ Sơn còn được mấy bộ đồ ấm thật sang. Đồ quốc tế có khác, nhìn thấy mụ hả hê lòng. Sau ngày giải phóng, đất nước hòa bình độc lập, thế giới phải ngưỡng phục tinh thần đánh Mỹ diệt ngụy đầy tự hào của dân tộc. Mụ không biết quốc tế là ai chắc là của đất nước anh em Liên Xô anh hùng vĩ đại mới có quà cứu trợ sang trọng như vậy.

Con đường từ xóm của mụ lên Ủy Ban cũng khá xa phải đi dọc theo bờ sông xóm Càng đi qua xóm Quỳ, xóm Yến, bọc một quãng rừng tranh rồi mới tới. Qua khỏi xóm Càng quẹo vào con đường ngợp bóng tre mát rượi. Mụ dừng lại lấy nón quạt lia lịa cho mát. Những bụi tre này trồng đã lâu lắm rồi nên gốc chúng mọc ra liền khít với nhau. Lâu dần tre con mọc càng nhiều, con đường nhỏ lại, ở trên lá đan lại với nhau như một vòng cung. Ban đêm đi dưới con đường tối âm u này, tre cọ vào nhau theo gió rít tạo thành tiếng kêu rất ma quái rùng rợn. Hồi thời kỳ Tây càn nhiều bà con dân làng cũng bị bắn chết tại đây khi Tây đổ bộ từ con sông lên. Con đường về đêm giống như đường đi vào âm phủ thăm thẳm và tối tăm. Buổi tối ít ai dám đi nhất là những cô gái trẻ.

Mụ Chét đến Ủy Ban gặp ngay thằng Hạ du kích xã. Nó nhìn dáng tất tả của mụ hỏi một câu vô duyên:

- Mụ đi mô rứa? Mụ nhìn nó trừng mắt:

- Mi hỏi chi lạ. Tau lên Ủy Ban xã

- Mụ tìm ai?

- Tau đi nhận quà Liệt sĩ của Hội Phụ Nữ.

- Rứa thì mụ vào đi. Mụ Sơn đang ở trong nớ.

Mụ Chét hăm hở đi vào. Mặt mụ tươi hẳn lại. Bao nhiêu nhọc mệt tự dưng biến mất. Mụ nghĩ đến món quà mụ nhận, đó là biểu hiện địa vị mụ trong làng này. Chồng mụ, con mụ là liệt sĩ hai đời vì cách mạng. Chồng mụ đi tập kết ra Bắc và mất tích. Con trai mụ theo Cách Mạng cũng đã hy sinh. Hai đời vì Bác vì độc lập tự do. Mụ hãnh diện là bà mẹ liệt sĩ. Hôm nay Mẹ liệt sĩ lên Ủy Ban nhận quà từ anh em Liên Xô vĩ đại. Mụ nghĩ thầm nếu có cái áo nào vừa với em trai, mụ sẽ lấy cho nó một cái để nó biết Đảng luôn luôn quan tâm đến dân. Từ ngày chồng bỏ đi theo cách mạng, mụ về ở với em trai trong căn nhà của cha mẹ. Rồi chồng mất tích, con mụ lớn lên đi theo Cách Mạng cũng hy sinh. Em mụ là chỗ dựa duy nhất của đời mụ. Sau giải phóng, mụ được tuyên dương, nhận bằng liệt sĩ và mỗi tháng nhận được tiêu chuẩn lương thực. Gạo trợ cấp ít ỏi không đủ nuôi thân mà mụ lại ghiền ăn trầu, hút thuốc. Em mụ đã bảo bọc giúp đỡ người chị già tội nghiệp góa chồng. Mụ tự an ủi đất nước mới giải phóng, phải thắt lưng buộc bụng theo lời bác và đảng. Đói khổ mấy cũng phải vượt qua lấy sức người sỏi đá cũng thành cơm.

Theo chính sách, ruộng nhà Mụ do cha mẹ để lại phải xung vào hợp tác xã như mọi người. Em Mụ bị thương trong một lần theo đội lên độn chặt cây về làm chuồng trâu hợp tác. Từ đó nó không thể lao động được nữa. Nhà chỉ có một cô cháu gái phải nghỉ học gia nhập hợp tác thành một xã viên để có tiêu chuẩn tem phiếu. Cháu là một đoàn viên trung kiên trong chi đoàn, nay mai sẽ được kết nạp đảng. Nhưng dù có cố gắng thể hiện thành tích chăng nữa, nhà chỉ có một chân lao động điểm sản xuất không là bao. Cuối vụ, lúa gặt về sau khi trừ thuế, phân bón, cộng đủ thứ linh tinh mới được phân chia cho xã viên theo công điểm. Vì vậy nhà Mụ Chét đói kém quanh năm, ăn độn khoai sắn trường kỳ. Mụ mấy lần bỏ thuốc, bỏ trầu nhưng không được. Cơn thèm thuốc đày Mụ vật vã, nước mắt, nước mũi chảy không ngớt. Trời đất lạnh lẽo, những thứ đó mới giúp thân già mụ ấm lại đôi chút.

Trong một góc của ủy ban, Mụ gặp mụ Sơn đang ngồi ở bàn mụ đon đả chào hỏi:

- Mụ khỏe hỉ? Mụ Sơn nhìn Mụ tươi cười

- Mụ Chét à. Mụ cũng khỏe hỉ? Quà của Mụ bầy choa đã gói để sẵn.

Nói rồi Mụ Sơn bước tới cầm cái bọc nho nhỏ bằng giấy báo đã úa vàng đưa cho Mụ Chét. Mụ Chét hân hoan nhận lấy. Mụ đứng yên, cúi đầu suy nghĩ trong vài giây xong mạnh dạn nói với bà Chủ Tịch hội Phụ Nữ:

- Mụ nì! Mụ thêm cho tui một cái áo đàn ông nữa được không. Cho thèng Hi tui ấy mà. Tụi nghịp hén áo rách hết. Mùa lạnh…

Mụ chưa nói dứt câu, mụ Sen đã chận ngang:

- Mụ nói chi lạ rứa. Đây là quà liệt sĩ, hén đâu có công trạng chi mô na.

- Nhưng hén là em tui, là cậu liệt sĩ, hén đã từng tiếp tế nuôi quân...

- Mụ nói tức cười? Rứa ai từng tiếp tế nuôi quân đều có quà? Như ri cả làng này đều có quà. Răng mà lạ rứa Mụ. Tiêu chuẩn nhận quà đã được hội Phụ Nữ bình xét và phân chia. Thui Mụ cầm phần Mụ về đi. Đừng xin xỏ chi cho dọt. Không còn mô. Hết rồi.

Mụ Chét mặt thộn ra, vừa tức vừa ốt dột. Mụ Sơn lấy cái nón cầm tay rồi nói với mụ Chét

 - Hôm ni tui đi kiểm tra gạo bỏ hũ nuôi quân mấy hộ dưới làng Cồn. Mụ là mẹ liệt sĩ phải đóng góp và phát động bà con tích cực tham gia. Ngày mai tui tới xóm mụ. Mụ phải phụ tui khuyến khích, vận động cho phong trào sôi nổi. Thui! Tui đi hỉ. Mụ ở lượi về sau.



 Mụ Sơn te te đi ra cổng Ủy Ban. Mụ Chét tay vẫn còn ôm bọc giấy không nói được một câu. Mụ thấy tủi thân. Mẹ liệt sĩ, mụ biết mụ phải làm gương. nhưng nhà mỗi ngày ăn có một bữa chính có tí gạo. Vậy mà cũng phải bốc một bụm bỏ vào hũ gạo nuôi quân. Trong nồi cơm đa phần là sắn hay củ lang phơi khô. Đất nước còn khó khăn, mọi người phải hy sinh. Mụ chẳng phải đã hy sinh chồng và đứa con trai duy nhất của Mụ. Mặc dù già cả sức yếu, mụ và em trai cũng ráng trồng khoai trồng sắn trong nương rồi phơi khô để ăn độn. Một dĩa rau lang luộc, một chén nước ruốc kho loãng là bữa ăn hàng ngày. Cũng may mụ còn có gia đình em trai, còn có một mái nhà. Mụ thở dài: "Đuổi xong Mỹ ngụy sao mình lại nghèo, lại khó, lại ốt dột hơn xưa."

- Mụ về chưa? Tui đóng cửa Ủy Ban sớm. Hôm nay ở nhà đồng chí chủ tịch có liên hoan.  

Mụ nhìn thằng Hạ du kích xã rồi trả lời

- Rứa tau về . Mi có đi dự khôn?

-Răng tui được mời mà mụ hỏi . Các đồng chí trong chi bộ đảng họp riêng thôi. Nghe nói mua con heo của mệ Hà liên hoan đấy.



Mụ Chét bước ra khỏi sân Ủy ban, mụ cũng chưa buồn mở xem món quà như thế nào. Sự hăng hái nhiệt tình lúc đi xẹp xuống nhanh chóng. Cái vẻ bảnh chọe của mụ Sơn làm Mụ tủi thân. Giá chồng Mụ, con Mụ đừng hy sinh thì giờ này mụ cũng được có một cái chân trong Hội Phụ Nữ như mụ ta bây giờ. Chồng Mụ Sơn hiện nay là Bí thư xã nên vợ chồng Mụ ta được cấp luôn phần đất của gia đình mụ Thi, có con sĩ quan ngụy đã đi cải tạo. Mụ Sơn mới làm lại nhà hoành tráng, tráng cái sân phơi lúa to và rộng. Còn Mụ, mụ có gì đâu, tiêu chuẩn lúc nào cũng đi sau người khác. Sự hơn thua rõ rệt bởi vì mụ cô thế không có ai chống lưng. Mụ muốn làm một điều gì đó để phản kháng mà mụ không dám. Mụ sợ bị đem ra kiểm điểm. Sợ bị đánh giá không giữ vững lập trường cách mạng. Sợ bị phê bình sai lạc đường lối ưu việt của Đảng. Mụ cố dấu những bất mãn bằng cách tự hào về thành tích hy sinh chống Mỹ, diệt ngụy của chồng con Mụ. Mụ là một bà mẹ liệt sĩ, một bà mẹ VN anh hùng, mụ phải xứng đáng và tự hào danh hiệu ấy. Cuộc đời Mụ bây giờ là mấy tấm bằng đỏ chói, mụ trang trọng để lên bàn thờ liệt sĩ dưới bức hình của Bác Hồ kính yêu. Có đói, có khổ một chút mụ cũng phải cố gắng để xứng đáng với cách mạng.

 

Mụ Chét trịnh trọng mở cái bọc giấy. Một cái váy đầm rơi ra từ trên tay mụ. Mụ cầm lưng váy rồi đứng ngắm một hồi. Nếu nó là cái áo thì có phải tốt không, Mụ sẽ mặc đi chợ hay đi họp. Đàng này là một cái váy màu sắc chói mắt, chả lẽ mụ mặc cái váy này ra đường? Mụ ngồi phịch trên tấm phản tre, có cái gì dâng lên nghẹn cứng làm mụ không thở được. Ai đời, một bà già, mẹ liệt sĩ lại nhận quà cứu trợ nạn lụt là một cái bùng rền.  Mụ biết ăn nói thế nào với cả xóm. Ai cũng chờ xem món quà quốc tế anh em tặng cho mẹ liệt sĩ đẹp ra răng. Mụ xấu hổ và thất vọng vì cứ nghĩ  mình cũng có một cái áo lạnh tuy không đẹp và mới như của mụ Sơn, nhưng ít nhất cũng là cái áo lành lặn để hãnh diện với xóm làng. Mụ đã hiểu tại sao Mụ Sơn đưa cho Mụ rồi đi ngay, mụ đã hiểu người ta khinh mụ ra sao. Thì ra chúng đã lấy tất cả những đồ đẹp có giá trị. Chúng thảy cho mụ tra cái váy chẳng ai thèm lấy. Mụ nhìn lên bàn thờ liệt sĩ mà chảy nước mắt. Chồng ơi là chồng, con ơi là con sao mà mụ khổ thế này. 

 

Mụ Chét cầm lên ướm thử, cả đời mụ chỉ quần thô áo cộc, cả đời mụ chưa từng được bước ra thành phố, mụ làm gì với cái váy cụ Hồ này. Thân hình mụ nhỏ thó ốm nhom teo khu tóp đít, cái bùng rền này phải là của một bà Mỹ hay Nga to con và cao lớn. Mụ cầm tới cầm lui ướm vào người rồi lại  đặt xuống. Rồi mụ mím môi, nước mắt lăn dài trên đôi má nhăn nheo. Mụ đã quyết định.

 

Buổi sáng họp chợ, người ta thấy Mụ Chét đem mớ đọt lang và mớ ớt ra chợ bán. Mọi cặp mắt mở to đổ dồn về mụ. Mụ mặc cái áo cánh màu xám xịt, ở dưới là một cái váy hoa màu đỏ lét. Mụ lận cái lưng lại, lấy dây chuối cột ngang để giữ cho khỏi tuột. Vậy mà cái váy vẫn dài phết đất kéo lết trên đường. Thấy mọi người nhìn mình ngơ ngác, mụ nói to:

- Bà con thấy bầy choa mặc có đẹp không? Quà cứu trợ dành cho bà mẹ liệt sĩ ri nì. Hội phụ nữ mới phát cho tui hôm qua. Đẹp hỉ?

Rồi như không có gì, mụ ngồi xuống bày cái trẹt rau và ớt bán.

Nắng sáng chiếu vào lớp vải, vào gương mặt khắc khổ, nhăn nheo của mụ Chét. Mụ nổi bật sang cả với cái váy giữa buổi họp chợ. Lá bàng ở sân xoay vòng rồi rơi xuống. Đời mụ cũng như chiếc lá vàng còn nằm ở trên cây sẽ rụng bất cứ khi nào. Tại sao mụ phải sợ.

 

Nguyễn thị Thêm.

 

 

 

23 Tháng Ba 2009(Xem: 71733)
Vẫy tay chào hang yên chi hoa đỏ Chào khuôn sân đá cuội trắng rì rào Chào hàng sao chim tụ về làm tổ Chào tượng Ngô Quyền nắng ngủ trên cao
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71849)
Về lại Biên Hòa thăm con đường xưa Dốc học trò vẫn mang tên Kỷ Niệm
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71450)
Vẫn là mưa nghiêng nghiêng giăng trắng Trên hàng cây bãi cỏ sân trường Sao không giống ngày xưa sâu lắng Chiều tan trường bè bạn thân thương
23 Tháng Ba 2009(Xem: 68903)
Biên Hòa em vẫn thương hoài Ngô Quyền ngày trước, áo dài màu xanh.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71427)
Nếu một mai tôi chết, Xin đừng khóc cho tôi. Đường đời chia đôi ngả, Hãy chôn tình phai phôi.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71199)
Saigon ơi, xa rồi ta vẫn nhớ Những chiều xưa hai đứa lén hẹn hò!
23 Tháng Ba 2009(Xem: 70975)
Lưu bút ngày xưa kỷ niệm đầy, Tình thân bạn cũ hãy còn đây! Ngây ngô ghi vội đôi dòng chữ Đầy ấp yêu thương mỗi phút giây.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 70662)
ôi, mùa hè tuổi nhỏ hóa thân giữa màu hoa ôi, mùa hè êm ả phục sinh từ đôi ta!
24 Tháng Hai 2009(Xem: 32251)
  Trong tuyển tập “Giữa Hai Miền Mưa Nắng” của nhà văn Hoàng Mai Ðạt, tác giả đã kể lại một chuyến về Việt Nam vào năm 1998, đặc biệt là ở vùng đất Biên Hòa, quê vợ của anh. Sau đây là trích đoạn tác giả về thăm một nơi chốn đã khiến anh bồi hồi với bao cảm xúc, đó là trường Ngô Quyền của vợ anh cũng như của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, người viết những bài thơ tình bất hủ mà anh yêu thích từ lâu.
24 Tháng Hai 2009(Xem: 79642)
  ( Kính tặng Thầy Toán Nguyễn Văn Phố)
24 Tháng Hai 2009(Xem: 71638)
  Nay đất khách quê ngưòi: Thân biệt xứ. Áo công khanh rách nát giữ trong tim. Chút hương xưa là chút lửa êm đềm, Dùng sưởi ấm niềm riêng, chờ Hội lớn.
24 Tháng Hai 2009(Xem: 35036)
  Rời Sài Gòn tháng Tư năm 75. Đến Mỹ, Thượng Châu hợp tác với nhà văn Võ Phiến, Lê Tất Điều, ký giả Nguyễn Hoàng Đoan xuất bản tờ báo Việt ngữ đầu tiên tại Hoa Kỳ tên Hồn Việt, do nữ ca sĩ Khánh Ly làm chủ nhiệm. Sau đó, hội nhập đời sống Mỹ, đi làm việc ở SanDiego đã được 28 năm và sắp về hưu. Lâu lắm, không viết lách gì, nhưng bây giờ với tiếng gọi trường cũ Ngô Quyền, Thượng Châu rất sẵn sàng và vui vẻ đóng góp
20 Tháng Hai 2009(Xem: 80882)
Ba mươi năm chờ đợi Hoa tàn, trăng tận, sông quằn mình trăn trở Ba mươi năm nhớ mong Lá héo, sao mờ, biển cồn cào dậy sóng
20 Tháng Hai 2009(Xem: 75858)
  Đứng trước biển mùa Đông thêm cô quạnh Cánh hải âu đơn lẻ chập chờn bay Hải đăng xa nhạt nhòa trong sương lạnh Đá chập chùng, mong mỏi đợi chờ ai  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 75780)
  Nhớ sao cứ nhớ quắt quay Ngô Quyền bạn cũ giờ đây ai còn?                  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 75565)
Một chút mây trời, để nhớ thương, Bay qua thật nhẹ, trước cổng trường.  
16 Tháng Hai 2009(Xem: 75311)
Tặng Mai Trọng Ngãi, Đinh Hoàng Vân, Tiêu Hồng Phước, Tô Anh Tuấn và Phan Kim Phẩm.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 23895)
Sự cư xử giản dị nhưng đầy tình chân thật của em là một món quà vô giá mà không dễ gì tôi nhận được một lần thứ nhì trong đời.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 37506)
... và như thế, Ngô Quyền hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là tổ ấm của chúng ta miên viễn, đời đời...
05 Tháng Hai 2009(Xem: 90065)
Năm mươi ngọn nến hồng đang rực sáng, hân hoan mừng phút giây hạnh ngộ, trùng phùng. Hãy cùng nhau sớt chia, gìn giữ vì ngọt bùi nào rồi cũng sẽ chóng qua…
05 Tháng Hai 2009(Xem: 38898)
  Trường Trung Học Ngô Quyền được điều hành bởi một Ban Giám Đốc, đứng đầu là Hiệu Trưởng
04 Tháng Hai 2009(Xem: 87190)
  Con xin phép được viết đôi dòng kỷ niệm trong lứa tuổi học trò của con vớI những câu nói của Thầy mà gần 50 năm qua vẫn còn in đậm trong trí con.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 34867)
  Chúng tôi trưởng thành trong một nền giáo dục “NHÂN BẢN và KHAI PHÓNG”, mà tinh thần “Tôn sư trọng đạo” thể hiện trong câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, với Thầy, một lòng tôn kính, với bạn, một dạ chân tình, xin mượn nơi nầy thắp nén tâm hương tri ân quí Thầy đã quá vãng, tưởng nhớ quí Bạn đã qua đời.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 74540)
  Này em còn nhớ hay quên ? Lời Thầy Cô dạy chớ nên lơ là. Vì đâu mà có thân ta, Công Cha, Nghĩa Mẹ bài ca dao này;  
04 Tháng Hai 2009(Xem: 39168)
Dĩ nhiên, đám học trò chúng tôi thích lắm, vì ý tưởng lạ đó không tìm thấy được trong Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim hay trong Việt Sử Toàn Thư của sử gia Phạm Văn Sơn.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 40506)
  Trường Trung học Ngô Quyền là một trường sinh sau đẻ muộn, so với các trường Pétrus Ký, Gia Long ở Sàigòn, và các trường Nguyễn Đình Chiểu (được gọi là Le Myre de Vilers thời thuộc Pháp) ở Mỹ Tho, và Phan Thanh Giản ở Cần Thơ.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 82486)
Nhìn em dáng nhỏ hao gầy Cho tôi nghe tiếng thở dài buồn tênh
04 Tháng Hai 2009(Xem: 46741)
Một cuộc biển dâu, đổi đời, tang thương đã diễn ra quá nỗi bi đát. Biên Hòa còn đó, mà lòng Biên Hòa đã mất tự bao giờ. Nay tuổi đời đã cao, nghĩ đến thời son trẻ, mà ngậm ngùi tiếc nuối quá khứ. Công đã tạm thành, danh đã tạm toại, nhưng tâm hồn tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tiếc những phút giây hạnh phúc đầu tiên, đã qua mất rồi.