Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - THỜI KỲ MẮC DỊCH

23 Tháng Năm 20201:21 CH(Xem: 12082)
Nguyễn Thị Thêm - THỜI KỲ MẮC DỊCH
Thời kỳ mắc dịch

                                                                      

 

Nói gì thì nói, không ai có thể chối cãi, năm 2020 là năm cả thế giới bị nhiều tai ương, tôi gọi đó là thời kỳ mắc dịch.

Hồi nhỏ, mấy ông anh trong xóm tôi phá lắm. Ngày rằm, mồng một mấy bà má đem chuối, trái cây ra cúng bàn thiên giữa trời. Sau màn khấn vái, họ vào nhà chờ tàn nhang rồi mới đem vô. Mấy ảnh lén bưng nguyên dĩa trái cây chạy mất. Chừng ra không thấy, mấy bà ra chửi vang trời:

- Mồ tổ cha mấy đứa con nít mắc dịch, mắc gió. Bây ăn gì má ác nhơn thất đức vậy. Tụi bây là đồ......

Rồi như sợ tội khẩu nghiệp hay sợ lở linh ứng nên mấy má ngưng chửi làm thinh đi vô nhà. Mấy má biết ngay là do bọn trẻ trong xóm phá chớ có ai vô dây ăn cắp bất nhơn như vậy. Trong đó đôi khi con má làm hậu thuẫn canh me cho bạn vào lấy trộm. Đồ ăn trộm, chọc chửi nó vui vô cùng và ăn ngon lắm. Lấm lét vừa ăn vừa cười. Đôi khi chua lè, chát ngắt mà vẫn hứng thú. Đó là sự nghịch ngợm tuổi mới lớn của những đứa trẻ nhà quê.

Người miền Nam hay dùng:  "Mắc dịch, mắc gió, mắc toi, quỷ phá nhà chay" để chửi bọn trẻ con. Trong cái chửi còn xen lẫn tình thương, tha thứ và mắng yêu. Cho nên chửi như vậy chả ăn thua gì đối với bọn trẻ con. Đôi khi chúng lại thích nghe nữa là đằng khác. Bởi vì ngày rằm, mồng một ăn chay ai lại chửi độc bao giờ. Thí dụ một thiếu nữ xinh đẹp bị (hay được) một chàng trai phải lòng, làm cái đuôi theo sau tán tỉnh. Khi đề cập đến "người ấy" cô đỏ mặt thẹn thùng: "Cái anh chàng mắc dịch đó..., hay Cái anh phải gió đó..." Phải chăng trong câu mắng ẩn dấu một tình yêu vừa chớm.

Thế nào là "mắc dịch?"  Nếu dùng để ám chỉ một người, thì người đó khó thương, hay làm chuyện tào lao nhìn không vừa mắt. Không có ẩn ý trù rủa chết chóc hại người, Bởi bản chất người miền Nam hiền lành nhưng bộc trực, giận, ghét rõ ràng nói ra ngay. Nói xong rồi thôi, không để bụng giận dai hay thù hiềm.

Nhưng "mắc dịch" đúng nghĩa rất dễ sợ. Làng quê tôi một lần có một con nai con chạy lạc từ rừng vào trong làng. Nó sợ hãi, ngơ ngác chạy khắp xóm rồi vào đứng trước cửa nhà thương. Đứng đó một hồi, bọc theo bìa của hàng rào nó chạy biến vào rừng lại. Dân ở đó họ không rượt theo đập chết vì sợ điềm xấu. Họ nói với nhau: "Mang lạc, nát làng". Nó chạy vào nhà thương không biết là điềm gì đây?

Quả nhiên, sự dị đoan của họ đã thành sự thật. Sau đó làng tôi bị mắc "bệnh dịch tả". Người bệnh được khiêng hoặc võng lên nhà thương rất nhiều, không còn giường để nằm. Chủ Tây cho xe sở chở lên bệnh viện Grall điều trị những ca nguy cấp. Dù vậy cả làng bị rất nhiều người chết nhất là trẻ con.  Đó là bệnh dịch đầu tiên tôi chứng kiến. Lúc đó má tôi nấu nước gừng, sả hoặc nước gạo rang cho cả nhà uống, Tuyệt đối không uống nước lạnh, ăn đồ sống. Chúng tôi bị nhốt trong nhà, không được ra ngoài chơi và nhất là không  ai được qua nhà thương dù chỉ cách một con đường.

........

Nước Mỹ là một nước tự do. Nền kinh tế phát triển là nhờ sự  tiêu dùng của dân chúng. Thời đại toàn cầu, những chuyến bay nối liền thế giới. Những hàng hóa trao đổi, luân lưu đi khắp nơi. Dịch vụ du lịch phát triển để mọi người dân trên thế giới mở rộng tầm mắt.

Thế mà đùng một cái, mọi chuyến bay bị đình lại, xe cộ giảm lưu thông tối đa, nhà máy không làm việc bầu khí quyển trở nên trong lành. Đường phố vắng tanh, Trường học không còn bóng dáng học trò. Tất cả những sinh hoạt hàng ngày phải dừng lại chỉ trừ bệnh viện.  Dịch viêm phổi Vũ Hán hay còn gọi là Coronavirus hủy hoại toàn cầu. Chưa có khi nào thế giới hè nhau thiếu khẩu trang, thiếu máy thở, thiếu y trang cho Bác Sĩ, thiếu nhà thương và thiếu cả lò thiêu. Người bị bệnh, người bị chết tăng hàng ngày, hàng giờ. Thời kỳ mắc dịch khủng khiếp nhất trong đời mà tôi được biết.

 

Chưa có khi nào người dân được nhà nước cho ở nhà, khuyến khích đừng ra đường mà còn gửi tiền tới tận tay để ăn và... để ngủ. Chưa có khi nào xí nghiệp, công ty, tiệm ăn đóng cửa mà nhà nước cho tiền hàng tuần đến những người bị thất nghiệp. Người lao động chân tay bị mất việc làm mà ...vui. Vì số tiền lãnh về từ chính phủ quá hào phóng, cuộc sống nhàn nhã, gia đình đoàn tụ, no ấm. Không sợ gì hết, chỉ sợ con Virus thình lình ghé thăm.

Chưa có khi nào cả nước trốn trong nhà, chỉ có các Bác Sĩ, Y tá trở thành lính chiến chết sống với kẻ thù. Kẻ thù không mang súng, không mang bom, kẻ thù bàng bạc khắp nơi, chỉ cần vơ tay là dính, không mang N95 mask là tiêu đời. Những anh hùng chống dịch này có nhiều đã người tử nạn nơi sa trường là bệnh viện. Người lính hy sinh được phủ quốc kỳ và được thăng chức, được tuẫn táng theo nghi thức nhà binh. Người chiến sĩ trên tuyến đầu chống dịch, chết một cách lặng lẽ âm thầm. Tang ma không được quá 10 người. Không có được một vinh thăng, gia đình ngậm ngùi đưa ra phần mộ.

Và cũng từ những hy sinh âm thầm như thế, chưa có khi nào người dân kính trọng và tri ân Bác Sĩ, y tá như bây giờ. Họ biết ơn và họ muốn tỏ chút lòng. Những tiệm ăn mang thức ăn đến tận bệnh viện. Ngoài ra những cửa tiệm Mỹ còn tặng phần ăn miễn phí cho nhân viên bệnh viện vào bất cứ lúc nào sau giờ làm, chỉ cần đưa thẻ làm việc trong bệnh viện. Những tiệm nail, những chùa, nhà thờ, những người dân thiện nguyện may khẩu trang, làm face shield gửi đến ủng hộ. Có những hành động rất đẹp và xúc động, như sau một ngày làm việc mệt nhọc, và đầy nguy hiểm, họ được tiễn về nhà bằng một tràng pháo tay của dàn chào dã chiến. Những lời cám ơn và chúc an lành chân thành.

Có những điều thật xúc động và mủi lòng trong trận dịch. Có một đôi tình nhân cùng là Bác sĩ trong bệnh viện. Họ đã chuẩn bị ngày cưới mà không thể thực hiện. Sau khi biết tin, đúng ngày cưới dự trù, nhân viên trong bệnh viện đã tổ chức bất ngờ cho họ bằng một đám cưới dã chiến. Cô dâu mặc một áo cưới bằng giấy trắng, chú rể ôm hoa tặng cô dâu cũng bằng giấy. Các cô dâu phụ, rể phụ mặc đồ trắng bảo hộ trong bệnh viện. Mọi người chúc mừng trong niềm vui lẫn xúc động nghẹn ngào. Những người bác sĩ, y tá, họ phải cách ly với con cái, cha mẹ vì chính họ không biết mình đã có nhiểm Coronavirus hay chưa? Nhìn con ngủ ngây thơ mà không dám hôn, nhìn cha mẹ già lụm cụm, nhưng không dám tới gần không dám nắm tay, hay lại gần nói chuyện. Những lúc khẩn cấp, họ phải mướn khách sạn  ngủ lại và không về nhà để khỏi ảnh hưởng gia đình. Họ chấp nhận sự thiệt thòi vì thiên chức nghề nghiệp.

Có một tấm hình tôi được xem trong thời gian giữa mùa dịch. Người Bác sĩ về nhà thăm con. Ông đứng ngoài hàng rào nhìn vào nhà. Hai đứa con ngồi ở thềm nhìn bố. Những cặp mắt nhìn nhau nói biết bao lời. Ông trở về bệnh viện làm việc, bị lây nhiễm Virus từ bệnh nhân và ông lìa đời. Lần thăm con đó là lần cuối cùng cha con được gặp nhau. Bức hình đã lấy của tôi nước mắt vì xúc động và cảm phục.

Thời gian mọi người đều phải ở nhà vì lệnh phong tỏa, giàu nghèo hay địa vị khác nhau đều được bình đẳng trước cái chết. Dường như có một sợi dây liên kết nào đó vô hình để người dân Mỹ gần nhau, hiểu nhau và chia sẻ cho nhau. Mặc dù ra đường phải bịt mặt, phải giữ cự ly cách xa nhau 2 mét. Nhưng đó chỉ là khoảng cách địa lý, từ trong sâu thẳm của sự chết chóc họ lại cảm thấy cùng chung số phận con người. Họ biết ra rằng cái chết rất vô thường, nhanh, bất ngờ và đáng sợ. Thật ra người Mỹ rất phóng khoáng, dường như họ ít sợ chết, họ lạc quan trong cuộc sống và sẵn sàng giúp đỡ người khác khi điều kiện cho phép. Đó là cái đẹp trong tư cách và quan niệm sống của họ. Khi làm việc họ không ngại tranh đấu và kiếm tiền thật nhiều. Nhưng đối với họ, đồng tiền là phương tiện chứ không phải nô lệ cho nó. Khi cần họ sẽ xài hoặc cho ra không hối tiếc.

Thời kỳ mắc dịch này cũng có nhiều cái vui vui. Cha Mẹ Anniversary ngày cưới, đáng lý phải tổ chức tiệc tùng gia đình về chung vui. Thế nhưng lệnh cách ly, không được tụ họp đông người. Đứa con làm tấm bảng gắn trước nhà và để quà mừng trước cửa. Bấm chuông, cha mẹ mở cửa ra, con cháu đứng từ xa chúc mừng. Nhìn tấm bảng, những xe chạy ngang bóp còi reo to chúc mừng. Vô tình biến thành một phong trào chúc nhau thật đẹp.

Có đứa cháu sinh nhật, thế là các bạn của cha mẹ cháu tổ chức chạy xe ngang qua nhà bóp còi, cầm bong bóng, reo vang chúc mừng, đi lại vài vòng trông giống như diễn hành. Nhận được quà và kiểu mừng sinh nhật như vậy, cháu vui quá thấy mình thật là quan trọng, được mọi người yêu thương. Cháu sẽ không quên ngày sinh nhật năm 2020 đặc biệt.
Người Mỹ là vậy, không nói nhiều, không phô trương, họ diễn đạt tình cảm chân thật bằng hành động rất văn minh và có ý nghĩa.

Ngày Mother's Day, người bạn tôi  được con cái báo tin về mừng Mẹ. Thế là con trai, con dâu lẫn cháu nội đến nhà. Bà đứng xa nhìn con nhìn cháu. Thức ăn để ở chiếc bàn đặt giữa sân, Dãy bên này gia đình con ngồi, dãy bên kia là cha mẹ. Ăn to, nói lớn để chúc nhau vì phải đứng cách xa. Ăn xong con cái chào ra về, cha mẹ già nhìn theo, mấy tháng không ôm được con, không hôn được cháu. Thà nói chuyện trên Facetime còn đỡ tủi, đứng trước mặt mà như thật xa chỉ thêm buồn.

Ngày Lễ Mẹ, đa phần chúng tôi nhận quà đặt mua online, thức ăn từ nhà hàng và lời chúc mừng trên Facetime. Đúng là tình gia đình thời mắc dịch.

Năm nay cháu tôi tốt nghiệp high school. Theo chương trình, mỗi cháu chỉ có 3 phút tham dự. Từng chiếc xe gia đình học sinh trong danh sách tốt nghiệp chạy theo hướng chỉ định để đến trước hội trường. Tới nơi, chỉ học sinh đó ra khỏi xe với áo mũ ra trường , bước  lên khán đài nhận giấy tốt nghiệp và chụp hình. Cả gia đình ngồi trên xe và chạy theo lối đi ra để rước con em mình cũng vừa xong lễ. Ba phút, đúng rồi chỉ ba phút phù du cho một học sinh sau 13 năm học tập. Tuy vậy cũng rất mừng là trường đã tổ chức cho học sinh có ba phút kỷ niệm thay vì chỉ dự lễ trên online.

Hôm nay cháu tôi nhận được tấm bảng mừng tốt nghiệp 2020 do trường mang tới tận nhà. Đó cũng là một khuyến khích và an ủi lớn cho học sinh năm cuối. Ai nói giáo dục Mỹ không tốt, Hãy nhìn những quan tâm nho nhỏ của thầy cô và cộng đồng người Mỹ. Hãy xem trên TV có những chương trình rất có ý nghĩa của nhiều tầng lớp trong xã hội chúc mừng các cháu , gửi gắm những tình cảm đẹp đến các cháu sắp tốt nghiệp trong năm 2020, tri ân những Bác Sĩ, Y tá trên tuyến đầu chống dịch. Những thước phim xoa dịu lòng người, tạo sự ấm áp và lan tỏa yêu thương.

Cái chết trong thời kỳ mắc dịch này làm đau lòng người ở lại. Khi được đưa vào bệnh viện vì bị nhiễm Coronavirus thì cầm bằng phải bỏ lại sau lưng người thân và gia đình. Nhiễm bệnh từ từ nhưng phát bệnh rất nhanh và khủng khiếp. Người bệnh bị cách ly ở phòng chăm sóc đặc biệt, không một thân nhân được vào thăm viếng. May mắn vượt trận để về nhà, không may phải giã từ cuộc sống thì cũng âm thầm chống chọi với tử thần không gặp mặt người thân để dặn dò trăn trối. Tang ma cũng lặng lẽ buồn thiu, hiu hắt một đời người.

Tuần này đám tang bạn tôi được cử hành, gia đình chỉ được tham dự 8 người tính luôn thầy làm lễ. Bạn bè dự trù đi dự và chỉ ngồi trong xe để đưa tiễn nhưng cũng không được cho phép. Cho nên các cháu đã tạo điều kiện cho chúng tôi được tham dự online bằng hệ thống Zoom. Chúng tôi được ngồi nhà nhìn vào iphone hoặc computer để theo dõi xuyên suốt chương trình. Chúng tôi được nhìn mặt bạn mình lần cuối; được nghe những lời thật chân thành của các cháu trong ngày tang lễ; được nhìn mặt và nghe một số bạn đại diện phát biểu chia buồn.  Trên màn hình nhìn thấy bạn mình được các con lo lắng chu đáo và trang nghiêm chúng tôi cũng mừng, yên lòng và cùng nhau niệm Phật đưa tiễn. Cám ơn các cháu, cám ơn thời đại tiên tiến đã làm khoảng cách thật xa đã biến thành gần.

Hôm nay một số tiểu bang mở cửa đợt một, một số bước sang giai đoạn 2 hay 3. Lần đầu tiên sau mấy tháng được ra ngoài, tôi nhìn thành phố vẫn còn đóng cửa ngủ trưa, xe chạy không nhiều, người qua lại thưa thớt, bước đi giữ khoảng cách, mặt đeo khẩu trang. Có cái gì dâng lên trong tôi thật xúc động và buồn.

Dường như ai cũng cúi mặt để đi, không thấy nụ cười, không thấy niềm vui và hy vọng. Bởi vì chính bản thân họ lo sợ hay vì nước Mỹ đang có vấn đề lớn ảnh hưởng bởi dịch Coronavirus.

 

Chúng ta đều nhận thấy những nước Cộng Sản đều không khai đúng những con số. Con số người bị bệnh, con số người chết và nhiều vấn đề khác. Người CS thường che dấu tất cả những vấn đề xảy ra trong nước vì sợ ảnh hưởng tới chính trị và đảng phái. Báo chí, truyền thông chỉ được nói và phổ biến tin tức theo lệnh Đảng và nhà nước. Cho nên mọi quốc gia trên thế giới đều đồng quan điểm là Trung Cộng không nói đúng sự thật về con số chết và lây nhiễm. Con số chính xác rất nhiều lần lớn hơn.

Còn nước Mỹ thì sao? Thật đau xót khi số liệu chính thức cho biết người bị nhiễm bệnh và chết con số dường như đứng đầu thế giới, rồi bây giờ lại có nguồn tin ngược lại, con số đó không chính xác sự thật, con số thực tế nhỏ hơn nhiều. Vậy là thế nào? Tại sao? Để làm gì? Có đúng là như vậy hay không? Và phóng đại với mục đích gì?. Càng ngày tôi càng bị hoang mang vì quá nhiều nguồn tin trái chiều.

Báo chí, truyền thông, những tay viết nghiệp dư mặc sức xào nấu, thêm bớt. Những Youtube với những tựa đề giật gân lôi kéo người vào subscribed để kiếm tiền, tất cả đã tạo nên một mê hồn trận không có lối ra. Tổng thống đề nghị nên mở cửa từng phần để khôi phục dần nền kinh tế đất nước, thống đốc nói không được vì tình hình dịch bệnh chưa thật sự khả quan, một số nơi dân chúng biểu tình đòi tôn trọng quyền tự do sinh hoạt. Ai đúng, ai sai? Trong thời điểm bệnh dịch chưa tìm ra thuốc đặc trị, trong lúc nền kinh tế đang tuột dốc thê thảm, số người thất nghiệp đang lên mấy triệu người thì thực lòng chỉ có phép mầu mới giải quyết rốt ráo, êm xuôi được liền. Không ai có thể nói lập trường chính trị hay kế hoạch mình sẽ đạt kết quả 100% . Điều quan trọng là đi từng bước để giải quyết những gì cấp thiết nhất. Trung Quốc đem dịch bệnh vào Hoa Kỳ, đồng thời kéo theo một hệ lụy nan giải cho chính quyền các cấp.

Trong thời điểm này, chính quyền và quốc hội lại không đồng lòng hợp tác vì dân, vì nước Mỹ. Hai đảng phái đối lập nhau, tranh chấp nhau, làm khó nhau ngay trong lúc giặc bệnh đang dày xéo đất nước, người dân bị chết hàng loạt quả thật đau lòng. Đồng ý có đảng phái đối lập mới tạo nên một thể chế tự do dân chủ thật sự. Nhưng cũng không phải vì vậy mà đặt quyền lợi của đảng phái lên trên quyền lợi dân tộc. Đừng đem chính trị đặt cược vào mạng sống của người dân.

Có phải là vì nước Mỹ là quốc gia đa chủng tộc nên thiếu sự thống nhất hay không?  Tôi không tin như vậy và cũng không phải như vậy, bởi vì nước Mỹ được phồn vinh như ngày nay là nhờ sự đóng góp của tất cả mọi sắc dân trên đất nước này. Họ đã chọn đây là quê hương, đem hết khả năng ra phục vụ và hãnh diện bảo vệ khi đất nước cần. Cho nên Tổng thống hay các vị dân biểu được người dân tín nhiệm là phải đáp ứng những quyền lợi thiết thực nhất cho người dân nhất là sinh mạng của họ.

Mùa tranh cử năm nay đã gần kề, dịch bệnh vẫn còn đe dọa sinh mạng người dân, sự tranh chấp và đấu đá đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra kịch liệt. Trung Cộng đang thích thú khi thấy một nước Mỹ oằn mình vì dịch bệnh. Họ sẽ hả hê thắng lợi khi nước Mỹ thiếu đoàn kết và suy thoái kinh tế.  Hiểm họa đang cận kề nhưng vì cái ghế Tổng Thống sẽ được chọn bầu trong tháng 11 tới đây, nên hai phe bất chấp miễn hạ được đối phương. Đó cũng là thước đo để người dân Mỹ chọn người xứng đáng để ngồi vào ghế Tổng Thống nhiệm kỳ năm nay. Mong là cuộc bầu cử diễn ra trong sạch và không có tì vết gian lận.

 

Khi không thể bắt tay nhau vì sợ lây nhiễm, hãy cúi đầu trước nhau hay những ngón tay khép lại xá nhau trước khi bước vào cuộc họp. Sự khiêm cung cũng giảm đi những căng thẳng và ý nghĩ đen tối hại nhau. Như vậy nước Mỹ sẽ vượt qua tất cả để đem lại tự do, công bình và nhân ái cho mọi người dân.

Rất  mong chúng ta  thoát ra khỏi thời kỳ mắc dịch này để người dân trở lại cuộc sống yên bình, thoải mái như xưa.

Nguyễn thị Thêm.

 

 

26 Tháng Bảy 2021(Xem: 9901)
Theo em ướt dấu trăng mờ Loanh quanh thấy bóng dại khờ trong nhau. Nợ em một nửa lời chào Để dành mai mốt biết đau với người.
26 Tháng Bảy 2021(Xem: 9882)
Còn tôi. Già rồi bất lực. Một chút quà Như cát giữa biển khơi
26 Tháng Bảy 2021(Xem: 9262)
Thế mà em vội bước sang sông Pháo nổ vu qui tắt lửa lòng Thời gian qua mãi nào trở lại Niệm khúc cho ai buổi tàn đông
23 Tháng Bảy 2021(Xem: 10577)
Dấu chân vừa bước qua in dấu Bụi thời gian đã phủ mất rồi Nhìn quẩn quanh những điều tốt xấu Chỉ thấy toàn mờ mịt mây trôi.
15 Tháng Bảy 2021(Xem: 8885)
Chương Trình Nhạc Tình Chọn Lọc với chủ đề "Mùa Phượng Vỹ" do Như Hương và bạn hữu tổ chức tại Herndon, Virginia ngày Chủ Nhật July 4th - 2021
14 Tháng Bảy 2021(Xem: 8366)
Người yêu ấy có phải là tôi không? Chỉ có anh trả lời được. Tiếc thay anh đã chết không thể trả lời.
10 Tháng Bảy 2021(Xem: 10399)
Giờ... Xa biền biệt phương nào Hương hoa bưởi vẫn dạt dào... Người ơi. Bài thơ mực tím mồng tơi. Nồng nàn giữ mãi nghìn lời nhớ thương.
10 Tháng Bảy 2021(Xem: 10386)
GPS định vị trong chừng mực Khi trật đường em đã vội kêu lên Không quay đầu bão tố sẽ kề bên Con đường ấy một mình anh riêng lối.
09 Tháng Bảy 2021(Xem: 8889)
Cuộc tình sao quá mong manh Còn đây màu mực tuổi xanh hẹn thề Bên giòng sông vắng chiều quê Chỉ còn anh đứng triền đê đợi chờ
05 Tháng Bảy 2021(Xem: 6095)
Chị lúc nào cũng nhớ em, cám ơn em đã cho chị nhiều niềm vui trong những mùa tranh giải. Hãy yên bình trong thế giới của em nghe Phúc.
03 Tháng Bảy 2021(Xem: 10699)
Quỳ lạy Chúa... Con là người ngoại đạo Nhưng trong con Thiên Chúa rất dạt dào Cầu xin Chúa giúp con bình tâm lại Vì lòng con luôn sóng cuộn dâng trào.
28 Tháng Sáu 2021(Xem: 10686)
Ta về hỏi lại đồng môn Bao nhiêu người cũ mất còn biết không? Sĩ phu còn nợ non sông Hồn quê thổn thức nỗi lòng chia xa
27 Tháng Sáu 2021(Xem: 8951)
Tôi đã làm một chuyến đi chơi xa bằng xe van kéo dài 16 ngày. tổng cộng 6.600 miles (10.560 km).
27 Tháng Sáu 2021(Xem: 11132)
Nửa trăm năm vẫn chưa hề gặp lại Quên nhiều điều nhưng vẫn nhớ dòng sông Bến xưa giờ lá rũ buồn tê tái Tiễn tình xưa vào nỗi nhớ chùng lòng.
25 Tháng Sáu 2021(Xem: 11682)
46 năm đã trở thành quá khứ Mà thời gian vẫn chưa đủ chôn vùi Xác chúng mình tro rải biển anh ơi! Hồn theo gió cùng trăng soi đầu núi.
24 Tháng Sáu 2021(Xem: 10277)
Bóng dáng nhân từ Cha vẫn đó Hình dung hiền thục Mẹ còn đâu Nhớ thương há chỉ Ngày Từ Phụ Đau xót tàn canh ngấn lệ sầu
24 Tháng Sáu 2021(Xem: 10034)
Rất muốn ngắm biển đêm bằng đôi mắt Tìm những điều ẩn ý dưới hoang mang Và muốn nghe giữa vô cùng tịch mịch Trăng lạc đường nên gió phải lang thang.
20 Tháng Sáu 2021(Xem: 9034)
Tôi viết bài này để lật lại trang ký ức của mình và tri ân họ. Tri ân những người cha đã cho tôi nhiều ân sủng. Tri ân người chồng từng là lính bảo vệ đất nước và cho tôi một mái ấm gia đình.
19 Tháng Sáu 2021(Xem: 10606)
Ước gì có một ngày như thế Bọn chúng mình, già mấy cũng thấy vui Lỡ mai kia đứa lìa đời Cũng có đám bạn già Ngồi trên xe lăn nắm tay nhau mà khóc.
12 Tháng Sáu 2021(Xem: 10607)
Chiều buồn nợ áng mây bay Đêm về... Nợ bóng trăng lay hiên nhà Cuối cùng ta nợ cả ta Nợ điều đã hứa... Nhớ ra chưa làm.
11 Tháng Sáu 2021(Xem: 10396)
Gió đem hương chan vào vườn cây trái Để hoa thơm quả ngọt chín tràn trề Hạ nồng nàn khắp núi sông đồng bãi Ơn gió hiền hòa dong ruỗi say mê.
11 Tháng Sáu 2021(Xem: 8760)
Tôi ở Cali đồi núi khô khan, cây cỏ không xanh tươi. Dọc đường về hướng Florida cây xanh bát ngát. Một màu xanh mướt đẹp mắt và trải rộng tới chân trời.
10 Tháng Sáu 2021(Xem: 10437)
Có gì đó ở Sài Gòn nhớ mãi Đi thật xa vẫn quay quắt hướng về Sài Gòn bây giờ tháng sáu nhiêu khê Sài Gòn đắp mền ủ mình trốn dịch.
06 Tháng Sáu 2021(Xem: 13110)
Sài Gòn cơn bệnh rồi sẽ qua Hòn Ngọc Viễn Đông lại điệu đà " Sài Gòn tốt bụng " câu cửa miệng Để thương để nhớ kẻ phương xa.
06 Tháng Sáu 2021(Xem: 9229)
Florida với trái cây miền nhiệt đới như ở VN. Tôi là dân miệt vườn nên mơ ước được đi đến đó, tận tay hái những cây trái sai oằn như ở vườn nhà ngày xưa. Tôi nôn nao lắm Florida ơi!
16 Tháng Năm 2021(Xem: 8303)
Mẹ ơi! Ơn nghĩa sinh thành biết chừng nào con đền đáp được. Con nguyện cầu cho mẹ khỏe mạnh, an lạc để sống đời với con.
11 Tháng Năm 2021(Xem: 10060)
Nắng đã lên bầu trời đẹp lạ Ôm vào lòng bao nỗi ước mơ Bây giờ ta đếm từng giờ. Chờ cả thế giới hoàn toàn mở cửa.
09 Tháng Năm 2021(Xem: 10437)
Ngày Mother's Day đừng bỏ lỡ Một cú phone và một món quà Hay em lái xe qua. Ôm lấy mẹ hôn trên đôi má