Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS Nguyễn Văn Phú - Tháng Ngày Lưu Lạc.

17 Tháng Bảy 200912:00 SA(Xem: 74414)
GS Nguyễn Văn Phú - Tháng Ngày Lưu Lạc.

Hồi ký

 

THÁNG NGÀY LƯU LẠC

 

blank

 

Chuyến bay VN 7640 của Hàng Không Việt Nam cất cánh đúng 6 giờ 30 sáng ngày 13 tháng 9 năm 1994, trên đường bay đến Hong Kong. Trong đám đông thân nhân đang nhốn nháo vẩy tay trên sân thượng kia có đủ mặt bốn đứa con của chúng tôi, mặc dầu, qua cửa sổ máy bay, tôi không còn nhận ra chúng nữa. Chúng tôi đã thật sự xa cách nghìn trùng. Xa cách tới bao giờ, chưa ai biết được...

 

Hai vợ chồng già, xuân xanh xấp xỉ... hàm răng rụng, ngồi im lặng bên nhau, lắng nghe từng đợt sóng cô đơn dâng cao, cao mãi... theo đà vươn lên của cánh bay vào cõi không gian thăm thẳm, mịt mờ... Rồi ngày sau sẽ ra sao? Đâu ai biết được. Bốn đứa con chúng tôi vào thời điểm lập hồ sơ đều còn độc thân. Mấy năm sau đó, Tường Vân, rồi Phong lần lượt lập gia đình và đã bị loại khỏi danh sách HO 21 trong kỳ phỏng vấn sơ bộ. Hai cô còn lại, Tuyết Vân và Phi Vân, đứa trước đứa sau, lần lượt từ chối đi theo cha mẹ. Phi Vân thì đã từ chối ngay trong cuộc phỏng vấn của phái đoàn Mỹ, còn Tuyết Vân quyết định từ chối vào lúc nhận vé máy bay. Nhớ lại hôm đó, chúng tôi bốn người lên Sở Ngoại Vụ gặp phái đoàn Mỹ trong cuộc phỏng vấn cuối cùng. Cuộc phỏng vấn diễn ra chỉ trong vòng mươi phút. Vào lúc viên chức Mỹ sắp sửa tuyên bố quyết định, nhân danh Chánh phủ Hoa kỳ, Phi Vân vội vả đứng lên, nói một hơi bắng tiếng Anh:

 

- Thưa Ông! Tôi rất tiếc, nhưng tôi không muốn rời Việt nam để sang Hoa kỳ.

 

Ông phỏng vấn viên tròn xoe đôi mắt. Chắc đây là lần đầu tiên ông gặp một trường hợp lạ thường. Ông nhìn thẳng vào cô bé, hỏi lại cho chắc:

 

- Cô có chắc không? Tại sao vậy?

 

Cô bé nói nhanh một tràng tiếng Anh nữa. Tôi không nghe rõ lắm, bởi vì hai lỗ tai tôi đã lùng bùng...Tôi chỉ còn kịp thấy viên chức Hoa kỳ đưa cây viết kéo một đường dài trên tờ danh sách. Rồi Ông tuyên bố chấp nhận cho gia đình chúng tôi, còn lại ba người, được đi tái định cư. Buổi phỏng vấn kết thúc. Chúng tôi đứng dậy. Tôi nói lời cảm ơn Chánh phủ Hoa kỳ đã vui lòng tiếp nhận chúng tôi đi tị nạn. Người phỏng vấn viên vui vẻ bắt tay, rồi hỏi tôi:

 

- Ông nói được tiếng Anh không?

 

Tôi mỉm cười, đưa mắt liếc cô thông dịch viên một cái, trước khi trả lời, cũng bằng tiếng Anh:

 

- Tôi biết chút đỉnh thôi! Xin cám ơn ông lần nữa.

 

Ông Mỹ hiểu ý, cũng mỉm cười, gật đầu đáp lại. Theo qui định của chánh phủ Việt nam, chúng tôi không được nói chuyện trực tiếp với viên chức Mỹ mà phải nói qua thông dịch viên, tất cả đều do bên công an phái tới. Cũng may là cô thông dịch viên trẻ đẹp hôm đó không gây khó khăn gì. Vừa ra khỏi phòng họp, Phi Vân phóng nhanh ra cửa, đi luôn. Ba người chúng tôi lửng thửng thả bộ ra bến xe lam trở về Thủ đức. Suốt dọc đường, không ai nói một lời nào...Tôi xưa nay vốn tôn trọng quyết định của các con, nhất là khi chúng đã trưởng thành có đủ khả năng tự chọn lựa con đường riêng của cuộc đời mình. Bây giờ nghĩ lại tôi thật không biết quan niệm của tôi lúc đó là đúng hay sai. Chỉ biết rằng hơn một năm sau, chúng tôi nhận được thư của Phi Vân xin giúp đỡ cho cô được sang du học ở Úc-đại lợi. Cô bé đã thành công sau ba năm cố gắng tột cùng, lấy được bằng Cao Học Quản Trị Kinh Doanh, lại còn kiếm thêm được một anh chồng Úc. Cả hai kéo nhau về Việt nam, mở công ty làm ăn, sinh sống đàng hoàng. Âu đó cũng là niềm an ủi cho hai vợ chồng già. Còn Tuyết Vân, vào phút cuối cũng nạp đơn xin ở lại để khởi đầu một cuộc sống hôn nhân, mà theo nhận xét riêng của tôi, không lấy gì làm tốt đẹp. Mỗi người có một định mệnh riêng. Cho dầu ở vị trí cha mẹ, chúng tôi cũng không thay đổi được.

 

Giờ đây chúng tôi đang bỏ lại sau lưng cái thành phố Saigon thân yêu, nơi tôi từng lớn lên, học hành, làm việc... cùng với những tháng ngày háo hức chờ đợi chuyến đi. Tất cả, tất cả, đang từng giây, từng giây lùi vào quá khứ. Tôi vẫn biết, vẫn tin rằng "không có đâu đẹp bằng quê hương", nhưng cái quê hương đó của tôi bây giờ không còn nữa. Nó đã bị người ta dùng súng đạn cướp mất rồi. Những người thắng trận không cho chúng tôi con đường sống. Họ không thể giết chết chúng tôi, nhưng cũng không muốn chúng tôi được sống như một con người. Nói thật lòng, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, hầu hết nhân dân Miền Nam ai cũng thở phào, tràn trề hy vọng. Chiến tranh đã kết thúc rồi, bom đạn đã thôi rơi, máu đã thôi đổ. Từ đây nhân dân cả nước sẽ cùng nhau nổ lực dựng lại quê hương. Chẳng bao lâu nữa Việt Nam sẽ trở nên một quốc gia giàu có, hùng mạnh trong vùng Đông Nam Á. Nhưng tiếc thay, niềm hy vọng ấy đã sớm tiêu tan như mây khói. Những người cộng sản thắng trận, bằng chánh sách hận thù và đấu tranh giai cấp, đã làm rối tung tất cả, đưa đất nước vào ngõ cụt khốn cùng, nghèo nàn lạc hậu. Người Miền Nam không còn đất sống đành liều mạng bỏ nước ra đi, tìm tự do nơi xứ lạ quê người. Bao nhiều ngàn người đã bỏ thây dưới đáy biển Đông, trong những cánh rừng già Thái lan, Cam bốt... Có trời mới biết.

 

Còn người Mỹ? Có phải họ thật sự tốt với chúng tôi không, khi họ chịu bỏ tiền của, công sức đưa anh em chúng tôi sang nước họ tái định cư? Chắc không hoàn toàn như vậy. Tôi từng nghe nói nước Mỹ xưa nay nổi tiếng về nạn kỳ thị chủng tộc. Tôi có một kỷ niệm đáng nhớ liên quan tới chuyện nầy. Vào mùa hè năm 1959, khi đang giữ chức vụ Hiệu Trưởng trường Thạnh Nhựt, tôi được cử tham gia Khóa Tu Nghiệp Sư Phạm (workshop) tại Vũng Tàu. Khóa học được hướng dẫn bởi hai vị Giáo sư người Mỹ, Bà Lisa và Bà Laura (nếu tôi nhớ không lầm). Nghe nói hai bà từ Đại học Ohio phái tới, làm việc trong chương trình hợp tác cải cách giáo dục cho Việt nam, chủ yếu là phổ biến những phương pháp giáo dục mới, gọi là phương pháp thính thị. Hai vị Giáo sư đều tương đối trẻ trung, vui vẻ, năng động, dễ gây hảo cảm. Học viên chúng tôi ai cũng kính mến hai bà. Duy có một điều khiến tôi luôn băn khoăn suy nghĩ. Đó là cái bài hát hai bà đã dạy chúng tôi. Bài hát có nội dung như sau:

 

One little, two little, three little Indian

Four little, five little, six little Indian

Seven little, eight little, nine little Indian

Ten little Indian BOYS.

 

Đây là một bài hát đơn giản, cứ hát từ trên xuống dưới, rồi lại từ dưới lên trên. Học dễ thuộc lắm. Nhưng điều làm tôi thắc mắc chính là cái chữ "Indian" ấy. Vào giờ giải lao, tôi tới chào Bà Laura, xin phép hỏi bà một vài câu. Bà giáo sư rất vui vẻ, sốt sắng:

 

- Anh cứ hỏi đi, đừng ngại chi cả.

 

- Thưa Giáo sư. Xin bà cho biết cái chữ "Indian" trong bài hát có phải chỉ người Ấn độ không?

 

- Không phải đâu, bà giáo vui vẻ đáp. Indian là chữ dùng để chỉ những người thiểu số ở Mỹ, tức người da đỏ, hay còn gọi là người Mỹ bản xứ (Native American).

 

- Thưa bà, có phải ở Mỹ người ta dùng bài hát nầy để dạy trẻ em tập đếm không?

 

- Đúng rồi. Chúng tôi dùng bài hát để dạy các em mẫu giáo học đếm từ 1 tới 10 và ngược lại. Anh thấy có gì không ổn chăng?

 

Tôi hơi ngập ngừng, cố tìm lời:

 

- Thưa không có gì. Tôi chỉ thấy hơi lạ chút thôi. Ở đây, chúng tôi chỉ dùng đồ vật, chẳng hạn như những cái que, để dạy các em đếm số, chưa bao giờ dùng "con người" để làm học cụ.

 

Tôi thấy mặt bà Laura nghiêm lại, nhưng rồi bà cũng gượng mỉm cười, lắc lắc đầu, bỏ đi. Về sau, mỗi lần tình cờ gặp tôi, bà chỉ khẻ gật đầu đáp lời chào hỏi của tôi. Trên môi không thấy nụ cười quen thuộc nữa. Kể từ ngày đó, trong lòng tôi cũng đâm ra "kỳ thị" ngược đối với người Mỹ trắng, mặc dầu đôi khi tôi cũng gặp nhiều người rất lịch sự, dễ thương. Những năm làm Sĩ quan Báo chí tại Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô tôi có dịp tiếp xúc rất nhiều nhà báo nước ngoài. Có một lần, trong chỗ riêng tư, một anh nhà báo Mỹ hỏi tôi:

 

- Cá nhân anh, anh nghĩ thế nào về sự có mặt của người Mỹ ở Việt nam?

 

Tự nhiên tôi buộc miệng nói luôn một hơi, không cần suy nghĩ:

 

- Họ tới đây cũng tốt, nhưng nếu họ đừng tới thì... tốt hơn nhiều.

 

- Anh cho rằng điểm nổi bật nhất của nước Mỹ là gì?

 

Tôi buộc miệng:

 

- Kỳ thị chủng tộc (racial discrimination).

 

Không hiểu sao anh nhà báo Mỹ lại gật đầu, không tỏ ý phật lòng. Anh chỉ thở dài một cái:

 

- Anh nói đúng. Tôi cũng nghĩ vậy. Rất tiếc những người lãnh đạo ở đây, và cả ở nước tôi, không nghĩ được như mình.

 

Vậy mà giờ đây tôi đang trên đường bay tới đất nước ấy, cái đất nước mà khi cần thì hùng hùng hổ hổ đổ người đổ của vào, làm xáo trộn lung tung mọi thứ, từ chính trị đến kinh tế, xã hội, văn hóa…, làm cho Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mất chính nghĩa, mất lòng dân..., rồi khi hết cần thì âm thầm lặng lẻ rút đi, gây ra biết bao thảm cảnh đau thương cho hàng triệu con người mà mới hôm qua họ còn gọi là "đồng minh thân thiết". Thôi thì giữa hai cái xấu, mình đành phải chọn cái ít xấu hơn. Ông bà ta thường nói:"Thà làm tôi người khôn còn hơn làm thầy kẻ dại". Huống hồ bây giờ ở lại để phải làm tôi cho kẻ dại nữa, chịu sao cho thấu. Nói tới chuyện "dại khôn", tôi chợt nhớ một câu chuyện vui vui xảy ra trong trại tù Z30A Xuân Lộc hồi Tết năm 1980. Hôm đó là mùng sáu Tết, Trại có mời một đoàn cải lương quốc doanh tới hát giúp vui, với vở tuồng "Lục Vân Tiên". Danh hề Văn Hường, nổi tiếng với mấy bài ca vọng cổ "Thằng Lãnh Bán Heo", "Tư Ếch đi Sai Gon", rồi "Tư Ếch Đại Chiến Văn Hường" v.v..., đóng vai người đày tớ của Bùi Kiệm, bạn cùng khoa thi với Lục Vân Tiên. Sau màn Bùi Kiệm "dê" Kiều Nguyệt Nga, Văn Hường bổng nhiên cương ẩu, ngâm nga mấy câu thơ:

 

"Rồng vàng tắm nước ao tù,

Người khôn sống với kẻ ngu...bực mình"

 

Đám tù cải tạo thắm ý vỗ tay vang dậy, làm cho mấy "vị" cai tù nổi sùng la hét rân trời. Nghe nói tối hôm đó, Văn Hường bị lôi ra "giũa" cho một trận tơi bời hoa lá và bị cấm... làm hề luôn. Tội nghiệp cho danh hề của chúng ta. Mà cũng tại anh em chúng tôi vỗ tay dữ quá mới ra nông nỗi. Nếu đừng vỗ tay, chắc đâu các vị cán bộ hiểu nỗi anh ta muốn nói cái gì. Hình ảnh nước Mỹ trong trái tim tôi vào giờ phút đó quả thật không hay ho cho lắm.

 

Từ Hong Kong, chúng tôi được chuyển sang một chuyến bay khác để tới Hoa Kỳ. Chiếc Boeing 737 của hãng United Airlines hạ cánh xuống phi trường Los Angeles lúc 10 giờ 30 sáng cùng ngày 13 tháng 9, vì giờ Việt nam đi trước Mỹ 15 tiếng đồng hồ. Thủ tục nhập cảnh mất hơn hai tiếng nữa, nên chúng tôi ra khỏi phi trường đã quá một giờ trưa. Đón hai vợ chồng già chúng tôi chỉ có cháu Hằng, cô con gái lớn của anh Ba Hiển, ông anh vợ của tôi. Anh Hiển hồi trước làm Thiếu Tá Không Quân, Chỉ Huy Trưởng Đài Kiểm Lưu ở sân bay Biên Hòa. Gia đình anh di tản trước ngày 30 tháng 4, lúc đầu định cư ở Pháp, về sau nhờ cô em gái bảo lãnh sang Mỹ. Vợ chồng anh hiện mở nhà hàng tại thành phố Rosemead, quận Los Angeles. Anh là người bảo trợ (sponsor) cho chúng tôi, thông qua cơ quan USCC. Kể về tình cảm thì trước đây anh chị với chúng tôi rất thân thiết. Hồi năm 1960, trong đám cưới anh, tôi là người phù rễ. Mối liên hệ giữa chúng tôi sau đó chưa từng có vấn đề gì, nếu không muốn nói là luôn luôn tốt đẹp. Tính tới thời điểm khi tôi tới Mỹ, anh em xa cách đã tròm trèm hai mươi năm. Trong trí tưởng của tôi, anh em gặp nhau chắc là mừng lắm. Vì vậy, khi chỉ thấy cháu Hằng ra đón, tôi không khỏi...bần thần. Hai mươi năm, biết bao vật đổi sao dời...Bé Lớn và Bé Nhỏ, hai chú em của tôi, qua Mỹ trước tôi mấy năm, nay đang định cư tại Houston, Texas, cuộc sống cũng tạm ổn định. Mấy tháng trước ngày tôi lên đường, Bé Nhỏ có viết cho tôi một bức thư rất dài, kể về những khó khăn trên đất Mỹ, nhứt là với những người lớn tuổi như tôi, rất khó kiếm việc làm. Tám tháng trợ cấp của Chánh phủ qua nhanh lắm. Không tìm được việc làm cầm chắc là...tiêu tùng. Nó khuyên tôi nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định ra đi. Trong khi đang còn phân vân, may sao tôi lại nhận được thư anh Lâm Văn Khanh, một bạn đồng nghiệp cũ, trước làm Hiệu Trưởng Trung học Võ Khoa Thủ Đức, đang định cư ở thành phố Boston. Anh cũng nói về nỗi gian nan trong những ngày đầu sống trên đất Mỹ, nhưng cuối cùng anh đưa ra nhận xét:"Ở đây muốn làm giàu rất khó, nhưng muốn chết đói càng...khó hơn". Về phần tôi, tôi tự nghĩ, tôi đâu có tham vọng làm giàu. Tôi đi, chỉ là vì không thể không đi. Trước sau tôi vẫn chỉ là một người tị nạn. Cuộc sống nơi xứ người ắt có khó khăn, nhưng chắc không tệ hơn cái kiểu "sống không ra sống, chết không ra chết", như tình cảnh của chúng tôi hiện tại. Thôi thì "trời sanh voi, sanh cỏ". Mà cỏ Mỹ chắc không tệ hơn cỏ Việt đâu mà lo. Tôi lại nhớ mấy câu thơ của Tú Xương:

 

Thiên hạ sanh ra chán vạn nghề,

Làm thầy, làm thợ với làm thuê...

 

Làm thầy chắc chắn không được rồi, nhưng làm thợ với làm thuê lẽ nào không được. Tôi không tin nước Mỹ rộng lớn vậy lại không thể cho tôi một việc làm khiêm tốn, đủ kiếm hai bửa cơm đạm bạc và một chỗ ngã lưng. Và tôi quyết định ra đi, cho dù phải đi một mình, bởi vì vào những ngày cuối cùng bà vợ tôi bịn rịn với mấy đứa con, cũng mấy phen do dự. Thật là "đi thì cũng dở, ở không xong". Rất may là vào phút cuối bà đã lấy quyết định kịp thời.

 

Ngồi trên chiếc truck của cô cháu gái, chạy băng băng trên xa lộ số 10 từ phi trường LAX về nhà anh chị Hiển, tôi thấy lòng bâng khuâng vô hạn. Hai bên đường nhà cửa khang trang, đẹp mắt. Trên đường, xe cộ ngược xuôi như mắc cửi, với tốc độ chóng mặt. Trời tháng chín ở Cali nắng vàng rực rỡ, nhưng sao trong lòng tôi vẫn thấy cô liêu, ảm đạm, bùi ngùi...Con đường nầy sẽ đưa tôi tới đâu đây, một cỏi bình yên, hay một phương trời vô định. Đâu đó trong tâm tư tôi bổng vọng lên mấy vần thơ mang âm hưởng mông lung, như than, như trách, như cợt, như đùa:

 

Tháng chín Cali nắng mỉm cười,

Nắng tràn xa lộ, nắng vàng tươi.

Hỏi anh lử khách từ xa lắc,

Sao bước lang thang tới xứ người?

 

Anh nhớ về đâu đó, hởi anh,

Quê xưa nay dẫu đã tan tành.

Dẫu trong cảnh khó nghèo, nô lệ,

Vẫn còn hơi hướm... chút xuân xanh.

 

Ở đây bốn phía chỉ người dưng,

Luật pháp đua chen với luật rừng,

Hết sợ kẻ thù đàng trước mặt,

Còn e... "chiến hữu" ở sau lưng.

 

Biết đến bao giờ hết nổi trôi,

Trời ta ta đứng, đất ta (ta) ngồi.

Nước non ngàn dặm nay ngăn cách,

Mỗi bước chân đi, dạ rối bời...

 

Anh Chị Hiển tiếp đón chúng tôi khá niềm nỡ, dành cho chúng tôi một căn phòng nhỏ trong ngôi nhà riêng ở đường Penn Mar, thành phố El Monte. Nhà anh khá đông người. Ngoài vợ chồng anh và vợ chồng cháu Nga, cô con gái thứ của anh, còn có thêm má vợ và cô em vợ của anh nữa. Tuy mọi người cư xử với nhau lịch sự, ít ra là nhìn bề ngoài, nhưng tôi cảm nhận sâu xa rằng mình phải nhanh chóng ra riêng càng sớm càng tốt, để tránh những chuyện lôi thôi không cần thiết có thể xảy ra làm sứt mẻ tình cảm gia đình. Tôi hiểu rằng, cho dầu là anh em ruột thịt, ai cũng có trách nhiệm riêng phải lo. Giúp đỡ nhau trong một thời gian ngắn đã là tốt lắm. Tôi tự đặt cho mình một thời hạn tối đa ba tháng phải hoàn tất mọi thủ tục hành chánh như: xin thẻ An Sinh Xã Hội (SSA), Giấy phép lái xe, trợ cấp tị nạn, v.v...để sẳn sàng dọn ra, đi kiếm việc làm. Tất cả những công việc linh tinh đó chúng tôi đều phải tự lo liệu. Người bảo trợ của chúng tôi quá bận rộn công việc làm ăn. Vả lại, anh cũng không hiểu biết bao nhiêu về luật lệ của Hoa kỳ, mặc dầu anh đã sống ở Mỹ hơn năm năm và đã vào quốc tịch. Xe buýt là phương tiện di chuyển duy nhất của chúng tôi trong thời gian đó. Trong xách tay của tôi có đầy đủ bản đồ các tuyến xe buýt trong thành phố. Xe buýt ở đây chạy rất đúng giờ, rộng rãi thoải mái, nhất là rất rẻ. Vào thời điểm cuối năm 1994, mỗi chuyến xe chỉ trả có 25 xu. Đi xe buýt tiện lợi, an toàn hơn lái xe hơi, nhưng lại mất nhiều thời giờ. Vì vậy, các bạn tôi cho biết người ta không thể xữ dụng phương tiện rẻ tiền nầy để đi làm việc, nếu không muốn bị trễ giờ và bị...mời ra khỏi sở. Kinh nghiệm sau nầy của tôi cho thấy các bạn tôi nói đúng. Trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng nhân viên, ngoài việc tìm hiểu năng lực, đức tính, kinh nghiệm... của ứng viên, người phỏng vấn luôn luôn đặt câu hỏi: “Anh có xe riêng không?". Có xe riêng cũng là một yếu tố quan trong trong quyết định của của họ. Cho nên ngoài khả năng tiếng Anh, học lái xe phải là ưu tiên hàng đầu cho người mới tới định cư. Có thể nói, tiếng Anh và bằng lái xe là điều kiện tiên quyết giúp ta mau chóng tìm được việc làm.

 

Rất may, các mục tiêu ban đầu của tôi đã hoàn tất trong vòng ba tháng. Trong cái may mắn nầy không thể không kể tới sự giúp đỡ tận tình của một bạn đồng nghiệp cũ là anh Đỗ Huy Nghĩa. Anh Nghĩa trước kia là Giáo sư Anh văn trường Trần Quốc Toản Thủ đức. Tôi quen biết anh từ hồi tôi làm Hiệu Trưởng Trung Học Hồ Biểu Chánh. Hồi đó anh mới ra trường, hai vợ chồng còn nghèo. Tôi cũng có làm một đôi điều cho anh trong khả năng của tôi, nhờ vậy mà thân nhau. Về sau, khi Phi Vân, cô con gái út của chúng tôi bắt đầu lên Trung học, anh đã nhận rèn luyện Anh văn cho cháu, cho tới khi cháu vào Đại học, không nhận một đồng thù lao nào. Anh qua Mỹ trước tôi vài năm, vào làm việc cho Hội USCC (United State Catholic Conference), cơ quan bảo trợ của chúng tôi. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt thành và tình cảm thân thiết của gia đình anh, chúng tôi được an ủi rất nhiều trong những ngày đầu tiên lưu lạc nơi đất khách quê người. Có lẽ trước kia tôi suy nghĩ quá bi quan. Quả tình ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu. "Ở đâu cũng có anh hùng. Ở đâu cũng có thằng khùng, thằng điên"...Cuối năm 1994 (ba tháng sau ngày đặt chân lên đất Mỹ) chúng tôi gom góp tiền dành dụm mua được một chiếc xe Toyota cũ. Giờ đây tôi đã sẵn sàng bắt đầu bước đi thứ hai: dọn ra riêng và tìm kiếm việc làm. Một người bạn ở thành phố Westminster, còn gọi là Little Saigon, sẵn sàng chia (share) cho tôi một căn phòng nhỏ với giá hai trăm năm mươi đô la một tháng, có thể dọn vô bất cứ lúc nào. Trước mắt, chúng tôi còn bốn tháng tiền trợ cấp, nghĩa là ít nhứt cũng qua được bốn...con trăng nữa, không sợ chết đói. Tới "con trăng" thứ năm mà chưa có việc làm, chắc chắn chúng tôi sẽ phải gia nhập vào đạo quân vô gia cư (homeless), rất hiếm hoi trên đất nước Hoa kỳ, và khách sạn...ngàn sao (vỉa hè) cũng sẵn sàng chờ đợi.

 

Dàn xếp xong chuyện ăn ở đúng vào ngày đưa Ông Táo về trời. Còn một tuần nữa là tới Tết Nguyên đán. Vợ chồng chúng tôi bàn nhau, đợi sau Tết sẽ dọn đi. Chúng tôi vẫn quen suy nghĩ theo lối Việt nam. Tết là những ngày thiêng liêng, ngày gia đình sum họp. Bây giờ, ở đây chỉ có anh chị Ba Hiển là thân nhân gần gủi nhứt. Dọn ra vào mấy ngày giáp Tết sợ coi không được. Nhưng một chuyện bất ngờ không ai chờ đợi đã xảy ra. Ngay buổi tối hôm ấy, anh Ba Hiển từ nhà hàng gọi điện thoại về nói chuyện với vợ tôi, trong lúc tôi đang ngồi đọc trang "Tìm người" (Help Wanted) trên tờ Los Angeles Times, không mấy chú ý tới cuộc nói chuyện giữa hai anh em. Cuộc nói chuyện kéo dài hơn mười phút. Không rõ hai người bàn với nhau những chuyện gì. Tôi chỉ giật mình ngước lên khi chợt nghe vợ tôi trả lời, giọng có hơi nằng nặng: "Tụi em không bao giờ ngồi chờ... sung rụng như anh chị tưởng đâu. Mấy tháng nay anh Phú chạy ngược chạy xuôi, lo toan mọi việc, tới nay đã thu xếp xong hết rồi, nhưng tụi em nghĩ nên đợi sau Tết dọn ra sẽ tiện hơn"... Chỉ với mấy tiếng "chờ sung rụng" tôi cơ hồ hiểu hết nội dung câu chuyện. Tôi bảo vợ trao điện thoại cho tôi nói chuyện trực tiếp với anh Hiển. Bằng giọng ôn hòa, nhã nhặn, tôi thưa với anh:

 

- Vợ chồng em rất biết ơn anh chị đã cưu mang, giúp đỡ trong mấy tháng nay. Lẽ ra, tụi em định chung vui với gia đình anh chị qua mấy ngày Tết rồi sẽ xin phép dọn đi, nhưng nay anh đã hỏi tới, em nhân tiện thông báo luôn anh chị biết, sáng mai tụi em sẽ xuống Santa Ana. Nơi ăn chốn ở em đã thu xếp xong rồi. Xuống đó em sẽ tích cực kiếm việc làm, chắc không đến nỗi nào đâu. Xin anh chị đừng lo.

 

Qua mấy giây không nghe anh nói gì, tôi trao điện thoại lại cho Ẩn, leo lên giường nằm nhắm mắt... để đó, suy nghĩ vẩn vơ...Trong lòng tôi có điều khó hiểu nhưng lâu nay không tiện nói ra, một phần cũng vì lòng tự trọng. Anh Chị Hiển đang là chủ một nhà hàng. Dưới tay anh có nhiều công nhân: phụ bếp, chạy bàn, dọn dẹp vệ sinh... Bà vợ tôi lại là em gái ruột của anh, nhưng suốt hơn ba tháng chúng tôi nương náu ở đây, chưa khi nào thấy anh chị ngỏ ý muốn sắp xếp cho chúng tôi bất cứ một công việc gì trong nhà hàng của anh chị. Anh bạn Đỗ Duy Nghĩa đã hơn một lần hỏi tôi về việc ấy. Tôi chỉ biết cười trừ, nói cho qua lề: "Tại tôi không có nộp đơn xin việc ở đó. Tôi muốn tìm công việc khác ở ngoài cho...khỏe hơn". Trái lại, qua cuộc nói chuyện trên điện thoại vừa rồi, anh Hiển yêu cầu vợ tôi phải trả tiền nhà mỗi tháng ba trăm đồng. Kể ra, số tiền đó cũng là vừa phải, không có gì đáng phàn nàn. Chỉ tiếc là nếu anh đủ kiên nhẫn đợi tới khi chúng tôi có việc làm đàng hoàng thì cho dầu anh không nói ra, cũng không cần dùng tới lời lẽ nặng nề, chúng tôi cũng tự biết phải làm sao cho đúng. Nói thật lòng, vào lúc đó tôi chưa quen với lối sống "sòng phẳng" của người Mỹ. Tôi còn rất "lạc hậu" theo kiểu Việt nam, coi tình nghĩa trọng hơn tiền bạc. Nói cách khác là cái "cục tự ái" trong bụng tôi còn bự quá. Cho nên, mặc dầu vẫn nhớ ơn sự giúp đỡ của anh chị, tôi nhứt định phải dọn ra ngay. Tám giờ sáng hôm sau, chúng tôi thong thả thu xếp quần áo, vật dụng riêng vào va li, không mang theo bất cứ món gì anh chị Hiển cho mượn dùng trong thời gian chúng tôi tạm trú. Cả cái radio nhỏ anh đưa cho nghe tin tức, tôi cũng để lại trên bàn. Tính ra lần ra đi nầy hành trang của chúng tôi còn nhẹ nhàng hơn hồi rời Việt nam để đi tới Mỹ rất nhiều. Tôi lái xe chạy thẳng ra nhà hàng, chào từ giả anh chị, nói lời cám ơn lần cuối, rồi mở bản đồ tìm đường đi xuống Westminster, nơi cư trú đầu tiên của chúng tôi trong quảng đời lưu lạc. Ngày đó tôi chưa dám lái xe trên đường cao tốc (Freeways). Chỉ nhìn dòng xe phóng như tên bay đã thấy chóng mặt. Chạy đường trong (Local Roads), từ Los Angeles tới Westminster mất hơn hai tiếng đồng hồ, thay vì đi freeway chỉ mất một tiếng là cùng. Sau nầy, vì nhu cầu bảo đảm giờ giấc làm việc, tôi phải làm gan tập chạy Freeways, riết rồi cũng quen.

 

Xe chúng tôi đang chạy trên đại lộ Beach theo hướng Bắc-Nam. Tới ngã tư đại lộ Bolsa rẽ trái. Vượt qua ngã tư Newland, Magnolia là tới trung tâm thành phố Westminster, nơi có khu thương mại đông đúc của người Việt mà tiêu biểu là khu thương xá Phước Lộc Thọ, một điểm hẹn rất dễ dàng cho những người Việt ở xa lần đầu tiên tới thăm thành phố nầy, bởi vì nói tới khu Phước Lộc Thọ hầu như ai cũng biết. Westminster là tên chính thức của thành phố, nhưng người Việt vẫn thích gọi nó bằng một cái tên thân thương, gần gủi hơn: Sài Gòn Nhỏ hay Little Saigon. Họ coi đó là Thủ đô Tị Nạn của người Việt định cư tại Hoa kỳ. Tôi xin dừng lại ở đây đôi phút để kể thêm một đôi điều về cái "Thủ đô" mới nầy, như là một "giây phút chạnh lòng" nghĩ về cái thành phố Sài gòn thân yêu nay đã mất...tên. Ai cũng biết, ngày xưa người Pháp đã gọi Sài gòn là "Hòn Ngọc Viễn Đông" (Une Perle de l'Extrême Orient). Đối với du khách từ khắp năm châu thì Sài gòn quả nhiên là một cô gái mỹ miều, xinh đẹp, đầy quyến rũ. Sau biến cố đau thương 30-4-1975, cô gái xinh đẹp ấy bị cưỡng bức, bị xóa tên, bị dày vò trong nô lệ, khốn cùng. Người Miền Nam mất Sài gòn. Sài gòn mất tên, nhưng trong lòng mỗi người Việt tự do, dù đang kẹt lại trong nước hay lưu vong trên khắp thế giới, âm vang của lời ca "Sài gòn đẹp lắm! Sài gòn ơi! Sài gòn ơi!" vẫn sống mãi. Mười ba năm sau ngày cô chị Sài gòn lâm đại nạn, cô em Sài Gòn Nhỏ lại chào đời ở một nơi cách xa nửa vòng trái đất, tại Quận Cam, miền Nam Cali, trên đất nước Hoa kỳ. Cô được Thống Đốc Cali George Deukmejian cấp "Giấy Khai Sinh" ngày 17-6-1988, chính thức ghi tên trên bản đồ địa phương "The Thomas Guide" đàng hoàng, hợp pháp. Có dịp đi dạo một vòng trên phố Bolsa, ta sẽ có cảm giác như đang đi giữa Sài gòn năm xưa, tha hồ ngắm nghía các cửa hàng đủ kiểu, đủ cỡ mang những bảng hiệu rất thân quen: Phở Đa Kao, Bún Nước Lèo Bạc Liêu, Siêu Thị Sài Gòn, Chả Cá Thăng Long, Cà Phê Dĩ Vãng, v.v...Sống ở Sài gòn nhỏ, không cần biết tiếng Anh. Đi đâu cũng gặp người Việt, kể cả khi có việc liên hệ tới các cơ quan công quyền như Tòa Thị chính, Sở Xã hội...thậm chí ngay trong Sở Cảnh sát nữa. Đi giữa Sài Gòn Nhỏ, ta còn thấy lại lá Quốc kỳ VNCH, nền vàng, ba sọc đỏ thân thương ngạo nghễ tung bay bên cạnh lá cờ "sao sọc" của Hoa kỳ. Westminster là thành phố đầu tiên ban hành Nghị quyết công nhận cờ vàng là di sản văn hóa của người Mỹ gốc Việt. Tiếp sau đó, có bốn Tiểu bang và hàng trăm thành phố khác trên đất Mỹ công khai thừa nhận. Lá cờ vàng ba sọc đỏ tưởng đâu đã chết bổng nhiên vươn vai đứng dậy khắp năm châu bốn bể, bất chấp sự phản đối giận dữ của những người cộng sản trong nước. Khi tôi cầm bút ghi lại những dòng nầy, cô em Sài Gòn Nhỏ đã tới tuổi trưởng thành (21 tuổi). Mặc dầu sinh sau cô chị đến 128 năm (Saigon được người Pháp xây dựng năm 1860), nhưng nhờ gặp miền đất phì nhiêu, môi trường thuận lợi, cô em Sài Gòn Nhỏ lớn nhanh như Phù Đổng, càng ngày càng khỏe mạnh, xinh đẹp, giàu sang hơn cô chị rất nhiều. Một ngày đẹp trời nào đó không xa, khi cô Sài Gòn chị được giải thoát, được tự do, hai chị em cùng chung Mẹ Âu Cơ nầy sẽ nắm tay nhau, nối vòng tay lớn, chị ngã em nâng, trong ngoài kết hợp, lo gì không sớm trả lại cho Mẹ Việt Nam nụ cười hạnh phúc.

 

Ổn định xong nơi ăn chốn ở, chúng tôi gấp rút tìm việc làm. Vợ tôi là người tới sở làm đầu tiên, vì bà vốn có nghề may rất vững. Một người bạn giới thiệu bà với một shop may quen biết, và bà có việc làm ngay tức thời. Tuy rằng lúc đầu chưa quen sử dụng máy công nghiệp, năng suất còn thấp, nhưng thu nhập cũng đủ trang trãi tiền thuê nhà hàng tháng và hai bửa cơm thanh đạm mỗi ngày. Phần tôi mới thật gay go. Tôi bây giờ coi như một con người vô nghề nghiệp. Nghề nghiệp, học vị tôi có trước kia nay đã hết xài. Tuổi tác của tôi tuy chưa thật già, nhưng cũng đã hết...trẻ, rất khó kiếm việc làm thích hợp. Một bửa đang ngồi uống cà phê trong Phước Lộc Thọ, tôi tình cờ gặp lại người bạn cũ, anh Trần Văn Đạt, hỗn danh Đạt Sún. Trước kia anh là Trung Úy Hải quân. Tôi quen biết anh trong trại cải tạo Kà Tum hồi năm 1976 kể cũng rất thân tình. Hiện giờ anh làm phụ giáo (Teacher Aid) tại Khu Học Chánh Garden Grove. Sau một lúc nói chuyện đời xưa, chuyện nhà tù nhỏ, rồi nhà tù lớn, tôi bèn hỏi anh một câu nửa đùa nửa thật:

 

- Anh nói qua Mỹ đã lâu rồi, vậy anh có biết ở xứ nầy có cái nghề nào mà người ta không chê người già hay không?

 

Tôi tính hỏi chơi cho vui thôi, không dè anh ta trả lời ngay, không chút do dự:

 

- Có chớ!

 

- Nghề gì vậy?

 

- Làm nhân viên an ninh tư (Private Security Officer). Anh là cựu sĩ quan, tiếng Anh khá, làm được đó. Nếu anh muốn, ngày mai tôi dẫn anh tới Gendarme Institute thi lấy Chứng Chỉ Hành Nghề. Có cái giấy đó rồi, xin việc làm dễ ợt.

 

- Mà thi có dễ không. Tôi mới qua, đâu có kinh nghiệm gì.

 

- Nói dễ không dễ, mà khó cũng không khó. Tôi biết khả năng anh...dư sức qua cầu. Vậy nghe, sáng mai 9 giờ anh tới đây uống cà phê, rồi mình cùng đi.

 

Nghề nghiệp đầu tiên của tôi trên đất Mỹ khởi đầu một cách... giỡn chơi như vậy đó. Cũng giống như năm xưa anh bạn Phan dẫn tôi đi thi vào trường Sư phạm Sài gòn. Cũng tính thi chơi thôi. Ngờ đâu tôi thi đậu, sau trở thành thầy giáo, rồi bò lên tới chức Giáo sư, còn Phan thi rớt, trở về học tiếp, rồi thành...kỷ sư. Tương lai của con người đố ai đoán trước được. Làm nhân viên an ninh tư (Security Officer) tương đối nhàn nhã, tiền lương cũng khá lắm. Vào thời điểm 1994, lương tối thiểu của công nhân theo luật lao động là $4.25 (bốn đô la và 25 xu) một giờ. Một nhân viên không võ trang (unarmed) như tôi được trả $6.50 một giờ, còn nhân viên võ trang (có mang súng) được tới 7 hoặc 8 đô la một giờ. Tôi chọn làm nhân viên không võ trang, một phần vì đã quá chán ngán súng đạn, phần khác để tránh bớt nguy hiểm. Những đồng nghiệp có kinh nghiệm cho biết bọn trộm cướp thấy mình có súng đương nhiên phải hạ thủ trước, để thoát thân, còn thấy mình tay không chúng có thể "né" đi cho xong chuyện, khỏi lôi thôi lớn với pháp luật. Thôi thì cứ theo sách vỡ, "ăn ít no dai..." chắc sẽ tốt hơn. Tôi làm cho hãng BURNS International được ba tháng thì gặp phải chuyện không vui nên quyết định xin thôi. Lại vẫn là câu chuyện liên quan tới vấn đề...kỳ thị. Lúc đó tôi lãnh nhiệm vụ canh gác ở cửa ra (Exit) của cửa hàng FEDCO, một cửa hàng lớn (Department Store) chỉ bán hàng cho Hội viên gồm những công nhân, viên chức đang đi làm. Cửa hàng nầy nổi tiếng về các vụ ăn cắp vặt (shoplifting) nên Ban Giám Đốc yêu cầu nhân viên an ninh để ý các khách hàng khả nghi, chẳng hạn khi thấy có món hàng nào trơ trọi bên ngoài các túi đựng hàng thì phải xem xét hóa đơn của khách hàng coi món ấy có ghi trong hóa đơn hay không. Tôi làm công việc ấy nhiều lần rồi, không có trở ngại gì, nhưng sáng hôm nay tôi xui xẻo gặp một bà khách Mỹ đen. Bà có tới hai món hàng nằm ngoài các túi đựng. Tôi ra hiệu cho bà dừng lại, nhã nhặn yêu cầu bà cho xem hóa đơn. Thật bất ngờ, bà ta bổng nhiên trừng mắt nhìn tôi, sừng sộ:

 

- Tại sao? Ông nghi tôi ăn cắp chăng?

 

Tôi cố bình tỉnh, phân trần:

 

- Thưa bà, không phải đâu. Tôi chỉ muốn xem mấy món nầy có trong hóa đơn không thôi. Tôi xin lỗi, đó là điều người ta yêu cầu tôi phải làm. Xin bà thông cảm cho.

 

Bà Mỹ đen vẫn tiếp tục lớn tiếng:

 

- Tại sao ông chỉ hỏi tôi mà không hỏi những người khác. Có phải vì tôi là người da đen không?

 

Biết chuyện đã tới mức không ổn, tôi đấu dịu:

 

- Xin bà đừng hiểu lầm. Tôi chỉ làm nhiệm vụ người ta giao cho thôi, không có ý gì khác đâu. Nếu việc nầy làm bà không hài lòng, cho tôi xin lỗi. Mời bà cứ tự nhiên...

 

Tôi ra hiệu cho bà ta ra cửa. Bà ta ngúng nguẩy đẩy xe đi, miệng còn lẩm bẩm:

 

- Đồ tồi! Hãy liệu hồn...

 

Mấy bà khách Mỹ trắng tự nảy giờ đứng theo dõi câu chuyện. Một bà nói với tôi:

 

- Con mụ đen đó thật hỗn láo. Sao ông không gọi cảnh sát?

 

Tôi nhìn bà, cười buồn:

 

- Chuyện nhỏ thôi, tôi không muốn làm lớn chuyện. Dầu sao bà ta cũng là khách hàng, cần được tôn trọng. Không phải sao?

 

Bà Mỹ trắng lắc đầu bỏ đi. Câu chuyện làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Thì ra đã hơn ba mươi năm từ ngày Tổng Thống Kennedy ký đạo luật xóa bỏ kỳ thị chủng tộc, cái tinh thần xấu xa ấy vẫn còn âm ỉ trong máu huyết của người dân Mỹ, cả đen lẫn trắng. Nhưng gán cho tôi cái tội kỳ thị quái đản ấy, rõ ràng là "oan ôi Ông Địa". Tôi chỉ là một người tị nạn da vàng, bất đắc dĩ phải bỏ nước ra đi. Chuyện đen trắng trên đất nước nầy đâu mắc mớ tới tôi...Câu chuyện không vui đó khiến tôi đâm chán. Ngày hôm sau, tôi tới công ty, đưa đơn xin thôi việc, sẵn sàng gia nhập vào đội quân...thất nghiệp, lãnh "lương" của cơ quan EDD (Employment Development Department), đủ húp cháo cầm hơi, tìm cơ hội khác. Đó là "kinh nghiệm" đầu tiên của tôi trên đất nước giàu có, hùng mạnh nhất thế giới nầy.

 

Những ngày sau đó, tôi lân la làm quen với một cơ quan thiện nguyện khác, có cái tên dịch ra tiếng Việt dài nhằng, Trung Tâm Đa Văn Hóa Thiên Chúa Giáo (Catholic Cross-Cultural Center, viềt tắt CCCC, gọi nôm na là Con Cò Cắn Cổ). Trụ sở cơ quan nầy nằm phía sau nhà thờ Saint Anselm nên người ta quen gọi là Trung Tâm Saint Anselm. Tôi muốn nhân đây kể qua một vài dòng về vai trò của các Hội Thiện nguyện nầy. Hoa Kỳ là đất nước của di dân. Mỗi năm, Quốc Hội thông qua luật qui định các điều kiện và cho phép Chánh phủ tiếp nhận một số lượng di dân nhất định đến từ khắp nơi trên thế giới. Do số lượng di dân, tị nạn quá đông, có năm lên tới cả triệu người, Chánh phủ không đủ nhân viên phụ trách các chương trình trợ giúp cho những người mới tới sớm hội nhập vào xã hội Hoa kỳ, chẳng hạn như mở lớp dạy tiếng Anh (ESL), giúp tìm việc làm, luyện thi nhập quốc tịch... Vì vậy, Chánh phủ cấp ngân khoản, giao cho các Hội Thiện nguyện tư nhân, thường do các tôn giáo lập ra, như USCC, IILA (International Institute of Los Angeles, CCCC, v.v... tiếp tay Chánh phủ thực hiện các chương trình nầy. Mỗi Hội thiện nguyện được cấp ngân khoản (Fund) tùy theo số lượng di dân ghi tên tham gia các chương trình do Hội phụ trách. Đối với di dân, các chương trình trên đều miễn phí. Nhưng các viên chức phụ trách đều được lãnh lương, được hưởng đầy đủ các quyền lợi khác như bảo hiểm y tế, quỹ hưu bổng... lấy từ ngân khoản của Chánh phủ. Việc làm và quyền lợi của họ do di dân mà có. Hết di dân, họ cũng mất việc, không còn "phân" (Fund) để ăn. Nói như vậy để chúng ta hiểu rằng họ không có quyền lực gì lớn, như một số người trong họ thường phô trương một cách lố bịch, theo kiểu "ma cũ ăn hiếp ma mới", như nhiều người trong chúng ta thường gặp khi mới tới Hoa Kỳ. Tại Trung Tâm Saint Anselm nầy, tôi cũng gặp phải một con người như vậy. Anh ta vốn là một "người di tản buồn", theo cách nói của ông Nam Lộc, nghĩa là đã nhanh chân chạy khỏi Việt nam trước khi cộng sản ập vào, chưa kịp "nếm" chút hương vị...kinh hồn của... chủ nghĩa xã hội. Tôi biết anh ta trước kia làm việc ở Nha Khảo Thí. Tôi thường gặp anh ta mỗi lần lên đó nhận giấy tờ đi coi thi. Chúng tôi chỉ biết nhau nhưng không thân cho lắm. Bây giờ anh ta ngồi đây, phía sau một cái bàn viết rộng, bên trên chất đầy hồ sơ, quần áo bảnh bao như một ông quan lớn. Tôi chào anh ta với nụ cười đàng hoàng nhưng anh ta làm bộ chăm chú vào tập hồ sơ, như không hề trông thấy cái bản mặt của tôi. Tôi thản nhiên kéo ghế cái rột và ngồi xuống, không chờ anh ta mời mọc. Chừng đó anh ta mới chịu ngước cặp mắt kiếng lên, hỏi một câu cộc lốc:

 

- Anh cần gì?

 

Tôi nói một hơi không cần giữ ý, vừa nói vừa đưa tay chỉ về phía Bà Sarah, "xếp lớn" của anh ta:

 

- Thưa...cán bộ! Cái bà Mỹ trắng đàng kia biểu em tới đây gặp cán bộ để xin việc làm.

 

Nguyên là khi mới tới đây, tôi đã gặp bà Sarah ở ngoài cửa. Bà chào hỏi tôi rất tử tế, hỏi tôi tới có việc gì. Tôi trình bày với bà tôi là người tị nạn từ Việt nam, tới nhờ Trung Tâm giúp tìm việc làm. Bà Mỹ lịch sự mời tôi tới bàn viết của bà, ân cần hỏi thăm tình cảnh của tôi, rồi chỉ tôi tới gặp người phụ trách giới thiệu việc làm của Trung Tâm. Chính là cái ông "cán bộ" nầy đây. Ông "cán bộ" mặc đồ lớn, đeo kính trắng gọng vàng, sững người trừng mắt ngó tôi lom lom như gặp phải ma cà rồng. Rồi bổng nhiên anh ta liếc xéo về phía bà Sarah, hạ giọng nhỏ nhẹ, hiền như...ma sơ:

 

- Ông P. phải không? Ông qua hồi nào vậy? Mà nầy, ông đừng kêu tôi là cán bộ, coi chừng người ta hiểu lầm, kỳ lắm. Ông cần việc làm hả? Yên tâm đi, để tôi cố gắng lo cho ông.

 

Trông cái kiểu quýnh quáng của anh ta, tôi không nhịn được cười. Thì ra người xưa nói không sai, "ma bắt coi mặt người ta" mà. Tôi vừa nói vừa cười, nửa đùa nửa thật:

 

- Xin lỗi. Tại thấy anh "oai" quá làm tôi cứ tưởng mình đang còn ở...Việt Nam.

 

Tôi không muốn nêu tên anh ta ra, bởi vì quả tình sau đó anh ta lo cho tôi rất chu đáo, chỉ cho tôi điền đơn xin việc, viết "sơ yếu lý lịch" (Résumé) và ngày hôm sau còn đích thân lái xe đưa tôi, cùng với vài bạn di dân khác, tới hãng Sohnen Enterprise ở thành phố Santa Fe Springs để xin việc. Nghe nói mỗi người do Trung Tâm giới thiệu được thu nhận, công ty phải trả cho Trung Tâm một trăm đô. Người Mỹ làm ăn sòng phẳng lắm, không ai làm việc "không công" cho ai bao giờ. Tôi thích cách làm ăn như vậy.

 

Cô thư ký người gốc Mễ đưa chúng tôi vào một căn phòng nhỏ, nơi đó chúng tôi được phát cho một bài thi trắc nghiệm, phải làm xong trong một tiếng đồng hồ. Bài thi tương đối dễ, chỉ gồm một trăm câu hỏi thuộc về kiến thức phổ thông và một số bài toán đơn giản. Thu bài xong, cô thư ký lịch sự nói lời cám ơn, hẹn khi nào có kết quả cô sẽ thông báo bằng điện thoại. Hai ngày sau, tôi nhận được điện thoại từ văn phòng Bà Linda Brown, Giám đốc Phòng Nhân Dụng (Human Resourses Director) của công ty, mời tôi đúng 9 giờ sáng hôm sau tới gặp bà Linda để phỏng vấn. Tôi lái xe tới nơi trước giờ hẹn mười lăm phút, thông báo cho cô thư ký, rồi ngồi đợi ở bên ngoài. Đợi mãi tới 9 giờ 30 vẫn chưa thấy bà ta đâu. Tôi sốt ruột hỏi cô thư ký nhưng cô ta nói không biết sao tới giờ chưa thấy bà Giám đốc tới văn phòng. Tôi lắc đầu trở ra, đợi thêm mười phút nữa vẫn không thấy gì. Hết kiên nhẫn, tôi vào gặp cô thư ký, nhờ cô chuyển lời giùm cho bà Linda rằng tôi đã đợi tới hơn 40 phút để tỏ lòng tôn trọng bà ta, nhưng bây giờ tôi phải về, không muốn đợi thêm một giây nào nữa. Nói xong, tôi đi thẳng ra Parking, leo lên xe, mở máy..., kể như những cố gắng trong mấy ngày nay đã thành công...dã tràng. Đúng vào lúc tôi định cài số "de" rời khỏi parking, bỗng nhiên một bà Mỹ trắng, tuổi độ trung niên, ăn mặc lịch sự, từ trong văn phòng hớt hải chạy về phía tôi, vẫy vẫy tay ra hiệu cho tôi dừng lại. Tôi tắt máy, bước xuống xe đứng đợi bà. Bà Mỹ trắng đưa tay cho tôi bắt, vừa nói qua hơi thở hỗn hễn:

 

- Tôi là Linda. Tôi xin lỗi đã để ông đợi lâu. Tôi bị kẹt xe giữa đường nên tới trễ. Mời ông trở vô văn phòng nói chuyện.

 

Thái độ chân thành, cởi mở của bà làm tôi hết sức ngạc nhiên. Lẽ ra đối với một người tị nạn da vàng mũi tẹt, đang đi kiếm việc như tôi, cùng lắm bà chỉ cần bảo cô thư ký chạy theo gọi tôi trở vô là đủ, đâu cần một Giám đốc như bà phải đích thân làm việc đó. Sau nầy, khi có cơ hội theo học ngành Quản Trị Kinh Doanh, tôi mới hiểu nước Mỹ đã đào tạo những nhà Quản Trị của họ như thế nào và vì sao đất nước nầy trở nên giàu có như vậy. Cho dầu chỉ là công nhân hạng thấp, một khi cảm thấy mình được tôn trọng, được cư xử xứng đáng với phẩm giá con người, ai chẳng hết lòng phục vụ, xây dựng và bảo vệ công ty...

 

Tôi làm việc cho Sohnen Enterprise được chừng một năm. Sau đó nhảy sang vài công việc khác nữa, trước khi về nghỉ hưu. Nói thật lòng, ở nước Mỹ nầy tôi không lập nên một sự nghiệp gì đáng kể. Đúng như lời anh bạn Khanh năm xưa đã nói, tôi không thể làm giàu, không tạo được nhà cao cửa rộng như nhiều người trẻ tuổi đã thành công trên đất Mỹ. Tôi tới đây vào lúc tuổi xế chiều, Nhưng sau mười lăm năm "sống và làm việc theo Hiến Pháp và Luật Pháp...Hoa Kỳ", hai vợ chồng già đơn độc chúng tôi cũng có một đời sống đàng hoàng, xứng đáng với phẩm giá con người, chưa một ngày phải ăn xin, cũng chưa một đêm làm bạn với khách sạn...ngàn sao. Như vậy kể cũng giỏi lắm rồi. Điều quan trọng là dầu trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng tôi vẫn không quên mình là những người Việt Quốc gia, tị nạn cộng sản. Tấm lòng chúng tôi luôn hướng về quê hương thân yêu mà một lần chúng tôi đã đau khổ dứt áo ra đi; luôn mong đợi một ngày Dân tộc vinh quang khi chúng tôi trở lại. Tấm lòng đó là thủy chung như nhứt, trước sau như một, không gì lay chuyển nỗi...

 

Chiêu Dương NGUYỄN VĂN PHÚ

 

blank

 

10 Tháng Năm 2022(Xem: 5437)
Gió đưa Áo Mẹ Lên Trời Con còn dong duổi áo phơi bụi trần Thiên đường cách mấy bước chân Hay là địa ngục cũng lần tới đây Cù lao chín chữ cao dầy...
06 Tháng Năm 2022(Xem: 6310)
. Khác với người phương Tây, Việt Nam chúng tôi có rất ít các viện dưỡng lão. Khi Cha Mẹ tới tuổi già, con cái luôn muốn được sống kề cận để chăm sóc..
06 Tháng Năm 2022(Xem: 6151)
Các bạn ơi! Sẵn sàng nhé.... Mong đa số đều có ý tưởng đoàn kết, yêu thương và có trách nhiệm để tiếp tục phụ lái con thuyền NQ ra biển lớn.
01 Tháng Năm 2022(Xem: 9619)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: ĐIỀU CHƯA BÀY TỎ - Thơ Tưởng Dung, Nhạc Phạm Chinh Đông- Trình bày & Ca sĩ: KaNa Ngọc Thúy
01 Tháng Năm 2022(Xem: 8351)
Xin bấm vào link ở trên hoặc vào giữa hình bìa Giai Phẩm Xuân bên dưới và kéo xuống để xem toàn bộ nội dung Giai Phẩm Xuân NQ 1965
11 Tháng Ba 2022(Xem: 5326)
tiệc Tân Niên 2022 của Hội Ái Hữu Biên Hòa vẫn ngọt lịm tình người đồng hương xứ bưởi, với sự tham dự của nhiều thầy cô, cựu học sinh Trung Học Ngô Quyền cùng gia đình và thân hữu.
05 Tháng Ba 2022(Xem: 7741)
Kính chuyển hình ảnh Tiệc Mừng Xuân Nhâm Dần Hội Ái Hữu Biên Hòa Tổ chức lúc 10:30 Ngày 27/2 /2022 Tại nhà hàng Paracel Seafood.
04 Tháng Ba 2022(Xem: 11968)
Xin mời thưởng thức video " HƯƠNG BƯỞI GỌI NGƯỜI VỀ" Lấy ý tưởng từ 2 bài thơ "Dỗ Dành Hương Bưởi" và "Những Chiếc Ghế Còn Bỏ Trống" của Trần Kiêu Bạc.
24 Tháng Hai 2022(Xem: 5438)
vậy là đúng như mẹ em nói tuổi nào cũng có số mệnh của nó, nhiều khi chỉ ngẫu nhiên mà hoạn nạn rơi vào tuổi Dần rồi gây ra ấn tượng và mang tiếng thêm cho người mang tuổi Dần mà thôi
01 Tháng Hai 2022(Xem: 5646)
Bài sẽ bàn về tục ngữ ca dao dinh dáng ít nhiều đến hổ,
28 Tháng Giêng 2022(Xem: 8514)
Nhưng các loại hoa quả chưng ngày Tết và dịp Tết Trung Thu người ta không thể thiếu bưởi. Bài này tôi chỉ xin bàn về quả bưởi thôi.
27 Tháng Giêng 2022(Xem: 8012)
Hai năm nay chỉ ưu tư vì Covid nên làm gì có xuân thủy tiên. Gửi cho em vài hình thủy tiên cũ, với tựa đề "Xuân này em không về.." Chúc mừng năm mới các em.
22 Tháng Giêng 2022(Xem: 6176)
Tôi ra về lòng vui biết bao Thầy Cô vẫn khỏe như độ nào Ước gì dẹp sạch con Covid Lột khẩu trang tháng bảy gặp nhau.
02 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 6037)
Tạ ơn thời có lắm điều Sách dày ghi được bao nhiêu cho vừa; Bao niềm vui mới nên thơ Theo lòng cảm tạ bất ngờ hiện ra Khi ta nhìn khắp gần xa Thấy chân hạnh phúc thăng hoa dạt dào!
24 Tháng Mười 2021(Xem: 6206)
Sau hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, một nhóm CHS Ngô Quyền niên khóa 1986 - 1987 đã tổ chức Họp mặt vào ba ngày October 08/09/10 năm 2021 tại Arizona.
04 Tháng Chín 2021(Xem: 9405)
Con đường này đã gắn liền với tuổi thơ của tôi. Đường Trịnh Hoài Đức (THĐ) không dài lắm, độ chừng 2 km, bắt đầu từ Công trường Sông Phố và kết thúc ở bùng binh Biên Hùng.
01 Tháng Chín 2021(Xem: 9386)
Yêu nhau trọn vẹn sắt son Xuân đi đông đến vẫn còn bên nhau Anh xin nguyện ước một câu Đôi ta vẫn mãi bên nhau suốt đời
27 Tháng Tám 2021(Xem: 10234)
Bước chân buồn lặng lẽ trôi Hắt hiu một bóng, luân hồi phù vân Câu kinh nhật tụng vọng âm Một người ở lại thế trần quạnh hiu.
16 Tháng Tám 2021(Xem: 11070)
một nén hương thắp cho người bạn thời thơ ấu, vào ngày giỗ đầu. tháng 8, năm 2021.
14 Tháng Tám 2021(Xem: 9509)
Thương ai tóc rối tơi bời Tình ơi một kiếp rong chơi ta bà Lạy người yên nghỉ nơi xa Sợi buồn ta giữ trăng tà nhớ ai.
14 Tháng Tám 2021(Xem: 10328)
Mùa VU LAN Nhìn màu hoa nhớ MẸ Nhớ cả TRÁI RỪNG đã trôi vào cổ tích nhớ thương.
14 Tháng Tám 2021(Xem: 9558)
Chiều nay em đã đi rồi Bên bờ bến vắng bồi hồi nhớ nhung Triều dâng ngọn sóng ngập ngừng Chờ em quay lại nơi từng bên nhau
08 Tháng Tám 2021(Xem: 9556)
Phận con chữ hiếu chưa tròn Chưa ngày chăm sóc, mỏi mòn cách xa Cho con cúi lạy xin tha Một lời sám hối xót xa cõi lòng
07 Tháng Tám 2021(Xem: 9989)
Gửi dấu yêu vào dạt dào gió lộng Tơi tả bay khăn áo lụa xuân thì Làm lạc mất hình ra xa khỏi bóng Gần cuối đời nước mắt vẫn tràn mi.
01 Tháng Tám 2021(Xem: 9627)
Có lúc tưởng mình chỉ là cái bóng Yêu nồng nàn lại chẳng thể gần nhau Anh... Lặn lội phương xa nhiều lận đận Em... Ẩn mình vào ốc nhỏ long đong.
28 Tháng Bảy 2021(Xem: 9029)
Những cánh chim ẩn mình đã tung bay vào nắng sớm, cây cỏ sau vườn chổi dậy những mầm xanh…
26 Tháng Bảy 2021(Xem: 8961)
. Chú dừng chổi và chợt hỏi mình ên: -Ông nội ơi! bài vở ở trường có phải là tạp niệm không ông nội?