Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Minh Thủy - Trường Ngô Quyền, Những Khuôn Mặt Ấy...

20 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 38724)
Nguyễn Thị Minh Thủy - Trường Ngô Quyền, Những Khuôn Mặt Ấy...

Trường Ngô Quyền, Những Khuôn Mặt Ấy...

Nguyễn Thị Minh Thủy

Viết một bài có tính cách vinh danh những khuôn mặt làm rạng rỡ cho ngôi trường Ngô Quyền thân yêu, tôi lấy làm ái ngại vô cùng. “Người Việt mình” thường có “truyền thống” “tốt khoe xấu che”, nhưng đôi khi vô tình (hay cố ý?) lại thích “thừa thắng xông lên”, và xông mạnh đến nỗi gây “nhức nhối” trái tim người đối diện. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Với khuôn khổ một tờ Kỷ Yếu có tính cách nội bộ như tờ đặc san này, những dòng “Vẻ Vang Dân Ngô Quyền” (mượn chữ của ký giả Trọng Minh) cũng có thể được hiểu như một sự chia sẻ chút niềm hãnh diện “giống nòi” giữa chúng ta, thì hẳn nhiên “công tác” này cũng là một “sứ mạng thiêng liêng” đáng làm lắm chớ.

Tuy nhiên, còn một vấn nạn nhỏ nữa, vì đối với tôi, ở đời, ai đã sống cho ra người, sống không tự thẹn với chính mình, thì đều đáng vinh danh hết thảy. Vậy thì biết “binh ai, bỏ ai” bây giờ? Thôi thì, xin phép cho tôi thu hẹp lại, để viết về vài nhân vật tiếng tăm hoặc có đóng góp đặc biệt cho xã hội - trong hàng ngũ giáo sư hoặc cựu học sinh - mà cá nhân tôi được hạnh duyên quen biết mà thôi.

 

nxh1973dayhocopetrusky-contentTrước hết, đó là nhà giáo kiêm nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Thật sự ra, tôi quen gọi thầy là “anh Hoàng” vì mối giao tình giữa thầy và vợ chồng tôi mang tính cách anh em trong văn giới mà Nguyễn Xuân Hoàng là một tên tuổi, một bậc đàn anh rất lớn. Đùng một cái, trong bữa hội ngộ Tất Niên Ngô Quyền mừng Xuân năm 2000 tại San Jose, tôi ngạc nhiên khi thấy “anh Hoàng” hiện diện trong một bàn tiệc với nhiều cựu học sinh có vẻ rất “lão tướng”, tóc ai cũng bạc trắng (trừ anh). Tôi ngạc nhiên hỏi nhỏ (giờ nghĩ lại còn quê): “Ủa, anh Hoàng là dân Nha Trang mà cũng có học trường Ngô Quyền à? Chắc anh thuộc niên khóa một ngàn chín trăm nẫm nẫm hả?” Anh Lý Khánh Hồng, một bậc đàn anh kỳ cựu đã cười tôi: “Con nhỏ này ngộ thiệt, anh đây gọi thầy Hoàng là thầy mà em dám gọi thầy là anh!”

Chừng đó, kẻ hậu sinh này mới “tỏ tường” là thầy Hoàng đã dạy Triết ở Ngô Quyền một thời gian, khoảng đầu thập niên 60, khi thầy mới vừa ra trường. Tuổi trẻ tài cao nên lúc thầy mới nhận việc, cả trường, từ thầy hiệu trưởng, giám học, giám thị cho tới học sinh đều lầm tưởng thầy là... một nam sinh bướng bỉnh, không chịu đeo phù hiệu Ngô Quyền! (Không biết thầy Hoàng có bị thầy Hiệu Trưởng Bảo quất roi mây chưa nhỉ?) Sau đó, thầy Nguyễn Xuân Hoàng thuyên chuyển về Sài Gòn và sớm giã từ nghiệp gõ đầu trẻ để lăn vào trường văn trận bút. Trước năm 1975, thầy đã có nhiều tác phẩm được xuất bản và từng là Tổng Thư Ký tòa soạn báo Văn, một nguyệt san văn học có giá trị. Ở Hoa Kỳ, thầy tiếp tục làm Tổng Thư Ký nhật báo Người Việt trong nhiều năm, kiêm chủ bút nguyệt san Thế Kỷ 21 một thời gian và chính thức trông coi tờ Văn (tục bản) với sự truyền thừa của nhà văn Mai Thảo. Hiện nay, thầy là chủ bút Việt Mercury News, một tuần báo Việt ngữ cự phách của San Jose với số ấn bản cao chưa từng có: 35,000 tờ. Ngoài những sách đã viết trước 75, những tác phẩm của thầy Nguyễn Xuân Hoàng ở hải ngoại đều được độc giả đón nhận nồng nhiệt, gồm các cuốn như “Sa Mạc”, “Bụi Và Rác”, “Căn Nhà Ngói Đỏ”, vân vân. Đặc biệt nhất là cuốn “Người Đi Trên Mây”, tựa sách này đã nghiễm nhiên trở nên một thuật ngữ rất phổ biến để diễn tả rất đúng những... người đi trên mây (như tôi) và cũng thành biệt danh của thầy từ đó.

 

thay_htcat-contentCách xưng hô trong tiếng Việt lắm khi thật oái oăm. Nếu tôi bị “rầy rà” vì tội gọi thầy Hoàng là “anh” thì ngược lại, trong trường hợp thầy Hà Tường Cát, ông xã tôi trở thành “đối tượng” bị tôi cự nự “Sao anh “dám” gọi thầy Cát là “anh”, thầy Cát là thầy của em chớ bộ!” Vâng, thầy Hà Tường Cát dạy Toán cho nhiều lớp và đảm trách môn Sử Địa trong lớp 10 của bọn tôi. Đặc biệt là trong những năm đầu thập niên 70, thầy thuộc thành phần nòng cốt của chương trình CPS (Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường) trong Bộ Quốc Gia Giáo Dục và là gạch nối giữa trào lưu lớn rộng này ở thủ đô Sài Gòn với ngôi trường tỉnh nhỏ của chúng ta. Có thể nói phong trào Du Ca lan về Biên Hòa, thổi những cơn gió cuồng nhiệt bi hùng cho lớp trẻ chúng tôi thời ấy cũng là do sự góp sức của thầy. Buổi Đại Nhạc Hội “Cây Mùa Xuân” của trường vào năm 1972 được rậm đình rậm đám cũng là nhờ thầy mời giúp những khuôn mặt “nghệ sĩ lớn” như cặp Lê Uyên-Phương, Từ Dung-Từ Công Phụng, Ngô Mạnh Thu, Diễm Chi, v.v...

Sau 1975, thầy Cát bị bắt giữ một thời gian. Tới được Hoa Kỳ từ cuối thập niên 80, thầy Hà Tường Cát cộng tác với nhật báo Người Việt từ đó cho tới nay. Trong một bài viết nhân cái chết của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên đăng trên báo Người Việt (tháng 8 năm 1992), thầy đã hé thêm chút ánh sáng: chính thầy là người đã nhờ Đinh Cường, một họa sĩ tiếng tăm trong làng hội họa, vẽ bìa dùm cho quyển Thiên Tai, tập thơ đầu tay của người thi sĩ tài hoa yểu mệnh vốn là học trò (rất dở Toán) của thầy.

 

11kvinhp-contentNhân nói chuyện báo bổ, tôi chợt nhớ đến một “mối duyên văn nghệ” cũng kỳ thú không kém. Bữa kia, ông Võ Thắng Tiết, giám đốc Văn Nghệ, một nhà xuất bản uy tín bậc nhất ở hải ngoại, đã đưa cho chúng tôi một tập bản thảo để nhờ lay-out. Tác phẩm có tên “Dòng Thames Thì Thầm” của tác giả Vĩnh Phúc. Ông Văn Nghệ - tên thân mật mà giới văn thi sĩ hay gọi - bảo tôi, “Ông này tên họ thiệt là Kiều Vĩnh Phúc, ở bên Anh lận, cô đừng lộn với nhà văn Bùi Vĩnh Phúc bên Mỹ nghe!” Ký ức làm việc trong tích tắc khiến tôi buột miệng, “Lạ quá! Họ Kiều! Ít người họ này lắm anh à. Em biết một ông thầy dạy ở trường Ngô Quyền tên họ y chang như vầy. Ổng đẹp trai lắm! Hổng biết ông nhà văn này có phải là ổng không?” Ông Văn Nghệ gật gù, “Ông này cũng đẹp lắm, mà đẹp... lão rồi cô ơi! Ổng là biên tập viên chủ lực của đài BBC Luân Đôn nhiều năm, từ 79 đến 96 lận, nên viết loạt bài phiếm luận về những chuyện “thiên hạ xì xầm” bên Anh cống hiến cho thính giả và độc giả Việt hải ngoại khắp nơi, nay tuyển gom thành sách. Tôi đọc thấy cũng lý thú nên đồng ý xuất bản.”

Ít lâu sau, sách in xong, ông Văn Nghệ tặng chúng tôi một quyển với lời xác nhận, “Đúng rồi đó cô. Tôi hỏi ổng rồi, ổng nói có dạy ở trung học Ngô Quyền mà không nhớ ra cô.” Tôi cười tủm, dĩ nhiên làm sao thầy nhớ tôi được. Và tôi cũng cầu mong cho thầy đừng “nhìn ra” bọn tôi. Vào thời gian mà tụi tôi “ngưỡng mộ tấm dung nhan thiên kiều bá mỵ” của thầy (theo thuật ngữ mà đứa bạn mê cải lương của tôi thuở ấy “truy tặng”), thì thầy dạy Anh Văn lớp 12, còn tụi tôi đang học lớp 10 Pháp Văn. Có lần thầy đi qua lớp tụi tôi giữa lúc lớp không có giáo sư, mấy đứa tụi tôi đang “làm giặc”, hò hét “phi thân” rượt đuổi nhau trên bàn để rồi bất chợt đứng chết trân như tượng, “quê xệ” muốn độn thổ trước cái cau mày nhẹ nhàng của ông thầy quá ư thư sinh nho nhã.

Cầm cuốn sách trên tay, niềm vui “diện kiến cố nhân” (dù chỉ là bức hình, đăng ở bìa sau) chưa được bao lăm thì tôi “tá hỏa tam tinh” khi đọc tới mấy dòng thầy tự viết về tiểu sử: “...Tác giả và bọn thầy đồ xếp bút nghiên, vào Quang Trung học việc đao cung 9 tuần lễ, rồi đeo lon Binh Hai Bậc Một trở về tiếp tục hò hét nạt nộ lũ “nửa người nửa ngợm” (sic)...” Trời đất thiên địa ơi! Không lẽ nào hình ảnh “khả ố” của bọn tôi hôm ấy lại “ám ảnh” thầy sâu đậm đến thế!

Hiện nay, thầy Kiều Vĩnh Phúc đã thôi làm việc ở đài phát thanh BBC và trở thành nhà bỉnh bút có thế giá của mục bình luận trên nhật báo Viễn Đông (Nam California). Ngoài “Dòng Thames Thì Thầm” thầy còn cho xuất bản hai quyển: “Những Huyền Thoại Và Sự Thật Về Chế Độ Ngô Đình Diệm” và “Đối Thoại” (13 văn thi sĩ nói về mình và văn học).

 

7_thayvukhanhthanh_-1-contentNếu lấy cảm thấy “quê một cục” khi phải trình diện trước thầy Phúc mà hỏi “Thầy nhớ tụi em không? Năm đó đó, tụi em vậy đó đó...” thì đối với thầy Thành lại khác hẳn. Bởi vì, may quá, tụi tôi đã thành người lớn (!), là học sinh ngoan (!) của giờ “Đạo Đức Học và Luận Lý Học” của thầy năm lớp 12. Vì thế, hôm nghe tin trên “Little Saigon Radio” (khoảng tháng 5 năm 2002), được biết Hội Đồng Thành Phố Hackney ở bên Anh đã có vị Nghị Viên gốc Việt đầu tiên, tên Vũ Khánh Thành, từng là Nghị Viên Hội Đồng Tỉnh Biên Hòa, thì tôi mừng rơn và muốn... nhận bà con liền. Hỏi thăm và sau đó được mách “hãy tìm đọc “Vẻ Vang Dân Việt” của ký giả Trọng Minh sẽ rõ”, tôi mới biết thầy mình “ngon lành” quá cỡ!

Tác giả “Vẻ Vang Dân Việt” đã ưu ái giới thiệu thầy Vũ Khánh Thành từng là một nghị viên nêu lắm gương can đảm tại nghị trường, dám đương đầu với những cường lực chính trị để tranh đấu cho điều hay lẽ phải cũng như cố gắng mang lại cho người dân nhiều tiện ích công cộng trong thời gian thầy là Nghị Viên Hội Đồng Tỉnh Biên Hòa.

Vượt biên năm 1979, thầy định cư tại Luân Đôn. Bên cạnh việc tiếp tục bậc Cao Học và mưu sinh (từ đi làm vệ sinh cho đến làm đầu bếp tại chính nhà hàng của gia đình, với 100 chỗ ngồi, là một trong hai nhà hàng Việt Nam đông khách nhất Luân Đôn), thầy Thành đã đem hết sức lực phục vụ cộng đồng từ việc tiếp nhận người tỵ nạn cho đến việc thành lập Cộng Đồng Việt Nam tại thị xã Hackney, chủ xướng lập Cộng Đồng Việt Nam Toàn Quốc, Trung Tâm Việt Miên Lào, Cộng Đoàn Công Giáo Luân Đôn, và đáng kể nhất, Hội An Việt. Là một cơ quan thiện nguyện, Hội đã tạo dựng nên một cơ sở rộng trên 1000 mét vuông tại Luân Đôn để làm trung tâm xã hội, huấn nghệ và phát triển kinh doanh cho người Việt. Trung Tâm An Việt đã tổ chức các lớp tiếng Việt cho học sinh Việt Nam trên 10 năm qua, giúp đỡ người Việt mở cơ xưởng may mặc, nhà hàng... Ngoài ra, thầy Thành cũng sáng lập Hội Nhà Cửa An Việt (An Viet Housing Association), nhận tài trợ từ chính phủ Anh để giúp đỡ người Việt trong lãnh vực gia cư, như xây nhà cho thuê với giá hạ, v.v...

Điểm đáng hãnh diện là thầy Thành, đại diện cho đảng Lao Động đang cầm quyền, đã đắc cử hạng nhì tại một đơn vị bầu cử có 12 ứng cử viên ra tranh 3 ghế mà tuyệt đại đa số cử tri là dân bản xứ. (Thật vậy, trong gần 10 ngàn cử tri tại đơn vị này, chỉ có 45 người Việt ghi danh đi bầu.) Phải chăng sự lựa chọn của dân bản xứ đã phản ảnh sự tín nhiệm của họ dành cho một di dân có công trong việc ổn định và phát triển cộng đồng sắc tộc của đương sự nói riêng và góp tay giữ an xã hội, làm giàu đất nước, làm đẹp nhân quần nói chung?

Một bước tiến nữa của Nghị Viên Vũ Khánh Thành ở Anh Quốc là chức vụ Phó Chủ Tịch Ban Chấp Hành tổ chức “Hỗ Trợ Đảng Lao Động Của Người Việt và Hoa”. Vào dịp Tết Quí Mùi 2003, buổi ra mắt Ban Chấp Hành của Hội này đã diễn ra rất long trọng với sự hiện diện của Thủ Tướng Anh Tony Blair và phu nhân, trong đó vị nguyên thủ nước Anh đã đánh giá rất cao sự đóng góp của Cộng Đồng người Việt/Hoa vào mọi mặt của xã hội Anh Quốc: từ sinh hoạt chính trị cho đến kinh tế, văn hóa, giáo dục, v.v...

 

11_thanhvan-contentNói đến giáo dục, tôi chợt nhớ một bài viết vinh danh “Những khuôn mặt tiêu biểu của phụ nữ gốc Việt nhân ngày Phụ Nữ Quốc Tế 8 tháng Ba” (báo Viet Tide, số 86/03), đề cập đến một nữ Giám Đốc Chương Trình Giáo Dục Song Ngữ Bộ Giáo Dục, tiểu bang Oklahoma, Tiến Sĩ Thanh Vân Anderson. Còn đang ngất ngây ngưỡng mộ khi lướt qua những thành tích, những đóng góp của bà trong ngành giáo dục, tôi chợt “bồi hồi” đến “rúng động” xen lẫn một niềm hãnh diện mênh mang khi đọc đến dòng chữ “Bà Thanh Vân Anderson lớn lên tại Biên Hòa, tốt nghiệp trường trung học Ngô Quyền niên khóa 1968.”

Thú thật, tôi chưa từng quen biết với chị Thanh Vân này, nhưng tự nhiên mấy chữ “cựu học sinh Ngô Quyền” khiến tôi có cảm tưởng thân thuộc với chị lắm lắm. Ấy, có ai cười tôi “thấy người sang bắt quàng làm họ” thì tôi xin chịu vậy, tôi có cái khuyết điểm (nhỏ) này mà mãi vẫn chưa “khắc phục” được. Chị Thanh Vân có bằng Doctor of Education từ đại học Oklahoma State University và hiện là Giám Đốc Chương Trình Giáo Dục Song Ngữ và Chương Trình Giáo Dục Đặc Biệt Cho Trẻ Em Tỵ Nạn (Bilingual Education/Title III English Instruction and Refugee Children School Impact Programs) tại Bộ Giáo Dục, tiểu bang Oklahoma. Chị cũng là Chủ Tịch Hội Song Ngữ tại tiểu bang Oklahoma và đồng Chủ Tịch Chương Trình Four Star, một chương trình Cao Học Giáo Dục chuyên chú về phương diện song ngữ hay ESL.

Vì những thành quả và nỗ lực không ngừng trong ngành giáo dục, Tiến Sĩ Thanh Vân đã được trao giải thưởng “2000 Outstanding Title VII Administration Award” và được bầu vào “Oklahoma Association for Bilingual Education Hall”. Ngoài ra, chị cũng góp tay vào nhiều hoạt động cộng đồng kể cả việc tham gia tổ chức Cứu Người Tỵ Nạn “Boat People S.O.S”. Gần đây, chị được bầu làm ủy viên ngoại vụ của Cộng Đồng Người Việt tại Oklahoma. Những cống hiến miệt mài của chị thật đáng quý vì, giáo dục, tuy không ầm ĩ ồn ào, nhưng lại là một lãnh vực rất quan trọng và cao cả trong xã hội.

11_lkhanhhong-contentCống hiến âm thầm nhưng để lại nhiều dấu ấn trong lãnh vực báo chí chân chính, đó là anh Lý Khánh Hồng, một người anh mà ý hướng phục vụ, lý tưởng sống lẫn phẩm cách con người đã khiến cá nhân tôi vô cùng ngưỡng mộ . Anh là con chim đầu đàn của nhóm văn nghệ sĩ chủ trương tạp chí Nhân Văn phát hành ở San Jose, Bắc California, một trong những tờ báo sớm sủa đề ra tôn chỉ dấn thân, đấu tranh cho công lý, tự do, dân chủ cho dân tộc Việt.

Trên mọi lãnh vực xã hội, có rất nhiều cựu học sinh Ngô Quyền ra đời gặt hái lắm thành công. “Mỗi người một vẻ”, bác sĩ, kỹ sư, doanh gia, nghiệp chủ, v.v... ngành nào cũng có, nếu được kể ra thì chẳng biết bao nhiêu trang mới đủ, nhưng rất tiếc lại không nằm trong chủ đề. Trong bài này, chúng ta thu hẹp vào việc nhắc lại những khuôn mặt đặc biệt mà khi đã nói đến trường Ngô Quyền là không thể bỏ qua. Một nhân vật sau cùng, có một không hai mà chúng ta bùi ngùi nhớ lại hôm nay, là cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên.


nguyen_tat_nhien_4-contentTên thật là Nguyễn Hoàng Hải, cựu học sinh ra trường năm 1970, anh Nguyễn Tất Nhiên làm thơ rất sớm và từng là Trưởng Ban Báo Chí của trường nhà. Tập thơ đầu tay “Thiên Tai” của anh, ra đời năm anh mới 18 tuổi, đã đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong sự nghiệp thi ca của anh do bởi những thi ảnh, cách dùng chữ rất mới lạ cũng như cách diễn đạt tâm tình rất độc đáo của anh.

Nhạc sĩ đầu tiên đến với thơ Nguyễn Tất Nhiên là Nguyễn Đức Quang, có lần đã tâm sự, “Những bài thơ của cậu em học trò quần xanh áo trắng ấy đã làm tôi bàng hoàng vì tính chất mới lạ của nó. Tôi có cảm hứng ngay và phổ thành bài “Vì Tôi Là Linh Mục” thật nhanh chóng. Cho tới bây giờ, đó vẫn là một trong những bài nhạc mà tôi rất thích”.

Năm 1972, nhạc sĩ Phạm Duy - người được mệnh danh là có tài “biến một ngón tay thành một bàn tay xinh đẹp” trong địa hạt phổ thơ thành nhạc - cũng cống hiến cho đời nhiều “bàn tay xinh đẹp” từ thơ Nguyễn Tất Nhiên. Đó là “Em Hiền Như Ma Soeur”, “Thà Như Giọt Mưa”, “Hai Năm Tình Lận Đận”, “Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ”. Nương theo tiếng hát trẻ trung, hồn nhiên đến tội nghiệp của Duy Quang, những lời thơ nồng nàn men đau khổ của Nguyễn Tất Nhiên chắp đôi cánh nhạc bay ngợp tâm hồn bao thanh niên nam nữ bấy giờ. Ai đã sống ở miền Nam thời đó mà chưa từng ngâm nga hoặc ít lắm cũng nghe qua: “thà như giọt mưa, vỡ trên tượng đá”, hay “đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa”, hoặc “này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ, tóc demi-garcon”...

Thơ anh giản dị mà độc đáo với những hình ảnh thật gần gũi. Những chữ anh dùng đều là thứ ngôn ngữ phổ cập nhưng khi đưa vào văn chương thì trở nên những thuật ngữ vô cùng đặc biệt khiến người ta không sao quên được, đến nỗi nhiều người vẫn thường buột miệng “có còn hơn không” hay “nói năng chi cũng thừa”,...

Năm 1978, anh vượt biên và định cư tại Pháp. Tại đây, nhà xuất bản Sud-Asie đã ấn hành tập “Thơ Nguyễn Tất Nhiên” gồm những bài từ tập “Thiên Tai” và những bài thơ sáng tác từ 1970 đến 1980. Sau đó, anh sang Mỹ, sáng tác nhạc, cho ra đời băng nhạc “Tình Khúc Nguyễn Tất Nhiên” và lần lượt những tập thơ “Chuông Mơ” (1987), “Tâm Dung” (1989). Cho tới giờ này, các nhà sách cho biết “Thơ Nguyễn Tất Nhiên” vẫn là một trong số những cuốn thơ bán chạy nhất, bên cạnh thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Đinh Hùng, Nguyên Sa, Du Tử Lê...

Tôi có một chị bạn quen rất ái mộ thơ Nguyễn Tất Nhiên. Mới đây, chị gọi điện thoại bảo tôi “Em biết không, chị mới gửi về Việt Nam cuốn thơ của Nguyễn Tất Nhiên đó. Chị có người chị là giáo sư văn chương ở miền Bắc, trình độ văn chương rất khá và lại rất thích thơ Nhiên. Ban đầu chị ấy chỉ nghe qua mấy bài do Phạm Duy phổ nhạc, thấy ý tưởng thật độc đáo nên nảy ý tìm đọc thử nguyên tác. Chị ấy tự nghĩ nhạc như thế thì thơ chắc còn hay hơn nữa. Nay thì chị ấy nhận được tập thơ rồi. Chị ấy đọc xong cho biết chị không hề thất vọng, mà qua thơ Nguyễn Tất Nhiên, chị còn biết được thêm một điều là ở trong Nam, tuy cũng có chiến tranh, nhưng giới trẻ đã được sống những ngày tháng đầy thơ mộng với tình yêu đầu đời thật cuồng nhiệt, thật chân thành với đủ bi ai say đắm nồng nàn.”

Đúng vậy, qua thơ anh, những tháng năm non dại của một thời mới lớn dường như còn ủ mãi trong thứ hoài niệm vừa đau đớn vừa ngọt ngào. Vào một buổi chiều mùa hạ năm 1992, Nguyễn Tất Nhiên đã lựa chọn một chuyến ra đi vĩnh viễn, để lại cho đời những vần thơ ngậm ngùi muôn thuở mà hôm nay, niềm “sầu khổ dịu dàng” dường như thâm trầm hơn, mênh mang hơn, khi chúng ta một lần nhìn lại trường xưa. Có lẽ cũng vì thế, ở đây, chợt dưng tôi muốn nhắc lại một (trong rất nhiều) bài thơ hay tiêu biểu của anh, đó là bài “Nên Sầu Khổ Dịu Dàng”.

1.

những kỷ niệm đời xin hãy còn xanh

(có một ngày mình bỏ trường bỏ lớp

anh cũng đi như luật định trời dành!)

2.

nắng bờ sông như màu trang vở cũ

thuở học trò em làm khổ ai chưa?!

3.

anh muốn khóc trong buổi đầu niên học

bàn tay xương cầm hơ hẫng văn bằng!

4.

em hãy đứng trước gương làm dáng

tự khen mình đẹp quá, đi em

(lỡ mai kia mốt nọ theo chồng

còn đôi chút luyến lưu thời con gái!)

em hãy ra bờ sông nhìn nắng trải

nhớ cho mình dáng dấp người yêu

(lỡ dòng đời tóc điểm muối tiêu

còn giây phút chạnh lòng như... mới lớn!)

mình hãy trách đời nhau nhiều hư hỏng

rồi giận hờn cho kỷ niệm đầy tay

thu miền nam không thấy lá vàng bay

anh phải nói: buồn chúng ta màu trắng!

5.

tình cứ đuổi theo người như chiếc bóng

người thì không bắt bóng được bao giờ!

6.

anh muốn khóc trong buổi đầu niên học

bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng!

(1970, Thiên Tai)

Cám ơn đời, đã cho trường Ngô Quyền có Nguyễn Tất Nhiên, người thi sĩ ôm trái tim rướm máu gẩy khúc nhạc lòng dùm cho muôn người khác, bởi vì ai trong chúng ta lại không một lần bùi ngùi ngoảnh lại, để rồi một hôm chợt thấy “nắng bờ sông” bỗng buồn “như màu trang vở cũ” khi cuộc đời mãi xô dạt mỗi ngày một xa bờ bến thân thương.

 

chsNQ Nguyễn Thị Minh Thủy

California, 24 tháng 4, 2004

(Trích Kỷ Yếu NQ 2004)

10 Tháng Năm 2022(Xem: 5443)
Gió đưa Áo Mẹ Lên Trời Con còn dong duổi áo phơi bụi trần Thiên đường cách mấy bước chân Hay là địa ngục cũng lần tới đây Cù lao chín chữ cao dầy...
06 Tháng Năm 2022(Xem: 6316)
. Khác với người phương Tây, Việt Nam chúng tôi có rất ít các viện dưỡng lão. Khi Cha Mẹ tới tuổi già, con cái luôn muốn được sống kề cận để chăm sóc..
06 Tháng Năm 2022(Xem: 6158)
Các bạn ơi! Sẵn sàng nhé.... Mong đa số đều có ý tưởng đoàn kết, yêu thương và có trách nhiệm để tiếp tục phụ lái con thuyền NQ ra biển lớn.
01 Tháng Năm 2022(Xem: 9625)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: ĐIỀU CHƯA BÀY TỎ - Thơ Tưởng Dung, Nhạc Phạm Chinh Đông- Trình bày & Ca sĩ: KaNa Ngọc Thúy
01 Tháng Năm 2022(Xem: 8361)
Xin bấm vào link ở trên hoặc vào giữa hình bìa Giai Phẩm Xuân bên dưới và kéo xuống để xem toàn bộ nội dung Giai Phẩm Xuân NQ 1965
11 Tháng Ba 2022(Xem: 5328)
tiệc Tân Niên 2022 của Hội Ái Hữu Biên Hòa vẫn ngọt lịm tình người đồng hương xứ bưởi, với sự tham dự của nhiều thầy cô, cựu học sinh Trung Học Ngô Quyền cùng gia đình và thân hữu.
05 Tháng Ba 2022(Xem: 7744)
Kính chuyển hình ảnh Tiệc Mừng Xuân Nhâm Dần Hội Ái Hữu Biên Hòa Tổ chức lúc 10:30 Ngày 27/2 /2022 Tại nhà hàng Paracel Seafood.
04 Tháng Ba 2022(Xem: 11976)
Xin mời thưởng thức video " HƯƠNG BƯỞI GỌI NGƯỜI VỀ" Lấy ý tưởng từ 2 bài thơ "Dỗ Dành Hương Bưởi" và "Những Chiếc Ghế Còn Bỏ Trống" của Trần Kiêu Bạc.
24 Tháng Hai 2022(Xem: 5441)
vậy là đúng như mẹ em nói tuổi nào cũng có số mệnh của nó, nhiều khi chỉ ngẫu nhiên mà hoạn nạn rơi vào tuổi Dần rồi gây ra ấn tượng và mang tiếng thêm cho người mang tuổi Dần mà thôi
01 Tháng Hai 2022(Xem: 5649)
Bài sẽ bàn về tục ngữ ca dao dinh dáng ít nhiều đến hổ,
28 Tháng Giêng 2022(Xem: 8521)
Nhưng các loại hoa quả chưng ngày Tết và dịp Tết Trung Thu người ta không thể thiếu bưởi. Bài này tôi chỉ xin bàn về quả bưởi thôi.
27 Tháng Giêng 2022(Xem: 8016)
Hai năm nay chỉ ưu tư vì Covid nên làm gì có xuân thủy tiên. Gửi cho em vài hình thủy tiên cũ, với tựa đề "Xuân này em không về.." Chúc mừng năm mới các em.
22 Tháng Giêng 2022(Xem: 6195)
Tôi ra về lòng vui biết bao Thầy Cô vẫn khỏe như độ nào Ước gì dẹp sạch con Covid Lột khẩu trang tháng bảy gặp nhau.
02 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 6043)
Tạ ơn thời có lắm điều Sách dày ghi được bao nhiêu cho vừa; Bao niềm vui mới nên thơ Theo lòng cảm tạ bất ngờ hiện ra Khi ta nhìn khắp gần xa Thấy chân hạnh phúc thăng hoa dạt dào!
24 Tháng Mười 2021(Xem: 6213)
Sau hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, một nhóm CHS Ngô Quyền niên khóa 1986 - 1987 đã tổ chức Họp mặt vào ba ngày October 08/09/10 năm 2021 tại Arizona.
04 Tháng Chín 2021(Xem: 9407)
Con đường này đã gắn liền với tuổi thơ của tôi. Đường Trịnh Hoài Đức (THĐ) không dài lắm, độ chừng 2 km, bắt đầu từ Công trường Sông Phố và kết thúc ở bùng binh Biên Hùng.
01 Tháng Chín 2021(Xem: 9391)
Yêu nhau trọn vẹn sắt son Xuân đi đông đến vẫn còn bên nhau Anh xin nguyện ước một câu Đôi ta vẫn mãi bên nhau suốt đời
27 Tháng Tám 2021(Xem: 10253)
Bước chân buồn lặng lẽ trôi Hắt hiu một bóng, luân hồi phù vân Câu kinh nhật tụng vọng âm Một người ở lại thế trần quạnh hiu.
16 Tháng Tám 2021(Xem: 11076)
một nén hương thắp cho người bạn thời thơ ấu, vào ngày giỗ đầu. tháng 8, năm 2021.
14 Tháng Tám 2021(Xem: 9512)
Thương ai tóc rối tơi bời Tình ơi một kiếp rong chơi ta bà Lạy người yên nghỉ nơi xa Sợi buồn ta giữ trăng tà nhớ ai.
14 Tháng Tám 2021(Xem: 10339)
Mùa VU LAN Nhìn màu hoa nhớ MẸ Nhớ cả TRÁI RỪNG đã trôi vào cổ tích nhớ thương.
14 Tháng Tám 2021(Xem: 9567)
Chiều nay em đã đi rồi Bên bờ bến vắng bồi hồi nhớ nhung Triều dâng ngọn sóng ngập ngừng Chờ em quay lại nơi từng bên nhau
08 Tháng Tám 2021(Xem: 9566)
Phận con chữ hiếu chưa tròn Chưa ngày chăm sóc, mỏi mòn cách xa Cho con cúi lạy xin tha Một lời sám hối xót xa cõi lòng
07 Tháng Tám 2021(Xem: 9995)
Gửi dấu yêu vào dạt dào gió lộng Tơi tả bay khăn áo lụa xuân thì Làm lạc mất hình ra xa khỏi bóng Gần cuối đời nước mắt vẫn tràn mi.
01 Tháng Tám 2021(Xem: 9634)
Có lúc tưởng mình chỉ là cái bóng Yêu nồng nàn lại chẳng thể gần nhau Anh... Lặn lội phương xa nhiều lận đận Em... Ẩn mình vào ốc nhỏ long đong.
28 Tháng Bảy 2021(Xem: 9035)
Những cánh chim ẩn mình đã tung bay vào nắng sớm, cây cỏ sau vườn chổi dậy những mầm xanh…
26 Tháng Bảy 2021(Xem: 8968)
. Chú dừng chổi và chợt hỏi mình ên: -Ông nội ơi! bài vở ở trường có phải là tạp niệm không ông nội?