Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Bội Trân - Trường Ngô Quyền Của Tôi Và Sách.

03 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 36729)
Bội Trân - Trường Ngô Quyền Của Tôi Và Sách.

 

    Trường Ngô Quyền của tôi và Sách.

                            Bội Trân

(Lớp 10B1 niên khoá 1972-73, lớp 11B2 niên khoá 73-74 và lớp 12 A niên khoá 74-75).

 

   

 

    Mỗi người Việt Nam, nhất là những người miền Nam bây giờ hai thứ tóc dường như có một cuộc đời chẻ hai: trước 1975 và sau 1975.

    Thế hệ chúng tôi ăn sinh nhật tuổi 18 của mình ngay năm 1975, bài viết này xin dành cho những bạn học, từ lớp 6 đến lớp 12 của trường Ngô Quyền năm 1975. Bao nhiêu người đã như một đàn chim tung cánh, bước ra khỏi cổng trường và bay đi tứ phương. Có những người hạnh phúc và thành đạt, có những người lầm than và khắc khoải.

    Tôi thích đi học. Bởi vì đi học, tôi có bạn bè và mỗi môn học có một niềm lý thú riêng. Môn Hình Học khai triển những góc nhìn mới và đưa ra những kết luận chặt chẽ; môn Văn thú vị bởi vì tôi thích văn chương, tuy nhiên, không phải là Cổ văn; môn Vạn Vật vui vì vẽ nhiều hình, và nói chuyện hoa đực tiếp xúc với hoa cái. Tôi ngồi ở ghế học sinh, nhìn thầy cô giáo của mình bằng đôi mắt học trò đầy ngưỡng mộ và học hỏi, nhưng cũng rất hay quan sát. Cô giáo dạy Văn năm lớp 7 hay lớp 8 có một cái eo rất nhỏ, Cô giáo dạy Hoá Học năm 12 tên là Lý đẹp như một minh tinh màn ảnh, nhưng tôi mãi mê nhìn cô mà không hiểu Cô giảng gì hết! Thầy giáo dạy môn Vật Lý là Thầy Mai Kiến  Phúc giống như một kịch sĩ đại tài xoãi chân hết bục giảng, thao thao với những kiến thức về cơ, véc-tơ. Mấy lần tôi thấy Thầy cưỡi ngựa đi trong thành phố Biên Hoà.

    Tôi nhớ hồi cuối năm lớp 10, khi con gái và con trai bắt đầu học chung, tôi lãnh phần thưởng hạng nhất, qua mặt “địch thủ” con trai. Thật ra, con gái có nhiều cơ hội để “học giỏi”, nghĩa là đạt điểm cao, hơn con trai với kiểu tính thang điểm thời đó. Tôi không giỏi Toán bằng Phước, anh chàng đứng thứ hai năm đó, tôi cũng không đứng nhứt môn Hoá Học. Nhưng bù lại, tôi luôn đứng nhứt môn Việt Văn, hai môn sinh ngữ là Pháp Văn và Anh Văn và hầu như mọi môn “gạo” như Vạn Vật, Công Dân, Sử Ký đối với tôi như những câu chuyện kỳ thú. Thật không khó khăn gì mà kể mấy chuyện đó lại trên giấy làm bài. Đứng hạng nhất cuối lớp 10, nghĩa là qua mặt bọn con trai, bà nội tôi là người khoái chí nhất; bà mua tặng cho tôi chiếc xe đạp mini màu tím để làm quà. Trời đất chứng giám, đây là người phụ nữ có tinh thần nữ quyền (feminist) đầu tiên mà tôi biết và ngưỡng mộ trong đời.

    Nhưng con gái học giỏi trong một lớp có con trai là điều khó lòng chấp nhận. Một buổi học gần cuối năm, trong hộc bàn của tôi là tên tôi bị khắc vào bằng thuốc súng và đốt cháy! Trời đất, sao mà khủng bố quá vậy. Đầu năm lớp 11 tôi xin chuyển sang lớp khác, một lớp toàn con trai. Tôi  là nữ sinh duy nhất trong lớp, và tôi chuyển cả sinh ngữ chính của mình từ tiếng Pháp sang tiếng Anh. Tôi ngồi cạnh Phạm Kim Luân, được Luân nhường cho ngồi đầu bàn, với một lời đe doạ : “Chỗ ngồi thì nhường, nhưng chuyện học hành thì không nhường đâu!”. Luân sau này vượt biên và định cư ở Hoà Lan, trở thành một Kiến Trúc Sư.

 

    Những ngày còn đi học ở Ngô Quyền là những ngày thơ mộng, nhất là những buổi chiều tan học về, nữ sinh túa ra khỏi cổng trường như một đàn bướm trắng, hai cô đi từng cặp, phần lớn ôm cặp trước ngực khép nép, tà áo dài bay nhè nhẹ theo gió và theo bước chân đi. Hình ảnh đó khiến cho người ta cảm thấy một cảm giác yên bình, nhịp nhàng và đẹp. Sau 1975, tôi không thấy cảnh đó nữa, nữ sinh thời kỳ sau này hình như năng động hơn nhiều, các cô đi hàng ba hàng tư và phần lớn đi xe đạp, xe gắn máy. Những con bướm trắng hình như không còn nhẹ nhàng nữa.

    Một buổi tan học về, một bạn nam sinh học cùng lớp chạy theo tôi, hổn hển: “Cho tui gởi cái này”. Tim tôi đập mạnh, một lá thư! Tay tôi ôm chiếc cặp vào trong ngực, nhìn cái phong thư, ngần ngừ. Người bạn nói tiếp: “Nhờ đưa dùm cho Vân Anh nghen”. Vân Anh là em gái kế của tôi.

 

    Tôi yêu quí căn nhà của tôi, mỗi ngày đi học về tôi bước vô nhà với niềm hảnh diện vì những cuốn sách. Tiệm sách  dài hơn 30 mét, hun hút hai hàng kệ  gỗ đầy ắp sách và những chiếc kệ sắt quay. Tôi mê say nhìn những tủ sách, giá sách, những hàng ngay thẳng tắp. Những chiếc bìa sách đầy màu sắc. Mỗi buổi sáng, cô tôi và hai người giúp việc quét dọn sạch sẽ những ngăn kệ tủ kiếng và sàn nhà. Buổi tối, căn nhà sáng rực lên với ánh đèn néon, ánh sáng phản chiếu từ những bìa sách bóng láng. Và tối nào, cô tôi cũng bật nhạc lên, phát ra từ cái loa của một dàn Akai, tôi vẫn còn nhớ bản nhạc “Em đẹp nhất đêm nay” do ca sĩ Thanh Lan hát, có lẽ là bản nhạc ưa thích của cô tôi, còn tôi, tôi mê giọng ca Thái Thanh với bài “Giòng sông xanh” và bài “Cánh hồng Trung Quốc”, ai là ca sĩ, tôi không nhớ. Cho tới bây giờ, trái tim tôi vẫn có thể thổn thức khi nghe lại hai bản nhạc này. Vì sự liên kết với cái nhà sách, vì chính âm nhạc? Chịu, tôi không biết.

 

    Tôi bước vô nhà mình, mà cứ tưởng như mình bước vô một tòa lâu đài! Màu sắc và âm nhạc đưa tôi vào một thế giới đầy mơ mộng, tôi không biết rằng, ngoài kia, thế giới là một chốn nhiều trắc trở và nguy nan.

    Nhà sách của gia đình tôi trong nhiều năm trở thành chỗ hẹn hò của những cặp tình nhân học trò. Những đôi tình nhân đứng sau những chiếc kệ sắt này, quay lưng với bên ngoài, một hai quyển sách trên tay họ; nhưng họ không để ý mấy đến sách, họ nói chuyện rầm rì với nhau và thường chọn những góc trong cùng, nơi ánh sáng tự nhiên của vùng nhiệt đới không với tới. Tôi, cô gái mới lớn chưa có bạn trai, mở hết những ngọn đèn néon để xua đuổi những người không phải là khách hàng mua sách mà chỉ đến đây như một chỗ hẹn hò.

    Ngoài những giờ học, tôi có nhiệm vụ phải “coi nhà”, nghĩa là, đứng trong tiệm sách, thu tiền bán sách, gói hàng và coi chừng những kẻ xấu thói cầm sách đi ra khỏi tiệm mà quên trả tiền. Tôi không thích nhiệm vụ này, bởi vì những cuốn sách hấp dẫn tôi hơn. Mỗi bìa sách là một cánh cửa mở ra một chân trời mới, một câu chuyện mới, một thế giới mới mà tôi khao khát bước vào. Tôi chúi mũi vào cuốn sách, và rất thường xuyên, nhận một cái cú đầu vì tội “coi nhà cái kiểu này hả ? Thiên hạ có khiêng hết tiệm đi, mày cũng không biết!”  Tôi bị bao nhiêu cái cú đầu, tôi không nhớ. Tôi tự hẹn mình là hễ thi xong tú tài thì dành ra đúng một tháng để đọc sách cho đã. Tôi không làm được điều đó!

 

    Tháng 3 năm 1975, tôi được trường báo cho đi thi giải văn chương phụ nữ toàn quốc kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng. Tôi đoạt giải 3. Lúc đó, tôi học buổi sáng. Một người bạn kể lại rằng học sinh, phần lớn là nam sinh học buổi chiều, tung nón lên trời khi nghe thầy Thành báo tin trường Ngô Quyền đoạt một giải thưởng. Mấy bà hàng xóm nói với má tôi, “ Nhà chị một nhà sách mà làm sao con chị không giỏi được!” Tôi chỉ muốn cải lại rằng tôi chưa đọc hết. Và chuyện đoạt giải thưởng đó không có gì liên hệ với cái nhà sách hết. Một bà hàng xóm khác hỏi: “Nó là con nhỏ lùn nhất trong đám mà, phải không?” Ý bà muốn nói, tôi thấp nhất trong những cô nữ sinh nhận giải thưởng văn chương Hai Bà Trưng. Ngoài một cái mề đai bằng vàng chạm hình Hai Bà Trưng cởi voi (Má tôi sau 1975 đã gở ra và nấu chảy đi, để tránh “hoạn nạn”), còn có một điều khoản nữa là những nữ sinh đoạt giải sẽ nhận được học bổng để du học nếu điểm thi tú tài vượt lên bình thứ.

    Tôi viết bài luận văn dài gần 10 trang giấy chỉ kể lại niềm kính phục của tôi đối với cô giáo dạy lớp 5 của mình, cô Đoàn Trung Dung ở trường Nữ Tiểu Học. Cô nói “Dầu ngày mai mà chiến tranh có làm chết hết mọi người thì hôm nay các em vẫn phải học!” Cô nói điều đó năm 1968, khi mà chiến sự Mậu Thân làm hoang mang mọi người Việt Nam phía nam vĩ tuyến 17. Những đứa học trò nhỏ của cô, trong số đó chắc là tôi là kẻ thành tín nhất, đã nghe theo lời của cô. Năm đó, lớp của cô đậu vô trường Ngô Quyền với tỉ lệ cao và điểm cao nữa.

   

    Ngoài cái thú đọc sách, tôi rất ham học. Đinh ninh rằng mình là đứa con gái được sinh ra mà bà mụ quên tặng cho một chút sắc đẹp làm của hồi môn, tôi tin rằng mình phải sắm sửa cái bộ óc của mình kỹ lưỡng để hòng nhận được sự trìu mến và  chú ý của gia đình. Mộng ước lớn nhất của tôi là đi du học, chuyện này “sinh sự” khi tôi nghe câu chuyện về một học sinh trường Ngô Quyền, Huỳnh Quan Danh, nhận phần thưởng mà phải đón xích lô chở về trong thập niên 1960s, chắc là lúc mà chính quyền Ngô Đình Diệm muốn dùng giáo dục làm đòn bẩy cho những cải cách xã hội. Tiếc thay, những dự án tốt đẹp của chính quyền này không đi đến cùng. Anh Danh sau đó đã nhận học bổng Colombo và du học ở Sydney. Sydney ở đâu? Tôi không biết.

   

    Một buổi học, tôi vào trường và thấy bàn ghế ngổn ngang.  Ở cuối lớp mấy bạn nam sinh ngồi tư lự, một bạn khác đập tay xuống bàn và làm nứt cái mặt bàn, tôi nhăn mặt cảm giác như cái bàn biết đau. Các bạn nam sinh nghe tin về lệnh tổng động viên, và có thể, họ sẽ không kịp thi Tú Tài vì phải đi quân dịch!

    Tháng Tư, tôi vẫn vùi đầu học thi Tú Tài, học thi mà không biết là miền Nam sắp sửa xụp đổ, không biết cả chuyện ông tổng thống của mình đọc diễn văn từ chức. Tôi cứng đầu, học miệt mài, nhất định phải thi đậu cao cho cái bằng Tú Tài để còn đi du học! Tôi vào trường, ngơ ngẩn thấy Thầy giáo không lên lớp dạy, còn bạn bè thì tụ năm, tụ ba bàn tán về chuyện thời sự.

    Những ngày cuối tháng Tư của năm 1975, cả thành phố Biên Hòa có một bầu không khí khác lạ, mọi người vội vã, đầy lo âu. Cuối tháng Tư, hầu như không ai quan tâm tới sách vở, nhà sách vắng vẻ. Tôi ngó ra đường, xe cứu thương và những chuyến xe camion chở xác chết rầm rập đi về phía nhà thương. Một buổi sang, tôi nhìn thấy những xác chết nẩy lên khi chiếc xe tải dằn trên một ổ gà. Những xác chết có biết đau?

   

    Sau đó, nhà sách của ba tôi bị “niêm phong”, nghĩa là không được đụng đậy gì hết, từ những quyển tiểu thuyết Việt Nam và nước ngoài, những sách giáo khoa, những cuốn tự điển cho tới cục gôm, cây thước. Những cuốn sách, đối với tôi, trở thành một thế giới băng tảng đóng kín. Hình như những bìa sách cũng ỉu màu đi, úa tàn. Khi những quyển sách được đưa đi trên xe tải, tim tôi thắt lại, chia tay với những người bạn thân thiết, chia tay với thế giới mà tôi chưa được phép bước vào, tuy rằng nó chỉ ở ngưỡng cửa nhà tôi!

 

 

 

14 Tháng Chín 2010(Xem: 100684)
Lâu lắm rồi không về lại Biên Hòa Nghe hương bưởi ngạt ngào trong nắng sớm Có dễ hơn ba mươi năm biền biệt Kẻ ở người đi rồi chẳng khác không quen.
14 Tháng Chín 2010(Xem: 108536)
Có đâu ngàn cánh hạc Bay mãi về một phương Có ai hồn luân lạc Đồng vọng tiếng vô thường
14 Tháng Chín 2010(Xem: 42730)
Triết lý giáo dục tìm ở đâu ra? Thưa nó nằm ngay trong bộ Sách Dân Tộc, gọi là KINH ĐIỂN tức là Lĩnh nam Trích Quái, Việt Điện U Linh, Ca dao tục ngữ, Tứ Thư Ngũ Kinh.
14 Tháng Chín 2010(Xem: 43978)
Tôi rời mái trường đại học Đà Lạt để “xuống núi” hành hiệp giang hồ vào giữa năm1963. Năm với nhiều biến động nhất thời tuổi trẻ của tôi. Vậy mà nay đã ngót nghét non nửa thế kỷ trôi qua.
30 Tháng Tám 2010(Xem: 100702)
Người đàn ông với đôi mắt đen, hun hút mà ngày xưa mỗi khi nhìn vào nàng cảm thấy như có một vết dao lướt qua tim...
30 Tháng Tám 2010(Xem: 44941)
Ôi em đã về rồi! trường cũ rêu phong kín nửa đời. Dung đã về rồi! Chiều áo xua vạt áo bay. Thôi đi mắt lệ buồn hãy đếm mưa khuya đổ thật muộn để bóng ai còn bước trên đường vắng trơn. *Xin bấm vào phần audio bên dưới để thưởng thức: DUNG VỀ- Nhạc và lời: Đào Lê Văn - Ca sĩ trình bày: Minh Quang
28 Tháng Tám 2010(Xem: 44191)
Sóng đã về từng cơn sóng ru bờ xa vỗ về. Còn lang thang tìm dĩ vãng bên hàng dương liễu cũ. Mình tôi đi tìm con phố quen lặng im hững hờ tà áo bay bao chiều
26 Tháng Tám 2010(Xem: 118407)
Thượng tuần tháng giêng trăng dẫn mẹ ra đi Đóa hồng đỏ trên ngực con hóa thành hoa trắng Vu Lan nầy trăng về trong mưa xám Trăng trở lại một mình, hoa vẫn trắng màu tang
26 Tháng Tám 2010(Xem: 103393)
Mẹ già nằm thiêm thiếp Đôi mắt khép hững hờ Mẹ tôi như thế đó Còm cõi trong hư vô
26 Tháng Tám 2010(Xem: 102064)
Em gửi tặng anh Bài Ca Dâng Mẹ Thêm một mùa Thu nữa vắng xa nhau Hai chúng ta, dẫu tóc bạc mái đầu Lòng thương mẹ không bao giờ phai nhạt
26 Tháng Tám 2010(Xem: 96652)
Mẹ nhớ con, ngồi chờ nơi khung cửa Con nhớ mẹ, luôn trông ngóng mỏi mòn Mơ cả nhà quây quần bên bếp lửa Cháy bập bùng, sưởi ấm trái tim con…
26 Tháng Tám 2010(Xem: 98217)
Trong những giông bão của cuộc đời, nơi trú an toàn nhất vẫn là vòng tay của mẹ.
26 Tháng Tám 2010(Xem: 43962)
* Tiêu đề: Tình mẹ * Artist: Ngô Càn Chiếu * Composer: Ngô Càn Chiếu * Harmonist: Ngô Càn Chiếu * Lyricist: Ngô Càn Chiếu * Length: 5:34 minutes (10.2 MB) * Format: Stereo 44kHz 256Kbps (CBR)
15 Tháng Tám 2010(Xem: 39357)
Nguyễn Văn Lục không là sử gia, không là học giả, không là nhà văn và cũng không bao giờ là chính khách nên không thể quy cho tác phẩm của ông bất kỳ tính chất nào liên quan đến các chức danh đó.
07 Tháng Tám 2010(Xem: 108440)
Buổi ra mắt quyển sách “Hai Mươi Năm Miền Nam 1955-1975” của Thầy Nguyễn Văn Lục đã được giới thiệu và phổ biến rộng rãi...
04 Tháng Tám 2010(Xem: 87917)
Thế rồi tình cứ vu vơ Chèo khua thương nhớ quanh bờ chiêm bao Biên Hòa ngày ấy xôn xao Tân Triều hương bưởi ngọt ngào lòng thơm
04 Tháng Tám 2010(Xem: 86027)
Tháng Tám bên nầy vẫn không mưa Ở đây buồn nhớ hướng quê xưa Nhớ chuyện tình yêu ngày tháng cũ Còn trong ký ức chẳng phai mờ
31 Tháng Bảy 2010(Xem: 21677)
Những cây bách lớn nhất được phát hiện gần thành phố Oaxaca, Mexico . Cây bách to nhất có chu vi gần 50m, khiến người ta vẫn thường đùa rằng, đừng ôm cây, hãy để cây tự ôm bạn.
30 Tháng Bảy 2010(Xem: 96465)
Một nhóm bạn bè được tin vào tối thứ sáu 23 tháng 7 năm 2010 sẽ tiếp đón anh chị Huỳnh văn Tươi khóa 6 Ngô Quyền về thăm bạn bè từ Houston Texas.
30 Tháng Bảy 2010(Xem: 93986)
... lần đầu tiên đại diện gia đình Ngô Quyền được mời tham dự trong ngày họp mặt Gia Long tại nhà hàng Paracel Seafood vào đêm 18 tháng 7 năm 2010.
30 Tháng Bảy 2010(Xem: 35414)
Tiêu đề: Hạ tím Artist: Ngô Càn Chiếu Composer: Ngô Càn Chiếu Harmonist: Ngô Càn Chiếu Lyricist: Ngô Càn Chiếu Length: 3:55 minutes (3.59 MB) Format: Stereo 44kHz 128Kbps (CBR)
24 Tháng Bảy 2010(Xem: 96022)
Dòng Đồng Nai những mùa Hè vui thú Áo trắng Ngô Quyền mơ ước Sông Seine Mộng không thành, chinh chiến đã cách ngăn Sông Seine ơi!. Nhắc chi chuyện tình buồn.
24 Tháng Bảy 2010(Xem: 35676)
Chắc là có một lúc nào đó bình tâm, mỗi người chúng ta đều tự hỏi không biết mình đã nhận được bao nhiêu chữ từ các Thầy Cô trong suốt những năm dài cắp sách.
24 Tháng Bảy 2010(Xem: 95602)
Bao mùa thương nhớ anh về đâu? Nhạc buồn nức nở tiếng ve sầu Phượng đỏ bây giờ màu tím thẫm Bao mùa phượng nở vẫn tìm nhau.
13 Tháng Bảy 2010(Xem: 97098)
Một tuần đã đi qua, nhưng dư âm ngày cũ, của Ngày Họp Mặt Ngô Quyền, của càri dê ở nhà Hóa vẫn còn đâu đây.
13 Tháng Bảy 2010(Xem: 95984)
Bài viết nầy của tôi như là một lời tạ lỗi gửi đến những người bạn đã quen thân từ bao năm nay cũng như những người bạn mới quen. Tạ lỗi vì tôi đã hứa với các bạn mà không thực hiện được lời hứa, tạ lỗi vì đã bỏ mất cơ hội để nói lời “chia tay”, “tạm biệt”, “good bye my friends” hay “Au revoir mon ami”.
12 Tháng Bảy 2010(Xem: 95372)
Gặp lại Võ Hải Vương, Đặng Văn Toản, Đỗ Cao Thông, Hóa và nhiều bạn cũ của lớp 1968, lòng tôi đầy những xúc cảm nghẹn ngào. Những hình ảnh của trường Ngô Quyền năm xưa bỗng đâu lại hiện về. Những kỷ niệm của ngày tháng cũ tưởng đã yên nghĩ trong một quá khứ xa xôi nào của tiềm thức.
12 Tháng Bảy 2010(Xem: 45361)
Trong một buổi sáng đầu tháng Bảy đẹp trời và ấm cúng, cùng dịp lễ Độc Lập Hoa Kỳ, ngày họp mặt truyền thống kỳ 9 của hội Ái Hữu Chs Ngô Quyền, Biên Hòa (3 tháng 7, 2010) đã tưng bừng khai diễn với gần 200 thầy cô và cựu học sinh NQ về tham dự