Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Huỳnh Quan Minh - Đồng Nai, Cù Lao Phố Và Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

02 Tháng Hai 200912:00 SA(Xem: 46323)
Huỳnh Quan Minh - Đồng Nai, Cù Lao Phố Và Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.

 

ĐỒNG NAI, CÙ LAO PHỐ và LỄ THÀNH HẦU NGUYỄN HỮU CẢNH

 

Huỳnh Quan Minh

 


_den_tho_nguyen_huu_canh

Lời dẫn nhập:

 Tôi sinh và lớn lên từ ấp Bình Kính, Cù Lao Phố, tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai). Lúc còn nhỏ, tôi có đọc quyển truyện dài Đò Dọc của nhà văn Tô Văn Tuấn Bình Nguyên Lộc. Bình Nguyên Lộc, cái tên hay hay, lúc đó tôi không hiểu có ý nghĩa gì? Sau này, tôi mới biết Bình Nguyên Lộc từ chữ Lộc dã, tức vùng đồng bằng có nhiều nai, danh từ này có từ nhóm người Việt di cư vào miền Nam thế kỷ thứ 17.

Đầu làng tôi có một ngôi đình, điạ phương gọi là Miễu Ông, hay Miễu Bình Kính. Hồi còn nhỏ, Ba Má tôi dạy là nên giở nón cúi đầu khi đi ngang qua Miễu Ông, và hàng năm vào ngày mồng một Tết, cả nhà anh em tôi mặc áo dài thụng đen, đội khăn đống đi lên Miễu lạy mừng tuổi Ông và xin điều tốt lành năm mới. Khi lớn hơn, tôi đựơc biết Miễu Ông thờ Đức Thựơng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh, vị Tướng Việt đầu tiên kinh lược miền Nam, và Cù Lao Phố một thời là dinh Trấn Biên của miền Đồng Nai, là thương cảng chính của miền Đàng Trong.

Những ngày xa quê hương, lưu lạc xứ người, bận biụ với cuộc sống, tôi luôn luôn nhớ về quê nhà, nhớ về xứ Cù Lao với dòng sông Đồng Nai yêu dấu; gần đây tôi có tìm đọc thêm về xứ Đồng Nai thuở ban sơ cùng sự nghiệp khai sáng miền Nam của Ngài Nguyễn Hữu Cảnh. Nay tôi xin ghi lại những sự kiện, kiến thức tìm học đựơc bằng tấm chân tình cuả người con đất Cù Lao Phố, Đồng Nai.

 

31_1_dennguyenhuucanh-large

 

Theo công trình nghiên cứu của nhiều học giả, từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên, miền Nam Việt Nam và Cao Miên ngày nay do nước Phù Nam chiếm trị. Qua thế kỷ thứ 6, nước Phù Nam bị xoá tên bởi vị Tiểu vương tên Kampuja, người Khmer, từ miền Sombon về chiếm kinh đô Vyadhapura lên ngôi Vua (550-600), thành lập quốc gia Kampuja (tức Chân Lạp hay Cao Miên). Chân Lạp lúc đó có một hệ thống hành chánh cai trị qui cũ, phố xá đông đúc, nhưng chỉ tập trung ở miền Bắc (được gọi là Lục Chân Lạp, thuộc phần đất Trung và Hạ Lào ngày nay). Phần còn lại thấp trũng, hoang phế nằm về phiá Đông và Nam được gọi là Thủy Chân Lạp, tức phần đất miền Nam bây giờ.

Qua hậu bán thế kỷ thứ 8 kéo dài đến thế kỷ thứ 14, nước Chân Lap bị quân Java (Mã lai) chiếm đóng và sau đó bị Xiêm La (Thái Lan) chiếm trị. Đến thế kỷ 16, thế lực Chân Lạp sút kém, đất đai mất dần, nội bộ Hoàng tộc tranh chấp, nội loạn.

Đầu thế kỷ 17 (1620), cuộc hôn nhân giữa Vua Cao Miên Chey Chetta II và Công Chúa Ngọc Vạn, con cuả Chúa Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) đã mở màn sự bang giao chính thức giữa hai nước Việt Miên. Ngọc Vạn được phong làm Hoàng Hậu. Sau khi Vua Chey Chetta II mất, hai hoàng tử Chau Ponhau To và Chau Ponhau Noh lần lượt lên kế vị, Ngọc Vạn trở thành Hoàng Thái Hậu, quyền bính trong tay. Trong 52 năm vai quốc mẫu Chân Lạp, Ngọc Vạn đã đem về cho nước Việt Nam những cống hiến to tát. Bà đã xin vua Miên cho người Việt định cư ở Mỗi Xuy (Mỗ Xoài), Bà Rịa (Bà Lị) Nông Nại (Đồng Nai) Preynokor (Sài Gòn) (1)

 

Bà xin cho một số quan Việt Nam sang phục vụ tại triều đình Chân Lạp, cho người Việt lập xưởng đóng ghe thuyền và nhiều cơ sở kinh doanh tại kinh đô Oudong.

Năm1623, Vua Chân Lạp chấp thuận đặt trạm thu thuế đầu tiên của Việt Nam tại Preynokor (Sài Gòn), đây là một sự kiện quan trọng vì lần đầu tiên một cơ sơ hành chánh chính thức được thành lập vùng phiá Nam .Từ đây, dân định cư người Viêt với sức gan lì, chiụ đựng bền bĩ đã toả rộng ra khắp vùng Thủy Chân Lạp. Họ đã hiện diện, kiểm soát phần nào vùng này khi Triều đình Thuận Hoá cuả nhà Nguyễn chưa chiếm được hết nước Chiêm Thành (Chiêm Thành lúc này bao gồm vùng đất thuộc tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận sau này).

Tính trên cơ sở diện tích và giá trị kinh tế, Thủy Chân Lạp to hàng chục lần so với Châu Ô, Châu Rí mà Huyền Trân Công Chúa (2) đã đem về cho Việt nam đời nhà Trần (1306). Nếu không có sự khôn ngoan, khéo léo và hy sinh của Ngọc Vạn Công Chúa thì vị trí người Việt đối với Cao Miên hẳn đã thay đổi, suy thoái đối với người Xiêm La lúc đó và cả sau này, hậu quả sẽ khôn lường và miền Nam Việt Nam bây giờ chắc gì đã có?

Ngoài ra, thử tưởng tượng một nước Việt Nam sẽ ra sao nếu lãnh thổ của nó bị giới hạn chỉ còn hai vùng: Bắc Việt đông dân, thiếu lương thực và TrungViệt khô cằn, nhiều thiên tai, bão lụt. Sách sử Việt Nam không viết về công lao này, hoặc có, cũng chỉ một đôi hàng! Công Chúa Ngọc Vạn xứng đáng để được đề cập tuyên dương nhiều hơn.

 

NGƯỜI HOA VÀ VÙNG ĐỒNG NAI

 

Năm Kỷ Mùi 1679, Tổng binh thành Long Môn nhà Minh tên Dương Ngạn Địch cùng Phó Tướng Huỳnh Tấn kết hợp với Tổng binh thành Châu Cao, Châu Liêm (Quảng Tây) là Trần Thượng Xuyên (tức Trần Thắng Tài) và Phó Tướng Trần An Bình cử binh phản Thanh. Thất bại, hai vị Tổng binh mang hơn 50 chiến thuyền với 3000 tùy tùng sang nước Nam, xin thần phục Chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Chúa Hiền đồng ý đưa họ vào miền đàng Thổ khai khẩn đất hoang. Chúa Hiền gửi quốc thư cho Phó Vương Chân Lạp ở Preynokor (Sài Gòn) là Nặc Ông Non yêu cầu tiếp nhận những người Hoa này.

Đến Gành Rái, đoàn người lưu vong chia làm hai ngã:

- Trần Thượng Xuyên vào cửa Cần Giờ, ngược dòng Đồng Nai, đổ bộ lên Ban Lây (còn có tên gọi là Tân Lân, Biên Hòa) và Đông Phố (Gia Định).

- Dương Ngạn Địch và Huỳnh Tấn đến Vũng Cù (nay thuộc Mỹ Tho, Định Tường).

Người Hoa được tự do khai phá theo sở dụng. Họ cần mẫn, kiên trì, có truyền thống thương mại. Bước đầu đến, họ thành lập chợ chồm hổm ở Cù Lao Phố (tên nguyên thủy là Giản Phố trại, về sau đổi tên là Châu Đại Phố). Sau đó, nhờ vị trí, có thuyền, có bến, và nhiều người tụ về, Cù Lao Phố trở thành trung tâm giao dịch thương mại chính của miền Nam.

 

LỄ THÀNH HẦU NGUYỄN HỮU CẢNH (KÍNH), KINH LƯỢC XỨ ĐỒNG NAI 

 

Ngài Nguyễn Hữu Cảnh còn có tên là Nguyễn Hữu Kính sanh năm 1650 tại Quảng Bình.

Ngài xuất thân từ một gia đình danh giá, vương quan. Ngài là:

- Hậu duệ đời thứ 19 của Định Quốc Công Nguyễn Bặc (3), vị khai quốc công thần của nhà Đinh (968-980).

- Hậu duệ đời thứ 9 của Nguyễn Trãi (4), đệ nhất công thần triều Lê Thái Tổ (1428-1433).

- Cháu bàng hệ của Nguyễn Kim (Cha của Nguyễn Hoàng, tức Tiên Chúa của nhà Nguyễn).

Ông Nội của Ngài là Triều Văn Hầu Nguyễn Triều Văn, giữ chức Tham Tướng nhà Lê, sau vì bất mãn với Chúa Trịnh, lại có họ hàng với Đoạn Quận Công Nguyễn Hoàng, nên di dân vào Nam theo Chúa Nguyễn, 1609. Triều Văn Hầu định cư tại Quảng Bình và Nguyễn Hữu Cảnh đựơc sanh năm 1650 tại huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình.

chan_dung_nguyen_huu_canh

 

KINH LƯỢC XỨ ĐỒNG NAI

 

Chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) sau khi thu được Chiêm Thành (1697), phong Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống Soái Kinh Lược vào Nam. Tháng hai 1698, đoàn thuyền cặp bờ Đàng Trong, chọn Cù Lao Phố làm đại bản doanh để tiện quan sát tiến hành việc chia vùng, an dân, khẩn hoang.

Vùng Đồng Nai lúc bây giờ là một vùng hoang sơ, sơn lam chướng khí. Trong Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn soạn (bản dịch Lê Xuân Giao1970) có ghi: “đất Đồng Nai từ cửa biển Cần Giờ đi vào… toàn là những đám rừng hoang vu, cỏ gai rậm rạp, mỗi đám rừng rộng hơn ngàn dặm…”

Trịnh Hoài Đức với Gia Định Thành Thông Chí cũng có ghi "...gò đồi trùng điệp, rừng rú liền giăng, cây cối cao lớn chọc trời, rậm rạp vài trăm dặm…"

 Ca dao còn lưu lại cho thấy đời sống lúc đó:

 “Đồng Nai điạ thế hãi hùng,

 Dưới sông sấu lội, trên giồng cọp um.”

 hoặc là : 

 “ Đến đây xứ sở lạ lùng,

 Tiếng chim kêu cũng sợ, tiếng cá vùng cũng kinh.”

Quan Kinh Lược NHC chia vùng đất mới thành hai huyện:

- Lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (bao gồm từ Bình Thuận đến Nhà Bè).

- Lấy vùng Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (bao gồm từ Tân Bình đến Cần Giuộc, Long An).

Ngài xin Chúa Nguyễn cho di dân từ miền Trung, vùng ngũ Quảng, nhất là từ quê hương Quảng Bình của Ngài, nơi đất hẹp và kém màu mỡ hơn vùng đất mới. Cuộc di dân cuối thế kỷ 17 này xảy ra từ từ, không nhất loạt và có trật tự. Nhiều vùng đất mới được lập ra và đươc đặt tên mang ít nhiều ảnh hưởng của quê hương Ngài. Miền Đồng Nai, Gia Định không những chỉ có một huyện mang tên Tân Bình, mà còn không biết bao thôn xã mang tên Bình: Bình Kính, Bình Tự, Bình Quan (Cù Lao Phố), Bình Hòa, Bình Qưới, Bình Triệu, Bình Phước…

Ngoài công trình khai hoang và bình định xứ Đồng Nai, Ngài cũng là vị Tướng đầu tiên của Việt Nam bình định, an dân Chiêm Thành (1692), lập Thuận Thành Trấn, sau đổi thành phủ Bình Thuận tháng 8/1693.

Ngài cũng được Chúa Nguyễn Phúc Chu phong chức Thống Binh 1699 cùng Phó Tướng Phạm Cẩm Long và Tướng Trần Thượng Xuyên bình định, trấn vệ biên thùy Việt Nam và Chân Lạp.

 Ngày mồng 9 tháng 5 năm Canh Thìn 1700, Ngài thọ bệnh bất ngờ và mất trên chiến thuyền tại Rạch Gầm, ngã ba Tiền Giang (thuộc thôn Kim Sơn, huyện Kiến Đăng nay là huyện Châu Thành, Mỹ Tho), thọ 51 tuổi.

Theo Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên (trang 54, quyển 3) linh cữu Ngài được đưa về dinh Trấn Biên (Cù Lao Phố). Tại đây, Ngài được đình cửu trên một gò đất cao thuộc phiá Tây Bắc Cù Lao Phố.

Ngài được Chúa Minh Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) truy tặng “Hiệp Tán Công Thần Đăc Tấn Chưởng Dinh Tráng Hoàn Hầu” (tên Cù Lao Ông Chưởng, sông Lòng Ông Chưởng ở Định Tường từ đây mà ra)

Đời Minh Mạng thứ ba (1823), Ngài được phong Thượng Đẳng Thần, truy tặng “Khai Quốc Công Thần Tráng Võ Tướng Quân Vĩnh An Hầu”

 

ĐỀN VÀ MỘ CỦA CHƯỞNG THÀNH HẦU NGUYỄN HỮU CẢNH

 

Đền của Ngài được xây dựng vào đầu thế kỷ 18, kiến trúc theo hình chữ Xưởng, với diện tích khoảng 50 m vuông, tọa lạc giữa một khu đất bằng phẳng, rộng khoảng 1600 m vuông, đúng vào địa điểm xưa kia Ngài đặt làm Tổng hành dinh của dinh Trấn Biên. Đây là một vị trí cao ráo nằm ở phiá Tây Bắc Cù Lao Phố, ấp Bình Kính, làng Hiệp Hòa, Biên Hòa.

 Đền gần bờ sông Đồng Nai, hướng về phiá Tây Bắc, trông ra Cầu Gành (hoặc Cầu Ghềnh) nơi có nhiều đá nằm dưới dòng sông khiến nước nơi này chảy xiết; hòn đá to nhất còn lại nằm ở phía hạ lưu giờ được gọi là Đá Hàng. Đền có mái lợp âm dương lúc khởi thủy, nay được thay bằng ngói vảy cá. Sáu cột chính tiền đài có đúc hình rồng chạm nổi rất đẹp, cả trên mái ngói bốn bên cũng vậy. Bên trong đền, ngay giữa là chữ Thần to cung nghiêm, hai bên có đôi hạc đứng hầu, bên phải là tủ kính treo bộ áo và đôi hia bạc màu, tương truyền là của Ngài dùng xưa kia.

Mộ của Ngài nằm bên trái của Đền khoảng 200 m, giữa Gò Tràm (hay Gò Y Lăng), bao bọc bởi nhiều cây cao bóng mát. Mộ, sau nhiều lần trùng tu, nhất là vào khoảng 1945-1965, đã mang màu sắc kiến trúc mới trừ vài dấu tích rêu cũ phần chân bia dưới chân bức tường án. Mộ được xây bằng gạch, quét vôi màu vàng, có đôi câu đối chữ Hán ở hàng trụ hai bên:

 Sơ khai biên thổ giới,

 Thủy triệu cuộc Nam chân

tạm dịch: 

 Mở mang biên giới thời sơ khởi,

 Chấn chỉnh miền Nam tự khởi đầu.

Thôn Bình Hoành được đổi thành ấp Bình Kính. Đền cũng được đổi thành Đền Bình Kính. Theo lời kể lại, các bô lão xưa đã xin ghép tên Bình của tỉnh Quảng Bình và tên Kính của Ngài mà thành tên Bình Kính, có nghĩa là Đền và Làng này thờ Đức Nguyễn Hữu Kính người tỉnh Quảng Bình.

Chưởng Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Kính) là vị công thần trên đường gian lao mở nước. Ngài được dân vùng đồng bằng sông Đồng Nai, đồng bằng sông Cửu Long nhắc nhở, tôn kính không phải vì ngài đã hiển thánh vời những điều linh ứng mà vì những công đức cụ thể của Ngài. Ngôn ngữ trong miền Nam cũng đươc thay đổi qua tục kỵ húy tên của Ngài, như cây cảnh thành cây kiểng, hoặc kính mát thành kiếng mát…

 

Qua quá trình thành lập của vùng Đồng Nai như đã đề cập trên, và xét lại sự hình thành của dân tỉnh Biên Hòa, ta thấy đây là sự kết hợp của nhiều sắc dân khác nhau qua nhiều thời điểm. Dân Biên Hòa là sự kết hợp của người bản xứ cùng với những người Việt đầu tiên thế kỷ 17, sau đó là số dân di cư từ vùng Quảng Tây theo Tướng Trần Thượng Xuyên vào Nam 1679, rồi đến một loạt di dân từ miền Ngũ Quảng mà Quảng Bình là chính 1698, và gần đây là số di dân từ miền Bắc vào Nam 1954.

 Người xưa có nói, “Đất lành chim đậu.” Để kết luận bài viết này, Biên Hòa, Đồng Nai hẳn là miền đất lành vậy!

 

Chú Thích:

 1. Preynokor tức Sài Gòn.

- Tiếng Miên Prey là rừng; nokor: cây gòn. Preynokor là rừng cây gòn.

- Người Miên ở Lục Chân Lạp đọc là Preko, còn người Miên ở vùng Lục Tỉnh tức Nam Việt Nam đọc là Pei-ằng-ko, đọc tắt là phằng ko, ta phiên âm là Phà Côn hay Sài Côn , sau là Sài Gòn .

 2. Huyền Trân Công Chúa là con của vua Trần Nhân Tông (1279-1293) và là em ruột của vua Trần Anh Tông (1293-1314). Trần Nhân Tông vừa là vị minh quân, anh hùng chiến thắng hai lần quân Nguyên, vừa là người khai sáng ra phái thiền Trúc Lâm, một dòng thiền Phật Giáo mang bản chất và tâm tư của Việt Nam

 3. Nguyễn Bặc bị giết bởi Lê Hoàn, người lập ra nhà Tiền Lê, tức Lê Đại Hành Hoàng Đế, sau khi Thái Hậu Dương Vân Nga nhường Nhà Đinh cho năm 980.

 4. Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc do vụ án Lệ chi viên 1442, khi vua Lê Thái Tông (1434-1442) mất sau đêm được bà thứ thiếp của Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ tiếp hầu.

Nguyễn Trãi có 6 người con trai. Người con thứ ba là Nguyễn Công Duẫn và thứ sáu là Nguyễn Anh Võ trốn thoát. Cháu của Nguyễn Công Duẫn là bà Nguyễn Thị Hằng sau trở thành Chánh Hậu của vua Lê Thánh Tôn (1460-1497), tức Hoàng Hậu Trường Lạc. Vua Lê Thánh Tôn là người xuống chiếu minh oan cho Nguyễn Trãi vào năm 1464, 22 năm sau vụ án.

 

Tài liệu tham khảo:

1/- Lương Văn Lựu: Biên Hòa Sử Lược

2/- Sơn Nam: Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam, Saigon 1973

3/- Lê Quí Đôn: Phủ Biên Tập Lục, Lê Xuân Giao dịch 1972

4/- Trịnh Hoài Đức: Gia Định Thành Thông Chí, Saigon 1972

5/- Nguyễn Ngọc Hiên: Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, 1993

6/- Vương Hồng Sển: Sài Gòn Năm Xưa, NXB Khai Trí 1968

7/- Huỳnh Minh: Định Tường xưa và nay – Trích đoạn – Đặc san Mỹ Tho, Hè 2001.

8/-Trần Trọng Kim: Việt Nam Sử Lược, Saigon 1964.

9/- Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên – Trích đoạn – Ban Sử Địa, Viện Đại Học Huế.

 

 

 

 

 

17 Tháng Năm 2010(Xem: 54265)
Thơ: Võ Thị Tuyết Nhạc: LmST Hòa âm: Cao Ngọc Dung Ca sĩ: Tâm Thư
15 Tháng Năm 2010(Xem: 76152)
Gặp nhau siết mạnh tay một chút Thiêng liêng tình bạn đã lên ngôi Giá như chưa hết bao nuớc mắt Chắc ngàn giọt lệ vội tuôn rơi
14 Tháng Năm 2010(Xem: 82970)
26 năm nghiệt ngã Kết thúc cuộc tình buồn Em trở thành nước lã Anh trở thành người dưng!
13 Tháng Năm 2010(Xem: 86541)
Lục bình theo con nước Vui nở tím triền sông. Đồng lúa xanh mênh mông Cò vui bòn tôm cá
13 Tháng Năm 2010(Xem: 81168)
Bờ giếng khơi lan cỏ Mặt nước trong ngời ngời Chứa trăm làn mây nhỏ Vầng nhật nguyệt chơi vơi.
07 Tháng Năm 2010(Xem: 139988)
Mẹ là đề tài xưa cũ nhưng không bao giờ lỗi thời trong Thơ Văn; nhờ thế mà hôm nay, nhân Ngày Lễ Mẹ 9/5/2010, chúng ta có dịp giới thiệu trên Trang Web Nhà những bài viết ngắn qua lời văn chân thật, những vần thơ giản dị mà tràn ngập hình ảnh, hồi ức, kỷ niệm thân thương về Mẹ . Xin bấm các tựa bài bên dưới để thưởng thức:
07 Tháng Năm 2010(Xem: 61863)
Tháng Năm Lễ Mẹ, mẹ ơi! Con không về được xin Người thứ tha Thêm mùa Lễ Mẹ xa nhà Nhớ lòng biển cả mẹ già dấu yêu!
07 Tháng Năm 2010(Xem: 91100)
Ngày nay, má tựa như ngọn đèn dầu trước gió, nếu một mai ngọn đèn tắt đi, e rằng cuộc đời còn lại của tôi sẽ mang nhiều ân hận và tiếc nuối. Ân hận vì không có những giây phút kề cận bên má lúc tuổi già, tiếc nuối vì không còn được một lần ăn lại món thịt nọng kho, cá trê chiên dầm nước mắm mỡ hành và nghe giọng nói của má với “ Hương vị ngọt ngào”.
06 Tháng Năm 2010(Xem: 75081)
Giờ muốn khóc, tự nhiên con thèm khóc Như lăn vòng khỏi võng, khóc hụt hơi Ước chi Má một bên bồng con dậy Khóc một đêm rồi xa Má muôn đời!
06 Tháng Năm 2010(Xem: 80286)
Chúng ta hãy cài một hoa hồng cho những ai còn Mẹ! và một đóa bạch hồng cho những ai mất mẹ. Dù Mẹ còn hay mất, chúng ta cũng phải nên nhớ cho rằng, tất cả ai sống trên đời nầy, thân thể nầy cũng chỉ là một phần tách rời từ thân thể Mẹ mà ra.
06 Tháng Năm 2010(Xem: 65466)
Để con lạnh Mẹ sợ ghê Chiều Đông mưa gió não nề lạnh căm Mẹ ôm con chặt trong lòng Lời ru Mẹ hát, ấm vòng tay êm
30 Tháng Tư 2010(Xem: 79615)
tháng tư về, một thoáng bâng khuâng chút nắng tan, chợt nồng mắt đỏ ai trả lời em điều chưa bày tỏ rằng một thời ta đã yêu nhau?
29 Tháng Tư 2010(Xem: 79724)
Vòng eo áo nhỏ mồ côi Chờ vòng eo thật của người mình thương Lao xao gió bụi mười phương Những hàng khuy bấm giận hờn bung ra
28 Tháng Tư 2010(Xem: 82376)
Xa sông Đồng Nai rồi thấy nhớ Bìm bịp kêu con nước lớn ròng Một bên bồi phù sa màu mỡ Bờ bên kia sóng cuộn thành dòng.
25 Tháng Tư 2010(Xem: 93640)
Đầu thập niên tám mươi, trước những bế tắc không lối thoát, Mẹ thu xếp gởi anh chị em chúng tôi, từng đứa, vượt đại dương để đến một vùng đất tự do, ở đó không có khủng bố tinh thần, ở đó không có trại cải tạo giam giữ những người hoàn toàn lương thiện, và ở đó chúng tôi sẽ được học hành thành người.
17 Tháng Tư 2010(Xem: 76098)
Vẫn em, áo, với tóc thề, Nghìn xa vẫn một tình quê đậm đà. Đã đành xa vẫn còn xa, Áo em vẫn nét mượt mà Việt Nam!
17 Tháng Tư 2010(Xem: 75708)
Xưa mình đi học về Qua đường đê quanh co Tím màu hoa mắc cỡ Đồng xanh trắng cánh cò.
16 Tháng Tư 2010(Xem: 77010)
Khắc khoải niềm tâm sự Sầu trọn kiếp chưa nguôi Biết ai người tri kỷ Chia xẻ những ngậm ngùi?
15 Tháng Tư 2010(Xem: 59657)
Kể lại để cùng nhớ Cau trầu nhai với vôi Thành màu son đỏ ối Thắm tình nghĩa thiêng liêng.
12 Tháng Tư 2010(Xem: 73399)
Ru em khúc tình sầu Anh quên lời ca cuối Bên ngoài trời mưa vộ i Em hãy ngủ cho ngoan
07 Tháng Tư 2010(Xem: 73073)
Đẹp như màu áo em Nữ sinh trường Ngô Quyền Đạp xe theo Quốc Lộ Che chiếc nón nghiêng nghiêng
06 Tháng Tư 2010(Xem: 83735)
Ngày đầu bước vào ngưỡng cửa Trung học của tôi không được đẹp và dễ thương như các nhà văn đã miêu tả. Tuy nhiên nó vẫn cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên.
05 Tháng Tư 2010(Xem: 75058)
Mỗi một mùa gió lộng Mươi bài hát phiêu du Cò xưa gầy bay trắng Rừng lá phủ sương mù .
05 Tháng Tư 2010(Xem: 71942)
Tình em là biển cả Tình anh là mây trôi Hai nẽo đời khác lạ Đành gọi cố nhân thôi!
05 Tháng Tư 2010(Xem: 73858)
Thêm mùa hoa bưởi tháng ba Lòng tôi nhớ đến Biên Hòa ngày qua Bao mùa hoa bưởi xa nhà Nhớ về quê cũ hương hoa thơm nồng
04 Tháng Tư 2010(Xem: 61767)
Mồ hôi chan vào đất Cho dâu lá xanh rờn Trải dài xa tít tắp Dáng mẹ càng gầy hơn.
04 Tháng Tư 2010(Xem: 70920)
bất ngờ phố cổ chiều vàng nắng xao xuyến lòng ai chợt bâng khuâng tôi đã gặp em từ lâu lắm, hay mới hôm nào giữa phố xuân?