Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Tô Đăng Khoa - NGUYỄN LƯƠNG VỴ - 45 NĂM THI CA: CHỮ NÉN HUYỀN ÂM TƯỢNG SỐ NGÂN DÀI

30 Tháng Mười 20152:09 CH(Xem: 19085)
Tô Đăng Khoa - NGUYỄN LƯƠNG VỴ - 45 NĂM THI CA: CHỮ NÉN HUYỀN ÂM TƯỢNG SỐ NGÂN DÀI

TÔ ĐĂNG KHOA

 

NGUYỄN LƯƠNG VỴ - 45 NĂM THI CA:

CHỮ NÉN HUYỀN ÂM TƯỢNG SỐ NGÂN DÀI


TDKhoa

“Thinking and Being are The Same”
(Tư tưởng và Tồn sinh là Một)
.
(On Nature - Parmenides) 

.

Tôi đến với cõi Thi Ca và Tư Tưởng của Nguyễn Lương Vỵ (NLV) bằng con đường rất tự nhiên của một độc giả yêu thơ, thường theo dõi thơ trên các tạp chí và nhất là các trang mạng văn học nghệ thuật.  Còn nhớ lúc đó vào cuối năm 2012, khi tôi đang ngồi lướt mạng, tình cờ đọc được bài thơ “Hòa Âm Âm Âm Âm... ” của NLV trên một trang văn học, tôi đã rất sững sờ và rung động vì ý tứ của bài thơ rất lạ và cũng rất thâm sâu:

.

"… Mẹ đẻ đỏ loe tiếng khóc

Càn khôn tìm về ngay chóc

Vũ trụ đùn ngay một bọc

.

Âm âm âm

AAA

UUU

câm câm câm

.

Chỉ biết tri âm là đây

Ngáp dài một cái tròn đầy

Xương tàn cốt lụi òa bay…"

 .

Sau đó, tôi dùng Google để tra cứu thêm và được biết nhà thơ NLV đang cư trú tại Quận Cam, miền Nam California, cũng là nơi tôi đang ở. Tôi đã mạnh dạn email cho nhà thơ NLV để hỏi mua tập thơ "Tám Câu Lục Huyền Âm" của ông vừa mới phát hành (theo giới thiệu trên các trang mạng), đồng thời, hỏi mua thêm các tập thơ khác của ông đã phát hành trước đây. Ngay ngày hôm sau, tôi nhận được hồi đáp của nhà thơ và đã có một buổi gặp gỡ rất chân tình. Kể từ đó, tôi đã trở thành người em, người bạn vong niên rất thân thiết với ông. (Về tuổi đời, tôi nhỏ hơn ông đúng 2 con giáp, cùng bổn mạng con Rồng).

.

Nhà thơ NLV đối đãi với tôi như một người anh, người bạn vong niên rất chân tình, cởi mở. Mỗi sáng thứ Bảy hay Chủ Nhật, chúng tôi thường hẹn nhau ở một quán cà phê để trò chuyện tâm tình. Dáng người NLV tầm thước, mái tóc đã bạc gần hết, thường được che bằng chiếc mũ bê-rê trắng. Đôi mắt ông sáng hẳn lên và giọng nói hào sảng, đầy hứng khởi mỗi khi đề cập đến Thi Ca và Phật Pháp.

.

Càng gần gũi và thân thiết, tôi càng quí trọng ông, một nhà thơ rất tài hoa nhưng sống ẩn dật. NLV sở hữu vốn kiến thức rất từng trải và uyên thâm về triết học, tư tưởng, nhất là Phật học. Phong cách ông bình dân, giản dị đến mức xuề xòa. Ông đã ăn chay trường hơn 3 năm nay, sống kham khổ và đạm bạc ở một căn phòng nhỏ trong một mobile home với một người bạn cũng độc thân như ông và cũng là một nhà thơ nghèo. Nhớ có một lần gần đây, ông tâm sự với tôi: "Đã trên 6 bó rồi, nên sống theo kiểu tri túc là thanh thản nhất, vui nhất. Tu Chữ - Tu Thơ, giống như kiểu tu theo Phật pháp. Nói chung là để tu Tâm, dưỡng Tánh, cố gắng không dính mắc điều gì nữa. Thế là đại phước lắm rồi." Câu nói ngắn gọn, nhưng được hàm dưỡng một nội lực, một sức sống rất thâm hậu.

.

Cách nay hơn một tháng, nhà thơ NLV báo tin cho tôi biết, rằng ông đang chuẩn bị ấn hành tuyển tập thơ 45 năm (1969-2014) của ông và ông đã gửi toàn bộ thơ trong tuyển tập nầy cho tôi đọc, với mong muốn tôi viết một số cảm nhận để in vào sách làm kỷ niệm. Tôi nghĩ, đây cũng là do duyên tiền định không giải thích được. Cũng do ông khuyến khích và hết sức chân tình (có lẽ do cảm mến, thấu hiểu những nhận định về thi ca, Phật pháp của tôi trong những lần chuyện trò, tâm tình), nên trước đây tôi đã mạnh dạn viết 2 bài viết ngắn về 2 tập thơ "Năm Chữ Năm Câu" và "Năm Chữ Ngàn Câu" của ông trong năm 2014 và đã được ông đưa vào sách làm Lời Bạt. Lần nầy, tôi bày tỏ thật lòng với ông: "Viết về thơ anh là một niềm vui thật sự với em. Nhưng phải nói thật, khi đọc lướt qua tuyển tập 45 năm nầy thì em cảm thấy choáng ngợp. Sợ rằng không đủ sức đâu anh à." Ông cười và nói: "Khoa cứ viết thoải mái. Không khiên cưỡng, áp lực gì cả thì sẽ viết được thôi. Chủ yếu là sự cảm nhận về thơ, không hàn lâm lý luận gì cả. Cảm nhận như thế nào thì viết như thế ấy. Tôi muốn nhận nơi Khoa một tri tình, một cảm nhận về thơ tôi của một người bạn trẻ thuộc thế hệ sau. Đó cũng là niềm mong mỏi duy nhất và là nguồn an ủi đối với tôi rồi."

.

Tôi thật sự bất ngờ và kinh ngạc khi đọc những bài thơ của NLV viết vào những năm 1969-1974. Nhất là 2 bài thơ "Nửa Đêm Thức Dậy Nhìn Mây Trắng" (1969) và bài thơ "Âm Nhạc" (1970) của ông, tức là thời gian ông mới 17, 18 tuổi, nhưng hồn thơ thật bát ngát dị thường. Xin trích nguyên văn bài thơ "Nửa Đêm Thức Dậy Nhìn Mây Trắng":

.

"Lung linh hồn quê cũ
Mây trắng phủ khắp trời
Nhớ trăng khô hết máu
Muôn trùng dặm núi ơi..."
.

"Hồn quê cũ", "mây trắng", hình ảnh xa xôi, diệu vợi về nơi chốn quê nhà của nhà thơ, nhưng cũng có thể hiểu là nơi chốn nguyên sơ của con người. "Nhớ trăng khô hết máu", "Trăng" và "Máu", một cảm xúc không thể diễn tả bằng lời được thông qua cái "Nhớ". Tiếp theo là tiếng thở dài "Muôn trùng dặm núi ơi... ". Tôi không phân tích hết được ý nghĩa bát ngát mênh mông của bài thơ, nhưng đọc xong, tâm hồn bỗng trào lên một cảm xúc khó tả.

.

Xin trích tiếp đoạn mở đầu bài thơ "Âm Nhạc":

.

"Âm nhập cốt

Âm binh phiêu hốt tiếng tru

Ta tru một kiếp cho mù mắt

Mù lệ đề thơ để nhớ đời

À ơi! Rượu đỏ hoàng hôn tắt

Ta dắt hồn ta túy lúy chơi..."

.

Nhịp điệu của bài thơ ầm ào, thảng thốt, đúng như câu ông viết dưới tựa đề của bài thơ: "Viết trên nền nhạc symphony số 5 của Beethoven." Một bài thơ rất lạ, rất bạo liệt, sầu thảm nhưng bi hùng. Tôi nghĩ, đây là một bài thơ rất hay và rất hiếm của một người làm thơ lúc còn đang ở độ tuổi thanh niên. (Bạn đọc có thể đọc nguyên văn bài thơ nầy trong tuyển tập).

.

Khi chuẩn bị cho bài viết nầy, tôi có email cho nhà thơ NLV, tạm gọi là "phỏng vấn" ông quan niệm về thơ như thế nào, để làm "nền" cho bài viết, thì nhận được email hồi đáp của ông, nguyên văn như sau:

.

"Câu hỏi của Khoa làm tôi nhớ đến một câu của nhà thơ Bùi Giáng. Trong một cuốn sách nào đó của ông, tôi không nhớ rõ, đại ý, ông bảo ông bắt chước "giọng" của Khổng Tử, viết rằng: "Con chim thì ta biết nó bay. Con cá thì ta biết nó lội. Thằng thi sĩ thì ta biết nó làm thơ. Nhưng thơ là gì? Thì điều đó ta không biết." Câu nói của nhà thơ Bùi Giáng thật ly kỳ thơ mộng, theo kiểu ẩn ngữ lai rai của ông.

.

Từ tuổi thiếu niên, hình ảnh "máu me" đã sớm đi vào những bài thơ đầu đời của tôi, nhất là khi mẹ tôi bị băng huyết, sẩy thai người em thứ năm của tôi mới chừng hai ba tháng gì đó. Tôi nhớ rất rõ, vào một buổi chiều chạng vạng, sau khi dùng đôi đũa bếp gắp cái hình hài lầy nhầy chưa tượng hình người của em tôi, bỏ vào chiếc nồi đất nhỏ, phủ tro lên, đậy nắp lại, hai tay ôm chiếc nồi đất ấy, đi theo sau ông Nội tôi ra khu nghĩa địa trong làng, gọi là Gò Chùa để chôn cất em tôi. Chẳng biết vì sao, sau khi rời nghĩa địa trở về nhà, trên đường đi, trong tâm trí tôi hiện rõ mấy câu thơ, "Mẹ băng huyết giữa đồng / Đứa em chưa kịp tượng / Trôi tuốt ngoài thinh không / Chập chờn con bướm lượn." Mấy câu thơ nầy, mãi đến 3 năm sau tôi mới viết ra trên giấy. Cho đến bây giờ, là bài thơ nằm lòng và là kỷ niệm đẹp nhất trong đời làm thơ của tôi.

.

Tiếp đến, năm tôi gần 13 tuổi (1965), đang học lớp đệ ngũ tại trường trung học kỹ thuật Đà Nẵng, cha tôi và người chú ruột của tôi bị chết thảm trong một vụ án chính trị, hình ảnh "máu me" lại càng ám ảnh tuổi thơ tôi một cách mãnh liệt hơn, nên khi chuyển vào Qui Nhơn (1967) để tiếp tục việc học, tôi lại viết tiếp mấy câu thơ song thất lục bát: "Thơ là máu, kinh kỳ là nguyệt / Nguyệt đầy vơi ta biết làm sao / Nguyệt cuồng trong máu lao xao / Nói chi sấm chẻ ngàn cao giữa mùa..." Bài thơ khoảng chừng ba bốn khổ gì đó, đến nay tôi không nhớ hết, nhưng đại thể là sự bộc bạch tâm sự của mình về thơ, về cuộc đời. Bây giờ đọc lại thì thấy ngô nghê, cố làm ra vẻ "trịnh trọng" người lớn, nhưng thật tình, mỗi khi nhẩm lại những câu thơ nầy, tôi vẫn còn cảm động vô cùng.

.

Năm 1987, lúc đã qua ngưỡng "tam thập" (35 tuổi), tôi viết bài thơ "Thanh Ca". Bài thơ viết một mạch, khá dài, không dấu chấm dấu phẩy gì hết, để bày tỏ quan niệm về thơ của mình, giờ đọc lại cũng thấy ngồ ngộ, hay hay vì cái ý bảng lảng phiêu bồng của nó. (Bài thơ nầy, tôi cũng in lại trong tuyển tập). Tiếp sau đó, cảm nhận về thơ gắn liền với số phận, số kiếp con người giữa thời buổi "tang thương ngẫu lục", tôi đã viết:

.

"Ta quí thơ như máu

Quí gạo cũng tương đương

Thời nhiễu nhương lộn lạo

Máu cũng phí như thường... "

.

(Thiệt Tình - Âm Vang Và Sắc Màu)

.

Đến bây giờ, đã bước qua ngưỡng "lục thập" (63 tuổi), sống nơi đất khách quê người, tôi chỉ còn biết thơ là nơi chốn để mình tu: Tu Chữ và Tu Thơ. Tu như vậy cũng là tu Tâm theo nghĩa của Phật pháp. Tu để chờ một chuyến trở về cuối cùng cho một đời người. Như một vị thiền sư nào đó đã nói: "Ta từ hư không mà đến đây, rồi lại trở về với hư không." Nhẹ nhàng. Thanh thản. Cố gắng không dính mắc điều gì nữa. Vậy thôi!

.

Câu Khoa hỏi, thật tình tôi chẳng biết trả lời như thế nào cho thỏa. Mỗi một người làm thơ, đọc thơ đều có quan niệm riêng, cách nhìn riêng về thơ. Cả tỉ tỉ quan niệm, cách nhìn, cách hiểu, cách cảm nhận, làm sao tổng hợp cho hết được. Chỉ biết rằng, một bài thơ, một câu thơ mình viết ra (tất nhiên, trước hết là để bày tỏ nỗi lòng của mình), khi được công bố trên báo chí, hay các phương tiện truyền thông khác, gặp được sự cộng hưởng, cảm ứng của người đọc thì xem như mình được an ủi, hạnh phúc lớn lắm rồi. Còn quan niệm thơ là gì? Tôi xin phép được quay trở lại câu của nhà thơ Bùi Giáng nêu trên là đề huề, vui vẻ, thơ mộng nhất vậy."

.

Đọc thư phúc đáp của nhà thơ NLV, tôi nhận ra được tính xuyên suốt và nhất quán trong thơ ông: "Máu" và "Âm" chính là định mệnh của thơ NLV, cũng chính là nguồn cảm hứng bất tận trong thơ NLV, kể từ lúc tóc còn xanh cho đến lúc tóc đã bạc trắng như bây giờ.

.

Thật vậy, từ những bài thơ được sưu tầm lại (1969-1975) cho đến những tập thơ "Âm Vang Và Sắc Màu", "Phương Ý", "Hòa Âm Âm Âm Âm... ", "Huyết Âm", "Tinh Âm", "Bốn Câu Thất Huyền Âm", "Tám Câu Lục Huyền Âm", "Năm Chữ Năm Câu", "Năm Chữ Ngàn Câu", thơ NLV là một chuỗi dài vang vọng bất tận của "Máu" và "Âm" bằng đủ loại tiết tấu: Lắng đọng, trầm hùng, bi tráng, bi thiết, bạo liệt, dữ dội, tịch mịch... Tôi nhớ, nhà thơ Nguyễn Thị Khánh Minh trong một bài viết, đã mô tả, ví von một cách hình ảnh, đại ý rằng, mỗi tập thơ của NLV là một dòng chảy nhỏ của một con suối, để rồi hợp thành một dòng chảy lớn của một con sông, trôi ra biển rộng muôn trùng. Tôi nghĩ, nhận xét nầy phần nào đã nói lên được một cách khái quát về đặc điểm và tầm vóc thơ NLV.

.

"Hòa Âm Âm Âm Âm... " là tập thơ sung mãn và phong phú nhất của NLV, được ấn hành sau 5 năm ông định cư tại Hoa Kỳ. Khác hẳn với "Âm Vang Và Sắc Màu", "Phương Ý" trước đây khi còn ở Việt Nam, với tính cô đọng, thâm trầm - "Hòa Âm Âm Âm Âm... " đã hòa quyện âm vang bi hùng, bi tráng một cách mênh mông, sâu thẳm của nhà thơ khi phải sống cô độc, chịu nhiều cảnh ngộ bi kịch thương tâm nơi xứ người. Theo tôi, đây là tập thơ "đỉnh cao" của NLV, hội tụ tinh túy tài hoa, với tư tưởng rất uyên áo. Chính nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan, người bạn tri âm tri kỷ của NLV, trong bức thư gửi cho bạn mình, đã viết một cách thảng thốt trước Thi Ca của NLV: “Chỉ thấy Tính-Linh, phải đâu là chữ!....Tôi phải cảm ơn Vỵ nhiều lắm. Hãy cho tôi đọc nhiều thơ nữa đi, đọc suốt đời càng thích. Vì “chữ” của Vỵ đâu phải chỉ là “chữ” không thôi, nó chính là TÍNH-LINH của chúng ta, dù chỉ là loại Tính-Linh đầy những máu.”

.

Tiếp sau đó, liên tục các tập thơ "Huyết Âm" dữ dội, bạo liệt tuôn trào; "Tinh Âm" lắng đọng, bi thiết; "Bốn Câu Thất Huyền Âm" và "Tám Câu Lục Huyền Âm" càng lắng đọng và trầm sâu hơn; "Năm Chữ Năm Câu" và "Năm Chữ Ngàn Câu" vi diệu và uyên áo, thơ NLV đã thực sự đi đến "mùa hương chín" của Thi Ca và Tư Tưởng.

.

Đặc biệt, tập thơ "Huyết Âm", theo tôi, là tập thơ dữ dội và bạo liệt nhất về sức Thấy và sức Nghe của nhà thơ. Ngay đầu tập thơ, nhà thơ viết 4 câu thơ song thất lục bát, mỗi chữ đều viết hoa (có lẽ là để nhấn mạnh từng chữ):

.

"Gió Bức Bách Trong Tờ Giấy Lật

Thơ Muôn Trùng Phơ Phất Nẻo Xa

Ngàn Thâu Bích Huyết Chiêu Hoa

Ngàn Trùng U Mộng Người-Ma U Hoài..."

.

Tuy không hiểu hết các ẩn dụ của nhà thơ trong 4 câu thơ trên, nhưng khi đọc lên một cách chậm rãi, tôi cảm nhận được khí lực, thần thái của thơ thật dữ dội, uyên áo, nói về thân phận của kiếp người.

.

Nhà thơ Lý Đợi, trong Lời Bạt cho "Huyết Âm" đã trích lại giải thích ý nghĩa của "Huyết Âm" mà nhà thơ NLV đã giãi bày: "Huyết, trong từ Hán Việt có hai nghĩa chính: Máu và Lệ. Huyết Âm: Âm vang của Máu và Lệ, khóc cười đủ các kiểu cho nó xôm tụ. Lấy hào cửu cửu làm gốc, nên đánh số từ 1 đến 81 (9 x 9 = 81), thêm một bài ngoại tập: Huyết Âm Tây Tạng, như một tiếng thở dài giữa thời mạt pháp." Trong đoạn cuối của Lời Bạt, nhà thơ Lý Đợi viết:

.

"Đọc thơ là đọc giữa hai hàng chữ, giữa hai con âm, nhiều người đã nói như vậy, nghe đã mòn tai. Nhưng quả là có những trường hợp, không làm như vậy không được. Nguyễn Lương Vỵ đã tìm mọi cách để nhét những ưu uất của mình vào giữa hai con âm. Tìm cách hướng người đọc vào những động thái bên lề, nhằm quên đi một thực tại đang được dựng xây bằng máu và nước mắt.

.

Trong một cách nào đó, đọc Huyết Âm cũng như là:

.

Dục cùng thiên lý mục

Cánh thướng nhất tằng lâu

(Muốn tận cái nhìn ngàn dặm

Thì cứ lên thêm một tầng lầu nữa).

.

(Vương Chi Hoán)"

.

Như vậy đã rõ, Huyết: Máu và Lệ, "Huyết" và "Âm" chắc là để minh chứng, minh giải thêm cõi thơ, hồn thơ NLV mà thôi. Thơ trong "Huyết Âm" phần lớn là thơ ngắn, chỉ có đánh số mà không có tựa đề, có khi rất ngắn nhưng dữ dội và quyết liệt bằng sức Thấy sức Nghe xuyên thấu và kinh hoàng của nhà thơ:

.

"Róc huyết âm

Đá khóc

Xanh

Tuyệt đối... "

.

(# 1)

.

"Mẹ huyền vi

Rung huyết

Đón tinh Cha

.

A! Gái huyền

Đẻ đái

Cái Người-Ma"

.

(# 5)

.

"Hoàng hôn muôn thế kỷ sau

Dứt khoát

Thơ

Còn

Đỏ

Au…"

.

(# 33)

.

Đến "Tinh Âm", thơ càng cô đọng và vi diệu hơn: "Ôi con chữ máu rung / Ôi cái nghĩa kỳ cùng... " hay 3 bài thơ Nhị Tuyệt: "Nghĩa đời trong lá khô / Ý đời trong mầm biếc…" - "Cồi máu phơi tiếng hú / Óc phơi ngọn nến mù…" - "Muôn chiều. Chiều hết đời / Muôn đời. Đời phơi thây…"  Thơ đã đạt đến "ý tại ngôn ngoại", không thể nghĩ bàn, chỉ còn lại sự cảm nhận, rung động, cảm ứng của người đọc thơ với thơ mà thôi.

.

Những tập thơ tiếp sau, "Bốn Câu Thất Huyền Âm", "Tám Câu Lục Huyền Âm", "Năm Chữ Năm Câu", "Năm Chữ Ngàn Câu", thơ NLV ngày càng đi sâu vào cấu trúc tiếng Việt với nhiều thể loại thơ truyền thống, mà tập trung nhất, phong phú nhất là 2 tập thơ "Năm Chữ Năm Câu", "Năm Chữ Ngàn Câu". Đây là 2 tập thơ thể hiện nỗ lực sáng tạo rất độc đáo và vi diệu của nhà thơ, với ngôn ngữ thơ rất bình dị, trong sáng, đa phần là âm thuần Việt, nhưng ý tứ, tư tưởng trong thơ rất mênh mông, sâu thẳm về sức Nhìn, sức Thấy và sức Nghe:

.

"nhìn trong thơ thấy đạo

nhìn trong đạo thấy thơ

nhìn trong thơ thấy gạo

nhìn trong gạo thấy mình

có-không thiệt rốt ráo"

.

"nhìn trong hạt thấy mầm

nhìn trong mầm thấy mộ

nhìn trong mộ thấy âm

nhìn trong âm thấy số

ôi tượng số điếc câm…"

 .

hay là:

 .

"thấy và nghe huyết tan

từ rất lâu trong chữ

chữ lòn trong nắng tàn

ta lòn trong mưa lụi

lượm lên phủi hú vang…"

.

(Trích Năm Chữ Năm Câu)

.

Khi tôi đặt vấn đề với nhà thơ NLV, vì sao cấu trúc, thể loại trong thơ ông đa phần là thơ có vần theo kiểu truyền thống mà ít thơ tự do hay không có thơ theo kiểu hậu hiện đại? Ông trả lời chậm rãi và chân thành: "Có thể là do tôi đã quen với cách sống kỷ luật, kham nhẫn và chịu đựng với chính bản thân từ lúc thiếu thời. Càng sống, càng trải nghiệm, thì tôi lại nhận ra rằng: Kỷ luật, kham nhẫn và chịu đựng cũng chính là phương pháp tu tập tốt nhất để bản thân mình ngày càng được hoàn thiện, thật sự đạt đến tự do, tự tại, được sống một cách trọn vẹn với cái-đang-là bất tuyệt. Thiển nghĩ, thơ cũng vậy. Thơ có vần, tuân thủ theo luật tắc, hoàn toàn không đồng nghĩa với gò bó, câu thúc, khô khan, cổ hủ mà như ý trên đã giãi bày cái diệu nghĩa của kỷ luật, kham nhẫn và chịu đựng đối với người mà tôi tạm gọi là Tu Chữ, Tu Thơ. Thể loại, trường phái, cấu trúc trong thơ không phải là vấn đề quan trọng, sinh tử của thơ, mà suy cho cùng, chính là hồn vía của chữ, của thơ. Thông qua sức Thấy và sức Nghe, làm thế nào đểhồn vía của chữ, của thơ tạo được rung cảm cho chính mình, rồi sau đó cảm ứng đến với người đọc. Đó mới là cái chính, cái cốt lõi, cái đáng suy nghĩ nhất trong quá trình sáng tạo thơ. Chỉ xin mạo muội lạm bàn đôi điều như vậy thôi."

.

Tôi rất thấm thía về những giãi bày của ông. Cũng từ giãi bày trên, có thể chiêm nghiệm thêm rằng, quá trình sáng tạo thơ, cũng là quá trình tu tập về tâm thức, hiểu theo nghĩa tích cực nhất, nhân bản nhất:

.

"Mỗi chữ mỗi kiếp cháy sáng rực

Thâm âm thâm u từ lâu nay..."

.

(Huyết Âm)

.

***

.

Đối với tôi, tuyển tập thơ 45 năm của NLV là một trong những tác phẩm rất có giá trị của thi ca đương đại Việt Nam. Tôi rất tâm đắc nhận định của nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan về thơ NLV: "Chỉ có Tính-Linh, phải đâu là chữ!". Thật vậy, càng đọc và chiêm nghiệm thơ NLV, chữ thơ NLV không còn là những con chữ bình thường nữa, mà chữ thơ đã trở thành hồn vía, thành Tính-Linh. Mỗi chữ thơ, câu thơ, bài thơ của NLV đã được viết ra từ một tâm lực đầy kỷ luật, kham nhẫn và chịu đựng, với tình yêu tận hiến cho thơ một cách tha thiết và mãnh liệt. Vì vậy, tôi nghĩ, nội lực thơ của NLV ngày càng thâm hậu theo thời gian, với một hồn thơ mênh mông và sâu thẳm của Nhân Bản và Minh Triết.


TĐKhoa 2


Tính-Linh trong thơ NLV là "Chữ nén huyền âm Tượng Số ngân dài" (Huyết Âm). Sức "nén", sức cô đọng của chữ để trở thành "huyền âm Tượng Số ngân dài" trước thử thách khắc nghiệt của thời gian và sự quên lãng. Đó cũng chính là giá trị nội tại của thơ NLV, "Nghĩa đời trong lá khô / Ý đời trong mầm biếc". Đó cũng chính là bản hòa âm bất tuyệt của cái-đang-là, cái Thực Tại Hiện Tiền đang trôi chảy trong từng sát na. Tôi thật sự cảm động khi đọc 4 câu thơ sau đây:

 .

"Hỏi cái Mình ngồi đó

Có nhớ cái Ta xa?

Chợt quên rồi chợt nhớ

Thảng thốt giọt lệ sa."

.

(Trích Năm Chữ Ngàn Câu)

.

Câu hỏi thoạt nghe qua, có vẻ rất bình thường, nhưng có mấy ai đã hỏi với chính mình như vậy, để rồi "Thảng thốt giọt lệ sa"?!

.

Nhà thơ nhẹ nhàng viết trong "Lời Thưa" tập thơ "Năm Chữ Ngàn Câu", từ tốn nhưng đầy niềm bi mẫn, cảm hoài:

.

"Câu hỏi đã từ rất lâu, không lời vọng lại hồi đáp.

Câu trả lời vẫn còn im lắng, ngất xanh trong những giấc mộng dị thường." 

 .

Câu hỏi của NLV cũng chính là câu hỏi của William Shakespeare đã đặt ra cho Tây Phương từ khá lâu theo lối trực tiếp: “To be or not to be, that is the question” (Tồn tại hay không tồn tại. Đó chính là vấn đề). Đó cũng là câu hỏi về “Being” mà Martin Heidegger đã dành trọn đời để soi sáng ý nghĩa của nó.  Nhưng để có thể tiếp xúc với câu hỏi của “Being”, đòi hỏi chúng ta cần có một thái độ thích hợp đối với ngôn ngữ, mà theo Heidegger thì:

.

“As soon as we have the thing before our eyes, and in our hearts an ear for the word, thinking propers.” (Heidegger - Building Dwelling Thinking).

.

Tạm dịch:

.

“Ngay khi một điều gì phơi bày ra trước mắt, và trong tâm chúng ta biết lắng nghe ngôn từ (cảm ứng cho chính nó), ấy là lúc tư duy khai phóng.”

.

Tôi rất hạnh phúc là một độc giả rất yêu và quí thơ NLV, một người em, người bạn vong niên của nhà thơ NLV. Bài viết nầy, tạm gọi là chút tình tri ngộ, tri tình, tri ân cùng ông giữa cõi đời và cõi người rất mong manh, mộng ảo nầy. Và, cũng giống như nhà thơ Nguyễn Tôn Nhan, tôi rất mong sẽ được đọc thơ NLV nhiều hơn nữa, vì thơ NLV "Chỉ thấy Tính-Linh, phải đâu là chữ!... nó chính là TÍNH-LINH của chúng ta, dù chỉ là loại Tính-Linh đầy những máu."

.

Westminster - CA, September 20, 2015

TÔ ĐĂNG KHOA

 

23 Tháng Ba 2009(Xem: 71742)
Vẫy tay chào hang yên chi hoa đỏ Chào khuôn sân đá cuội trắng rì rào Chào hàng sao chim tụ về làm tổ Chào tượng Ngô Quyền nắng ngủ trên cao
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71860)
Về lại Biên Hòa thăm con đường xưa Dốc học trò vẫn mang tên Kỷ Niệm
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71462)
Vẫn là mưa nghiêng nghiêng giăng trắng Trên hàng cây bãi cỏ sân trường Sao không giống ngày xưa sâu lắng Chiều tan trường bè bạn thân thương
23 Tháng Ba 2009(Xem: 68917)
Biên Hòa em vẫn thương hoài Ngô Quyền ngày trước, áo dài màu xanh.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71437)
Nếu một mai tôi chết, Xin đừng khóc cho tôi. Đường đời chia đôi ngả, Hãy chôn tình phai phôi.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71208)
Saigon ơi, xa rồi ta vẫn nhớ Những chiều xưa hai đứa lén hẹn hò!
23 Tháng Ba 2009(Xem: 70984)
Lưu bút ngày xưa kỷ niệm đầy, Tình thân bạn cũ hãy còn đây! Ngây ngô ghi vội đôi dòng chữ Đầy ấp yêu thương mỗi phút giây.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 70681)
ôi, mùa hè tuổi nhỏ hóa thân giữa màu hoa ôi, mùa hè êm ả phục sinh từ đôi ta!
24 Tháng Hai 2009(Xem: 32281)
  Trong tuyển tập “Giữa Hai Miền Mưa Nắng” của nhà văn Hoàng Mai Ðạt, tác giả đã kể lại một chuyến về Việt Nam vào năm 1998, đặc biệt là ở vùng đất Biên Hòa, quê vợ của anh. Sau đây là trích đoạn tác giả về thăm một nơi chốn đã khiến anh bồi hồi với bao cảm xúc, đó là trường Ngô Quyền của vợ anh cũng như của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, người viết những bài thơ tình bất hủ mà anh yêu thích từ lâu.
24 Tháng Hai 2009(Xem: 79657)
  ( Kính tặng Thầy Toán Nguyễn Văn Phố)
24 Tháng Hai 2009(Xem: 71654)
  Nay đất khách quê ngưòi: Thân biệt xứ. Áo công khanh rách nát giữ trong tim. Chút hương xưa là chút lửa êm đềm, Dùng sưởi ấm niềm riêng, chờ Hội lớn.
24 Tháng Hai 2009(Xem: 35045)
  Rời Sài Gòn tháng Tư năm 75. Đến Mỹ, Thượng Châu hợp tác với nhà văn Võ Phiến, Lê Tất Điều, ký giả Nguyễn Hoàng Đoan xuất bản tờ báo Việt ngữ đầu tiên tại Hoa Kỳ tên Hồn Việt, do nữ ca sĩ Khánh Ly làm chủ nhiệm. Sau đó, hội nhập đời sống Mỹ, đi làm việc ở SanDiego đã được 28 năm và sắp về hưu. Lâu lắm, không viết lách gì, nhưng bây giờ với tiếng gọi trường cũ Ngô Quyền, Thượng Châu rất sẵn sàng và vui vẻ đóng góp
20 Tháng Hai 2009(Xem: 80897)
Ba mươi năm chờ đợi Hoa tàn, trăng tận, sông quằn mình trăn trở Ba mươi năm nhớ mong Lá héo, sao mờ, biển cồn cào dậy sóng
20 Tháng Hai 2009(Xem: 75870)
  Đứng trước biển mùa Đông thêm cô quạnh Cánh hải âu đơn lẻ chập chờn bay Hải đăng xa nhạt nhòa trong sương lạnh Đá chập chùng, mong mỏi đợi chờ ai  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 75789)
  Nhớ sao cứ nhớ quắt quay Ngô Quyền bạn cũ giờ đây ai còn?                  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 75582)
Một chút mây trời, để nhớ thương, Bay qua thật nhẹ, trước cổng trường.  
16 Tháng Hai 2009(Xem: 75323)
Tặng Mai Trọng Ngãi, Đinh Hoàng Vân, Tiêu Hồng Phước, Tô Anh Tuấn và Phan Kim Phẩm.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 23909)
Sự cư xử giản dị nhưng đầy tình chân thật của em là một món quà vô giá mà không dễ gì tôi nhận được một lần thứ nhì trong đời.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 37509)
... và như thế, Ngô Quyền hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là tổ ấm của chúng ta miên viễn, đời đời...
05 Tháng Hai 2009(Xem: 90079)
Năm mươi ngọn nến hồng đang rực sáng, hân hoan mừng phút giây hạnh ngộ, trùng phùng. Hãy cùng nhau sớt chia, gìn giữ vì ngọt bùi nào rồi cũng sẽ chóng qua…
05 Tháng Hai 2009(Xem: 38908)
  Trường Trung Học Ngô Quyền được điều hành bởi một Ban Giám Đốc, đứng đầu là Hiệu Trưởng
04 Tháng Hai 2009(Xem: 87206)
  Con xin phép được viết đôi dòng kỷ niệm trong lứa tuổi học trò của con vớI những câu nói của Thầy mà gần 50 năm qua vẫn còn in đậm trong trí con.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 34874)
  Chúng tôi trưởng thành trong một nền giáo dục “NHÂN BẢN và KHAI PHÓNG”, mà tinh thần “Tôn sư trọng đạo” thể hiện trong câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, với Thầy, một lòng tôn kính, với bạn, một dạ chân tình, xin mượn nơi nầy thắp nén tâm hương tri ân quí Thầy đã quá vãng, tưởng nhớ quí Bạn đã qua đời.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 74552)
  Này em còn nhớ hay quên ? Lời Thầy Cô dạy chớ nên lơ là. Vì đâu mà có thân ta, Công Cha, Nghĩa Mẹ bài ca dao này;  
04 Tháng Hai 2009(Xem: 39178)
Dĩ nhiên, đám học trò chúng tôi thích lắm, vì ý tưởng lạ đó không tìm thấy được trong Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim hay trong Việt Sử Toàn Thư của sử gia Phạm Văn Sơn.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 40517)
  Trường Trung học Ngô Quyền là một trường sinh sau đẻ muộn, so với các trường Pétrus Ký, Gia Long ở Sàigòn, và các trường Nguyễn Đình Chiểu (được gọi là Le Myre de Vilers thời thuộc Pháp) ở Mỹ Tho, và Phan Thanh Giản ở Cần Thơ.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 82502)
Nhìn em dáng nhỏ hao gầy Cho tôi nghe tiếng thở dài buồn tênh
04 Tháng Hai 2009(Xem: 46751)
Một cuộc biển dâu, đổi đời, tang thương đã diễn ra quá nỗi bi đát. Biên Hòa còn đó, mà lòng Biên Hòa đã mất tự bao giờ. Nay tuổi đời đã cao, nghĩ đến thời son trẻ, mà ngậm ngùi tiếc nuối quá khứ. Công đã tạm thành, danh đã tạm toại, nhưng tâm hồn tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tiếc những phút giây hạnh phúc đầu tiên, đã qua mất rồi.