Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Hồng Đức - Võ Quách Thị Tường Vi - CHUYỆN HÚT THUỐC VÀ BỎ THUỐC

14 Tháng Tám 20152:53 SA(Xem: 27391)
Nguyễn Hồng Đức - Võ Quách Thị Tường Vi - CHUYỆN HÚT THUỐC VÀ BỎ THUỐC


CHUYỆN HÚT THUỐC VÀ BỎ THUỐC

 

Nguyễn Hồng Đức - Võ Quách Thị Tường Vi

 

 Hut Thuoc 1

Nhớ ai như nhớ thuốc lào,

Đã chôn điếu xuống, lại đào điếu lên, ...

 

 

Tôi hút thuốc lá…

 

Tôi biết và khoái hút thuốc lá từ đâu hồi 8, 9 tuổi gì đó. Hồi đó gia đình tôi sống trong khu cư xá Dưỡng trí Viện. Kế bên nhà có hai bà chị rất đẹp, tôi chắc là vậy vì thấy có nhiều thanh niên lui tới, theo đuổi. Tôi còn nhớ cứ vài đêm khi Bác Bảy, má của hai bà chị ấy, đi trực, các chàng trai lại đến nhà. Chúng tôi hồi đó ở trong khu cư xá, nhưng lại nằm ở một khu riêng cạnh bờ suối của bệnh viện. Những lúc các bà chị tôi tâm sự với bạn trai, tôi có nhiệm vụ canh chừng coi có ai thấy không, nhất là canh chừng từ xa coi Bà Bảy có về bất chợt chăng! Để trả công tôi, các anh trai kia cho tôi hút phần còn dư của điếu thuốc lá mấy ảnh đang hút. Tôi nhớ hồi đó mấy ảnh hút Capstan, loại thuốc vàng Virginia rất thơm. Mấy đứa bạn hàng xóm cùng trang lứa chuyền tay nhau hút, rồi quen dần. Hàng ngày, xúi nhau ăn cắp thuốc Quân Tiếp Vụ xanh của Ba tôi đem cho nhau hút. Sau đó tới hồi Mỹ qua, khoảng 1965, thuốc lá Mỹ rất nhiều, tụi tôi bắt đầu được hút thuốc lá Mỹ. Lúc đó trong các hộp đồ ăn của lính Mỹ, gọi là Unit, luôn có thuốc lá, tôi rất mê. Gặp lính Mỹ, sau vài câu chào hỏi là lập tức "give me cigarette"! Gặp xe rác Mỹ, chuyện quan trọng nhất là kiếm mấy hộp unit để lấy thuốc lá. Còn nhớ hồi mới vô Thất 4, năm 1965, NHN đầu đội nón cao bồi, chân đi giày đế cao, miệng nhai sơ guynh gum, đứng đấu láo trước cửa lớp. Có lần nó lấy diêm quẹt, quẹt vô đế giày cháy để châm thuốc lá giống như tài tử trong phim trên băng tần số 11 là ''The wide wild west", ngó mê quá!

 

Nhiều bữa ngửi mùi thuốc lá thơm của mấy đứa thuộc dân anh chị trong nhà thương  điên hút, thèm chảy nước miếng. Chờ tụi nó đi rồi mới tới lụm phần còn dư xé ra quấn giấy báo hút, hút vô thấy quá đã, tới giờ còn nhớ. Có bữa đó khoảng 1966, 1967 gì đó, chừng lối 1 giờ trưa, đang nằm trong nhà thì hửi thấy mùi thuốc thơm từ ngoài vườn đưa vô. Tôi đoán chừng là thằng N. Con Bác Năm nhà bên cạnh đang hút thuốc ngoài khu chuồng heo. Tôi vùng dậy mò ra khu chuồng heo ngoài bờ suối thì thấy đúng là nó đang ngồi hít một điếu Capstan, khói tỏa thơm lừng. Thấy tôi tới, nó "ngao ngán" nhìn tôi nói: "Tao biết ngay thể nào mày cũng mò ra", nhưng cũng chìa ngay điếu thuốc cho tôi hít một hơi. Nó tâm sự: "Tao ghiền quá không biết làm sao. Thấy cái ca nhôm cho chó ăn quăng ngoài vườn, tao lượm bán cho bà mua ve chai được 1 đồng, xuống Câu lạc bộ mua được 2 điếu Capstan!". Kể như vậy để mấy bạn thấy cái hấp dẫn của thuốc lá như thế nào. Tới năm 1970, học thi Tú Tài 1, chiều đi học về mua 2 điếu Salem. Ăn cơm xong hút một điều, điếu còn lại tới 11g đêm mới hút, thế là đủ đã.

 

Mọi việc dần trôi theo thời gian, tới năm vô đại học thì tôi đã nghiện nặng. Sau 1975, thuốc lá không còn, phải hút thuốc rê. Ba tôi thương con, tuần nào cũng tiếp tế lên Sài Gòn cho tôi một bịch thuốc rê Long Khánh để quấn hút. Hồi đó chẳng hiểu sao người người hút thuốc lá, nhà nhà hút thuốc lá. Nhớ cứ mỗi sáng đi thực tập ở bệnh viện Nhân dân Gia Định (Trung Tâm thực tập Y khoa Gia Định cũ), việc đầu tiên khi vô tới nơi là chạy xuống căng-tin để xếp hàng mua 1đ được 10 điếu thuốc Lao Động do Hợp Tác Xã tiêu thụ bên ngoài vô bán cho nhân viên bệnh viện. Ít năm sau tới thời gởi đồ bên Mỹ về, thùng đồ nào cũng có mấy cây Pall-Mall. Hàng lậu Thái Lan qua thì có Samit, Craven-A Con Mèo, và thuốc lá trở thành "đầu câu chuyện" thay cho miếng trầu hồi xưa. Tôi tự hào rằng hồi đó chỉ cần ngửi mùi khói thuốc, biết người đó đang hút thuốc gì. Mấy chục loại thuốc Mỹ hồi đó đều đã hút, thuốc Ăng Lê cũng đã hút, thuốc của Tây cũng hút nhiều. Nhưng với cá nhân tôi, thuốc lá của Mỹ là số một. Nói là nói vậy thôi, chứ cái sành điệu đó chẳng nên chút nào đâu các bạn ạ! Giờ nhớ lại còn thấy ớn xương sống.

 

Rồi bỏ thuốc lá…

 

Hồi còn đi học cũng nhiều lần ráng bỏ thuốc. Chẳng phải tự nhiên muốn bỏ mà chẳng qua là mấy cô bạn gái ép bỏ. Có lần ráng lâu nhất được đâu 6 tháng rồi hút lại, mà cón hút dữ hơn trước. Sau khi có gia đình, có nhiều lần đêm nằm thấy thỉnh thoảng đau nhói trước tim, bỗng dưng có cảm giác sợ sợ. Nhìn sang bên cạnh thấy con nằm ngủ, tình thương và cái sợ trộn lẫn nhau, lòng tự nhủ phải bỏ thuốc. Sáng dậy. .. hút tiếp! Nhớ có lần sau đó bị sốt, ho đàm xanh lè cả mấy tuần không hết, người mệt lả. Ngồi trong lớp học do các GS. Pháp qua dạy mà chịu không nổi, phải bỏ ra về. Lấy hết can đảm chạy xuống chụp tấm hình phổi, nhủ thầm nếu bình thường thì quyết bỏ luôn. Ấy vậy mà sau khi hồi hộp chờ tấm phim phổi rửa ra, sau cái mừng không thấy u cục gì trong phổi thì ngay chiều hôm đó lại hút lại liền, tự nhủ thôi để ít bữa nữa bỏ từ từ. Cứ vậy cho tới lúc mỗi ngày tôi hút 2 gói mà không thấy ăn thua gì. Đi trực đêm trong nhà thương mới từ 7g tới 12g khuya là tôi hút hết 1 gói Lucky. Quá dữ! Hồi đó đứa con gái thứ hai của tôi ho hoài, có bữa nó đứng bên cửa sổ ho sù sụ. Tôi ghé tai vô lưng nó thì trời đất ơi, các bạn biết không? Như xe lửa chạy trong đó vậy! Tôi tê tái cả cõi lòng, nhưng hút thì không thể nào nhịn được.

 

 Rồi đến một buổi sáng đáng nhớ kia, năm 1992, bữa đó vô phòng khám bệnh trong bệnh viện, đầu giờ sáng nên bệnh còn vắng, tôi kêu y tá xuống câu lạc bộ mua dùm 3 điếu 555. Hút một điếu, 2 điều sơ-cua để trên bàn khám bệnh trước mặt. Một anh Bác sĩ cùng làm bước vô nói: " Có giường sạch nè, anh có đo ECG không, lên nằm em đo cho". Tôi hăng hái nhảy lên giường nằm để đo tim. Khi cầm kết quả đo, tôi nhớ mãi, bỗng nhiên cảm giác xấu hổ xen lẫn sợ hãi tràn ngập lòng tôi, tim tôi đập thình thịch. Chết rồi, bệnh cũng không tha mình! Chả là tôi vừa phát hiện ra tim tôi bị quay ngược chiều trong lồng ngực, dấu hiệu của khí phế thũng. Tôi quăng vội nửa điếu đang hút dở qua lỗ gió ở vách tường, tê tái! Tôi quay lại đưa 2 điếu thuốc còn lại cho anh y tá, nói: " Em hút đi". Chờ đến chiều không thấy gì, đến hôm sau, rồi hôm sau nữa cũng không thấy thèm. Một tuần sau tôi biết rằng chuyến này tôi bỏ được rồi. Và ngày đó đến nay đã 20 năm, chưa một lần nào hút lại một hơi. Nhậu? Thách thức? Không là không! Qua bên Tây đi học, đầm mời cũng không luôn. May quá!

 

Sao khó bỏ thuốc lá vậy?

 

Mình ghiền thuốc lá là do trong khói thuốc lá hút vô có chứa nicotine. Chất này dần dần hình thành trong não của người hút một trung tâm lệ thuộc nicotine, nằm trong vòng khen thưởng của não như các chức năng sinh tồn khác như ăn uống, hoạt động tính dục. Khi khát mình đi tìm nước uống, khi đói mình đi tìm đồ ăn. Ăn, uống ngon, thấy đã, thấy khoái. Sinh hoạt tính dục, thấy khoái. Tại sao vậy? Vì lúc đó trong não tiết ra những hóa chất giống như thuốc phiện, tạo cho ta cảm giác khoái lạc. Nếu không có cảm giác đó, động vật sẽ không thiết gì đến ăn, uống, hoạt động tính dục… Và như thế không thể duy trì chủng loại. Thuốc lá, hút thành nghiện là do đã xâm nhập vào hệ thống này.

 

Ở trung tâm lệ thuộc nicotine trong não có các nơi tiếp nhận chất nicotine gọi là các thụ thể nicotine. Các thụ thể này nguyên thủy là các thụ thể của các chất dẫn truyền luồng thần kinh. Nicotine khi bám vào các thụ thể này sẽ tạo ra sự bài tiết chất dopamine, dẫn đến sự phóng thích các chất endorphine gống như xì ke. Các thụ thể nicotine có 2 đặc điểm:

- Sau khi bị kích thích sẽ bị trơ đi một thời gian, vì thế người hút chỉ thấy "đã" ở những điếu thuốc đầu ngày thôi

- Và số các thụ thể tăng ngày càng nhiều. Hiện tượng này là rất nghịch thường. Vì vậy người nghiện sẽ có nhu cầu hút thuốc ngày càng nhiều

Khi không có nicotine, các thụ thể nằm phơi ra đó sẽ tiếp nhận vô số các chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên khác có trong cơ thể, nên khi đó người nghiện cảm thấy bứt rứt, lo lắng, khó chịu, trì trệ... Chuyên môn gọi đó là những triệu chứng do cai thuốc. Người nghiện sẽ đi tìm thuốc lá để hút nhằm thoát khỏi những khó chịu kia đi. Như vậy người ta hút thuốc là để:

- Tìm những "khoái lạc" khi hút thuốc

- Và tránh những khó chịu do thiếu thuốc

Bên cạnh đó những sinh hoạt hàng ngày cũng tạo nên thói quen, thí dụ hút thuốc khi uống cà phê sáng, sau bữa ăn cho khỏi tanh miệng, khi gặp bạn bè, khi nhậu nhẹt tán dóc ... Những cái đó gọi là lệ thuộc hành vi.

Ngày nay người ta đã xếp nghiện thuốc lá là một bệnh tâm thần.

 

Để biết một người nào đó ghiền thuốc lá thiệt không, ghiền tới mức nào, trong y khoa người ta dùng một trắc nghiệm có tên là trắc nghiệm Fagerstrom. Các bạn có thể vô internet gõ "test de Fagerstrom" hoặc "Fagerstrom test" là có bảng câu hỏi này và trả lời theo tình trạng của mình. Nếu từ 7 điểm trở lên là ghiền nặng. Trong 6 câu hỏi đó, quan trọng nhất là 2 câu: thức dậy bao lâu thì phải hút điếu đầu tiên, và mỗi ngày hút bao nhiêu điếu? Càng hút sớm ngay sau khi thức dậy, và càng hút nhiều điếu trong ngày là mức ghiền càng cao.

Khi đi khám bệnh để tư vấn cai thuốc lá, người hút còn được đo nồng độ khí CO trong hơi thở ra. Nồng độ CO càng cao, chứng tỏ người hút càng nhiều.

Tuy nhiên chỉ cần trắc nghiệm Fagerstrom cũng ok rồi.

 

Tại sao không nên hút thuốc lá?

 

Tất cả những "lợi ích" mà ta dùng để biện hộ cho thói quen hút thốc chỉ là tạm thời và giả tạo. Hưng phấn tinh thần, làm việc trí óc cần suy nghĩ nhiều, cần thuốc lá để sáng tạo, vì ngoại giao, hoặc là hút chơi chơi .... Nhưng cái hại là chuyện có thiệt và là nghiêm trọng, không sửa chữa được. Hút thuốc chắn chắn bị bệnh, bị nhiều bệnh. Tim, gan, phèo, phổi đều có thể bị bệnh ráo trọi. Riêng về phổi thì câu chuyện như thế này. Sau nhiều năm hút thuốc, người hút thường khạc đàm, nhất là buổi sáng. Ho, khạc kinh niên như vậy chuyên môn gọi là Viêm phế quản mạn (kinh niên). Mấy người ghiền thuốc thường bị những đợt cảm cúm, ho đàm rất lâu hết, dù uống thuốc xịn cũng vậy. Rồi tới khi nào đó làm công chuyện thấy hụt hơi, lên cầu thang thấy mệt, thì coi chừng là đã tới giai đoạn suy hô hấp, bị bệnh phổi tắc nghẽn rồi. Bệnh này tiếng Anh gọi là Chronic Obstructive Pulmonary Disease, viết tắt là COPD, tiếng Tây là BPCO. Đây là bệnh mà theo dự đoán của Global Obstructive Lung Disease Initiative thì vào năm 2020 thì sẽ được xếp vào hàng thứ 3 trong số những nguyên nhân gây tử vong trên toàn thế giới. Ước tính 5% dân số nước Pháp bị bệnh này, Mỹ cũng vậy, Việt Nam cũng xêm xêm. Nguyên nhân là hút thuốc lá. Người ta "quên" đi sự thật là ngành thuốc lá đã giết chết mỗi năm 60.000 người Pháp để đổi lấy khoảng chừng đó việc làm trong ngành công nghiệp này. Giờ đây mọi sự không còn giấu diếm được nữa, và người ta chuyển gánh nặng đó về các nước đang phát triển như Việt Nam của mình, tha hồ hút và nộp tiền cho họ. Còn nếu bữa nào thấy ho hoài, hoặc tự nhiên trong đàm có chút máu, hoặc người đột nhiên sụt ký, khám bệnh chụp cái hình thấy trong phổi có một cục, thì thôi, good bye! Mà nào phải chỉ có phổi không đâu, bệnh tim, huyết áp cao, đứt gân máu, những loại ung thư bọng đái, thận, cổ họng. Ung thư phổi đứng hàng đầu trong sát xuất tử vong do ung thư gây ra cho cả nam giới và phụ nữ, theo American Cancer Society, 2013. Những chứng bệnh này cũng do thuốc lá góp phần quan trọng. Chưa kể hút thuốc làm da rất xấu, răng bám nhựa đen thui (đi Nha sĩ đánh bóng không ra nổi), hơi thở rất hôi (con gái không khoái đâu!), môi thâm đen vì ngộ độc khí CO. Vợ con, những người sống chung với mình hít khói thuốc do mình nhả ra cũng chịu chung hậu quả. Mấy em nhỏ quanh năm suốt tháng thò lò mũi xanh, ho hoài, đi kiếm Bác sĩ hoài thì chắc hắn nó đang sống chung với người hút thuốc. Lớn lên mấy em nhỏ đó sẽ bị bệnh suyễn. Cái đó người ta gọi là hút thuốc thụ động. Có những cuộc nghiên cứu trên thế giới cho thấy là hút thuốc thụ động có tầm sức nguy hiễm tương đương hay là còn hơn chính mình hút thuốc nữa (ACS, 2013). Điều cần nhớ là hút thuốc lá chắc chắn bị bệnh do thuốc lá, còn bệnh gì và vào lúc nào là tùy người. Các bạn đừng nghĩ là "Trời kêu ai nấy dạ!".

 

Làm sao bỏ thuốc lá bây giờ?

 

Đầu tiên là ta phải có quyết tâm bỏ thuốc lá. Tại sao thì như ta đã rõ, vì nghiện thuốc lá sẽ có hại cho mình, cho người thân và cho xã hội.

Để hỗ trợ quyết tâm cai thuốc lá, y khoa có những thứ thuốc để giúp ta tránh được những khó chịu tạm thời của việc cai thuốc và giúp hủy diệt trung tâm lệ thuộc nicotine trong não để chúng ta cai nghiện.

Theo kinh nghiệm đã thu thập được nhiều năm nay của chúng tôi, khi đã quyết định cai thuốc là ta cai ngay, triệt để. Đừng làm từ từ. Đừng nghĩ sẽ cai kiểu nay hút 1 gói thì mai giảm dần xuống 19, 18, 17, 16, ... điếu. Cần dứt khoát. Để hiệu quả hơn, các bạn có thể dùng biện pháp hỗ trợ gọi là thay thế nicotine. Thay vì đưa nicotine vào người bằng thuốc lá, ta sẽ dùng nicotine trong các miếng dán trên da để nicotine thấm từ từ đều đều vào máu, trong máu lúc nào cũng có một lượng nicotine vừa đủ để không bị khó chịu vì thiếu nicotine. Sau một thời gian khoảng 9-12 tuần, trung tâm lệ thuộc nicotine trong não sẽ bị tiêu hủy dần đi.

Các bạn ra siêu thị nào cũng có, Wallmart, Cosco, ... cả đống! Mua tự do khỏi cần toa. Đem về dán lên da, mỗi ngày 1 miếng, lớn nhỏ tùy theo mức lệ thuộc của mình.


Hut Thuoc 2                                

 

Để coi mình cần dùng loại nào, các bạn lưu ý 2 chi tiết:

- Số mg nicotine ước tính cần dùng mỗi ngày.

- Miếng dán loại phóng thích 16 giờ hay 24 giờ. Loại 16 giờ là cho người chỉ hút ban ngày, đêm ngủ chứ không hút thuốc. Loại 24 giờ là cho các bạn đêm cũng thức dậy hút.

Các bạn thử tính coi nhu cầu nicotine của mình trung bình mỗi ngày khoảng bao nhiêu? Nói thí dụ mỗi ngày hút khoảng 1 gói, mỗi điếu chứa khoảng 1mg nicotine, như vậy nhu cầu sẽ khoảng 20 mg nicotine mỗi ngày. Vậy lúc đầu mình "chơi" miếng dán có hàm lượng khoảng gần giống vậy (20mg là miếng lớn, hoặc 15mg là miếng nhỏ cũng ok). Mỗi ngày sau khi thức dậy làm vệ sinh xong dán 1 miếng trên da ngực, da cánh tay, chỗ không có lông (lông nhiều qúa dán nó tróc), tới tối đi ngủ bóc ra. Nếu xài miếng 24 giờ thì chờ sáng hôm sau mới gỡ. Lố liều thì sẽ có cảm giác hồi hộp như hút quá nhiều thuốc lá, còn thiếu thì sẽ có cảm giác như khi thiếu thuốc lá. Dư thì mình dán miếng nhỏ hơn, thiếu thì dán miếng lớn hơn. An toàn, các bạn đừng lo.

Nhưng mà phải thủ sẵn viên nicotine loại nhai (2 mg hoặc 4 mg), viên này như kẹo sơ guynh gum, để cấp cứu khi ghiền quá chịu không nổi. Khi đó bỏ viên kẹo vô miệng nhai vài cái, khi thấy có vị khác trong miệng là nicotine đã ra khỏi viên kẹo. Cứ để nó tự nhiên thấm vào máu. Sau đó đưa viên kẹo vô bên má chờ chút xíu rồi lại nhai tiếp mấy cái, đưa qua má bên kia. Nhớ là đừng nuốt nước miếng nhé, nuốt sẽ đau cổ họng và mắc ói. Chừng 10 phút sau nhổ bỏ. Nicotine thấm vào máu, chừng 2-3 phút sau tới não sẽ làm hết cơn ghiền (khác thuốc lá, khi ghiền kéo vô một hơi là thấy ép-phê liền). Sau 4-5 tuần lễ, có thể dùng miếng dán với hàm lượng thấp dần. Cứ thế chừng 12 tuần là được.

Hiện còn 2 thứ thuốc dùng để hỗ trợ chúng ta cai thuốc lá là bupropion và varénicline, nhưng phải có toa Bác sĩ mới mua được. Những thuốc này khi uống vào sẽ làm cho hết cảm giác khó chịu khi cai thuốc và hút không còn cảm giác "ngon lành" gì nữa. Tuy nhiên với quyết tâm cai thuốc lá và với nicotine mua ngoài chợ, tôi nghĩ anh em mình cũng có thể giải quyết câu chuyện được rồi. Cai thuốc lá là một quá trình có thể lâu dài, nếu có thất bại cũng đừng nản. Làm lại sẽ thành công!

Quên, các bạn đừng hút thuốc lá điện tử nhé. Vì lẽ với các điếu thuốc điện tử, nicotine được đẩy vào phổi bằng một hóa chất khác, kèm theo còn có những hương vị mà nhà bào chế cho vào tùy trường hợp. Những chất đó về lâu dài có gây bệnh gì cho phổi không thì chưa biết. Mặt khác, động tác ngậm hút điếu thuốc lá điện tử là phản tác dụng trong cai thuốc lá, vì lệ thuộc hành vi là một yếu tố gây nghiện. Vì vậy Y khoa đến giờ không khuyến cáo dùng thuốc lá điện tử.

Bỏ được rồi thì tránh đừng để hút lại. Hay gặp tình huống cả nể, bạn bè ép nhau hút, hoặc buồn tình gì đó lại nhớ tới cảm giác của điếu thuốc. Mấy lúc đó né đi.

Cai thuốc lá có gây ra rắc rối gì không? Chẳng có gì rắc rối cả. Một số bạn thuộc nhóm dễ xúc cảm có thể thấy lo lắng chút đỉnh. Có người ăn nhiều hơn nên dễ lên ký. Chỉ cần tiết thực lại và năng vận động cơ thể là được. Cái được đáng giá hơn nhiều: phòng tránh được bệnh phổi tắc nghẽn, ung thư phổi, hen suyễn nhẹ đi, dễ chữa hơn, da dẻ sáng đẹp, răng trắng, hơi thở thơm tho, chưa kể tiết kiệm được rất nhiều tiền từ tiền mua thuốc lá, tiền chữa bệnh do thuốc lá gây ra... Và mình có thể sống lâu hơn để tán láo với anh em nhiều hơn.

Chúc các anh em "giã từ thuốc lá" thành công, để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân. Có gì thắc mắc về chuyện này, chúng tôi xin thảo luận thêm với các bạn.

Và xin gởi tới tất cả anh em muôn vàn tình thương mến. Cầu mong có ngày bạn hữu Ngô Quyền năm xưa chúng ta lại đoàn tụ trên đất Mẹ Biên Hòa.

 

Nguyễn Hồng Đức - Võ Quách Thị Tường Vi

 

Hạ Trắng 2013

 

Trich tu trang Tu1tu4 Suc Khoe  http://www.tu1tu4.info/p/blog-page_21.html

 

 

21 Tháng Mười 2010(Xem: 125097)
Một năm thoáng chốc trôi qua Nhớ anh em cảm xót xa trong lòng Dòng thơ rưng rức não nùng Từng đêm nước mắt lưng tròng lại rơi
21 Tháng Mười 2010(Xem: 58052)
một nhóm cựu học sinh Ngô Quyền đã góp mặt trong Dạ Tiệc Gây Quỹ 2010 của cựu học trường Trung học Saint Paul, vào chiều chủ nhật 26 tháng 9 năm 2010, tại nhà hàng Diamond Seafood Palace
20 Tháng Mười 2010(Xem: 124113)
Lá vàng rụng cánh đầu tiên Mùa Thu thức dậy nửa đêm tháng Mười Mây còn đang mãi rong chơi Gọi nhau về nhuộm sắc trời vàng êm
17 Tháng Mười 2010(Xem: 51989)
Từ những tình cảm đầy ấp tình người bên cạnh Thầy Cô, gia đình Ngô Quyền đã có buổi họp mặt chiều thứ sáu, ngày 8 tháng 10 năm 2010 với anh chị Nguyễn Quý Hy, khóa 7 đến từ Việt Nam.
16 Tháng Mười 2010(Xem: 120846)
trăng không còn huyền thoại chú cuội xưa đã già chỉ còn ta ngắc ngoải mắt mỏi chờ xa xa bán dạ... đêm nay say ta chờ suốt kiếp này vàng hoa thu một đoá tình nẩy mầm đâu đây
14 Tháng Mười 2010(Xem: 34807)
Thúng này rau non xanh Thúng kia hoa rực rỡ Đường làng đầy nắng hanh Bé theo bà đi chợ. Lúa vẫy tay chào gió Bé vẫy nón chào tre Bay lả dăm cánh cò Khuất dần sau lối rẽ.
14 Tháng Mười 2010(Xem: 110431)
Hôm nay mùa Thu sang Lá xanh đang chuyển vàng Mây Trời chiều tím ngắt Con nhìn mẹ võ vàng
12 Tháng Mười 2010(Xem: 132273)
Nắng thu buồn ngắm lá vàng Cung thương xa vắng lẫn làn mưa bay Giot sầu còn đọng mi ai Nghe như trong gió vương hoài thở than
10 Tháng Mười 2010(Xem: 46643)
Thu Về đây Theo ngọn gió heo may Sầu lay Khung trời xám mây bay Vàng phai Vùng xa xưa nẻo ấy
10 Tháng Mười 2010(Xem: 47769)
Có tiếng gió thu buồn hắt hiu trong đêm âm thầm Có tiếng hát tan hồn viễn du với bao niềm nhớ
09 Tháng Mười 2010(Xem: 33040)
Áo em xưa ấy trắng tinh Dài bay theo gió cho vành nón nghiêng Đạp xe lên dốc Ngô Quyền Giọt mồ hôi đẫm thắm duyên má hồng
09 Tháng Mười 2010(Xem: 41742)
Bây giờ là mùa thu sương mù giăng giăng trên làn tóc rối. Em ngồi nhìn xa xôi bâng khuâng rồi thầm nhớ ai
09 Tháng Mười 2010(Xem: 124697)
anh bỏ rơi nỗi buồn bên bờ hồ một buổi chiều georgia không nắng em lượm về làm quà chớm thu còn anh hoài vo tròn mộng trắng
08 Tháng Mười 2010(Xem: 216479)
Đêm thu trầm lắng Đang phủ vây khắp trời Đêm quạnh vắng Mong manh giọt sương rơi
08 Tháng Mười 2010(Xem: 68134)
Thu vào đây rồi, trong suốt mắt thủy tinh Nghe mát rượi bình trà xanh sủi bọt Một chút Thu thôi, đã gọi đàn chim hót Ngàn Thu chảy về, chắc nước lọc tràn ly!
08 Tháng Mười 2010(Xem: 117796)
Một chiều cuối Thu năm 1965, tôi đang học Đệ Tam B trường Trung Học Ngô Quyền được tin T. lấy chồng. Lòng buồn da diết!
07 Tháng Mười 2010(Xem: 119949)
Lang thang... đồi vắng... một mình... Mưa Thu hay tiếng thì thầm gọi nhau Lá vàng theo gió về đâu??? Cho ta gửi chút nỗi sầu về ai...
05 Tháng Mười 2010(Xem: 116542)
WEB NHÀ Ngô Quyền hân hoan đón nhận những sáng tác với Chủ Đề THU của quý Thầy Cô và Anh Chị Em...
05 Tháng Mười 2010(Xem: 129858)
Thuyền đi theo con nước Sóng về vỗ bờ xa Mây đi làm chiều nhớ Gió về sông chan hòa .
04 Tháng Mười 2010(Xem: 40196)
Mời các chs NQ (nhất là các anh chị khóa 11, đã mang phù hiệu NQ từ năm 1966 đến năm 1973) cùng trở về Ngô Quyền xưa như chúng ta chưa từng có trên dưới bốn mươi năm ngăn cách mình với thời mới lớn
29 Tháng Chín 2010(Xem: 53814)
Thơ Tưởng Dung - Phổ Nhạc Đào Lê Văn - Hòa Âm Hoàng Anh- Ca Sĩ Tịnh Uyên.
25 Tháng Chín 2010(Xem: 115449)
Mến tặng Tuấn, một người bạn ở cùng dãy phố Nhất.
25 Tháng Chín 2010(Xem: 108432)
Giọt nắng vàng rớt xuống Trên giàn mướp lung linh Hoa vàng cười sung sướng Đón ánh sáng bình minh.
25 Tháng Chín 2010(Xem: 119849)
Là một trong những học sinh xuất sắc của trường Ngô Quyền, Phạm văn Xuân cùng các bạn của lớp B2 như Hồ Chí Tường, Đỗ Thái Hùng đã là niềm tự hào của các cựu học sinh khóa 7.
25 Tháng Chín 2010(Xem: 125647)
Tôi bẻ cong nỗi nhớ thành vòng tròn Chia mỗi đứa một cung tròn phân nửa Mỗi bên có Thầy Cô, bạn bè trang lứa Có cánh phượng hồng lẫn tiếng ve ngân
20 Tháng Chín 2010(Xem: 110967)
Thêm một sinh nhật buồn Lệ ướt mưa sầu tuôn Tìm về phương trời cũ Có người mãi vấn vương
15 Tháng Chín 2010(Xem: 41111)
nhưng trong lòng tôi cái hình ảnh người thầy giáo tất tả dắt chiếc xe đạp cũ, không thắng, không vành che sên đi băng qua đường, đầu cúi thấp… vẫn còn nguyên vẹn trong tôi như một dấu ấn.
14 Tháng Chín 2010(Xem: 100813)
Lâu lắm rồi không về lại Biên Hòa Nghe hương bưởi ngạt ngào trong nắng sớm Có dễ hơn ba mươi năm biền biệt Kẻ ở người đi rồi chẳng khác không quen.