Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Trần Thiện Phi Hùng - LÀM SAO ĐỂ CHÔN HAI CHẾ ĐỘ?

11 Tháng Sáu 20159:28 CH(Xem: 18005)
Trần Thiện Phi Hùng - LÀM SAO ĐỂ CHÔN HAI CHẾ ĐỘ?




dau hoi
 

CHÔN MỘT CHẾ ĐỘ
Làm sao để chôn một chế độ ?

“Tượng nào cao bằng Tựơng Trần Hưng Đạo
Lính nào Xạo cho bằng Lính Hải Quân”.

Tôi 6 năm làm Lính, 6 năm làm Quan binh chủng Hải Quân. Tôi xạo là chuyện đương nhiên. Tôi có biệt tài xạo như thật; xạo cho hấp dẫn chuyện tôi kể kể, xạo với gái bán bars, xạo với người lớn, xạo với con nít, xạo cả với thượng cấp, xạo với đoàn viên, với đảng viên và xạo luôn cả trong cải tạo; nhưng không xạo với gái nhà lành, vì tôi rất sợ vướng vào con đường tình ái không lối thoát đó là hôn nhơn, vì tôi là Lính Biển. Những chuyến hải hành dài 2 tháng hay 3 tháng liên tiếp 6 năm mà hải quân gọi là hải vụ trên tàu tuần dương. Tôi xạo với gái nhà lành thì có ngày tôi cũng phải vướng nợ giai nhân mà lính tuần dương có vợ thì xác xuất nuôi con của thiên hạ rất cao vì những chuyến hải hành dài vô cùng tận của tôi . Tôi xạo mà không hại ai, xạo mà làm người nghe thấy vui và cười thì tôi cứ xạo.

“Thành thật khai báo chánh phủ khoan hồng”. Tôi mà không xạo; thành thật khai báo cái lý lịch ba đời của dòng họ Trần Thiện: một Ông Đại Tướng, 2 Ông Đại Tá và mấy chục Tá Úy thì dù có là trung úy e rằng cũng có thể ra Bắc hay ít nhứt cũng 5 hay 7 năm trong tù cải tạo. Trong tâm tôi lầm thầm khấn vái Ông Bà Cha Mẹ xin tha thứ cho con, cho cháu vì bất đắc dĩ con phải khai tử hết người trong dòng họ; nhưng chẳng lẽ khai tứ cố vô thân? thôi thì cũng khai có tên người em Út vì nó chưa đi lính; hơn nữa tôi cũng không ưa gì cái dòng họ của tôi! Ông Bà Nội của tôi có ruộng bị chánh phủ mua lại bởi luật người cày có ruộng; có nghĩa là sau khi phải bán ruộng cho chánh phủ thì còn 100 mẫu và 15 mẫu ruộng hương hỏa; thế mà tôi không được ai nuôi cho ăn học nên cuộc đời không lối thoát; tôi tự nguyện vào Lính khi chưa nhận được lược giải cá nhân vì tôi mới 18 tuổi. Tôi vào Lính không ai hay biết và cả sự chết sống cũng chẳng ai màng đến. Cha Chú Bác bà con bên nội của tôi có hàng mấy chục người ở Sài Gòn. Cha tôi là triệu phú có hàng mấy chục triệu; có villas, có nhà 4 tầng lầu với hàng mấy chục phòng cho Mỹ mướn và 6 căn phố cho mướn. Tôi thằng con trưởng nam phải mướn một căn gác tồi tàn trong hẽm ở Khánh Hội đường Lê Quốc Hưng làm trạm nghỉ chân khi tàu về nghỉ bến Sài gòn. Tôi lúc nào cũng cho là tại số mệnh của tôi. Trời bắt khổ! Nhưng tôi không cam tâm tôi phải thắng Thiên vì xưa nay “Nhân định thắng Thiên cũng nhiều”.

Tôi hãnh diện tôi là Lính; tôi trải bao gian lao với đời lính biển. Sóng gió trùng khơi, cuộc đời muôn bến nước đã trui luyện tôi trong trường đời không còn biết đổ lệ. Tôi ngang tàng dù là thằng lính nhưng không nhờ vã lòn cúi dù với Cha, Chú của mình. Ngày tàn chinh chiến, ngày rã ngũ, ngày thua trận; tôi sắp mang lon Đại úy vì tôi đã mang Trung úy 3 năm và nếu không có tháng tư đen 10 năm sau thì tôi cũng lên hàng Tá; một thằng tá trong dòng họ Trần Thiện mà nó không nhờ vã vào bất cứ ai.

Tôi lại xạo khi khai báo lý lịch. Thay vì đi tàu Tuần dương biển động biển yên đêm ngày gì cũng phải chạy theo vùng chỉ định công tác; để ngăn chận bắt giữ tàu đưa người và vũ khí đạn dược từ Bắc vào Nam và súng Tàu thì hỏa lực khủng khiếp vì bắn tự động 20 ly, 40 ly, 76 ly gì khi bắn ra thì chẳng hại bao nhiêu, nhưng đầu đạn đụng vào vật gì hay được điều chỉnh thì nổ; sức ép của chất nổ và miễng đạn tung ra trên từng tất, từng mét vuông. Vùng I vùng II vùng III vùng IV và vùng V. Bộ Binh, Không Quân chỉ có 4 vùng chiến thuật nhưng Hải Quân có vùng 5 Duyên Hải; Phú Quốc, Côn Sơn. Tôi theo tàu lang thang trên Biển nhiều năm rồi cũng quen. Sống lâu thành lão làng. Thằng ít say sóng là thằng làm được việc; nhưng những thằng làm được việc thì hay có chứng . “Ngựa chứng thường là ngựa hay” Ông Bà ta nói thế không biết có đúng hay không nhưng tôi có tật “Gái đến cầu tàu rủ đi chơi thì dù đang gác cũng đem súng giao cho sĩ quan trực và bỏ đi chơi 5 ngày sau mới về; vì đi 6 ngày bị cho là đào ngũ nên chiều ngày thứ 5 là tôi về trình diện và vui vẻ không khiếu nại không viện dẫn lý do vợ đẻ, con đau, nhà cháy gì hết. Chào trình diện nói lý do là: “Tại gái xuống tận cầu tàu rủ đi chơi”. Thế mà lắm Ông Hạm Trưởng, Hạm Phó lại chịu cái tánh thành thật lại tha tội không phải bị ký 10 ngày tù. Chuyện tù thì coi như mỗi đơn vị ít nhứt tôi cũng bị mấy chục ngày tù; nhưng tôi thăng cấp thì hình như Hải Quân không có ai là địch thủ; vì vào lính chưa đầy 6 năm tôi mang lon Thượng sĩ, năm chưa tròn 24 tuổi; đi đâu cũng bị quân cảnh xét giấy tờ coi có mang lon giả hay không?. Tôi chỉ mong hết 5 năm để giải ngũ, nhưng rồi chiến cuộc leo thang nên bị lệnh lưu ngũ và sau một tiệc nhậu bạn bè thách thức rằng tôi không học làm quan được nên tôi mới làm đơn đi học làm quan. Tôi chẳng màng chức quan; tôi lại ba gai; vì Nha Trang đâu phải quê hương của tôi. Tôi coi tôi là thằng quan bị đi đày ra Trung. Tôi lại bị tù nhưng thăng cấp từ chuẩn úy lên trung úy thì tự động. Tôi coi mình là lính già quân ngũ; Đại úy, Thiếu tá thì cũng vào Quân đội cùng ngày hay sau tôi thì có gì mà sợ; cùng lắm thì bị phạt tù có gì mà không dám nói, dám làm. Tôi lại tiếp tục xạo, chơi ngang hàng và tự cấp nhà cho mình trong cư xá sĩ quan cấp tá ở trong Thành phố Nha Trang.

o O o

30 Tháng Tư; tôi lần đầu tiên đến nhà của Ba tôi. Chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975 đứng trên sân thượng của building 4 tầng trên đường Chi Lăng, nhìn những chiếc T. 54 của Quân đội Bắc Việt từ bệnh viện ung thư và tòa hành chánh tỉnh Gia Định quẹo qua đường Chi Lăng ngang bót Hàng Keo qua ngang nhà ba của tôi để tiến về Dinh Độc Lập. Tôi rơi nước mắt. “Thế là hết rồi; tôi thua trận; tôi bị mất Nước !”

Tôi rời bỏ Biên Hòa về quê Mẹ nhưng bị truy tìm nên phải về quê của Ông Ngoại và 15 ngày sau mới trình diện ở Quận Chợ Gạo. Tôi không quen ai hết ngoại trừ Ông Bà Ngoại và em trai của tôi. 2 tháng sau tôi đi cải tạo. Trình diện ở Chợ Gạo được đưa lên tập trung ở Đình xã Tân Lý Tây. Ngôi đình nầy được cho là linh thiêng vì không có bị dấu vết của bom đạn; mặc dù trước kia cũng có VC núp trong đình bắn sẻ lính của xã, quận đi tuần; nhưng lính không tàn phá bắn vào đình coi như Thần Đình linh thiêng !. Ở đây chúng tôi phải khai lý lịch chừng chục lần trong 2 tháng. Nhiều lúc đang ngủ bị dựng dậy bắt khai lý lịch vì lệnh trên bắt khai lại. Lý lịch của tôi là lý lịch xạo thì làm sao nhớ mà khai cho đúng y như nhau nên phải chép thật nhỏ giấu vào trong bâu áo. Mỗi lần khai là lần lấy ra chép lại. Sáng điểm danh chiều điểm danh không phải làm gì hết. Chị nuôi đi chợ nấu ăn, ngày 2 bữa, 10 đứa một bàn; Cơm gạo trắng ăn no bụng, thức ăn nhiều và ngon hơn ở quân trường hải quân xưa; nhưng phải thua khẩu phần của lính tàu thủy, vì lính tàu thủy có tiền ăn phụ trội $15 một ngày ; hơn tiền ăn cho lính trên bờ. Lính thủy mà đi chợ thì người bán phải cung cấp đùi gà, vịt nhiều hơn là ức và mỗi phần ăn là một phần tư con gà hay vịt; nhưng sóng gió nổi lên tức là biển trổ hoa, có hoa sóng là biển động thì dù có thịt rồng hay phượng, Lính tàu biển cũng không mấy đứa ngó ngàng đến; vì say sóng!. “Anh đem hoa biễn về tặng em” là bản nhạc mỉa mai nhứt cho các Cô; nhưng chẳng ai biết ý nghĩa thật sự của hoa biển tặng em. Em mà nhận được hoa sóng thì em sẽ mữa sạch ruột, mữa tới mật xanh, mật vàng và ra cả máu đó các em !!.

Quan cải tạo còn đòi ăn mắm kho. Cán bộ họp, nói mắm kho quá tốn tiền nên không đủ tiền và các quan đề nghị mỗi ngày dành lại bớt tiền chợ để một tuần ăn một lần mắm kho, có bông súng, hẹ nước, rau muống chứ không phải nấu lấy lệ và 1 bàn nguyên một con cá tra 1kg hay hơn 1 kg. Mua cả nguyên hầm cá cho rẻ chứ không mua ở chợ. Quan ta nhiều tên gớm cá nuôi cầu thì không cần ăn cơm cải tạo. Quán của các cán bộ hay giao liên hay gia đình liệt sĩ phục vụ tận tình cho các quan. Hủ tiếu, mì, phở bò kho, bánh canh, bún thịt nướng, bánh cuốn, bánh ướt chấm nước mắm cà cuống v .v... chỉ cần có tiền là cà phê, nước trái cây, cam, chanh gì cũng có; nhưng không có bán rượu; nhưng lén mua của dân chung quanh đình thì cũng có . Sáng nào cũng nhận 1 gói bắp hay xôi tôi cho những người nào con mồ côi không có thân nhân. Tôi thì có Má đi thăm mỗi tuần và thức ăn của má tôi đem cho tôi thật là thảm ! . Đòn bánh tét nhét kẽ răng tức là loại nhỏ với 2 hay 3 cây cốm hay nải chuối; nhưng tay của má tôi và tay của tôi luôn để gần nhau; tôi chỉ cầm tay Mẹ, không phải để xem tay Mẹ chai nhiều ít để đo lường Mẹ cực khổ thế nào mà để Mẹ sang tay 10 ngàn hay 20 ngàn. Tô hay dĩa thức ăn nào của các quán bán trước đình mà làm cho tôi thì đều đặc biệt có thịt nhiều gấp đôi tô dĩa thường và thịt đều giấu dưới đáy tô. Sinh tố, nước dừa hay cà phê đá thì toàn là ly cối. Tôi là khách ăn quen hầu hết với người già cho đến người trẻ trong các quán trước Đình Tân Lý Tây. Hai cô gái giao liên trẻ xinh nhứt thì rất thân thiện với tôi và cuộc đời tôi hình như gắn liền với Lan. Lan Chutt, Lan quán Bar ở bãi biển Nha Trang, Lan Qui Nhơn, Lan Sài Gòn và mãi tới ngày hôm nay; đi ra nhà sau cũng đụng Lan, đi vào nhà cũng vấp phải Lan; nhưng Lan nầy lại là những chậu Lan của bà xã trồng hơn 200 chậu chứ không liên quan tới Lan người. Cô Bé Lan, chồng bị lính bắn chết, mỗi tuần đi chợ Mỹ Tho một lần và lần nào cũng hỏi tôi có nhắn gì về nhà không? tôi viết vội mấy dòng thăm Mẹ và em và viết theo cái kiểu cải tạo tốt gương mẫu trao cho cô ta kèm theo $500 đồng để đi xích lô. Ban đầu về cô ta trả lại nhưng tôi không lấy và những lần sau cô ta chỉ lấy $200 và có lẽ cô không cần đi xích lô cũng ghé ngang nhà của Mẹ tôi để đưa thư và nhận tin. Lan càng ngày càng thân với tôi. Cháo gà, cháo vịt thì bộ đồ lòng và đầu không bao giờ bán mà để cho tôi ăn tối trước khi đi ngủ.

Một hôm Lan bưng tô bún bò kho cho tôi và nói:

– Các anh hình như sắp bị chuyển trại. Cán bộ đang họp ở nhà em; nhưng em không nghe được chuyển đi đâu.

– Em biết nhớ thông báo cho Mẹ của anh biết hay chủ nhật đón Mẹ anh lên thăm anh cho Mẹ của anh biết anh ở đâu.

Chiều ngày hôm sau nhầm ngày Thứ Bảy gần tối; một đoàn xe GMC và xe hàng loại chở heo đến, di chuyển tất cả chúng tôi mà chỉ nói “chuyển trại” chứ không cho biết sẽ đi đâu. Xe chạy về hướng Cai Lậy, một bên lộ là con Kinh. Cảnh nầy sao thấy quen thuộc quá hình như tôi có qua đây rồi. Đồng Tháp Mười.

Một tên trên xe nói tới Mỹ Phước Tây rồi tao nhìn ra.
Mỹ Phước Tây cái tên nầy nghe quen quá. Tôi cố moi trí nhớ của mình cái địa danh quen thuộc nầy!. Phải rồi 17 hay 18 năm trước khi tôi học đệ lục trường Nguyễn đình Chiểu có đi đón Tổng Thống Ngô Đình Diệm đi khánh thành ấp chiến lược khu trù mật Mỹ Phước Tây. Hình ảnh ngày xưa quay về trong tôi một đoạn phim ngắn với hình ảnh học trò và cả tôi lấy mấy ổ bánh mì phát cho để ăn một ngày chọi nhau và tất cả đều nghĩ đi đâu cũng có bán thức ăn; nhưng Ấp Chiến Lược giữa Đồng Tháp trên đường đi Mộc Hóa nầy không có ai đến bán một thứ gì hết ; làm chúng tôi phải nhịn đói một ngày và nắng làm cho mấy học sinh ngất xĩu. Ông Tổng Thống bạt tay Ông Quận Trưởng vì cam quít trồng chẳng may bị ngã lòi gốc lên chỉ là nhánh cây cắm xuống không có gốc rễ gì cả.

Qua Mỹ Phước Tây chừng 2 hay 3 km, xe dừng lại và cán bộ cho biết đây là Trại Cải tạo Vườn Đào ; Tên Vườn Đào là vì ngày xưa có người lập vườn trồng đào lộn hột nhưng rồi bỏ hoang . Trên chục dãy nhà lá dài hàng mấy chục thước. Chúng tôi đi vào thì có một số ở đó trước rồi và trong toán của tôi nhận ra bạn bè quen nên hỏi:

– Ở đây sống ra sao?

Tên đó không nói gì; đưa 2 bàn tay chai như tay khỉ có nghĩa là chỉ tay gần như không còn thấy rõ! Có đứa nói tao bị bắt trước ngày 30 tháng 4 và đưa về đây chưa thấy mặt được người nhà. Tụi bây sướng rồi vì tụi tao cất gần xong hết rồi. Thằng nào trong chúng tôi cũng lo âu cho số phận mình trong những ngày sắp đến.

Nền đất còn ướt, chúng tôi được cán bộ chia ra 25 người vô 1 tổ. Trải Nylon quấn mền ngủ qua đêm vì quá tối không thể tìm cách giăng mùng. Sáng sớm hôm sau , chúng tôi phải đi xuống nhà bếp để nhận nửa ca cháo trắng ăn với muối. Vừa về đến phòng; một bộ đội gác cổng vào gọi tôi ra có người nhà đến thăm. Cả phòng và gần như cả trại cho rằng tôi là con cháu cán bộ gộc; nếu không tại sao chuyển trại lên tận Đồng Tháp Mười mà chỉ ngủ qua đêm thì người nhà đã biết và còn đến thăm. Mẹ tôi, sáng chủ nhật đi thăm tôi như thường lệ. Lan VC đã đón ngay ngoài quốc lộ 4. Mẹ tôi vừa xuống xe thì cho biết tôi bị chuyển trại lên Vườn Đào Mỹ Phước Tây. Mẹ tôi nói đâu biết là ở đâu ?

– Con dẫn Bác đi thăm ảnh.

Mẹ tôi và Lan đón xe về lại bến xe Mỹ Tho; Lấy xe đò đi Cai Lậy, rồi ngồi xe Lam lên trại Vườn Đào .

Mẹ tôi nói :

– Lan đưa Má đến đây rồi bảo Má vào xin thăm nuôi; còn nó đi vào ban chỉ huy gặp bạn kẻo bị nghi ngờ. Khi nào Má thăm con xong ra đường chờ nó sẽ ra dẫn Má về .

Quà của má tôi cũng chỉ là mấy đòn bánh tét và nãi chuối mới mua quán ven đường trước trại cải tạo. Tay của Má tôi vẫn bên tay tôi.

– Con lấy kha khá giữ để xài, không biết có còn cho đi thăm hay chuyển trại nữa hay không ?

Mẹ của tôi mặc cho các em ngăn cản không cho tôi nhiều tiền:

– Cho ảnh tiêu xài quá biết ngày nào mới về được !.

– Cho nó ăn lấy sức để sau nầy có sức chịu đựng gian khổ trong tương lai.

Tôi nhét vội vào túi quần mà không biết là bao nhiêu. Gần một tiếng sau thấy Lan từ trong trại đi ra nên Má của tôi cũng đứng dậy chia tay. Tôi là người đặc biệt được thăm nuôi sớm nhứt và lâu nhứt của cái trại cải tạo nầy; chứ thông thường chỉ có 15 phút là tối đa và cán bộ không có đứng trong nhà thăm nuôi để trố con mắt xem từng cử chỉ của tù và người thăm nuôi. Tôi vào trại bạn bè đua nhau hỏi

– Ai thăm mầy?

– Má tao sáng lên đình thăm tao; Con Lan đón cho hay chuyển trại nhưng Má của tao không biết đường đi nên nó dẫn Má tao lên đây.

– Vậy mà tao tưởng mầy con cán bộ gộc nào chứ !.

Trại cải tạo Vườn Đào đúng là cái trại tù không giống bất cứ nơi đâu trong nước Cộng Hòa Xả Hội Chủ Nghĩa VN đối với tôi. Làng Xã Quận không ai biết tôi. Trong trại không ai nhìn ra tôi ; có lẽ không dám đến gần và nhìn tôi thì đúng hơn, vì ngay một Thiếu úy ngày xưa ở quân trường Nha Trang tôi làm Đại đội Trưởng cán bộ của hắn mà không lẽ mới 5 năm lại không nhìn ra tôi. Thế cũng tốt. Tôi coi như vào lính lâu nhứt, thâm niên cấp bậc nhứt , nhưng không phải là trẻ nhứt. Tôi bắt đầu làm quen với bạn cùng xã và rồi bầu bán vào các ban điều hành trong trại. Tôi vận động cho mấy tên trong cùng một xã vào ban ẫm thực tức được đi theo Chị nuôi đi chợ và lo việc nấu ăn. Cái bao tử cần phải lo trước. Thế là chiều nào tôi cũng có 1 lon Guigoz cơm trắng hay cơm cháy để sáng hôm sau nướng con khô là coi như vững bụng đi đào mương hay phát đưng phá hoang . Tôi tình nguyện thay những tên ốm yếu hay đau yếu để đi lao động. Tôi phải luyện tập cơ thể cho bắp thịt rắn chắc và bền bĩ với lao động chân tay; đó là con đường tương lai mà tôi đã chọn không ra đi. Tôi muốn ra đi thì tàu nào cũng lên đi được hết. Tàu nào cũng có bạn cùng khóa lính hay khóa quan hay cùng đơn vị khi xưa; hơn nữa tôi đang phục vụ Trường Chiến hạm của Bộ Tư Lệnh Hạm Đội; chuyên huấn luyện tác chiến và thanh tra các chiến hạm của hải quân nên gần như quen biết rất nhiều. Những thường dân mang cả gia đình đứng lớ ngớ trước Hải Quân Công Xưởng muốn vào phía trong để xuống tàu mà không vào được tôi còn dẫn dùm vào vì tôi là quan dẫn gia đình ra đi là chuyện thường tình lúc bấy giờ nên chỉ xét hỏi qua loa ; hơn nữa hầu hết lính hay hạ sĩ quan gác cỗng đều quen mặt tôi. Tôi xa Mẹ từ thuở nhỏ tôi chỉ muốn được sống bên Mẹ của tôi mà thôi. Tôi không đi là đúng; nếu tôi đi thì tôi làm sao biết cải tạo là gì và sống thế nào dưới chế độ CS.

Trại Cải tạo mà có tiền thì không thiếu những vật dụng cần thiết. Đường, muối, đậu xanh, bánh, kẹo, cà phê ..v.v.. Nhiều cha mẹ đem khô vào cho con. Lắm tên gởi trả lại mà còn đưa cho cha mẹ cả bao khô đem về. Sáng nào tôi cũng dậy thật sớm vừa đi vừa múa hai tay như là tập thể dục; xuống đến cuối trại; các trẻ ở gần trại đem khoai mì, khoai lang, bánh ú, bánh tét bán. Cơm bánh ăn không hết thì chia cho bạn bè trong nhóm. Chúng tôi bắt đầu học đề cương chính trị bài 2. Khoảng 10 giờ nghỉ xã hơi nửa buổi 30 phút ; giờ đó nhóm đi chợ cũng đã về. Tôi ra phía sau dãy nhà là có thằng bạn cùng xã được bầu vào nhà bếp đi theo Chị nuôi làm phu khuân vác. Đứa nào muốn mua gì thì ghi thành danh sách . Ra đến chợ nó đưa cho một bà Mẹ có con cải tạo trong trại. Bà đi mua tất cả những thứ trong List và khi sắp về nó chỉ ghé khuân về và sau đó đem phân phát cho các bạn. Câu chúng tôi thường trao đổi nhau là:

– Mai mầy muốn ăn gì ?

– Bún thịt nướng hay bún bì miễn là có bún được không?

– Ừ ! để coi thuận tiện tao lo cho mầy.

Dĩ nhiên tiền do tôi xuất.

– Tao thèm lòng heo chấm mắm nêm.

– Ừ để xem có thuận tiện không?

– Lâu quá rồi không ăn thịt heo quay?

Tin hay không mặc bạn nhưng có lẽ nhớ nhứt là ly cà phê sữa đá ngay giữa Đồng Tháp Mười mà người dân xứ nầy cũng chưa chắc ai hưởng được. Khi tôi nói thèm cà phê đá . Thằng Bạn kêu lên:

– Làm gì lo được việc nầy; Đá làm sao đem về đây được ?.

– Thì Mầy mua một cục thật lớn dùng mạt cưa hay trấu bọc trong nhiều bao nylon về tới đây chỉ cần cục bắp tay là tao có ly cà phê sữa đá.

– Ừ hén! Để coi xem sao.

Hôm sau, tôi và cả toán đi đào mương và thường thì làm khoán bao nhiêu thước cho mỗi đội, làm xong thì nghỉ và muốn tạm nghỉ mệt lúc nào cũng được. Thằng bạn hỏa đầu quân của tôi xách 2 xách ra chỗ làm tìm tôi .

– Hôm nay tao làm như mầy yêu cầu. Cà phê sữa đá .

– Tụi bây ăn trước đi (Thằng bạn làm bếp, thằng có Má bán ở Chợ Cai Lậy, 1 tên nữa lâu quá tôi quên rồi) .

Cục nước đá còn lớn cỡ bắp chân. Tôi đập ra bỏ vào ly cà phê sữa quậy cho thật lạnh; hớp vào một hớp to rồi đốt một điếu thuốc có cán nhâm nhi để nhớ đời. Tôi mời các bạn nhưng không đứa nào thử qua để nhớ đời.

– Tô bún tụi bây chia nhau ăn đi ; tao ly cà phê nầy là đủ no rồi.

“Tôi uống cà phê đá giữa Đồng Tháp Mười” chuyện khó tin nhưng là chuyện thật. Bạn cùng tổ của tôi còn nuôi vịt và dùng ống chích rút huyết của vịt làm tiết canh vịt nữa kìa. Lính có quân tiếp vụ thì Bộ Đội có nhu yếu phẩm. Cán bộ được bán thuốc Ruby hay Capstan với giá rẻ nhưng không tiền mua. Tôi đưa tiền mua mỗi lần 3 gói, giá bán cho cán bộ mua 380$ tôi đưa 500$ ; rẻ hơn giá ngoài thị trường khá nhiều . Sau bữa ăn tôi phát mỗi đứa trong toán 1 điếu.

Chủ Nhật nào Mẹ tôi cũng lên thăm tôi. Thời huy hoàng nào rồi cũng có ngày bi đát. Đổi tiền! 22 tây tháng chín; tôi còn trên 100 ngàn, nên phải chia cho bạn bè đổi dùm. Cán bộ đưa cho mấy đồng còn bao nhiêu giữ lại, sau nầy cần thì sẽ đưa từ từ và ngày về tôi còn được Cán bộ trả lại hai mươi mấy đồng.

o O o

10 bài đề cương chánh trị chúng tôi học bài 1 ở đình Tân Lý Tây. Sau một tuần có khi 2 tuần cán bộ giãng rồi các quan bàn luận mỗi đứa thay phiên nhau lên kể tội mình với nhân dân và phải nói lên hối lỗi và hứa sẽ cố công gắng sức xây dựng lại Xã hội Chũ Nghĩa Vn tiến nhanh tiến mạnh lên Chủ Nghĩa Xã Hội để tiến bắt kịp Anh Em Liên Sô, Trung Quốc để cùng nhau tiến lên Thế Giới Đại Đồng không còn người ăn hiếp bóc lột người trong bình đẵng Tự do no ấm theo lời của Chủ Tịch Vĩ Đại nói: ”Không có gì quí hơn Đập Lột Tự Do” . Trồng lúa khi lúa chín thì thu hoạch . Cây trái cũng thu hoạch và bài học xong cũng phải viết bài thu hoạch. Thời gian viết bài thu hoạch là 1 ngày. Bài học nào tôi cũng viết hết cuốn tập 50 trang . Cán bộ cũng như các quan trưởng toán học tập bảo viết ngắn gọn lại chừng 5 hay 7 trang. Tôi chẳng màng cứ viết hết cuốn tập 50 trang đem góp. Bài 3 hay 4 gì đó tôi bị gọi lên ban chỉ huy trại để gặp cán bộ. Ngoài các Tổ Trưởng họp với ban chỉ huy trại để nhận chỉ thị công tác, chúng tôi chỉ khi nào bị báo cáo phạm sai lầm gì mới phải trình diện cán bộ.
Chết tôi rồi !. Chắc là bị báo cáo gì đây.
Trước khi đi tôi còn hâm he:
– Tao bị gì thì thằng nào báo cáo nên trốn đi chứ không thì đừng trách tao độc ác.

Hăm he và thừa cơ hội, tìm chỗ yếu đánh vào nhược điểm của thiên hạ là con đường sống còn mà trường đời đã dạy tôi. Đánh nhau trong trại cải tạo chắc chỉ có mình tôi; vì nhược điểm là thằng nào cũng muốn được thả về sớm. Tôi thì tuyên bố: tao không cần ra sớm. Tiền bạc Mẹ và em của tao đủ sống 3 đến 5 năm nữa; tao không cần ra sớm vì tao biết không thể nào ra sớm; Thằng nào cà chớn tao đập để cùng nhau ở Trại muôn năm.

Tôi lên gặp Trung Úy cán bộ người Miền Nam nằm vùng Đồng Tháp Mười. Anh ta trấn an tôi ngay:

– Tôi gọi anh để nói chuyện chơi chứ không có chuyện gì quan trọng.

Mời tôi ngồi đưa mời thuốc rồi nói.

– Bài thu hoạch lần nào tôi cũng tìm bài của anh để đọc trước. Anh là Văn sĩ ?

Tôi hết lo. À thì ra thích đọc “Văn Xạo” của tôi. Nhận lỗi đánh phá cách mạng có tội với nhân dân là phải nhận rồi sau đó suy ra và phịa chuyện để làm nhẹ tội cho mình. Mẹ của tôi thành Huyện Ủy Giồng Trơm Tỉnh Bến tre thời Thanh Niên Tiền Phong chống Pháp và Cha tôi là Nhiếp Ảnh viên kiêm báo chí phóng sự chiến trường kiêm cận vệ cho Mẹ của tôi. (Thực sự Ba tôi không chịu ký tên vào Đảng Cộng Sản và một số bạn bè đều bị chết gần hết vì bị đì bắt đánh những trận không thể thắng; trong số bạn bè năm xưa có Trần văn Trà. Ba tôi phải nhờ Mẹ của tôi lo giấy tờ để về thành phố). Tôi viết là chính Thượng Tướng Trần văn Trà lúc ăn cơm ở nhà Ba của tôi sau tháng 4 năm 75 công nhận những người ở thành phố như tôi thì làm gì biết đến Cách mạng và bắt buộc phải đi lính theo luật định của Chánh phủ Miền Nam.

Anh ta hỏi làm sao biết và nhớ hết được những anh hùng cách mạng mà chính anh ta là giảng viên cũng phải xem lại bài khi sắp giảng mà tôi nhớ để kèm vào bài viết nhiều người chính anh ta cũng chưa biết đến. Tôi nói tôi lấy note và sợ anh ta không hiểu nên nói. Tôi ghi chép khi các cán bộ giãng bài. Chuyện nầy bắt sang chuyện khác; tôi nói chuyện mà đầu óc phải làm việc gần như tối đa để không bị sai lầm trong lời nói, vì chỉ một lần sai lầm thì có thể vĩnh biệt Mẹ Cha muôn năm. Hơn 2 tiếng sau tôi được thả về. Bạn bè vây quanh thăm hỏi việc gì vậy?. Tôi trả lời:
– Trung Úy Chính Trị Viên (thay vì nói là Cán Bộ) kêu tao lên nói chuyện chơi và khen bài viết của tao có thể xuất bản thành sách Cải Tạo!

Người cải tạo được Mẹ thăm ngay sau khi chuyển trại; nay Cán bộ gọi lên nói chuyện chơi 2 tiếng mà không có gì hết thì “Hắn đáng ngờ lắm !” . Từ đó tôi thật là thoải mái dễ sống không tên nào dám báo cáo gì hết nên tôi tha hồ ăn; có thể nói lắm tên giàu có gấp trăm ngàn lần tôi nhưng không tên nào dám xài và có nhiều mánh lới ăn như tôi; nhứt là biết cài người vào ban ẩm thực và làm quen với thằng bạn có Mẹ buôn bán ngay Chợ Cai Lậy. Trường đời ai cũng cần phải học; nhưng không có bài học nào viết thành văn bản mà phải học trong thực hành trải qua rút kinh nghiệm phải nhớ lấy và phải biết áp dụng cho sau nầy những trường hợp tương tợ hay huyền biến thêm bớt.

“ Văn không Võ thì chỉ để than mây khóc gió.
Võ không Văn chỉ làm lục lâm thảo khấu.”

Học lý thuyết mà không biết thực hành thì vô dụng. Miền Nam thất bại có phải chăng nhiều nhân tài có học vấn cao nhưng chỉ có lý thuyết nên thất bại khi thực hành vì trường đời không có trải qua nên không có kinh nghiệm ?. Trận chiến gì , trận pháp gì mà “ Triệt thoái quân bỏ ngỏ Tây Nguyên ?”.

Một hôm , cơm trưa xong tôi bị kêu lên gặp cán bộ. Tôi vừa đến cửa thì có tiếng đàn bà :
– Mời anh vào.

Cán bộ lần nầy tôi gặp là một người đàn bà ; không đúng, phải nói là một Cô có lẽ chưa đến 30 tuổi; nhưng khác với các cán bộ từ trước tới nay tôi gặp khăn vằn áo bà ba đen. Cô cán bộ trẻ nầy mặc áo sơ mi trắng ngắn tay bó sát. Cô ta nhìn thẳng vào mặt tôi và hỏi :

– Anh nhìn tôi xem có nhớ đã gặp tôi lần nào chưa ? rồi tiếp- Tìm anh thật là vất vả. Lần đầu gặp anh tôi chỉ mong cả đời được gặp anh một lần nữa để nói tiếng cám ơn.

Tôi an tâm; không phải tìm để đòi nợ máu là khỏi lo rồi.

Cô ta tiếp:
– Đầu tháng năm, sau khi ổn định tình hình; tôi lên Sài Gòn vào Bộ Tư Lệnh Hải Quân tìm người mà tôi chỉ biết có tên họ qua bản tên anh mang trên ngực áo ngày nào. Giấy tờ hồ sơ của hải quân còn đầy đủ cả. Một hải quân nằm vùng ở phòng tổng quản trị đưa cho tôi danh sách những người trình diện; còn anh ta thì tìm giúp tôi danh sách các quân nhân hải quân trước 75. Anh ta tìm rất nhanh chỉ mấy phút anh ta nói : Có 3 người trùng tên anh; nhưng đều là sĩ quan. Một Trung tá là người Bắc di cư; một Trung úy người Nam và một Thiếu úy người miền Trung. Trong danh sách trình diện tôi tìm thấy tên Trung úy người Nam, địa chỉ Tân Vạn, Biên Hòa. Tôi lên ngay Biên Hòa thì công an xã cho biết anh bỏ cây xăng trốn đi đâu không biết.

Tôi ngơ ngác như con Nai vàng ngơ ngác giữa Trời mùa Đông. Cô ta là ai sao lại tìm tôi ? Động nào, Bars nào hay ở Làng Cam Ranh hay ở Bến bờ nào đây?

Cô ta như đọc được ý nghĩ trong đầu của tôi nên nói:
– Anh đừng tìm tôi trong những chỗ anh đang nghĩ ; Chúng ta chỉ gặp nhau khoãng 15 phút là cùng. Tôi nhắc cho Anh nhớ.
“Các Cô có biết 4 dấu chấm xâm trên cánh tay ý nghĩa là gì không? Rồi anh tiếp luôn. Sinh Bắc Tử Nam là để cho người Miền Bắc vượt tuyến vào Miền Nam thề chiến đấu cho đến chết ở miền Nam cho Bác và Đảng. Các Cô sinh ở Miền Nam không lẽ Sinh Nam Tử Bắc hay Sinh Nam Tử Nam thì chống lại với người Miền Bắc hay sao? Về xóa hết đi lo làm ăn kiếm tấm chồng với cuộc sống bình thường. Chuyện đánh nhau là chuyện của đàn ông, con trai đừng xía vào cho khổ thân.''

Anh được lệnh dẫn 3 đứa chúng tôi thả cho tự do vì tàu anh phải đi công tác gấp. Tôi không chịu đi mà xin anh đem giao cho tỉnh Cà Mau. Anh hỏi tại sao thả mà không chịu đi mà đòi giao cho Tỉnh. Tôi nói “chứ không phải thả đi để các anh bắn phía sau hay sao? ” Anh hỏi chúng tôi ”ai nói vậy?” . Tôi nói “nghe các Anh lớn nói” . Anh hỏi: “nếu thả để bắn sau lưng thì còn ai sống mà kể lại?” rồi anh tiếp: “chẳng những hải quân mà tất cả các binh chủng khác cũng không có binh chủng nào thả người rồi bắn sau lưng. Bắt người phải xét xử đưa ra Tòa nếu có tội thì phạt tù chỉ khi nào giết nhiều người, làm hại nhiều người thì mới bị kết tội tử hình công khai chứ không bao giờ bắn sau lưng cả.” . Anh nhớ chưa ?

Tôi chợt nhớ ra và nói:

– Cô có thể cười cho tôi xem không?

– À có lẽ anh sắp nhớ ra rồi; vì ngày đó anh có khen tôi cười có 2 núm đồng tiền nên dễ có chồng lắm.

Cô ta nhìn thẳng vào mặt tôi và cười. 2 núm đồng tiền; bên phải sâu hơn bên trái, làm tôi nhớ lại ngày xưa khi mới vào lính. Sau 2 tháng được huyến luyện quân sự ở Nha Trang tôi xuống chiếc tàu Há Mồm nầy (HQ. 500  làm thủy thủ tập sự và được tham dự “Chiến dịch Sống Tình Thương” ở quận Năm Căn, Tỉnh Cà Mau; cái quận mà khi tàu ủi bãi con nít đến bên tàu gõ vào thành tàu rồi la lên :
“Bằng sắt thiệt tụi bây ơi” .

Chúng tôi thấy lạ kỳ nên hỏi :
– Vậy chứ các em nghĩ tàu làm bằng gì?.
– Các “ảnh” nói tàu làm bằng Carton.

Ba nữ giao liên, bị Địa Phương quân bắt giao cho hải quân giữ chờ ghe hải thuyền đến chở chuyển giao về tỉnh Cà Mau; nhưng chiến dịch chấm dứt. Tàu tôi đi phải đi công tác khẩn; chuyển quân ra miền Trung, nên được lệnh thả vì thấy chỉ là con nít cũng chẳng biết gì. Tôi đang phiên gác với một Ông Trung sĩ nên được lệnh xuống phòng tạm trú dẫn 3 cô gái một cô lớn 17 và 2 cô kia 16 tuổi. Tôi thấy trên cánh tay các cô có 4 dấu xâm nên nói mấy lời không dè nay mang hại! Hơn 12 năm rồi cô ta còn nhớ nên tìm cho ra tôi .

- Tôi biết Anh người Miền Nam nên sau khi tập trung cải tạo tôi tìm hầu hết các trại cải tạo Miền Tây và đến Mỹ Tho nầy thì thấy tên anh; biết anh còn độc thân nên tôi đến địa chỉ ghi trong lý lích của anh thì ra là nhà của Ông Ngoại anh chứ không phải nhà của Mẹ anh . Tôi hỏi địa chỉ và tìm nhà Mẹ của anh xin xem hình của anh; tôi nhận ra anh ngay và nhận là người tình của anh nên Mẹ anh tin và tôi ở nhà ngủ với Mẹ của anh 2 đêm. Mẹ của anh kể tôi nghe tất cả về anh. Lý lịch của anh khai hoàn toàn khác với lý lịch thật. Anh có anh là Thượng úy tập kết 54 làm Trung đội Trưởng trung đội pháo và bị tử trận ở Bạc Liêu; nhưng anh đừng sợ; tôi không hại anh đâu; mặt anh bắt đầu tái môi anh đã run; không phải ban nãy anh còn định tán tỉnh Cán bộ nữa hay sao?

Trước kia tôi chỉ mong một lần gặp lại anh coi anh sống ra sao; vợ và bao nhiêu đứa con. Hơn 12 năm rồi tôi không thể quên ánh mắt tinh nghịch nụ cười nửa miệng của anh; nhưng nay biết anh còn độc thân; bạn gái của anh toàn là gái giang hồ, bán bar chứ anh không dám quen gái nhà lành. Mẹ anh nói anh sợ lập gia đình nên không dám quen gái nhà lành. Mẹ anh bảo anh cưới cô giáo nhà bên cạnh nhưng anh nói không muốn có vợ vì sợ phải nuôi Con thiên hạ. Nay gặp lại anh tôi muốn làm bạn với anh và sẽ cứu anh ra sớm nhứt bằng bất cứ giá nào.

Tôi sợ thật sự, vì không biết cô gái nầy làm chức vụ gì và lý do gì mà tìm hiểu lý lịch và moi cả những bí ẩn về tôi; Mẹ tôi tin cô ta là nhân tình của tôi; vì có bao giờ tôi đem bất cứ người con gái nào về nhà ra mắt Mẹ của tôi đâu, bảo sao bà ta không tin khi có một cô gái khá có duyên đến tìm nói là người Tình của con trai mình.!!!

Tôi đánh bạo hỏi:
– Cô bao nhiêu tuổi Đảng rồi và đang giữ chức vụ gì ?

– 12 tuổi Đảng, chức vụ Bí Thư. Khi tôi được thả ra thì được kết hợp vào đảng và được cử về thành phố theo dõi thầy cô và học sinh Trung Học ở Cà Mau nên tôi học thi lại Tú tài 1 và năm 65 tôi đậu luôn Tú Tài 2. 4 chấm xâm ngày nào tôi xóa ngay sau khi về được tới nhà. Anh xem, nay không còn dấu vết hay để thẹo gì cả; cả 2 con nhỏ kia cũng xóa như tôi.

Cô ta vừa nói vừa vén tay áo sơ mi ngắn tay lên chỗ vết xâm ngày xưa. Tôi cũng chẳng dám nhìn kỹ!.
– Ngày xưa tôi chưa thật sự là Lính thủy vì chỉ là Thủy thủ tập sự; tôi chỉ làm theo lệnh dẫn cô để thả mong cô nghĩ lại mà tha cho tôi được yên thân. Tôi van Cô.

– Anh không phải sợ tôi. Tôi không hại anh đâu. Tôi sẽ cứu anh vô điều kiện.

– Tôi nghe nói muốn cứu “quan” cải tạo phải bỏ tất cả tuổi đảng. Lắm cha mẹ tập kết ra Bắc nay về có con cải tạo còn chưa ai dám bỏ đảng để cứu Con mình; chẳng lẽ cô dám bỏ tuổi đảng để cứu tôi ?

– Tôi sẽ chạy lo và nếu đối cùng tôi sẽ hy sinh để cứu anh ra sớm nhứt.

– Liên quan tới tôi, lý lịch tôi bị phanh phui. Tôi sẽ phải chết và cô sẽ bị liên lụy. Xin cô tha cho tôi.

Cô ta cười to và nói :
– Anh chì lắm mà sao nay nhát quá vậy; trong trại còn dám đánh nhau tuyên bố chẳng cần được thả sớm, sao nay lại sợ. Tôi hứa sẽ cứu anh, Anh cứ sống bình thường như mọi người trong trại là được rồi. Tháng sau tôi sẽ lên thăm anh.

Cô ta đưa cho tôi 1 gói quà khá to và nói:
– Tôi biếu anh tất cả và không nhận những quà của mẹ anh gởi. Thôi anh về đi, Trưởng trại có lẽ sắp về .

Tôi nhận gói quà và chào cô ta ra về mà gần như người mất hồn. Tôi không sợ chết mà sợ tra tấn, khổ hình mà tôi nào có biết bí mật quân sự gì đâu mà khai!!. VC vào mới có nửa năm sau nay sao tôi trở nên hèn thế nầy !. Về tới trại tôi đi nằm và chỉ trả lời qua loa với những lời thăm hỏi của bạn bè. Từ đó, mỗi tháng cô ta vào thăm tôi một lần như bao người cải tạo khác; cũng chỉ 15 phút ; cán bộ đi lẫn quanh những thân nhân và tù cải tạo. Tôi đành phó mặc cho số mệnh và cái tánh lì lại nổi lên. Tôi nói chuyện tự nhiên hơn, chọc cười như ngày xưa ở các Bars hay “động”. Tôi chẳng còn gì để mất. Cô ta muốn gì ở tôi ? móc nối để tìm hiểu bí mật quân sự hay trong trại cải tạo hay gì thì tôi có gì để mà lợi dụng; sao tôi không nhân dịp nầy mà dùng nam nhân kế; biết đâu được thoát thân sớm.

o O o

Tháng một năm 1976; Một buổi chiều vừa ăn cơm xong trời sắp tối; Cán bộ cầm danh sách:
– Các anh có tên gọn nhẹ hành lý ra điểm danh.

Chết rồi ! Lý lịch của mình có vấn đề? Thả cho về thì không thể vì ngoài đường không có xe đậu; chỉ có chuyển trại sang trại hình sự nhốt trộm cắp, cướp giật và tù vượt biên ở Mỹ Phước Tây là có thể đi bộ mà thôi; mà trại nầy thì ban đêm tù nhân thường bị còng chân với nhau. Hai mươi mấy tên lâu quá rồi không còn nhớ; nhưng có tên chỉ còn 1 chân được gọi tên ra sắp hàng. Một cán bộ trẻ mang quân hàm Thiếu Úy dẫn chúng tôi đi ra cỗng. Trên đường đi một tên đánh bạo hỏi :

– Chúng tôi đi đâu vậy cán bộ?

– Thả cho về .

– Thật vậy hả cán bộ?.

– Đ. M. ! tao nói láo với tụi bây bao giờ chưa ?

Cả bọn nửa tin nửa ngờ; vì giờ nầy tối rồi thì thả làm sao về? Tại sao lại thả vào giờ nầy? vào giờ nầy xe đâu mà về????

Cả bọn ra đến nhà thăm nuôi đứng chờ chừng 5 phút . Đại Úy Trưởng Trại ra tuyên bố:
– Các anh được cho về; kể từ giờ phút nầy tuyệt đối không được liên lạc với những người trong trại; Các anh được phát gạo và lương thực tự nấu ăn. Ngày mai sẽ làm thủ tục cho biết thân nhân bảo lãnh để liên lạc hẹn ngày làm lễ ra trại . Căng-tin không được xử dụng nữa , cần gì các anh hỏi người gát cỗng để ra quán ngoài đường để mua đồ khi cần.

Nhiều người ở tận Cao Lãnh; ai cũng ghi địa chỉ thật rõ ràng để nhở cán bộ không tìm ra địa chỉ thì nguy to !!. Tiền bạc mà tù gởi đổi tiền trước kia cũng được trả lại đầy đủ.

Một tuần sau tất cả thân nhân và cả Mẹ của tôi đều đến ngoài trại xin ngủ nhờ nhà dân từ hôm trước. Sáng sớm đã có mặt trước trại. Cán bộ ra đưa cho một số tiền để mua thức ăn làm bữa tiệc chia tay. Một bà mẹ từ Cao Lãnh nghe nói hình như trước kia là chủ xuất nhập cãng các loại máy ghe tàu, lên tiếng nhận lãnh đi chợ và hỏi có thể cho một hay hai người đi theo mang phụ thức ăn ?
Cán bộ nói:
– Bây giờ thì các anh có thể đi tự do; muốn mấy người theo cũng được.
Thế là chợ gần Trại Cải Tạo Vườn Đào được một buổi chợ trúng mối bỡ. Tôm càng, tép, cá, rau cải mua nguyên thúng, nguyên sàng, hỏi giá bao nhiêu là mua bấy nhiêu không cần trả giá; Tiền cán bộ cho có lẽ Bà Mẹ nầy cất riêng để làm kỹ niệm ngày con được ra tù mà là người tù không bản án; ra tù còn có được tiền cho để làm tiệc chia tay. Thức ăn ê hề nào gỏi, nào ca ri, cá hấp, tôm càng nướng, thịt heo, gà, vịt luộc . Gần như chẳng ai muốn ăn mà chỉ mong cho tiệc chóng tàn cho mau thoát khỏi cái Trại chưa từng có và cũng chẳng giống cái nào ở Miền Nam VN. Thế rồi tiệc cũng bế mạc. Thức ăn gần như còn nguyên vì ai cũng chỉ nếm cho có vị và cán bộ cũng không dám ăn bữa tiệc giá đáng mấy chục lần số tiền cho để làm tiệc. Mấy Bà xin đem thức ăn cho mấy người trong trại thì cán bộ không cho bảo phải đem chôn hết. Hai mươi mấy tên Tù Cải Tạo mà hầu hết là Mẹ là người bảo lãnh. Ra khỏi trại mọi người đứng chờ đón xe Mộc Hóa để về Cai Lậy. Tôi nói với Mẹ của tôi:
– Mình đi lần, bao giờ có xe thì đón. Chứ đứng đây chờ sao con thấy không an tâm, hơn nữa nhìn vào các bạn trong kia nhìn ra con thấy bất an !.

Tôi và Mẹ tôi đi lần dọc theo lộ. Tất cả gần như thấy vậy cũng đi theo . Trong trại lố nhố người đứng trông ra. Tôi nhìn vào cũng không dám nhìn lâu không còn nhận được dáng của đứa nào!.

Tôi lầm thầm như khấn vái:
“ Giã biệt tụi bây; ráng học tập cho tốt và nhớ từ đây đừng có thành thật khai báo bất cứ cái gì mà thiệt thân.”.

  1. o O o

Tôi bị quản chế 1 năm. Đi lao động xã hội chủ nghĩa liên miên và không lần nào thiếu tôi; ai cũng biết tên biết mặt tôi. Đoàn viên và cả các cháu ngoan của Bác và cả người lớn đều thích nghe tôi kể chuyện xạo, chuyện thật cũng có chuyện xạo cũng nhiều trên khắp các miền đất nước, bến bờ, hải đảo mà tôi đã đi qua, nên được đãi ngộ ăn uống quà bánh khi đi lao động đều có người trả mà gần như tôi không còn tìm hiểu coi ai đã trả. Một hôm đang đi ngoài đường Bà đảng viên kỳ cựu nhứt của xã hỏi tôi:
– Đi đâu đó Đại Ca ?

Tôi nghe như tóc gáy muốn dựng lên; không ngờ tụi nhỏ gọi tôi mà bà ta cũng nghe thấy. Tôi không được phép ra khỏi xã nhưng tôi cũng đi đại lên Sài Gòn đến ngân hàng rút được mấy chục bạc. Không ngờ tụi đoàn viên có nhiệm vụ theo dõi tôi lục túi xách thấy sổ ngân hàng lại mới rút tiền. Con nít và cả dân miền quê có mấy ai biết sỗ ngân hàng và tiền gởi ngân hàng là gì; nay tin đồn tôi còn lãnh được tiền từ ngân hàng và giờ đây nói ra chắc cũng có một số bạn người lớn năm xưa cũng không tin. Trung Úy Hải Quân cải tạo 6 tháng và khi ra tù còn đến ngân hàng rút được tiền..

Sau một năm bị quản chế tôi đọc một bài cảm tưởng để thành một người dân. Tôi nói thao thao bất tuyệt, bọn nhỏ nhóng lên nhìn tờ giấy bằng 4 ngón tay trên tay chỉ viết mấy dòng mà sao tôi nói tràng giang đại hải không hết. Sau cùng chấm dứt mọi người ai cũng vỗ tay; bọn nhỏ vỗ tay to và lâu hơn người lớn có đứa nói: Anh Hai nói văn cách mạng hay hơn Ông Chủ Tịch. Ông Chủ Tịch cười nói: người ta có ăn học nên học một biết mười tao làm sao so được .!. Tánh tò mò của người dân miền quê nhứt là bọn trẻ; có đứa đến hỏi tôi : Sau tờ giấy Anh Hai chỉ có mấy chữ mà anh nói hoài không hết vậy? Tôi nói. Anh chỉ ghi vắn tắt như dàn bài làm văn trước khi viết vậy. không sợ lạc đề và biết điều gì nói trước điều gì nói sao. Ngay sau đó Ông Nông Hội Ấp đề nghị tôi làm trung đội trưởng lao động ấp; mọi người vỗ tay tán thành. Thế là từ đó ai thấy tôi đến nhà là biết bị gọi đi lao động không công cho XHCN. Cơm gạo tiền của ở nhà đi làm không có tiền công như đào kinh, lấp kinh, rồi nước đọng cây trái bị úng nước, ruộng lúa bị ngập nước không rút kịp lâu ngày cây cối chết, lại phải đi phá đập ; vác lúa thu thuế từ nhà dân. Nhìn những nong dân đầy nước mắt khi bồ lúa vơi đi gần hơn phân nửa để đóng thuế tôi không dám nhìn! nghe nói lúa thuế được chở tiếp tế cho Miền Bắc .

Mỗi tháng cô Bí Thư đều đem nhiều khô mắm từ Cà Mau lên thăm tôi và ở chơi 3 hay 4 ngày. Cô ta ngủ chung với Mẹ của tôi; Mẹ của tôi cũng không nói hay hỏi gì khi tôi nói: Mẹ vô tình đem Sói vào nhà vì cô ta là Bí Thư có trên 12 tuổi đảng. Một năm sau, cô ta không đến thăm tôi hơn 3 tháng; rồi một hôm cũng đến thăm với nhiều quà từ Miền Bắc và cho biết cô đi tập huấn ở Hà Nội. Tôi hỏi:
– Em sáng mắt ra chưa ?

Cô ta lườm và nói:
– Anh chưa thấy quan tài nên chưa biết đỗ lệ!

Đầu năm 1980, cô ta đến thăm tôi và tối hôm đó có mặt Mẹ của tôi . Cô ta nói:
– Mẹ muốn em giúp anh ra đi; nhưng em có điều kiện là anh phải nhận em làm vợ cho đến khi định cư nước thứ ba rồi tùy anh. Em cho anh 1 tháng thời gian để nghĩ suy và trả lời em.

Mẹ tôi khuyên tôi nên nhận cô ta làm vợ vì cô ta thương tôi thật sự. Tôi thì không nghĩ như thế. Cô ta bỏ nhiều công phu tìm tôi, giúp tôi và nay muốn cùng tôi vượt biên với tư cách là vợ một sĩ quan hải quân để làm gián điệp như bao trường hợp nằm vùng khác có người làm tài xế, người giúp việc trung thành tận tâm cả chục năm nhưng sau Tháng Tư Đen thì mới lòi mặt thật nằm vùng lấy tin tức từ chủ; nhưng tôi nay như Kình ngư mắc cạn; làm kẻ bại trận, Chủ tướng, cấp chỉ huy cao bay xa chạy hết; nay dù có bị lợi dụng thì cũng đâu có còn gì để mất; cứ ra đi rồi tính sao.

Gần một tháng sau cô ta lên và bảo tôi chỉ đem theo một bộ quần áo gọn nhẹ để mai đi. Tôi hỏi:
– Em chưa biết anh có đồng ý hay không mà bảo ra đi.

– Thông minh như anh thì không bao giờ bỏ mất dịp may, vì anh không mất gì cả, kẻ mất nhiều nhứt là em và gần như em dại khờ chưa có ai dại khờ hơn em nhưng em tự nguyện; vì sao chắc anh biết.

Thế là tôi giã từ Mẹ để dấn thân vào con đường chết để tìm lẽ sống. Tôi hỏi cô ta có an toàn không?

– Anh có cần có tàu Hải Quân biên phòng hộ tống hay không? Nếu muốn em cũng có cho anh.

Tôi nghe mà khiếp quá! . Cô ta có chức vụ gì trong guồng máy CS? Huyện ủy không thể nào có quyền vào Bộ Tư Lệnh Hải quân xưa để tầm kẻ thù; phải từ Tỉnh ủy trở lên; nhưng không ổn tại sao lại ra đi với tôi? Không ra hải ngoại để nằm vùng hay làm gián điệp thì còn gì nữa? Tôi mặc cô ta làm gì hay là ai; thoát ra khỏi nước cái đã.

Tàu vượt biên dài 12 mét mới toanh, máy cũng mới và số người đi là 52 người do một cựu hàng hải thương thuyền ngày xưa lái; nhưng cuối cùng 26 người bị rớt lại vì ghe nhỏ chuyển ra ghe lớn bị chận giữa đường mà trong đó có gia đình tài công . Cô cán bộ hỏi:

– Anh lái được chứ ?
– Lái được nhưng không có bản đồ mà chỉ có la bàn thì phải chạy thẳng ra hải phận quốc tế rồi theo hướng tàu buôn mà lấy hướng đi thì sẽ sang Singapore hay tấp vào các đảo của Indonesia .

Tôi lái suốt 5 ngày đêm mới gặp 1 ghe đánh cá của Indonesian và hỏi thăm thì được chỉ cho 1 chỗ cách đó không xa. Tôi lái vào và ở đó 1 ngày 1 đêm thì được tàu của Indo đưa đến Trại Tỵ nạn Kuku . Một tháng sau chúng tôi được đưa sang Trại tỵ nạn Galang và dĩ nhiên trong lý lịch của Hải quân Trung úy VNCH nay có thêm Cô Vợ 17 tuổi đảng !!!!.

o O o
Trên bước đường lưu vong quê người xứ lạ làm thân thất quốc chúng tôi cô đơn lạc lõng như nhau nên thành Vợ Chồng thật sự. Ngày qua ngày cả hai đứa đi học tiếng Anh về nấu cơm chung và cũng chung mùng. Ở Galang tôi gặp lại bạn bè quân ngũ xưa; vì gần như mỗi tàu là có đôi ba hải quân xưa được đi không tốn tiền để lái tàu. Quán Trùng Dương là nơi tụ họp để nhận ra nhau kể chuyện xưa và bàn chuyện tương lai. Các cựu hải quân xưa làm sổ lưu niệm giống như thời học trò viết Lưu bút ngày xanh cho những tháng nghỉ hè. Lắm Ông ghi cả số quân đơn vị xưa và dán cả hình. Ôi các Quan Lính ơi tôi mà đem cái sổ nầy về thì e rằng Cô Đảng viên 17 tuổi đảng sẽ lén ghi lại hết gởi về Bắc Bộ phủ thì dù chẳng làm gì được các ông thì gia đình các ông cũng mà khó sống ở VN!. Tôi từ chối viết và cũng không đến quán hội họp nữa. Tôi có người bạn Thiếu úy ngành điện khí được mướn làm người gác máy điện phụ cho một thợ điện người Indo; Anh Indo nầy khá am tường về tình hình VN và có phân tích như sau:
– Các anh vượt biên nghĩ rằng ra ngoại quốc rồi Mỹ sẽ giúp cho thành lập một đoàn quân để trở về dành lại VN. Có lẽ các anh lầm rồi và đánh giá VC quá thấp. VN ngày nay với số quân hơn triệu người cho cả nước với vũ khí của Nga Tàu và của Mỹ để lại, lại quen với chiến trường đánh nhau thì cả Vùng Đông Nam Á châu nầy không nước nào đánh lại. Indo có 200 triệu dân cũng phải e ngại và Mỹ không bao giờ giúp các anh đâu vì giúp các anh; Mỹ được lợi gì? Các anh đánh nhau mà nhiều nữ tính quá. Nhân đạo với kẻ thù thì chỉ có con đường chết; phải như chúng tôi chống Cộng sản. Chỉ một đêm thôi không một tiếng súng; toàn dùng dao , búa và mã tấu giết người theo Cộng sản mà giết toàn cả gia đình và cả họ hàng. Chỉ một đêm gần một triệu người bị giết; một số thì đem cả gia đình trốn vào rừng hay ra các đảo hoang , nên các anh cẩn thận đừng đi một mình vào xa trong rừng coi chừng gặp họ thì rất nguy hiểm.

6 tháng sau chúng tôi được đi định cư. Tôi không tham gia đoàn thể nào hết không hội họp với cả hội đồng hương ; nhưng lúc nào cũng canh chừng Cô Vợ đảng viên. Cô ta cũng như tôi chẳng quen ai; đến cả dùng điện thoại cô ta cũng không xử dụng. Mẹ tôi mất năm 83. Mẹ của cô ta mất năm 84 . Năm 90 Ba của tôi và Ba của Cô ta cùng mất trong một năm . Chúng tôi nhận thư nhưng không về và đến nay cũng chưa về. Chúng tôi đều đồng ý không có con.

Tôi 72 và Vợ 70 tuổi; nếu còn ở VN,cô ta đã có 52 tuổi đảng. 35 năm vong quốc và chưa bao giờ có ý định về thăm lại quê hương . Trong lòng tôi đã chôn một chế độ và trong lòng vợ tôi cũng chôn một chế độ. Chúng tôi không con nối dòng nên khi chúng tôi chết thì “cả hai chế độ” cũng tan thành tro bụi.

Kỹ niệm 40 năm , tôi bị mất Nước.
Trần Thiện Phi Hùng
(Nguồn: tác giả gửi)

13 Tháng Ba 2021(Xem: 14489)
Tháng ba nắng ấm Xuân bâng khuâng Nàng Tiên dáng ngọc bước xuống trần Căn nhà ấm cúng hình dáng mẹ. Là nàng tiên nữ lạc bước chân.
12 Tháng Ba 2021(Xem: 11040)
Hãy nhìn đối phương suốt một quá trình chung sống để yêu thương và thông cảm. Bất cứ khi nào có thể, hãy nắm lấy bàn tay "Năm ngón em hết kiêu sa" mà chân thành tuyên bố: " Cám ơn em! bà xã của anh."
05 Tháng Ba 2021(Xem: 13428)
Xuân qua én lượn qua mau Phương hồng hè đến nhuốm màu thời gian Thu sang rồi đến đông tàn Nhớ ngày xưa ấy mênh mang sợi buồn.
02 Tháng Ba 2021(Xem: 8593)
Những dòng cuối của bài này tôi xin gửi lời cám ơn đến tất cả bạn bè, thân hữu và người thân đã gọi điện thoại hoặc gửi email để thăm hỏi trong những ngày tuyết rơi và giá lạnh.
01 Tháng Ba 2021(Xem: 11435)
Xuân chào đón Tết rực vườn hoa Cảnh sắc xinh tươi đẹp ngọc ngà Dâng ngập ý lời gieo vận đối Trải tuôn tình nghĩa kết thơ hoà
28 Tháng Hai 2021(Xem: 9292)
Đây là cái Tết đầu tiên mà tôi đón nhận với tất cả niềm vui hạnh phúc và hy vọng. Đêm nay tôi sẽ ngủ thật ngon với nhiều mộng đẹp tương lai. Mùa Xuân nơi đây, trong căn cứ này sẽ là mùa Xuân thần thoại của riêng tôi.
28 Tháng Hai 2021(Xem: 13135)
Mỗi tháng ngày rằm chị ăn chay Trăng treo đỉnh núi bài thơ này Xa quá chị không đọc lại được Chắp vá từng câu phận rủi may.
23 Tháng Hai 2021(Xem: 11023)
Thiên tai là chuyện của đất trời Con người - hạt cát giữa trùng khơi Rủi may, may rủi nào ai biết Sống để làm sao đẹp với đời...
23 Tháng Hai 2021(Xem: 10386)
Đón hương xuân giao thoa trời đất Mùi nhang trầm quyên khắp từ đường Cha mặc áo dài kính vái tứ phương Mẹ lạy Phật mõ chuông đón Tết.
23 Tháng Hai 2021(Xem: 8381)
. Nếu dịch cúm qua đi, sinh hoạt đời sống sẽ hồi sinh. Rồi đây chị sẽ được đi thăm con, thăm cháu. Mong rằng kinh tế sẽ được phục hồi để mọi người có việc làm và nước Mỹ sẽ trở lại như xưa. CHÚC MỪNG NĂM MỚI .
18 Tháng Hai 2021(Xem: 7748)
Xin mời thưởng lãm tác phẩm mùa Xuân mới nhất của Duyên
18 Tháng Hai 2021(Xem: 9790)
Cùng nhau, nhân loại sẽ lần lượt ra khỏi đường hầm tối đen thăm thẳm. Nhưng khi ra khỏi đường hầm, người ta sẽ có một "bình thường mới" (a new normalcy), không giống cái bình thường đã có trước đại dịch.
13 Tháng Hai 2021(Xem: 9190)
Nguyện thế giới Hòa bình, chúng sinh An lạc. Kính chúc mọi người, mọi nhà một năm Tân Sửu Bình an Hạnh phúc.
13 Tháng Hai 2021(Xem: 11553)
Xá chi thế sự vơi đầy, Lợi danh, khanh tướng... bèo mây một đời. Tửu phùng tri kỷ thiên bôi...(1) Lương bằng mỹ tửu... đời vui ngập tràn. Phúc hồng, lộc biếc, tâm an...
13 Tháng Hai 2021(Xem: 9359)
Thơ phú xây đời thêm hạnh phúc Văn chương tạo dựng chốn bình an Bàn tay đóng góp nền văn học Trí não làm vui tuổi lão làng
13 Tháng Hai 2021(Xem: 10878)
Ngũ quả mâm đầy...khơi ý đẹp Đôi bình rượu cạn...xóa tình cay Xuân về...xin chúc mừng thi hữu Bĩ cực qua rồi đón thái lai!
04 Tháng Hai 2021(Xem: 12298)
Muôn tâu Thượng Đế Vợ chồng Táo Thần Ở dưới dương trần Qua Zoom trình tấu. Dạ dạ Chuyện của thế gian Quả thật gian nan Hai không hai chục. Một năm lục đục Tang tóc thê lương. Thiên hạ nhiễu nhương Chết thôi như rạ
03 Tháng Hai 2021(Xem: 9610)
Nó đã nghĩ ra một điều khá lý thú. Hãy sống bình dị như con trâu, con vật biểu tượng cho năm Tân Sửu. Làm hết sức mình, kiểm điểm lại những gì mình đã hành động để sửa sai. Như con trâu lặng lẻ nằm nhai lại cỏ.
03 Tháng Hai 2021(Xem: 9767)
Sự kiện thể thao này cũng là một thử nghiệm để đời sống từng bước trở về với một bình thường mới (new normalcy). Mong vô cùng, thử nghiệm này thành công
03 Tháng Hai 2021(Xem: 12831)
Nhớ xưa áo trắng một thời Sân trường yêu dấu sống đời học sinh Cuộc đời đẹp tựa bình minh. Yêu thương, tha thứ chúng mình bên nhau.
03 Tháng Hai 2021(Xem: 12228)
Một ngày hạnh phúc ngất ngây? Ta cùng con cháu vui vầy hôm nay. Tuyết đang phủ lấp đắng cay. Giúp quên mười tháng cuồng quay xó nhà. Tân sửu chúc bạn gần xa. Thân tâm an lạc thiết tha yêu đời. Nhớ ngày thân ái tuyệt vời. Chúng ta vui khoẻ như thời xuân xưa.
25 Tháng Giêng 2021(Xem: 13647)
Tôi ra đời ở một làng nhỏ, làng Trình Phố thuộc tỉnh Thái Bình. Tôi sinh ra và lớn lên theo chiến tranh giữa Việt Minh và quân Pháp. Dù còn nhỏ nhưng tôi sợ cả hai.
24 Tháng Giêng 2021(Xem: 9948)
Thư này là lá thư thứ 49 nhưng lại là lá thư đầu tiên của năm 2021. Đáng lẽ là một thư vui, lạc quan, tràn đầy hy vọng và niềm tin.
22 Tháng Giêng 2021(Xem: 11704)
Phù du say ánh lửa hồng Sơ sinh hạt nắng giữa vòng tai ương. Chia nhau từng mảnh khốn cùng Che đời rách rưới trầm hương đâu rồi.
22 Tháng Giêng 2021(Xem: 14288)
Má ơi! cây trái giờ già cỗi Xơ xác tiêu điều như tóc con Kìa ai vừa nhắc cơm kho quẹt Nhớ má tủi lòng nghĩa sắc son.
22 Tháng Giêng 2021(Xem: 9059)
Hôm nay nhìn NHỮNG MÙA THU ĐI MÙA THU CHO EM ướt hoen mi MẮT LỆ CHO NGƯỜI TÌNH lần cuối LỆ THU đành vĩnh biệt Cali Nguyện linh hồn Lệ Thu được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.
11 Tháng Giêng 2021(Xem: 10236)
Mỗi con người Việt Nam khi ra đi đều mang theo mình hình ảnh quê hương và vô cùng trân trọng. Dẫu tôi có chết trên xứ người, thân xác có thành tro bụi, nhưng trái tim tôi vẫn yêu nơi này
11 Tháng Giêng 2021(Xem: 11286)
Những chiều buồn lưa thưa Lời ngọt ngào chưa ngỏ Thành cổ tích ngày xưa… Ngày xưa…ngày xưa……