Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - MÓN QUÀ NGÀY HỌP MẶT

29 Tháng Giêng 20155:33 CH(Xem: 25579)
Nguyễn Thị Thêm - MÓN QUÀ NGÀY HỌP MẶT

MÓN QUÀ NGÀY HỌP MẶT.

 

DSC_1454

 

 

Hôm nay tôi đi dự họp mặt cuối năm của hội Ái Hữu Biên Hòa.

Tôi về nhà và mang theo biết bao niềm vui. 

Niềm vui gặp được bạn bè. Niềm vui được những anh chị em đồng hương thương mến.  Nhưng niềm vui lớn nhất là được nhận quà từ thầy Hà Tường Cát và thầy Hoàng Phùng Võ.

 

Thật sự tôi học Ngô Quyền có hai năm. Lớp Đệ Tam và Đệ nhị ban C, khóa 6.

Thời gian đó, tôi từ một cô học trò trường quận ra tỉnh học. Phải thật nhiều ngày năn nỉ và hứa hẹn ba tôi mới bằng lòng cho tôi đi tiếp con đường học vấn. Cho nên đi học mà hành trang ngoài sách vở còn mang nhiều lo lắng và bổn phận. Ba tôi gửi tôi ở nhà một người quen làm chung sở Bình Sơn có nhà tại Biên Hòa. Tiền ăn thì ba tôi gửi riêng cho Bác. Tôi chỉ nhận được một số tiền ít ỏi để trang trải tiền sách vở và làm lộ phí đi về thăm nhà. Lời dặn của mẹ, lời giáo huấn của ba làm bước chân cô học trò nhà quê như tôi chỉ biết bước đến lớp và về nhà. Vào trường chăm chú vô bài vở, về nhà làm bài tập và học bài. Cửa trước không nhìn ai, cửa sau luôn đóng chặt. Tôi ngờ nghệch dại khờ tội nghiệp. Sợ thi rớt, tôi phải học thêm Pháp Văn nhà thầy Thạc và tiền học phí là giặt đồ Mỹ vào mỗi buổi chiều. Tuổi đang độ thiếu nữ mà tôi không dám giao thiệp một người bạn trai. Tôi sợ ba má tôi nghe tin đồn đãi không tốt sẽ bắt tôi nghỉ học ở nhà. Cũng may hai năm gạo bài và nuốt biết bao nhiêu bài triết học tôi đã lấy được tú tài I ban C.

 

Lúc bấy giờ hỏi tôi mấy năm học ở Biên Hòa tôi biết gì về Biên Hòa? Xin thưa tôi không biết gì hết. Không biết chợ Biên Hòa phố xá ra sao, không biết rạp hát Biên Hùng chiếu phim gì. Không đi chơi ở một địa danh nào của Biên Hòa. Bạn bè tôi đa số đều ở tại thành phố. Nhưng tôi không có điều kiện và thời gian để thăm viếng, để hưởng thụ cái tuổi con gái 16, 17 tươi đẹp của mình. Tôi mù mịt về một nơi tôi từng mang trong lòng rất nhiều thương mến. 

 

Khi nghe các bạn kể những kỷ niệm thời đi học Ngô Quyền ngang dọc phá phách, đi chơi mọi chơi. Những thắng cảnh từng đến, những buổi trốn học đi coi xi nê, những bữa cùng các thầy đi Cù Lao Phố, những  buổi "Em tan trường về, anh theo Ngọ về"... Thú thiệt tôi vừa ngưỡng mộ vừa thương mình biết mấy.

Hai năm học Ngô Quyền và thi xong tú tài một, vào thời điểm của chúng  tôi là đứng trước số mệnh của đời mình. Vì các bạn trai  "Thi rớt Tú tài  đi làm Trung Sĩ" Có nghĩa rớt tú tài một thì vào lính ra Trung Sĩ. Mà anh đậu tú tài một rớt tú tài hai anh cũng phải vào lính. Học Thủ Đức để ra Chuẩn úy. Bọn con gái chúng tôi nếu có điều kiện có thể học tiếp. Đôi đứa đi làm sở Mỹ, làm công sở và một số lớn đi lấy chồng.  Cho nên tới năm học đệ nhị chúng tôi như những con chim tập bay  đứng trước tổ. Chim mẹ ở dưới bảo bay ra. Con chim ráng vươn đôi cánh yếu ớt nhào ra khỏi tổ phó mặc cho định mệnh đời mình.

 

Tôi ra khỏi trường Ngô Quyền như con chim lao ra ngoài đời với biết bao khó khăn trắc trở. Đoạn đường đời của thời buổi đất nước leo thang chiến tranh, người con gái hứng trọn nỗi bi thương số phận. Đại đa số chúng tôi lấy chồng là lính. Những sĩ quan ngang dọc oai hùng một thời đã bị rơi xuống tận cùng bi thảm khi lịch sử sang trang. Những trại tù CS dành cho chồng, những trại tù lao động và cơm áo dành cho vợ. Những nạn nhân của thời bão nỗi thật lắm đoạn trường.

 

Cũng may, sau cơn mưa trời lại sáng, chương trình HO mở ra để người ngã ngựa có dịp đứng lên làm lại cuộc đời. Để những đứa con "ngụy" có dịp đi ra nước ngoài và phát triển sự nghiệp. Để những người lính ngã ngựa có thể nói lên được những ý nghĩ thật của mình. Để những người vợ lính an vui nhìn con cái thành danh, mỉm cười trước gương bước ra ngoài xã hội.

 

 Riêng tôi, khi quá tuổi lục tuần, khi tóc đã phải nhuộm đen để che dấu bao nhiêu bạc bẽo đời người. Tôi lại may mắn tìm về thầy xưa bạn cũ. Mái trường Ngô Quyền đã ở bên kia bờ đại dương. Nhưng ở bên này, một nơi không phải quê hương ngôi trường lại thật sự có mặt: "Ấm áp, thân thương." Các cựu học sinh Ngô Quyền như những cánh chim bay ra muôn ngã. Nhưng vào những ngày họp mặt bầy én lại tung cánh rợp trời tìm về nơi có nắng ấm mùa Xuân. Các khóa đàn chị, đàn anh, những người của Biên Hòa lại đến với nhau trong tình đồng hương, tình bạn bè, tình người xứ Bưởi. 

 

Các thầy không còn đứng trên bục giảng, học trò cũng không cắp sách đế trường. Nhưng hàng năm, vào những dịp này thầy trò gặp  nhau để thăm viếng,  để tri ân, để thấy cuộc sống còn có nhiều hạnh phúc và tình nghĩa  thầy trò.

 

Ngày xưa thuở còn học tiểu học, ông thầy và cô giáo thật "Cao cao tại thượng" Thấy thầy đàng xa học trò đã đứng lại chuẩn bị thầy ngang qua khoanh tay cúi đầu cung kính. Đến khi học Trung học thì khoảng cách tuy gần hơn. Nhưng học trò lúc đó tuổi mới lớn dậy thì hay nông nổi, nên thầy trò có một bức màn lễ giáo ngăn cách để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Bây giờ thầy gần bước vào tuổi Chín muồi (90) Trò cũng sắp bước vào "Thất thập cổ lai hi" cái khoảng cách  Thầy Trò đi qua một hướng khác. Thầy thì đã  già mà trò cũng không còn trẻ. Những cô cậu học trò tinh nghịch ngày xưa đã là những ông bà nội ngoại  gia thất bộn bề, con cháu thành danh. Không còn những ràng buộc về những bài học ở trường mà gắn bó với nhau trong tình nghĩa thầy trò, tôn sư trọng đạo. Thầy trò đều có sự tương đồng vì ai cũng đang mang trong mình nhiều bệnh, uống nhiều thuốc và chờ đợi những gì mà cuối đường sinh tử sẽ đến với mình.

 DSC_1592

 Hôm nay đứng chụp hình chung với thầy Hà Tường Cát. Tôi thương thầy quá. Tôi thấy thầy sao giống ba tôi quá. Một ông già ốm yếu, tóc bạc và ít nói. Nơi nào có hội ngộ NQ, có học trò NQ là có thầy.  Hôm đi dự Hội Ngộ Ngô Quyền ở SanJose thầy chống gậy, yếu ớt. Leo lên bậc thang xe đò hai chân run run. Thế nhưng thầy vẫn sinh hoạt vui vẻ và không tạo cho các học sinh sự lo lắng về sức khỏe của Thầy. Tôi kính phục thầy lắm. Thầy nhìn học trò xung quanh bằng đôi mắt hạnh phúc, yêu thương. Tôi cứ ở xa nhìn thầy vừa kính, vừa thương. Tôi nhớ bố già tôi vô cùng. Nhìn thầy hình ảnh ba tôi lại hiện về. "Nhân từ, điềm đạm". Cho nên khi đứng chụp hình với thầy xong, trong một phút cảm xúc không ngăn được tôi đã cúi xuống hôn trên má thầy và buộc miệng nói "Con thương thầy quá!".

 

Con xin lỗi thầy. Có thể cái hôn bất ngờ làm thầy ngượng nghịu. Có thể cái hôn bất ngờ thật hỗn hào. Cái hôn mà có lẽ không một người học trò nào dám làm ở một ngày đông đảo họp mặt. Xin thầy tha lỗi cho con. Cái hôn đó chính con cũng bất ngờ. Nó biểu tượng cho lòng tri ân và kính mến. Cái hôn của đứa con gái hôn người cha kính yêu. Của một người học trò già kính ông thầy giáo cũ. Nếu thầy thấy được tấm lòng kính mến của con thì con coi đó là một món quà giá trị mà thầy đã tặng con trong ngày họp mặt AHBH.

 

 DSC_1426

DSC_1588

 

Đang ngồi trong bàn thì Ngọc Dung đến kéo tôi đi nói thầy Hoàng Phùng Võ muốn gặp chị. Tôi đến bàn "Thầy cô" và chào thầy. Thầy vui vẻ lôi ra một bao thư và nói:

"Thầy có đọc bài "Phong bao lì xì" của em. Hôm nay thầy tặng em món quà này.''  Tôi xúc động lắm, lén hé hé ra xem gì thì thấy một tờ giấy xếp làm tư và ba xấp phong bao lì xì bằng chữ Việt với hình ảnh biểu tượng Việt Nam.

Tôi về bàn mở ra xem và thật xúc động.

Tôi xin khoe mấy cái bao lì xì đó với các bạn hôm nay.

 

Lì xì 1

 Li xi 2

li xi 3

Li xi 4

 

 

 

Thưa Thầy:

Con cám ơn thầy lắm. Con vui như đứa học trò viết một bài luận văn hay được thầy đọc trước lớp. Những phong bao lì xì của thầy quý giá lắm đối với con .Vì nó nói lên sự quan tâm chia sẻ của thầy, sự cảm thông của thầy về những tâm ý mà con muốn trao gửi trong bài "Phong bao lì xì".

 

Khi con viết bài này có rất nhiều anh em, bạn bè tán thành và Email cho con. Có em học sinh còn gửi cho con những mẫu thiệp rất đẹp với những hình những chữ tượng trưng cho đất nước và lịch sử VN. Con thật lòng muốn post lên cho mọi người thấy và in ra tại nhà. Để mùa Xuân này những bao lì xì VN đi đến tay những cháu bé đi mừng tuổi trong ngày Tết Nguyên Đán. Nhưng đó là bản quyền và công sức của người design con không thể làm như vậy. Em Lê Thị Nhan, một cựu học sinh NQ khóa 9 cũng làm cho con mấy mẫu phong bao lì xì rất đẹp bằng mấy đêm không ngủ.

 

Tuần trước, thầy đi dự lễ Kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Viện Việt Học, thầy đã nhớ tới con và mang về để hôm nay tặng con  số phong bao lì xì này do viện phát hành khiến con cảm động quá.

Con cám ơn thầy nhiều lắm. Con kính chúc thầy thật nhiều sức khỏe và luôn gặp mọi an lành, hạnh phúc bên gia đình. Năm nay con đã có những phong bao có giá trị để lì xì cho con cháu trong nhà. Con sẽ nói về ý nghĩa của phong bao và nói với các cháu "Đây là quà của thầy giáo cũ của bà ngoại tặng cho bà. Con không nên xé mà hãy mở ra cẩn thận".

 

Thưa các bạn,

Thú thật  đây là năm đầu tiên tôi tham dự họp mặt cuối năm của hội Ái Hữu Biên Hòa. Bởi lẽ mấy năm trước tôi không quen biết nhiều các anh chị. Tôi sợ mình lạc lõng giữa những người không quen biết. Thế nhưng sau hai lần tham dự Họp mặt Ngô Quyền tôi thấy mình thật gần gũi như người một nhà.  Nhất là tháng 7 năm ngoái cùng đi trên chuyến xe đò xuôi miền Bắc Cali. Các anh chị rất dễ mến, thật vui và thân tình. Tình đồng môn Ngô Quyền  gắn bó, thân thương. Thầy, Cô và các anh chị đã dành cho tôi nhiều tình cảm dù mới gặp lần đầu. Và những nỗi buồn, niềm vui của Ngô Quyền cũng là của luôn tôi.

 

Tôi đã thấy sự yêu thương, đùm bọc khi Chu Diệu Thi giã từ ra đi. Tôi đã thấy một tình bạn bè thật ấm áp thân thương khi cùng anh chị Phương & Loan đi thăm chị Nguyệt trong nursing home. Các anh chị cùng lớp đã có mặt tại đó, đem cho chị thức ăn chị thích, những trái cây "Cây nhà lá vườn" ngon ngọt. Những lời chọc ghẹo để cùng cười, những tiếng gọi Mày Tao thân thiết khiến tôi xúc động vô cùng.

 

Ngày họp mặt AHBH năm nay tôi vui lắm. Quà cáp đem về là những lời khích lệ chân tình của Thầy, Cô, các anh, chị và tất cả bạn bè. Tôi không phải là nhà văn. Tôi chỉ là một bông hoa dại được hội AHBH đem vào vườn hoa văn nghệ và ươm phân, tưới nước. Những mầm hoa là những tình cảm chân thật tôi trịnh trọng trao ra cùng các bạn. Ước mong được người giữ vườn vun quén để những bông hoa dại được cùng các hoa cảnh đẹp trong vườn khoe sắc đón gió Xuân về.

 

Hôm nay chúng ta đã về với gia đình, nhưng có lẽ trong mỗi chúng ta dư âm của ngày họp mặt vẫn còn trong tâm tưởng. Cám ơn Ban tổ chức đã làm việc vất vả để ngày họp mặt thành công rực rỡ. Đặc san Xuân " Biên Hòa quê hương tôi " đến tay mọi người kịp thời còn thơm mùi giấy mới. Cám ơn thầy Hà Tường Cát và thầy Hoàng Phùng Võ đã cho tôi một món quà khó quên trong kỳ họp mặt Biên Hòa năm nay.

 

Kính chúc tất cả Thầy, Cô và các bạn một mùa Xuân Ất Mùi 2015 thật nhiều sức khỏe, bình an và hạnh phúc.

 

Nguyễn thị Thêm.

26/01/2015

 

 

 

 

 

 

 

 

10 Tháng Năm 2022(Xem: 5882)
Gió đưa Áo Mẹ Lên Trời Con còn dong duổi áo phơi bụi trần Thiên đường cách mấy bước chân Hay là địa ngục cũng lần tới đây Cù lao chín chữ cao dầy...
06 Tháng Năm 2022(Xem: 6759)
. Khác với người phương Tây, Việt Nam chúng tôi có rất ít các viện dưỡng lão. Khi Cha Mẹ tới tuổi già, con cái luôn muốn được sống kề cận để chăm sóc..
06 Tháng Năm 2022(Xem: 6387)
Các bạn ơi! Sẵn sàng nhé.... Mong đa số đều có ý tưởng đoàn kết, yêu thương và có trách nhiệm để tiếp tục phụ lái con thuyền NQ ra biển lớn.
01 Tháng Năm 2022(Xem: 10569)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: ĐIỀU CHƯA BÀY TỎ - Thơ Tưởng Dung, Nhạc Phạm Chinh Đông- Trình bày & Ca sĩ: KaNa Ngọc Thúy
01 Tháng Năm 2022(Xem: 8852)
Xin bấm vào link ở trên hoặc vào giữa hình bìa Giai Phẩm Xuân bên dưới và kéo xuống để xem toàn bộ nội dung Giai Phẩm Xuân NQ 1965
11 Tháng Ba 2022(Xem: 5725)
tiệc Tân Niên 2022 của Hội Ái Hữu Biên Hòa vẫn ngọt lịm tình người đồng hương xứ bưởi, với sự tham dự của nhiều thầy cô, cựu học sinh Trung Học Ngô Quyền cùng gia đình và thân hữu.
05 Tháng Ba 2022(Xem: 8115)
Kính chuyển hình ảnh Tiệc Mừng Xuân Nhâm Dần Hội Ái Hữu Biên Hòa Tổ chức lúc 10:30 Ngày 27/2 /2022 Tại nhà hàng Paracel Seafood.
04 Tháng Ba 2022(Xem: 12859)
Xin mời thưởng thức video " HƯƠNG BƯỞI GỌI NGƯỜI VỀ" Lấy ý tưởng từ 2 bài thơ "Dỗ Dành Hương Bưởi" và "Những Chiếc Ghế Còn Bỏ Trống" của Trần Kiêu Bạc.
24 Tháng Hai 2022(Xem: 5943)
vậy là đúng như mẹ em nói tuổi nào cũng có số mệnh của nó, nhiều khi chỉ ngẫu nhiên mà hoạn nạn rơi vào tuổi Dần rồi gây ra ấn tượng và mang tiếng thêm cho người mang tuổi Dần mà thôi
01 Tháng Hai 2022(Xem: 6101)
Bài sẽ bàn về tục ngữ ca dao dinh dáng ít nhiều đến hổ,
28 Tháng Giêng 2022(Xem: 9165)
Nhưng các loại hoa quả chưng ngày Tết và dịp Tết Trung Thu người ta không thể thiếu bưởi. Bài này tôi chỉ xin bàn về quả bưởi thôi.
27 Tháng Giêng 2022(Xem: 8816)
Hai năm nay chỉ ưu tư vì Covid nên làm gì có xuân thủy tiên. Gửi cho em vài hình thủy tiên cũ, với tựa đề "Xuân này em không về.." Chúc mừng năm mới các em.
22 Tháng Giêng 2022(Xem: 6703)
Tôi ra về lòng vui biết bao Thầy Cô vẫn khỏe như độ nào Ước gì dẹp sạch con Covid Lột khẩu trang tháng bảy gặp nhau.
02 Tháng Mười Hai 2021(Xem: 6540)
Tạ ơn thời có lắm điều Sách dày ghi được bao nhiêu cho vừa; Bao niềm vui mới nên thơ Theo lòng cảm tạ bất ngờ hiện ra Khi ta nhìn khắp gần xa Thấy chân hạnh phúc thăng hoa dạt dào!
24 Tháng Mười 2021(Xem: 6692)
Sau hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19, một nhóm CHS Ngô Quyền niên khóa 1986 - 1987 đã tổ chức Họp mặt vào ba ngày October 08/09/10 năm 2021 tại Arizona.
04 Tháng Chín 2021(Xem: 10130)
Con đường này đã gắn liền với tuổi thơ của tôi. Đường Trịnh Hoài Đức (THĐ) không dài lắm, độ chừng 2 km, bắt đầu từ Công trường Sông Phố và kết thúc ở bùng binh Biên Hùng.
01 Tháng Chín 2021(Xem: 10182)
Yêu nhau trọn vẹn sắt son Xuân đi đông đến vẫn còn bên nhau Anh xin nguyện ước một câu Đôi ta vẫn mãi bên nhau suốt đời
27 Tháng Tám 2021(Xem: 11224)
Bước chân buồn lặng lẽ trôi Hắt hiu một bóng, luân hồi phù vân Câu kinh nhật tụng vọng âm Một người ở lại thế trần quạnh hiu.
16 Tháng Tám 2021(Xem: 12055)
một nén hương thắp cho người bạn thời thơ ấu, vào ngày giỗ đầu. tháng 8, năm 2021.
14 Tháng Tám 2021(Xem: 10464)
Thương ai tóc rối tơi bời Tình ơi một kiếp rong chơi ta bà Lạy người yên nghỉ nơi xa Sợi buồn ta giữ trăng tà nhớ ai.
14 Tháng Tám 2021(Xem: 11265)
Mùa VU LAN Nhìn màu hoa nhớ MẸ Nhớ cả TRÁI RỪNG đã trôi vào cổ tích nhớ thương.
14 Tháng Tám 2021(Xem: 10466)
Chiều nay em đã đi rồi Bên bờ bến vắng bồi hồi nhớ nhung Triều dâng ngọn sóng ngập ngừng Chờ em quay lại nơi từng bên nhau
08 Tháng Tám 2021(Xem: 10489)
Phận con chữ hiếu chưa tròn Chưa ngày chăm sóc, mỏi mòn cách xa Cho con cúi lạy xin tha Một lời sám hối xót xa cõi lòng
07 Tháng Tám 2021(Xem: 11209)
Gửi dấu yêu vào dạt dào gió lộng Tơi tả bay khăn áo lụa xuân thì Làm lạc mất hình ra xa khỏi bóng Gần cuối đời nước mắt vẫn tràn mi.
01 Tháng Tám 2021(Xem: 10758)
Có lúc tưởng mình chỉ là cái bóng Yêu nồng nàn lại chẳng thể gần nhau Anh... Lặn lội phương xa nhiều lận đận Em... Ẩn mình vào ốc nhỏ long đong.
28 Tháng Bảy 2021(Xem: 9677)
Những cánh chim ẩn mình đã tung bay vào nắng sớm, cây cỏ sau vườn chổi dậy những mầm xanh…
26 Tháng Bảy 2021(Xem: 9659)
. Chú dừng chổi và chợt hỏi mình ên: -Ông nội ơi! bài vở ở trường có phải là tạp niệm không ông nội?