Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Diệp Hoàng Mai - BẾN SÔNG XƯA

13 Tháng Chín 201412:11 SA(Xem: 24776)
Diệp Hoàng Mai - BẾN SÔNG XƯA


BẾN SÔNG XƯA

 
song dong nai 9_thumb[2]

Trong nhóm “ngũ long” lớp đệ tứ, Đông Quỳnh được mệnh danh là con rái cá. Quỳnh bơi giỏi lắm! Ném Quỳnh xuống nước kiểu nào, nhỏ cũng nổi … lình bình . Quỳnh bơi được đủ kiểu, từ bơi ếch đến bơi chó, bơi sấp bơi ngữa … nhỏ đều “trị” tất tần tật. Quỳnh có tật ngúng ngoa ngúng nguẩy khi được lời khen, ra cái điều ta đây là đứa … khiêm tốn. Trong khi đứa nào cũng biết tỏng tòng tong, nhỏ sung sướng ngất ngư mỗi bận được khen bơi giỏi. Lâu lâu không ai khen, nhỏ còn “gù gù” mấy đứa bạn trong nhóm “khen dùm người ta một tiếng đi mừa…”

Quỳnh kể đi kể lại miết, câu chuyện chào đời của mình:

-  Xém chút xíu nữa, Quỳnh bị má đẻ rớt ven sông ...

Má của Quỳnh chuyển dạ, khi bà đang giặt thau áo quần bên bến nước. Nhỏ Quỳnh tài lanh, thụt thò đòi chui ra khỏi bụng má, trong lúc ba của Quỳnh mướt mồ hôi đạp xe đi rước mụ vườn. Hú hồn! Bà mụ đến trễ chút chéo nữa thôi, có lẽ nhỏ Quỳnh sẽ tự chào đời, không cần bàn tay bà đỡ.

 

Thuở ấy dọc hai bên sông, nhà nào cũng xây bến nước. Cái bến nước nhà Quỳnh khá rộng, đủ chỗ để má của Quỳnh vừa ngồi giặt giũ, vừa trông chừng đám con tắm táp dưới sông. Thương con, nên ba má của Quỳnh lo xa vậy thôi. Chứ đám con của ông bà, đứa nào cũng biết bơi trước khi biết nói…

 

Hồi đầu, nhóm bạn của Quỳnh chỉ có bốn đứa. Đông Quỳnh làm trùm, tự xưng nhóm “tứ cô nương” gồm: Đông Quỳnh, Dung Nghi, Tường Chân, Phượng Vỹ. Hồi này Minh Thư là “đối thủ” đáng ghét của nhóm “tứ cô nương”. Nói đúng hơn, Đông Quỳnh ghét hết mấy nhỏ “đám nhà ngói” ngồi ở bàn đầu. Cái đám “quí tộc học” này, hỏng biết ăn giống gì mà không bao giờ bị … bí, mỗi khi “bị” thầy cô gọi trả bài. Ngược lại, bọn nó còn giành nhau trả lời những câu hỏi của thầy cô – và thường trả lời đúng – mới ghê chứ! Chẳng bù cho “xóm nhà lá” của nhóm “tứ cô nương”, kiêu kỳ đến mức … ứ thèm giơ tay trả bài như đám nhà ngói.

 

Năm đệ tứ, giáo sư hướng dẫn không cho học sinh tùy thích chọn chỗ ngồi. Thầy xếp sơ đồ lớp học, theo chiều cao thấp của đám học trò. Đông Quỳnh bị thầy “điều động” từ bàn chót lên bàn nhất, cũng tại cái chiều cao khiêm tốn quá mức của Quỳnh. Ngồi đầu bàn nhất, ngay bên cạnh Quỳnh chính là … Minh Thư, con nhỏ mà Đông Quỳnh ghét cay ghét đắng.

 

Năm đó trưởng lớp được bầu, chứ không còn … cử nữa. Con nhỏ “lùn mã tử” Minh Thư, đắc cử chức trưởng lớp với số phiếu bầu cao ngất ngưỡng. Tức ơi là tức! Đông Quỳnh ghét nó đến vậy, gạch tên Minh Thư những mấy lằn mực đậm lè, vậy mà vẫn không hạ gục được nhỏ là sao? Kỳ cục thiệt!..

 

Minh Thư thân thiện với nhóm tứ cô tự nhiên như … ruồi, không màng đến “ác cảm” của nhóm dành cho nhỏ. Nhanh nhẹn và dễ hòa đồng, Minh Thư nhanh chóng được lòng bè bạn ở vị trí cánh chim đầu đàn. Thích, Thư cũng biết cách chơi hết lốc. Không thích, nhỏ lặng lẽ … gài số de. Minh Thư không chia phe hay nhập phái nào, theo cái “mốt” của đám học trò nhỏ lúc bấy giờ. Nhưng có thể do “nhất cận thân, nhị cận lân”, nên nhỏ Thư bị “trộn” dần vào nhóm “tứ cô” hồi nào không ai hay biết. Vậy là nhóm “ngũ long” được hình thành, tự nhiên như trò chơi u mọi của bọn học trò con gái.

 

Càng gần gũi, Đông Quỳnh càng cảm thấy nhỏ Minh Thư chơi … cũng được. Nhỏ Thư sôi nổi, có nhiều sáng kiến tổ chức trò chơi cho cả lớp vui chung. Phàm Đông Quỳnh đã thích người nào, thì nhỏ có thừa mưu mẹo để biến người đó thành “tài sản riêng” của nhóm. Dù Minh Thư là trưởng lớp, nhưng Đông Quỳnh quyết không để nhỏ Thư biến thành “công sản” của lớp được đâu. Nhỏ Thư xem thông minh vậy, nhưng nhiều lúc nhỏ cũng ngây thơ và dễ dụ ra trò. Minh Thư khoe với nhóm bạn, nhà của nhỏ có nhiều em lắm! Năm nào má của  Thư cũng đẻ em bé, vì vậy mà:

- Quỳnh  biết hông? Mấy chú lính ở trạm xá Không Quân nhẵn mặt Thư hết trơn hết trọi. Ẵm em riết, cái hông của Thư muốn xệ luôn… Mai mốt chắc Thư sẽ ẵm con rành nhất đám, phải không Quỳnh?

Trời đất! Mấy chuyện như vậy mà nhỏ Thư cũng hỏi. Nhỏ làm như Quỳnh có con bầy giống như má của Thư vậy. Nhưng cái tật tài lanh, Quỳnh cũng trả lời những câu hỏi ngu ngơ của Thư, y hệt như mình là người từng trãi…

 

Quỳnh tự xếp hạng, mình ham chơi thuộc bậc … thượng thừa! Và Quỳnh cũng có chút tự hào, mình có năng khiếu lôi kéo … đồng  bọn. Nhưng chơi với Minh Thư, Quỳnh đành thúc thủ. Quỳnh đầu độc Thư chuyện gì cũng được, trừ việc rủ nhỏ Thư “xa vở bài, mở rộng sách ham mê…” Nhỏ Thư này, chơi cứ chơi, nhưng không lơi việc học. Quỳnh hỏng ưa tẹo nào, cái “tật” đáng ghét này của nhỏ Minh Thư, nhưng đành chịu chết! Bởi rằng thì là “ Bệnh còn có thuốc chữa trị, chứ đã thành tật rồi thì …hết thuốc ”

 

Bơi giỏi nhất, nhưng về khoản học hành thì Quỳnh… đuối nhất. Nhìn tụi bạn chăm chỉ học hành, Quỳnh … chướng mắt không sao chịu được. Vì vậy, Quỳnh rấp tâm “rinh” từng đứa bạn xuống sông. Ban đầu, Quỳnh chỉ dụ khị mấy con “mọt sách” tắm sông vào giờ học trống. Tập tành cho mấy “ ẻm ” nghiện sông nước rồi, Quỳnh bèn rủ ren đám bạn “cúp” luôn những giờ học … không trống. Quỳnh có kế hoạch hẳn hoi, cho cái thú vui tắm sông của nhóm. Phàm trốn học, thì phải lựa bến sông xa mới an toàn. Tắm bến sông nhà, lỡ gặp người quen về méc ba má, thì cả đám không tìm đâu ra đủ mo cau để … bọc đít.

 

Có lẽ nhờ Trời thương, nên ông phái “quới nhơn” phò trợ cho đám trò nhỏ ham chơi hơn ham học. Số là ông anh của Quỳnh tậu được một ngôi nhà nhỏ ven sông, cách nhà Quỳnh chừng vài cây số đường chim bay. Tạm đủ an toàn, để Quỳnh tránh được người quen. Do anh của Quỳnh chưa đủ niên hạn chuyển về thành phố, nên mỗi cuối tuần vợ chồng anh mới đùm túm về nhà. Ngôi nhà ven sông, vô tình trở thành giang sơn riêng của Quỳnh và đám bạn …

 

Vào những giờ học trống thiệt trống, Quỳnh mới lôi được nhỏ Thư đến bến sông xa. Lần nào “ bị ” rủ đi tắm sông, nhỏ Thư cũng chần chừ thật lâu, rồi rên ư ử như mèo mắc nước:

-  Chỉ lần này nữa thôi nghen!...”

Úi chu choa! Chỉ đôi “lần này nữa” thôi, nhỏ Thư đã lủm chủm bơi được kiểu … chó con. Ơn Trời, nhờ nhỏ Minh Thư chịu học bơi, Quỳnh mới có cơ hội làm “ thầy ” của nhỏ. Làm thầy nhỏ Thư, không cực khổ gì ráo trọi. Thư học cái gì cũng nhanh, kể cả việc học chơi lẫn học bơi. Chỉ là, nhỏ có thích hay không thích mà thôi. Rù quến được nhỏ Thư đến bến sông giờ học trống, là sự thành công lớn nhất của Đông Quỳnh, trùm nhóm “ngũ long” rồi.

 

Hiền lành và nhẫn nhịn nhất nhóm, là nhỏ Dung Nghi. Rất ít khi Dung Nghi ý kiến ý cò gì chuyện của nhóm. Nhỏ thụ động đến mức “ai sao nhỏ vậy”, ai “bậy” nhỏ cũng theo. Trừ điều duy nhất, Nghi nhất định không chịu tắm sông. Nhỏ cứ rề rề trên bờ, nhìn đám bạn đùa giỡn giữa dòng nước mát trong buổi trưa hè dù thèm rỏ dãi. Không thể hiểu nổi, tại sao nhỏ Nghi dị ứng chuyện tắm sông như vậy?

 

Tường Chân nhúng mỏ, trề môi: “Đã chơi, thì chơi hết lốc. Cứ nửa vời như nhỏ Dung Nghi, tao khó chịu lắm! Dám bỏ trường giờ học trống, mà hỏng dám tắm sông. Tao thấy ở trên bờ hay dưới nước, đã ăn chơi rồi thì tội lỗi cũng ngang nhau hà!...”

 

Minh Thư bênh vực Dung Nghi: “ Đừng lên án Nghi, miễn Nghi không bỏ bạn là được rồi. Mà cũng nhờ Nghi không ham vui bằng tụi mình, Nghi mới rảnh rang đỡ đần cả đám. Thử nghĩ mà xem, trong nhóm mình có đứa nào chịu khó như Nghi không?...”

 

Thật vậy, khi các bạn nhảy ùm xuống nước, là nhỏ Nghi lắc xắc dọn dẹp. Chậm chạp nhưng cẩn thận, hễ việc nào vào tay Dung Nghi là việc đó trở nên tươm tất gọn gàng. Kết quả là mỗi cuối tuần, Đông Quỳnh được anh chị thưởng món tiền công nho nhỏ. Vậy là lần tắm sông kế tiếp, Quỳnh lại có vốn mua đủ thứ thức ăn cho nhóm ngũ long bày binh bố trận.

 

Tường Chân và Phượng Vỹ, là hai thục nữ có tâm hồn ăn uống phong phú nhất. Vì vậy mà tập bơi hoài, hai nhỏ vẫn chưa nổi được trên mặt nước. Bởi “nhúng nước” chưa héo da tay, là hai nhỏ lại kéo nhau lên bờ ngồm ngoàm chiến đấu. Bao nhiêu ổi chín, cóc xanh, me ngào, xoài tượng, khoai nấu, đậu luộc, mía lùi… hai nhỏ tận tình xơi tanh tách. Thỉnh thoảng Đông Quỳnh đổi món, mua ngao sò ốc hến luộc lá sả lá chanh, chấm nước mắm tỏi ớt chanh đường sềnh sệnh, thêm chút gừng giã nhuyễn thơm lừng … Đến nước này thì hai nhỏ bạn háu ăn Phượng Vỹ và Tường Chân, lúc nào cũng sẵn sàng chờ Dung Nghi sai phái.

áo dài qua đò

 

Năm lớp mười, Đông Quỳnh và Minh Thư chọn hai ban học khác nhau. Từ đó hai đứa không còn chung lối về giờ tan học. Những giờ học trống, Minh Thư thả bộ dọc bờ sông tìm đến nhà Quỳnh. Trưa nhỏ ăn cơm với má của Quỳnh, rồi mòn mỏi đợi Quỳnh. Trong khi đó, Đông Quỳnh lê thê lết thết lội bộ dưới ánh nắng trưa hè, đi tìm Thư trong cư xá quân nhân.

 

Cuối năm lớp mười hai, Đông Quỳnh rời xa đám bạn trong chuyến xuất ngoại bất ngờ. Nhóm “ngũ long” sau đó tứ tán theo vận nước. Tường Chân không chịu nổi cuộc sống khắc khổ, đã theo người bạn trai xuống thuyền vượt biển. Những người cùng chuyến vượt biển của Tường Chân về sau kể lại, Chân bị cướp biển làm nhục trước mặt người yêu. Bạn trai của Tường Chân phản ứng dữ dội, đã hứng trận đòn man rợ của bọn cướp đến chết. Quá đỗi kinh hoàng, khi chứng kiến tấm thân tơi tả người yêu bị ném xuống biển, Tường Chân trở nên điên loạn khi thuyền vừa ghé đảo…

 

Phượng Vỹ thực hiện kế hoạch của lãnh đạo, sử dụng đồng vốn của đơn vị chuyển cho người thân thuộc kinh doanh, những tưởng có lợi tay ba: đồng lời cho doanh nghiệp; cho bản thân và cho cả người thân. Lúc thắng lợi, tất cả cùng hân hoan chia chác. Lúc thất thoát, chỉ mỗi mình Phượng Vỹ kê vai lãnh đủ. Vào thời đất nước nghèo khó, bữa ăn hàng ngày của mọi người đóng khung trong công thức “đậu hủ, rau muống, nước tương” thì hành vi sai phạm hơn nửa tỉ đồng của Phượng Vỹ gây chấn động dư luận.

 

Công bằng mà nói, lỗi lầm lẽ ra phải chia đều cho những người trong cuộc. Nhưng tính cách “quân tử Tàu” khiến xui Phượng Vỹ nhận hết trách nhiệm về mình, để chỉ một mình nhận bản án tù đăng đẳng. Phượng Vỹ đã từng có ý nghĩ kết thúc sớm cuộc sống của mình, nhưng bản lĩnh của một đứa trẻ sớm tự lập, đã nâng đỡ Phượng vượt qua chuổi ngày khắc nghiệt.

 

Ngày Phượng Vỹ rời trại, cùng lúc các con của Phượng thành tài. Người chồng nhân hậu và hai đứa con ngoan, là chỗ dựa vững vàng và ấp ám cho ngày về của Phượng Vỹ. Trãi qua bao thử thách của cuộc đời, Phượng Vỹ có một nghị lực sống đáng kính nể. Phượng Vỹ vững vàng, đứng dậy và bước tiếp quãng đường đời bằng những bước đi vững chải khó ai bì.

 

Cả bọn, chỉ Dung Nghi là an phận nhất. Ông bà xưa thường nói “lù khù có ông Cù độ mạng”, ứng vào số phận của Dung Nghi chính xác hoàn toàn. Gia đình bên chồng của Nghi khá giả, nên nhỏ không vất vả chi chuyện áo cơm. Mọi việc nhỏ to, trong ngoài đều do chồng của Dung Nghi một tay xếp đặt. Thật ra nếu chồng của Nghi không tính, Dung Nghi cũng chẳng biết đường nào mà lần. Ngay cả chuyện đi học đi làm của Dung Nghi, cũng do chồng của nhỏ vẽ đường xếp đặt từng li từng tí một. Được sự bảo bọc của chồng từ A đến Z, Dung Nghi cứ vậy  mà “lừ đừ theo ông Từ vào đền”, chẳng phải xuôi ngược lo toan như đám bạn bè cùng lứa…

 

Gian truân vất vả nhất nhóm, là nhỏ Minh Thư. Gia đình nhỏ không còn chỗ dung thân, khi căn nhà nhỏ biến thành tro bụi vì đạn pháo. Ba của Thư đưa vợ và bầy con nheo nhóc lên rừng tìm kế sinh nhai. Không kham nổi cuộc sống nhục nhằn nơi rừng thiệng nước độc, Minh Thư lần hồi tìm đủ cách trở về phố cũ. Di chứng cơn sốt rét rừng đeo bám theo Thư, mài mòn thể xác lẫn tinh thần cô gái đương tuổi xuân thì. Lần đầu trở lại quê xưa, người đầu tiên Đông Quỳnh tìm kiếm là Minh Thư. Trong gian phòng nóng hừng hực, Thư đang co ro run rẩy trong cơn sốt. Nhỏ gầy gò ốm yếu, đôi mắt đục mờ không nhận ra bạn cũ Đông Quỳnh. Nước mắt nhạt nhòa, Quỳnh ôm Thư vào lòng mà khóc...

 

*

*   *

 

 “ Mình không có cơ hội để khoe cực khoe khổ, dù mình còn cực khổ hơn thiên hạ gấp vạn lần. Khổ cực, mà mang ra khoe phỏng sướng ích gì? Trừ phi, người khoe có mục đích.

 

Khoe khổ, nhưng thực chất để tự đánh bóng cái tôi của ta. Khoe, nhằm thể hiện ta đẳng cấp cao hơn thiên hạ. Khổ, nhưng khoe rất ồn ào. Khoe khổ, nhưng sẵn sàng bung xung xù lông nhím , nếu không được thiên hạ vỗ tay hoan hô hoan hỉ. Khoe, nhưng luôn luôn hàm ý “Cái chi, việc chi của đàng trong là xấu tàn xấu tệ; Cái chi, việc chi của đàng ngoài cũng nhất định … num-bờ-oan”. Thiệt là, khổ ơi là khổ!...

 

Nhưng công nhận, dân ta khổ thiệt! Khổ quá, sinh tật nói xấu nhau. Người ngoài nước, chê bai người trong nước. Người trong nước, dè bĩu người ngoài nước. Người ngoài nước, xem người trong nước là thành phần ... đẳng cấp thấp! Người trong nước, mỉa mai người ngoài nước là dân tộc ... nửa mùa.

 

“Nguồn gốc của người bị chê và người đi chê là giống nhau, bản chất như nhau, nhưng lại cứ lôi nhau ra chê bai…” Suy cho cùng, chỉ dân ta thích " hiếp đáp, đè bẹp” dân mình. Ban đầu, chỉ là ... thú vui. Dần dà, trở thành ... thú tính! Ôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng… Amen”

 

Tình bạn của “cặp bài trùng” một thuở vỡ tan, sau những dòng chữ đắng cay Minh Thư gửi đến Đông Quỳnh. Rất đỗi yêu thương, nhưng tâm hồn đầy thương tật của Minh Thư không còn đủ sức chịu đựng những xung đột – Minh Thư cho là quá vô duyên – trong những lần hiếm hoi hai đứa gặp nhau. Tuổi học trò hồn nhiên thân thiết với nhau là thế, đến tuổi trưởng thành thì hoàn cảnh sống, môi trường sống đã xô dần họ về hai hướng khác nhau. Như thế kể cũng hay cho cả hai, khi không còn có điểm chung trong suy nghĩ. Những tranh luận không cần thiết, và những lời nói vô tình … đã không ít lần khiến cả hai cùng bị tổn thương …

 
Phượng Vỹ chở Đông Quỳnh đến điểm hẹn, một quán nước “già nua, cũ kỷ” bên bến sông xưa. Phượng Vỹ chọn ngày cuối năm, cuối tháng, cuối ngày cho thời điểm nhóm “ngũ long” hội ngộ. Ừ, thì tuổi tác nhóm “ ngũ long” đều đã ngã bóng chiều tà. Theo tiên đoán của nhạc sĩ Y Vân, thì vòng đời sáu mươi năm của nhóm ngũ long coi như … chấm hết.

 

Nhân dịp Đông Quỳnh về lại quê xưa, Phượng Vỹ mong một lần cả nhóm ngồi lại bên nhau, yêu thương nhau như những ngày tháng cũ. Minh Thư lặng im, với lời rủ ren chân tình của Phượng Vỹ. Và khi biết có Đông Quỳnh, nhỏ cười buồn và khẽ lắc đầu. Biết rõ tính cách Minh Thư, Phượng Vỹ thúc thủ không một lời thuyết phục.

 

Dung Nghi không thoát khỏi cái gông bọc nhung êm ái của chồng, ngập ngừng từ chối lời mời hội ngộ nhóm bạn xưa. Phượng Vỹ nửa đùa nửa thật, nói như than:

-  Dung Nghi biến thành “cái bóng bên chồng” mất hút còn đâu?...

 

Đông Quỳnh trầm ngâm bên bến sông xưa, không cười nói ồn ào như thói quen thường nhật. Mà nói với ai, cười với ai nữa bây giờ? Mấy ngày qua, Đông Quỳnh đã trút cạn nỗi lòng với Phượng Vỹ. Và Đông Quỳnh cũng ngộ ra nhiều điều, từ những phân tích rất chính chắn của Phượng Vỹ… Có những điều mình ngỡ mình làm – tưởng sẽ tốt đẹp cho bạn của mình – nhưng không ngờ vô tình, mình chỉ khoét sâu thêm, làm đau hơn những vết thương lòng của bạn:

- Tối mai Quỳnh bay rồi, nhờ Phượng Vỹ chuyển lời tạm biệt Minh Thư và Dung Nghi dùm mình …

 

“Bao nhiêu năm rồi năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” Tiếng hát khẽ và trong vang từ phía sau hai người bạn. Phượng Vỹ và Đông Quỳnh cùng lúc quay lại, ngỡ ngàng:

-  Minh Thư…

Phía sau Minh Thư là Dung Nghi, tay nâng vòng hoa cúc rực vàng, với nụ cười hiền hòa đằm thắm. Minh Thư lên tiếng trước:

- Hôm nay tụi mình cùng nhau chúc mừng sinh nhật Tường Chân. Hồi đó, Tường Chân rất thích màu vàng hoa cúc…

 

Đông Quỳnh và Phượng Vỹ sững sờ, nước mắt ứa vành mi. Cuối cùng thì nhóm “ngũ long ” xưa cũng có ngày hội ngộ, sau hàng chục ngàn ngày nổi trôi lưu lạc muôn phương. Này đây Phượng Vỹ, Đông Quỳnh, Minh Thư, Dung Nghi và cả Tường Chân … ấm áp tình thân.

 

Khi những vệt nắng cuối ngày rơi rụng ven sông, và ánh sao Hôm lấp lánh bầu trời, Dung Nghi thắp sáng những ngọn nến hồng trên vành hoa cúc. Một làn gió nhẹ thoảng qua, khẽ rung những cánh hoa tươi và ánh lửa nồng nàn. Minh Thư và các bạn cùng cầu nguyện, rồi nhẹ nhàng thả vòng hoa cúc trên sông. Trời đêm lặng gió, vòng hoa cứ mãi dập dềnh bên bến sông xưa. Chừng như linh hồn Tường Chân đã về bên bạn, đang vấn vương quấn quýt chưa muốn rời xa... Tường Chân ơi! Dù bạn đã an nhiên nơi cõi vô thường, nhưng nhóm “ngũ long” ngày nào vẫn yêu thương nhau và yêu thương bạn. Đường đời dù muôn ngàn lối rẽ – từng xô dạt “ ngũ long” trôi tận cuối đất cùng trời – thì vẫn còn có ngày, nhóm “ngũ long” chúng mình cùng lúc tìm về thăm bến sông xưa…

 

Tháng 09/2014

Diệp Hoàng Mai


29 Tháng Giêng 2009(Xem: 72799)
Khi nắng đổ trên cành hoa phượng đỏ Là lúc mặt trời đòi đùa cợt mái tóc em Tuổi ngây thơ mắt môi xinh bỏ ngỏ Cuộc vui đùa chẳng phân biệt gái hay trai!
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73556)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73650)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72376)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 80731)
  Hôm nay “Hội Ngộ Trùng Phùng”, Thầy trò, bè bạn, vui mừng gặp nhau. Thỏa lòng mong ước bấy lâu, Tha phương hội ngộ cố tri Ngô Quyền.
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 71725)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73525)
Nếu dân ca được đặt lại khúc Mười Thương Mình sẽ hát Thương Trường Tôi Thứ Nhất Em sẽ hát Một Thương kỷ niệm một thời còn xanh ngắt Những thương nhớ khác nào cũng xếp thứ hai, ba …..
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75052)
    Năm mươi ngọn nến, thắp lung linh, Sinh nhật trường ta thắm đượm tình.  
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 75240)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 73799)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 80217)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73800)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75609)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69080)
  Để tưởng nhớ Anh Nguyễn Phong Cảnh và  chia sẻ nỗi buồn với chị Ma thị Ngọc Huệ,  cựu học sinh Ngô Quyền .  
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 68885)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73503)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 71163)
    Ảnh xưa nhìn thật đâu ngờ, Thầy, Cô, Bạn cũ bây giờ nơi đâu ?
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 69092)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 66280)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 35895)
         Xin vĩnh biệt anh…người bạn đời 37 năm!
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 71806)
Mừng Vui Hội Ngộ Ngô Quyền Cựu Chúc Nhau Giai Lão Bách Niên Lưu.
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 34653)
Cảm xúc ghi lại sau ngày họp mặt gần nửa tháng.   Có dịp lắng lòng nhìn lại việc đã qua.
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 69944)
Mười năm trên đất Mỹ Dẫu có nhiều cuộc vui Nhưng tận cùng nỗi nhớ Vẫn ngậm ngùi chưa nguôi.
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 74106)
ĐÓN mấy Đông qua nơi đất khách, CHÀO Xuân tuổi hạc mãi dần cao, NGÀY tháng trôi nhanh vẫn ước ao HỘI ngộ cùng nhau sẽ có ngày, TRÙNG dương bão nổi gây ngăn cách.... PHÙNG thời sẽ giúp gặp cố tri
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 72884)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 42022)
  Ngày ấy chúng con là những học sinh lớp Đệ Thất B1, chúng con là những đứa bé vừa hơn 10 tuổi, và đến nay đã 50 năm nhưng hình ảnh Thầy Cô không thể xóa nhòa trong trí chúng con.
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 65235)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73463)
Ai thắp trong tôi niềm tin tuổi dại Tin ngày mai đường ngọc mát chân son.