Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Nguyễn Xuân Hoàng - PHẠM DUY VÀ VẾT THƯƠNG DI TẢN

22 Tháng Ba 201312:00 SA(Xem: 102901)
GS. Nguyễn Xuân Hoàng - PHẠM DUY VÀ VẾT THƯƠNG DI TẢN

Phạm Duy và vết thương di tản



blank
Phạm Duy - Ảnh Nguyễn-Xuân Hoàng

30.01.2013


Rất nhiều ý kiến trái chiều về Phạm Duy khi ông còn sống. Trong một bài viết trên tạp chí Văn - số đặc biệt về Phạm Duy phát hành vào tháng Sáu & Bảy năm 2002, tôi đã đưa một cái nhìn về người nhạc sĩ đa tài, đa tình và đầy hệ lụy ấy. Tất nhiên bài viết đó đã đến tay ông, sau chuyến đi trình diễn Kiều 2 tại Minnesota. Một lần ngồi uống cà phê với ông ở quán Song Long, ông bất ngờ hỏi tôi là “cậu không thích con người của tôi hả? Tại sao?” Tôi đã không trả lời trực tiếp của ông. Tôi nói: “Bố già à, tôi rất thích nhạc của bố!” Và ngay lập tức ông đã đứng dậy xô ghế bỏ đi.

Giờ đây sau ngày ông ra đi những ý kiến trái chiều về ông còn nổi lên mỗi lúc một đậm đặc hơn. Tôi chia sẻ cái nhìn của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc mới đây trên VOA:Tất cả những nghi ngờ, bất đồng hay bất mãn [rồi đây] sẽ dần dần chìm vào quên lãng. Con người thật của Phạm Duy sẽ không còn án ngữ trước khối lượng tác phẩm đồ sộ và nguy nga của Phạm Duy. Một lúc nào đó, nghĩ đến Phạm Duy, người ta sẽ không còn nhớ đến những chuyện đi kháng chiến rồi dinh tê, chuyện vào miền Nam rồi vượt biên hay chuyện sống ở Mỹ rồi quay về Việt Nam; người ta cũng không còn nhớ những câu phát biểu nhiều khi rất tùy hứng và tùy tiện của ông. Lúc ấy, nghĩ đến Phạm Duy, người ta chỉ nghĩ đến những bài hát do ông sáng tác. Lúc ấy, tôi nghĩ, ông mới sống thật cuộc sống của ông. Một cuộc sống thật vĩ đại.”

Tôi muốn gửi lên VOA nhận định của tôi về Phạm Duy cách đây 11 năm. Những ghi nhận ấy tôi không thay đổi.

blank
Phạm Duy đề tặng NXH cuốn Ngàn Lời Ca
 

​​Như những người cùng lứa tuổi, tôi ưa thích nhạc Phạm Duy, trước khi yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi nghĩ, trước khi nổi tiếng với những ca khúc của chính mình, Sơn cũng là một người yêu nhạc Phạm Duy. Thế hệ của anh tôi, theo kháng chiến chống Pháp, chắc chắn là thế hệ của những người chọn con đường ra chiến khu một phần cũng vì âm nhạc của ông.

Nhưng tôi có thêm một lý do để nhớ đến ông nhiều hơn các bạn tôi một chút vì cho đến năm 1972 - không nhớ chắc là năm 72 hay 70, cái năm mà nhà văn Ngô Thế Vinh cũng ra hầu tòa vì một bài báo của anh - tôi bị phiền phức do một ca khúc của ông: Bài Bà Mẹ Gio Linh ông viết năm 1948.

Năm 1972, sau khi Trần Phong Giao thôi tờ Văn, ông Nguyễn Đình Vượng nhờ tôi làm Tổng Thư Ký tòa soạn ở 38 Phạm Ngũ Lão. Lúc đó tạp chí Vấn Đề của kịch tác gia - giáo sư Vũ Khắc Khoan đặt trên lầu cùng địa chỉ với tờ Văn. Ông Thần Tháp Rùa khi đến tòa soạn bao giờ cũng đi ngang qua chỗ ngồi của tôi. Một lần ông hỏi tôi cho Vấn Đề một truyện. Tôi hứa. Và lần nào đi ngang qua bàn viết của tôi, ông cũng nhắc: Sao? Có truyện cho số này không? Tôi xấu hổ vì không viết được. Sau cùng, tôi quyết định / nhất định phải nộp bài cho ông. Truyện ngắn Cha Và Anh tôi đưa ông để đăng trên Vấn Đề - tôi nhớ hình như là số 52.


blank

Bìa tạp chí Văn số đặc biệt Phạm Duy, 2002


​​Một buổi chiều Mai Thảo đến tòa soạn kéo ghế ngồi trước mặt tôi hỏi Hoàng viết cái gì cho Vấn Đề mà báo bị tịch thu, đóng cửa vậy?

Tôi ngớ người.

Truyện ngắn Cha Và Anh là một hồi tưởng với nhiều hư cấu về một gia đình (tôi) bị chia cắt trong chiến tranh, và chia cắt ngay cả trong một thành phố. Một nhân vật bơ vơ mất hướng, không biết mình đi đâu, về đâu.

Truyện còn chép một số đoạn trong ca khúc của Phạm Duy:

Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy...
........

Nhà thì nó đốt còn đâu
Khuyên con báo thù phen này
Mẹ mừng con giết nhiều Tây
Ra công xới vun cày cấy.
.........

Ông Khoan gặp tôi một tuần sau không vui. Tuy vậy, ông cũng tỏ vẻ lo cho tôi. "Anh có sao không? Có bị gì không?" Thưa anh, tất nhiên là có. Em phải hầu tòa đây.

Đó cũng là thời gian mà [bác sĩ] Ngô Thế Vinh cũng từ Biệt đoàn 81 Biệt kích Dù về hầu tòa vì bài báo Mặt Trận Ở Sài Gòn của anh.

Nhưng tôi đâu chỉ dính với ông Phạm Duy chỉ chừng đó thứ. Những ca khúc sau này của ông, những bài Bình Ca (Dường Như Là Hòa Bình, Sống Sót Trở Về, Ngày Sẽ Tới...) cũng làm tôi ray rứt mãi.

Tôi ngạc nhiên về những bài Tục Ca, Vỉa Hè Ca cùng đi với Đạo Ca, Bé Ca, Nữ Ca của ông. Ông Phạm Duy đa tài, đa dạng và là một người giàu có về âm thanh. Ông mơ mộng hơn những người lãng mạn nhất, nhưng ông cũng là người thông tục hơn những người thông tục nhất. Ông có nhiều tiếng nói cho nhiều hoàn cảnh.

Ông là một trong số ít nhạc sĩ "sống" và "sống mạnh" không phải là thứ nghệ sĩ ẻo lả của bàn đèn và khói thuốc. Nhạc của ông được nhiều thế hệ hát và hát khắp nơi. Nhạc ông được nhiều người nhớ và nhớ bằng những kỷ niệm đặc biệt. Nhạc ông được hát với một trái tim sôi nổi, nhưng cũng được hát với một nỗi buồn cùng cực. Nhạc ông có nước mắt. Và cũng được hát với một nụ cười.

Thế gian có những thứ tình cảm nào, ông đều cho người ta cơ hội bày tỏ thứ tình cảm đó.
Nhưng tôi biết không phải ai cũng bằng lòng ông.

Có người nhìn ông như một tài năng hư hỏng. Có người bảo sau những ca khúc phổ thơ từ Huy Cận, Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, ông không còn để lại gì cho âm nhạc Việt Nam.
Tôi ngờ những người ấy sống bằng thành kiến.
Không người Việt Nam nào có thể quên ơn Phạm Duy.

Để soi sáng giá trị và ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật - một cuốn tiểu thuyết, một bức tranh, một nhạc phẩm - người ta thường qui chiếu về tác giả, về đời tư của người nghệ sĩ. Người ta nghĩ - cũng có lý thôi - giữa tác phẩm và tác giả chắc chắn phải có một mối giây nhân quả. Tác phẩm là sản phẩm của nghệ sĩ, nó tất yếu phải mang dấu ấn, hơi thở, đời sống, ý nghĩ của người sáng tạo.

Người ta đọc Kiều của Nguyễn Du và người ta đi tìm tiểu sử của ông để hiểu Kiều. Cũng vậy, người ta xem kịch Lưu Quang Vũ, xem tranh Nguyễn Trung, nghe nhạc Trịnh Công Sơn, người ta luôn luôn đi tìm tác giả. Người ta tìm đọc "những bản thảo dở dang, những thư từ, những nhật ký, hồi ký" và qua đó họ vẽ lại chân dung người nghệ sĩ. Chính chân dung ấy đã "soi sáng" tác phẩm của họ.

Tôi chia sẻ "một nửa" ý kiến đó.

Tôi không tin là cuộc đời của một nghệ sĩ hoàn toàn làm thành tác phẩm của họ.
Tôi không tin là tác phẩm đang được quần chúng yêu mến kia sẽ kém đi vì tác giả có một cuộc sống xã hội "không tốt đẹp" theo ý kiến của những nhà đạo đức.
Tôi không tin giá trị tác phẩm sẽ bị tụt xuống khi tác giả có một cuộc sống không cân bằng với tiêu chuẩn xã hội.

Những điều "tôi không tin" ấy thật ra chưa đủ lý lẽ để thuyết phục người khác. Cho đến khi tôi đọc được mấy cuốn sách của Milan Kundera, một nhà văn Pháp gốc Czech.*

Dưới tựa đề Soixante-treize mots (Bảy mươi ba từ), phần thứ sáu của cuốn Nghệ Thuật Tiểu Thuyết, Milan Kundera viết: "L'artiste doit faire croire à la postérité qúil n'a pas vécu", dit Flaubert.**

Vẫn theo Kundera, Maupassant không cho đưa chân dung của mình vào một loạt chân dung các nhà văn nổi tiếng: "Đời tư của một người và khuôn mặt anh ta không phải là của công chúng." Hermann Broch nói về mình, về Musil, về Kafka: "Cả ba chúng tôi đều không có tiểu sử thật."

Nhà văn William Faulkner muốn làm "người bị triệt tiêu, bị xóa bỏ khỏi lịch sử, không để lại bất cứ dấu vết gì, không có cái gì khác ngoài những cuốn sách đã in." Và Kundera nhấn mạnh: Sách là để in, tức là không có các bản thảo dở dang, thư từ, nhật ký.)

Tôi muốn bắt chước Kundera nói theo một ẩn dụ của Kafka rằng nhạc sĩ Phạm Duy (nhà tiểu thuyết) phá ngôi nhà của mình đi, để lấy gạch xây một ngôi nhà khác: các ca khúc của ông (cuốn tiểu thuyết).

Từ đó đi đến kết luận là những người viết tiểu sử về một nghệ sĩ (nhà tiểu thuyết, họa sĩ, kịch tác gia, nhạc sĩ, điêu khắc gia...) là người phá giỡ những gì mà nghệ sĩ đó đã làm, để làm lại cái mà người nghệ sĩ đã phá giỡ ra. Cái công việc chõ vào đời tư của một nghệ sĩ (tài năng) là một công việc tiêu cực, thuần túy tiêu cực, nó không thể soi sáng cả giá trị lẫn ý nghĩa của tác phẩm; "may ra thì chỉ nhận dạng được vài viên gạch."***

Kundera không chỉ nói một lần về vấn đề này trong cuốn L'art du Roman, mà ông nói nhiều lần. Trong phần thứ bảy cuốn sách này, dưới tựa đề Discours de Jerusalem: Le Roman et L'Europe. "Nhà tiểu thuyết là người, theo Flaubert, muốn biến mình đi sau tác phẩm của mình. Biến mình đi sau tác phẩm của mình, điều đó có nghĩa là từ chối vai trò nhân vật xã hội."****

Phạm Duy là một con người, như mọi người. Ông đã sống tận cùng đời sống của ông, ông đã hiến tận cùng những gì ông có trong trái tim ông và thân xác ông. Tôi đồng ý với Hoàng Khởi Phong, Phạm Duy không cần vinh danh, vì cái danh ấy ông đã có, người ta nên biết ơn ông.

Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, rõ ràng là chúng ta nợ nần quá nhiều người. Không chỉ nợ nần công ơn sinh và dưỡng của cha mẹ ta, mà ta còn nợ nần những người làm cho cuộc sống ta tốt đẹp hơn, có ý nghĩa hơn. Ngay khi họ làm ta đau đớn vì bản chất của họ, ta cũng nợ họ, vì nhờ đó ta khám phá ra sự đa dạng của con người,khám phá ra cái bộ mặt đen tối của một con thú tưởng là người, và ta cũng khám phá ra sức chịu đựng của mỗi chúng ta.

Phạm Duy và Stravinski

Chưa thấy nhà văn nào nói về âm nhạc say mê và đầy kiến thức như Milan Kundera. Trong cuốn Những Di Chúc Bị Phản Bội, ông dành nguyên phần thứ ba Improvisation en hommage à Stravinski (Ứng tác kính tặng Stravinski) từ trang 69 đến 119 để viết về Stravinski.

Tôi ước gì mình có đủ kiến thức về âm nhạc để viết một chương về nhạc sĩ Phạm Duy. Nếu cuộc đời của Stravinski chia làm ba phần dài gần bằng nhau. Ở Nga, 27 năm; Pháp và Thụy Sĩ nói tiếng Pháp, 29 năm; Mỹ, 32 năm; thì Phạm Duy cũng chia phần đời mình qua những con số tương tự: Miền Bắc 29 năm, vào Nam 25 năm, và ở Mỹ nay ông đã ở được 27 năm.

Kundera viết "Di tản: một cuộc lưu lạc bắt buộc ở nước ngoài đối với người coi đất nước nơi mình sinh ra là tổ quốc duy nhất của mình. Nhưng tình trạng di tản kéo dài và một sự trung thành mới đang nảy sinh, sự trung thành với đất nước mình đã nhận; bấy giờ là đến lúc cắt đứt. Stravinski dần dần từ bỏ chủ đề Nga. Năm 1922 ông còn viết Mavra (hí kịch phỏng theo Pouchkine), rồi năm 1928, Nụ Hôn Của Bà Tiên, kỷ niệm về Tchaikovski, rồi ngoài mấy tác phẩm ngoại lệ không đáng kể, ông không trở lại chủ đề Nga nữa. Khi ông mất năm 1971, Vera vợ ông, tuân theo Ỷ nguyện của ông, từ chối đề nghị của chính phuđ Xô Viết chôn ông ở nước Nga và chuyển thi hài ông đến nghĩa trang Venise."

Kundera viết tiếp: "Không còn nghi ngờ gì nữa, Stravinski mang trong mình vết thương của sự di tản, như tất cả những người khác; không còn nghi ngờ gì nữa, sự phát triển nghệ thuật của ông sẽ đi một con đường khác nếu ông có thể ở lại nơi ông đã sinh ra.”

Phần đầu của Stravinski và Phạm Duy có vẻ như trùng hợp nhau. Sự khác là ở phần cuối. Chủ đề trong âm nhạc Phạm Duy luôn luôn là Việt Nam.

"Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời."
Chủ đề ấy ở cuối đường là Minh Họa Kiều I và II. Việt Nam nhất trong những gì thuộc về Việt Nam.
Tôi viết những dòng chữ này như một lời biết ơn Phạm Duy.
Tôi không có nhiều lý lẽ để nói về âm nhạc ông. Tôi mượn nhiều lời của Milan Kundera để cám ơn ông.
Xin ông khỏe mãi.

Nguyễn Xuân Hoàng



 ------

* Nguồn: 
Phạm Duy và vết thương di tản - VOA

* L'art du Roman, Collection Folio, 15 Novembre, 1999 và Les Testaments Trahis, Collection Folio, 18 Janvier, 2002. Bản dịch của Nguyên Ngọc, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001.
** Sách đã dẫn, trang 177. Flaubert nói: "Người nghệ sĩ phải làm cho hậu thế tưởng rằng anh ta không hề sống."
*** Bản dịch của Nguyên Ngọc, Sđd., tr. 156-157.
**** Bản dịch Nguyên Ngọc, Sđd., tr. 165




09 Tháng Ba 2024(Xem: 1421)
Sau bao năm thăng trầm trong cuộc đời có nhiều mất mát có nhiều thay đổi nhưng tình yêu âm nhạc trong anh vẫn sống mãi. Anh đã vui trong niềm vui và buồn trong nỗi buồn ...
08 Tháng Ba 2024(Xem: 2336)
Xuân từ “Lục bát “bước ra? Ngắm Anh Đào nở sắc Hoa trắng ngần! Xuân đi Xuân đến bao lần? Mời tới Lễ Hội ân cần thiết tha!
24 Tháng Hai 2024(Xem: 3178)
Mùa trăng đầu năm tháng giêng Trông như ánh mắt mẹ hiền yêu thương Dù cho xa cách hai phương Sáng soi vằng vặc độ lường nguyên tiêu.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 872)
Hãy viết thêm lời nguyền trên là - Lá vẫn xanh xanh mùa thủy chung - Cho trăm năm chỉ là chút tình - Hãy nâng niu giọt nắng mong mamh
03 Tháng Hai 2024(Xem: 2586)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
21 Tháng Bảy 2023(Xem: 3711)
Rủ nhau về lại "NGÔ QUYỀN" Gặp thầy, gặp bạn huyên thuyên nói cười "TRƯỜNG XƯA" in dấu trong tôi DIAMOND SEAFOOD đón mời thân thương
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 5194)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 5914)
Bầu trời tháng Bảy đẹp như mơ Sinh Nhật 6 nàng tặng rổ…thơ HOÀI NIỆM, NGUYÊN NHUNG tài khó đoán TƯỞNG DUNG, PHƯƠNG THUÝ giỏi không ngờ!
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 4950)
Ai có quay về chốn cố hương Xa xôi cách trở mấy cung đường Hỏi giùm: "Người cũ còn nhung nhớ?" Đất khách bôn ba đời lữ thứ Quê người lận đận kiếp phong sương Nhắn hộ: "Tình xưa vẫn vấn vương"
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5486)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
20 Tháng Ba 2023(Xem: 5963)
Nước Mỹ là miền đất hứa đã luôn mở rộng vòng tay chào đón và tạo cơ hội tốt cho bất kỳ ai, miễn là họ có khát vọng vươn lên và phải nỗ lực thực hiện bằng được khát vọng ấy.
04 Tháng Ba 2023(Xem: 6058)
Sau khi trải nghiệm tàu ra vào kênh tôi không ngạc nhiên khi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã xếp kênh đào Panama là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 6445)
Trong lúc Kansas City Chiefs vui mừng trong rừng confetti thì đội Philadelphia buồn vì vừa đánh mất chức vô địch trong tầm tay khi chỉ còn 8 giây nữa là kết thúc trận đấu.
10 Tháng Hai 2023(Xem: 5907)
Nàng chợt nhận ra… Ồ! bức tường nghiêng! Sao đêm nay nàng mới nhận ra bức tường của nàng đã nghiêng?!
22 Tháng Giêng 2023(Xem: 10289)
vẽ trái tim tôi mầu đỏ nhạt, hay hồng… đã từ lâu, tôi nghĩ tim. chỉ để yêu thôi thỉnh thoảng. để giận hờn… nay. sao tim bối rối?*
11 Tháng Giêng 2023(Xem: 7480)
Đang vào những ngày đầu năm Dương lịch và tiếp đến sẽ là một cái Tết cổ truyền thiêng liêng rộn rã... . Xin có vài dòng ghi lại buổi họp mặt “ Cựu học sinh Trung học Ngô Quyền - Biên Hòa “
20 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6056)
World Cup 2022 khép lại với trận chung kết có nước mắt nhiều hơn nụ cười, chỉ có 45 triệu người (Argentina) vui, mà có đến 65 triệu người (Pháp) buồn.
17 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 7221)
Suốt cả cuộc đời Voi hoạt bát chỉ chuyên tâm tu học, hết lòng phụng sự Thiên Chúa và luôn Giúp ích cho đời. Tưởng chừng gieo nhiều hạt tốt sẽ gặt lắm quả lành,
02 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6008)
Nói cho cùng, phải chăng số phận của bà Lê Vũ Anh đã được chính cha ruột của mình định đoạt vì ý hướng mong muốn con gái thành công.
01 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6854)
Một cuốn sách, đọc, sẽ làm phấn khởi một số rất lớn người trong chúng ta, vì qua những gì đọc được. Cuối cùng cái chiến thắng trông chờ lâu nay, sẽ chắc chắn hiện hình.
28 Tháng Mười 2022(Xem: 6825)
Chịu khó đọc giáo sư Nguyễn Văn Trung, ta sẽ gặp một nhà trí thức dấn thân với các giá trị cốt lõi rõ rệt: khoa học, khai phóng
01 Tháng Chín 2022(Xem: 16500)
Viết những dòng tâm can này vào ngày Nguyễn Văn Kỷ Ngọc Thuyền - bé Bi con tôi tròn 46 tuổi, trái tim thương tật của người cha Mai Quan Vinh chỉ khát khao duy nhất một điều
31 Tháng Tám 2022(Xem: 7607)
Tôi phải thú thật một điều là chưa có tiệc sinh nhật nào tôi đi dự mà vui vẻ và thật tình như vậy. Người giới thiệu chương trình, ca sĩ lên hát và quan khách đều đến tham dự với sự mến thương và yêu quý Hạnh
29 Tháng Bảy 2022(Xem: 7747)
Anh là một hòn đá cương nghị, anh được đặt đúng chỗ và đúng thời điểm nên đã chuyển hướng cả một dòng âm nhạc mang bản sắc Việt Nam.
28 Tháng Sáu 2022(Xem: 10192)
Người bỗng về theo mùa nhuốm heo may Chút hương thầm xin là gió cứ bay Theo áng mây về cuối trời xa thẳm Đừng cho lòng rung lại những tàn phai…!