Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Ngọc - MỘT THỜI ÁO TRẮNG HỌC TRÒ

24 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 25689)
Nguyễn Thị Ngọc - MỘT THỜI ÁO TRẮNG HỌC TRÒ

MỘT THỜI ÁO TRẮNG HỌC TRÒ

 

 

 52__nguyen_thi_ngoc-content

Nguyễn Thị Ngọc

 

 Có lẽ các bạn cũng đã từng nghe nói “Không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông”. Điều đó rất đúng nhưng đôi khi vẫn có ngoại lệ. Và hôm nay tôi cùng các bạn, chúng ta hãy trở về tắm lại dòng sông tuổi thơ của mình bằng những mẫu chuyện nho nhỏ được lưu giữ trong tâm trí suốt mấy mươi năm qua .

 Bạn có nghĩ rằng bậc trung học là thời kỳ đẹp nhất của tuổi học sinh và năm đệ tứ là năm học vui nhất? Có lẽ đúng như vậy vì những năm trước chúng ta hãy còn bỡ ngỡ và những năm sau lại phải chay đua với mảnh bắng Tú Tài rồi còn lo đến tương lai. Năm đệ tứ để lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ vì chúng ta dù đã lớn hơn chút ít cũng chỉ biết học hành và vui chơi một cách hồn nhiên… lứa tuổi 15,16 như nụ hoa chớm nở giữa ngày xuân chưa biết bận lòng với bao khắc nghiệt của cuộc sống. May mắn cho lớp học sinh đệ tứ năm 1966-1967 vì đó là năm đầu tiên lấy điểm hai kỳ thi Lục cá nguyệt (bây giờ là thi Học kỳ) để xét tốt nghiệp mà không phải qua kỳ thi toàn quốc. Thế là chúng tôi “học thì cứ học mà chơi thì cứ chơi”. Rồi có thêm một sự tình cờ, không hiểu vì sao nhà trường lại chuyển một số con trai lớp khác qua học chung với con gái lớp chúng tôi. Không biết có phải tại vì mấy ông con trai này nghich ngợm quá hay không? Chỉ biết rằng sang đây mấy ông khớp quá nên chỉ còn có thể nghịch ngầm!

 Cô Hà Bích Loan, giáo sư hướng dẫn lớp chúng tôi đến bây giờ vẫn nhắc tới đám con trai nghịch ngầm hồi đó. Còn nhớ mấy ông con trai thường viết giấy để trêu chọc bỏ vào hộc bàn bọn con gái, có khi trong gói giấy lại là thằn lằn hay dán v.v… , khi mấy cô mở ra rồi vừa nhảy vừa la vì sợ thì mấy anh lại chụm vào nhau mà cười! Còn mấy cô cũng chẳng chịu thua, ngồi ở bàn sau lén lấy giấy viết thật to chữ gì đó như là Dê hay số 35 chẳng hạn rồi dùng băng keo dán lên lưng bọn con trai, khi đi ra bên ngoài lớp học thấy người ta nhìn mình cười cười mới đỏ mặt vì biết mình bị mang con số đặc biệt phía sau lưng. Cũng không hiểu bằng cách nào mà mấy ông con trai ngồi bàn sau lại có thể cột dính chung hai vạt áo dài của những bạn gái ngồi phía trước làm cho khi bước đi nếu sơ ý các cô bị té vào nhau rất buồn cười. Và thế là cứ mỗi lần đến giờ ra chơi lại có bao nhiêu chuyện để vui đùa, có giận một chút rồi cũng quên chứ chẳng ai nỡ giận nhau lâu bao giờ! Nhưng không phải lúc nào cũng là những trò nghịch, cũng có khi là mấy món quà nho nhỏ, dễ thương như một chiếc lá, một bông hoa được ép cẩn thận ở giữa hai trang vở hoặc một con tem gói bằng giấy học trò đem tặng cho nhau để rồi một thoáng bâng khuâng làm chớm nở những tình cảm ngây thơ trong trắng như màu áo học trò… Không biết đã có bao nhiêu mối tình học trò mong manh, lặng thầm như sương khói… để đến bây giờ chỉ còn lại những ngậm ngùi, tiếc nhớ…

 Thời gian qua đi đã quá lâu với biết bao nhiêu biến cố, đổi dời… Màu thời gian đã bạc phai theo năm tháng, đám học trò nhỏ ngày xưa hẳn cũng có lúc muốn trở lại tuổi 15, 16 để vui chơi cùng bè bạn vô tư và hồn nhiên. Nhưng năm tháng qua đi không bao giờ trở lại, cuộc sống vẫn trôi xuôi không chảy ngược bao giờ! Còn nhớ hồi đó chúng tôi chỉ học một buổi, có khi là buổi chiều nhưng thường là buổi sáng. Thời đó không có TV, computer như ngày nay, trẻ con chỉ có thể tụ tập cùng nhau rong chơi, vui đùa. Buổi chiều, nghỉ học ở nhà không gặp bạn thì buồn chết đi được thế là lại rủ nhau đi chơi. Bọn nhóc chúng tôi ngày đó đứa thì ở Chợ Đồn, Hãng Dầu, đứa thì ở Hàm Nghi, Biên Hùng, có đứa ở Tân Mai, Phúc Hải, Bửu Long… Hình như lúc nào cũng vậy, ở trong nhà mà nghe tụi bạn í ới ngoài cổng thì dù đang làm gì cũng bỏ (chuyện học bài cho ngày mai lại để dành vào buổi tối, hoặc nếu ngày mai không thuộc bài thì phải chịu cảnh hồi hộp khi Thầy Cô mở sổ gọi lên trả bài!). Bước chân bọn nhóc chúng tôi ngày đó đã đi cùng khắp Biên Hòa từ Phúc Hải, Hàm Nghi đến Bửu Long, Cù Lao Phố… Từ những vườn cây ngát thơm hương bưởi đến những cảnh chùa yên tĩnh có bông sứ trắng tỏa mùi thơm rất đổi dịu dàng đều in dấu chân son và tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên của tuổi học trò chưa biết gì đến những bận rộn, lo toan cho cuộc sống đời thường…Trong số những nơi bọn nhóc chúng tôi đã từng đến thì nhà chị Minh lớp trưởng ở gần Ga Biên Hòa (Biên Hùng) là nơi tụ tập thường xuyên nhất của chúng tôi. Cả bọn chạy chơi đuổi bắt nhau vòng vòng quanh nhà, trèo cây, nghịch nước cũng vui… mà túm tụm ở trong nhà chơi lô tô, đổ cá ngựa hoặc xem hình, sưu tầm tem cũng rất vui. Chị Minh là trưởng lớp phải lo cho lớp đủ mọi thứ từ chuyện sổ sách đến các chuyện học hành, hoạt động của lớp. Dù vậy, chị không ra vẻ nghiêm nghị mà vẫn thân mật vui đùa cùng chúng tôi. Chị thương chúng tôi như đàn em nhỏ, thấy chúng tôi vui đùa với nhau chị không nỡ la rầy. Bây giờ nghĩ lại thương chị nhiều khi phải bị Thầy Cô quở trách vì làm lớp trưởng mà không ngăn cản được những trò nghịch của bọn nhóc chúng mình…

 

 Có một kỷ niệm tôi muốn nhắc đến, có thể là những bạn học cùng lớp chúng ta ai cũng còn nhớ. Vào một ngày đẹp trời khi mùa thi Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt chưa tới, học trò chưa bận rộn nhiều với bài vở, khi cơn gió nhẹ đầu đông làm rơi những chiếc lá phượng vàng nhỏ nhắn trên sân trường … mọi người bỗng chú ý đến một áo dài trắng thơ thẩn vào trường với bông hồng đỏ cài trên áo, rồi thêm một áo dài khác cũng với bông hồng đỏ… rồi thêm nữa… thêm nữa. Và khi chuông reo vào lớp thì tất cả áo dài trắng cài bông hồng đỏ ấy bỗng tụ lại ở lớp chúng tôi, đứng đầu là bông hồng Thu Thủy rồi đến bông hồng Bạch Tuyết, Mai, Ngọc và nhiều bông hồng khác tôi không nhớ hết tên... Thông tin nhanh chóng truyền đi, lập tức Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo và Thầy Tổng Giám Thị Dương Hòa Huân, với cây roi trên tay và những bước chân hướng về phía lớp chúng tôi làm cho ai nấy đều lo sợ. Hai thầy nhìn nhóm Bông Hồng cài áo vừa ngạc nhiên vừa lo lắng, tức giận. Không biết bọn nhóc này làm gì đây, biểu tình chăng? chắc là các Thầy nghĩ vậy vì dạo này sinh viên, học sinh thường đi biểu tình lắm! Nhưng khi các Thầy bình tĩnh nhìn kỹ lại thì thấy đứa nào đứa nấy mặt mày hiền khô thậm chí còn dễ thương nữa… Tuy vậy cũng cần phải gọi bọn nhóc này lên Phòng Giám Thị. Những “bông hồng” ra đi theo tiếng gọi của Thầy Huân rồi, những người còn ở lại lớp hồi hộp lắm vì sợ bọn này bị phạt. May quá, không bao lâu sau bọn này được trả về lớp mặt mày hí hửng. Chẳng những không bi phạt mà từ đó Bút nhóm “ Bông Hồng cài áo “ (Thầy Bảo và Thầy Huân goi đùa là “ Bông hồng cài túi”) càng dược nổi danh khắp cả trường. Bây giờ ai cũng biết lớp chúng tôi cũng tập tành lập Thi Văn Đoàn gồm những bông hồng yêu thơ văn bắt đầu “sự nghiệp” sáng tác gửi bài đăng báo… Nhưng rồi những bông hồng đã sớm từ bỏ mộng văn chương chỉ còn bông hồng Thu Thủy vẫn tiếp tục sáng tác, ngày nay Thủy đã trở thành nhà thơ được biết đến trong nước cũng như ở hải ngoại. Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến lời một bài hát “Em ước mơ, mơ gì tuổi 15, tuổi 16…” những ước mơ lãng mạn thuở ấy dẫu chưa rõ nét lắm giống như cơn gió nhẹ một chớm thu thổi vào những tâm hồn bé bỏng dù còn đọng lại hay bay đi vẫn làm cho lòng ta xao xuyến…

 Và câu chuyện về tờ Đặc San năm học đệ tứ cũng là một kỷ niệm đáng nhớ của lớp chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhớ lại lúc ấy Trường Ngô Quyền có những hoạt động văn nghệ, thể thao, báo chí rất hào hứng nhất là khi gần đến Tết Nguyên Đán hoặc tổng kết năm học. Năm ấy, sau kỳ thi Đệ Nhất Lục Cá Nguyệt, chuyện tranh đua học hành tạm lắng xuống để cho chị Nguyễn Thị Mỹ, cây văn nghệ của lớp hoạt động (Chị Mỹ hiện nay là Trưởng ban Văn nghệ và là MC duyên dáng , hoạt bát của những cuộc họp Ngô Quyền ở Nam Cali). Vì học trò Ngô Quyền học cũng giỏi mà hát cũng hay, cho nên Cô Minh Nguyệt, Thầy Hoàng Long và các Thầy Cô dạy nhạc cũng chiếm chỗ quan trọng trong trái tim học trò chẳng kém gì Thầy Cô dạy các môn học khác. Mùa Văn nghệ vừa đến cũng là lúc bọn trẻ ham chơi chúng tôi chiều nào cũng theo họa mi đầu đàn Nguyễn Thị Mỹ và những họa mi có tiếng hát hay vô trường, ai tập hát thì hát, còn những kẻ khác đi theo vỗ tay cổ vũ cũng có mà vui chơi nghịch ngợm cũng có. Phòng Khánh Tiết những lúc này là nơi thi thố tài văn nghệ, từ chiều đến tối luôn rộn rã tiếng đàn hát hòa lẫn với tiếng cười đùa…

 

 67__mot_thoi_ao_trang_hoc_tro-ngoc_my_resize-large-content

Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Thị Mỹ

 

Văn nghệ vui vẻ đến như thế thì nhóm nhà văn, nhà thơ của Hà Thu Thủy lẽ nào lại im hơi lặng tiếng. Thế là nhất định phải làm báo mà phải làm một tờ Đặc San hẳn hòi chứ không chỉ đơn sơ là báo tường thôi đâu nhé! Nhưng giáo sư hướng dẫn của lớp, Cô Bích Loan, vì sợ ảnh hưởng chuyện học hành (năm nay còn phải lo cho cái bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp) nên không đồng ý chuyện ra tờ Đặc San của lớp vì làm một tờ Đặc San cũng phải mất nhiều thời gian công sức lại còn phải tính đến chuyện phổ biến tờ báo đến các lớp khác nữa! Mộng làm văn chương chẳng lẽ đành từ bỏ. Thế là cả bọn âm thầm đi cầu cứu Thầy Nguyễn Thế Văn giúp cho lớp làm báo mà không nói cho Cô Loan biết làm cho Cô giận (nhưng Cô đã hết giận chúng em từ lâu lắm rồi phải không, thưa Cô ). Cô Bích Loan lúc đầu không khuyến khích chúng tôi chuyện làm báo nhưng sau đó đã cùng thầy Văn hướng dẫn đám học trò của Cô Thầy thực hiện mơ ước được làm nhà văn, nhà báo tuổi học trò . Cuối cùng tờ Đặc San cũng được hoàn thành với biết bao công sức của thầy trò lớp chúng tôi .Tôi còn nhớ cuốn Đặc San có bìa màu xanh biển với hình đàn chim bồ câu trắng xếp thành hàng tung cánh bay lên , tấm hình bìa rất đẹp ấy có được là nhờ công lao của Thầy Văn các bạn còn nhớ không? Sau biến cố của đất nước với biết bao đổi thay qua năm tháng có ai còn giữ được tờ báo kỷ niệm một thời tuổi trẻ ấy không?

 Cũng giống như đàn chim bồ câu trắng tung cánh bay cao, những cánh chim Ngô Quyền trưởng thành rồi rời xa tổ ấm. Dòng đời vẫn đi qua… trong nỗi buồn đau chung của đất nước, chúng ta mỗi người cũng có những nỗi niềm riêng… Nếu có lúc nào đó được ngồi lại với nhau hãy xin thời gian quay trở lại, hãy lắng nghe tiếng sóng vỗ về từ quá khứ để có niềm hạnh phúc được sống lại những năm tháng nào trong cảnh yên bình, áo trắng học trò hồn nhiên đến trường được học hành, vui chơi; được phát triển tài năng,

rèn luyện nhân cách… Và những ai đã từng ấp ủ trong lòng ngày tháng dấu yêu của một thời áo trắng sẽ không khỏi bùi ngùi, xúc động khi gặp lại Thầy xưa, bạn cũ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù đã cách xa 20 năm, 40 năm hay nhiều hơn nữa. Tôi là một cánh chim Ngô Quyền lạc loài đã bước chân ra đi “đầu không ngoảnh lại” để cho “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy” . Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng đã tìm về những ngày tháng cũ có mái trường Ngô Quyền ấm áp tình yêu thương của Thầy Cô, bè bạn. Mái trường thân yêu ấy ngày nay đối với chúng ta đã thuộc về quá khứ, những áo trắng học trò ngày xưa giờ kẻ ở phương Đông người ở phương Đoài, dù chưa thể gặp lại nhau nhưng tình cảm giữa những ai đã từng gắn bó với Trường xưa, Lớp cũ bao giờ cũng như thế vẫn chẳng đổi thay …

 

 

 Nguyễn Thị Ngọc 

 Học trò cũ Ngô Quyền 1963-1969

 

07 Tháng Giêng 2010(Xem: 71160)
Cho tôi nhìn thấy nụ cười, Ở trên môi những cuộc đời tối tăm. Cho mây về phố trưa nằm, Làm mưa trôi hết lỗi lầm ra sông.
27 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 75704)
Cúi xuống bờ dậu nghe nao nao Mẹ ngày hè cũng như tháng giá Ngẩng lên thấy mồ hôi ướt áo Vai mẹ gầy như cánh hạc xa
26 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 73790)
Nhắc lại năm xưa tuổi còn thơ dại Áo trắng tan trường kẻ đón người đưa Một thoáng thầm yêu giấu trong sách vở Ấp ủ lâu ngày hoa mộng thành thơ
26 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 74918)
Mùa xuân nghiêng bờ vai Ngắ m đào mai rực rỡ Trắng tinh chùm hoa đại Tỏa ngan ngát mùi thơm
19 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 32392)
Có những cá tính, những sở thích hôm nay bắt nguồn từ thời còn ngồi ở ghế Trung học được các Thầy Cô truyền dạy nhiều kiến thức. Như lớp Tứ 1 (9/1) nk 69-70 của chị Võ Thị Ngọc Dung chẳng hạn cả lớp mê thơ và đã tập tành làm thơ từ một giờ Quốc Văn sôi nổi, lý thú của Thầy Nguyễn Văn Phú.
18 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 76580)
Anh về cõi trời mây Niết bàn muôn tia sáng Nghiệp chướng hết buộc ràng Nơi phương trời giải thoát
18 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 74111)
Mỗi người một hướng đi Tôi ra ngoài sương gió Trung Nam phân nhị Kỳ Xuân Thu đồng nhất Ngộ
17 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 59404)
Ngày hay tin bạn mất Mây tím buồn rưng rưng Hai phương trời cách biệt Ôi tiếc nhớ vô cùng
10 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 73949)
Trên đường về lặng lẽ Ôm nỗi buồn trong tay Đông ngâm bài thơ cũ Mắt lệ nhòa không hay!
09 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 76754)
Rồi cơn đau buốt niềm riêng Anh sa trường bước vào miền chiến chinh Chờ anh mòn mỏi chờ anh    Bóng khuya vàng khuyết nửa vành trăng nghiêng
04 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 83075)
Áo trắng bây giờ xa thật xa, Gối mộng em vào giấc mơ hoa, Anh vẫn cô đơn đời sương gió, Vàng Thu áo trắng đã nhạt nhòa....
03 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 84057)
Sông buồn vẫn bóng hàng dừa Sóng tình lạc lõng đong đưa nỗi sầu   Mình em ngồi đếm vì sao Sương khuya bạc áo hồn đau khóc thầm
01 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 82305)
Mười bảy năm sau tôi trở lại Nhà cũ, vườn xưa ̣đổi khác rồi Giòng sông thơ ấu không còn nửa Trăng buồn lơ lững...bóng ̣đơn côi...
29 Tháng Mười Một 2009(Xem: 85966)
Em nghĩ cô như dòng sông rộng Ôm nước về chở nặng phù sa Đắp vào em chỗ bờ nông cạn Kiệt sức mình sông vẫn thiết tha
28 Tháng Mười Một 2009(Xem: 91858)
Có một người gõ cánh cửa thời gian* Thấy tháng ngày qua bỗng nhiên dừng lại Thấy nắng hè không còn trên đường cũ Một chút mùa vàng đã bước vào thu.
28 Tháng Mười Một 2009(Xem: 88198)
Tôi trở về đây vào cuối Thu Phi Trường còn đó, gió vi vu Rừng cao su nắng xuyên cành lá Đất đỏ hôm nào thấm giọt mưa
27 Tháng Mười Một 2009(Xem: 82329)
Mùa thu nắng hao gầy trên tán lá Hong chưa khô tóc cỏ ướt sương mù Mây bay về chập chùng không vội vã Gió heo may qua đường vắng vi vu
27 Tháng Mười Một 2009(Xem: 82287)
buổi sáng mùa thu bất ngờ về phố chở buồn ren rén quá giang chở ký ức xa chở mất mát chìm
23 Tháng Mười Một 2009(Xem: 62851)
Em về, bỏ lại vầng trăng Cho tôi ngồi ngắm mỗi lần thu sang Bến tình lững chiếc đò ngang Bến đời tôi ngập lá vàng... chờ em!
23 Tháng Mười Một 2009(Xem: 63409)
Ta vẫn trải sầu theo tiếng thơ Em đi mắt lạnh mấy thu chờ Đường tình em bước thênh thang quá Nhớ giữ dùm ta ánh mắt xưa!
22 Tháng Mười Một 2009(Xem: 80740)
Mùa thu về hai phương trời cách biệt Lá bên nào cũng vàng úa như nhau!
22 Tháng Mười Một 2009(Xem: 82067)
Nghiêng câu lục bát cho đầy Cho Thu thêm ấm cho dài nhớ thương Đêm nầy nghiêng sợi mưa tuôn Nghiêng qua cho đổ lá buồn Thu ơi!
22 Tháng Mười Một 2009(Xem: 83320)
Mùa thu ơi! khoan đi chờ ta với Xin ít mây, xin ít nắng hanh vàng Xin một tí hương thầm nơi hoa cúc Xin nửa vầng trăng rất đổi dịu dàng
22 Tháng Mười Một 2009(Xem: 84370)
nợ tình mỏng, mà nặng đeo mỗi thu như mỗi dày theo tuổi đời hơi may gợn, nhắc bồi hồi một bờ mây, đã, cuối trời quan san...
18 Tháng Mười Một 2009(Xem: 100046)
Chỉ còn vài ngày nữa là thành phố Adelaide, nơi tôi đang cư  ngụ sẽ vẫy tay chào mùa đông để chính thức bước vào mùa xuân. Ngày đã trở nên dài ra và trời đã bắt đầu ấm áp trở lại.
18 Tháng Mười Một 2009(Xem: 93744)
Cầm tờ thư của cô tôi ấp nhẹ vào ngực. Ơi! cô giáo nhân ái còn hơn bà tiên trong thần thoại đã dang tay cứu tôi trong nhiều lần khốn khó. Thời gian đi qua thật lâu rồi nhưng tất cả những gì về cô tôi đều nhớ. Bảy năm trời lớn lên từ một mái trường nên mãi mãi ngôi trường Ngô Quyền thân yêu ấy là một ngăn nhớ êm đềm trong quả tim tôi.
16 Tháng Mười Một 2009(Xem: 63292)
                       Đông về lá rụng sương rơi Nhớ anh em thấy bồi hồi ngày qua......
12 Tháng Mười Một 2009(Xem: 79444)
Về bên dòng Đồng Nai Thăm người em xứ bưởi