Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Trần Kim Vy - KỶ NIỆM

24 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 25119)
Trần Kim Vy - KỶ NIỆM

Kỷ Niệm

 

 46__kyniem-_kimvy-content

TRẦN KIM VY

 

 Buổi tiệc tiền hội ngộ tại nhà chị Cao Thị Chung đã quy tụ trên 100 cựu học sinh Ngô Quyền và các thầy cô. Tiệc kéo dài từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm mới có người lai rai ra về.

 Trong mấy tiếng đồng hồ gặp gỡ, những người có mặt chiều hôm ấy đã từ từ nhận diện "mày, tao, mình, đầu, tay, chân, hồi xưa, bây giờ..." trong niềm vui chưa bao giờ thấy! Ngoài tiết mục phỏng vấn thu hình thầy cô và một số các cựu học sinh nói về ngày đại hội của Ban Tổ Chức thực hiện CD kỷ niệm do Chu Mai điều hợp, không ai thấy tiết mục nào khác ngoài tiết mục hấp dẫn "ăn, uống, ôm, siết, cười, nói, nhăn mặt, nhíu mày, mừng mừng, tủi tủi”.

 Từng nhóm bạn, gặp đâu nói đó, nói hoài không hết chuyện nói. Ðể ý nghe thì toàn chuyện "hồi đó", và thường bắt đầu bằng cụm chữ "còn nhớ không...". Nhớ cái gì thì lắng tai sẽ nghe:

 - Ê, Kim Vy nhớ ai đây không?

 Quay lại nhìn rồi hai người đối diện nhào tới ôm nhau:

 - Mày đó hả Kim Huê?

 -You đó hả Giàu? Qua lâu chưa ở đâu mà tui không biết?

 - Ở San Jose!

 Chưa kịp chào người giới thiệu hai người bạn lâu năm mới gặp lại choàng vai nhau biến mất!

 Ở bên cạnh một chậu hoa giấy nở đầy màu tím rực rỡ những người ngồi bên cạnh lại được nghe lời giới thiệu, cũng cụm từ "còn nhớ không...". Muốn biết nhớ như thế nào hãy để ý một chút thì sẽ rõ:

 - Kim Vy còn nhớ không?

 - Dạ nhớ gì? 

 - Nhớ Ngọc Nga!

 - Dạ nhớ, em với Ngọc Nga chơi cặp với nhau từ lớp Ðệ Tam.

 - Nó là em dâu của chị đó!

 "Ủa" một tiếng rất là ngạc nhiên, rồi Kim Huê trố mắt nhìn chị Duyên Trang đẹp lộng lẫy, người chị Duyên Trang ấy được hỏi "tới tấp":

 - Vậy ra chị là chị ruột của… Sâm hả?

 - Ừ, đúng rồi!

 Lại "Ủa" nữa rồi nói tiếp:

 - Vậy mà hồi đó em hỏng biết, tưởng Sâm là "con một" nên được chiều chuộng cưng quá trời! Sâm là bạn thân trong nhóm tụi em đó. Sâm với Ngọc Nga cặp bồ nhau hồi còn đi học nên nó hay rủ em tới nhà Sâm chơi thường lắm. (Ði thăm bồ một mình hơi run không dám). Lần nào đến nhà Sâm, bác gái cũng cho tụi em "ăn ngon". Em thích ăn món tôm lăn bột của bác làm lắm. Tụi em vừa ăn uống, vừa thay phiên nhau hát hò vui lắm!

 Ðôi môi mỏng mỏng xinh xinh nở nụ cười tươi tắn trọn vẹn trên khuôn mặt ấy xác nhận:

 - Ừ, hồi đó chị ở Sài Gòn, không có ở nhà nên chị không biết. Sau chị nghe nói có cái vụ đó… đó... nên chị về nói với má chị nên cưới Ngọc Nga cho Sâm để tội nghiệp!

 - Vụ đó... đó... là vụ gì vậy chị? 

 - Cái vụ con Nga nó tự tử ... 

 - Làm gì có vụ con Nga tự tử...

 - Có chứ? Bộ em không biết thiệt sao?

 Nhíu mày một chút, Kim Huê nói:

 - Nhớ rồi, em có nghe loang thoáng vụ đó... nhưng mà không phải như vậy!

 Tới đây, người nghe sẽ thắc mắc lắm vì câu chuyện chấm dứt ngang hông ở đó, bởi người được hỏi và người hỏi đã bị đám đông lôi vào trận chiến "nói, cười, siết chặt bàn tay" khác.

 Hôm nay ngồi đây nhớ lại, người viết xin bật mí với chị Trang về câu chuyện Ngọc Nga tự tử. Riêng đối với Sâm (người bạn chơi chung trong nhóm có Nga, có Phụng, có Sâm, có Thuận, có Ðạt và một vài bạn nữa mà lâu quá người viết quên tên) bây giờ đã là ông xã của Ngọc Nga chắc là Sâm đã biết rõ vợ mình hơn ai hết!

 Nguyễn Văn Sâm là mối tình đầu của Ngọc Nga. Hai bạn yêu nhau tha thiết, tha thiết đến nỗi ngày nào vào lớp tôi cũng nghe bạn kể lại từng chi tiết "nóng" đến chi tiết "lạnh" của mối tình. Cái tên Sâm được nhắc nhở nhiều lần trong buổi học, mà vì phải giấu tất cả bạn bè nên chỉ một mình tôi là "nạn nhân" cho Ngọc Nga trút bầu tâm sự!

 Có một hôm Nga vào lớp với nét mặt rầu rầu, hỏi ra thì bạn nói là "hai đứa giận nhau". Rồi không biết tôi với nó bàn tính ra làm sao (lâu quá tôi quên chi tiết) lại đẻ ra cái kế "lâm ly bi đát" làm sao tụi mình phóng tin cho Sâm biết là Nga tự tử để thử lòng anh chàng xem có thương Nga thật tình không? Ðó là câu chuyện "con nít nói chơi" trong sân trường, nói rồi quên đi, chứ Ngọc Nga sức gì mà dám tự tử. Không dè câu chuyện "hăm he ba xạo" này làm cho Sâm tưởng thật, hoặc vả chính Sâm cũng đồng ý với Ngọc Nga "phao tin cường điệu" để hai đứa được chính thức hóa cuộc tình dưới đôi mắt của người lớn. Là bạn thân của Ngọc Nga, tôi biết chắc là Nga rất sợ "thuốc chuột"!

 Qua lời thuật của Duyên Trang, chị chồng của bạn trong buổi họp mặt "tiền hội ngộ" Ngô Quyền cho biết bây giờ Sâm và Nga dù còn ở lại Việt Nam nhưng cuộc sống cũng không đến nỗi nào, Ngọc Nga bây giờ thoải mái lắm!

 Nghe như vậy, tôi cảm thấy trong lòng nhẹ nhàng, hình ảnh một Ngọc Nga tóc chấm vai gầy, ngồi bên cạnh tôi học bài luyện thi bỗng hiện ra rõ ràng. Cái miệng móm móm duyên dáng dễ thương khi nói chuyện của Ngọc Nga, tôi cũng còn mang máng nhớ. Bây giờ thì cái vóc dáng ốm nhom như cây tre của nó sau ba mươi mấy năm dài không biết có thay đổi chút nào hay không?

 Có một chuyện khác mà bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn cảm thấy thật buồn cười cho chính mình và cho cả anh Tiêu Quý Nguyên, đó là sau ngày tiền hội ngộ trong buổi Dạ Tiệc mừng 50 năm thành lập trường Ngô Quyền tại nhà hàng, tôi có dịp gặp lại anh Tiêu Quý Nguyên và bà xã của anh là chị Ngô Thị Lý. Anh Tiêu Quý Nguyên là em của giáo sư dạy Vạn Vật, Tiêu Quý Huê, còn chị Ngô Thị Lý là chị ruột của Ngô Thị Xuân Hương con bạn rất thân của tôi. Gặp tôi, chị Ngô Thị Lý rất mừng, hai chị em chưa kịp nói lời thăm hỏi thì anh Tiêu Quý Nguyên "vồ vập" nói trước:

 - Nhớ không... Em nhớ không Kim Huê?

 Lại cụm từ "nhớ không ..." diễn ra nữa!

 - Dạ nhớ… nhưng nhớ vụ gì hả anh?

 - Nhớ cái vụ ba mươi bảy năm về trước đó!

 - Cái vụ gì mà ba mươi bảy năm về trước?

 Nhìn khuôn mặt "khoái trá" của anh Nguyên tôi lấy làm lạ nên quay sang nhìn chị Lý thì thấy chị ấy tủm tỉm cười. Bỗng dưng tôi "ngộ" ra, nhớ lại câu chuyện "trời ơi đất hỡi" của chị em Xuân Hương đã mạo danh tôi viết thư tỏ tình... Tôi nghiêm mặt hỏi:

 - Trời đất! Chị Lý ơi, phải anh Nguyên nhắc lại cái vụ Xuân Hương với chị viết thư "tả tình tả cảnh" ký tên em gởi cho anh Nguyên hồi lúc ảnh du học bên Mỹ để thử lòng coi ảnh có thật sự "chính chuyên" chỉ yêu có một mình chị phải không?

 Chị Lý coi bộ không muốn nhắc đến cái vụ ba mươi bảy năm nên không trả lời, hay vì ở chỗ đông người quá ồn ào chị không nghe rõ câu hỏi của tôi, nhưng anh Nguyên thì chừng như đang nóng lòng muốn nhắc lại câu chuyện năm xưa có con nhỏ mới học lớp đệ tứ đã thầm yêu trộm nhớ ảnh và bây giờ sau ba mươi mấy năm trong buổi gọp mặt này là dịp tốt nhất hỏi thẳng. 

 Không biết nội dung lá thư "ngày xưa" ra sao mà ông anh rể của cô bạn thân (từ Ðệ Thất đến Ðệ Tứ) của tôi cứ nhớ hoài như vậy, chẳng lẽ ảnh tin lá thư đó thật sự là thư của tôi viết cho ảnh? Thiệt tình mà nói, tôi chẳng biết Ất Giáp gì? Cho tới bây giờ tôi chỉ biết là tự dưng tôi trở thành nhân vật mang một dấu ấn kỷ niệm đặc biệt làm cho cuộc tình của hai cựu học sinh Ngô Quyền là anh Nguyên và chị Lý thăng hoa và đẹp đẽ hơn, đó là cái vụ Xuân Hương lấy tên tôi viết thư "tỏ tình" với một sinh viên sĩ quan Không quân (cựu học sinh Ngô Quyền) được gởi đi du học bên Mỹ là anh Nguyên, và nghe đâu khi anh Nguyên nhận lá thư đó, đã rất "khoái chí" nhưng trái tim của anh thì đã trao cho chị Lý rồi. Tôi cũng không biết anh Nguyên có viết thư từ chối mối tình "non dại mà táo bạo" nghĩ sao nói vậy, thương người nào thì mạnh dạn viết thư gởi thẳng người đó của con nhỏ "hỉ mũi chưa sạch" là tôi hay không? Hoặc vả anh đã đem tôi ra làm trò đùa và khoe với chị Lý là anh cũng có một cô bé đang "mê anh tít thò lò". Nghĩ lại, thấy cái anh Nguyên này thật bắt tức cười. Có lẽ lúc nhận lá thư tình "ướt át mê ly" do Xuân Hương giả mạo, anh Nguyên hẳn khoái chí lắm nên không thấy được là anh đã bị mắc lừa, chứ thông minh như anh làm gì không có câu hỏi con bé Kim Huê là con bé nào, tại sao con nhỏ này có được địa chỉ của anh tuốt bên Mỹ để mà viết thư "tỏ tình" như vậy được? Nếu anh Nguyên biết lúc đó tôi là "cô em nuôi" rất được sự cưng chiều của anh Trần Minh Tâm, anh Trần Văn Tiến học trên tôi mấy lớp, và xung quanh tôi còn có những người bạn trai tâm đầu hợp ý, học chung từ trường tiểu học Trịnh Hoài Ðức, và chung trường trung học Ngô Quyền như Phạm Minh Châu, Nguyễn Văn Nhứt và những người bạn mới quen nhưng rất thân với nhau như Nguyễn Văn Ðạo, Hồ Thuận... thì chắc ảnh sẽ không mơ mộng hão huyền rằng tôi một cô bé đang độ tuổi trăng tròn... lại có thể hạ mình viết thư bày tỏ tình yêu, mang trái tim ngọc ngà của mình dâng cho một người mà tôi chưa bao giờ biết mặt như vậy? Cũng tại cái vụ này khi đổ bể ra, tôi giận Xuân Hương hơn một tháng. Sau thấy tội nghiệp lại hòa nhau, nhưng mỗi lần nhớ tới, tôi lại ghét và giận bạn một tuần lễ nữa. Tôi giận không thèm tới nhà bạn học chung nữa kể từ khi biết nhà bạn ở bên cạnh nhà của cô Tiêu Quý Huê, mà anh Nguyên lại ở chung nhà với cô Quý Huê. Lúc đó tôi đã biết mặt anh Nguyên và mỗi lần thấy anh Nguyên là mỗi lần tôi nổi sùng con bạn hiền lành. Cũng tại cái âm mưu dùng tên tôi làm vật hy sinh như vậy nên anh Nguyên trở thành nạn nhân mà tôi "ưa không nổi". Sau khi anh Nguyên du học trở về, hễ không gặp mặt anh, thì tôi quên cái "chuyện bá láp" của Xuân Hương vì nghe lời chị Lý mà làm. Nhưng hễ gặp mặt ảnh thì tôi đâm tức ngang hông vì biết thế nào cũng có lúc ảnh nghĩ là tôi "mê" ảnh, và ảnh không thể "đáp tình" tôi, bởi ảnh đã có người yêu và dưới đôi mắt của ảnh cũng như trong sự suy nghĩ của ảnh chắc gì ảnh không đang tội nghiệp con bé hỉ mủi chưa sạch đã đau khổ vì yêu đơn phương một chiều!

 Hồi đó, còn quá nhỏ để biết xử sự. Tôi không hề nghĩ đến việc mình nên gặp mặt và nói thẳng với anh Nguyên, chị Lý để giải quyết chuyện "tự ái" này bởi vì tôi cũng còn nể nang "người lớn" nên mọi tội lỗi tôi chỉ biết giận Xuân Hương. Giận không thèm nói chuyện, chứ không biết mổ xẻ vấn đề để trị cho hết bệnh. Thành ra tôi và Xuân Hương rất thương nhau mà "lục đục" với nhau hoài.

 Hồi đó, (trong bài viết này tôi đặc biệt nhắc nhiều lần đến hai chữ hồi đó... ) bên cạnh tôi còn có một đứa bạn khác tên là Kim Hoàng, gọi là bạn thân nhưng cũng không thế được chỗ của Xuân Hương. Giữa tôi và Hoàng lại có chuyện xích mích khác, chuyện này thì có liên hệ đến trái tim non dại "rướm máu" của tôi cũng chỉ vì những lá thư qua lại giữa Kim Hoàng và Trần Minh Tâm. Trước đó chỉ có tôi, Ngọc Quý hiện giờ ở bên Pháp và Túy Huệ còn ở lại Việt Nam là em nuôi của ảnh thôi. Sau này ảnh lại nhận thêm Kim Hoàng làm "em nuôi" qua sự giới thiệu của tôi. Anh Trần Minh Tâm hiện tại là ông xã của tôi cho nên tôi muốn để dành câu chuyện này... khi nào Khối Truyền Thông Báo Chí Ngô Quyền thực hiện tác phẩm mới tôi mới có đề tài viết lại để cống hiến anh chị và bạn bè đồng môn cùng quý thầy cô.

 Trong đời học trò Xuân Hương là người bạn học giỏi "kỳ phùng địch thủ" của tôi. Từ lớp Ðệ Thất, Bán Công Trần Thượng Xuyên, hai đứa đã kết với nhau rồi. Khi thi đậu vào lớp Ðệ Thất trường Trung Học Ngô Quyền năm 1965, lại may mắn học chung một lớp, tình bạn hai đứa được dịp nở hoa. Chỉ có Xuân Hương mới có thể đẩy tôi xuống hạng nhì mỗi tháng và ngược lại chỉ có tôi mới "đo ván" cho nó xuống hạng nhì tháng sau. Hai đứa không có một chút ganh tỵ nào đối với nhau. Hễ năm nay nó được bầu làm Trưởng lớp, thì tôi là Trưởng Ban Văn Nghệ Học Tập. Và năm sau nếu tôi là Trưởng Lớp thì nó là Trưởng Ban Văn Nghệ Học Tập. Hai đứa chơi thân với nhau như vậy, nhường nhịn với nhau là thế, chỉ có cái vụ "động trời mạo danh" mà tôi giận Xuân Hương một năm không biết mấy lần. Tôi nghiệp Xuân Hương chưa lần nào tranh cãi lại (có lỗi mà cãi sao được!) mà nhớ kỹ tôi cũng chưa bao giờ "nói nặng" hay "trách móc" bạn lời nào. Giận thì không nói chuyện, mặt "lạnh lùng" làm khổ bạn thế thôi! Ðó là năm cuối tôi và Xuân Hương học chung lớp, ngồi gần nhau. Năm nào cũng vậy, hai đứa hẹn nhau phải ngồi đầu bàn, đứa trên đứa dưới thì mới oai. Năm sau lên lớp Ðệ Tam, tôi ngỡ ngàng vì Xuân Hương và tôi không được học chung lớp. Tôi và nó rất giỏi Toán, giỏi cả Việt Văn, mà không có ai hướng dẫn để chọn ban chọn ngành, chỉ nghe bạn bè xung quanh "kháo nhau", chọn ban B lỡ đi thi làm trật bài Toán là rớt vì Toán hệ số 3. Còn chọn ban C, văn chương hả, yếu lắm. Thôi đi ban A, ban A thì môn Vạn Vật chiếm hệ số 3 chỉ cần "gạo bài" thì thế nào cũng thi đậu. Tôi rất muốn chọn ban B mà không dám chọn, vì không có người lớn khuyến khích. Vả lại Xuân Hương là một tay Toán cừ khôi trong lớp, phải chi nó chọn ban B thì tôi không do dự gì cả, đằng này khi nó cầm bút điền vào đơn, nó lại chấm ban A, thế là tôi cũng bắt chước nó đánh dấu xuống tờ đơn ban A chỉ một lý do giản dị để hai đứa không bị xa nhau. Tôi chọn ban A mà trong lòng buồn vời vợi vì tôi không phải là "con mọt sách", tôi không phải là đứa chuyên "gạo bài". Mỗi lần trong lớp vừa chép bài xong tôi là một trong ba bốn đứa tình nguyện tóm tắt bài học và trả bài ngay tại lớp nhận điểm liền để tuần sau khỏi phải phập phòng như bạn bè bị Giáo Sư gọi tên lên trả bài. Nhưng cuộc đời mỗi người chừng như đã có sự sắp xếp của bề trên, mình có muốn cũng không được. Tôi chọn ban A là để cùng được học chung với Xuân Hương nhưng khi lên đệ nhị cấp tôi và Xuân Hương bị chia khác lớp. Nó học Tam A3, còn tôi học Tam A2, học chung với Ngọc Nga.

 Xa Xuân Hương tôi rất buồn. Bây giờ nghĩ lại sao hồi đó mình "ngu quá" không lên phòng Giám Thị "năn nỉ" xin đổi lớp. Hai đứa cùng học một ban mà! Rõ ràng là tôi với Xuân Hương hai đứa đã chấp nhận "định mệnh" từ lúc còn ngồi chung dưới mái trường không hề phản kháng. Sự chấp nhận đó đã dính liền và đi theo suốt cuộc đời của hai đứa sau này!

 Người bạn thân bắt cặp khi lên lớp Ðệ Tam A2 của tôi là Ngọc Nga, tình cảm giữa tôi và Ngọc Nga cũng đậm đà và tha thiết nhưng Ngọc Nga là Ngọc Nga, còn Xuân Hương là Xuân Hương không ai thay thế ai trong tâm hồn và trái tim học trò của tôi được.

 Tôi có hai người bạn thân ở tuổi học trò, cả hai đều ở lại Việt Nam sau dấu móc đổi đời 1975. Tôi biết tin hai bạn qua hai người chị của hai bạn, đó là chị Duyên Trang và chị Ngô Thị Lý. Cuộc đời Ngọc Nga thì hanh thông, sung sướng. Còn Xuân Hương thì gặp nhiều trái ngang đau khổ tôi không thể ngờ. Nhưng dù sao đi nữa theo như lời chị Lý kể thì Xuân Hương bây giờ đã yên phận, chấp nhận sống dưới chế độ mới, có chồng là cán bộ. Mỗi người một hoàn cảnh, nếu tôi đi sâu vào câu chuyện của bạn, chắc tôi sẽ phải khóc, bởi với Xuân Hương, tôi biết nói sao bây giờ. Người ta nói ra nói vô vì Xuân Hương có cuộc sống khác biệt với bạn bè thuộc chế độ cũ. Hiện tại dù ai nói gì thì nói, trong thâm tâm tôi, ý nghĩ về bạn không hề thay đổi, bạn tôi là một người đàn bà yếu đuối, nó làm được gì hơn là phải bó tay chấp nhận! Tôi tin Xuân Hương vẫn là Xuân Hương của tôi ngày nào, dù khi ra đời một đứa là cô giáo mang trái tim, trí óc và niềm tin của mình trao cho thế hệ trẻ, còn một người là y tá mang trái tim và lòng từ bi của mình xoa dịu nỗi đau đớn bệnh tật của tha nhân. Với một người như vậy Xuân Hương không thể nào chấp nhận và tôn sùng "lý thuyết" vô thần CS được!

ky_niem-large

 Trở lại chuyện "hồi đó", chuyện "ngày xưa" trong sân trường Ngô Quyền, nhớ lại nghe sao mà dễ thương, nghe sao mà ngây thơ, thật thà và thần tiên thơ mộng đến thế! Hôm nay nghĩ lại thật không ngờ mình đã có những chuỗi ngày áo trắng mộng mơ đi dưới sân trường nhặt từng cánh phượng đỏ vắt lên mái tóc đen huyền làm dáng. Làm dáng cho ai ngắm đây? Cho mấy cặp mắt "tò mò" của mấy đứa học trò con trai khác buổi đi lạc vào khu vườn hoa toàn con gái hay sao? Các bạn trai đừng mừng hụt nha! Cái đám con gái chúng tôi chỉ "làm điệu" cho bạn bè con gái nhìn vui thôi!

 Bữa đó nhiều người nhắc lại những kỷ niệm thật vui "mày, tao, tôi, tớ", và bây giờ ngồi đây nhớ lại vẫn còn nghe trong lòng một cảm giác lâng lâng "trẻ trung cảm động" và trong ký ức dài hạn của mình lại bật lên một sự "tiếc nuối nhẹ nhàng" của kỷ niệm thời học trò!

 Lại nhớ những hình ảnh còn rất mới mẻ trong buổi tiệc Hội Ngộ Trùng Phùng cựu học sinh Ngô Quyền 2006, tôi gặp lại vài người bạn cũ thời Ðệ Nhất cấp. Có thể đã học chung cả Ðệ Nhị cấp nhưng trí nhớ lẫn lộn không rõ. Những người bạn đó là Tuyết Mai, Nguyễn Thị Giàu, Huỳnh Ngọc Mai, Ánh Nguyệt, Ngọc Giàu, có cô em gái kế cùng thời chỉ nhỏ hơn tôi một tuổi là Kim Ngân tham dự. Dù các bạn bây giờ có già theo thời gian nhưng vẫn còn nét trẻ trung lém lĩnh trên khuôn mặt của thuở còn cắp sách đến trường. Giọng nói của các bạn vẫn còn y nguyên âm hưởng ngày còn nhỏ. Chúng tôi có nhiều chuyện muốn nói muốn kể cho nhau nghe lắm, nhưng trong buổi tiệc lớn thì làm sao mà có thì giờ riêng tư để được tự do kể lể về niềm vui riêng của nhóm. Vì đây là đại hội trùng phùng kỷ niệm 50 năm thành lập trường Ngô Quyền. Các bạn thay phiên nhau nhắc nhớ. Ða phần thì tôi nhớ hết, nhưng chỉ nhớ tổng quát không biết có phải cái tên của bạn này mà mình đặt vào bạn kia hay không? Chẳng hạn như Huỳnh Ngọc Mai, Lan Hương, Ái Khanh, Nguyễn Thị Gái A, Gái B. Ngày xưa các bạn này rất là "oai phong lẫm liệt" vì còn là nữ sinh mà đã tự mình lái xe PC và Honda Dame tới trường, trong khi tôi thì đi bộ.

 Tôi cũng gặp một người bạn trai cùng lớp, anh ấy tên là Mã Ngọc Xuân, em trai chị Mã Thị Ngọc Huệ. Ảnh nhắc lại rành rành những chuyện thời xưa, vậy mà tôi không thể nào nhớ ra ảnh. Rồi có anh Quan nữa. Tôi cũng mù mờ không nhớ ra. Bị các bạn này trách móc tôi đành cười xòa: "Xin lỗi, xin lỗi!! Thiệt là kỳ! Bạn gái thì nhớ bạn trai thì không! Sorry, sorry..." 

 Thật ra, có gì kỳ đâu. Mấy anh học cùng lớp với con gái "cùng chạng" tuổi với nhau hẳn hiểu quá rõ ràng. Con gái cùng lớp đâu có ai để ý đến bạn trai cùng lớp. Có để ý "cùng chạng" với nhau thì để ý mấy bạn ở lớp khác như trường hợp Ngọc Nga chẳng hạn, Nguyễn Văn Sâm nhỏ hơn Ngọc Nga một tuổi nhưng nhờ học khác lớp khác buổi nên vẫn chiếm được trái tim của Ngọc Nga một cách trọn vẹn! Mà mấy bạn trai cũng thế thôi, mấy bạn kiếm người yêu thì kiếm lớp nhỏ hơn hoặc đi ngắm mấy người đẹp ở lớp khác, chứ học chung với nhau mấy bạn phá thấy mồ, vô lớp đâu có cô nào dám nhìn mặt mấy bạn. Và ngược lại, dám chắc mấy bạn cũng đâu có ai can đảm nhìn thẳng vô mắt mấy cô phải không?

 Có nhiều tên tuổi gợi ra nhưng trong trí không tưởng tượng được hình ảnh của bạn nào ra bạn nào. Ðây là tình trạng chung đối với tất cả mọi người không phải chỉ riêng tôi. Ðặc biệt cô bạn Tuyết Mai ngày xưa nổi tiếng đẹp, sang với mái tóc tém, học chung lớp, nhưng giữa tôi với Tuyết Mai không phải là bạn thân nên không có nhiều kỷ niệm. Bây giờ nhận ra là chị em bà con với ông xã. Ðời sống học trò mà. Mỗi lớp có tới năm sáu chục đứa, nhưng mỗi đứa kết hợp vào một nhóm và từ đó chơi thân với nhau. Nhóm Ánh Nguyệt thì tôi có nhớ là ngồi bàn thứ hai phía ngoài cửa bước vào. Ánh Nguyệt chơi chung với Bạch Nga và Nguyễn Thị Giàu. Nếu tôi nhớ không lầm thì Bạch Nga đã lập gia đình sớm và hình như tôi có tham dự đám cưới của bạn. Ngồi phía bên nhóm Ánh Nguyệt còn có Cao Kiêm Thể thuộc loại con nhà giàu trắng trẻo đẹp gái nổi bật trong đám bạn, cũng bỏ học sớm theo chồng. Lấy chồng rồi Kiêm Thể theo chồng xuống Sài Gòn ở, lâu lâu hai vợ chồng có về Biên Hòa ghé thăm ba tôi, chồng nó là chú Nhành, tôi thường gọi như vậy, vì chú Nhành là "em nuôi" của ba tôi. Ba tôi cũng có tới mấy chú em nuôi lận... Ngoài chú Nhành ra còn có chú Hà là người mà ba tôi gửi gấm tôi cho chú trông nom giùm khi tôi đang học ở trường Sư Phạm Sài Gòn. Chú Hà được ba tôi cho phép đưa tôi đi dạy kèm các học trò để có tiền xài thêm, đồng thời chú Hà cũng được quyền tới thăm tôi tại nhà trọ của người bác ruột ở Sài Gòn, và dĩ nhiên ông anh nuôi Trần Minh Tâm lúc đó đã là Hải Quân Trung Úy Trần Minh Tâm đang rất bay bướm, nhưng thấy tình cảnh như vậy đâm giật mình, quay lại giữ "đào" rất kỹ. Ðối với những người bạn trai khác cùng lớp cùng trường Ngô Quyền của tôi thì không sao mà với chú Hà thì anh rất dị ứng! Trở lại Cao Kiêm Thể, bạn thuộc dạng tiểu thơ, lấy chồng lớn tuổi nhà giàu nên được chồng cưng như trứng mỏng. Bây giờ chú Nhành và Kiêm Thể ở bên Tây, cuộc sống cực nhọc không như ngày xưa.

 Nhớ lại chuyện hồi đó…

 Cái hồi còn cắp sách đến trường từ lúc mặc chiếc áo dài suôn đuột, tóc cột đuôi ngựa, bước đi như chim nhảy, cho đến một ngày nào đó bỗng dưng tánh tình đằm thắm ra, nhìn vào gương với ánh mắt long lanh, tóc xõa bờ vai, cũng trong tà áo dài trinh trắng nhưng đã ra là dáng vẻ của một thiếu nữ e ấp, biết bối rối khi phát hiện ra những cái nhìn là lạ của bạn bè phe đối lập "húi cua".

 Nhớ lại chuyện hồi đó ...

 Cái hồi mà tuổi học trò ươm mộng tương lai. Không biết sau này mình sẽ ra sao? Ôm ấp và mơ ước chỉ là những mơ ước suông, không hề biết toan tính đặt để, không hề biết lừa đảo cũng không hề biết lo sợ cho ngày mai. Mãi đến khi chiến cuộc sôi động, nay có tin này, mốt có tin nọ. Tội nghiệp cho những người bạn trai, có một số thi rớt Tú Tài 1 phải gia nhập quân ngũ theo lệnh động viên. Bạn bè tôi có người ra đi không bao giờ trở lại. Tôi đã từng ngập ngừng bước những bước chân tiễn bạn đến nơi an nghỉ nghìn thu ở Nghĩa Trang Quân Ðội (Thủ Ðức). Tôi đã nhỏ những giọt nước mắt mặn đầu tiên, khóc cho người bạn cùng lớp cùng trường nằm xuống. Từ đó, những đe dọa xáo trộn cuộc sống học trò đã bắt đầu ngắm nghé tới ngưỡng cửa học đường.

 Tôi đã rời trường từ năm 1971 và chưa có dịp trở lại thăm trường, nhưng không vì vậy mà ngôi trường mến yêu đó phai nhòa trong ký ức của tôi. Tôi nhớ từng góc sân, tôi nhớ từng bụi cây, bãi cỏ. Tôi nhớ cả nhà vệ sinh dơ bẩn ở dãy lầu hai của trường. Nhớ cái chòi bán bánh đặt kế bên nhà vệ sinh đó nữa! Nhớ những buổi trưa đứng trên lan can nhìn xuống sân ngắm những em nhỏ chạy tung tăng nô đùa, ngắm những chị lớn trong dáng đi dịu dàng tha thướt và nhớ lại những giờ nghỉ bất ngờ trong buổi học, tôi cùng mấy đứa bạn thân rủ nhau xuống nhà chứa xe đạp của học sinh, chia nhau từng miếng me ngào chua chảy nước miếng và nghe đứa này kể chuyện ma, đứa kia kể chuyện cầu cơ, vừa nghe vừa sợ.

 Nhớ lại chuyện hồi đó ....

 Nếu muốn nhớ thì từ từ... trong khối óc sẽ chạy ra rất nhiều chuyện để nhớ. Nhưng chẳng lẽ tôi ngồi đây ghi lại tất cả. Làm sao tôi có thể ghi lại đầy đủ tất cả đây! Thôi thì tạm dừng ở chỗ cần phải dừng, để kỷ niệm tự nó sống dậy trôi chảy vào dòng máu và ẩn hiện bồng bềnh mông mênh trong tâm khảm, để tình bạn bè còn sống mãi trong tim, để tình thầy trò luôn đẹp mãi đến thiên thu, cho dù thời gian có soi mòn hay đảo lộn cuộc sống của mỗi người cựu học sinh Ngô Quyền và dù mai đây kẻ còn người mất thì ngôi trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa thân yêu thời tuổi trẻ vẫn còn đó. Còn đó đến ngàn năm sau. Và câu chuyện hồi đó... sẽ biến thành câu chuyện cổ tích, những thầy cô, những bạn bè chính là những nhân vật tô đậm cho một trang sử đã qua của thời đại.

 Kỷ niệm như vậy mới đáng gọi là kỷ niệm.

 

 

 

29 Tháng Giêng 2009(Xem: 71933)
Khi nắng đổ trên cành hoa phượng đỏ Là lúc mặt trời đòi đùa cợt mái tóc em Tuổi ngây thơ mắt môi xinh bỏ ngỏ Cuộc vui đùa chẳng phân biệt gái hay trai!
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72967)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73022)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 71931)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 79863)
  Hôm nay “Hội Ngộ Trùng Phùng”, Thầy trò, bè bạn, vui mừng gặp nhau. Thỏa lòng mong ước bấy lâu, Tha phương hội ngộ cố tri Ngô Quyền.
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 71237)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72628)
Nếu dân ca được đặt lại khúc Mười Thương Mình sẽ hát Thương Trường Tôi Thứ Nhất Em sẽ hát Một Thương kỷ niệm một thời còn xanh ngắt Những thương nhớ khác nào cũng xếp thứ hai, ba …..
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74085)
    Năm mươi ngọn nến, thắp lung linh, Sinh nhật trường ta thắm đượm tình.  
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74823)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 73305)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 79946)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73231)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75050)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 68499)
  Để tưởng nhớ Anh Nguyễn Phong Cảnh và  chia sẻ nỗi buồn với chị Ma thị Ngọc Huệ,  cựu học sinh Ngô Quyền .  
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 68209)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 72855)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 70517)
    Ảnh xưa nhìn thật đâu ngờ, Thầy, Cô, Bạn cũ bây giờ nơi đâu ?
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 68563)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 65679)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 35487)
         Xin vĩnh biệt anh…người bạn đời 37 năm!
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 71197)
Mừng Vui Hội Ngộ Ngô Quyền Cựu Chúc Nhau Giai Lão Bách Niên Lưu.
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 34270)
Cảm xúc ghi lại sau ngày họp mặt gần nửa tháng.   Có dịp lắng lòng nhìn lại việc đã qua.
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 69062)
Mười năm trên đất Mỹ Dẫu có nhiều cuộc vui Nhưng tận cùng nỗi nhớ Vẫn ngậm ngùi chưa nguôi.
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73499)
ĐÓN mấy Đông qua nơi đất khách, CHÀO Xuân tuổi hạc mãi dần cao, NGÀY tháng trôi nhanh vẫn ước ao HỘI ngộ cùng nhau sẽ có ngày, TRÙNG dương bão nổi gây ngăn cách.... PHÙNG thời sẽ giúp gặp cố tri
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 72366)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 41771)
  Ngày ấy chúng con là những học sinh lớp Đệ Thất B1, chúng con là những đứa bé vừa hơn 10 tuổi, và đến nay đã 50 năm nhưng hình ảnh Thầy Cô không thể xóa nhòa trong trí chúng con.
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 64586)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 72775)
Ai thắp trong tôi niềm tin tuổi dại Tin ngày mai đường ngọc mát chân son.