Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Diệp Hoàng Mai - THẦY XƯA

15 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 219061)
Diệp Hoàng Mai - THẦY XƯA

THẦY XƯA

truong_ngo_quyen_bien_hoa-large

“Có lẽ chỉ dân Hướng Đạo như em, mới làm được những việc như thế!...”. Đó là “phần thưởng” quí báu nhất tôi trân trọng nhận được từ cô Phạm Kiều Tiên, trong hành trình thăm lại thầy cô giáo xưa, thiệt xưa của trường trung học Ngô Quyền-Biên Hòa. Dẫu biết, còn rất nhiều cựu học sinh khác của trường Ngô Quyền năng nổ hơn tôi - dù các bạn không phải là dân Hướng Đạo - nhưng tôi vẫn xem lời khen tặng của cô Kiều Tiên dành cho tôi, là niềm hạnh phúc lớn lao của một cựu hướng đạo sinh…



Những người thầy là … anh chị của tôi:


Thầy Đinh Hữu Quyến


thay_dinh_huu_quyen-contentthaydinh_huu_quyen-content

Thầy và tôi “bắt tay trái” nhận anh em ngay trên xe của Thiên Mã Từ Tốn - Nguyễn Văn Tất. Lần đó, anh Tất đưa thầy cô từ Sài Gòn về Biên Hòa dự họp mặt lớp 11B4 của anh. Anh Tất hẹn ghé đón tôi, để cùng anh đưa thầy cô thăm lại trường xưa. Câu chuyện tình cờ trên xe, thầy Quyến giới thiệu “Tôi là dân Hướng Đạo…”

Tuy không sinh hoạt cùng đơn vị, nhưng theo tinh thần điều luật thứ tư của Hướng Đạo, người lớn tuổi hơn là anh là chị và người nhỏ hơn dù một ngày tuổi, cũng sẽ là em. Gấu Hăng là tên Rừng của thầy Đinh Hữu Quyến, vì vậy tôi gọi thầy Quyến là “Gấu Anh” và xưng là … “Sáo Em”

Năm nay 72 tuổi, nhưng Gấu Anh vẫn còn hăng hái, đúng như tính cách tên Rừng của Gấu. Anh đã cất công biên soạn một tập sách tư liệu Hướng Đạo dày 450 trang, góp phần duy trì ngọn lửa dặm đường trên tinh thần:

Dù ta thấy khó khăn thế nào cũng không bao giờ sờn lòng,

Dù ta thấy khó khăn thế nào cũng đi cho cùng.

Tốt nghiệp Á khoa đại học sư phạm Sài Gòn, nhưng thầy Đinh Hữu Quyến lại là người thứ nhất được ưu tiên chọn nhiệm sở. Lý do, người đỗ đầu khoa Pháp Ngữ năm đó không trực tiếp giảng dạy trong ngành. Thầy Quyến đã chọn trường trung học Ngô Quyền làm nhiệm sở đầu tiên từ năm 1965, đến năm 1972 thầy chuyển về dạy học tại Sài Gòn.




Thầy Nguyễn Thành Dũng


thay_nguyen_thanh_dung-contentthay_dung_nq-content


Khác với tính cách sôi nổi của Gấu Hăng, thầy Dũng nhẹ nhàng hơn khi hỏi tôi:

- Em đi Hướng Đạo từ lúc nào?

- Em gia nhập Hướng Đạo năm 1965, lúc em đang học lớp ba trường Nữ Tiểu Học.

Lúc đó thầy Dũng mới thủng thỉnh cho tôi biết :

- Thầy cũng từng đi Hướng đạo năm 1956, đơn vị Trấn Biên.

Oh! Đó là chuyện bây giờ thầy mới kể… Là CHS.NQBH khóa 1, là bạn học thân thiết với cựu huynh trưởng Phạm Phú Hòa, là cựu HĐS của Trấn Biên, vì vậy “anh” Nguyễn Thành Dũng đương nhiên là … anh của tôi rồi. Anh Dũng còn lưu giữ rất nhiều tư liệu quí về trường xưa lớp cũ, và có thể đây là lần đầu anh chia sẻ với cô em.

Độc đáo nhất với tôi là chiếc hiệu đoàn đầu tiên của trường trung học Ngô Quyền, mà các anh chị khóa 1 mang trên ngực áo trái từ năm đệ thất đến năm đệ tứ. Chiếc hiệu đoàn cũ làm bằng kim loại; kích cỡ khoảng 25x35 mm; nền màu vàng và xanh lá; với dòng chữ “ HIỆU ĐOÀN NGÔ QUYỀN BIÊN HÒA”, đường viền và cánh buồm lướt sóng giữa huy hiệu cùng một màu vàng đồng.

Năm 1967 thầy Nguyễn Thành Dũng cùng lúc tốt nghiệp hai trường đại học: Đại học Sư phạm là đam mê; Đại học Khoa học là sở thích. Nhiệm sở đầu tiên của thầy, là một ngôi trường trung học thuộc quận Trảng Bàng – tỉnh Tây Ninh. Cùng với thầy Mai Kiến Phúc dạy môn Lý, thầy Lê Quí Thể dạy môn Hóa, thầy Dũng mở lớp luyện thi Tú Tài đầu tiên ở Biên Hòa.

Năm 1970 thầy Nguyễn Thành Dũng chuyển về dạy học tại trường Ngô Quyền Biên Hòa, ngôi trường mà thầy từng là học trò niên học đầu tiên. Kể từ đó thầy Dũng miệt mài truyền đạt kiến thức cho học trò, cũng đồng thời là các lớp đàn em của thầy.

Đã bước qua tuổi thất thập, nhưng xem chừng nghề dạy học vẫn còn là “nghiệp” của thầy Dũng. Sức khỏe của thầy bây giờ không còn như xưa, nhưng thầy vẫn chưa rời bục giảng. Năm nào học trò cũ cũng đến thăm thầy, đồng thời đưa con đến… ngồi vạ, nhờ thầy dạy kèm luyện thi đại học.



Thầy Phạm Ngọc Quýnh



23__guongxua-_thay_pnquynh-contentthay_quynh-content

Hươu Cao Cổ là tên Rừng… không chính thức của thầy Phạm Ngọc Quýnh, nhưng tôi vẫn thích gọi thầy Quýnh là “Hươu Anh” cho… dễ thương. Năm 1965 không hiểu anh Quýnh khuyến dụ cách nào, mà phần lớn học trò lớp đệ thất do anh làm giáo sư hướng dẫn, đã lục tục nghe lời thầy gia nhập Hướng Đạo.

Cùng thời gian này, đạo Trấn Biên được thành lập do Trưởng Nguyễn Thanh Sơn – nguyên hiệu trưởng trường bán công Trần Thượng Xuyên - làm đạo trưởng, anh Phạm Ngọc Quýnh làm đạo phó. Hoạt động được vài tháng, anh Quýnh chuyển về trường trung học Công Thanh. Anh Nguyễn Thanh Sơn quá bận rộn với công tác quản lý, nên chuyển giao đơn vị cho anh Nguyễn Văn Thuyết tiếp tục duy trì và phát triển cho đến năm 1975.

Tôi “gặp” lại anh Phạm Ngọc Quýnh trên website Ngô Quyền, và qua e-mail ngay khi hai anh em liên lạc được với nhau. Anh Quýnh là người ủng hộ nhiệt tình dự định thực hiện tập kỷ yếu Hướng Đạo của tôi, anh luôn khuyến khích tôi tiếp tục sưu tầm tư liệu, để lưu lại dấu ấn một thời vàng son của phong trào Hướng Đạo Biên Hòa.



Cô Đặng Thị Trí

11__2_co_tri-contentco_tri-large-content


Một cựu giáo sư khác của trường Ngô Quyền, cùng gốc dân Hướng Đạo với anh em tôi là cô Đặng Thị Trí. Tôi xúc động vô cùng khi nhận được e-mail của cô, cho biết cô cũng từng tham gia sinh hoạt Hướng Đạo. Suốt năm lớp đệ ngũ trường trung học Ngô Quyền, tôi từng là học trò học khá môn Văn của cô. Cô Trí có lối giảng bài gợi mở, đưa ra nhiều câu hỏi để học sinh suy nghĩ trả lời. Hồi đó, tôi khoái giơ tay xin cô cho tôi được nói. Và sau mỗi lần cô cho phép nói, là cô cho tôi một con số vào cột điểm môn Văn. Có nhiều điểm môn Văn, nên ít khi tôi được là học sinh đứng đầu của lớp. Bởi điểm “oách” nhất cho môn học làm người này hồi đó chỉ 18/20, mà hiếm hoi lắm học trò mới có được. Điểm khá giỏi môn Văn lúc bấy giờ chỉ khoảng 16/20 mà thôi. Vì vậy hễ cộng nhiều điểm môn Văn vào, là… kéo tuột luôn điểm trung bình các môn học khác. Tuổi nhỏ tôi khá hồn nhiên, không biết so đo tính toán nhiều về điểm số, miễn sao giữ được thứ hạng trong khung “top ten” là tôi yên chí lớn rồi.

Từ lúc biết cô Trí là cựu HĐS, tôi náo nức mong được gặp lại cô kinh khủng. Nếu biết sớm thông tin này, chắc chắn tôi đã tìm cách liên lạc để gặp lại cô. Hai lần sang thăm nước Mỹ, tôi gần như dành thời gian cho các kỳ trại họp bạn của Hướng Đạo mà thôi. Tôi đành tiếp tục… nuôi hy vọng, và tin vào chữ “duyên” sẽ được gặp lại cô. Nước Mỹ còn biết bao nhiêu thắng cảnh đẹp diệu kỳ, và còn nhiều người thân xưa - trong đó có cô giáo Đặng Thị Trí của tôi - mà bây giờ nếu gặp lại, cô và trò sẽ thân thiết hơn, trong cái siết tay trái ấm áp nghĩa tình chị em gia đình Hướng Đạo.


Những thầy cô tôi gặp lần đầu
:




Thầy Phạm Thăng Long


thay_pham_thang_long_thay_pho-contentthay_pham_thang_long-content

Thầy Nguyễn Văn Phố trong ngày cưới Thầy Phạm Thăng Long

Gia đình thầy Phạm Thăng Long đón chúng tôi như những người thân xa lâu ngày không gặp. Cô Phụng, vợ của thầy Long còn nồng nhiệt hơn: “ Này, cứ gọi là anh chị cho thân thiết như người nhà…” Cũng không lạ, vì đã 42 năm kể từ lúc rời trường Ngô Quyền, thầy Phạm Thăng Long mới được nghe lại tiếng gọi “Thầy ơi!” của học trò.

Qua câu chuyện ngắn ngủi trên điện thoại với thầy Long trước đó, tôi tưởng tượng thầy cũng tròm trèm … già cỡ thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo, anh ruột của thầy Phạm Thăng Long. Tôi đâu ngờ người đàn ông trung niên phóng xe máy chạy ào vào cửa, chính là người thầy giáo cũ của trường Ngô Quyền tôi đang tìm kiếm. Cùng với lời giới thiệu của cô Phụng: “Thầy về rồi đó!...”, thầy Long tươi cười thân thiện bắt tay tôi. Bảy mươi hai tuổi, nhưng trông thầy Long vẫn còn linh hoạt lắm!

Thầy Long dạy môn Triết, Văn và Lý Hóa trường Ngô Quyền, sau khi thầy tốt nghiệp đại học sư phạm năm 1961. Năm 1965 thầy vào lính theo lệnh tổng động viên, cho đến năm1969 thầy giải ngũ và trở về trường Ngô Quyền dạy học tiếp. Đến năm 1970 thầy chuyển về Sài Gòn, dạy học cho đến lúc nghỉ hưu. Thầy vui vẻ kể: “Nghề chính của tôi bây giờ là … tài xế xe ôm. Không có lương, nhưng ngày nào cũng phải chở cháu nội cháu ngoại đi học...”



Thầy Đoàn Viết Biên


thay_doan_viet_bien__2_-contentthay_doan_viet_bien-content


Quá trình thiền định lâu năm, đã cho thầy Đoàn Viết Biên một phong thái hiền hòa ung dung tự tại. Vóc dáng gầy gò, mái tóc bạc phơ, nhưng đôi mắt thầy Biên vẫn tinh tường ở tuổi tám mươi. Lần đầu gặp thầy, tôi có cảm giác như mình gặp một ông tiên. Thầy Biên chỉnh chu đón tiếp học trò, dù lâu năm rồi thầy rời xa bục giảng.

Là bạn đại học cùng thời với cô Hà Bích Loan, thầy Nguyễn Thế Văn, thầy Thân Trọng Hưng… thầy Đoàn Viết Biên trở thành giáo sư môn Văn trường trung học Ngô Quyền, sau khi tốt nghiệp đại học Sư phạm Sài Gòn.

Từng được Hội đồng giáo sư tín nhiệm bầu giữ chức hiệu đoàn phó, thầy Biên đã nhiệt tình trợ giúp thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo điều hành các hoạt động phong trào liên quan đến học sinh trong trường lúc bấy giờ. Năm 1971 thầy chuyển về Sài Gòn, tiếp tục sự nghiệp “đưa đò” cho đến tuổi nghỉ hưu.



Cô Hoàng Thị Diệm Phương


co_hoang_thi_diem_phuong-content


Tốt nghiệp khóa 1 trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ Thuật – Viện Đại học Huế năm 1961, năm 1962 cô Hoàng Thị Diệm Phương trở thành giáo sư môn Hội Họa của trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa.

Năm 1963 cô Phương sang Nhật Bản nghiên cứu về Mỹ thuật Á châu và sáng tác. Năm 1966 cô Diệm Phương tiếp tục giảng dạy môn Hội Họa cho học trò trường trung học Ngô Quyền cho tới năm 1975.

Với bút danh Hoàng Hương Trang, cô Diệm Phương chuyên tâm vào việc sáng tác văn – thơ – nhạc – họa sau khi nghỉ hưu. Tôi không thể tin với số tuổi 76, cô Diệm Phương trông vẫn lạc quan và tươi trẻ, như những sắc màu lung linh trong các họa phẩm của cô.


Cô Nguyễn Thị Kim Quy


co_nguyen_thi_kim_quy-content

co_nguyen_thi_kim_quy_va_dong_nghiep_cu-large

Từ trái: BS. Vương Tú Toàn (chồng cô Nhã Ý), các cô Kim Quy, Kiều Tiên, Bích Loan, Đinh Thị Hòa, Phạm Nhã Ý và đồng nghiệp


Tôi đi tìm một ngôi nhà tôi chưa biết số, nằm trên con phố tôi… chẳng biết tên. Tôi cũng không có tấm hình nào, để có thể nhận diện chân dung cựu giáo sư Nguyễn Thị Kim Quy. Trong tay tôi, chỉ có bản sơ đồ thầy Dũng vẽ lại theo trí nhớ.

Tôi rẽ vào con hẽm thứ nhất, nhà nào cũng kín cổng cao tường. Tôi ghé vào trường mẫu giáo, hỏi thăm các cô giáo dạy lâu năm và có thêm chút thông tin. Tôi tiếp tục tìm nhà cô Kim Quy ở con hẽm thứ hai. Lần này tôi gặp may, một bác lớn tuổi tử tế đang đi bộ thể dục đã đưa tôi tới tận cổng nhà cô.

Gặp nhau lần đầu, nhưng hai cô trò cùng có nhiều điểm chung về một ngôi trường. Cô cho tôi xem nhiều hình ảnh chụp cô Phạm Thị Nhã Ý, cô Huỳnh Thị Loan và hình ảnh nhiều đồng nghiệp, học trò khác ghé thăm cô.

Tốt nghiệp đại học sư phạm năm 1962, cô Kim Quy nhận nhiệm sở ở Cần Thơ, sau đó chuyển về dạy tại trường Lê Văn Duyệt (Sài Gòn). Năm 1969 theo sự thuyên chuyển của chồng là bác sĩ quân y, cô Kim Quy đến với trường trung học Ngô Quyền. Thầy mãn phần đã chín năm nay, hiện cô sống một mình trong căn nhà rộng, nhận dạy kèm tiếng Pháp tại nhà như một thú vui tuổi về già.


Cô Võ Thu Thủy


co_vo_thu_thuy-content

co_vo_thu_thuy_tl__1_-large

Cô Võ Thu Thủy và học trò (1962)

Cô Thủy lắc đầu, khi tôi ngõ ý mượn cô những tấm hình xưa: “Không mượn không trả gì hết, cô… tặng em luôn. Cô bây giờ già rôi, còn sống được bao lâu nữa, cô giữ để làm gì? Em đến thăm cô như vầy, cô quí lắm!...”. Cô đưa tay nhẹ gỡ những tấm hình cũ khỏi quyển album và trao cho tôi. Những tấm hình tư liệu cô ghi chú thật cẩn thận, và giữ gìn đã rất lâu năm.

Mái tóc của cô nay đã bạc phơ, khuôn mặt hiền hòa đôn hậu và giọng nói dịu dàng của cô Thủy... cho tôi cảm giác ấm áp ngay lần đầu tôi gặp cô. Tôi cũng không hiểu tại sao tôi không biết cô Thủy, trong khi cô là giáo sư Anh Văn kỳ cựu của trường tôi. Tốt nghiệp sư phạm năm 1958, trường trung học Ngô Quyền là nhiệm sở đầu tiên và duy nhất suốt cuộc đời giáo chức của cô cho đến lúc nghỉ hưu.

Bác Trương Công Xã, chồng của cô Thủy bệnh gần hai năm nay, sinh hoạt hàng ngày của thầy luôn cần người trợ giúp. Ngày nào các con của cô cũng thay phiên nhau túc trực chăm sóc cha già. Nhưng từ lúc thầy đổ bệnh, cô Thủy gần như cận kề không lúc nào rời xa thầy.

Lúc chia tay, cô Thủy nhờ tôi chuyển một món quà đến người học trò ruột Thanh Huyền. Mấy năm về trước, anh Thành từ nước Mỹ về thăm cô. Anh hẹn sẽ ghé nhà cô lần nữa trước khi bay về Mỹ. Cô chuẩn bị món quà tặng học trò cưng, nhưng rồi anh Thành không kịp ghé. Món quá cô Thủy vẫn cất giữ mấy năm nay, và bây giờ tôi là người được cô ủy thác chuyển quà cho người nhận. Tôi hy vọng anh Thành đọc bài viết này, và liên lạc với người viết qua email diepmails@yahoo.com để món quà của cô Thủy dành tặng anh Thành không bị lãng quên…


Thầy Lê Hoàng Long


nhacsi_le_hoang_long-contentthay_le_hoang_long_nay-content


Tập tễnh ôm đàn violon từ năm mười tuổi, cậu bé người Sơn Tây sớm chọn con đường âm nhạc cho tương lai của chính mình. Thời đó chưa có nhạc viện, Lê Hoàng Long học nhạc với các bậc thầy Lương Ngọc Châu, Lã Hữu Quỳnh… Rồi sau đó, Long tiếp tục học hòa âm với giáo sư Tạ Phước. Năng khiếu bẩm sinh, nên những cung bậc âm thanh hòa quyện vào cuộc đời chàng thanh niên lãng tử Lê Hoàng Long cứ nhẹ tênh như mây như khói …

Có ngón đàn điêu luyện làm vốn vào đời, Lê Hoàng Long vừa đeo đuổi niềm đam mê cháy bỏng trong tâm hồn mình, vừa có… rủng rỉnh tiền để tự mưu sinh. Năm 1952 Lê Hoàng Long bắt đầu cuộc đời dạy học từ ngôi trường trung học Bắc Bình Vương. Ngày 15/6/1954 thầy Lê Hoàng Long đến sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay của hãng Cosara, và thầy chọn Sài Thành làm quê hương thứ hai từ lúc đó.

Mùa hè năm 1961, thầy Lê Hoàng Long chuyển đến trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa. Các lớp đàn anh đàn chị của tôi, mỗi khi nhắc đến thầy là nhắc đến… đàn violon. Chiếc violon cận kề thầy Long như hình với bóng, và đó cũng là điều hấp dẫn đám học trò miền quê tỉnh lỵ Biên Hòa trong giờ học Nhạc với thầy. Hè năm 1969 thầy Lê Hoàng Long chuyển về Sài Gòn, tiếp tục dạy Nhạc ở các trường trung học cho đến lúc nghỉ hưu.

Thầy cô tôi chưa từng được học:



Thầy Thân Trọng Hưng


thay_than_trong_hung-_1-contentthay_than_trong_hung-content


Những lần ghé thăm Thầy Bảo, thầy hay thông tin cho tôi tin tức thầy cô giáo cũ Ngô Quyền. Một lần thầy cho tôi biết: “Ông Thân Trọng Hưng ở Nguyễn Thiện Thuật đấy!...”

Dù không được học với Thầy Hưng, nhưng tôi vẫn định tâm có dịp sẽ ghé thăm thầy. Ngày qua tháng lại, tôi quên bẵng. Cho đến lúc nhận được điện thoại của cô Tồn, vợ thầy Bảo báo tin: ”Mai ơi! Thầy Hưng yếu lắm rồi. Cô nghe tin thầy không nói được nữa, không nhận biết được người quen được nữa…”

Tôi tức tốc hỏi cô số điện thoại và địa chỉ nhà thầy Hưng, rồi tức tốc đến thăm thầy. Cũng lần đầu gặp gỡ, nhưng tôi không được dịp chuyện trò với thầy. Thầy nằm mê man, thiêm thiếp ngủ suốt ngày… Rất may là thầy hồi tỉnh sau giấc ngủ khá dài, nên tôi mới có dịp trêu thầy cười thành tiếng.

Thầy Hưng là cựu học sinh Quốc Học (Huế), năm đệ tam thầy chuyển vào học tại Petrus Ký Sài Gòn. Tốt nghiệp đại học sư phạm khoa Việt Hán, thầy Hưng đã gắn bó cả cuộc đời dạy học của mình với ngô trường trung học Ngô Quyền.

Cô Phạm Kiều Tiên

co_ktien_xua-contentco_kieu_tien-content


Lần thứ nhất e-mail cho cô Phạm Kiều Tiên, tôi nhờ cô xem lại bài tôi viết : “Cô ơi, em chỉ ghi chép lại những mẫu chuyện dễ thương cô kể về học trò Ngô Quyền, em không “kể lể” nhiều về cô, như lời cô đã dặn…”. E-mail kế tiếp, tôi lại nhờ cô Kiều Tiên kiểm tra lỗi chính tả trên mẫu thiết kế tặng phẩm tặng thầy cô.

Cô gửi nhận xét cho tôi ngay hôm sau: “Mai ơi! Em viết bài được lắm! Cô thấy không phải sửa nữa đâu". Và “Em viết chính xác rồi, đâu có sai chính tả. Cô Kiều Tiên”

Bước gần đến tuổi lục tuần, tôi mới có cơ hội được làm học trò của cô Kiều Tiên. Vậy mà tôi vẫn cảm thấy sung sướng, khi được cô khen viết… không sai chính tả. Bây giờ chắc chắn tôi không cần điểm số, điều mà tôi và những cựu học sinh Ngô Quyền khác vẫn cần nơi cô, chính là tình nghĩa thầy trò.

Cô Phạm Kiều Tiên gắn bó với học trò Ngô Quyền suốt mười năm, kể từ mùa hè năm 1968. Hiện cô vẫn sống giản dị và lạc quan, trong ngôi nhà xinh xắn trên đường Chữ Đồng Tử quận Tân Bình. Đến thăm cô Tiên, thể nào học trò cũng sẽ được thưởng thức món nước đậu rang, có pha chút vị gừng thơm thơm do cô chiêu đãi…


Thầy Lâm Tấn Văn


thay_lam_tan_van_nay-content

thay_lam_tan_van_xua-large

Từ trái: Các Thầy Hà Tường Cát, Nguyễn Văn Lục, Lâm Tấn Văn, Nguyễn Thành Dũng (1972)

“Có một thời, thầy Lâm Tấn Văn… làm mưa làm gió các lớp luyện thi Vạn Vật ở Biên Hòa. Thầy thu hút học trò không chỉ bằng kiến thức phong phú, bằng những bài giảng sinh động dễ hiểu, mà còn do phong cách của thầy… hấp dẫn y hệt tài tử Alain Delon…” Các anh chị lớp trên thường kể tôi nghe về thầy Lâm Tấn Văn như vậy. Đôi khi tôi nhắc lại, thầy cười: “Bây giờ cô thấy tôi có giống như lời kể của các anh chị ấy không?...”

Tốt nghiệp thủ khoa đại học sư phạm năm 1964, thầy Văn duyên nợ với trường trung học Ngô Quyền suốt 18 năm dài. Mùa hè năm 1982, thầy Văn chuyển hẳn về Sài Gòn. Từ lúc nghỉ hưu, niềm vui của thầy là mỗi cuối tuần lái xe đón cháu về chơi với ông bà ngoại. Thầy thiết kế hẳn cái hồ bơi nhỏ xinh trong nhà, chỉ để cho các cháu vui đùa mùa nắng nóng. Ông bà ngoại chỉ việc quanh quẩn trông chừng các cháu đùa chơi.

Sau cơn đột quỵ nhẹ, tuy được điều trị kịp thời, nhưng thầy Văn không thể lái xe được nữa. Thầy đang cài đặt lại đường truyền internet tại nhà, để có thể thường xuyên “gặp” lại đồng nghiệp cũ, học trò xưa trên trang web Ngô Quyền Biên Hòa.



Thầy Nguyễn Kim Linh


thay_nguyen_kim_linh-content

Tôi nhận cuộc gọi của thầy Trịnh Hồng Hải sau giờ làm việc: “ Này, em có mời thầy Nguyễn Kim Linh không? Nhà của thầy Linh ở gần Một Thuở í …"Tôi lục tìm trong trí nhớ, không có tên vị giáo sư nào của trường Ngô Quyền tên Nguyễn Kim Linh cả. Tôi tìm nhà thầy Linh, ngay khi thầy Hải cung cấp cho tôi địa chỉ một căn hộ chung cư trên đường Duy Tân ngày cũ. Chỉ trực tiếp gặp thầy Linh, tôi mới có những thông tin chính xác nhất về thầy.

Thầy Linh cho tôi biết, thầy nguyên là giáo sư môn Vạn Vật trường nữ trung học Gia Long. Năm 1965 thầy được Bộ giáo dục điều động về làm Giám học trường Ngô Quyền. Năm 1966 thầy chuyển về làm Thanh tra Nha Khảo Thí. Năm 1970 Thầy được bổ nhiệm Giám đốc Nha Khảo thí. Cựu học sinh trung học cả nước thời kỳ này, có thể… nhìn lại chữ ký của thầy Nguyễn Kim Linh, trên văn bằng Tú Tài của các anh chị.


Thầy Trần Văn An


thay_tran_van_an_1973-content thay_tran_van_an-content

Thầy Trần Văn An (1973) Thầy Trần Văn An (2012)


Tôi khá bất ngờ khi biết thầy Trần Văn An - cựu giáo sư môn Toán trường trung học Ngô Quyền – chính là “Anh Trần Văn An” trong nhóm đàn anh chị “khóa 123…”.

Tốt nghiệp ĐHSP năm 1969, thầy Trần Văn An dạy học ở trường trung học Phước Thành (Tân Uyên). Năm 1973 thầy An chuyển về dạy học tại “ngôi trường xưa”, nới thầy từng làm học trò mười lăm năm trước đó.

Vừa ký tên vào bộ sưu tập chữ ký thầy cô giáo cũ của tôi, thầy Trần Văn An vừa dí dỏm nói:” Em có định dùng chữ ký của tôi để … ký bán cái gì không đó?...” Tôi cũng vui lây với tính hài hước của thầy : “Thầy ơi, trường xưa của mình còn gì để bán? Kỷ niệm xưa chỉ thầy trò mình cần, tặng nhau không đủ, lấy đâu ký bán hả thầy?...''



Cô Phạm Kiêm Loan


co_pham_kim_loan-contentco_pkim_loan-content

Trong tôi thoáng ân hận, khi đến thăm cô Phạm Kiêm Loan khá muộn màng. Cô Kiêm Loan không dạy chữ cho tôi suốt bảy năm trung học, nhưng cô và tôi từng gắn bó bên nhau, trong những chuyến đi từ thiện ngược Bắc xuôi Nam. Tôi tự trách, và… đổ thừa cho cái trí nhớ “ lỗ chỗ như rỗ hoa mè” tệ hại của mình.

Phạm Kim Loan trúng tuyển vào lớp đệ tam trường trung học Gia Long – ngôi trường “danh giá” bậc nhất Sài Gòn lúc bấy giờ – sau khi thi đậu trung học đệ nhất cấp ở tỉnh lỵ Định Tường. Cầm mảnh bằng Tú Tài đôi trong tay, Phạm Kiêm Loan nộp hồ sơ vào Nha Học Chánh để xin việc.

Mùa hè năm 1968, cô Phạm Kiêm Loan nhận quyết định đến dạy học tại trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa. Hai năm sau đó, thầy hiệu trưởng Phạm Đức Bảo cử cô Loan dự kỳ thi tuyển ngạch sư phạm quốc gia. Qua kỳ thi này, cô Phạm Kiêm Loan nhận được quyết định của Bộ Giáo dục “Công nhận cô Phạm Kiêm Loan là giáo sư trung học đệ nhị cấp”.

Tương tự trường hợp thầy Trần Đình Tri, thời đó cô Phạm Kiêm Loan được Giám học phân dạy cả hai môn Văn và… Toán. Khi tôi thắc mắc, tôi nhận được từ thầy cô cùng một cách giải thích: “Với trình độ Tú Tài đôi lúc bấy giờ, kiến thức thầy cô rất vững vàng để có thể dạy tất cả các môn ở bậc trung học đệ nhất cấp…”

Những người thầy của tôi:


Thầy Trần Thái Hùng



thay_tran_thai_hung_xua-contentthay_tran_thai_hung_nay-content


Tôi ngỡ ngàng khi gặp lại thầy Trần Thái Hùng, sau hơn 37 năm dài bặt vô âm tín. Thầy của tôi thay đổi nhiều quá, đến đỗi tôi ngập ngừng hỏi thầy lần nữa: “Thưa thầy, thầy có dạy Toán trường Ngô Quyền Biên Hòa trước năm 75 phải không thầy?...”

Phải chuyện trò một lúc, tôi mới dần ra nét quen thuộc trên khuôn mặt của thầy tôi. Hình ảnh thầy Hùng trong ký ức của tôi, là một người thầy trẻ tuổi khá… gai góc, dáng vẻ bất cần đời (?!...). Khác hẳn với thầy tôi bây giờ, một “ông lão” có khuôn mặt đôn hậu, hiền hòa dễ mến. Đại từ “bây” thầy dùng gọi tôi, khiến tôi nao nao xúc động, và cảm thấy khoảng cách thời gian 37 năm như xích lại thật gần.

Thầy Hùng dạy lớp tôi môn Tân toán học, một môn học khá mới với chương trình lớp 12 thời đó. Với lối giảng bài chân phương giản dị, thầy Trần Thái Hùng đã dẫn dắt đám học trò làm quen với những lý thuyết tập họp một cách nhẹ nhàng. Tuy thầy trò để lạc mất nhau một thời gian dài, nhưng bao giờ trong câu chuyện về “trường cũ, thầy xưa”, nhóm bạn lớp tôi luôn luôn nhắc đến “tập họp” ba người thầy dạy Toán: Thầy Nguyễn Thành Dũng, môn Giải tích; Thầy Trần Thái Hùng, môn Tân toán; Thầy Nguyễn Phong Cảnh, môn Hình học và là giáo sư hướng dẫn lớp 12B3 của lớp chúng tôi.



Thầy Trịnh Hồng Hải


thay_co_trinh_hong_hai-contentthay_trinh_hong_hai_chan_dung-content

Thầy Cô Trịnh Hồng Hải

Nhóm bạn Sài Gòn của tôi thường mời thầy Trịnh Hồng Hải café buổi sáng cuối tuần. Từ lâu rồi, thầy Hải đã như người anh cả của nhóm bạn già lớp tôi. Thầy luôn sẵn lòng chia sẻ với chúng tôi đủ mọi chuyện trên đời. Từ những tin tức mang tính thời sự nóng bỏng, cho đến những câu chuyện về khoa học, kinh tế, văn hóa, xã hội xưa và nay.

Năm nào cũng vậy, vào ngày hiến chương nhà giáo là thầy Trịnh Hồng Hải lại “cầm quân” đưa chúng tôi đến thăm thầy Phạm Đức Bảo. Tuổi già thầy Bảo nặng tai, mà đám học trò cũ kỹ chúng tôi ngại ngùng… la hét, chỉ có thầy Hải “phiên dịch” thầy Bảo mới dễ dàng hiểu những điều chúng tôi muốn nói mà thôi.

Thầy Hải có nhiều câu chuyện khoa học hấp dẫn, khiến cho học trò lớp 12 khi xưa chúng tôi càng lúc càng “mê” giờ học Vật lý của thầy. Đã bước qua hàng thất thập, nhưng xem ra duyên nghiệp nghề giáo vẫn quấn quít thầy. Và thật may mắn cho những lớp học trò nào, có cơ hội được “thọ giáo” môn học Vật lý với thầy Trịnh Hồng Hải của chúng tôi.


Thầy Trần Đình Tri


thay_tran_dinh_tri-content


Cũng lâu thật lâu rồi, tôi mới gặp lại thầy Trần Đình Tri, thầy giáo dạy tôi môn Toán năm đệ lục. Thầy Tri về trường Ngô Quyền dạy học từ năm 1960. Theo lệnh tổng động viên, thầy vào trường bộ binh Thủ Đức khóa 14 hai năm sau đó. Năm 1966 thầy trở lại trường Ngô Quyền tiếp tục dạy học, cho đến năm 1972 thầy chuyển hẳn về Sài Gòn cho đến ngày xuất cảnh.

Năm 1989 Thầy Trần Đình Tri sang Đức theo diện bảo lãnh. Năm 2000 cả gia đình thầy Tri cùng đến nước Mỹ định cư. Hiện giờ thầy thường xuyên sinh sống ở Việt Nam, để chăm sóc người chị ruột trên 80 tuổi bị tai biến. Thầy bảo: “Chị không có chồng con, chỉ có tôi là người thân duy nhất…”

Năm nay 78 tuổi, có lẽ thầy Tri thích ở Việt Nam nhiều hơn, vì có nhiều thời gian và cơ hội giao tiếp với các bạn cùng thời. Thầy cũng vừa là học trò, vừa là đồng nghiệp cũ của thầy Phạm Đức Bảo.


Thầy Phạm Tấn Bình


thay_binh_gia_dinh2-contentthay_pham_tan_binh-content

Gia đình thầy Phạm Tấn Bình (1969)

Tôi nhận cuộc gọi của Thầy Phạm Tấn Bình, ngay khi tôi chuẩn bị gửi bài viết này. Hai thầy trò có cuộc chuyện trò thật vui. Những kỷ niệm học trò đã xa những 40 năm, bây giờ được hai thầy trò sôi nổi “hâm nóng” lại.

Xuất thân từ trường đại học Văn khoa, thầy Bình trở thành giáo sư môn tiếng Pháp từ năm 1962, bắt đầu từ trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa. Đứng trên bục giảng được ba năm, thầy Bình theo lệnh tổng động viên vào trường bộ binh Thủ Đức. Năm 1969 thầy được biệt phái, trở về tiếp tục dạy học tại trường Ngô Quyền. Đến năm 1972 thầy Bình chuyển đổi về Sài Gòn, vẫn với nghề dạy học. Sau năm 1975, chúng tôi bặt tin tức về thầy Phạm Tấn Bình.

Thầy Bình cho tôi biết, thầy định cư tại Hoa Kỳ từ năm 1990. Lâu lắm rồi, thầy cũng ít nhận được tin tức của học trò và đồng nghiệp cũ. Tình cờ… thả bộ trên internet, thầy nhận được tin nhắn từ Hội cựu học sinh Ngô Quyền Biên Hòa. Thầy khoe với tôi, thầy nhận được nhiều e-mail và cuộc gọi của học trò xưa, đồng nghiệp cũ. Thầy và cô dự tính bay đến Cali vào mùa xuân này, để có cơ hội ôn lại kỹ niệm trường xưa cùng với thầy cô giáo và học trò năm cũ.

Có những người thầy của trường trung học Ngô Quyền lần đầu tiên tôi biết mặt, có những thầy cô tuy đã biết, nhưng tôi chưa được học thời phổ thông. Và những thầy cô giáo từng dạy tôi, nhưng đã bặt vô âm tín từ sau năm 1975 cho đến bây giờ… Nhưng tiếng gọi từ “trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa” xưa, như cùng gợi nhớ về một quá khứ vàng son, mà cả thầy lẫn trò xưa đều nao nao nhớ mỗi khi nhắc đến…

Tháng 11/2012

Diệp Hoàng Mai


Phụ Đính một số hình ảnh cũ, mới của Thầy Cô Xưa:



trinh_hong_hai_thay_bao-contentthay_pham_duc_bao-large-content

Thầy Phạm Đức Bảo và Thầy Trịnh Hồng Hải

thay_nguyen_van_co-largethay_nguyen_viet_long-large

Thầy Nguyễn Văn Có Thầy Nguyễn Viết Long

thay_nguyen_tan_hoan-contentthay_hoang_duc_bao-content

Thầy Nguyễn Tân Hoan Thầy Hoàng Đức Bào

co_dinh_thi_hoa-contentco_khuong_thi_ban-content

Cô Đinh Thị Hòa Cô Khương Thị Bàn

co_dao_nga1-large-contentco_nguyen_thi_luong-content

Cô Đào Thị Nga Cô Nguyễn Thị Luông

thay_nguyen_the_van-contentthay_nguyen_minh_ly-content

Thầy Nguyễn Thế Văn Thầy Nguyễn Minh Lý

thay_diep_cam_thuthay_phan_phat_tan-content

Thầy Diệp Cẩm Thu Thầy Phan Phát Tân

thay_to_hoan_loc-content
Thầy Tô Hoàn Lộc
thay_vo_dang_lanh-content

Thầy Võ Đăng Lành


thay_nguyen_ngoc_an-contentthay_do_huu_tai-large-content

Thầy Nguyễn Ngọc Ẩn Thầy Đỗ Hữu Tài


thay_xua_-_gau_hang_dinh_huu_quyen-contentthay_xua_-_hieu_doan_ngo_quyen-large

Gấu Hăng Đinh Hữu Quyến Hiệu Đoàn Ngô Quyền

thay_doan_viet_bien__6_-largethay_doan_viet_bien__10_-large

Thầy Đoàn Viết Biên và các học sinh NQ ngày xưa

thay_dung_tl_3-large

Lớp khóa 1 với học sinh Nguyễn Thành Dũng và Thầy Bùi Quang Huệ

thay_binhgia_dinh3-large

Thầy Phạm Tấn Bình và Gia Đình

thay_co_pham_thang_long_dung_mai-large

Thầy Cô Phạm Thăng Long và Ngọc Dung - Hoàng Mai


09 Tháng Ba 2024(Xem: 451)
Sau bao năm thăng trầm trong cuộc đời có nhiều mất mát có nhiều thay đổi nhưng tình yêu âm nhạc trong anh vẫn sống mãi. Anh đã vui trong niềm vui và buồn trong nỗi buồn ...
08 Tháng Ba 2024(Xem: 996)
Xuân từ “Lục bát “bước ra? Ngắm Anh Đào nở sắc Hoa trắng ngần! Xuân đi Xuân đến bao lần? Mời tới Lễ Hội ân cần thiết tha!
24 Tháng Hai 2024(Xem: 1719)
Mùa trăng đầu năm tháng giêng Trông như ánh mắt mẹ hiền yêu thương Dù cho xa cách hai phương Sáng soi vằng vặc độ lường nguyên tiêu.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 435)
Hãy viết thêm lời nguyền trên là - Lá vẫn xanh xanh mùa thủy chung - Cho trăm năm chỉ là chút tình - Hãy nâng niu giọt nắng mong mamh
03 Tháng Hai 2024(Xem: 1709)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
21 Tháng Bảy 2023(Xem: 3431)
Rủ nhau về lại "NGÔ QUYỀN" Gặp thầy, gặp bạn huyên thuyên nói cười "TRƯỜNG XƯA" in dấu trong tôi DIAMOND SEAFOOD đón mời thân thương
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 4818)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 5392)
Bầu trời tháng Bảy đẹp như mơ Sinh Nhật 6 nàng tặng rổ…thơ HOÀI NIỆM, NGUYÊN NHUNG tài khó đoán TƯỞNG DUNG, PHƯƠNG THUÝ giỏi không ngờ!
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 4542)
Ai có quay về chốn cố hương Xa xôi cách trở mấy cung đường Hỏi giùm: "Người cũ còn nhung nhớ?" Đất khách bôn ba đời lữ thứ Quê người lận đận kiếp phong sương Nhắn hộ: "Tình xưa vẫn vấn vương"
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5165)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
20 Tháng Ba 2023(Xem: 5419)
Nước Mỹ là miền đất hứa đã luôn mở rộng vòng tay chào đón và tạo cơ hội tốt cho bất kỳ ai, miễn là họ có khát vọng vươn lên và phải nỗ lực thực hiện bằng được khát vọng ấy.
04 Tháng Ba 2023(Xem: 5487)
Sau khi trải nghiệm tàu ra vào kênh tôi không ngạc nhiên khi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã xếp kênh đào Panama là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 5823)
Trong lúc Kansas City Chiefs vui mừng trong rừng confetti thì đội Philadelphia buồn vì vừa đánh mất chức vô địch trong tầm tay khi chỉ còn 8 giây nữa là kết thúc trận đấu.
10 Tháng Hai 2023(Xem: 5306)
Nàng chợt nhận ra… Ồ! bức tường nghiêng! Sao đêm nay nàng mới nhận ra bức tường của nàng đã nghiêng?!
22 Tháng Giêng 2023(Xem: 9751)
vẽ trái tim tôi mầu đỏ nhạt, hay hồng… đã từ lâu, tôi nghĩ tim. chỉ để yêu thôi thỉnh thoảng. để giận hờn… nay. sao tim bối rối?*
11 Tháng Giêng 2023(Xem: 6932)
Đang vào những ngày đầu năm Dương lịch và tiếp đến sẽ là một cái Tết cổ truyền thiêng liêng rộn rã... . Xin có vài dòng ghi lại buổi họp mặt “ Cựu học sinh Trung học Ngô Quyền - Biên Hòa “
20 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 5689)
World Cup 2022 khép lại với trận chung kết có nước mắt nhiều hơn nụ cười, chỉ có 45 triệu người (Argentina) vui, mà có đến 65 triệu người (Pháp) buồn.
17 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6907)
Suốt cả cuộc đời Voi hoạt bát chỉ chuyên tâm tu học, hết lòng phụng sự Thiên Chúa và luôn Giúp ích cho đời. Tưởng chừng gieo nhiều hạt tốt sẽ gặt lắm quả lành,
02 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 5770)
Nói cho cùng, phải chăng số phận của bà Lê Vũ Anh đã được chính cha ruột của mình định đoạt vì ý hướng mong muốn con gái thành công.
01 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6421)
Một cuốn sách, đọc, sẽ làm phấn khởi một số rất lớn người trong chúng ta, vì qua những gì đọc được. Cuối cùng cái chiến thắng trông chờ lâu nay, sẽ chắc chắn hiện hình.
28 Tháng Mười 2022(Xem: 6540)
Chịu khó đọc giáo sư Nguyễn Văn Trung, ta sẽ gặp một nhà trí thức dấn thân với các giá trị cốt lõi rõ rệt: khoa học, khai phóng
01 Tháng Chín 2022(Xem: 16006)
Viết những dòng tâm can này vào ngày Nguyễn Văn Kỷ Ngọc Thuyền - bé Bi con tôi tròn 46 tuổi, trái tim thương tật của người cha Mai Quan Vinh chỉ khát khao duy nhất một điều
31 Tháng Tám 2022(Xem: 7132)
Tôi phải thú thật một điều là chưa có tiệc sinh nhật nào tôi đi dự mà vui vẻ và thật tình như vậy. Người giới thiệu chương trình, ca sĩ lên hát và quan khách đều đến tham dự với sự mến thương và yêu quý Hạnh
29 Tháng Bảy 2022(Xem: 7246)
Anh là một hòn đá cương nghị, anh được đặt đúng chỗ và đúng thời điểm nên đã chuyển hướng cả một dòng âm nhạc mang bản sắc Việt Nam.
28 Tháng Sáu 2022(Xem: 9113)
Người bỗng về theo mùa nhuốm heo may Chút hương thầm xin là gió cứ bay Theo áng mây về cuối trời xa thẳm Đừng cho lòng rung lại những tàn phai…!