Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hạnh Phạm - NHỚ PHƯỢNG

10 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 30061)
Hạnh Phạm - NHỚ PHƯỢNG

Nhớ Phượng


43___hanhpham-large

 

 

Gác máy điện thoại xong, lòng tôi lâng lâng một niềm vui. Giọng nói của Lý vẫn còn như văng vẳng đâu đây. “Đúng đấy Hạnh! Kỳ này mày về, tụi mình về nhà tao ở Biên Hòa chơi. Lúc đó tao đang nghỉ hè, không phải đi làm. Tụi mình sẽ ghé thăm mấy đứa bạn Ngô Quyền hồi đó”.

Tôi náo nức hình dung ra cảnh được gặp lại thầy cô, bạn bè đồng môn trong ngày hội ngộ ở Mỹ; cảnh dung dăng dung dẻ với Lý ở Việt Nam, thăm bạn bè đồng lớp mà không phải bận tâm với gia đình. Lúc đầu tôi không định về Việt Nam nhưng trong lúc tìm mua vé máy bay để đi Mỹ tham dự cuộc Hội Ngộ Trùng Phùng thế giới lần thứ hai, tình cờ tôi đã khám phá ra rằng thay vì đi thẳng từ Úc qua Mỹ, tôi có thể ghé Việt Nam mà chỉ phải trả cũng bấy nhiêu tiền. Đây không phải là lần đầu tiên tôi về thăm Việt Nam.Tôi đã về ba, bốn lần rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi về một mình và cũng là lần đầu tiên tôi về đúng vào mùa hè của bên ấy. Đúng là một viên đạn mà bắn được hai con chim. Theo dự định, sau khi đi họp mặt ở Mỹ về, tôi sẽ đến Sài Gòn.Tại Sài Gòn tôi sẽ liên lạc với Lý để hai đứa cùng về Biên Hòa. Nghỉ ngơi một vài hôm ở nhà Lý, cô nàng sẽ đưa tôi đi vòng vòng thành phố Biên Hòa thăm bạn bè và nhân dịp đó tôi sẽ yêu cầu Lý đưa tôi đi tìm những cây phượng vĩ đang trổ bông, những cây phượng vĩ ở trong sân trường Ngô Quyền.

Phải nói là mối liên hệ tình cảm của tôi và hoa phượng là một mối liên hệ “yêu” và “ghét”. Tôi yêu hoa phượng từ thuở tôi mới cắp sách đến trường. Những đóa hoa đơn sơ năm cánh màu đỏ cam rực rỡ, nở rộ trên cành là biểu hiệu những ngày cuối cùng của niên học; là sự chào đón mùa hè, một mùa rong chơi suốt ngày này qua tháng nọ mà không phải miệt mài với sách vở. Ở vào tuổi tiểu học, ba tháng hè qua rất nhanh. Ban ngày lang thang qua nhà hàng xóm, cà kê với những đứa bạn cùng tuổi. Bất kể con trai hay con gái, mày mày tao tao tuốt luốt. Trò chơi của bọn trẻ con chúng tôi rất là đơn giản. Nào là chơi đánh khăng, chơi ô quan, chơi đóng kịch… Có hôm hứng chí còn rủ nhau vào trường nhặt hoa phượng rồi ngắt những cái nhụy hoa dài mỏng manh ra để chơi đá gà.Tôi còn nhớ mãi có lần chơi đá gà hoa phượng với Hy, một thằng bạn cùng xóm. Thua thắng thế nào mà cả hai đứa cãi nhau om cả lên. Thấy không cãi lại miệng tôi, thằng Hy nổi cộc hốt một nắm cát ném vô mặt tôi rồi chạy mất. Mớ cát tung vào mắt làm tôi tối tăm mặt mũi. Hai con mắt xốn xang nhức nhối mở mãi không ra. Tôi vừa giận vừa đau nên òa ra khóc. Con Thái cuống quít dắt tôi về nhà. Bố tôi sau khi nghe con Thái thuật chuyện, ông xót con nên lập tức hùng hổ lôi tôi xềnh xệch qua nhà thằng Hy để bắt đền cha mẹ nó. Lời qua tiếng lại thế nào mà thành ra cãi nhau. Phe bố mẹ tôi và phe bố mẹ thằng Hy, ai cũng thi nhau mà gào lên. Chẳng ai nghe ai cả. Hàng xóm tò mò xúm lại nghe chuyện. Tôi đứng chần dần trước đám đông, mắt vẫn xốn xang, xấu hổ cúi gằm đầu xuống, chỉ muốn độn thổ cho xong. Ấy thế tuy cãi nhau lớn như vậy mà chỉ vài ngày sau tôi và thằng Hy lại chơi với nhau trở lại. Trẻ con thật là chóng quên. Bọn tụi tôi lại tụ tập ở nhà anh Cưởng để nghe anh kể chuyện nhiều tập “Ông lép xép, bà lẹp xẹp”. Anh Cưởng ở sát phía trái nhà tôi. Anh vẽ đẹp và nói chuyện rất có duyên. Dù biết là anh bịa ra chuyện “Ông lép xép, bà lẹp xẹp” nhưng tụi tôi vẫn cứ lăn ra mà cười vì cái lối kể chuyện dí dỏm của anh. Về sau này tôi khám phá ra là anh Cưởng thích chị tôi. Có thể đó là một trong những nguyên nhân mà anh thích chơi với tôi và đồng bọn chăng?

Vào những đêm hè như thế, sau khi ăn cơm tối, gia đình tôi thường trải chiếu ra hiên nhà nằm hóng mát. Không khí buổi tối thật trong lành, đượm mùi thơm ngan ngát của những trái dưa gang đang chín ở trên giàn.Tôi nằm nghe mẹ và chị nói chuyện. Lẫn trong những tiếng nói chuyện rầm rì là tiếng ca cải lương vọng ra từ cái radio của nhà bà Bảy, người hàng xóm bên trái của nhà tôi. Và như thế tôi thiếp đi, ngủ an lành, không lo lắng vì biết rằng mẹ sẽ không lay dậy để vào giường đi ngủ sớm. Hè mà!

nho_phuong-large-content

Khi lên đến trung học thì sự mong chờ mùa hoa phượng không còn là những thôi thúc mãnh liệt nữa. Lúc này gia đình đã dọn về Biên Hòa.Từ nhà đến trường Ngô Quyền gần tám cây số. Bạn bè hàng xóm tôi không có đứa nào vì chúng nó chỉ học ở những trường lân cận gần nhà nên không quen. Vả lại ở tuổi mười mấy này, tự nhiên đầu óc non nớt của tôi đã trở nên dè dặt trong việc chọn bạn. Phải hợp “gu” mới chơi chứ không có chơi tùm lum như xưa nữa. Thế nên số bạn bè của tôi bị giới hạn trong cái khuôn viên eo hẹp của trường Ngô Quyền. Khi những cây phượng ở sân trường bắt đầu đơm những cái nụ đầu tiên là tôi đã thấy buồn man mác. Lại càng buồn hơn khi thấy những cuốn lưu bút được vội vã chuyền tay nhau. Trong những trang giấy trắng của cuốn lưu bút là những đóa hoa phượng ép công phu, những dòng chữ viết tay nắn nót, nghiêng nghiêng ghi lại những kỷ niệm buồn vui hoặc những cảm xúc mà bấy lâu chưa tiện nói. Cuốn lưu bút của tôi có lẽ là cuốn được đọc đi đọc lại nhiều lần nhất. Trong những tháng hè đóng đô ở nhà, tôi thường đọc đi đọc lại những dòng chữ quen thuộc của các bạn để rồi hình dung những khuôn mặt thân thương cho đỡ nhớ. Ba tháng hè không gặp gỡ được bạn bè là ba tháng dài lê thê. Lẩn quẩn ở nhà người tôi như thừa thãi. Những công việc lặt vặt mà mẹ giao cho tôi như lau nhà, quét sân cũng không làm khuây khỏa nỗi nhớ trường, nỗi nhớ bạn bè quay quắt. Làm gì có điện thoại, máy điện tính như bây giờ. So với tôi thì thế hệ của các con tôi bây giờ sướng quá. Đi học về đến nhà là mở máy tính ra ngay để trò chuyện với bạn bè mà chúng nó vừa chia tay chưa đầy nửa tiếng. Tiện nghi như vậy không biết chúng nó có biết nhớ nhung, mộng mơ là gì không nhỉ?

Vào năm cuối cùng thời trung học, nỗi buồn hoa phượng của tôi càng trở nên ray rứt. Ở tuổi mười sáu, mười bảy này, tôi bắt đầu ấp ủ những mối tình học trò, thật thầm kín và thật ngây thơ. Không một ai, ngay cả mấy đứa bạn thân nhất biết được cái bản tính đa sầu đa cảm của tôi. Gọi là những mối tình học trò chứ thực ra đây là những tình cảm âm thầm, một chiều mà tôi chưa bao giờ thổ lộ cùng ai và có lẽ cho đến ngày hôm nay những đối tượng đó vẫn không hề hay biết hoặc sẽ không bao giờ biết (vì một người đã không còn trên thế gian này nữa). Chưa một lần hò hẹn. Chưa một lần nói chữ yêu đương. Những tay trong tay quấn quít, những nụ hôn vội vàng chỉ là trong tâm tưởng. Tuy chỉ là trong tâm tưởng nhưng những tình cảm này cũng không thiếu những xao xuyến, nhớ nhung để rồi sau đó trở thành nỗi lo sợ phập phồng khi mùa phượng đến.

Rồi cuối cùng những cánh hoa phượng của mùa hè năm 1973 cũng trở lại. Bình thường, tự nhiên, như sự tuần hoàn của hai mùa mưa nắng. Lại một lần nữa, những tàng cây trong sân trường lại đỏ thắm màu của biệt ly. Chỉ khác chăng là lần biệt ly này lại là lần vĩnh biệt. Sự rực rỡ của màu hoa phượng đỏ bây giờ chỉ làm tôi hoa mắt và làm những nhịp đập của tim tôi thêm xốn xang, nhức nhối. Vĩnh biệt thầy cô, bạn bè, vĩnh biệt ngôi trường của bảy mùa phượng nở. Vĩnh biệt những rung động ngây thơ của thời mới lớn. Mùa hè 73 năm ấy, tôi vĩnh viễn rời trường với mảnh bằng Tú Tài Hai, ngẩn ngơ với niềm nối tiếc của một khung trời đầy kỷ niệm.

Thấm thoát đã 31 năm tôi sống xa quê hương và 38 năm kể từ ngày tôi xa trường cũ. Hơn ba mươi mùa hè không thấy hoa phượng vĩ. Những lần tôi và gia đình về thăm Việt Nam đều vào những tháng cuối năm nên tôi không có cơ hội được nhìn hoa phượng trổ bông. Nơi tôi cư ngụ, tiểu bang Nam Úc, khí hậu bị ảnh hưởng của sa mạc nên quanh năm rất khô. Không khí ở đây không có ẩm ướt như những vùng nhiệt đới hay bán nhiệt đới nên không thích hợp cho loài cây phượng vĩ. Cũng may là ở đây còn có cây phượng tím Jacaranda (may mà có em, trời còn dễ thương). Có lẽ cây phượng tím và cây phượng vĩ có bà con với nhau sao đó mà hai loại cây này có nhiều cấu trúc rất giống nhau. Từ những nhánh dài, chi chít tỏa ra từ thân cây tạo nên một cái dù lớn của thiên nhiên cho đến những chiếc lá dài bằng gang tay, nhìn như những miếng ren (lace) xanh mượt mà. Mỗi chiếc lá là tổng hợp của nhiều lá nhỏ li ti, cùng châu đầu vào một sườn lá chính. Như hoa phượng, hoa Jacaranda cũng nở rộ vào những ngày hè. Những đóa hoa giống như cái chuông màu tím nhạt, mọc thành chùm, thường lấn lướt hết màu xanh của lá. Vào mùa hoa nở, tôi thích lái xe qua những con đường có trồng hoa phượng tím. Màu tím ở hai bên đường, ở trên những ngọn cây đan vào nhau. Màu tím nhìn ngút mắt. Lái xe ra khỏi đoạn đường như vậy vài phút rồi mà mắt tôi vẫn còn hoa lên với cái không gian màu tím ấy.

Ở trường tôi làm việc cũng có vài cây phượng tím. Khi được phân công cùng với các thầy cô khác để trực sân trường (yard duties) vào giờ chơi hay giờ ăn trưa, tôi thường “xí” đứng trực ở khu vực có những cây phượng tím. Dưới những tàng cây xum xuê này, tôi cảm thấy được cây che chở phần nào khỏi cái nắng gắt chói chang của những ngày đầu niên học. Vào lúc này cây đã đầy với những trái khô. Những hôm trời có gió, trái khô đung đưa theo gió và những hột khô ở trong va chạm vào thành trái tạo ra những âm thanh lào xào như tiếng đàn bà, con gái chuyện trò. Có hôm tụi học trò nhỏ mắt xanh mũi lõ của tôi chán chơi với những dụng cụ cung cấp bởi nhà trường, hè nhau ra nhặt những trái phượng tím khô rơi trên đất để chơi trò đánh kiếm. Chỉ chơi được vài phút là kiếm bắt đầu gẫy, hột văng tung toé trên mặt đất.Thế là cả bọn lại kéo đi chỗ khác, để lại tôi ở lại tiếc rẻ, ước gì có hoa phượng đỏ để tôi bày tụi nó chơi trò đá gà.

Cuộc đời có những ngã rẽ thật bất ngờ, không ai biết trước được. Hồi xưa tôi có bao giờ nghĩ là mình sẽ làm nghề giáo đâu. Làm người lái đò đưa người qua sông cô đơn lắm. Người lái đò bao giờ cũng là người ở lại. Người đi có khung cảnh mới nên chóng quên trong khi người ở lại chỉ có con đò, bến cũ và kỷ niệm mà thôi.Thật vậy, trong số người ra đi, thử hỏi có mấy ai tìm về bến cũ? Ấy thế mà sau bốn năm học đại học mờ mắt ở xứ người, tôi đã an phận làm nghề “gõ đầu trẻ” bao nhiêu năm nay. Nhờ sự tiến bộ của khoa học và sự hiện đại hóa của những dụng cụ giảng dạy, công việc của tôi tương đối đỡ vất vả hơn so với các thầy cô hồi xưa. Hệ thống bảng điện tử (Interactive White Board) trong lớp của tôi gồm có một cái bảng trắng điện tử, một máy vi tính và một cái máy chiếu ảnh (projector). Nghe đâu tốn khoảng gần tám ngàn đô la cho mỗi hệ thống như thế. Cái bảng trắng này có một chức năng rất là đặc biệt là phản ứng qua sự đụng chạm vào mặt bảng (touch screen). Nhờ những phần mềm (solfwares) được chế tạo cho hệ thống này, tôi không cần phải dùng phấn, bút gì cả mà chỉ cần dùng ngón tay viết lên bảng là ra chữ. Bảng còn được dùng như một màn ảnh vi tính phóng đại. Bài vở, phim tài liệu, trò chơi học tập được chiếu lên bảng. Thầy cô giảng dậy, học trò thực tập bằng cách dùng những solfware phù hợp và bằng ngón tay nhấn vào những icons chức năng khác nhau ở góc bảng. Rất là tối tân và hấp dẫn. Nhờ cái bảng “thần” này mà quần áo tôi không phải bị nhem nhuốc bụi phấn như các thầy cô khi xưa của tôi và đã giúp tôi tiết kiệm được rất nhiều thì giờ soạn bài. Bài vở soạn được lưu (save) trong máy đến khi dùng là cứ việc mở ra, không cần phải mất thì giờ viết nắn nót trên bảng rồi sau đó lại phải xóa đi.

Không giống học trò Việt Nam thời đó, học trò Úc của tôi rất là dạn dĩ, ngay cả những em nhỏ mới chập chững vào lớp một. Các em rất tích cực trong việc thảo luận và không ngần ngại phát biểu ý kiến của mình nên không khí lớp học thường sôi nổi. Mục tiêu của ngành giáo dục ở đây là hướng dẫn các em học sinh có được những kỹ năng cần thiết để tự mở rộng kiến thức cho mình chứ không giáo dục theo lối “học thuộc lòng” cổ điển. Tôi rất thích dạy học trò lớp nhỏ, như lớp một, lớp hai chẳng hạn. Ở tuổi này các em rất là ngây thơ và dễ thương, thích gần gũi với cô giáo. Cách đây mấy hôm tôi nói mấy em vẽ một bức hình của chính mình rồi viết vài hàng về tên tuổi, gia đình và sở thích của mình. Vài phút sau một em lên gặp tôi, nước mắt đoanh tròng. Tôi hỏi tại sao em khóc thì em cho biết là em không vẽ được vì không biết mặt mình như thế nào. Chỉ muốn phì cười nhưng tôi cố nhịn rồi cho em mượn cái gương nhỏ để em nhìn mình mà vẽ.

hpham-large-content

Khi có cơ hội, tôi thường kể cho các em nghe về quê hương của tôi, nơi súng đạn của những ngày chiến tranh cũng không làm mất đi những vô tư, hồn nhiên của tuổi thơ. Và như một thói quen không bỏ được, những hàng cây phượng vĩ trong ký ức luôn hiện hữu trong các câu chuyện tôi kể, vẫn rực rỡ như bao giờ.

Tối nay, cầm cái vé máy bay trên tay, tôi hí hửng dở lịch đếm ngày, như một đứa trẻ hân hoan chờ Tết đến. Phải rồi, cái Tết sắp đến của tôi là một cái Tết trong tháng bảy, rộn rã với những cuộc hội ngộ lần đầu mà chắc rằng sẽ làm tôi cay mắt.

Adelaide, tháng ba, 2011

Hạnh Phạm.

04 Tháng Giêng 2021(Xem: 11713)
... chợt ngưng vẽ môi điểm nụ cười mắt long lanh. sáng dường như V đang có điều bí mật thì ra “điều bí mật” luôn ẩn nấp trong tim đợi tiếng. thầm thì...
31 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 13551)
Lời tôi chỉ gió thoảng hư không Nghĩ đến tương lai cũng chạnh lòng Đàn con cháu Việt trên đất Mỹ Có còn hạnh phúc như ước mong?
31 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 12357)
Hân hoan chào đón năm mới sang Pháo mừng Xuân đến nổ rền vang 2021 nhiều hy vọng. An Bình, Hạnh Phúc tiếng cười vang.
31 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 10588)
Chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa là năm 2021 đến với chúng ta. Xin hãy mang đến niềm vui, an lành, hạnh phúc và thịnh vượng đến với thế giới này. CHÚC MỪNG NĂM MỚI
31 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 13719)
Năm nay với những ngày ‘cấm cung’ vì dịch Covid-19, tôi mới nghĩ đến việc ngồi xuống viết về “Tỉa Thủy Tiên” để chia sẻ với bạn bè thân hữu ở xa những kinh nghiệm và hiểu biết (có thể chỉ là căn bản) về thủy tiên.
19 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 10872)
. Mùa Giáng Sinh đã về thực sự trong căn nhà bấy lâu đã mất nụ cười. Ngày mai họ sẽ trang trí cây thông. Ánh đèn rực rỡ, thiên thần và những quả bóng nhỏ sẽ lấp lánh niềm vui hạnh phúc gia đình .
19 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 12324)
Những bông tuyết trắng nhẹ buông Là lòng của mẹ yêu thương gửi về Chúc con người lính xa quê Sống vui khỏe mạnh ngày về bình an.
17 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 11720)
Em như loài hoa dại Mọc trên đá khô cằn Vẫn vươn mình lớn dậy Thơm ngát cùng gian nan.
17 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 12272)
Thương người, nhớ nước nhớ non. Nay nơi đất mới, tuyết còn đang rơi... Đông,Tây xa cách đôi nơi Đôi dòng gửi Bạn người ơi thấu tình?
13 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 10581)
Bài hát Giáng Sinh thật hay đó không phải được phát lên ở Mỹ hay Âu Châu lạnh lẽo giữa mùa đông tuyết giá. Mà được phát ra tại quê hương tôi giữa nhiệt độ nóng nực 112 độ F Sài Gòn.
12 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 11233)
Và cuối cùng tôi yêu Trái tim nhỏ mỹ miều Xin em đừng ngừng đập. Để tôi hoài được yêu.
28 Tháng Mười Một 2020(Xem: 12112)
Xin cúi đầu tri ân Tiên Tổ Những Anh Hùng Liệt Nữ Việt Nam Mũi Cà Mau đến Ải Nam Quan Xương máu thành phù sa bồi đắp.
28 Tháng Mười Một 2020(Xem: 11509)
Cám ơn với tất cả lòng trân trọng cuộc đời này, hạnh phúc này. Kính chúc những người tôi yêu thương thật nhiều sức khỏe, an lành và hạnh phúc.
27 Tháng Mười Một 2020(Xem: 13390)
Mưa rơi trên lá vàng thu Tiếng mưa như tiếng mẹ ru thuở nào Giọt thánh thót, giọt nghẹn ngào Tràn dâng nỗi nhớ, lời ca dao buồn
21 Tháng Mười Một 2020(Xem: 10280)
Mong rằng nhà giáo sẽ được tôn vinh thật sự, chứ không phải tạo ra để tặng hoa và liên hoan. Hãy tôn trọng những Thầy Cô đứng đắn đứng trên bục giảng và cũng nên thẳng thắn nhìn vào nền giáo dục để xây dựng, củng cố văn hóa Việt Nam..
21 Tháng Mười Một 2020(Xem: 12698)
Nguyện cầu Trời, Phật, ơn trên...? Làm cho thế giới trở nên An Lành.. Cản ngăn kẻ ác tung hoành. Giúp người yêu nước hoàn thành ước mơ.
21 Tháng Mười Một 2020(Xem: 13626)
Một nén hương lòng tiễn đưa nhau Tử sinh tái hợp có gì đâu Cánh hoa phiền muộn giờ khép lại Phiến lá sầu chìm giữa mưa ngâu.
15 Tháng Mười Một 2020(Xem: 11016)
Vì đại dịch COVID-19, chừng như nhân loại đang phải có một thời gian ngủ đông như loài gấu trắng ở Bắc cực. Hy vọng đây là lần “ngủ đông” duy nhất của loài người trong thế kỷ 21.
15 Tháng Mười Một 2020(Xem: 12469)
đêm tàn lạnh giấc mơ hoa tiếng mưa ngày cũ xót xa nỗi niềm hàng cây trút lá ưu phiền tiễn thu lặng lẽ, đầy thềm gió mưa....
14 Tháng Mười Một 2020(Xem: 10760)
Lá bàng ở sân xoay vòng rồi rơi xuống. Đời mụ cũng như chiếc lá vàng còn nằm ở trên cây sẽ rụng bất cứ khi nào. Tại sao mụ phải sợ.
14 Tháng Mười Một 2020(Xem: 12609)
Từ ấy đông Biên Hòa trở lạnh Trăm năm sông vẫn mịt mờ sương Lối quen sao đường về lạc hướng Người ơi người quanh quất buồn tênh.
14 Tháng Mười Một 2020(Xem: 12887)
Năm nay bầu bán thật là buồn Virus giờ này chẳng chịu buông Xã hội hô hào binh với chống Gia đình tranh chấp ghét và thương
08 Tháng Mười Một 2020(Xem: 10304)
Anthony và chủ các nhà hàng khác vẫn cầu nguyện và hy vọng ở một mùa xuân năm tới khí hậu ấm lên, và sẽ có thuốc ngừa đại dịch. Người ta có nghị lực tranh đấu để tồn tại nhờ hy vọng ở một ngày mai tươi sáng hơn. Sau cơn mưa trời lại sáng...
07 Tháng Mười Một 2020(Xem: 11227)
Những thứ này xa lắc rồi. Mấy ai còn nhớ đâu, nhưng có khi lại thấy chúng gần, thật gần… tưởng chừng như mới đâu đây thôi, như hôm nay tôi ngồi viết bài này. Chạm tay vào dĩ vãng, sao thấy ngậm ngùi quá!
01 Tháng Mười Một 2020(Xem: 10924)
Tin hay không tin có ma tùy bạn. Nhưng xin các bạn đừng ghét ma vì họ rất tội nghiệp. Các bạn đừng chọc phá hay làm bạn với ma quỷ. Hãy để ma sống yên bình với thế giới của riêng họ.
01 Tháng Mười Một 2020(Xem: 11548)
Hóa mã... cô cười vui tợn nhỉ? Thành ngưu... cậu nhảy thích ghê mà! Bù cho thuở nọ... ta còn bé Chỉ chộ hình ma đã khóc òa!
01 Tháng Mười Một 2020(Xem: 13046)
Đêm Halloween đốt hương em thủ thỉ Ma năm nay không xin kẹo "Trick or Treat Ba ngày tới bầu Tổng Thống định kỳ Mà kết quả sao lần này đáng sợ.
24 Tháng Mười 2020(Xem: 10422)
Tên thanh niên không thèm ngoái đầu nhìn lại, nó ôm con gà ngồi ở yên sau. Chiếc xe rồ máy lao ra khỏi cổng. Chị Mận đứng yên như trời trồng miệng lẩm bẩm: - Không biết sáng giờ nó ăn uống gì chưa?