Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Hà Thị Nhung - LỚP HỌC CHÚNG TÔI NGÀY XƯA ẤY

03 Tháng Mười Một 201212:00 SA(Xem: 24288)
Hà Thị Nhung - LỚP HỌC CHÚNG TÔI NGÀY XƯA ẤY

Lớp học chúng tôi ngày xưa ấy…

 

 lop_co_nhung-large

Lớp Đệ Nhất B2 (khóa 5)

 

 Nói về trường Ngô Quyền chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm. Kỷ niệm khó quên với bạn bè của những năm cuối thời trung học, và kỷ niệm với thầy cô, những người thầy đã làm gương mẫu cho chúng tôi về mọi mặt trong khoảng thời gian không dài lắm nhưng đã đủ để chúng tôi làm hành trang vốn liếng đi vào đời.

 

Ngày đó lớp đệ nhất B2 Pháp Văn niên khóa 1966-1967 của chúng tôi có 28 nam sinh thuộc thành phần học sinh giỏi của trường, đều thi đậu Trung học Đệ nhất Cấp và Tú Tài 1 với hạng cao, và 3 nữ sinh cùng chung học. Với sỉ số tương đối ít trong một lớp nên lớp chúng tôi được nhiều thuân lợi hơn các lớp có sỉ số học sinh đông. Chúng tôi được trả bài, lên bảng thường xuyên và vì thế mà thầy cô cũng biết được sức học của từng người học sinh trong lớp. Riêng tôi đã phải cố gắng nhiều hơn khi được học chung lớp với các nam sinh vốn có nhiều thành tích xuất sắc trong học tập. Tôi nhận thấy các nam sinh mặc dù học giỏi nhưng có vẻ hiền, khiêm nhường lại thêm ít nói, và 3 nữ sinh cũng thế. Suốt niên khóa chúng tôi hình như không hề nói chuyện với nhau. Chính tôi cũng không hiểu tại sao lớp chúng tôi lại rời rạc như vậy. Có lẽ tôi là người dạn dĩ hơn hai bạn của tôi lúc đó vì được làm Phó lớp với nhiệm vụ lấy và cất sổ điểm hàng ngày nên khi ra trường tôi đã nhớ được tên của một số ít các bạn nam sinh. Kỷ niệm mà tôi còn giữ được là hai tấm ảnh chụp năm đó nay đã bạc màu.

 

 Chúng tôi rời xa trường Ngô Quyền nay đã được 44 năm. Thời gian cũng đủ dể thay đổi vóc dáng và những nét thanh xuân ngày xưa thành những nét xa lạ của những người ở tuổi lục tuần. Để tìm được nhau, chúng tôi đã dựa vào tấm ảnh chụp trong lớp với thầy Đinh Hữu Quyến, tấm ảnh mà trong đó có ba nữ sinh ngồi bàn đầu với dáng điệu cô đơn có phần buồn bã trong một lớp toàn nam sinh đang vui vẻ vì được chụp hình lưu niệm. Điểm đặc biệt này có lẽ ít lớp học nào có được. Tôi còn nhớ cách đây vài năm một hôm chị Huệ gọi phone cho tôi, chị nói: “có người bạn cùng lớp tên Đỗ Hữu Phương muốn gặp Nhung” và cho tôi biết địa chỉ nhà chị Chung bảo tôi đến đó họp mặt với các bạn CHS Ngô Quyền. Thú thật trong trí tôi lúc đó không có một hình ảnh nào gợi nhớ về Phương ngày xưa. Tôi cẩn thận bỏ 2 tấm ảnh vào ví và lái xe đi với một niềm vui sắp được gặp bạn cũ Ngô Quyền. Đến nhà chị Chung tôi mạnh dạn bước vào sân sau nơi đang có party ở đó. Tôi đảo mắt tìm chị Huệ, vì lần đầu tiên đến nơi đây tôi không quen ai ngoài Huệ cả, từ xa Đỗ Hữu Phương đã nhận ra tôi. Anh đứng lên từ một cái bàn ở phía trong cùng và đi rất nhanh về phía tôi với nét mặt rạng rỡ; anh cười và mừng rỡ ôm lấy tôi chào hỏi vồn vã như đón một người thân từ xa mới về. Ngay lúc đó tôi mở ví lấy ra tấm ảnh đưa cho Phương, anh nhìn tấm ảnh vài giây rồi đưa ngón tay chỉ vào một người đứng sau thầy Quyến và nói: “cái người này là tui nè”.

Ồ! Vậy là bạn mình rồi”, tôi nói thầm, cám ơn hội CHS Ngô Quyền đã giúp cho tôi cơ hội tìm lại bạn cũ ngày xưa. Trong buổi tiệc hôm đó tôi đã gặp Loan vợ của Phương người rất vui vẻ và cởi mở, giống như chồng, Loan kể cho tôi nghe những kỷ niệm về hai người lúc chưa cưới với những tiếng cười dòn tan. Loan thật dễ thương. Chị đã cho tôi cái cảm giác thân mật, nồng ấm ngay lần đầu tiên đến với hội CHS Ngô Quyền.Tôi được biết sau khi đậu Tú Tài hai, Phương theo học Luật và tốt nghiệp Luật khoa Saigon, rồi ra đi làm cho đến ngày di tản qua Mỹ và hiện cư ngụ tại Riverside, California.

 

Rồi đến một hôm Phương gọi phone cho tôi bảo rằng: “Trong tâp san NQ có một người là bạn học cùng lớp mình đó, thấy không? Bài viết có nhắc đến tên ba nữ sinh lớp mình là Nhung, Tài và Tốt, đúng rồi! Ông này ước sao cho kim đồng hồ quay ngược để tìm lại các bạn đệ nhất NQ năm xưa, để tôi tìm xem ông này ở đâu”?

Tôi lấy quyển đặc san NQ mới nhận còn để trên bàn chưa có thời gian để đọc, mở ra tìm đúng số trang mà Phương đã nói, “Đúng rồi, ông này là bạn học cùng lớp đây mà, bút hiệu là Trần Kiêu Bạc”.

Vài ngày sau Phương gọi cho tôi biết là Trần Ngọc Danh hiện là nhà văn, nhà thơ Trần Kiêu Bạc và Phương hứa sẽ gọi cho Danh và bảo với Danh là không cần kim đồng hồ quay ngược đâu, đi một chuyến xe xuống vùng Little Saigon là sẽ gặp bạn cũ ngay. Và Phương đã tìm ra Trần Ngọc Danh từ bài viết của anh. Tôi được biết Danh đã từng tốt nghiệp Đốc Sự Quốc Gia Hành Chánh rồi được bỗ nhiệm đi làm sau đó, khi miền Nam Việt Nam bị mất anh cũng theo đoàn người di tản sang Hoa Kỳ, hiện gia đình anh ở Sacramento, thủ phủ của California. Điều ngạc nhiên và gây nhiều thú vị là bây giờ Danh viết văn và làm thơ rất hay mặc dù gốc là học sinh ban B với bút hiệu Trần Kiêu Bạc (cái tên nghe rất hay như những bài thơ và văn anh viết)… Tôi rất hãnh diện khi đọc lời nhận xét về anh từ giáo sư và cũng là nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, tôi xin trích nguyên văn lời phê bình của thầy về bài thơ “Chiếc Ghế Bỏ Trống” của Danh:

“Đối với tôi, Trần Kiêu Bạc còn quá trẻ, nhưng thơ anh đã bước vào thế giới của thi ca bằng những bước đi vững chải của người đồng điệu. Thơ không có tuổi và người làm thơ Trần Kiêu Bạc đã cho thấy tiếng nói của một thi sĩ nhìn ra được kiếp người”.

Tôi còn nhớ ngay sau khi Danh gởi cho tôi cái mail đầu tiên xác định mình là học sinh lớp đệ nhất B2, tôi liền gởi cho Danh tấm ảnh của lớp, và tôi nhận được mail trả lời rất vui: “cái thằng đứng ở cuối lớp có cái dáng quen quen, chắc thằng đó là tui”.

 

Chúng tôi vui mừng khi tìm ra nhau và chỉ vài tuần sau Danh và Phương đã xuống Orange County họp mặt tại nhà tôi. Chúng tôi có dịp cùng nhau nhắc về trường cũ và bạn cũ. Người được nhắc đến đầu tiên là Trưởng lớp Ninh Ngọc Phan. Trong ảnh, Phan là người có dáng đứng oai nhất ở trước khung cửa sổ. Chỉ sau vài tháng chúng tôi đã tìm được Phan, hiện định cư ở San Jose, Bắc California. Ninh Ngọc Phan rất hiền lành và nho nhã, lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Phan cũng tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, và cũng đã từng là công chức trước năm 75. Tôi còn nhớ ngày chúng tôi còn học ở NQ vào những ngày Chủ nhật hay ngày lễ, trường không có lớp học, vài người trong chúng tôi trong đó có Phan, thường vào trường đem theo sách vở, phấn viết bảng và thức ăn trưa. Mỗi người trong chúng tôi chọn một phòng học cho riêng mình, kín đáo và biệt lập, cặm cụi học và làm bài tập cho đến khi chiều xuống mới về nhà. (Thật là tuyệt vời khi chúng tôi tìm ra được một phòng học lý tưởng vừa kín đáo, vừa yên tịnh để gạo bài trong thời gian đó). Thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Bảo dễ dãi, và bác bảo vệ của trường chắc cũng có ý muốn giúp các học sinh chăm chỉ và hiền lành như chúng tôi nên bác đã cố ý hay vô tình mở cái lối đi nhỏ cạnh cổng lớn của trường để chúng tôi ra vào một cách tự nhiên trong những ngày nghỉ. Ôi bác thật dễ thương làm sao!

 

 Ngày đó, nổi tiếng có Nguyễn Thanh Vân, thường được gọi Vân Mắt Kiếng, và Nguyễn Ngọc Ẩn E, hai học sinh giỏi của trường. Hai anh này thay nhau đứng đầu lớp, sau khi rời trường Ngô Quyền, Thanh Vân thì du học Mỹ và Ẩn E sang Nhật.

 Ẩn E tánh khiêm nhường có chút e lệ rụt rè. Tôi còn nhớ ngày đó mỗi khi vào lớp, anh thường đi men theo lối đầu bàn phía sát tường có lẽ anh muốn tránh sự chú ý của các bạn. Năm 1989 (cách 22 năm sau ngày chúng tôi tản mác mỗi người một nơi), Ẩn E từ Nhật trở về thăm gia đình, anh đã đến trường NQ tìm tôi. Lúc đó tôi đang dạy trong lớp và lớp tôi đang dạy lại là căn phòng học mà ngày xưa là lớp đệ nhất B2 của chúng tôi. Mặc dù ngày xưa tôi và anh chưa hề có một lần nói chuyện hay đối diện với nhau, nhưng găp lại nhau lần đó chúng tôi rất mừng như đã từng là bạn thân thiết lắm! Ẩn E vẫn như thế, giản dị và ân cần. Ngày hôm đó, sau khi tan trường, tôi đã đưa Ẩn E gặp trưởng lớp Ninh Ngọc Phan, và cũng cùng ngày đó, chúng tôi đã dừng chân lại ngắm những công trình kiến trúc của bạn Đỗ Thiện Tâm hiện là kiến trúc sư của thành phố Biên Hòa. “Không ngờ bạn mình giỏi quá!...”, anh nói và theo sau là những cái chặc lưỡi,và cứ như vậy, Ẩn E lập đi lập lại nhiều lần mỗi khi ngắm nghía một phần nào đó của tòa nhà to lớn và đẹp nhất của thành phố Biên Hòa. Anh đã suýt xoa khi tôi cho anh biết là còn một kiến trúc sư cũng giỏi không thua Đỗ Thiện Tâm là Khương Văn Mười. Mười là em trai của giáo sư Khương thị Bàng dạy tôi lớp đệ tam B. (Tôi còn nhớ rõ cái dáng cao cao của Mười, đi ngang nhiên vào lớp với lối đi giữa lớp).

Trong ảnh, anh ngồi sau Lê Trung Thu, Mai Minh Tuất và Tiêu Em Thành, bên phải anh là Đỗ Hữu Phương và Đỗ Thiện Tâm, bên tay trái anh là Nguyễn Văn Nam.

 

Cách đây vài năm Ẩn E sang định cư tại Mỹ và chúng tôi đã có dịp gặp lại nhau. Anh vẫn độc thân vui tính, nhưng chỉ sau một thời gian không lâu, anh lại tất tả quay về Nhật. Anh tâm sự rằng anh xa Việt Nam khi anh chưa đầy 20 tuổi, và đã sống ở Nhật trong thời gian gấp hai lần hơn ở Việt Nam, anh có bạn bè bên ấy, xa họ anh thấy nhớ, và vì anh đã quen nếp sống êm đềm và kỷ luật ở Nhật rồi nên xa Nhật anh nhớ lắm. Điều quan trọng là những điều người Nhật nói anh hiểu, người Nhật cười anh cũng cười được, Shusi và thức ăn Nhật anh ăn cũng quen và thấy ngon nên anh không muốn ở lại Mỹ. Khi tôi đang viết về anh thì nhận được tin nước Nhật đang trải qua một thảm họa kinh hoàng, động đất ở cường độ gần 9 độ Richters, liên tiếp theo sau là sóng thần Stunami, mấy lò nguyên tử cũng đang phát nổ. Có nhiều trận động đất nữa cũng đang xảy ra và đang tàn phá nước Nhật. Chúng tôi đã liên lạc với anh và biết anh vẫn bình yên. Anh cho biết anh có thể về lại Mỹ nhưng anh không thể, anh muốn ở lại để cùng chia sẻ và đóng góp phần nào đó công sức của anh với bạn bè và dân chúng Nhật Bản. Cầu nguyện cho đất nước Nhật sớm khắc phục thiên tai và Ẩn E của chúng tôi được bình yên mạnh khỏe để anh làm được những điều anh mong muốn.

 Mới đây Đỗ Phương đã liên lạc được với các bạn Mai Minh Tuất, Nguyễn Văn Chương (thường gọi anh là Chương Cù Lao), Đặng Văn Hùng, Tiêu Em Thành, các bạn mà tôi nhận ra được trên tấm ảnh là Nguyễn Thanh Tân, người đứng cuối lớp cạnh Trần Ngọc Danh (đứng trên cao ở tận cùng bên trái của ảnh), Bùi văn Sàng sau Phương. Ngồi cạnh Sàng là Huỳnh Kim Quang (Quang hiền và ít nói, anh đã lặng lẽ bỏ bạn bè ra đi trong cuộc chiến VN). Châu văn Lộc kế bên Tiêu Em Thành.

Các bạn của tôi ơi! Vì tuổi già, trí nhớ bắt đầu giảm sút nên tôi đã không nhớ được hết tên các bạn cho dù tôi đã nhìn kỹ hai tấm ảnh không biết bao nhiêu lần. Mong các bạn bình yên và mạnh khỏe để có ngày nào đó chúng ta sẽ ngồi lại với nhau thành lập lại một lớp B2 như ngày xưa.

 

* * *

 

Thầy cô của tôi, các giáo sư Ngô Quyền của thập niên sáu mươi, những người THẦY không những đã dạy cho chúng tôi về kiến thức văn hóa mà còn dạy cho chúng tôi những căn bản về đạo đức và tác phong Sư Phạm của người thầy qua các phong cách riêng của mỗi thầy cô mà chúng tôi được học. Riêng tôi, nhìn thầy cô mình ngay trong những ngày còn cắp sách đến trường ở tuổi niên thiếu cũng đã sớm nhận ra được những bài học không thành văn quý giá mà các thầy cô tôi đã gởi gắm cho các học sinh.

 

Khi lên lớp đệ nhất tôi được học Sử Địa với cô Đinh Thị Hồng Oanh. Cô giáo tôi thật nhẹ nhàng, dịu dàng, luôn tươi mát trong các áo dài mà cô mặc. Tóc cô cắt rất đẹp. Tôi không nhớ những bài cô dạy nhiều bằng nhớ những chiếc áo dài mà cô mặc khi vào lớp. Cô tôi thật duyên dáng và dễ thương trên bục giảng. Có lẽ vì cô đẹp quá nên ba đứa con gái chúng tôi ngồi ngay bàn đầu mà học cũng chẳng khá hơn các bạn nam sinh ngồi các bàn sau. Một hôm trong giờ cô đang dạy, Cao Thị Tốt ngồi kế bên khều tôi nói nhỏ: “hôm nay cô mặc áo lót màu vàng …”. Tôi nhìn lên cô và nhận ra rằng con nhỏ này quan sát cô kỹ quá. Nó nhìn cô xuyên qua cả áo dài, vì phải chú ý mới thấy được màu áo bên trong của cô. Nhỏ Liêng Tuấn Tài ít nói và kín đáo hơn. Vì không ngồi gần nên tôi không biết Nhỏ nghĩ gì. (Tài thường dùng chữ “nhỏ” dễ thương để chỉ về mình mỗi khi nói chuyện), nhưng tôi biết Nhỏ cũng như hai đứa tôi đang nhìn cô để vẽ ra những hình ảnh của mình trong tương lai. Sau này không hẹn mà ba chúng tôi đều chọn ngành Sư Phạm, không biết hai bạn tôi thế nào nhưng riêng tôi thì thấy rằng tôi đã học được ở cô những nét rất hay khi đứng trên bục giảng. 

 

Lớp đệ nhị và đệ nhất tôi được học Toán với thầy Trần Phiên. Thầy rất điềm đạm, giảng bài rất kỹ lưỡng.Tiếng giảng bài của thầy nhỏ nhưng đủ cho cả lớp nghe. Tôi thấy thầy mang sách vào và để trên bàn giáo sư nhưng ít khi thầy nhìn vào sách. Chưa thấy thầy quở trách học sinh nào. Tôi mê lối giảng bài của thầy lắm vì khi thấy cầm viên phấn để vẽ vòng trỏn thì hình vẽ liền tròn và đôi khi chưa tròn mà thầy còn đang giảng dở dang thì thầy vung tay trái để sửa lại cho tròn trong khi mắt thầy vẫn đang nhìn xuống lớp. Những lúc thầy dùng tay trái để vẽ hình tôi phục thầy quá! Thầy vẽ tam giác đều, đường phân giác của góc, đường trung trực… cũng chỉ một nét vẽ mà thôi. Hình ảnh thầy lên lớp rất nhẹ nhàng đã ghi đậm trong ký ức của tôi ngày ấy và tôi đã bắt chước thầy trong những lúc học Hình Học, tôi vào trường trong những ngày nghỉ, tìm một phòng còn trống, vào trong đó đóng cửa lại để tránh mọi người nhìn thấy, rồi cũng lên bảng, đi đi lại lại, tập vẽ vòng tròn cho thật tròn mà không dùng compas, làm trước các bài tập trong sách, tập giải thích sao cho giống thầy để khi được thầy gọi lên bảng tôi sẽ giảng giống như thầy. Tôi đã sớm học được những tác phong Sư Phạm có hiệu quả của thầy mỗi ngày một ít mà tôi không hay biết.

 

Thầy Lâm Tấn Văn dạy Vạn Vật cho chúng tôi lớp đệ nhị và đệ nhất. Tôi rất thích cách lên lớp của thầy. Thầy vào lớp nhẹ nhàng và lối giảng bài của thầy thật dễ dàng như là đang kể chuyện, giọng nói thân tình như dặn dò, và chúng tôi ngồi dưới im lặng lắng nghe. Tôi còn nhớ có lần thầy vẽ hệ thống tuần hoàn máu có trái tim và có các mạch máu đi ra đi vào, tâm thất phải, tâm thất trái, v.v… và v.v… Tôi ngồi đó, nghe thầy giảng và nhìn vào hệ thống tuần hoàn máu trên bảng như đang nghe thuyết trình rồi liên tưởng đến các bạn đang học ban A, lòng tôi khởi lên sự thán phục vô cùng, môn học khó như vầy mà các bạn tôi học được. Các bạn có biết là tôi học Vạn Vật vất vả lắm không? Tôi còn nhớ khi còn học Sư Phạm, trong giờ thực tập tại một trường Trung Học trong thành phố Sàigòn. Lần đó, tôi dạy một bài Hóa Học. Tôi có mang theo các dụng cụ để làm thí nghiệm. Học sinh lớp đó khoảng 50 em. Các sinh viên thực tập cùng giáo sư hướng dẫn thực tập ngồi cuối lớp. Với một lớp học như vậy, tôi cũng hơi lo, nhưng ngay sau đó tôi đã lấy bình tỉnh, đi vào lớp. Thật không ngờ là tôi đã tạo cho mình một dáng dấp của thầy, thật nhẹ nhàng và thân thiện ngay từ lúc bước vào cửa lớp học. Đến khi bắt đầu làm thí nghiệm,tôi bật que diêm và nói nhỏ với chính mình “gió quá chắc không cháy được ” ngay lập tức ba nam sinh ngồi đầu bàn phía trong đứng dậy đóng cửa sổ, và thí nghiệm thành công trước những cặp mắt thích thú của học sinh. Lần đó tôi được điểm thực tâp cao nhất. Tôi cám ơn thầy đã cho tôi những kinh nghiệm giảng dạy của thầy.

 

Thầy Đinh Hữu Quyến dạy chúng tôi môn sinh ngữ chính Pháp Văn và cũng là giáo sư hướng dẫn lớp. Tôi không có “khiếu” với môn sinh ngữ cho dù có cố gắng tôi cũng không bằng các bạn. Tôi nhớ có một lần tình cờ tôi đáp trúng câu hỏi của thầy, dĩ nhiên là thầy đã cho câu dễ nhất, khi tôi vừa dứt câu, tôi nghe tiếng thầy vang lên: “Mô Phật”, tôi nhìn lên thầy ngơ ngác, “Ô! thì ra mình đã đáp đúng câu hỏi của thầy ". Học dở như vậy mà thầy cũng không nói gì. Ôi! thầy thật nhân từ.

 

Vào một ngày nọ, trong lúc ra chơi để chờ vào học hai giờ cuối Pháp Văn của thầy, tôi cảm thấy có điều gì lạ ở phía nam sinh. Nghe các nam sinh chụm lại nói nhỏ với nhau, tôi hỏi Tốt: “có chuyện gì vậy? ”, Tốt trả lời: “tụi nó tính nghỉ giờ thầy Quyến”. Tôi còn đang suy nghĩ thì một tiếng hô không biết của bạn nào phát lên như ra lệnh: “thôi về đi các bạn, nghỉ giờ này”. Rồi đồng loạt các bạn kêu lên: “đi về, đi về,…chạy lẹ lên, không thôi thầy xuống là phải học đó”.

Rồi các bạn hối nhau: “chạy lẹ lên…”. Tôi quay lại thấy các nam sinh chạy túa ra hai cửa, đồng thời ngay lúc đó phía sau tôi có tiếng của một nam sinh: “ai ở lại sẽ xin tí huyết”. Không kịp suy nghĩ tôi vơ lấy sổ điểm chạy lên văn phòng và trả sổ trên cái bàn mà lúc đầu giờ tôi đã lấy sổ ở đó, rồi chạy thật nhanh ra cái cổng nhỏ phía sau để về nhà. Sau khi ra khỏi cổng được một đoạn, tôi chợt thấy hối hận liền quay lại đứng núp bên cây trụ cột của cổng nhìn vào cái lớp trống trơn mà lòng không khỏi hồi hộp và lo sợ.

Tuần sau, vào giờ của thầy, cả lớp chúng tôi yên lặng chờ đợi hình phạt về việc dại dột tuần trước, nhưng thật bất ngờ, sau khi thầy cho cả lớp ngồi xuống, thầy tươi cười nói rằng:” Tuần trước thầy đứng trên lầu nhìn xuống, thấy trưởng lớp cùng các bạn hai giò vắt lên cổ chạy ra lối cổng trước, còn phó lớp thì hai vạt áo dài bay tung lên chạy ra phía cổng sau”. Chúng tôi cúi đầu không dám nhìn thầy… Chỉ có hai câu ngắn ngủi như thế rồi thầy bắt đầu bài dạy, không có một lời trách mắng nào theo sau, tôi vừa hối hận vừa xấu hổ và tự hứa là sẽ không bao giờ tái phạm.Với cách giáo dục như thế, thật nhẹ nhàng nhưng tác dụng, đến bây giờ sau 44 năm xa thầy tôi vẫn nhớ.

 

 Thầy Mai Kiến Phúc lúc đó là một giáo sư trẻ mới ra trường đầy nhiệt huyết và tận tâm. Thầy khiêm nhường, ít khi nói về mình, nhưng các bạn tôi thường nhỏ to với nhau rằng thầy học rất giỏi và tốt nghiệp thủ khoa môn Lý Hóa của Đại học Sư Phạm Sàigon… Điều này làm tôi cảm thấy hãnh diện khi đươc học môn Lý Hóa với thầy. Cách dạy của thầy thật sinh động, mạnh mẽ và cương quyết nên học sinh nào chậm chạp hoặc trễ nãi thường bị thầy la rầy. Thầy vào lớp rất đúng giờ, và học sinh đi trễ là không thể chấp nhận được , Thầy dùng bảng để vẽ nhiều hình minh họa cho một bài giảng cũng như bài tập khiến hoc sinh chúng tôi dễ hiểu và nhớ dai hơn. Các định lý và định luật được thầy nhấn mạnh và lập đi lập lại nhiều lần mỗi khi có vấn đề liên quan. Để ý điều đó, tôi đã nắm được bí quyết làm bài tâp Lý Hóa trong giờ thầy. Tôi yêu thích ngay môn Hóa Học khi được học Hóa với thầy. Những dây chuyền phản ứng được thầy viết đầy trên cái bảng to gần bằng bức tường, chất này sinh ra chất kia qua các mũi tên và chúng tôi là người phải viết cho đầy đủ các phản ứng cần thiết để nó được sinh ra. Trong những lúc ôn bài của thầy tôi đã biến cái dây chuyền của thầy thành cái dây chuyền phản ứng đầy sáng tạo của chính mình với nhiều mũi tên chỉa ra tứ phía, và như thế tôi đã học Hóa một cách dễ dàng. Cũng từ đó ý tưởng vào trường Khoa Học đã hình thành trong tâm trí của tôi, một cô bé học trò Trung học.

 khi thầy giảng bài chúng tôi không dám mơ mộng hay lơ là vì thầy hay cho học sinh tham gia vào bài dạy một cách bất ngờ. Thầy ít khi dùng sổ điểm để gọi tên hoc sinh. có lẽ từ trên bục giảng thầy đã nhìn thấy những học sinh nào cần được hỏi và thầy thường gọi theo vị trí ngồi của học sinh. Thí dụ như, người thứ ba bàn thứ hai kèm theo ngón tay thầy chỉ về phía nào thì học sinh đó sẽ tự biết và đứng lên… Nhìn vào hệ số các môn ban B thì thấy Lý Hóa hệ số 4, Toán hệ số 5. Nếu lý hóa được 20 thì ngay lập tức sẽ nhân lên thành 80, và sẽ cứu được mấy môn hệ số 1. Vì là môn quyết định cho kỳ thi Tú Tài 2 và thầy có trách nhiệm với số học sinh đậu của trường nên thầy rất kỹ luật, Tôi còn nhớ một kỷ niệm khó quên là trong ngày tất niên của lớp do các bạn nam sinh tổ chức, không biết các bạn đã xoay sở như thế nào mà ngày đó cũng đầy đù các thức ăn và bánh mứt, lại có thêm trang trí bằng giấy màu, có máy nghe nhac để các bạn nam sinh mời thầy Phúc cùng ra nhảy Twist ( các bạn tôi gan thật! ), thầy không từ chối mà lại ra nhảy hết mình. Cũng từ ngày đó, chúng tôi thấy gần gũi với thầy hơn. Thầy vui với cái vui của học sinh, thầy đã nhanh chóng xóa đi những cách biệt của một người thầy nghiêm khắc trên bục giảng một cách tài tình. Thầy ơi, thầy có biết rằng cô bé học trò ngày xưa ngồi ngay bàn đầu đã âm thầm góp nhặt những điều căn bản về tác phong Sư Phạm mà thầy đã hằng ngày thể hiện trên lớp, để rồi nhanh chóng sau đó trở về lại trường cũ dạy lại môn học mà ngày xưa đã được học với thầy không? 

.

 Thế là đã 44 năm trôi qua, lúc dồn dập và đôi lúc hờ hững! Tôi đã xa trường cũ và thầy cô của mình. Mái trường xưa, khung lớp cũ, nơi tôi đã học và đã dạy tưởng như đã bị xóa nhòa theo năm tháng. Tôi không mơ có ngày gặp lại hay có dịp nhớ lại Thầy Cô cũ, bạn bè xưa vì những cách trở về hoàn cảnh và địa lý. Nhưng tất cả vẫn còn đó, âm thầm và nhẫn nại, nằm sâu trong ký ức nhỏ nhoi nầy. Tôi như trẻ con khi thấy mình trở lại với những ngày còn trong lớp học. Tiếng Thầy Cô giảng bài còn vang vọng, tiếng lao xao của bạn bè vẫn còn hấp lực mời gọi tôi trở về dù bây giờ tất cả đã đổi thay. Tôi lan man nhớ về chiếc áo dài trắng, tuổi học trò vô tư, cắp sách đến trường. Tôi thấy lại mình, qua những động tác học được từ Thầy Cô, thân mật và tự tin, thao thao trước đám học trò dễ thương, trong không gian mà ngày trước tôi đã là học trò như vậy.

Thầy Cô ơi! Bạn bè ơi! Xin giữ cho tôi những kỷ niệm vàng son mà tôi đang giữ dù mai nầy dòng đời tiếp tục chia xa!

 

 

 31_conhung-1-content

 Hà thị Nhung

Cựu học sinh ngô Quyền niên khóa 66-67

 hình chụp july-2010

 

 

29 Tháng Giêng 2009(Xem: 71930)
Khi nắng đổ trên cành hoa phượng đỏ Là lúc mặt trời đòi đùa cợt mái tóc em Tuổi ngây thơ mắt môi xinh bỏ ngỏ Cuộc vui đùa chẳng phân biệt gái hay trai!
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72966)
  “Muốn sang phải bắt cầu Kiều, Muốn con hay chữ phải yêu kính Thầy”  
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 73017)
( Tựa bài được đặt theo hai câu thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên “ Người muôn năm cũ bây giờ ở đâu?” để thành kính thắp nén hương lòng tưởng nhớ đến các Thầy Cô đã về với “hạc nội mây ngàn”, và các Cựu học sinh NQ đã vĩnh viễn “bỏ cuộc chơi”).
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 71928)
    Có lẽ mọi người đang thắc mắc tại sao lại gọi là đứa con nuôi của trường Ngô Quyền? Bởi vì hầu hết các học sinh được vào học bắt đầu từ lớp 6 và trưởng thành ở lớp 12 rồi vào đại học, nên được xem như con đẻ...
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 79859)
  Hôm nay “Hội Ngộ Trùng Phùng”, Thầy trò, bè bạn, vui mừng gặp nhau. Thỏa lòng mong ước bấy lâu, Tha phương hội ngộ cố tri Ngô Quyền.
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 71235)
    * Bài viết cho linh hồn thầy Nguyễn Phong Cảnh, một tinh thần đáng học hỏi cho toàn thể hội viên Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền Biên Hòa.      
28 Tháng Giêng 2009(Xem: 72622)
Nếu dân ca được đặt lại khúc Mười Thương Mình sẽ hát Thương Trường Tôi Thứ Nhất Em sẽ hát Một Thương kỷ niệm một thời còn xanh ngắt Những thương nhớ khác nào cũng xếp thứ hai, ba …..
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74082)
    Năm mươi ngọn nến, thắp lung linh, Sinh nhật trường ta thắm đượm tình.  
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 74818)
  Qua những hình ảnh, các bài viết của thầy cô bạn bè, chúng ta đang thấy lại từng khuôn mặt, dáng hình, tính cách của các ân sư, đưa chúng ta trở về con đường phát triển của mái trường xưa. Qua đó, câu nói “Cơm Cha-Áo Mẹ-Công Thầy” càng mang ý nghĩa sâu đậm hơn!
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 73301)
Dẫu cho ngày tháng có phôi pha, buồn vui dù ít hay nhiều đều là những kỷ niệm đẹp của một thời áo trắng…Hy vọng những cuộc tương ngộ, trùng phùng của ngày hôm nay sẽ nhắc nhở chúng ta một quá khứ ươm bằng mật ngọt, và mãi cầu mong một tương lai đến cho vừa đẹp lòng người.
24 Tháng Giêng 2009(Xem: 79944)
  Có những sự việc tình cờ suy gẫm lại hình như được sắp xếp sẵn. Y và tôi ngồi cạnh nhau, từ ngày học Thất 2 cho đến khi ra trường. Ban đầu tôi rất ghét cái tính thật thà   thẳng tánh của Y, vì nó dám nói rằng trường tiểu học Trần Quốc Tuấn ở Tam Hiệp, nơi tôi đi học, chưa hề nghe nói đến. Trái lại Y là học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Biên Hòa .
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 73224)
Học sinh Ngô Quyền ngày xưa, lưu lạc bốn biển năm châu, với đời sống rất riêng của mỗi người, nhưng hình như chúng tôi vẫn có một tập hợp giao, giống nhau ở chỗ chúng tôi vẫn kính trọng và biết ơn tất cả các thầy cô như từ thuở nào, chúng tôi còn nhỏ dại, ngồi ở ghế học trò của trung học Ngô Quyền.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 75048)
Thật ra, nói bạn tôi là bà mai không đúng mà cũng không sai. Không đúng vì làm gì có chuyện Ngọc Dung giới thiệu tôi với anh Nhiên. Nhưng không sai vì nếu không chơi thân với Dung thì không chắc tôi vướng lụy lưới tình...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 68497)
  Để tưởng nhớ Anh Nguyễn Phong Cảnh và  chia sẻ nỗi buồn với chị Ma thị Ngọc Huệ,  cựu học sinh Ngô Quyền .  
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 68206)
  Những thằng bạn ấy bây giờ ra sao rồi nhỉ? Mới chỉ có hơn ba mươi năm, lớp Tứ Bốn giờ đây có bạn sắp sữa hồi hưu, có bạn đã làm ông nội, ông ngoại, có bạn đã vĩnh viễn ra đi, nhìn lại mình, mái tóc muối đã có phần nhiều hơn tiêu.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 72852)
         Ngày vui sao qua mau!   Cuộc vui rồi cũng đến lúc chia tay. Những ngày qua, bọn chúng tôi như sống lại thuở học trò vui vẻ, vô tư không chút gì vướng bận. Có lẻ không ai phủ nhận thiên đường học sinh trong mỗi chúng ta ai cũng có...
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 70515)
    Ảnh xưa nhìn thật đâu ngờ, Thầy, Cô, Bạn cũ bây giờ nơi đâu ?
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 68559)
  Đến rồi đi, đó là lẽ vô thường sống động nhất của tạo hoá không dành một biệt lệ cho ai.
22 Tháng Giêng 2009(Xem: 65673)
  “Hãy đến với nhau một lần vì sợ rằng sẽ không còn được thấy nhau nữa” .  
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 35485)
         Xin vĩnh biệt anh…người bạn đời 37 năm!
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 71194)
Mừng Vui Hội Ngộ Ngô Quyền Cựu Chúc Nhau Giai Lão Bách Niên Lưu.
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 34270)
Cảm xúc ghi lại sau ngày họp mặt gần nửa tháng.   Có dịp lắng lòng nhìn lại việc đã qua.
20 Tháng Giêng 2009(Xem: 69053)
Mười năm trên đất Mỹ Dẫu có nhiều cuộc vui Nhưng tận cùng nỗi nhớ Vẫn ngậm ngùi chưa nguôi.
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 73497)
ĐÓN mấy Đông qua nơi đất khách, CHÀO Xuân tuổi hạc mãi dần cao, NGÀY tháng trôi nhanh vẫn ước ao HỘI ngộ cùng nhau sẽ có ngày, TRÙNG dương bão nổi gây ngăn cách.... PHÙNG thời sẽ giúp gặp cố tri
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 72363)
Hãy cho Tôi lại ngày xưa ấy Tôi sẽ là Tôi của dạo nào, Để nhìn Em khuất sau khung cửa, Để làm lưu bút, mỗi Em ghi .  
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 41768)
  Ngày ấy chúng con là những học sinh lớp Đệ Thất B1, chúng con là những đứa bé vừa hơn 10 tuổi, và đến nay đã 50 năm nhưng hình ảnh Thầy Cô không thể xóa nhòa trong trí chúng con.
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 64582)
Thắm thoát mà thời gian qua nhanh thật. Tôi tưởng như mới ngày nào đây thôi, bọn chúng tôi còn vô tư vui vẻ với những niềm vui bất tận của tuổi học trò ngây thơ...
19 Tháng Giêng 2009(Xem: 72771)
Ai thắp trong tôi niềm tin tuổi dại Tin ngày mai đường ngọc mát chân son.