Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Quang Trần - CHA TÔI

11 Tháng Năm 201212:00 SA(Xem: 151942)
Quang Trần - CHA TÔI

Lời Giới Thiệu:

Chúng tôi nhận được bài viết Cha Tôi của tác giả Quang Nguyễn vài ngày trước đây.

Nhận thấy đây là bài văn theo lối Tự Sự với cách hành văn trôi chảy với nhiều chi tiết sống thực trong những ngày xưa cũ mà tác giả khéo léo lồng trong bối cảnh gia đình và xã hội gây nhiều cảm xúc nên chúng tồi muốn dành một khoảng riêng để đăng theo Chủ đề NGÀY LỄ CHA vào tháng tới cho thích hợp.

Tuy nhiên, theo lời yêu cầu của anh Quang Nguyễn muốn được đăng sớm để may ra khi Cụ Ông còn tại thế có thể đọc hay “nghe thấy” nỗi lòng của Người Con đang xa xứ nhớ về thân phụ mình. Khi chuẩn bị đăng bài nầy trong lọat bài cuối tuần về Lễ Mẹ thì được tin Cụ Ông vừa qua đời ở trong nước và anh Quang đang có mặt ở Việt Nam thọ tang Cha.

Dù không kịp lúc, nhưng chúng tôi mong là bài viết sẽ chuyển tãi tấm lòng của tác giả làm mọi người hiểu anh hơn và trong cõi hư vô, thân phụ anh sẽ mỉm cười trước tình cảm của con mình!

Xin góp lời cầu nguyện cho hương hồn Cụ Ông sớm Siêu Linh Thoát Độ và Mãi Bình An nơi Cõi Vĩnh Hằng!




 

CHA TÔI

 

(Viết riêng cho Cha, trong những ngày ông đang yếu tại Việt Nam)

cha-va-con

 

Những ngày này tuy đã bước qua tháng Năm nhưng tiết trời Canada vẫn còn lạnh, buổi sáng và chiều tối vẫn còn những cơn gió hú mang theo cái lạnh của phương Bắc, nhưng mọi người đều cảm nhận được sự ấm áp của mùa xuân vừa trở lại sau khi thoát qua mùa đông giá buốt khắc nghiệt. Những trảng cỏ không còn tuyết phủ được thay một lớp áo mới xanh thẫm, nhiều cành cây nhú những mầm xanh đón chào mùa nắng ấm trở về, và từng đàn chim di trú cũng quay trở lại líu lo hát vang những giai điệu, có giai điệu nghe thật khó ưa nhưng mang lại nhiều điều thú vị cho những người đang sống nơi đây.

 
Qua những thay đổi của thời tiết và cây cỏ, mình càng cảm nhận sự tồn tại vĩnh cửu của thiên nhiên và cảnh vật, cứ hết mùa đông giá lạnh thì chúng lại đâm chồi và nở hoa trở lại. Phải chi con người được như cảnh bất biến của cỏ hoa tại Canada, chúng ta sẽ không bao giờ phải tiếc nuối và than khóc khi những người chung quanh, bạn bè và người thân của mình về cõi vĩnh hằng.

 
Mấy ngày nay, mình luôn sống trong cảm giác lo sợ và bất an, sợ tiếng điện thoại từ Việt Nam gọi qua và luôn nguyện cầu những điều mình mong mỏi nơi cha mình: là ông luôn mạnh khỏe, bình an, chứ không phải là một giọng nói trĩu nặng báo tin. Dù trong lòng mình phải chấp nhận quy luật của trời đất, với vòng luân hồi của một kiếp người. Trong vũ trụ có mặt trời và mặt trăng, trong vòng quay của trái đất có ngày và đêm, có thủy triều lên xuống và có sinh tử như lời Phật dạy.

 
Mình không được sinh ra trong một gia đình giàu có, nhiều phước lộc để các con thừa hưởng sự sung túc, giàu sang, được học hành tới nơi tới chốn như nguyện ước của cha mẹ. Nhưng đến bây giờ và mãi về sau, mình luôn cảm nhận có nhiều may mắn và đặc ân của bề trên ban cho. Mình được học hành hơn những đứa em, tuổi thơ cũng có vất vả và thiếu thốn, lớn lên có những lúc gần với cái chết nơi chiến trường nhưng vẫn bình an vô sự. Cuộc đời tuy có gian nan, ngược xuôi và thăng trầm nhưng chưa bao giờ vào ngõ cụt, trong bế tắc vẫn có người nương tay giúp đỡ, có lúc tưởng chừng trên đầu sóng, ngọn gió mình vẫn có lối thoát, không bằng ai nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều hạnh phúc ấm áp và tuyệt diệu. Có được những cơ may như thế đều nhờ vào hồng đức của ông bà, cha mẹ, đây là điều đã giúp mình vượt qua tất cả.

 
Bây giờ mình đã trên 50 tuổi, tóc đã điểm tuyết trắng nhưng có diễm phúc là cha mẹ vẫn còn đầy đủ dù đã 84 tuổi, mà người Việt Nam gọi là thượng thọ. Trong những ngày này, mình cảm thấy không một chút bình yên vì ở bên nhà cha mình đang yếu lắm. Mình muốn ghi lại những dòng chữ này, không phải ngợi ca về cha vì thực chất gia đình mình có nổi trội gì hơn ai, nếu không muốn nói là nhà mình rất nghèo. Trong xã hội có ai gọi “ông” bán báo hay chỉ là “thằng bán báo” như gọi “thằng bán vé số", có họa chăng nếu nhìn đúng sự thật là chỉ hơn “thằng ăn mày” tìm sự bố thí của chúng sanh!

 
Nếu là dân Biên Hòa thì chắc nhiều người biết đến sạp báo đối diện trường Ngô Quyền, nhất là CHS NQ và sạp báo ấy vẫn tồn tại từ năm 1970 cho đến bây giờ. Vào những năm đầu, mình vẫn ngày đi học và chiều về chạy ra đại lý báo Huỳnh Hiệp để lấy báo, phải dùng từ “chạy”, vì lấy càng sớm, gấp báo càng nhanh thì mang về sạp sẽ bán càng nhiều hơn. Và người khai sinh ra sạp báo ấy là cha mình!

Có một điều mà mình cũng không biết phải giải thích ra sao, và vì căn nguyên nào mà đến bây giờ vẫn mặc nhiên gọi cha mình bằng “Bá“ là ba có dấu sắc và mẹ là “Bu“… Có lẽ đây là cách gọi của dân xứ Bắc mà đặc biệt của một vùng nào đó, mình cũng không tìm hiểu điều đó làm gì vì thấy nó cũng ngồ ngộ.

 
Theo như Bá kể lại, ông là con cầu tự và độc nhất của ông Nội. Ông mình hơn ba mươi tuổi mới có con, nên ông bỏ xứ mang cha mình lên thành để học hành. Thời Pháp thuộc mà được học tiểu học thôi cũng đã là số dách rồi, nhất là ở cái xứ Bắc kỳ nghèo khổ. Sau khi nghỉ học, ông đi lính Pháp tại sân bay Cát Bi-Hải Phòng rồi đến năm 1954, ông quá giang máy bay đưa gia đình vào ở sân bay Biên Hòa và định cư luôn thành dân xứ Bưởi. Có lẽ do học tiếng Pháp và làm việc với người Pháp quá lâu nên đến bây giờ ông vẫn nói trôi chảy tiếng Pháp. Hồi còn khỏe mạnh, gặp lại bạn bè, những người thân quen như Giáo sư Lê Văn Quý dạy Pháp văn ở trường Minh Tân là ông xổ tiếng Pháp mà không độn một chữ tiếng Việt, ông có thể hát quốc ca Pháp và những bài hát Pháp một cách nhuần nhuyễn. Và cũng có lẽ ông “ghét” thằng con hư hỏng nhất nhà là mình hay sao mà duy nhất trong nhà, khi vào trường Ngô Quyền ông bắt mình chọn sinh ngữ chính là Pháp văn, và đến bây giờ chỉ còn nhớ mang máng vài chữ ”moi-toi“ mà thôi.

 
Là một công chức (nhân viên đánh máy) thuộc phòng hành chính của Không đoàn 23 (sau này là Sư đoàn 3 Không quân), ông mẫn cán với công việc và trách nhiệm được giao phó. Có lẽ ảnh hưởng từ sự giáo dục thuần khiết thời bấy giờ, ông chỉ chú tâm với nhiệm vụ và chưa bao giờ có một hành động hoặc việc làm trái đạo lý, để những người chung quanh ta thán hoặc xỏ xiên, mặc dù thời đó nhất là trong cơ quan ông làm, có khá nhiều người mơ ước ngồi chỗ đó vì an nhàn, không vướng vào chiến sự. Rồi sau này chỗ ông coi luôn bộ phận “quân tiếp vụ” thì việc trục lợi và ăn chặn, ăn chia các tiêu chuẩn của mấy anh lính ma, lính kiểng rất dễ dàng (vì danh sách cả sư đoàn ông đều biết). Tuy nhiên ông không vướng vào bất cứ điều tiếng gì, không vụ lợi và không tham lam. Mình nghĩ theo thời cuộc bây giờ thì chính cái “Sạch“ đó đã làm ông nghèo, để đến những năm đầu thập niên 1970 khi viện trợ Mỹ cắt giảm, đời sống binh sĩ, công chức lúc bấy giờ quá khó khăn, đồng lương không đủ bảo trợ gia đình và nuôi sống con cái, nên ông đã phải khai sinh ra cái nghiệp bán báo từ đó! Cũng cần nói rõ, ông có cốt cách rất khỏe có lẽ nhờ ăn đồ ăn Pháp. Ông bà có đến 9 người con, gặp thời khốn đốn lo ăn, lo học cho bao nhiêu đấy con thì phải xoay ra đủ cách mà thôi, không những bán báo mà còn thêm bán dép ở chợ Kỷ niệm (đối diện trường Ngô Quyền) và sau năm 1975 còn bán đủ thứ…

 
Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình được sự cưng chiều của ông bà Nội, nên chắc có ảnh hưởng đến sự bướng bỉnh và hơi ương ngạnh và trọng cái tôi. Ngoài ra, được giáo dục trong học đường thời Pháp thuộc và rèn tập trong quân đội Pháp, nên ông luôn ngay thẳng và trung thực, cộng một chút gì đó hơi ngang ngang và khó diễn tả… Và cái bản chất ấy còn được ông thể hiện rất rõ ràng trong đời sống hàng ngày, ông sẵn sàng tuôn ra những lý luận sắc bén để đả phá bất cứ ai đi ngược lại lẽ phải và chính kiến của ông, mặc dù người đó có chức quyền cao hơn ông hoặc người đó hàng ngày đến mua báo chỗ ông bán. Đó có thể coi là gàn, là dễ gây mất lòng với người khác nhưng ông mặc kệ sự khó chịu và chấp nhận bị khinh ghét nếu có một cách thản nhiên…, âu đây cũng là bản chất chính trực đã ảnh hưởng trong ông và có lẽ cái “gen” này tồn tại đến con ông là anh Hai mình, Sau năm 1975 thì ai cũng khổ, nhưng ông anh mình giống cha là trung thực, thanh liêm, mẫn cán… và đến bây giờ đã 60 tuổi cũng vẫn vậy.

 
Có lẽ lớp tuổi mình và sau này khó có thể bắt chước được lối sống ngăn nắp, trật tự như một thời khóa biểu của ông. Sau này đã yếu nhiều chứ cách đây khoảng 3 năm ông vẫn sáng tập thể dục, chân chạy thình thịch hoặc vươn vai làm động tác thể dục buổi sáng, trong khi miệng ông vẫn hát vang vang những bài ca Pháp, hoặc các bản hùng ca như bài “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước…, rồi ông mới ăn sáng, đọc báo, nghe thời sự mà ông thích nhất là đài BBC từ lúc mình biết cho đến tận bây giờ. Sau đó ông mới đi làm ở sở, đến trưa về nhà ăn cơm cùng gia đình. Chiều từ sở về nhà không tụ tập bất cứ nơi nào, tắm rửa xong là ông lôi sổ sách ra ghi ghi, chép chép, cập nhập hàng ngày cứ như một nhà buôn lớn… rồi ăn cơm cùng gia đình, sau đó là mở cái radio ra nghe BBC tiếp cho đến khi đi ngủ.(sau này có truyền hình thì coi xong thời sự là ông cũng đi ngủ) và đều đặn ngày này qua ngày khác, đặc biệt là ông không bao giờ thích bia rượu nên vì vậy mà ông không la cà quán xá như nhiều người khác. Cái hay là ông không cảm thấy nhàm chán với cái nguyên tắc sống ấy, dù ai có khuyên ông phải thay đổi chút ít.

 
Có lẽ với tích cách này nên ông rất ít bạn bè và không giao du nhiều, cho đến bây giờ mình vẫn không giải thích được! Dù môi trường ông sống thời đó chung quanh anh em là binh sĩ, công chức... hầu hết đều biết vui chơi trong cuộc sống chụp giựt thời chiến tranh, nhưng ông không thích thú và tha thiết gì, không tụ tập nơi quán xá hoặc ghé nhà ai đó, ngồi lê la làm vài chai bia hay cốc rượu để mở lòng. Ông ít quan hệ chung quanh, một năm chỉ duy nhất trong mấy ngày tết là ông có đi thăm viếng và chúc tết gia đình bạn bè. Còn ngày thường ngoài giờ làm và sau này đi bán báo, hết công việc là ông quay trở về nhà. Cho đến khi ông làm sui gia rồi cũng vẫn vậy, quan hệ ngoại giao là giao cho vợ, có đi đâu vì chuyện hệ trọng thì ông chỉ ngồi cho đủ tụ và nhường phần phát biểu cho người khác. Ai cũng tưởng ông lập dị nhưng không phải vậy, thói quen từ nhỏ đã làm ông khác người. Ông tự cô lập không phải do mặc cảm, ông không nói không phải là tự cao hay ít nói…và ông cũng chẳng phải là người dở, chẳng qua đó chỉ là bản tính không thay đổi của ông mà thôi.

 
Cung cách sống đời thường thì vô cùng giản dị, một anh công chức quần áo chỉnh tề là được, không se sua chưng diện và đòi hỏi gì. Từ nhỏ cho đến tận bây giờ vẫn mái tóc húi cua, gần trọc lóc như lính tân binh hay dân xứ Đại Hàn, nên ngay các con trai của ông học đến Trung học cũng phải cắt tóc ngắn, đi học thì mang giày ba-ta chứ không được mang bất kỳ thứ nào khác. Có lẽ ông thích Pháp nên đi làm cũng chỉ bằng xe Mobylett chứ không dùng Honda của Nhật, dù 2 thứ gần ngang giá cả, kể cả sau này sắm thêm cũng là Mobylett mà thôi. Nên sau năm 1975 được gia đình trưng dụng làm 2 chiếc xe thồ củi trên rẫy cũng tiện. Trong nhà thì mua sách học cho con là chính chứ không thấy ông để ý mua sắm các vật dụng không cần thiết khác. Cả một đời cung cách tiết kiệm của ông là dành phần lớn để nuôi con ăn học thôi, nên ông hay khoe là tuy nghèo nhưng con ông học Phú Thọ và toàn học Ngô Quyền, lại có con gái học giỏi năm nào cũng phải lấy xe Mobylett chở con đi lãnh phần thưởng…

 
Đối với vợ, ông cũng không phải là người gia trưởng và trong hơn 60 năm cùng chung chăn gối, chưa thấy xảy ra điều gì đáng phàn nàn trong cách đối xử của ông đối với bà. Chưa bao giờ nghe một lời nói nặng nề đối với vợ. Có gì mà bà nấu là ông ăn, coi bữa cơm chỉ là điều kiện cần thiết để sống, không câu nệ ngon dở, sang hèn… Nhà nghèo với bữa cơm đạm bạc cũng chưa bao giờ có một câu phàn nàn với bà, những năm cuối thập niên 1970, thậm chí có ăn độn thì ông vẫn hát ào ào, chẳng tiếng kêu ca để làm phiền lòng bà. Nhưng có một điều là chỉ có bà nấu thì ông ăn ngon lành, bà bận đi xa lâu ngày ai nấu ăn ông cũng chê! Nhất là pha cà phê sáng, ông không bao giờ ra quán ngồi, sáng dậy sớm là ông kêu bà cùng dậy, rồi nấu nước pha cho ông uống. Thậm chí bà có muốn ngủ thêm cũng không được vì ông sẽ réo cho bằng được, vì chỉ có cà phê của bà pha là ông mới uống mà thôi. Mình thì chưa thử cà phê bà pha thế nào lại gây nghiện cho ông như vậy!

 
Đối với con cái, ông không có biểu hiện cách sống nặng tình cảm trong lời nói, nhưng ông tập trung lo cho con về chuyện học hành. Cho con được đến lớp là gánh nặng nhất của ông. Do chiến tranh nên sau năm 1968, ông không chịu ở trong trại gia binh nữa mà tìm mua một căn nhà trong xóm nhỏ. Theo thời giá lúc ấy thì một căn nhà mặt tiền phố với căn nhà trong hẻm không có chênh lệch lớn lắm, nhưng theo cách nghĩ của ông thì ở trong xóm xa phố thị sẽ không ồn ào, và những hình ảnh không đẹp ảnh hưởng đến chuyện học hành của các con. Ngày con còn nhỏ, ông uốn nắn từng đứa tập viết, tập đồ chữ, đánh vần ê a, nên trong nhà mình ai cũng viết chữ tương đối đẹp. Lớn lên một chút là ông giao lại người con lớn kèm cặp lớp nhóc tiếp theo, điển hình là hàng tuần phải làm đủ số lượng bài tập quy định ngoài sách giáo khoa của nhà trường. Nhà tuy chật nhưng ông cũng mua 1 bộ bàn ping-pong để các con chơi ngoài giờ học, không cho la cà nơi khác, và sau này cũng có ích vì bàn ping-pong được biến thành chiếc gường nằm cho bầy trẻ. Có lẽ điều ông buồn lòng nhất là sau năm 1975, ông không còn khả năng lo cho những đứa em mình để chuyện học hành phải dang dở, nhưng trong anh em không một ai nhắc đến và làm ông buồn phiền về chuyện này, vì ai cũng hiểu thời cuộc đã làm đổi thay tất cả.

 
Còn nhiều chuyện đáng kể về ông, kể cả chuyện bên ngoài nói ông bất hiếu không chăm sóc cho mẹ. Sự việc là sau khi ông Nội mất năm 1968 thì bà Nội như bị bịnh hoang tưởng, bà hay bỏ nhà ra đi về hướng mà bà bước xuống miền Nam là sân bay Biên Hòa, với ý nguyện là chết nơi quê cha đất tổ. Lúc ấy bà Nội đã trên 70 tuổi, nhà lại bận rộn, cha đi làm, mẹ đi bán, con lớn đi học xa. Cứ vắng người là bà bỏ đi, và một lần bỏ đi thì y như rằng có xe quân cảnh Không quân chở bà từ sân bay ra tận phòng hành chánh giao lại cho ông (cũng hay là bao nhiêu bốt gác vậy mà bà vẫn đi lọt, có lúc tận đường băng sân bay)… và cứ mỗi lần như vậy là thêm những lời dị nghị… nhưng ông chấp nhận, không than van và cũng không oán trách chuyện thị phi, đàm tiếu cho đến khi bà Nội mất năm 1972. Ngay đến sau này, khi mình lập gia đình, cũng còn có người đặt lại vấn đề về sự hiếu thảo và đối xử với cha mẹ của ông ra nhằm mỉa mai, cản trở hôn nhân của mình.

 
Hay về chuyện gõ chuông và cầu nguyện cho mình và sau đó là đứa em trai mà cả xóm ai cũng biết và hay trêu đùa ông. Vì hơn ba năm mình và em trai (với cũng ngần ấy thời gian) nằm ở chiến trường Kampuchia. Hàng ngày hai buổi, sáng sớm khi mọi người còn an giấc và chiều tối là ông gõ chuông và cầu khẩn ơn trên ban an lành cho con. Mà cái giọng của ông thì nào có nhỏ, gõ chuông thì mạnh mẻ vang động nên láng trên, xóm dưới ai ai cũng biết. Có lẽ cũng nhờ sự thành khẩn của ông mà ơn trên đã độ trì để anh em mình bình yên trở về nhà, dù cuộc chiến ấy cũng khốc liệt và nguy hiểm.

 
Càng viết về ông, mình càng cảm thấy ân hận là một đứa con bất hiếu. Hơn 50 tuổi nhưng bước chân lang bạt vẫn chưa dừng lại, quảng thời gian bên gia đình chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại là biền biệt xa quê và bây giờ thì sống tha hương nơi xứ người. Chưa bao giờ mình đền đáp công ơn cha mẹ trọn vẹn, có về chăng bên gia đình thì cũng chỉ là người ở trọ năm nào về thăm chốn cũ. Chưa một lần chăm sóc, dưng trà hay đơm cơm cho cha mẹ. Có những ngày tháng ở Biên Hòa, thì cũng chợt đến và chợt đi thật vô trách nhiệm. Có thể ngồi đàn đúm với bạn bè cách nhà chẳng bao xa, có thể tiêu xài tiền ngàn, tiền triệu…nhưng cứ nhấp nhảy theo con sóng hào nhoáng đời thường, chứ có khi nào nhớ đến việc chia sẻ trách nhiệm và làm tròn bổn phận người con chung tay phụ giúp gia đình, chăm sóc cha mẹ. Nỗi ân hận này của mình sẽ ray rứt mãi về sau.

 
Giờ đây ông đã yếu nhiều. Có điện thoại về thì cũng chỉ nghe tiếng nói không rõ do lưỡi ông muốn cứng lại. Mình chỉ biết cầu nguyện cho ông, và nếu có một điều ước thì mình chỉ ước nguyện ơn trên lấy đi phần đời của mình xin để trao cho cha, mẹ đã vất vả ngược xuôi nuôi mình khôn lớn được sống mãi mãi.

Bá ơi, hãy chờ con về, con đang sắp xếp những phần việc bên này để về bên Bá. Chỉ cần con được Bá gật đầu tha lỗi cho đứa con bất hiếu này, là đời con mãn nguyện, để nỗi ân hận dần chìm tan trong con.

 

Con của cha

Quang Trần (Canada)

May, 04-2012

 

 

07 Tháng Giêng 2010(Xem: 70019)
Cho tôi nhìn thấy nụ cười, Ở trên môi những cuộc đời tối tăm. Cho mây về phố trưa nằm, Làm mưa trôi hết lỗi lầm ra sông.
27 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 74859)
Cúi xuống bờ dậu nghe nao nao Mẹ ngày hè cũng như tháng giá Ngẩng lên thấy mồ hôi ướt áo Vai mẹ gầy như cánh hạc xa
26 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 72947)
Nhắc lại năm xưa tuổi còn thơ dại Áo trắng tan trường kẻ đón người đưa Một thoáng thầm yêu giấu trong sách vở Ấp ủ lâu ngày hoa mộng thành thơ
26 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 74230)
Mùa xuân nghiêng bờ vai Ngắ m đào mai rực rỡ Trắng tinh chùm hoa đại Tỏa ngan ngát mùi thơm
19 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 31924)
Có những cá tính, những sở thích hôm nay bắt nguồn từ thời còn ngồi ở ghế Trung học được các Thầy Cô truyền dạy nhiều kiến thức. Như lớp Tứ 1 (9/1) nk 69-70 của chị Võ Thị Ngọc Dung chẳng hạn cả lớp mê thơ và đã tập tành làm thơ từ một giờ Quốc Văn sôi nổi, lý thú của Thầy Nguyễn Văn Phú.
18 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 75659)
Anh về cõi trời mây Niết bàn muôn tia sáng Nghiệp chướng hết buộc ràng Nơi phương trời giải thoát
18 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 73210)
Mỗi người một hướng đi Tôi ra ngoài sương gió Trung Nam phân nhị Kỳ Xuân Thu đồng nhất Ngộ
17 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 58804)
Ngày hay tin bạn mất Mây tím buồn rưng rưng Hai phương trời cách biệt Ôi tiếc nhớ vô cùng
10 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 73374)
Trên đường về lặng lẽ Ôm nỗi buồn trong tay Đông ngâm bài thơ cũ Mắt lệ nhòa không hay!
09 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 76090)
Rồi cơn đau buốt niềm riêng Anh sa trường bước vào miền chiến chinh Chờ anh mòn mỏi chờ anh    Bóng khuya vàng khuyết nửa vành trăng nghiêng
04 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 82432)
Áo trắng bây giờ xa thật xa, Gối mộng em vào giấc mơ hoa, Anh vẫn cô đơn đời sương gió, Vàng Thu áo trắng đã nhạt nhòa....
03 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 83344)
Sông buồn vẫn bóng hàng dừa Sóng tình lạc lõng đong đưa nỗi sầu   Mình em ngồi đếm vì sao Sương khuya bạc áo hồn đau khóc thầm
01 Tháng Mười Hai 2009(Xem: 81636)
Mười bảy năm sau tôi trở lại Nhà cũ, vườn xưa ̣đổi khác rồi Giòng sông thơ ấu không còn nửa Trăng buồn lơ lững...bóng ̣đơn côi...
29 Tháng Mười Một 2009(Xem: 85305)
Em nghĩ cô như dòng sông rộng Ôm nước về chở nặng phù sa Đắp vào em chỗ bờ nông cạn Kiệt sức mình sông vẫn thiết tha
28 Tháng Mười Một 2009(Xem: 91047)
Có một người gõ cánh cửa thời gian* Thấy tháng ngày qua bỗng nhiên dừng lại Thấy nắng hè không còn trên đường cũ Một chút mùa vàng đã bước vào thu.
28 Tháng Mười Một 2009(Xem: 87386)
Tôi trở về đây vào cuối Thu Phi Trường còn đó, gió vi vu Rừng cao su nắng xuyên cành lá Đất đỏ hôm nào thấm giọt mưa
27 Tháng Mười Một 2009(Xem: 81549)
Mùa thu nắng hao gầy trên tán lá Hong chưa khô tóc cỏ ướt sương mù Mây bay về chập chùng không vội vã Gió heo may qua đường vắng vi vu
27 Tháng Mười Một 2009(Xem: 81509)
buổi sáng mùa thu bất ngờ về phố chở buồn ren rén quá giang chở ký ức xa chở mất mát chìm
23 Tháng Mười Một 2009(Xem: 62136)
Em về, bỏ lại vầng trăng Cho tôi ngồi ngắm mỗi lần thu sang Bến tình lững chiếc đò ngang Bến đời tôi ngập lá vàng... chờ em!
23 Tháng Mười Một 2009(Xem: 62732)
Ta vẫn trải sầu theo tiếng thơ Em đi mắt lạnh mấy thu chờ Đường tình em bước thênh thang quá Nhớ giữ dùm ta ánh mắt xưa!
22 Tháng Mười Một 2009(Xem: 79972)
Mùa thu về hai phương trời cách biệt Lá bên nào cũng vàng úa như nhau!
22 Tháng Mười Một 2009(Xem: 81485)
Nghiêng câu lục bát cho đầy Cho Thu thêm ấm cho dài nhớ thương Đêm nầy nghiêng sợi mưa tuôn Nghiêng qua cho đổ lá buồn Thu ơi!
22 Tháng Mười Một 2009(Xem: 82477)
Mùa thu ơi! khoan đi chờ ta với Xin ít mây, xin ít nắng hanh vàng Xin một tí hương thầm nơi hoa cúc Xin nửa vầng trăng rất đổi dịu dàng
22 Tháng Mười Một 2009(Xem: 83591)
nợ tình mỏng, mà nặng đeo mỗi thu như mỗi dày theo tuổi đời hơi may gợn, nhắc bồi hồi một bờ mây, đã, cuối trời quan san...
18 Tháng Mười Một 2009(Xem: 99241)
Chỉ còn vài ngày nữa là thành phố Adelaide, nơi tôi đang cư  ngụ sẽ vẫy tay chào mùa đông để chính thức bước vào mùa xuân. Ngày đã trở nên dài ra và trời đã bắt đầu ấm áp trở lại.
18 Tháng Mười Một 2009(Xem: 93051)
Cầm tờ thư của cô tôi ấp nhẹ vào ngực. Ơi! cô giáo nhân ái còn hơn bà tiên trong thần thoại đã dang tay cứu tôi trong nhiều lần khốn khó. Thời gian đi qua thật lâu rồi nhưng tất cả những gì về cô tôi đều nhớ. Bảy năm trời lớn lên từ một mái trường nên mãi mãi ngôi trường Ngô Quyền thân yêu ấy là một ngăn nhớ êm đềm trong quả tim tôi.
16 Tháng Mười Một 2009(Xem: 62799)
                       Đông về lá rụng sương rơi Nhớ anh em thấy bồi hồi ngày qua......
12 Tháng Mười Một 2009(Xem: 78684)
Về bên dòng Đồng Nai Thăm người em xứ bưởi