Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

MGTT 16 – Các Thầy Cô dạy QUỐC VĂN

04 Tháng Mười 201012:00 SA(Xem: 39622)
MGTT 16 – Các Thầy Cô dạy QUỐC VĂN

  MGTT 16 – Các Thầy Cô dạy QUỐC VĂN

Sau loạt bài về các Thầy dạy Triết, BBT nhận được nhiều lời khích lệ từ quý Thầy Cô, và nhiều chs NQ. Đặc biệt hơn hết, chs NQ khóa 11 Trương Đức Hoàng đã “nhắm măt cho tôi tìm về một thoáng hương xưa”, và đã ghi lại cả một đoạn đời Trung học của anh, từ lớp Đệ Thất 4 (6/4) đến lớp 12B1 rất chân tình, trung thực và truyền được cảm xúc từ người viết sang người đọc .

Mời các chs NQ (nhất là các anh chị khóa 11, đã mang phù hiệu NQ từ năm 1966 đến năm 1973) cùng trở về Ngô Quyền xưa, như chúng ta chưa từng có trên dưới bốn mươi năm ngăn cách mình với thời mới lớn.

Lắng nghe kỷ niệm của chs Trương Đức Hoàng với các Thầy Cô giáo dạy Văn: Nguyễn Thị Nguyệt, Hà Bích Loan, Trần Thị Hương, Đoàn Viết Biên, Vương Chân Phương, Trần Văn Kế; Triết : Trương Hữu Chí, Vũ Khánh Thành để thấy là các nam sinh NQ ngày xưa đã “xuất khẩu thành thơ” và đã “dám xướng họa” với những tên tuổi lớn trong Cổ Văn VN như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Đình Chiểu, Đoàn Thị Điểm... như thế nào?

Và cũng để thấy học trò Trung học công lập trước năm 1975 được giáo dục đa dạng, và biết thưởng thức thể thơ song thất lục bát, thấu hiểu những nỗi niềm mà tiền nhân đã gởi lại cho thế hệ hậu sinh.

Cuối cùng, xin được cùng với các chs NQ khóa 11, chúng ta đốt lên nén hương lòng tưởng nhớ Thầy Trần Văn Kế, Cô Vương Chân Phương, và chs NQ Vũ Mạnh Tiến.


  

   KỶ NIỆM BUỒN VUI THỜI TRUNG HỌC

 Trương Đức Hoàng


Đã lâu rồi tôi cứ thao thức vì muốn viết về những kỷ niệm khó quên thời Trung học. Ngày xưa dù có những môn rất thích và có môn... “nuốt” không vô nhưng lúc nào tôi cũng kinh mến và nhớ thương quý Thầy Cô của mình. Bây giờ với đầu óc già cỗi, tôi xin bắt đầu với hai môn Việt văn và Triết học.


Năm tôi tập tểnh bước chân vào Trung học thì có vài đổi mới là mình ăn mặc chỉnh tề và có vẻ chải chuốt hơn! Chị Hai tôi đã dẫn thằng em qua tuốt bên phố Đa Kao ở Sài Gòn để mua một đôi dép da mới. Thú thật suốt thời gian học Tiểu học từ lớp Năm đến lớp Nhứt (lớp Một đến lớp Năm bây giờ), tôi chỉ thích đi chân không đi học! Còn mặc quần áo thì thiệt là quê, tôi chỉ biết bỏ áo trắng vào bên trong quần xanh sát rạt, làm tăng thêm vòng hai béo ụ của mình chứ không biết kéo một chút áo cho nó phùng lên như các anh lớn. Với phong cách khá chửng chạc như vậy, tôi và đám bạn bè bát nháo được xếp vào lớp Đệ Thất 4.

huecuatoi_img2-thumbnailTrong năm này môn tôi vừa thích mà cũng vừa sợ là giờ Việt văn học với  Nguyễn Thị Nguyệt. Thích vì cô hiền từ, cười như hoa nở khi giảng bài nhưng sợ vì với giọng Huế của cô, mỗi lần viết chính tả tôi đã bị không biết bao nhiêu lỗi! Có một lần cô đọc "chậm xuộng hàng", tôi nghe không rõ nên thêm chữ "chầm" rồi viết thành "chầm chậm xuống hang", sau khi cô chấm điểm thì ra đó là... chấm xuống hàng, nghĩa là xuống hàng để viết qua một câu mới! Đến một bài nói về miền quê ngoài Bắc, tôi ngẩn ngơ khi nghe hai chữ "mịa muội", không biết đây là từ quái quỷ gì nên đành bỏ trống. Rốt cuộc tôi bị hai lỗi mới biết "mía mùi" là một loại mía rất ngon! Khi học với cô, trong lớp tôi có một bạn tên Châu trắng trẻo, bảnh trai đã bị bạn bè đặt chết tên là "Châu chấu ma" từ bài "Bọ ngựa và Châu chấu ma". Tụi tôi cũng thay phiên nhau vuốt mũi anh chàng này cho đỏ chót khi nghe cô giảng: "mèo mũi đỏ là mèo hay ăn vụng!"

 

co_habichloan-thumbnailSang năm Đệ Lục 4 lớp tôi học với Hà Bích Loan. Cô đã dạy cả đám "phàm phu tục tử" viết chữ Hán, nét nào phải đá lên, nét nào cần uốn móc câu... Trong giờ này tôi mắc cười khi nhìn đám bạn vì có đứa thì bặm môi, đứa thì méo miệng để viết cho đẹp! Ông ơi, tôi cứ tưởng tượng nếu cô bắt dùng bút lông loại lớn thì chắc tôi sẽ đau khổ cầm cán viết như là... cán cuốc vì mỏi tay! Cô đã khiến tụi tôi mơ mộng đủ thứ khi giảng "Bích Câu Kỳ Ngộ". Nghe giọng thao thao bất tuyệt của cô, tôi cứ ngỡ mình là "Tú Uyên" và không biết khi nào gặp được người đẹp trong tranh "Giáng Kiều" đây! Lúc đó tôi mới biết hèn gì bà chị kế (học trên tôi 5 lớp) phục lăn khi nghe cô giảng về "Chinh phụ ngâm" của Đoàn Thị Điểm. Sau năm này tụi tôi không còn dịp học với cô, vì hình như cô đã chuyển về trường Lê Quý Đôn ở Sài Gòn!

 

co_tran_thi_huong-_edit-thumbnailNăm học lớp Đệ Ngũ 4 với Trần Thị Hương, đám bạn tôi đã chấm cô là "người có mái tóc đẹp nhứt trường!". Năm này có một biến cố khiến tôi không bao giờ quên. Có một lần khi được cô kêu lên trả bài, đang đứng trên bục gỗ thì tự dưng tôi thấy đầu óc choáng váng, đầu va vào tấm bảng sau lưng rồi ngất xỉu hồi nào không hay. Đám bạn đã dìu tôi (hay khiêng nhưng tôi không biết) xuống nằm trên băng ghế dài. Đến chừng nghe tiếng thằng bạn loáng thoáng: "thằng Hoàng giả bộ x
u nó muốn được cô thương hơn tụi em đó cô!", tôi bật cười và mở mắt ra thì thấy cô mỉm cười dịu dàng như một cô tiên!

Tụi tôi đã mơ làm chuyện nghĩa hiệp khi nghe Lục Vân Tiên (nực cười lũ kiến chòm ong) giải cứu tiểu thơ Nguyệt Nga. Lũ học trò nghịch ngợm của cô đã sửa từ

"Khoan khoan ngồi đó chớ ra, Nàng là phận gái ta là phận trai"

thành

 "Khoan khoan ngồi đó chớ ra, Nàng chờ trong đó ta từ từ vô!".

Nhờ cô tôi mới biết "Hồn Cách Mạng" là tờ báo của phong trào "Việt Nam Quốc Dân Đảng", và năm 1945 Mỹ đã thả bom nguyên tử xuống hai đảo "Trường Kỳ" và "Quảng đảo" là Hiroshima và Nagasaki của Nhật... Vài năm sau tụi tôi nghe tin Thầy mất, cho đến bây giờ tôi vẫn hối tiếc vì không viếng thăm cô được trong những ngày đau buồn này!


thay_doan_viet_bien-thumbnailQua năm sau, lớp tôi được đổi thành lớp Chín 4 và học với thầy Đoàn Viết Biên. Thầy rất vui vẻ nhưng trông oai nghiêm với cái roi mây, bất kể tụi tôi đã "trổ mã" và to sầm nhưng đứa nào lạng quạng vẫn được thầy ưu ái tặng vài roi như thường! Hồi đó thầy dạy hai môn Cổ văn và Kim văn, bắt học trò phải học thuộc lòng tiểu sử tác giả như Nguyễn Du hay Phạm Quỳnh... Khi "được" kêu trúng tên, tụi tôi phải đọc phần nói về tác giả trước rồi mới trả bài (dĩ nhiên cũng phải học cho thuộc).

Thầy đã chia lớp tôi thành sáu đội, mỗi đội hai bàn. Trước giờ của thầy, thành viên trong đội có nhiệm vụ phải kiểm tra xem bạn mình có thuộc bài hay không. Nếu trong đội nào có người không thuộc bài, đội trưởng phải cho thầy biết tên, nếu không lỡ thầy gọi trúng anh chàng đó thì cả đội sẽ lãnh đủ và ăn... roi mây! Hồi đó có những cảnh cười ra nước mắt, nhứt là khi tụi tôi học phần Kim văn, vì bài của các học giả còn phôi thai nên văn viết dài lòng thòng và khó thuộc. Vào một buổi trưa tôi phải ôn bài "Hai Con Đường" của Phạm Quỳnh cho một người bạn tên Trung, anh này đi một đường tiểu sử tác giả ngon như ăn cháo. Sau đó Trung cũng trả một hơi đến nửa bài, tôi thấy chắc ăn rồi mới nói: "Thôi được rồi, tao với mày đi chơi !".

Khi thầy Biên mở sổ vàng kêu tên thì xui khiến làm sao Trung được chiếu cố tới! Tôi rất tin tưởng thằng bạn mình ai ngờ sau khi đọc đến nửa bài thì "xe" bị trục trặc, Trung ú ớ và thầy nhắc một hai chữ. Anh chàng đọc mấy chữ này rồi cứ lặp đi lặp lại hoài trong khi tôi muốn thót tim! Sau đó thầy hỏi: "Đứa nào khảo bài cho thằng này?". Tôi đành đau khổ đứng lên nhận tội và đi lên bảng, cả đội riu ríu đi theo tôi rồi nằm sắp lớp trên bục gỗ như... cá mòi. Lúc đó mỗi tên lãnh ba roi, tuy không đau nhưng thiệt là tức vì có mấy đứa con gái học khác buổi đi trực, sau khi thầy ký vô sổ điểm danh các "ả" không chịu đi cho rồi, cứ đứng ở ngoài cửa cười khúc khích hoài!
Cũng trong buổi chiều đó đến đội 6 thì đội trưởng báo cáo có bạn Tiến không thuộc bài. Tiến bèn tức tối đứng lên nói: "Thưa thầy, bửa nay trong đội có tới mấy đứa không thuộc bài chứ không phải một mình em!". Thầy Biên cười cười và không chờ các bạn khác nói "oong đơ" (un- deux) gì hết, đã kêu cả đội lên bảng nằm xuống để lãnh ơn mưa móc của thầy!

Nói về giảng bài thì khỏi nói, thầy đã truyền cho lớp tôi hào khí bừng bừng của ông Nguyễn Công Trứ. Nào là "Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc, Nợ tang bồng vay trả trả vay, Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây, Cho phỉ sức vẩy vùng trong bốn bể", hay là tuy nghèo nhưng không sờn lòng qua "Hàn Nho Phong Vị Phú", trong đó có câu

 "Chém cha cái khó, chém cha cái khó!"

nhưng tụi tôi đã sửa thành

"Chém cha con chó, chém cha con chó!"

và hai câu

“Đêm năm canh an giấc ngáy o o, Thời thái bình cửa thường bỏ ngõ”

trở thành

“Đêm năm canh an giấc ngày o o, Bừng tỉnh dậy thấy đồ bay mất hết!”

 Ngoài ra, cả lũ học trò non nớt cũng say sưa khi nghe thầy giảng truyện Kiều để cảm thương cho thân phận long đong của nàng.

 
cophamnhay-thumbnail-covcphuong-thumbnailBước lên năm lớp 10B4, không biết tại sao tụi tôi chỉ học với PhạmThị Nhã Ý có một buổi, sau đó thì được học với cô Vương Chân Phương. Có lẽ vì cô Nhã Ý thấy trong lớp tôi, tên nào cũng có vẻ nghịch ngợm quá quắt chăng ?! Năm này tôi thật sự mê thơ "Song thất lục bát" trong "Chinh phụ ngâm" vì cô Chân Phương giảng bài thật tuyệt vời với những hình tượng rất đẹp như: "Ngòi đầu cầu nước trong như lọc, Đường bên cầu cỏ mọc còn non" hay "Áo chàng đỏ tựa ráng pha, Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in" và "Hồn tử sĩ gió ù ù thôỉ, Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi"... Cô cũng giải thích tâm sự não nùng của người chinh phụ qua "Đưa chàng lòng dặc dặc buồn, Bộ khôn bằng ngựa thủy khôn bằng thuyền", "Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy, Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu, Ngàn dâu xanh ngắt một màu, Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?" hay "Dấu chàng theo lớp mây đưa, Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà"...


thay_ke2-thumbnailNăm cuối tôi học Việt văn là lớp 11B4 với thầy Trần Văn Kế. Nhờ thầy tụi tôi đã có dịp "thâm cứu" thêm về sự thâm thúy của môn học này. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ phong cách đỉnh đạc với giọng ngâm sang sảng của thầy:

"Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên,
 Có giang sơn thì sĩ đã có tên
 Từ Chu Hán vốn sĩ này là quí.."
 ("Kẻ sĩ" / Nguyễn Công Trứ)


Năm đó cũng nhờ thích bài này mà tôi "trúng tủ" khi thi Tú tài 1 vào ngày 02/08/1971. Sau khi đọc đề bài, tôi mừng hết lớn và cứ cắm cúi viết ro ro môt mạch chứ không cần suy nghĩ gì nhiều (sau này tôi đoán có lẽ các anh chị khác học cùng thời cũng may mắn như vậy!)

 
thay_chi_2-thumbnailthayvukhanhthanh-thumbnailCuối năm 1971 lớp tôi bị tan bầy xẻ nghé: có bạn vào quân trường, vài người thi làm thầy giáo, hai bạn chuyển qua học lớp 12A4 còn số còn lại và tôi lên lớp 12B1. Năm cuối bậc Trung học tụi tôi bắt đầu làm quen với những khái niệm về Triết học. Lớp tôi đã học "Đạo đức học" với thầy Trương Hữu Chí và "Luận lý học" với thầy Vũ Khánh Thành. Tôi và các bạn đã học bộ môn Công dân với thầy Thành từ năm lớp 11B4 nên cảm thấy rất thân quen. Trong khi giảng bài với phong cách hòa nhã, từ tốn, thỉnh thoảng thầy cho mấy đệ tử những lời khuyên thật dí dỏm, ý nhị. Tôi vẫn còn nhớ từ buổi học đầu tiên với thầy Chí, đám học trò "lớn" rất thích thú qua lối giảng dạy sinh động của thầy.

 

Bây giờ sau gần 40 năm, cô Vương Chân Phương và thầy Trần Văn Kế đã ra đi. Bạn Vũ Mạnh Tiến “hay hút thuốc lá trong giờ cô Bích Loan" (lời thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Bảo) và "bị báo cáo" trong giờ học với thầy Đoàn Viết Biên cũng không còn nữa! Xin thắp một nén hương lòng. Dù qua biết bao vật đổỉ sao dời, tôi vẫn nhớ tình cảm thắm thiết của bạn bè xưa và nguyện khắc ghi trong lòng công ơn, ân tình của quý Thầy Cô suốt đời.

 tdhoang-thumbnail  Trương Đức Hoàng - Australia

 Trưởng Khối Xã Hội Học Tập- Ban ĐHHS NQ (nk72-73)

 18/09/2010

 

  

23 Tháng Ba 2009(Xem: 71733)
Vẫy tay chào hang yên chi hoa đỏ Chào khuôn sân đá cuội trắng rì rào Chào hàng sao chim tụ về làm tổ Chào tượng Ngô Quyền nắng ngủ trên cao
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71849)
Về lại Biên Hòa thăm con đường xưa Dốc học trò vẫn mang tên Kỷ Niệm
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71451)
Vẫn là mưa nghiêng nghiêng giăng trắng Trên hàng cây bãi cỏ sân trường Sao không giống ngày xưa sâu lắng Chiều tan trường bè bạn thân thương
23 Tháng Ba 2009(Xem: 68905)
Biên Hòa em vẫn thương hoài Ngô Quyền ngày trước, áo dài màu xanh.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71427)
Nếu một mai tôi chết, Xin đừng khóc cho tôi. Đường đời chia đôi ngả, Hãy chôn tình phai phôi.
23 Tháng Ba 2009(Xem: 71200)
Saigon ơi, xa rồi ta vẫn nhớ Những chiều xưa hai đứa lén hẹn hò!
23 Tháng Ba 2009(Xem: 70975)
Lưu bút ngày xưa kỷ niệm đầy, Tình thân bạn cũ hãy còn đây! Ngây ngô ghi vội đôi dòng chữ Đầy ấp yêu thương mỗi phút giây.
02 Tháng Ba 2009(Xem: 70663)
ôi, mùa hè tuổi nhỏ hóa thân giữa màu hoa ôi, mùa hè êm ả phục sinh từ đôi ta!
24 Tháng Hai 2009(Xem: 32266)
  Trong tuyển tập “Giữa Hai Miền Mưa Nắng” của nhà văn Hoàng Mai Ðạt, tác giả đã kể lại một chuyến về Việt Nam vào năm 1998, đặc biệt là ở vùng đất Biên Hòa, quê vợ của anh. Sau đây là trích đoạn tác giả về thăm một nơi chốn đã khiến anh bồi hồi với bao cảm xúc, đó là trường Ngô Quyền của vợ anh cũng như của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, người viết những bài thơ tình bất hủ mà anh yêu thích từ lâu.
24 Tháng Hai 2009(Xem: 79645)
  ( Kính tặng Thầy Toán Nguyễn Văn Phố)
24 Tháng Hai 2009(Xem: 71640)
  Nay đất khách quê ngưòi: Thân biệt xứ. Áo công khanh rách nát giữ trong tim. Chút hương xưa là chút lửa êm đềm, Dùng sưởi ấm niềm riêng, chờ Hội lớn.
24 Tháng Hai 2009(Xem: 35037)
  Rời Sài Gòn tháng Tư năm 75. Đến Mỹ, Thượng Châu hợp tác với nhà văn Võ Phiến, Lê Tất Điều, ký giả Nguyễn Hoàng Đoan xuất bản tờ báo Việt ngữ đầu tiên tại Hoa Kỳ tên Hồn Việt, do nữ ca sĩ Khánh Ly làm chủ nhiệm. Sau đó, hội nhập đời sống Mỹ, đi làm việc ở SanDiego đã được 28 năm và sắp về hưu. Lâu lắm, không viết lách gì, nhưng bây giờ với tiếng gọi trường cũ Ngô Quyền, Thượng Châu rất sẵn sàng và vui vẻ đóng góp
20 Tháng Hai 2009(Xem: 80882)
Ba mươi năm chờ đợi Hoa tàn, trăng tận, sông quằn mình trăn trở Ba mươi năm nhớ mong Lá héo, sao mờ, biển cồn cào dậy sóng
20 Tháng Hai 2009(Xem: 75858)
  Đứng trước biển mùa Đông thêm cô quạnh Cánh hải âu đơn lẻ chập chờn bay Hải đăng xa nhạt nhòa trong sương lạnh Đá chập chùng, mong mỏi đợi chờ ai  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 75780)
  Nhớ sao cứ nhớ quắt quay Ngô Quyền bạn cũ giờ đây ai còn?                  
20 Tháng Hai 2009(Xem: 75565)
Một chút mây trời, để nhớ thương, Bay qua thật nhẹ, trước cổng trường.  
16 Tháng Hai 2009(Xem: 75312)
Tặng Mai Trọng Ngãi, Đinh Hoàng Vân, Tiêu Hồng Phước, Tô Anh Tuấn và Phan Kim Phẩm.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 23898)
Sự cư xử giản dị nhưng đầy tình chân thật của em là một món quà vô giá mà không dễ gì tôi nhận được một lần thứ nhì trong đời.
09 Tháng Hai 2009(Xem: 37506)
... và như thế, Ngô Quyền hôm qua, hôm nay, mãi mãi vẫn là tổ ấm của chúng ta miên viễn, đời đời...
05 Tháng Hai 2009(Xem: 90065)
Năm mươi ngọn nến hồng đang rực sáng, hân hoan mừng phút giây hạnh ngộ, trùng phùng. Hãy cùng nhau sớt chia, gìn giữ vì ngọt bùi nào rồi cũng sẽ chóng qua…
05 Tháng Hai 2009(Xem: 38898)
  Trường Trung Học Ngô Quyền được điều hành bởi một Ban Giám Đốc, đứng đầu là Hiệu Trưởng
04 Tháng Hai 2009(Xem: 87192)
  Con xin phép được viết đôi dòng kỷ niệm trong lứa tuổi học trò của con vớI những câu nói của Thầy mà gần 50 năm qua vẫn còn in đậm trong trí con.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 34867)
  Chúng tôi trưởng thành trong một nền giáo dục “NHÂN BẢN và KHAI PHÓNG”, mà tinh thần “Tôn sư trọng đạo” thể hiện trong câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, với Thầy, một lòng tôn kính, với bạn, một dạ chân tình, xin mượn nơi nầy thắp nén tâm hương tri ân quí Thầy đã quá vãng, tưởng nhớ quí Bạn đã qua đời.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 74541)
  Này em còn nhớ hay quên ? Lời Thầy Cô dạy chớ nên lơ là. Vì đâu mà có thân ta, Công Cha, Nghĩa Mẹ bài ca dao này;  
04 Tháng Hai 2009(Xem: 39168)
Dĩ nhiên, đám học trò chúng tôi thích lắm, vì ý tưởng lạ đó không tìm thấy được trong Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim hay trong Việt Sử Toàn Thư của sử gia Phạm Văn Sơn.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 40507)
  Trường Trung học Ngô Quyền là một trường sinh sau đẻ muộn, so với các trường Pétrus Ký, Gia Long ở Sàigòn, và các trường Nguyễn Đình Chiểu (được gọi là Le Myre de Vilers thời thuộc Pháp) ở Mỹ Tho, và Phan Thanh Giản ở Cần Thơ.
04 Tháng Hai 2009(Xem: 82487)
Nhìn em dáng nhỏ hao gầy Cho tôi nghe tiếng thở dài buồn tênh
04 Tháng Hai 2009(Xem: 46742)
Một cuộc biển dâu, đổi đời, tang thương đã diễn ra quá nỗi bi đát. Biên Hòa còn đó, mà lòng Biên Hòa đã mất tự bao giờ. Nay tuổi đời đã cao, nghĩ đến thời son trẻ, mà ngậm ngùi tiếc nuối quá khứ. Công đã tạm thành, danh đã tạm toại, nhưng tâm hồn tôi vẫn ngậm ngùi nhớ tiếc những phút giây hạnh phúc đầu tiên, đã qua mất rồi.