Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - ĐOẠN CUỐI HÔI KÝ CỦA BA

18 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 91879)
Nguyễn Trần Diệu Hương - ĐOẠN CUỐI HÔI KÝ CỦA BA

ĐOẠN CUỐI HI KÝ CỦA BA

Nguyễn Trần Diệu Hương

 

  • Bài này được viết để đau xót đưa Ba về với hạc nội mây ngàn, để báo tin cho bạn bè của Ba - những người vẫn còn hiện diện trên đời - bạn học ở Khải Định, Quốc Học, ở quân trường Thủ Đức, ở camp Fort Benning, Georgia; bạn trong quân ngũ; bạn tù ở Biên Hòa, Vĩnh Phú, Hà Nam Ninh, Gia Trung: Ba đã vĩnh viễn ra đi. 
  • Như một lời cảm ơn muộn màng (của cả gia đình, thay cho Ba) gởi đến Bác DK Lai ở Texas, chú MV Tấn ở Indiana.

blank

 

Một trong hai tai nạn lớn nhất đời người vừa xảy ra với chúng tôi khi Ba vĩnh viễn bỏ cuộc đời, bỏ Mẹ và chúng tôi, Những năm gần đây, nhiều người bạn cùng thời với Ba, những người sinh vào cuối thập niên 20s đến cuối thập niên 30s của thế kỷ hai mươi lần lượt bước sang thế giới vĩnh hằng, chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho ngày Ba về với ông bà, nhưng lòng vẫn đau như cắt.

Dạo sau này, cả anh Sơn, một người bạn lớp trên ở trường Ngô Quyền xưa, và chúng tôi đều lo sợ khi chuông điện thoại reo lên vào giữa đêm khuya, chỉ sợ đó là tin chẳng lành về các đấng sinh thành. Cả hai ông Bố đều đã tốt nghiệp "đại học máu" (theo từ ngữ của nhà văn Hà Thúc Sinh) với một thời gian cả một thập niên dài đăng đẳng. Những năm tháng cùng khổ đó đã tàn phá cơ thể của những cựu SQ QLVNCH vốn có lối sống kỷ luật, điều độ, không uống rượu, không hút thuốc như thân phụ của chúng tôi. Trung tuần tháng 11 năm 2009, Ba anh Sơn qua đời ở Seattle, WA, được đồng đội năm xưa đưa tiễn ông lần cuối trong bầu trời xám ngắt của miền Tây Bắc nước Mỹ. Tôi gọi diện thoại chia buồn với người bạn lớn thời Trung học trước đại tang của anh. Và tưởng tượng trong những giọt nước mưa không ngừng lúc cuối thu đầu đông ở Seattle có lẫn những giọt nước mắt của anh Sơn, Mẹ và các em của anh. Tang lễ xong, anh gọi điện thoại cảm ơn, giọng nói vẫn còn âm ỉ nỗi đau mất cha. Mới biết, dù người ta có lớn, có già đến đâu đi nữa, mất cha vẫn là mất một nửa bầu trời xanh hạnh phúc.

Không may, chỉ nửa năm sau, đến lượt chúng tôi phải chịu một trong hai đại tang lớn nhất đời người. Không phải là một cú điện thoại mang đến tin dữ giữa đêm khuya, mà là vào buổi chiều, lúc hoàng hôn ở ven biển miền Tây nước Mỹ, buổi sáng ngày Lễ Phật Đản 2554 ở Việt Nam, báo tin Ba vĩnh viễn ra đi chỉ sau ba ngày bệnh tim trở nặng. Dù đã bắt đầu tìm hiểu kỹ về tôn giáo, về lẽ vô thường từ khi Ba Mẹ bước vào tuổi bảy mươi, chúng tôi cũng đau đớn như một phần cơ thể của mình vừa bị mất. Mấy anh chị em mua vé máy bay, xin visa khẩn nhập cảnh Việt Nam, về liền ngay ngày hôm sau. Các hãng máy bay ở Châu Á không dành ưu đãi (như một lời phân ưu) cho những người phải lấy chuyến bay gấp để về chịu tang như các hãng máy bay ở Mỹ. Nhưng vào giờ phút đó, tiền bạc không còn đáng kể nữa

Hai chuyến máy bay quốc tế vượt đại dương, và một chuyến bay quốc nội từ phi trường Tân Sơn Nhất đưa chúng tôi về đến quê nhà trong vòng hai mươi bốn tiếng. Cảnh vật trước mắt nhạt nhòa, bị che khuất bởi nước mắt và nỗi đau của người mới mồ côi cha.

 Đây không phải là lần đầu chúng tôi có cảm giác này. Năm 1976, các cựu sĩ quan QLVNCH bị đưa ra mạn ngược ở miền Bắc, nhiều người chịu không nổi sơn lam chướng khí và điều kiện khắc nghiệt của "đáy địa ngục" (theo một tác phẩm cùng tên của họa sĩ kiêm nhà văn quá cố, cựu Đại tá Tạ Tỵ) đã về thế giới bên kia ở tuổi bốn mươi, bỏ lại vợ dại con thơ ở miền Nam vừa "được giải phóng". Hồi đó có một người cùng cấp bậc, ở cùng trại cải tạo với Ba, có một cái tên giống như Ba nhưng không có dấu huyền, đau nặng rồi từ trần, không có một người thân yêu nào bên cạnh, chỉ có tấm lòng của đồng đội cùng khổ trong lao tù cải tạo. Thế là bằng một cách nào đó, tin dữ lan xa về đến miền Nam, đến cư xá cũ ở Biên Hòa nơi chúng tôi sống trước tháng 4 năm 75. Rồi tin chuyển về đến với Mẹ và chúng tôi là Ba đã mất trong trại cải tạo. Còn nhớ, dù còn nhỏ, tôi đạp cái xe mini màu trắng ra ngồi khóc một mình giữa trưa đứng bóng ở bãi biển Nha Trang. Lúc đó bãi biển còn rất vắng và vẫn còn vẽ đẹp nguyên thủy của thiên nhiên. Màu xanh của biển trời, màu trắng của bãi cát nhạt nhòa trước mắt tôi. (Qua màn nước mắt, tôi thấy lại hình ảnh Ba lúc đi trình diện "học tập cải tạo" với thời gian một tháng theo thông báo, khoác cái "sac marine" màu olive ngồi sau xe Honda màu đỏ để anh Luân chở giùm Ba ra ga xe lửa Biên Hòa đi trình diện ở trường Don Bosco).

Chiều cùng ngày, trong nỗi bàng hoàng và đau xót của Mẹ và chúng tôi, lại có tin truyền miệng đưa về người mất trong trại cải tạo là một đồng đội có tên gần giống với tên Ba, không phải là Ba. Nhưng phải đợi đến cả ba tháng sau, nhận được thư Ba gởi về từ lao tù cải tạo, có nội dung giống hệt những thư trước, như thư của tất cả những người tù chính trị khác, nhìn đúng chữ của Ba với ngày tháng trong thư sau cái ngày nhận lầm tin dữ đó, Mẹ và chúng tôi mới yên tâm.

 Ba mươi bốn năm sau, nhận dược tin nát lòng Ba từ trần qua đường dây điện thoại, chúng tôi biết "lịch sử không lập lại" như năm xưa, nhưng vẫn ước gì đó chỉ là một cơn mơ dài.

Chúng tôi gác lại mọi việc ở quê hương thứ hai, dắt díu nhau về quê nhà chịu tang Ba, một trong hai đại tang lớn nhất đời người. Nỗi đau mất cha òa vỡ, lớn đến nỗi chúng tôi mất cảm giác, không báo tin cho ai, ngoài các cô chú, em ruột của Ba đang ở rải rác nhiều nơi trên thế giới; và người bạn thân nhất của Ba ở Dallas, Texas. Qua đường dây điện thoại, chúng tôi cảm nhận được nỗi ngỡ ngàng và tấm lòng của Bác đối với Ba. Theo niềm tin của Phật giáo, dù chúng tôi không nhận phúng điếu, Bác gởi tiền nhờ chúng tôi phóng sinh một trăm con chim vào lễ hạ huyệt của Ba để góp phần cầu nguyện cho Ba được siêu thăng tịnh độ.

Không những chỉ làm đúng theo yêu cầu của Bác, -để cả Bác lẫn Ba đều hài lòng -, ngày đưa Ba về lòng đất, một trong các em tôi còn mang đôi dép của Bác (đôi dép Bác đã để lại ở thềm nhà trong dịp Tết Canh Dần về thăm Việt Nam lần đầu sau 35 năm lưu vong, ghé Nha Trang ở chơi với Ba một tuần). Coi như Bác cũng về Nha Trang với chúng tôi, đưa Ba đi lần cuối trên con đường Duy Tân chạy dọc theo bờ biển về nơi an nghĩ cuối cùng.

Trong nỗi đau xót mất cha, trong lời kinh cầu nguyện của các Tăng Ni trước linh cửu của Ba, chúng tôi được nghe những người khoác áo vàng của một nhà tu nhắc lại những kỷ niệm của họ với Ba trong thời gian Ba dạy họ học Anh văn. Cả hai bên đều kính cẩn gọi nhau là "Thầy ". Ba gọi họ là "Thầy" vì chiếc áo vàng của một người xuất gia. Họ gọi Ba là "Thầy" vì Ba đã giúp họ trau dồi Anh văn, một ngoại ngữ rất thịnh hành ở Việt Nam từ khi chính quyền trong nước "mở cửa đổi mới". 

Tang lễ xong, chỉ đủ thời gian an ủi Mẹ, ở nhà với Mẹ vài ngày để Mẹ quen dần với nỗi trống vắng to lớn, chúng tôi trở lại Mỹ để phải chạy theo "nợ áo cơm" và những ràng buộc thường tình của đời sống.

Khác với những lần trước về thăm nhà, lần này hành trang của chúng tôi gọn nhẹ, không có gì ngoài những bộ quần áo màu trắng và đen chúng tôi sẽ phải mặc trong suốt thời gian cư tang. Về lại Mỹ, hành lý chỉ có thêm vài món đồ Ba đã chắt chiu gìn giữ sau bao nhiêu năm vật đổi sao dời, những kỷ vật có ẩn chứa một đoạn đời thơ dại hạnh phúc của chúng tôi ở Biên Hòa vào đầu thập niên 70s.

Ba chưa bao giờ kể lại cho chúng tôi một điều gì về những ngày cùng khổ trong các trại cải tạo từ Nam ra Bắc rồi vào miền Trung, nhưng đây đó qua những bài viết về hồi ức những ngày cơ cực của các cựu sĩ quan QLVNCH đang sống những ngày cuối đời ở đất khách quê người, chúng tôi được biết về tấm lòng của Ba với đồng đội, bạn bè ngay cả trong gian nan khốn khó. Chẳng hạn như Ba đã chia cho những người bạn tù từng viên trụ sinh hết sức quý hiếm trong những giờ phút bệnh hoạn, đói khát trong lao tù cải tao.

Phải chăng cũng như Bác, hạnh từ bi đã có trong Ba tự thủa nào nên Ba không hề mở miệng oán trách những người đã tước đoạt nhà cửa, gây ra bao khốn khó một thời cho gia đình.

Khi chúng tôi qua lại Mỹ, người bạn thân nhất của Ba đã kể lại cho chúng tôi cơ duyên Bác với Ba có một "tình bạn Lưu Bình - Dương Lễ". Những chuyện mà chúng tôi chưa bao giờ được nghe. Nhân sắp đến ngày Father’s Day và ngày Quân lực VNCH (19 tháng 6), xin ghi lại như một cách để tưởng nhớ đến Ba, một người lính thanh liêm, gương mẫu của QLVNCH. - như người Mỹ vẫn "celebrate one’s life" khi một người vừa từ trần-.

Bác đã kể cho chúng tôi nghe về tính khiêm cung và tinh thần chí công vô tư của Ba trong thời gian làm ở Nha Tổng Thanh tra QLVNCH thuộc Bộ Tổng Tham Mưu. Thời đó, thập niên 70s, có thể vì chúng tôi còn quá nhỏ, có thể vì Ba không bao giờ mang chuyện công ra kể lể ở nhà, chúng tôi không biết gì về công việc của Ba. Hơn ba thập niên trôi qua, đúng với định luật "tre tàn măng mọc", rất nhiều người trong hàng ngũ QLVNCH đã về cõi vĩnh hằng, ký ức của người còn sống cũng đã nhạt nhòa theo năm tháng. Nhưng ở tuổi tám mươi, Bác vẫn còn tinh tường và khỏe mạnh để kể lại cho chúng tôi nghe về thân phụ của chúng tôi, về người bạn thân nhất của Bác.

Dạo đó, một trong những nhiệm vụ của Ba là dạy về các điều luật trong quân pháp. Khi Bác đổi về Nha Tổng Thanh Tra, mặc dù cùng cấp bậc, trạc tuổi Ba, tuy không có nhiều kinh nghiệm thanh tra trên khắp bốn vùng chiến thuật, nhưng Bác có bằng Luật sư. Thời gian đầu, Bác mới về, Ba luôn truy vấn Bác về các điều luật, về quân pháp, Bác trả lời rành mạch, thuộc nằm lòng các bộ luật quân sự lẫn dân sự. Thấy Bác tường tận luật lệ, lại có bằng chuyên môn, Ba xin với "xếp" để Bác thay thế Ba trong các lớp dạy về quân pháp. "Xếp" hỏi:

- Anh có chắc là anh kia có kinh nghiệm điều tra thực tế và hướng dẫn quân pháp rõ ràng không?

Ba quả quyết Bác thừa sức đứng lớp thay Ba. Thế là từ đó, Bác thay Ba dạy về quân pháp ở Nha Tổng Thanh Tra, Ba chỉ phụ trách lớp học khi nào Bác bận công tác khác Không những thế, lúc nào có thể thu xếp được, Ba vẫn đến lớp của Bác, vừa dự giờ, vừa học hỏi thêm từ kiến thức của một người đã hành nghề Luật sư nhiều năm. Từ đó, tình bạn khởi đầu giữa Ba và Bác vì cả hai cùng có hạnh khiêm cung, và lòng từ bi. Có lúc phải điều tra những hồ sơ mà người bị tố cáo có cấp bậc cao hơn Bác và Ba nhiều, nhưng bao giờ cả hai cũng làm việc với tinh thần chí công vô tư, giữ lại được hình ảnh tốt đẹp của những SQ QLVNCH trong lòng người dân miền Nam.

Cơn lốc tháng 4/1975 cuốn đi tất cả mọi thứ. Bác di tản kịp thời, với kiến thức về Luật đã được học ở Mỹ từ năm 1958, Bác lấy lại được bằng hành nghề và làm công chức liên bang ở Pennsylvania đến ngày về hưu. Nghiệp nặng hơn, Ba ở lại, lận đận gian nan cả chục năm trong lao tù cải tạo từ Nam ra Bắc Trong gần hai thập niên, Bác không ngừng tìm kiếm Ba cả ở Mỹ lẫn Việt Nam nhưng không đạt được kết quả nào vì "chim bay biển Bắc, anh tìm biển Nam"

Cuối cùng tấm lòng của Bác với Ba động đến lòng Trời, một người bạn khác của Bác giúp Bác tìm ra Ba sau ngót hai mươi năm biệt tin với rất nhiều vật đổi sao dời. Bác và gia đình muốn yểm trợ vật chất cho Ba Mẹ chúng tôi nhưng vào thời điểm đó chúng tôi đã đủ khả năng chu cấp cho Ba Mẹ. Nên từ đó, Bác vẫn đều đều gởi tiền về hàng năm để Ba giúp Bác chia xẻ với những người kém may mắn hơn. Bác có của, Ba có công, nhiều thương phế binh VNCH, nhiều người tàn tật, các em bé mồ côi đã được trợ giúp vật chất đều đặn hàng năm. 

Dù được ra đi theo chương trình HO từ năm 1990 nhưng Ba Mẹ từ chối không đi vì lúc đó chúng tôi đã ổn định ở quê người. Lúc qua thăm chúng tôi, Ba đã dành vài ngày về thăm Bác, thăm ngôi chùa nhỏ Bác đã tạo dựng ở Pennsylvania. Vì nợ áo cơm chúng tôi không thể đi theo để được chứng kiến cuộc hội ngộ của hai người bạn thân sau một phần tư thế kỷ. Nhưng nhìn những tấm hình chụp Bác và Ba ngồi trang nghiêm ngay ngắn trong hai cái áo tràng màu lam trước tượng Phật, dù tóc đã ngã màu sương khói, nhưng lưng vẫn còn thẳng như ngày xưa vẫn ngồi bên nhau trong áo lính màu olive trong lớp học Tham mưu cao cấp ở Dalat, mới thấy hết ý nghĩa của câu ngạn ngữ "tình bạn như rượu chát càng cổ xưa càng dịu ngọt”.

Nhờ Bác thuyết phục, những năm cuối đời, Ba đã thuộc được "Chú Đại Bi”, một bài kinh tiếng Phạn rất khó nhớ, vẫn được tụng niệm trong các khóa lễ của Phật giáo, mà Bác đã nằm lòng từ lúc còn học Tiểu học ở Hưng Yên.

 Theo niềm tin của đạo Phật, từ lúc Ba mất đến 49 ngày, mỗi tuần ở quê nhà Mẹ vẫn phóng sinh một số chim se sẻ, bằng đúng số năm Ba sống trên đời để cầu nguyện cho Ba được vãng sinh cực lạc. Mỗi thứ năm, lễ hàng tuần cho Ba được tổ chức ở nhà bởi một thiền sư đã học Anh văn với Ba trong quá khứ. Cùng thời điểm, ở California lúc 8 giờ tối, và ở Texas lúc 10 giờ đêm thứ tư, chúng tôi và Bác vẫn đọc kinh địa tạng, kinh phước đức, và kinh thương yêu để mong Ba được thênh thang hạc nội mây ngàn mặc dù cả cuộc đời, Ba luôn hành xử theo lương tâm và lẽ phải.

Trong nỗi đau không cùng, chúng tôi có niềm tự hào về Ba. Ba không để lại cho chúng tôi một gia tài vật chất như nhiều người cha giàu có khác, nhưng chúng tôi đã được thừa hưởng từ Ba một gia sản tinh thần vô giá từ cuộc đời mực thước của Ba. Một cuộc đời luôn gắn liền với đức khiêm tốn và hạnh từ bi. Ba đã tha thứ cho ngay cả những người đã đày đọa Ba và bạn bè trong lao tù cải tạo.

Từ ngày Ba mất, hình như núi Thái Sơn trong tim của mỗi chúng tôi cao hơn, ngút ngàn, vô tận …

Nguyễn Trần Diệu Hương

 (Father’s Day 2010)

(Để làm đoạn kết cho quyển hồi ký bìa xanh Ba viết riêng cho các con năm 2006 - Với lòng thương nhớ của Mẹ và tụi con).


blank

 

09 Tháng Ba 2024(Xem: 1419)
Sau bao năm thăng trầm trong cuộc đời có nhiều mất mát có nhiều thay đổi nhưng tình yêu âm nhạc trong anh vẫn sống mãi. Anh đã vui trong niềm vui và buồn trong nỗi buồn ...
08 Tháng Ba 2024(Xem: 2332)
Xuân từ “Lục bát “bước ra? Ngắm Anh Đào nở sắc Hoa trắng ngần! Xuân đi Xuân đến bao lần? Mời tới Lễ Hội ân cần thiết tha!
24 Tháng Hai 2024(Xem: 3168)
Mùa trăng đầu năm tháng giêng Trông như ánh mắt mẹ hiền yêu thương Dù cho xa cách hai phương Sáng soi vằng vặc độ lường nguyên tiêu.
23 Tháng Hai 2024(Xem: 867)
Hãy viết thêm lời nguyền trên là - Lá vẫn xanh xanh mùa thủy chung - Cho trăm năm chỉ là chút tình - Hãy nâng niu giọt nắng mong mamh
03 Tháng Hai 2024(Xem: 2584)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
21 Tháng Bảy 2023(Xem: 3710)
Rủ nhau về lại "NGÔ QUYỀN" Gặp thầy, gặp bạn huyên thuyên nói cười "TRƯỜNG XƯA" in dấu trong tôi DIAMOND SEAFOOD đón mời thân thương
20 Tháng Bảy 2023(Xem: 5191)
Tham dự buổi Picnic hôm nay, gồm cựu học sinh NQ, thân quyến và một số thân hữu của Anh Phẩm, Chị Lynh khóa 6, vốn có cảm tình đặc biệt với NQ,
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 5907)
Bầu trời tháng Bảy đẹp như mơ Sinh Nhật 6 nàng tặng rổ…thơ HOÀI NIỆM, NGUYÊN NHUNG tài khó đoán TƯỞNG DUNG, PHƯƠNG THUÝ giỏi không ngờ!
12 Tháng Bảy 2023(Xem: 4946)
Ai có quay về chốn cố hương Xa xôi cách trở mấy cung đường Hỏi giùm: "Người cũ còn nhung nhớ?" Đất khách bôn ba đời lữ thứ Quê người lận đận kiếp phong sương Nhắn hộ: "Tình xưa vẫn vấn vương"
28 Tháng Sáu 2023(Xem: 5485)
Trong chỗ riêng tư, tôi chia xẻ những tâm tình với Bùi Giáng, với Phạm Công Thiện trong sự ngậm ngùi về số phận không may dành cho họ.
20 Tháng Ba 2023(Xem: 5961)
Nước Mỹ là miền đất hứa đã luôn mở rộng vòng tay chào đón và tạo cơ hội tốt cho bất kỳ ai, miễn là họ có khát vọng vươn lên và phải nỗ lực thực hiện bằng được khát vọng ấy.
04 Tháng Ba 2023(Xem: 6050)
Sau khi trải nghiệm tàu ra vào kênh tôi không ngạc nhiên khi Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ đã xếp kênh đào Panama là một trong bảy kỳ quan của thế giới hiện đại.
19 Tháng Hai 2023(Xem: 6442)
Trong lúc Kansas City Chiefs vui mừng trong rừng confetti thì đội Philadelphia buồn vì vừa đánh mất chức vô địch trong tầm tay khi chỉ còn 8 giây nữa là kết thúc trận đấu.
10 Tháng Hai 2023(Xem: 5899)
Nàng chợt nhận ra… Ồ! bức tường nghiêng! Sao đêm nay nàng mới nhận ra bức tường của nàng đã nghiêng?!
22 Tháng Giêng 2023(Xem: 10287)
vẽ trái tim tôi mầu đỏ nhạt, hay hồng… đã từ lâu, tôi nghĩ tim. chỉ để yêu thôi thỉnh thoảng. để giận hờn… nay. sao tim bối rối?*
11 Tháng Giêng 2023(Xem: 7470)
Đang vào những ngày đầu năm Dương lịch và tiếp đến sẽ là một cái Tết cổ truyền thiêng liêng rộn rã... . Xin có vài dòng ghi lại buổi họp mặt “ Cựu học sinh Trung học Ngô Quyền - Biên Hòa “
20 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6052)
World Cup 2022 khép lại với trận chung kết có nước mắt nhiều hơn nụ cười, chỉ có 45 triệu người (Argentina) vui, mà có đến 65 triệu người (Pháp) buồn.
17 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 7125)
Suốt cả cuộc đời Voi hoạt bát chỉ chuyên tâm tu học, hết lòng phụng sự Thiên Chúa và luôn Giúp ích cho đời. Tưởng chừng gieo nhiều hạt tốt sẽ gặt lắm quả lành,
02 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 5988)
Nói cho cùng, phải chăng số phận của bà Lê Vũ Anh đã được chính cha ruột của mình định đoạt vì ý hướng mong muốn con gái thành công.
01 Tháng Mười Hai 2022(Xem: 6843)
Một cuốn sách, đọc, sẽ làm phấn khởi một số rất lớn người trong chúng ta, vì qua những gì đọc được. Cuối cùng cái chiến thắng trông chờ lâu nay, sẽ chắc chắn hiện hình.
28 Tháng Mười 2022(Xem: 6808)
Chịu khó đọc giáo sư Nguyễn Văn Trung, ta sẽ gặp một nhà trí thức dấn thân với các giá trị cốt lõi rõ rệt: khoa học, khai phóng
01 Tháng Chín 2022(Xem: 16396)
Viết những dòng tâm can này vào ngày Nguyễn Văn Kỷ Ngọc Thuyền - bé Bi con tôi tròn 46 tuổi, trái tim thương tật của người cha Mai Quan Vinh chỉ khát khao duy nhất một điều
31 Tháng Tám 2022(Xem: 7508)
Tôi phải thú thật một điều là chưa có tiệc sinh nhật nào tôi đi dự mà vui vẻ và thật tình như vậy. Người giới thiệu chương trình, ca sĩ lên hát và quan khách đều đến tham dự với sự mến thương và yêu quý Hạnh
29 Tháng Bảy 2022(Xem: 7603)
Anh là một hòn đá cương nghị, anh được đặt đúng chỗ và đúng thời điểm nên đã chuyển hướng cả một dòng âm nhạc mang bản sắc Việt Nam.
28 Tháng Sáu 2022(Xem: 10077)
Người bỗng về theo mùa nhuốm heo may Chút hương thầm xin là gió cứ bay Theo áng mây về cuối trời xa thẳm Đừng cho lòng rung lại những tàn phai…!