Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Đỗ Vẫn Trọn - GIÓ CUỐI ĐỜI KHẼ GỌI

28 Tháng Chín 201412:51 CH(Xem: 6462)
Đỗ Vẫn Trọn - GIÓ CUỐI ĐỜI KHẼ GỌI


GIÓ CUỐI ĐỜI KHẼ GỌI

 

9 giờ tối thứ Sáu, tôi lái xe đến Viện an dưỡng Mission De La CaSa – San Jose định thăm anh Nguyễn Xuân Hoàng, nhưng không hiểu sao tôi lại đi thẳng ra phi trường. Khi máy bay cất cánh, tôi trầm tư dõi mắt nhìn thành phố San Jose yên ngủ, những ngọn đèn vàng rực rỡ - lấp lánh đan kết nhau như một thảm hoa, một thung lũng hoa vàng của tôi và bạn. 

 

195143-NguyenXuanHoang 400Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và nhà văn Đỗ Vẫn Trọn. Ảnh chụp năm 1998 tại San Jose

 

Ở một vệt trắng nào đó, tôi đang hình dung anh đang nằm trên giường bệnh, chống chọi với tử thần, với ánh mắt buồn bã cúi đầu nhận chịu số mệnh. Tâm tư tôi khép kín, linh tính cho tôi biết, có một điều gì đó bất thường mà tôi không muốn chấp nhận, không muốn đối diện.

 

11 giờ sáng hôm sau, thứ Bảy ngày 13 tháng 9 năm 2014, tôi được tin anh Nguyễn Xuân Hoàng đã ra đi lúc 10:50 sáng, ở tuổi bảy mươi tư. 

 

Tôi không ngạc nhiên, nhưng tôi ngậm ngùi nhỏ lệ, hụt hẫng cho một tình thân sâu đậm đã vượt qua biên giới tử/sinh. Tôi gọi chị Trương Gia Vy, chuông điện thoại chầm chậm reng một vài hồi rồi tắt lịm, để lại một khoảng trống hư vô. Tôi gọi anh Du Tử Lê, anh Từ Công Phụng và một số bằng hữu báo tin… như để chia sẻ một niềm đau.

 

Thể chất anh Nguyễn Xuân Hoàng rất yếu đuối. Những năm trước, khi mấy người bạn thân của anh mất, anh rất suy sụp tinh thần, anh nghĩ không bao lâu nữa sẽ đến phiên anh. Từ đó, anh sống rất bi quan.

 

Sự cố gắng của anh như một đền bù tình yêu thương của người vợ đã dành trọn cho anh. Nhiều lần anh tâm sự: “Có thể nào em khuyên chị Vy thôi đừng làm báo, làm đài nữa không. Anh mệt lắm rồi, chị còn dính vào, thì anh còn trách nhiệm…”.

 

Tư thế một người chủ bút - một tổng thư ký của những tờ báo lớn, anh Nguyễn Xuân Hoàng rất xứng đáng trong vai trò đó. Anh thận trọng trong chữ nghĩa, chăm chú đọc từng câu, từng chữ những bài viết khi đăng. Tờ báo nào do anh phụ trách là một sự an tâm tuyệt đối.

 

Bản chất anh thật hiền lành, tử tế với anh em. Tôi chưa bao giờ thấy anh công kích ai cả. Một lần, có một người bất xứng với anh, và tôi, đã lôi kéo anh vào một vụ kiện vô lý, nhưng anh không bao giờ trả đũa lại người đó. Lần khác, một người mà tôi gọi là kẻ u mê trong văn chương, nói năng khiếm nhã với anh. Tôi đã thẳng thừng và đuổi người đó ra khỏi chỗ của anh em tôi ngồi. Tính tôi rất bình tĩnh, nhưng cũng dễ bất bình trước hành động lỗ mãng của những người thiếu lễ độ với những anh em mà tôi kính nể. Những sự việc như thế, anh không hề tỏ ra nóng nảy hay bực bội. Anh thản nhiên, với sự thế, với sự thay đổi của cá tính con người.

 

Giữa năm 1985, anh Mai Thảo gọi tôi. Em đến đón anh đi ăn cơm với anh Nguyễn Xuân Hoàng vừa từ Việt Nam sang. Anh em gặp nhau mừng rỡ. Anh kể cho tôi nghe những ngày ở Báo Văn, những ngày ngụp lặn ở khu Mã Lạng. Ở Nguyễn Trãi, ở Phạm Ngũ Lão với những nỗi buồn của người ở lại, nhớ những anh em ở bên kia đại dương. Và, thân phận của một nhà văn, nhà giáo dưới một chế độ mới đầy rẫy công an. Ai cũng có thể bắt mình. Ngay người phu ở trường cũng có thể lập một bản án giam thầy giáo. Từ những sợ hãi đó, anh không dám dạy học nữa. 

 

Buổi gặp gỡ đầu tiên của anh em chúng tôi tại Quận Cam thật đáng nhớ. Tôi ngồi yên lặng để nghe anh kể chuyện. Chuyện thầy giáo dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Chuyện học sinh bây giờ đâu còn: “Tiên học lễ, hậu học văn” hay “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Học sinh có thể phê bình và đấu tố thầy giáo. Nghĩ tới điều này, tôi thấy mất mát một điều gì đó rất tôn quý ở Việt Nam. Thời chúng tôi đi học, gặp thầy cô vòng tay chào và kính mến như cha mẹ của mình.

 

Lời anh Mai Thảo, tôi luôn khắc ghi: “Bọn nhà văn chúng ta, có một thứ tiền tệ riêng mà không ai xài được.” Với trưởng thượng Mai Thảo, khi đã xem người nào là bạn, là em thì tất cả như một mắt xích dính liền, phải là anh em chí tình, chí nghĩa với nhau.

 

Tôi thân với anh Nguyễn Xuân Hoàng từ đó. Năm 1998, anh rời Orange County lên San Jose để phụ trách tờ Viet Mercury, anh em lại có dịp gần nhau hơn. Những ngày đầu, anh lái chiếc xe Jeep màu lính của tôi mà anh rất thích. Rất nhiều dịp, hai anh em có những cuộc vui, những bữa tiệc đượm tình. Anh em văn nghệ từ Orange County, từ các nơi về, tôi và anh Nguyễn Xuân Hoàng có bổn phận tiếp đón. Nhiều lúc chúng tôi ngồi uống rượu nói chuyện thâu đêm.

Cách đây mấy tháng, anh Xuân Hồng đài BBC và vợ chồng nhà báo Nguyễn Tú A lên San Jose, anh em chúng tôi cùng đến bệnh viện thăm anh. Tinh thần anh rất minh mẫn, nằm trên giường bệnh mà anh vẫn phụ lo tờ báo với chị Trương Gia Vy. Khi anh Xuân Hồng hỏi: “Buổi tối anh có đau không?” Anh nói: “Đau lắm, chỉ muốn chết thôi”. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi xiết chặt tay anh. Tôi ôm giữ anh bằng tất cả sự yêu thương kính mến. Anh xúc động nói: “Em ráng lên, nhiều anh em chúng ta đã lần lượt ra đi, còn lại em, hãy tiếp nối con đường văn chương. Anh rất tin tưởng ở nơi em như sự nhận định của anh Mai Thảo”. 

 

Cùng thời gian đó, chị Trương Gia Vy cũng đang cấp cứu ở một bệnh viện đối diện với bệnh viện của anh, chỉ cách nhau vài trăm mét. Đúng là: “Ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương nhau hơn”. 

 

Tôi không có một thời kỳ vàng son làm báo bên Việt Nam, thời mà thiên chức và vị thế của một nhà báo được vô cùng kính trọng. Nhà văn, nhà báo, nhà giáo Nguyễn Xuân Hoàng có được nhiều thứ. Lớp trẻ chúng tôi ngưỡng mộ anh vô cùng. Các cô thì cứ tấm tắc khen ngợi về người thầy giáo triết Nguyễn Xuân Hoàng; Dạy giỏi, nói chuyện có duyên, đẹp trai, cao ráo, hiền lành và rất dễ thương với học sinh. Anh còn là khuôn thước để những học sinh mơ mộng sau này được làm một thầy giáo như anh. Những tờ báo khi viết về anh, còn sót, ngoài việc dạy ở Ngô Quyền – Biên Hòa, Petrus Ký, Văn Học, Trường Sơn, Lê Bảo Tịnh, anh còn dạy Triết ở Marie Curie. Điều này tôi chỉ mới biết qua người chị ruột – bác sĩ Đỗ Xuân Tâm, học sinh lớp đệ nhị của anh ở trường Marie Curie. Chị nhắn tin cho tôi “Em nhớ gửi lời phân ưu của chị đến thầy Nguyễn Xuân Hoàng, người thầy khả kính của chị”.

 

Sống và chết là một định luật bất biến, nhưng không dễ gì có những người như anh Nguyễn Xuân Hoàng. Anh là một tấm gương sáng của một nhà văn – nhà báo – nhà giáo. Và văn học miền nam hai mươi năm rất cần có những người như anh. 

 

Tôi tin chắc nhiều người sẽ khóc và nhớ về Nguyễn Xuân Hoàng - người làm đẹp cho đời, làm đẹp cho lớp trẻ chúng tôi, trong một bối cảnh của đất nước ly loạn.

 

Cả đêm qua, tôi lặng người suy nghĩ về anh, về tháng ngày anh em bên nhau, về những ngày tới chị Trương Gia Vy sẽ buồn bã như thế nào. Những buổi sáng, khi đi ngang qua một tiệm Starbuck nào đó, tôi hình dung bóng dáng của anh, của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ngồi đọc báo, suy tư.

 

Tôi uống những giọt café đậm - đắng, như một nỗi lòng hướng về anh. Em gửi đến anh niềm thương tiếc, em khắp lệ tiễn anh đi – Gió cuối đời khẽ gọi. Anh Nguyễn Xuân Hoàng.

 

Đỗ Vẫn Trọn


Nguồn: Báo Người Việt Online

15 Tháng Chín 20142:27 SA(Xem: 16837)
Tác giả của “Người Đi Trên Mây” và của “Bụi Và Rác” đã trở về với cát bụi trong sự thương yêu, luyến tiếc của các thân nhân, bạn hữu, bạn văn và các cựu học sinh từng một thời ngồi trong lớp học của “thầy Hoàng.”
14 Tháng Chín 20141:37 CH(Xem: 17772)
Hỡi ơi bạn đã ra đi Mùa Thu vàng lá cánh gì nỗi đau San Jose gió rối nhàu Trường xưa mái ngói bạc đầu nhớ anh.
14 Tháng Chín 20141:31 CH(Xem: 3572)
Những con chim cánh đen đã quay trở lại/chúng đập đập những đôi cánh trên mái nhà/ tiếng đập khô/ vô cùng buồn bã.