Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Trần Diệu Hương - NHÌN VỀ QUÁ KHỨ VÀ CẢM ƠN NHAU

22 Tháng Mười Một 201112:00 SA(Xem: 122044)
Nguyễn Trần Diệu Hương - NHÌN VỀ QUÁ KHỨ VÀ CẢM ƠN NHAU

 

Nhìn về quá khứ và cảm ơn nhau.

Nguyễn Trần Diệu Hương

 

rms-sj1

rms-sj10

Từ trái sang phải: Đào Nam,Thầy Nguyễn Văn Lục, Thầy Nguyễn Xuân Hoàng, chị Bùi Thị Hảo, Diệu Hương

 

Trung tuần tháng 11 vẫn còn là cuối Thu, mùa Đông chưa lấp ló, nhưng San Jose đã lạnh đủ để thở ra khói mà không cần phải hút thuốc. Lạnh như thế nhưng các bác, các chú cao tuổi vẫn đội mũ quấn khăn đến tham dự buổi ra mắt hai tác phẩm "Tâm sự nước non" và "Một thời để nhớ" của hai nhà biên khảo Minh Võ và Nguyễn Văn Lục .

Chính xác hơn phải nói đây là "Tâm sự nước non" thứ hai của tác giả lão thành Minh Võ . Ông là một người có nhiều công trình biên soạn có giá trị về các giai đoạn chính trị của Việt Nam Cộng Hòa. Cư ngụ ở San Diego, nhưng tuổi đã ngoài 80, sức khỏe không cho phép tác giả Minh Võ đến gặp gỡ độc giả. Dù không được gặp ông, cử tọa tham dự vẫn rất trân trọng "Tâm sự nước non" của ông và của rất nhiều người dù sống lưu vong nhưng lúc nào cũng nặng tình với đất nước.

Hai hàng ghế ngồi ở Hội trường Trung tâm Công Giáo Việt Nam ở San Jose gần như kín chỗ. Điều khác biệt với những buổi ra mắt sách khác là có hình của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm của nền Đệ Nhất Cộng Hòa.

Sau nghi thức khai mạc, chào cờ Việt, Mỹ, và phần tưởng niệm tất cả những người nằm xuống vì hai chữ "tự do", MC Trần Hiếu đã giới thiệu các diễn giả gồm có:

- Linh Mục Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Công giáo VN ở San Jose.

- Bác Sĩ Trần Văn Cảo, Chủ nhiệm Nguyệt san Diễn đàn Giáo dân.

- Luật Sư Phạm Văn Hướng một nhân sĩ của cộng đồng VN ở San Jose.

- Nhà văn Trần Phong Vũ, Chủ bút Nguyệt san Diễn đàn Giáo dân.

- Kỹ sư Nguyễn Đức Cường cựu Tổng trường Kinh tế thời Đệ Nhị Cộng Hòa.

Cha Thư và BS Cảo đã chào mừng tất cả mọi người có mặt ở hội trường và giới thiệu khái quát tình hình lịch sử của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, từ lúc Tổng thống Ngô Đình Diệm chấp chính đến cuộc cách mạng 1 tháng 11 năm 1963.

Tác giả Minh Võ vì sức khỏe, không thể có mặt nhưng Luật sư Hướng đã giới thiệu khái quát tiểu sử của ông, và quá trình phục vụ trong quân đội dưới cả hai nền Cộng hòa của Nam Việt. Ông đã gởi cả tấm lòng của mình vào "Tâm sự nước non" I và II.

Tiếp lời ông, nhà văn Trần Phong Vũ, với thiên khiếu hùng biện hiếm có, đã giới thiệu nhà biên khảo, cựu giáo sư Triết Nguyễn Văn Lục với cử tọa. Mọi người nghe ông trích dẫn một vài chương chính trong "Một thời để nhớ", trong đó ông dành nhiều thì giờ nói về nhà văn Nhất Linh cùng mối quan hệ của nhà văn tài hoa này với Tự lực Văn Đoàn và Việt Nam Quốc dân đảng.

Dù diễn giả nói rất hay, nhưng những cử tọa trẻ vẫn bị chìm trong sương mù hoài nghi của lịch sử trong trường hợp của nhà văn Nhất Linh với chén thuốc độc tự kết liễu đời mình. Phải chi ông Nhất Linh sống lâu hơn, văn học Việt Nam hẳn là sẽ có thêm vài tác phẩm có giá trị khác.

Kết thúc phần phát biểu, kỹ sư Nguyễn Đức Cường đã góp một vài ý kiến cá nhân về thời còn hàn vi của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Sau đó, thay mặt cho cả hai tác giả, cựu GS Triết Nguyễn Văn Lục đã cảm ơn mọi người có mặt trong Hội trường, đặc biệt là ban tổ chức đã giúp phổ biến một phần sự thật về nền Đệ nhất Cộng hòa đến các thế hệ sau qua "Tâm sự nước non" và "Một thời để nhớ". Ông khẳng định là khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa bị bức tử, ông còn là một sinh viên ban Triết của Viện Đại học Đà Lạt. Ông chưa hề được hưởng một bỗng lộc nào của chế độ nên ông viết "Một thời để nhớ" bằng công tâm qua nghiên cứu và biên khảo. Và như vậy tác phẩm có được sự khách quan tương đối.

Đâu đó trong hàng ghế cử tọa có nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng đến với buổi ra mắt sách không chỉ vì văn chương, chữ nghĩa, mà còn vì tình bạn thâm giao với tác giả Nguyễn Văn Lục từ thời cả hai người đều "chưa có tên và chưa có tuổi" ở sân trường Đại học Đà Lạt ngày xưa. Từ rất lâu, sau tháng 4 năm 1975, cả hai ông đều không còn cầm phấn viết bảng mà chỉ còn gõ keyboard, góp một phần nhỏ trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng Việt Nam lưu vong.

Tác giả Nguyễn Văn Lục, nguyên là một giáo sư dạy Triết - ở các trường Trung học công lập Võ Tánh (Nha Trang), Ngô Quyền (Biên Hòa) và một số trường tư ở Saigon: Văn Học, Trường Sơn, Cao Bá Nhạ.... - đến từ Canada đã ký tặng độc giả trên cả hai tác phẩm. Một trong những người chờ được ký tặng trên trang đầu của sách là ông Nguyễn Hữu Lộc. Ông ngồi trên xe lăn, nhưng mắt vẫn sáng ngời niềm vui khi biết thêm nhiều chi tiết về một nền Cộng hòa còn non trẻ đã bị bức tử. Tác giả Nguyễn Văn Lục đứng ký sách, ông Lộc ngồi xe lăn, tay ông yếu không nâng sách lên cao được. Một cô học trò cũ của "thầy Nguyễn Văn Lục" đã giúp ông chuyển 3 quyển sách đến tay thầy. Ông cười rạng rỡ cảm ơn. Tác giả Nguyễn Văn Lục cũng ân cần cảm ơn ông.

Những lời cảm ơn chân tình của những người Việt Nam lưu lạc quê người gởi đến nhau trong mùa Lễ Tạ ơn của Mỹ có mang theo cả tấm lòng...

Nguyễn Trần Diệu Hương

Thanksgiving 2011

(bài viết cho tuần báo Viettribune ở San Jose)

 

 

Một số hình ảnh của Thầy Trò Ngô Quyền trong buổi RMS ở SanJose, ngày 19 tháng 11, 2011


rms-sj2-contentrms-sj12-content

rms-sj6-contentrms-sj11-content

rms-sj4-contentrms_nvl_sj-content

rmsthay_luc___lynh-contentrms-sj7-content

rms_thay_luc___pham-contentrmsnvl_dh_5418-contentrms-sj3-content

dh-bth_5431-contentrms-sj9-content