Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Trần Chí Phúc - GIÃ BIỆT NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN HOÀNG

17 Tháng Chín 20149:24 SA(Xem: 5664)
Trần Chí Phúc - GIÃ BIỆT NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN HOÀNG
GIÃ BIỆT NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN HOÀNG

a007-tan-thu

Buổi sáng Thứ Bảy ngồi uống cà phê với bạn thì nhận được tin nhắn nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng vừa từ giã nhân thế lúc 10 giờ 50 phút sáng ngày 13 tháng 9 năm 2014 tại viện dưỡng lão Mission De La Casa quen thuộc với giới cao niên Việt Nam trên đường Alvin, thành phố San Jose,  trước sự chứng kiến của người thân gồm vợ là chị Trương Gia Vy và con cháu cùng bằng hữu. Anh ra đi thanh thản phút lâm chung sau hơn một năm lâm bệnh, chứng ung thư cột xương sống  gây nên những cơn đau kịch liệt và phải ra vào nhà thương Stanford nhiều lần để chữa trị.


Anh sinh ngày 7/7/1940 tại thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa, học trung học Võ Tánh (Nha Trang ), rồi Petrus Ký (Sài Gòn ). Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Đà Lạt môn Triết (1958-1961), rồi dạy môn Triết tại trung học Ngô Quyền Biên Hòa  (1961-1962), trung học Petrus Ký Sài Gòn (1962- 1975). Ngoài ra anh còn làm Thư ký cho tòa soạn tạp chí Văn ở Sài Gòn (1972- 1974).
Năm 1985 đến Quận Cam, Hoa Kỳ. Làm Tổng thư ký nhật báo Người Việt (1986-1997). Làm Tổng thư ký tạp chí Thế Kỷ 21 (1989- 1994). Năm 1996 làm chủ bút tạp chí Văn do Mai Thảo bàn giao.
Sau đó sang cộng tác với tờ Viễn Đông cùng với Nguyễn Đức Quang được vài năm rồi dời về San Jose để nhận chức Tổng Thư Ký tuần báo Việt Mercury, một chi nhánh của công ty báo San Jose Mercury (1998- 2005).
Chủ bút tuần báo Viet Tribune  ở San Jose do vợ anh là Trương Gia Vy làm chủ nhiệm từ năm 2006 cho đến khi lâm bệnh.
Anh có giữ một trang Blog trên trang mạng của VOA lấy tên là Nguyễn Xuân Hoàng Blog viết về các chủ đề văn học.

Sự nghiệp văn chương của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng gồm các tác phẩm đã in: Mù Sương, Sinh Nhật ,Bụi Và Rác, Kẻ Tà Đạo, Khu Rừng Hực Lửa, Người Đi Trên Mây, Sa Mạc...
Trong lúc làm chủ bút tờ Văn, Nguyễn Xuân Hoàng có viết những bài Sổ Tay Văn Học. Trong vài năm cuối đời, anh ước muốn in lại những bài này thành sách nhưng chưa được thực hiện thì anh đã ra đi. Theo tôi thì đây là những bài có giá trị về lịch sử văn học với cái nhìn của anh, một nhà văn và cũng là nhà báo.

Tôi quen với nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng vì một bài báo của nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn có dòng chữ: "tôi rất thích cái tựa đề cuốn truyện dài Người Đi Trên Mây của ông. Bởi vì mỗi lần nhắc đến nó, tôi đều liên tưởng tới người bạn trẻ gặp gỡ trên đường tị nạn: Trần Chí Phúc."
Lần đầu gặp anh ở tòa soạn Người Việt tôi nhắc câu này và anh cười thú vị. Năm 1995 với bút hiệu Trần Củng Sơn tôi có viết những bài tường thuật về phiên tòa ở San Jose vụ xử Mặt Trận Hoàng Cơ Minh kiện báo Văn Nghệ Tiền Phong,  Cao Thế Dung và Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu và chính anh đã đưa cho tôi tấm chi phiếu 100 mỹ kim của báo Người Việt vì đã đăng những bài viết này. Nhận số tiền nhuận bút dù là không nhiều nhưng lòng vui vì bất ngờ và cảm phục lối làm việc chu đáo của anh.

Từ đó mỗi lần xuống Quận Cam là tôi hay mời anh đi ăn tối ở Home Town Buffet góc đường Chapman và Brookhurst. Có thể anh muốn nghe tôi kể chuyện văn nghệ báo chí ở San Jose.
Trung tâm băng nhạc Làng Văn có mời nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng làm MC một vài cuốn băng hình ca nhạc. Anh có kể chuyện Vô Thượng Sư Thanh Hải muốn mời anh làm MC cho cuốn băng thu hình nhạc thơ của bà nhưng anh từ chối, mặc dù thù lao hậu hỉ và có một số ca nhạc sĩ tên tuổi đã tham gia. Tôi đùa rằng nếu bà ta trả thù lao cho anh vài chục ngàn đô la thì anh có nhận lời không thì anh bật cười.

Khi anh về làm tổng thư ký cho tờ tuần báo Việt Mercury của  công ty truyền thông Mercury News ở San Jose thì trong những năm đó chúng tôi không gặp nhau. Cho đến khi tôi ra mắt cuốn sách Một Thoáng 26 Năm vào năm 2012 thì tôi có hẹn gặp anh để tặng cuốn này và ngồi nói chuyện cả hai tiếng đồng hồ để nghe anh tâm sự một số điều ẩn khuất trong lòng liên quan đến sinh hoạt báo chí và bảo tôi không được phổ biến.
 
Thỉnh thoảng tôi gởi một số bản tin sinh hoạt cộng đồng và hình ảnh cho tuần báo Việt Tribune, một tờ báo in đẹp và bài vở tươm tất, nhất là những bài về văn học do Nguyễn Xuân Hoàng chăm sóc, được độc giả ưa chuộng.
Khi nhà văn Võ Hồng sinh trưởng Tuy An Phú Yên nhưng cuối đời ở Nha Trang mất tháng 4 năm 2013 thì tôi có trích những dòng chữ của nhà văn này viết về các quán cà phê ở Tuy Hòa và thêm một vài ý riêng của mình gởi cho Viet Tribune thì anh bảo là sẽ sửa đổi đôi chút và đưa lên trang Blog Nguyễn Xuân Hoàng trên VOA. Bài viết Võ Hồng Và Những Dòng Chữ Kỷ Niệm Tuy Hòa cũng là một kỷ niệm văn chương của tôi với anh.

Tôi nhớ có một lần email bài viết và hỏi thăm sức khỏe thì anh trả lời là thời gian không còn nhiều và đau đớn lắm. Tôi hỏi anh có sợ chết không thì anh bảo là chỉ muốn ra đi sớm vì đau quá. Bạn bè báo chí có tới thăm và chụp hình với anh. Lần cuối cùng cách đây mấy tháng, tôi một mình ghé viện hồi phục sức khỏe thấy mấy người y tá đang chăm sóc anh. Trên cái bàn đầu giường có máy laptop, anh bảo là mặc dù bệnh nhưng vẫn chăm lo bài vở cho Viet Tribune.

Bằng hữu văn nghệ khắp nơi kéo về thăm anh, các học sinh trung học một thời học môn Triết do anh dạy tổ chức những buổi vinh danh thầy giáo Nguyễn Xuân Hoàng. Tôi nhớ câu nói của chị Trần Thị Diễm Phúc chủ bút tuần báo Diễm ở Quận Cam rằng thời còn thanh niên ở Nha Trang và Sài Gòn thì Nguyễn Xuân Hoàng rất được các cô gái mến yêu. Thử tưởng tượng ra thập niên sáu mươi, giáo sư trung học môn Triết đẹp trai và với ngôn ngữ văn chương triết lý trên bục giảng thì anh là thần tượng của bao nhiêu nữ sinh.

Cách đây mấy năm , thấy anh ngồi ăn trưa với một giai nhân, sau đó hỏi thì anh bảo đó là một độc giả ái mộ bay từ phương xa tới San Jose để trò chuyện. Tôi tỏ lời thán phục sự thu hút của nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng thì anh mỉm cười.
Tôi nghĩ rằng nếu cuốn Sổ Tay Văn Học được in ra và phát hành với sự chứng kiến của anh thì là một điều hạnh phúc và có đề nghị với chị Trương Gia Vy là thực hiện điều này càng sớm. Nhưng anh lại tỏ vẻ ngần ngừ, có lẽ là sợ in ra bán không thu hồi lại vốn và phải có thời gian sửa chữa những chữ chưa vừa ý. Quả là một điều chưa mãn nguyện trước khi anh đi xa; nhưng có bao giờ có ai được mãn nguyện đâu.
Tờ tuần báo Việt Tribune chỉ còn chị Trương Gia Vy lo toan, mà chị lại phải vào nhà thương hàng tuần để lọc thận. Đó là điều băn khoăn của anh, và câu nói cuối cùng mà bằng hữu nghe được là: "Thương cho cô Vy".

Bản tính hiền lành, thoái mái cho nên nhà văn nhà báo Nguyễn Xuân Hoàng được bằng hữu văn nghệ quí mến. Nhắm mắt lại tôi vẫn nhớ giọng nói của anh mang âm hưởng xứ Nẫu- gồm ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; chất giọng quen thuộc vì tôi là dân Tuy Hòa Phú Yên. Lễ hỏa táng anh sẽ diễn ra, có thể tro cốt sẽ rải ở biển Nha Trang, thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
Có bài ca Nha Trang nổi tiếng của nhạc sĩ Minh Kỳ là người Huế định cư ở vùng này : "Nha Trang là miền quê hương cát trắng, có những đêm đêm vọng về, ầm ầm tiếng sóng xa đưa". Nha Trang Khánh Hòa có nhân tài nghệ thuật là nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng. Anh từ giã nhân thế nhưng tên tuổi còn vang vọng trong lòng người ở lại.

Trần Chí Phúc
(nhận từ email của TCP)