Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Tiêu Dao Bảo Cự - GẶP GỠ TRÊN ĐẤT MỸ

07 Tháng Bảy 20149:50 CH(Xem: 5137)
Tiêu Dao Bảo Cự - GẶP GỠ TRÊN ĐẤT MỸ



GẶP GỠ TRÊN ĐẤT MỸ

Thời gian ở Cali, chúng tôi còn có dịp gặp lại những người quen biết cũ và những người mới quen. Đối với những người mới quen mà chúng tôi không biết rõ về họ nhưng thấy họ tỏ ra quý mến mình, mời đến nhà, đi chơi đây đó hay đi uống café, chúng tôi cũng nhận lời.

Ông Quý đưa chúng tôi đến xem trung tâm thương mại Santana Row của người Mỹ da trắng ở San Jose, toàn những cửa hiệu sang trọng, khác hẳn khu đông người Việt. Ông Trí thích nói chuyện chính trị và có những phân tích rất sâu sắc, hơn hẳn một số người chuyên hoạt động có tiếng tăm. Anh Thượng lại không thích nói chuyện chính trị, chỉ nói về những công việc ngày trước anh đã làm ở trong nước. Ông Ngô Đình Chương, một nhà thơ, có ngôi vườn rộng với những cây lê, cây táo trĩu quả quyến rũ, tha hồ cho cô Blue Hương Giang và BY hái ăn tại chỗ và mang về.

Ông Ngô Văn Bằng, người đã từng dạy tôi ở Đại Học Sư Phạm. Ông cũng học ở Đại Học Sư Phạm Huế, trước tôi 5 khóa, tốt nghiệp loại xuất sắc, được giữ lại làm phụ giảng. Tôi mới liên lạc với ông cách đây vài năm nhân việc cựu sinh viên và giáo sư tổ chức đại hội và làm tập kỷ yếu kỷ niệm 50 năm thành lập Đại Học Sư Phạm Huế ở Mỹ. Nghe ông đau yếu, tôi đã giới thiệu với ông phương pháp “Năm thức Tây Tạng” trong cuốn sách “Suối nguồn tươi trẻ” mà tôi đã từng tập. Ông tập có hiệu quả rõ rệt, sau một thời gian 6 tháng, ông có thể bay những chuyến bay đường dài như trước kia mà có lúc ông đã phải giã từ phương tiện này đến 5, 6 năm. Ông vẫn thường trao đổi với tôi về kết quả tập luyện và sự kiên trì trong việc giữ gìn sức khỏe và thỉnh thoảng thăm hỏi các sinh viên cũ. Ông qua đây, trước có làm tờ báo Phật Giáo là tờ Chánh Đạo, nay vì mắt kém, phải “nghỉ hưu,” chỉ phụ giúp việc nhà để bà xã có toàn thời gian làm tờ Phụ Nữ Cali. Có lần ông mời chúng tôi về nhà dùng cơm và cùng đi chơi với một bạn học cũ của tôi ở Đại Học Sư Phạm là Nguyễn Kim Chương, sang đây đi học lại và cũng tiếp tục làm thầy giáo.

Tờ Phụ Nữ Cali mấy năm trước có đăng một số trích đoạn trong tác phẩm “Mảnh trời xanh...” và một hồi ký của tôi về thời sinh viên. Hồi ký này tôi gởi cho Kỷ yếu Đại Học Sư Phạm Huế nhưng không được chọn đăng, có lẽ do không hợp với tính chất “mô phạm” của ấn phẩm này, dù tôi đã từng là chủ tịch Ban Đại Diện Sinh Viên ĐHSP. Trong hồi ký, tôi có nhắc đến việc tôi tỏ tình với một nữ giáo sư Anh văn ở Đại Học Văn Khoa lúc tôi học thêm các chứng chỉ bên Văn Khoa. Nữ giáo sư của tôi là một phụ nữ trí thức xinh đẹp, mảnh mai, thanh lịch, tốt nghiệp ở nước ngoài và nói tiếng Anh lảnh lót như tiếng chim rừng. Năm đó là năm cuối ở đại học và tôi bị tù hơn nửa niên khóa. Khi ra tù đi học lại, ngay trong giờ học đầu tiên, tôi “trình” lên giáo sư một bức thư tình. Tôi viết lá thư này khi nằm trên sàn nhà ẩm ướt lạnh cắt thịt của trại giam mùa Đông xứ Huế, tôi không ngủ được và mơ về những giấc mơ hư ảo với những ước muốn điên rồ để thoát ra khỏi thực tại khốn cùng. Bà chăm chú đọc xong thư, không nói gì, chỉ nhìn tôi một lúc lâu sau cặp kính cận thị màu xanh nhạt với vẻ dò hỏi và một chút xúc động rồi lặng lẽ cất lá thư vào trong cuốn sách. May mà tôi không rớt chứng chỉ này, lại còn đỗ thứ hạng khá cao. Nữ giáo sư Anh văn của tôi là phu nhân của giáo sư khoa trưởng. Ôi, một thời tuổi trẻ ngang tàng và lãng mạn.

Một hôm ông Đoàn Thanh Liêm mời chúng tôi đi uống café. Tôi đã biết tiếng ông Liêm qua những bài viết của ông về công tác xã hội và cả những hoạt động xã hội ngày xưa của ông ở Sài Gòn lúc còn sinh viên. Ông ở Nam Cali nhưng có con gái ở Milpitas gần chỗ chúng tôi ở nên khi lên thăm con, ông liên lạc đến đón chúng tôi đi. Ông có một người bạn cũ cũng vừa ở Việt Nam sang chơi. Ông đưa chúng tôi đến quán café M hình như khá nổi tiếng ở San Jose, phía trước có hai con sư tử đá. Quán có hai phần, trong nhà và ngoài hiên nhưng khách thích ngồi phía ngoài hơn vì có thể hút thuốc. Quán có mấy màn hình lớn đang chiếu các trận đấu bóng đá và người ta chơi cá độ. Khách đông đến nỗi kiếm được chỗ ngồi cũng khó khăn. Khói thuốc mù mịt và tiếng nhạc ầm ĩ. Giới viết lách, làm báo tập trung ở đây khá đông. Chúng tôi được giới thiệu với nhiều người nhưng chỉ bắt tay hay chào hỏi qua loa chứ không chuyện trò gì được vì rất ồn ào chật chội. Có ông Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh tôi đã nghe tiếng, đã đọc một số bài viết của ông trước đây, có vẻ là người cao niên nhất. Ông Cao Sơn làm chủ bút một tờ báo. Ông Cao Sơn ngồi cạnh tôi, nói chuyện nhiều. Hóa ra ông Đoàn Thanh Liêm và ông đều có gặp rắc rối trong vụ liên quan đến Câu Lạc Bộ Kháng Chiến của ông Nguyễn Hộ ở Sài Gòn, người bị tù có án, người không có án.

131637-TDBC-QuanDiem.jpg-400

Quan đim khác nhau không ngăn cn người ta ngi bên nhau
trò chuy
n thân ái (t trái, Nguyn Hu Liêm, Trương Vũ,
Nguy
n Xuân Hoàng, TDBC). (Hình: Tác gi cung cp)

Nhân một buổi đi xem triển lãm tranh của họa sĩ Đào Hải Triều cùng với Nguyễn Hữu Liêm, chúng tôi gặp lại ông Trương Vũ. Ông có con gái ở San Jose. Các con ông Trương Vũ rất thành đạt và sống ở nhiều tiểu bang nên ông bà thỉnh thoảng đi đây đó thăm các con. Nghe nói trong nhà ông các con và dâu, rể có đến 6 tiến sĩ và bác sĩ. Ở đây tôi cũng gặp anh Trương Xuân Mẫn, trước là nhạc sĩ ở Sài Gòn chuyên sáng tác nhạc cho thiếu nhi, đã có lần cùng bạn đến thăm tôi ở Đà Lạt. Anh Mẫn hiện là phóng viên ảnh của báo Việt Tribune.

Ông Trương Vũ mời chúng tôi đến ăn trưa ở nhà con gái, có thêm mấy người khách là ông bà Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Hữu Liêm. Tôi đã đọc Nguyễn Xuân Hoàng từ hồi ông viết văn, làm báo ở Sài Gòn. Hiện nay ông đang làm tờ Việt Tribune. Vợ ông là chủ nhiệm của báo này. Ở Mỹ tôi đã gặp mấy cặp vợ chồng đều làm báo, người chủ nhiệm, người chủ bút, quả thật tiện lợi. Nói chuyện, hóa ra Ông Hoàng đã từng học ở đại học Đà Lạt. Ông kể kỷ niệm thời sinh viên, lúc mới lên Đà Lạt, đã phải đánh lộn với bọn “xã hội đen” và suýt trở thành “đại ca.” Mấy năm trước, lúc ông qua Pháp, bị tai biến nặng, tưởng không qua khỏi, chỉ qua một đêm mà tóc bạc trắng nhưng bây giờ ông đã khỏe lại và làm việc bình thường. Tôi nghĩ giữa các ông Trương Vũ, Nguyễn Xuân Hoàng và Nguyễn Hữu Liêm có thể có những quan điểm khác nhau nhưng không vì thế mà họ không phải là bạn bè. Tự do tư tưởng, tôn trọng những ý kiến khác biệt là điều mà nhiều người Việt Nam đã học được khi ở Mỹ nhưng cũng không ít người vẫn muốn độc tài tư tưởng chẳng khác gì cộng sản, chỉ muốn áp đặt chính kiến của mình lên mọi người và đả kích, bôi nhọ, chụp mũ người khác quan điểm.

Vì tiện đường, ông Nguyễn Xuân Hoàng chở chúng tôi về nhà. Trên đường đi, ông bà ghé qua trụ sở tòa soạn Việt Tribune. Tòa soạn nằm trên gác, có hai phòng khá bề thế, chứa đầy máy móc, sách báo. Ông Hoàng tặng chúng tôi một số tờ báo tiêu biểu. Một phóng viên ảnh của tòa soạn đang ở đây cũng chụp một số hình của chúng tôi một cách rất chuyên nghiệp, nói là để làm tư liệu.

Tiêu Dao Bảo Cự