Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - CHIA TAY THI SĨ “LÁ DIÊU BÔNG”

03 Tháng Bảy 201410:17 CH(Xem: 2651)
Nguyễn-Xuân Hoàng - CHIA TAY THI SĨ “LÁ DIÊU BÔNG”

CHIA TAY THI SĨ “LÁ DIÊU BÔNG”

818DC85C-5EB9-4EC2-B637-5788E94494E6_w640_r1_s


Nhà thơ Hoàng Cầm, tác giả Lá Diêu Bông vừa từ giã chúng ta. Kiều Loan, ái nữ của thi sĩ, - hiện sống tại San Jose, California - cho biết thân phụ chị vừa mãn phần vào lúc 9 giờ 12 phút sáng ngày thứ Năm, 6 tháng 5, 2010, nhằm ngày 23 tháng 3 năm Canh Dần tại Hà Nội. Kiều Loan nói thân phụ chị ra đi ở tuổi sắp chín mươi. Được biết ngoài Bùi Thị Kiều Loan và chồng - nhạc sĩ Trần Nhật Hiền - hiện sống tại tại Hoa Kỳ, thi sĩ còn có hai người con trai là Bùi Hoàng Anh và Bùi Bằng Phi hiện ở Việt Nam.

Mặc dù rất bận rộn lo giấy tờ gấp rút cho chuyến đi Việt Nam để kịp tiễn đưa bố lần cuối, Kiều Loan cho biết kỷ niệm mà chị có với “bố” Hoàng Cầm là vào năm 1976, một năm sau ngày mất miền Nam. Kiều Loan nói: “Qua thư từ liên lạc, bố tôi hẹn vào Sài Gòn thăm con gái. Mặc dù cả hai bố con không biết mặt nhau, thế mà đúng là trời cho anh ạ! Hai bố con tôi đã nhận ra ngay giữa đám đông tại nhà ga Sài Gòn.” Khi thi sĩ vào Sài Gòn thì bà Tuyết Khanh, thân mẫu của Kiều Loan đã rời khỏi Việt Nam vào ngày 28 tháng 4, 1975 trong cảnh hỗn loạn. Kiều Loan hy vọng khi tiễn mẹ lên máy bay chị sẽ đi chuyến kế, nhưng chuyến kế không đến với chị, mà mãi 6 năm sau. Năm 1981, trước ngày xuống ghe vượt biên, Kiều Loan ra Hà Nội thăm bố lần cuối, thưa với bố là chị sẽ vượt biên. Chị nói “con sẽ lo cho bố ra đi”, nhưng ông trả lời: “Bố là người của dân tộc, Bố phải ở lại Việt Nam thôi con ạ! Bố không bao giờ rời khỏi đất nước này. Con còn trẻ, con có tương lai con cứ đi đi!” Kiều Loan nói vào năm 1981, Hà Nội toàn một màu xám xịt, cả Việt Nam toàn một màu xám. “Cũng như hàng triệu người miền Nam khác, tôi không thể không đi tìm tự do.”

Thi sĩ Hoàng Cầm và Kiều Loan, Bắc Ninh 2002
Thi sĩ Hoàng Cầm và Kiều Loan, Bắc Ninh 2002

Năm 2005, trả lời phỏng vấn đài BBC, nhà thơ Hoàng Cầm cho biết vào khoảng cuối năm 1944, ông tham gia Việt Minh, được thanh niên làng bầu làm Bí thư đoàn thanh niên cứu quốc.

"Lúc ấy tôi còn trẻ [đỗ tú tài năm 1940], tham gia cách mạng là vì tinh thần yêu nước, chứ cũng không biết gì về các chủ nghĩa. Tôi viết các vở kịch mang chất lịch sử, xuất phát từ lòng yêu nước."

Từ 1938 đến 1945, phần lớn thời gian của Hoàng Cầm trải qua ở Hà Nội. Gia đình muốn ông vào tiếp đại học hay cao đẳng, nhưng ông bỏ học vì muốn đi theo nghiệp văn chương.

Vẫn theo BBC thì Nhà thơ Hoàng Cầm nói mình hiểu sâu hơn về chủ nghĩa cộng sản là từ sau kháng chiến chống Pháp.

"Gọi là hiểu sâu hơn là từ năm 1956. Cuộc sống một anh cán bộ cơ quan nhà nước khiến mình có dịp hiểu hơn về chủ nghĩa cộng sản. Hiểu rồi thì vấp phải ngay một thực tế. Chính trị thì tôi không quan tâm lắm, lãnh đạo ở trên yêu cầu thế nào thì mình làm. Lúc bấy giờ thì có vài vấp váp, cũng do ta không hiểu kỹ. Nhưng từ năm 1958, tôi xin thôi công việc ở cơ quan. Tôi xâm nhập vào đời sống của người dân, cũng để làm thơ."

Tháng 4-1955, một nhóm văn nghệ sĩ, gồm Trần Dần, Hoàng Cầm, Đỗ Nhuận, Trúc Lâm, Tử Phác đệ trình "Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa", nêu yêu cầu cần có tự do sáng tác.

Năm 1956, số Giai phẩm mùa xuân đăng bài thơ Nhất định thắng của nhà thơ Trần Dần. Bài này bị phê phán mạnh mẽ, là một trong những tiêu điểm của sự kiện 'Nhân văn - Giai phẩm'.

Trong một bài viết cách đây hơn một tháng, dưới tựa Hoàng Cầm, người thơ Kinh Bắc, đề ngày thứ Ba 30 tháng Ba, 2010 của một tác giả tôi không rõ tên, đọc được ý này: “Hoàng Cầm yêu cuộc sống đến từng hơi thở, từng nhịp đập của con tim qua mỗi câu trong đời thơ của ông. Tác phẩm của Hoàng Cầm luôn toát lên sự giản dị của tâm hồn, lòng trung kiên và tình yêu vô bờ đối với mảnh đất Kinh Bắc. Hoàng Cầm muốn chúng ta cùng ông lắng nghe đời sống để nhận ra hương vị quê hương. Thơ Hoàng Cầm, như một bó hoa đẹp mà vẻ đẹp của mỗi bông hoa được thắp lên bằng chính ánh sáng của tài năng nghệ thuật.

Thi sĩ Hoàng Cầm và Kiều Loan
Thi sĩ Hoàng Cầm và Kiều Loan

Nhà thơ Hoàng Cầm, sống với người con trai thứ trong căn gác nhỏ, hẹp trên lầu năm trong ngôi nhà số 43 Lý Quốc Sư, Hà Nội, nằm sâu trong con hẻm hẹp. “Mọi vật trong căn gác nhỏ vẫn y nguyên như bốn năm về trước, lúc tôi đến thăm ông những lần đầu. Vẫn cái điếu hút thuốc lào đặt ngang tầm với, vẫn chiếc giường kê sát đất. Hoàng Cầm vẫn nằm tiếp khách như mọi khi. Cú ngã cầu thang cách đây năm năm đã neo ông lại với chiếc giường con. Nhìn ông nằm trông rất thương. Cả ngày lẫn đêm, Hoàng Cầm chỉ giữ tư thế nằm ngửa, mắt nhìn chăm chú lên trần nhà như đang nghĩ ngợi hay tìm kiếm điều gì.”

“Xưa nay, người ta vẫn thường nói đến cái chết đầy bi kịch của một Nguyễn Trãi. Cái con bệnh ghê khiếp đọa đày thiên tài Hàn Mặc Tử. Nhưng có ai nhắc đến bi kịch Hoàng Cầm hay không? Ông đã sống vô cùng cô đơn. Cô đơn khi còn là một cậu bé mới lên năm. Cô đơn giữa một thời đại có những Tố Hữu, những Xuân Diệu, những Chế Lan Viên hết lời cổ vũ cho văn chương Cách Mạng trong khi ông vẫn mài miệt với những vần thơ đậm tính nhân văn. Cô đơn khi bị kỷ luật, bị lãng quên. Và bây giờ, ông nằm một mình một giường, sống chung với bệnh tật, với sự cô đơn của tuổi già.

Hoàng Cầm là một trong các văn nghệ sĩ trải qua nhiều thăng trầm dính líu vào sự kiện Nhân văn – Giai phẩm nửa thế kỷ trước. Có thể nói ông là một trong những cột trụ của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Mãi đến năm 2007, nhà nước Việt Nam trao tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho bốn nhà văn từng chịu liên lụy vì vụ Nhân Văn, gồm Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt và Phùng Quán.

Thi sĩ Hoàng Cầm và Kiều Loan, Hà Nội 2002
Thi sĩ Hoàng Cầm và Kiều Loan, Hà Nội 2002

Theo Đức Tâm, RFI, thì nhà phê bình văn học Thụy Khuê đã nhận định: "Bài viết mạnh mẽ nhất của Hoàng Cầm trong giai đoạn này là bài Con người Trần Dần, dưới dạng hồi ký văn nghệ, in trong Nhân Văn số 1, vừa biện hộ cho Trần Dần, vừa nói lên những mờ ám, oan ức, trong việc giam giữ Trần Dần. Nếu trong các cuộc hỏi cung, Hoàng Cầm có thể nhát sợ, hay khai, như ông công nhận, nhưng khi cầm bút, cần "can đảm chữ" như lời Lê Đạt, Hoàng Cầm đã không ngại đương đầu với kẻ có quyền sinh sát lúc bấy giờ là Tố Hữu.

Sau Nhân Văn, Hoàng Cầm sáng tác tập thơ Về Kinh Bắc phản ảnh ý chí quật cường của người nghệ sĩ trước cơn bão tố: ẩn sau những âm điệu trữ tình là một bản án buộc tội chế độ toàn trị, đàn áp nhân tài và lũng đoạn văn hoá. Sự nghiệp sáng tác và tranh đấu của Hoàng Cầm gói trọn trong hai chữ: Tình yêu. Yêu tự do, yêu nước và và yêu người…

Cho đến năm 1988, những người liên quan vụ việc như Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán...mới được phục hồi hội tịch của Hội nhà văn Việt Nam. Tác phẩm của họ dần dần được xuất bản trở lại.”

NGUYỄN XUÂN HOÀNG

** Hoàng Cầm sinh ngày 22/2/1922, tại làng Phúc Tằng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Nguyên quán làng Lạc Thổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Học cao đẳng tiểu học ở Bắc Ninh, trung học ở trường Thăng Long, Hà Nội. Đậu tú tài, ban triết. Thừa hưởng tinh thần dân ca quan họ và giọng ngâm thơ của mẹ, Hoàng Cầm trở thành nhà thơ có giọng ngâm độc đáo được mọi người truyền tụng. Làm thơ từ năm 8 tuổi. Dưới thời Pháp thuộc, 15 tuổi, Hoàng Cầm viết kịch thơ Hận Nam Quan. 20 tuổi, sáng tác kịch thơ Kiều Loan, hai tác phẩm gợi lòng yêu nước, kích động sĩ khí, thúc đẩy con người vùng lên chống ngoại xâm. Trong thời kháng chiến, Hoàng Cầm sáng tác và trình diễn ba bài thơ gây chấn động lòng người: Đêm Liên Hoan, Tâm sự đêm giao thừaBên Kia sông Đuống.