Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Quỳnh Thi - THƯ NGỎ GỬI NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN HOÀNG

03 Tháng Bảy 20145:33 CH(Xem: 2447)
Quỳnh Thi - THƯ NGỎ GỬI NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN HOÀNG


THƯ NGỎ GỬI NHÀ VĂN NGUYỄN XUÂN HOÀNG

Anh Nguyễn Xuân Hoàng à, tôi đang viết cho anh vào những ngày tháng cuối năm, khi mọi gia đình đang sum họp cùng nhau mừng lễ Giáng sinh, chuẩn bị đón mừng năm mới. Bài thơ “Về thăm Sài Gòn” làm từ năm 2000, có lẽ vì xúc động quá, tình cảm rối rắm, không đạt, bỏ vào hộc tủ bẵng quên đi. Đêm giao thừa năm nay (Tết Tây năm 2006) loay hoay thế nào, không ngờ đã viết xong. Thế là phải mất 5 năm trời mới hoàn chỉnh và gửi cho anh, người đầu tiên đọc nó.

Để hợp với thời gian 30-4-2006 năm nay, kỷ niệm ngày chiến tranh kết thúc và Sài Gòn bị đổi tên, nên bài thơ có một chút “hư cấu” là 31 năm xa cách. Thật ra chỉ cách xa có 10 năm thôi, vì tôi sang Mỹ năm 95. Nhưng tinh thần bài thơ thì 10 năm hay bao nhiêu năm lìa xa, tình cảm của mình đối với Sài Gòn vẫn như thế cũng được chứ, phải không anh? Sự thuỷ chung của con người đâu cần phải có khoảng cách thời gian, vì một lần tri kỷ cũng làm nên tình nghĩa.

À, trong bài thơ tôi có nói là 31 năm xa cách Sài Gòn, chứ không nói là 31 năm mất Sài Gòn hay Sài Gòn ơi vĩnh biệt. Tôi cũng không thích ai gọi ngày 30-4-75 là ngày mất nước, như nhiều người thường vô ý thức nói trên báo chí lâu nay. Vì đất nước vẫn còn sờ sờ ra đó. Sài Gòn vẫn còn sờ sờ ra đó. Sao lại nói rằng nó mất? Hơn thế nữa, ở trong tim chúng ta, trong tim mọi người Việt Nam lưu lạc trên khắp thế giới, lúc nào lại không có Việt Nam?

Gọi ngày 30–4 là ngày mất nước, vô tình chúng ta đã khước từ Việt Nam là quê hương, đất nước của chúng ta, mà mỗi ngày chúng ta luôn hướng về đó. Mỗi ngày chúng ta đấu tranh cho tự do dân chủ, cho sự giàu mạnh vì nó. Chúng ta thương nhớ nó khôn nguôi.

Chúng ta đã chẳng thường nghe câu nói: chế độ nào rồi cũng sẽ qua, nhưng đất nước thì mãi mãi tồn tại với tháng năm đó sao? Lịch sử gần 5000 năm dựng nước và giữ nước của Việt Nam đã chứng minh điều đó. Thời cận đại gần đây chúng ta đã tận mắt chứng kiến, chế độ đảng phái nào cầm quyền, nếu hợp lòng dân thì được tồn tại lâu dài; chế độ nào thất nhân tâm, không chóng thì chầy cũng bị sụp đổ. Đó là quy luật. Chỉ tiếc rằng trong lúc cầm quyền, ít người nghĩ đến điều đó. Hay có thể họ cũng có nghĩ đến, nhưng vì quyền lực, lợi danh bè phái cám dỗ, họ đã nhắm mắt làm ngơ, không biết hướng về lẽ phải, không biết tôn trọng và coi quyền lợi tối cao của dân tộc và tổ quốc là trên hết.

Trường hợp cuộc chiến tranh ý thức hệ vừa qua, hai thế lực tư bản và cộng sản trên thế giới đối đầu xung đột, đẩy Việt Nam chúng ta lâm vào một cuộc nội chiến vô cùng bi thương, đẫm máu. Thế hệ thanh niên trí thức hồi đó đã mất niềm tin vì cuộc chiến tranh không chính nghĩa, không lối thoát. Một cuộc chiến tranh do ngoại xâm chỉ huy và tài trợ cả bom đạn lẫn tài lực. Riêng miền Nam còn được hỗ trợ bằng quân đội của nhiều nước tư bản như Úc Đại Lợi, Đại Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan, và quan trọng hơn hết là quân đội Hoa Kỳ, vào thời điểm cao nhất đã gửi tới 500 ngàn quân trực tiếp tham chiến! Chiến tranh lúc đó hết sức dữ dội và tàn khốc. Hai bên thiệt hại về nhân mạng không sao kể xiết. Thanh niên sinh viên đi học cố sao để thi cho đậu. Bởi có đậu thì mới được hoãn dịch khỏi phải đi lính. Nếu thi rớt thì chuẩn bị khăn gói lên đường vào quân trường thụ huấn, rồi ra mặt trận. Sinh viên lúc đó phẫn uất, lòng yêu nước dâng cao. Họ bãi khóa, xuống đường biểu tình, bất kể bắt bớ, giam cầm, tra tấn. Họ hô khẩu hiệu đòi quân đội nước ngoài rời khỏi Việt Nam, đòi chấm dứt chiến tranh ngay tức khắc.

Cuộc phản chiến rầm rộ của sinh viên Việt Nam đã châm ngòi và lan khắp thế giới, nhất là ở những thành phố lớn của Mỹ. (Hồi đó anh là giáo sư triết học, chắc rõ hơn tôi nhiều lắm). Thế rồi, cuộc chơi nào cũng đến hồi kết thúc. Quân Mỹ và đồng minh rút dần về nước. Người Mỹ muốn giao cuộc chiến lại cho người Việt Nam bắn giết lẫn nhau, vì vậy mới có thuật ngữ “Việt Nam hóa chiến tranh” hay “thay màu da trên xác chết”. Quân đội, chính quyền miền Nam từ trước đến nay luôn dựa vào Mỹ. Nay Mỹ rút và cắt viện trợ nên chiến đấu sa sút, thất bại hết chiến trường này đến chiến trường khác. Kết cục là bỏ chạy vào những ngày đầu tháng ba, tháng tư, và đầu hàng vào ngày 30-4-75.

Chiến tranh kết thúc. Hoà bình đã đến. Đó là điều mong đợi của mọi người Việt Nam chúng ta. Hơn thế nữa, đất nước lại thống nhất từ Ải Nam quan đến mũi Cà Mau, sao lại gọi đó là ngày mất nước? Tuy Việt Nam của chúng ta hiện thời do chế độ đảng trị hà khắcnắm giữ, nhưng dầu sao cuộc chiến đẫm máu tưởng không bao giờ ngừng đã không còn thiêu đốt Việt Nam. Đất nước rẽ sang một trang sử mới, tương lai chắc sẽ rạng rỡ hơn. Rồi đây, sớm muộn gì thì chế độ này cũng sẽ tàn lụi theo tiến trình lịch sử. Tôi tin rằng những thế hệ con cháu chúng ta, sẽ là những người kiến tạo, làm thay đổi bộ mặt và xây dựng đất nước giàu mạnh. Họ sẽ là những người hạnh phúc hơn chúng ta mai sau, khi đất nước được hoàn toàn tự do, dân chủ và thịnh vượng.

30-4: Nhiều người ở hải ngoại còn gọi đó là Ngày Quốc hận, anh Hoàng ạ. Còn tôi, tôi gọi đó là ngày chấm dứt chiến tranh, ngày vui mừng của nhiều người, và ngày buồn của một thiểu số sống nhờ chiến tranh ở miền Nam. Những người có chức có quyền ở thành phố không biết chiến tranh là gì. Họ sống nhởn nhơ trên xương máu người khác để hưởng thụ. Nay họ mất hết nên căm hận. Đó cũng là một điều dễ hiểu.

Chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm, nhưng lòng người vẫn còn ly tán, hận thù vẫn dai dẳng khôn nguôi, Bắc Nam không thể hoà giải được với nhau.

Theo dõi sinh hoạt của một số đoàn thể chống cộng (cực đoan) ở Mỹ, nhiều người sợ lắm. Sợ bị chụp mũ “thân cộng”! Tức cười là người ta đi tìm tự do dân chủ, nhưng người ta lại không biết tôn trọng tự do dân chủ của những người khác. Họ hành xử độc tài giống như người cộng sản. Trong những cuộc hội họp, có khi họ còn mang nhau ra “toà án nhân dân” để đấu tố lẫn nhau. Cứ y như thời còn sống ở Việt Nam sau năm 75 vậy. Thật ấu trĩ và thiếu văn minh! Trong khi đang sống ở đất nước tự do nhất trên thế giới, họ mạ lỵ và tố cáo lẫn nhau chỉ vì mỗi người có một phương thức chống cộng khác nhau thôi. Mặt trận này chống đối mặt trận kia. Đoàn thể này tố cáo tổ chức kia lợi dụng lòng tin của đồng hương, quyên góp tiền bạc để làm cuộc kháng chiến bằng… mồm. Họ tuyên bố mang quân về biên giới để giải phóng quê hương! Họ thành lập chính phủ lưu vong, có thủ tướng, bộ trưởng này bộ trưởng nọ v.v… Phần nhiều những tổ chức này có ít nói nhiều, nhỏ nói thành to để lường gạt những người nhẹ dạ. Rồi lại chính những người ấy, mặt trận ấy bôi bẩn lẫn nhau, tố cáo lẫn nhau, tranh giành ảnh hưởng để được đồng hương ủng hộ.

Đa số những người chống cộng cực đoan quá khích ở đây là những người thiếu văn hóa và kiến thức. (Tôi xin nhấn mạnh hai chữ cực đoan). Họ chống cộng theo quán tính lỗi thời của trước năm 75, kiểu tuyên truyền chiến tranh tâm lý. Trong khi đó, cộng sản Việt Nam bây giờ khôn ngoan hơn, tinh vi hơn. Họ đã thay đổi chiến lược cho phù hợp với tiến trình không còn chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường Mỹ/Nga như trước đây. Họ đã biết bắt tay với tư bản để làm giàu. Danh xưng cộng sản chỉ là cái vỏ để họ vơ vét tiền bạc, của cải, nhằm mục đích bảo vệ mạng sống của họ và cầu lợi. Còn thực chất, cái “chủ nghĩa” đó đã theo chân Liên Xô và các nước Đông Âu lâu rồi.

Những điều mà chúng ta nghe tuyên truyền về tệ nạn ở trong nước thực ra nhiều khi bị những người chống cộng thổi phồng quá lố, sai sự thực. Việt Nam hiện tại đã cởi mở hơn nhiều. Họ đã quan hệ buôn bán và du lịch với hầu hết những nước phát triển trên thế giới. Vị trí của Việt Nam không còn bị cô lập như xưa. Nhiều người ở hải ngoại có dịp về Việt Nam đã chứng kiến tận mắt và cũng ngạc nhiên về sự thay đổi của chế độ Hà Nội.

Chính những người chống cộng cực đoan ở bên này đã tự mình phản tuyên truyền vì lòng thù hận cộng sản quá mức. Đồng thời, vì họ nôn nóng muốn cộng sản chóng sụp đổ, nên tuyên truyền không thật những việc đang diễn ra trên đất nước. Cứ xem những lượt người về thăm đất nước mỗi ngày một nhiều thì rõ. Nhất là dịp Tết Nguyên đán. Số tiền họ gửi về giúp đỡ thân nhân cũng rất nhiều. Con số hiện kim gửi chính thức qua ngân hàng lên đến bốn tỷ Mỹ kim, chưa kể những số tiền chuyển ngân không chính thức bởi các dịch vụ tư nhân nhỏ.

Tôi thấy hình như uy tín của những phong trào chống đối hiện nay đã giảm sút rất nhiều. Có thời gian, họ phát động rầm rộ trên báo đài, kêu gọi bà con không về thăm Việt Nam, không gửi tiền về Việt Nam, nhưng đã thất bại. Họ càng kêu gọi, số người về càng đông hơn, tiền gửi về lại càng nhiều hơn, mỗi năm mỗi tăng.

Con số những bạn trẻ đã tốt nghiệp đại học như bác sĩ, kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật, từng nhóm, từng cá nhân, về khám bệnh giúp đỡ các trại mồ côi, những người neo đơn tàn tật, những vùng quê nghèo đói ngày càng nhiều hơn. Đấy là chưa kể các đoàn thể, các tôn giáo về giúp đỡ trong nước sau những kỳ hạn hán hay lụt lội. Công việc hoạt động cứu giúp của họ âm thầm, không ồn ào, được đa số đồng hương hưởng ứng và ủng hộ. Số tiền quyên góp được rất nhiều, đến tận tay những người cần được giúp đỡ. Tháng 12-2005 vừa qua, nhạc sĩ Vũ Thành An đứng ra kêu gọi quyên góp giúp đỡ cơm ăn cho những người già neo đơn. Số tiền thu được lên đến hơn 200 ngàn Mỹ kim. Trên TV, chúng ta thấy có những vị linh mục, nữ tu, mục sư, các vị sư, tăng tới những vùng thôn quê xa xôi hẻo lánh để cứu giúp những trẻ em bị bệnh bẩm sinh, nan y, thậm chí cả những ca nguy ngập đã hết hy vọng, chỉ còn nằm chờ chết. Các bệnh nhân đó được cứu sống, gia đình họ khôi phục được lại niềm tin. Bao nhiêu hình ảnh cảm động muốn trào nước mắt! Những bao gạo cứu trợ nạn nhân bị thiên tai bão lụt từ Mỹ gửi về, phát đến tận tay từng người đói rét, khốn khổ. Còn biết bao nhiêu hoạt động cứu giúp ở những trại cùi, những viện mồ côi đầy ắp tình nhân ái, ruột thịt của người Việt xa xứ anh Hoàng ơi. Kể làm sao cho hết được những tấm lòng vàng ấy?

Theo tôi, ngày 30-4-75 cũng là vận may an bài cho đất nước mình nữa anh ạ. Hồi trước 75, con số du học sinh ra ngoại quốc đâu có nhiều đâu. Thế mà, sau hơn 30 mươi năm định cư ở nước ngoài, những thế hệ con cháu chúng ta, thế hệ thứ hai, ba, đã có cả hàng trăm ngàn em tốt nghiệp đại học và trên đại học. Họ trở thành những chuyên viên cao cấp mọi ngành kinh tế, mọi lãnh vực khoa học ở các quốc gia sở tại. Ngay trong chính phủ trung ương Hoa Kỳ, nhiều người đã là thứ trưởng, là giám đốc trong nội các. Ngành lập pháp đã có những vị dân biểu, nghị viên đắc cử, đại diện cho người Mỹ gốc Việt ở cấp tiểu bang và nhiều thành phố lớn. Không những các sắc dân khác phải nể nang, ganh tỵ, mà ngay dân bản xứ cũng ganh đua không kịp. Những học sinh, sinh viên ưu tú ấy được thừa hưởng một nền đạo đức Việt Nam, thừa hưởng sự tận tuỵ cố gắng học hỏi và làm việc của cha mẹ, lại còn đươc học tập đào tạo ở những trường đại học tân tiến nhất trên thế giới. Nay họ nên người, làm vẻ vang cho cả một dân tộc bấy lâu nay sống trong vòng đói khổ lầm than, ít người trên thế giới biết đến. (Mà nếu có biết, thì họ cũng chỉ biết một quốc gia đắm chìm trong cuộc chiến tranh thảm khốc nhất, tương tàn nhất trong lịch sử loài người.)

Chúng ta có nhiều kỳ vọng. Rồi đây những thế hệ đi sau này sẽ làm thay đổi vận mệnh đất nước, sẽ làm cho đất nước thực sự tự do dân chủ và phú cường. Anh có tin như thế không?

Anh Nguyễn Xuân Hoàng ơi! Tôi cũng lại không thích việc nơi định cư của chúng ta ở nước ngoài, được nhiều người gọi là: “Đất tạm dung”! Điều đó không đúng đâu anh. Tôi nghĩ phải nên coi đây là quê hương thứ hai của chúng ta mới là chính danh, chính nghĩa của nó. Vì chúng ta sống trên quê hương thứ hai này, đã gắn bó với nó như ruột thịt rồi. Chúng ta làm việc ở đây, hoà nhập với đất nước này, với dân tộc này. Chúng ta xây dựng và vun đắp vào sự thịnh vượng chung của nó. Chúng ta cũng chia sẻ với nó những bất trắc rủi ro, những suy vong khi bị tấn công. (Anh còn nhớ vụ khủng bố 911 chứ? Cộng đồng Việt Nam chúng ta ở khắp nơi đóng góp vào quỹ cứu trợ liên bang hàng triệu dollars. Trong cuộc chiến tranh hiện thời tại Iraq, nhiều thanh niên người Mỹ gốc Việt trong quân đội tham gia cuộc chiến cũng đã hy sinh). Nói chung, chúng ta vui buồn và sống chết với đất nước này. Vậy tại sao chúng ta lại gọi là đất tạm dung? Tôi nghĩ cụm từ này xuất hiện lúc chúng ta ngày đầu mới đặt chân đến quốc gia cho chúng ta định cư sinh sống. Chúng ta là dân mũi tẹt da vàng, có thân hình nhỏ so với dân bản xứ. Chúng ta có một tập quán văn hóa khác, phong tục và lối sống khác, tiếng nói khác. Rất nhiều cái khác. Mới đầu, chúng ta chưa thể hoà nhập và thích nghi với cuộc sống mới. Vì vậy chúng ta cho rằng nơi đất mới này chỉ là nơi dung thân tạm bợ, một ngày nào không xa chúng ta lại sẽ trở về quê cũ. Nhưng đến nay thấm thoát đã 31 năm rồi còn gì? Quê hương xưa vẫn xa diệu vợi! Con cái của chúng ta không những đã hội nhập, mà còn đã trở thành những người dân Mỹ, dân Pháp, dân bản xứ chính cống. Từ cách ăn mặc, lối sống, làm việc, vui chơi giải trí, đến những thói quen suy nghĩ trung thực và ngay thẳng. Chúng sẽ chẳng bao giờ muốn rời khỏi nơi đây về sống trên đất nước Việt Nam đâu. Mà ngay cả chúng ta nữa. Chúng ta cũng đã ở quen nơi đây rồi (không kể một số ít những cụ già muốn về để chết trên quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn đầy nhớ thương). Thế thì làm sao gọi là “đất tạm dung” đây?

Anh Hoàng à, tôi dám chắc khi đất nước đã hết cộng sản rồi, cũng chẳng mấy người về sống vĩnh viễn trên đất nước đâu, dù những quí vị ấy có thét gào đấu tranh mấy đi nữa, có nói nhớ nước thương nòi mấy đi nữa. Nhiều vị H.O về thăm Việt Nam nói là sẽ ở lại quê nhà vĩnh viễn, nhưng một thời gian sau thấy qua lại Mỹ, tôi hỏi: “Sau này bác có định về sống lâu dài ở Việt Nam không?” Thì vị ấy trả lời: “Về Việt Nam ở thì cũng muốn, nhưng ai trợ cấp nuôi mình, già rồi lại hay đau yếu, mà ở Việt Nam thì thuốc thang lại mắc và thiếu thốn.”

Cho nên, lòng khát khao về sống ở Việt Nam chỉ là mong mỏi, là ước muốn trừu tượng thôi. Khi giáp mặt với sự thực nghèo khổ rồi, thì không ai muốn về sống với nó nữa. Dù có nặng lòng gắn bó với quê hương đến mấy đi chăng nữa rồi cũng lại ra đi. Đó là một thực tế. Khi chúng ta có được sự chọn lựa, thì ai cũng muốn chọn lựa điều tốt đẹp và có lợi cho mình, không ai muốn chọn điều xấu cả.

Mấy năm gần đây, có một thiểu số người viết văn, làm thơ về sinh sống ở Việt Nam. Họ nói là về làm việc và sống lâu dài. Chúng ta không hiểu là họ về với lý tưởng gì, mục đích gì? Họ sáng tác ra sao khi còn chế độ toàn trị? Ở hải ngoại, được tắm mát trong bầu khí tự do dân chủ, chúng ta muốn viết gì thì viết, nói gì thì nói, làm gì cũng được, miễn không vi phạm đến pháp luật và tự do của người khác.

Khi vượt biên sang đây, chúng ta đã phải đánh đổi nhiều thứ. Tiền bạc, tù đày, tài sản, nhà cửa, chúng ta đổi cả máu và nước mắt để đi tìm hai chữ Tự Do. Những đau khổ và nguy hiểm không sao kể xiết lúc gặp hải tặc và giông bão, khi con thuyền mong manh, bơ vơ trên mặt đại dương bao la. Biết bao nhiêu con thuyền và con người bị nhận chìm dưới biển sâu. Biết bao nhiêu đàn bà và em gái bị hải tặc hãm hiếp. Sự tủi nhục không bút mực nào tả hết. Tất cả để đánh đổi lấy sự tự do no ấm. Thế mà một số nhỏ (có thể đếm trên đầu ngón tay) văn nghệ sĩ lại tìm về sinh sống ở một đất nước còn cộng sản, nơi trước đây họ đã tìm hết cách để bỏ trốn ra đi, nơi mà lương tâm con người trên khắp thế giới đang gào thét đòi hỏi thực thi tự do và nhân quyền. Thật chúng ta không thể nào hiểu nổi. Hơn thế nữa, hiện tại chính họ cũng đang bị nhà cầm quyền theo dõi. Thơ văn họ viết ra, báo chí trong nước không sử dụng, ngay dù họ có ca ngợi chế độ. Đó là một thiểu số đáng phàn nàn, đáng thương vì sự lầm lẫn. Rồi đây, việc làm dại dột của họ sẽ phải trả một giá rất đắt. Họ sẽ phải ân hận và cuối cùng rồi cũng sẽ trở lại hải ngoại để sống đấy thôi.

Anh Nguyễn Xuân Hoàng, viết cho anh như trên, không phải tôi là một kẻ vô tình, võ đoán hay bàng quan. Chính tôi, sau năm 75 đã ở lại đất nước, đã sống những ngày cơ cực đói khổ nhất trong cuộc đời. Đã trốn khỏi nhà tù và thoát chết chỉ cách đường tơ kẽ tóc! Tôi tự an ủi và cho rằng tất cả đều do số mệnh an bài.

Để tôi kể cho anh nghe hồi tôi trốn lánh lên vùng đồi núi Đơn Dương, Lâm Đồng. Tôi đến sống ở một thôn làng cách ngã ba Phi Nôm gần mười cây số. Chả là ông bà cụ thân sinh ra tôi có mua được mấy hecta đất để trồng trọt, vì thấy vùng đất đỏ ba dan này thích hợp với cây dứa. Hồi ấy anh Hoàng biết không, có được mấy mẫu đất là quí lắm. Vì sẽ không phải bị đuổi đi “vùng kinh tế mới”. Mà đi vùng kinh tế mới thì anh nghe rồi, khổ sở lắm. Người đi vùng kinh tế mới được gửi đến một nơi hoang dã, đồi núi trơ trọc, rừng sâu nước độc, khỉ ho cò gáy, cách thị trấn loài người cả ngày đường đi bộ. Những người đến vùng kinh tế mới được chia cho một lô đất rừng để làm nhà. Toàn cỏ tranh và cỏ gai cao lút đầu người. Lúc mới đến, những người dân mang một ít lương thực, và đồ dùng vừa đủ để làm một cái chòi ở tạm. Rồi mỗi ngày cuốc cỏ, chặt cây rừng, đổ nền nhà cho khỏi bị ngập nước, cất lên một cái nhà tranh vách đất cho cả gia đình tá túc. Thành ra tôi cũng là người được may mắn. Nếu ông bà già không có đất canh tác, hẳn tôi cũng phải chịu chung số phận bất hạnh như nhiều người, cũng bị lùa đi cái vùng gọi là kinh tế mới!

Khi có đất canh tác rồi, xã cân đối số diện tích đất đai, nếu đủ tiêu chuẩn cho mỗi nhân khẩu thì mới cho nhập hộ khẩu. Mà anh biết, sau ngày gọi là giải phóng, xã quản lý người dân bằng chính sách hộ khẩu hộ tịch. Cho đến bây giờ vẫn vậy. Ai không có tên trong hộ khẩu phường, xã, sẽ bị công an gọi lên, gọi xuống làm khó dễ và bị kêu đi vùng kinh tế mới. Nếu không đi sẽ bị bắt, bị giam giữ. Họ quản lý từng người dân một. Họ cũng quản lý luôn cả lương thực, thực phẩm. Bằng chính sách “tem phiếu”. Mỗi người dân họ gọi là mỗi nhân khẩu. Mỗi tháng được mua ít kí lô gạo, ít kí lô bo bo (loại thực phẩm cho ngựa ăn ở Liên Xô) hay bắp đỏ. Tổng cộng chừng 8 kg cho mỗi người một tháng. Những loại thực phẩm này thường là đã bị mục nát, bị mọt ăn, nói chung là đã bị hư hỏng, được chứa trong những kho lẫm ở rừng, trong mật khu trước đây của bộ đội, nay lấy ra đem bán theo tiêu chuẩn cho dân chúng. Mà nào có được cung cấp đầy đủ cho cam. Những thứ lương thực dù đã bị mục nát ấy hết sức quí giá. Họ thường ưu tiên bán cho những gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng.

Mỗi ngày sau những giờ lao động mệt nhọc, đến bữa ăn gia đình, cơm phải chia nhau từng chút. Thường là cha mẹ phải ăn đói hay khoai sắn, để nhường phần cơm ít ỏi cho con nhỏ. Mà bữa cơm khoai sắn như vậy chỉ ăn với một ít rau và nước muối pha với chút bột ngọt. Thịt cá thì lâu lắm mới có một bữa. Mỗi bữa cơm là vợ con tôi nước mắt lã chã, đầm đìa! Những năm khốn khổ đó kéo dài từ 75 tới hết thập niên 80 mới kha khá. Thời gian đó, cả nước cấm buôn bán, dù là buôn thúng bán bưng. Vì buôn bán là bóc lột nhân dân. Mọi nhu cầu thường dùng hàng ngày đã có cửa hàng quốc doanh cung cấp bán theo tiêu chuẩn. Thường thì hàng hóa rất khan hiếm và thiếu thốn. Cái gì cũng quí. Tắm rửa và giặt giũ cùng một thứ xà bông. Mà xà bông nhiều khi cũng không có.

Cái gì nhà nước cũng quản lý. Họ thiết lập các trạm kiểm soát ở khắp mọi nơi, do du kích và quản lý thị trường súng ống luân phiên túc trực canh gác. Hàng hóa mang theo người thứ gì cũng bị tịch thu hay thu mua. Khách đi đường, ai cũng bị kiểm soát, dù đi xe hay đi bộ. Họ kiểm soát nghiêm ngặt nhất là lương thực. Ai mang quá 5 kg gạo là bị giữ lại, bị tịch thu nếu không có giấy phép của thôn xã. Di chuyển từ nơi này đến nơi khác phải xin giấy phép đi đường của công an khu vực hay công an xã.

Tôi kể anh nghe một ít những sự việc sau năm 75 mà những người ở lại như tôi phải gánh chịu. Vì những người ra đi từ trước hôm 30-4 sẽ không biết gì, không hình dung được những chuyện khốn nạn đã xảy ra sau khi những người cộng sản về tiếp quản chính quyền miền Nam. Tôi biết, rất nhiều người đã viết hồi ký về thời gian này, nhưng tôi muốn tâm sự và chia sẻ với anh một chút về những gì bản thân đã gặp phải, những đau khổ trên Con đường đau khổ mình đã vượt qua suốt thời gian dài sống với cộng sản ở Việt Nam. Để anh thông cảm với tôi. Tôi cũng muốn chia sẻ với anh những suy nghĩ tích cực hiện thời về đất nước, về dân tộc, kể cả sau này, khi không còn sự hiện diện của chế độ cộng sản trên đất nước thân yêu. Tôi viết cho anh những điều này bằng sự chân thật của lòng mình, xuất phát từ trái tim, anh Hoàng ạ.

Tôi nghĩ, ai mà không oán giận, không hận thù sự hà khắc nghiệt ngã khi còn nằm trong vòng kìm kẹp nói trên. Nhưng khi chúng ta đã được giải thoát, đã đến được bến bờ tự do của an bình rồi, thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm với đất nước, trách nhiệm với những người còn ở lại, với những số phận không được may mắn như chúng ta.

Hồi nãy tôi đang nói dở về cuộc sống sau ngày 30-4-75, cuộc sống mà người ta gọi “lao động là vinh quang”. Lao động ở đây là lao động chân tay, lao động khổ sai, đày đoạ, hết sức cực nhọc và lam lũ để đổi lấy miếng ăn. Miếng ăn ở đây được coi là những miếng mồi để nhử và sai khiến con vật, không những đối với những người bị giam cầm trong lao tù hay trong những trại được gọi là trại cải tạo, mà cả với người dân sống ở ngoài, tuy sự tự do ở ngoài có phần nới lỏng và dễ thở hơn trong tù. Ngày lao động ở ruộng đồng, nương rẫy từ 10 tới 12 tiếng đồng hồ. Đêm về lại phải tham gia meeting hội họp, học tập đường lối chính sách của Đảng và nhà nước. Nếu ai vì bệnh tật, hoặc bận việc nhà không đi được, mà chưa kịp xin phép, sẽ bịđưa ra trước “nhân dân” để kiểm điểm phê phán. Sau nhiều lần vi phạm, có thể bị ghép vào tội phản động, là thành phần chống đối. Sợ nhất là bị ghép vào tội phản động. Người bị ghép vào tội phản động chống Đảng, chống nhân dân, sẽ bị đưa đi tù. Mà đi tù cộng sản thì anh biết rồi. Hãi lắm. Chết sướng hơn!

Sau này ở mọi vùng nông thôn, trên khắp đất nước từ Bắc chí Nam, người ta tổ chức cưỡng bách vào làm ăn tập thể, tập đoàn. Rồi họ thành lập các hợp tác xã nông nghiệp. Không ai còn được ở ngoài làm ăn cá thể, tư nhân nữa. Ruộng đồng, đất đai do nhà nước quản lý. Mọi người có đất đai nhiều ít gì, đều phải “đăng ký” vào các tập đoàn hay hợp tác xã, phải giao nộp cho xã để làm ăn chung. Mọi thứ đi vào khuôn khổ. Sáng 8 giờ, kẻng tập trung đi làm. Chiều 5 giờ kẻng nghỉ việc. Đi làm được tính theo công điểm. Ai đi làm nhiều được hưởng nhiều, ai làm ít hưởng ít. Ai yếu đau không làm được thì ráng mà nhịn đói. Anh thử tưởng tượng xem, cỡ như anh em mình, trói gà không chặt, thì một tháng làm được bao nhiêu ngày? Lại phải thi đua tăng năng xuất nữa. Cái gì họ cũng phát động thi đua. Tôi bị kiểm điểm dài dài anh ạ. Vì mình lạc hậu quá đi thôi. Tôi lại được vinh dự đề cử vào đội cày bừa. Vì trâu bò thiếu thốn nên mình phải kéo cày thay trâu, để tỉa đậu, trồng bắp. Tuần lễ đầu họ dạy tôi: khoác hai cái dây thừng vào hai vai, để cái cày nằm vào giữa hai sợi dây thừng được cột vào hai bên chiếc cày, một người đi sau cầm cái cày điều khiển thằng người đi trước. Trời ơi. Những bữa đầu hai vai tôi đau đớn, bị xước trầy chảy máu. Thấy con vật người này yếu quá, cày không nổi, anh đội trưởng đề nghị cử tôi đi làm việc khác. Viết đến đây, hai hàng nước mắt của tôi tự nhiên tuôn trào, không thể kìm giữ được. Xin anh tha lỗi cho tôi! Sau đó tôi được cử làm công việc gieo hạt. Gieo hạt cũng không xong, ít bữa sau thì bị bệnh liệt giường. Sau này tôi không hiểu làm sao mà mình lại qua nổi được con đường khổ nạn dường ấy.

Anh Nguyễn Xuân Hoàng ơi, tôi chỉ kể với anh sơ qua một đoạn đời nhiều cay đắng đáng ghi nhớ, để anh hiểu được những khổ cực mà những người Việt Nam phải gánh chịu, những người ở lại phải gánh chịu. Còn rất nhiều những đau khổ và khó khăn khác, với khuôn khổ một lá thư không sao kể hết. Nhưng chắc là anh đã nghe, đã đọc những quyển hồi ký nhiều người đã viết .

Điều chủ yếu tôi muốn tâm sự với anh trong lá thư ngỏ này là những băn khoăn không thể giải quyết được, còn tồn đọng trong mỗi người chúng ta, những người tị nạn cộng sản Việt Nam, những người còn cho mình là người yêu quê hương Việt Nam, kể cả những người cộng sản ở trong nước.

Những đúng sai. Được mất. Đâu là chính đâu là tà? Chúng như mớ bòng bong, không sao gỡ ra được. Tôi nghĩ chúng ta chỉ giải quyết được những việc đó bằng tình thương, bằng tình huynh đệ đối thoại giữa người Việt Nam với nhau.

Nhân kỷ niệm ngày 30-4-2006, 31 năm sau ngày chấm dứt chiến tranh, chúng ta có dịp ôn lại để suy nghĩ và tự hỏi: Trong giai đoạn hiện tại, mỗi người Việt Nam chúng ta nên làm gì để cho mối hận thù dân tộc còn dai dẳng sớm được chấm dứt. Có phải đó là mệnh lệnh của trái tim, của đất nước kêu gọi mỗi người Việt Nam chúng ta không anh?

Thư đã dài. Xin cầu chúc anh được vui mạnh bình an và hạnh phúc.

Kính thư,
QUỲNH THI

© 2006 talawas