Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - SỔ TAY THÁNG NĂM, 2000

02 Tháng Bảy 20145:21 CH(Xem: 2723)
Nguyễn-Xuân Hoàng - SỔ TAY THÁNG NĂM, 2000



SỔ TAY THÁNG NĂM, 2000



Gặp gỡ ở San Jose

Đã bước qua năm thứ hai ở San Jose, tôi vẫn chưa biết gì về thành phố Thung Lũng này. Tôi vẫn còn là một người xa lạ. Tôi chưa biết Santa Cruz, chưa lái xe tới Fremont hoặc Hayward. Los Gatos, Palo Alto cũng gần thôi tôi cũng chưa đến. Còn Gilroy - thành phố tỏi - tôi chỉ đến một lần nhưng chưa có dịp quay trở lại. Tôi biết con đường Oakland, đi về hướng phố trở thành con đường 13. Nó sẽ gặp đường Santa Clara nơi có nhiều quán ăn. Một quán người Ý đường số 2; mấy quán Việt Nam như Quảng Đà, Vũng Tàu, Bắc Hương...Gần tòa báo trên đường Lundy tôi biết có quán Nhatrang, tiệm cơm Tàu Chief Minh.; . . Nhưng San Jose đâu chỉ có thế. Nhiều nơi đẹp đẽ tôi chưa một lần đặt chân. Nhưng với tôi, thế là đã nhiều lắm.

Ở San Jose, tôi luôn luôn nhớ Quận Cam, nhớ con đường Bolsa, nhớ tiệm phở Nguyễn Huệ của ông Cảnh nơi tôi có thể gặp bạn bè mỗi buổi sáng mà không cần hẹn; nhà hàng Song Long, gần căn phòng cũ của Mai Thảo; nhớ quán Viễn Đông của ông nghị Tony Lâm với những tiếng cười bất tận, ... nhớ cả tiệm sách Văn Khoa, Tú Quỳnh. Năm tôi dọn lên San Jose, khi ông giám đốc nhà xuất bản Văn Nghệ Võ Thắng Tiết chưa mở nhà sách Văn Nghệ. Nhớ căn nhà Nguyễn Mộng Giác, nơi chúng tôi vẫn thường đến quây quần mỗi chiều thứ Bảy. Ở đó bao giờ cũng có nhà văn Nghiêm Xuân Hồng, "nhà tùy bút" Trúc Chi, "nhà sử học" Tạ Chí Đại Trường, anh chị Lê Thọ Giáo, Châu Văn Thọ, Tôn Thất Khoát, Huy Văn, Nguyễn Đức Quang, ... Đôi khi có Phùng Nguyễn từ Bakersfield xuống, Đặng Tường Vy-Nguyễn Khắc Nhân, Giang từ San Diego lên...

Ở San Jose, tôi chưa tìm được một ngôi nhà như nhà Nguyễn Mộng Giác, nơi chúng tôi không hẹn vẫn gặp nhau, ăn uống, nói chuyện trên trời dưới đất. Những câu chuyện làm ấm trái tim.

Mười lăm năm ở một thành phố đầy người Việt Nam, làm việc với những người cùng màu da, cùng một ngôn ngữ, cùng một văn hóa,... khi đi xa tôi mới khám phá ra đời sống là một xâu chuỗi những thói quen gần với bản năng, nhưng cũng rõ ràng con người là một sinh vật thích ứng nhanh chóng với thiên nhiên và môi trường. Thích ứng để sống, không có nghĩa là hạnh phúc.

Xa lộ 880, với tôi, trở thành con đường Bolsa. Nha Trang là tiệm Song Long. Khu thương xá McCarthy ở Milpitas là Westminster Mall... mặc dù quả thực, sự so sánh này hoàn toàn là một so sánh khập khiểng và gán ép.

Vào giữa tháng Tư tôi có cái may mắn thở lại không khí cũ: Quỳnh Trang, Nguyễn Quí Đức, Phùng Nguyễn từ nam Cali lên. Và Hồ Như, cây bút nữ nhiều triển vọng ở San Jose rất ít khi được gặp đã đến họp mặt tại một quán ăn Việt Nam - kiểu Quận Cam.. Phùng Nguyễn, nhà văn đầy sức sống và đa năng đa dạng, người viết chủ chốt của tạp chí Văn, bao giờ cũng "phản ứng" nhanh chóng và "dị ứng" tức khắc với mọi ý kiến, và phản ứng ấy của anh luôn mang đến cho bạn bè hơi thở của niềm vui. Quỳnh Trang, Nguyễn Quí Đức, những người trẻ già dặn trong kinh nghiệm truyền thông, đã hội nhập vào đời sống văn hóa của người bản xứ một cách nhẹ nhàng, nhưng vẫn giữ được bản sắc của dân tộc trong đời sống là một niềm mơ ước không bao giờ đạt được của tôi. Nguyễn Quí Đức sáng tác bằng tiếng Anh hay viết trực tiếp bằng tiếng mẹ đẻ cũng đều dễ dàng như người ta uống cà phê mỗi sáng. Tiếng Anh nhuần nhuyễn, tiếng Việt giàu có, Nguyễn Quí Đức là một tài năng hiếm quý của văn học Việt Nam.. Tôi rất yêu thích những sáng tác của Đức. Làm sao trong đời sống văn học của chúng ta có được nhiều Nguyễn Quí Đức như thế?

Vùi mình vào công việc mỗi ngày tôi thấy thời gian ở đây chạy nhanh hơn nơi ở cũ. Hơn một năm nay tôi chưa bao giờ phải đặt câu hỏi "hôm nay phải làm gì?" mà luôn luôn là câu hỏi "còn chuyện này chừng nào sẽ làm?". Hơn một năm những thùng sách, báo vẫn còn bừa bộn trong ga-ra, những thứ đáng bỏ đi đã bỏ rồi, nhưng những thứ nên bỏ đi vẫn còn bề bộn vì "nếu vứt đi đến lúc cần thì sao?" Câu trả lời cho "còn chuyện này bao giờ sẽ làm?" vẫn còn là một "ẩn số".

Tới gần cuối tháng Tư mà mùa Đông hình như vẫn còn. Nhiều buổi sáng trời lạnh nhưng đến trưa thì nóng. Từ căn nhà nhỏ trong khu đất vòng của thành phố Milpitas, đến tòa báo ở đường Ridder Park mỗi buổi sáng tôi vẫn lái xe trên đường Calaveras ra xa lộ 880 xuôi nam. Nếu đường vắng chỉ cần 15 phút sẽ đến sở làm.. Nhưng nếu kẹt xe, thì....

San Jose là mộït thành phố lòng chảo, đi đâu cũng chỉ thấy núi dựng đứng trước mặt. Mùa này ngày dài hơn đêm. Gần bảy giờ chiều, ánh sáng vẫn còn. Tháng Tư sắp hết. Chỉ còn một tuần nữa là giáp một phần tư thế kỷ của ngày 30 tháng Tư năm nào. Tôi đã quên chưa cái ngày tháng ấy? Trên căn gác xép bằng gỗ của căn nhà trong xóm Mã Lạng một tối cuối tháng Tư, một viên đạn xuyên qua mái tôn, cắm phập xuống mặt gối chỉ cần nhích một đốt ngón tay tôi đã trở thành một trong những người ra đi sớm nhất hay cuối cùng khi cuộc chiến Việt Nam sắp kết thúc.

Salman Rushdie trở lại quê nhà

Nhà văn Salman Rushie, tác giả Những Vần Thơ Của Quỹ, cuốn sách nổi tiếng thế giới đã mang đến cho ông bản án tử hình, và khiến ông trở thành một người bị buộc "ẩn mình trong bóng tối chờ chết." Ông là nhà văn "lưu vong kép" , lưu vong ngay trong thế giới lưu vong. Mới đây, sau hơn một thập niên xa quê, ông vừa được Ấn Độ cấp chiếu khán nhập cảnh. Ông nói ông trở về là để hàn gắn lại mối quan hệ bị sứt mẻ với đất mẹ, nơi đã là nguồn cảm hứng cho những tác phẩm của ông. Đó là một chuyến trở về trong sự ẩn dật. Nhưng báo chí đã khám ra sự có mặt của tác giả "Những Vần Thơ của Quỹ" và Salman Rushdie không được bóng tối che chở nữa.

[Một người nổi tiếng] muốn sống cuộc sống bình thường thì cách hay nhất là làm cho mọi người chán ngán, Salman Rushie đã nói như vậy, và ông vẫn chưa thành công.

Cuốn sách mới nhất của ông có tên là The Ground Beneath Her Feet. Salman Rushie dù sao vẫn là một "tác giả nóng" theo cái nghĩa rất thời sự của nó. Mười hai năm chưa trở lại nhà mà Salman Rushdie ray rứt như vậy, còn những người cầm bút Việt Nam 25 năm sau cuộc chiến lòng thương nhớ quê hương còn ray rứt xót xa biết là bao nhiêu!!

NGUYỄN XUÂN HOÀNG