Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn-Xuân Hoàng - SỔ TAY THÁNG CHÍN, 2002

01 Tháng Bảy 20149:35 CH(Xem: 2458)
Nguyễn-Xuân Hoàng - SỔ TAY THÁNG CHÍN, 2002



SỔ TAY THÁNG CHÍN, 2002


Sau cùng, bạn tôi đã đến...
Sau cùng, bạn tôi, Huỳnh Phan Anh đã đến.

Anh là một 'thành viên' trong bè lũ mấy đứa cùng thế hệ suýt soát tuổi nhau hoặc cách nhau chừng mấy tuổi, lớn lên trong một thành phố chiến tranh và văn chương. Hai thứ đó có vẻ như không ăn nhập gì nhau, nhưng quả thực là những năm sáu mươi, chúng tôi hằng ngày trong khi viết lách vẫn nghe tiếng súng nổ từ ven biên, khói lựu đạn cay trên đường phố và đôi khi đón nhận tin cái chết của bạn bè từ chiến trường bay về.

Ở lại quê nhà - vĩnh viễn - là Nguyễn Nhật Duật, đến trước Huỳnh Phan Anh không lâu là Nguyễn Đình Toàn, trước đó là Nguyễn Quốc Trụ và lâu hơn, trước nữa là Đặng Phùng Quân.

Chúng tôi, tưởng rằng sau cùng cả bọn có thể gặp lại nhau. Những tưởng là thế, sau 27 năm, nhưng thật ra chúng tôi nay vẫn mỗi người một ngã.

Cái thời mỗi buổi sáng cả bọn tụ tập la cà ở quán La Pagode, ly cà phê đen, cái bánh croissant nóng, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, không còn nữa. Khó mà tìm lại được nữa.

Trụ ở Canada, Quân ở Houston, Texas, Toàn ở Nam Cali.

Huỳnh Phan Anh, người sau cùng chân ướt chân ráo, ngày 22 tháng Bảy, 2002, đã đến bắc Cali, Thung lũng Hoa Vàng, Thung lũng Điện tử, vùng Vịnh, nơi có thành phố biển Santa Cruz, có Vịnh Nửa Vầng Trăng, gần John Steinbeck, gần Berkeley, gần San Francisco.

Anh đã đi một mạch từ Sài Gòn, Việt Nam đến Bắc Cali, nơi mà tôi phải đợi 13 năm sau khi đến Mỹ mới đặt chân đến.

Chúng tôi vừa tụ được hai người.

Bữa cà phê tao ngộ giữa tôi và anh là quán Starbucks, trên đường Brokaw, gần tòa soạn báo Mercury News. Cà phê Mỹ, dù là Starbucks không đủ đậm cho một người quen cà phê Việt Nam, nhưng dù sao đó vẫn là thứ cà phê uống được. Chúng tôi chọn chiếc bàn ngoài sân. Huỳnh Phan Anh hút thuốc, như những ngày còn ở Sài Gòn.

Chúng tôi không nói nhiều, nhưng tôi biết anh không vui.

Tôi có cảm tưởng nếu bây giờ ở Việt Nam chắc anh vui hơn. Bởi vì 27 năm đã qua, nhiều thói quen mới đã thành hình như một bản năng. Người ta đi đứng nói năng, ăn uống, giao tế trong một môi trường không như nơi anh vừa tới. Tôi mong cái cảm tưởng ấy sai. Nước Mỹ cũng sẽ là trạm nương thân cuối đời anh.

Anh đến Mỹ âm thầm, tôi không hay biết.

Gia đình anh ở đây. Chị và em của anh. Con gái và con trai của anh. Mỗi người đều ở đây từ lâu, nhiều năm trước khi tôi đến Mỹ. Tất cả đều có công ăn việc làm.. Tôi nghĩ, cũng như tôi, anh là người may mắn. Cách đây 16 năm, từ Bataan, Phi Luật Tân đặt chân xuống Virginia, tôi cũng đã chọn sự âm thầm đó. Tôi hiểu bạn tôi. Chuyện đâu có gì mà phải ầm ĩ!

Tôi biết cái nước Mỹ mà tôi đang sống, không phải là một xứ sở toàn hảo. Làm gì có sự toàn hảo trên cõi đời này! Nhưng tôi biết đây là một đất nước mà tôi mơ ước được tới, một nơi tôi có thể nương thân trong khi quê hương ruồng bỏ tôi.

Tôi nhớ ngày đầu tiên tôi đến xứ sở này là một ngày mùa đông. Thành phố Falls Church, Virginia. Tuyết trắng xóa dọc đường đi. Lạnh buốt. Và những ngày đầu tiên buồn nẫu ruột. Buồn hơn những ngày còn ở ngôi làng tị nạn Bataan, Phi Luật Tân, nơi suốt ngày tôi không biết làm gì hơn là quanh quẩn vùng chín vùng mười một, không có một tờ báo để biết tin tức, không có một cuốn sách để đọc....Tôi sống giữa những khuôn mặt thường trực đăm đăm chờ một chuyến đi...

Tôi đã có hai chuyến đi. Một chuyến từ Sài gòn, và sau đó một chuyến từ Manila, Phi Luật Tân. Một chuyến đi như chạy trốn, sau nhiều lần chạy trốn bất thành. Một chuyến đi công khai với một trái tim hồi hộp. Mười sáu năm đã qua. Tôi may mắn được làm một số công việc mà tôi ưa thích. Tôi may mắn có được những người bạn tốt trên dọc đường. Nếu không may mắn, không biết bây giờ tôi sẽ ra sao?

Tôi muốn nói với bạn tôi là anh đang có những người thân tử tế. Những bà chị, những người em, những đứa con. Anh có đủ một cách vững chắc, những thứ mà tôi có rất mong manh trong những ngày đầu.

Mười sáu năm qua, tôi có học được vài thói quen của đất nước này. Nhưng còn nhiều điều tôi chưa thông, chưa biết. Tôi nghĩ là tôi chưa hội nhập được vào cuộc sống này. Và có lẽ sẽ không bao giờ tôi hội nhập được một cách toàn diện. Tôi nghĩ Huỳnh Phan Anh cũng thế. Nhưng đó đâu hẳn là nỗi ưu tư chính của chúng tôi.

Nỗi ưu tư của chúng tôi là làm sao, Huỳnh Phan Anh ngồi xuống và viết. "Viết là một cách thế từ chối thế giới tác giả đang sống, chối từ chính thân phận tác giả." "Viết là tự mình biến thành sự vắng mặt, lùi về hư vô. Nói theo Levinas, viết là chết." Chính Anh đã viết như thế.

Năm 1968, mới 24 tuổi, với tiểu luận Văn Chương Và Kinh Nghiệm Hư Vô, Huỳnh Phan Anh bằng một cách nhìn mới mẻ, đã làm chấn động giới văn nghệ Sài Gòn. Vượt lên trên cách nhìn văn chương của Tự Lực Văn Đoàn, bước qua cả quan niệm văn chương theo nhóm Sáng Tạo, Huỳnh Phan Anh, với kiến thức triết học và cách nhận thức văn học theo quan điểm tiểu thuyết mới với Nathalie Sarraute, Alain-Robbe Grillet, Michel Butor, Claude Simon,..đã thổi đến một hơi thở mới.

Ba mươi mốt năm sau, năm 1999, Huỳnh Phan Anh cho in tiểu luận-phê bình Không Gian Khoảnh Khắc Văn Chương, tác phẩm tập hợp những bài viết ở những thời điểm khác nhau (những năm 60-90) , tiếp cận những khoảnh khắc văn chương, "những bước chân có thể xóa đi hoặc giẫm lên trên những dấu vết của chính mình hoặc của ai đó, nhưng chung quy vẫn là những bước lang thang quanh mối ưu tư không dứt bỏ được, căn bệnh không thoát được: chữ nghĩa, cái đọc và cái viết." Anh đã viết như thế trên những trang chữ của anh.

Đó là một tác phẩm - như tác giả nói - lâ? lại, khai triển, những chủ đề ông đã viết trước đó 31 năm.

"Hãy viết. Điều cần nhất đừng bỏ dỡ, đừng thua cuộc. Hãy ngồi lại bàn và viết, đừng nghĩ ngợi quẩn quanh, đừng thắc mắc lôi thôi."

Huỳnh Phan Anh đã trở lại với bạn bè và người đọc, trở lại với Văn Chương Và Kinh Nghiệm Hư Vô, chủ đề mà anh không ngừng khai thác từ bao năm nay. Chủ đề ấy anh không chỉ ứng dụng trên André Gide, Jean-Paul Sartre, Simone de Beauvoir, Samuel Beckett, Rimbaud, Valery, Claude Simon, Yves Bonnefoy, Rene Char mà còn ứng dụng trên Tản Đà, Nhất Linh, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng, Hồ Biểu Chánh....

Trong bài viết có tựa là Những Trang Rời, nhà phê bình Huỳnh Phan Anh đặt câu hỏi: "Phải chăng nhà phê bình trước tiên là một độc giả khốn khổ nhất, bởi hắn đánh mất tất cả, trừ trí thông minh của hắn dùng để đo lường, cân nhắc, phán đoán. Nhà phê bình đó là một độc giả chuyên nghiệp. Một khách bộ hành thông thạo luật đi đường. Một tên thợ săn lành nghề. Và nếu cần là một đao thủ phủ. Hắn đọc như một cách thế chiếm hữu và bạo động trên chính tác phẩm..."

Hãy tưởng tượng Huỳnh Phan Anh hạnh phúc khi anh ngồi xuống bàn viết viết lại những dòng chữ của anh trên một không gian mới.

Chào mừng tác giả Không Gian Khoảnh Khắc Văn Chương

Chào mừng cây bút tiểu luận-phê bình quen thuộc của chúng ta.

NGUYỄN XUÂN HOÀNG