Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Sáo Lý Luận - Diệp Hoàng Mai - SÁO NHỎ MỒ CÔI

01 Tháng Mười 202211:39 CH(Xem: 18772)
Sáo Lý Luận - Diệp Hoàng Mai - SÁO NHỎ MỒ CÔI

 

SÁO NHỎ MỒ CÔI

 

Ngày ba tôi giã biệt trần gian, phố Biên mưa gió trắng trời. Mưa u hoài, như điệu nhạc buồn ru ba giấc ngủ thiên thu. Vậy là sau hơn chín mươi năm dung thân cõi tạm, ba tôi giờ đã an lành cưỡi hạc qui tiên…


DIEP VAN BANG (1)

 

@ Ba xin lỗi…

Trong căn chòi rách bươm sau trận mưa rừng, ba như muốn khóc với tôi:

- Tại thời cuộc mà việc học của con dang dở, con cho ba xin lỗi…

Đó là lúc gia đình tôi đùm túm dắt díu nhau bỏ phố lên rừng, bởi căn nhà trong cư xá Không Quân của gia đình tôi cháy rụi không còn manh giáp. Mọi thứ trên đời phút chốc tàn tro đảo lộn, tôi chưa hoàn hồn để thích nghi với cuộc sống mới nơi vùng đất mới. Cho nên dạo đó tôi không thể nào thấu hiểu nổi cơn đau xé lòng của ba, tôi chưa hiểu tại sao ba “xin lỗi” con khi ba không hề có lỗi. Mãi đến lúc bị đời quăng quật tơi bời, chủ nghĩa lý lịch dập vùi tơi tả… tôi mới có đủ vốn sống để hiểu được tiếng lòng ba tôi ngày ấy.

 

Tuổi thơ ba tôi vốn không bằng phẳng, nhưng bản chất hiền lành cam chịu nên ba luôn lạc quan, không nửa lời than van hay oán trách cuộc đời. Rất ít khi ba tôi nhắc về thời thơ ấu, cho nên chuổi ngày niên thiếu của ba tôi chỉ nhặt nhạnh được qua từng mẫu chuyện con con, trong những lần tôi về quê Bến Sắn - Phước Thiền thăm bà nội. Nhà nghèo con chữ nghèo theo, ba sớm rời trường làng lên Sài Gòn học nghề thợ máy. Vừa đủ tuổi ba tôi đăng lính Không Quân cấp bậc binh nhì, vạch xuất phát vào đời của ba tôi chỉ bi nhiêu đó.

 

Vừa nuôi thân vừa lo cho bà nội, ba khá vất vả nhưng vì khát khao con chữ nên ba âm thầm tích lũy kiến thức qua sách tự học, hoặc học thêm ở các lớp ban đêm. Đến lúc ba chuẩn bị thi Tú tài thì tôi chào đời non ngày thiếu tháng, cùng lúc ba nhận sự vụ lệnh thuyên chuyển nơi làm việc mới ở sân bay Biên Hòa. Thêm lần nữa ba dở dang việc học, rồi gắn chặt cuộc đời với binh nghiệp từ lúc đó cho đến tháng tư năm một chín bảy lăm.

 

DIEP VAN BANG (2)


Ba tôi “mê tín” Không Quân đến nỗi, bất cứ người nào xuất thân từ Không Quân đều là người tử tế, việc gì cũng “number one…” nếu liên quan đến Không Quân. Ấy vậy mà giữa sân bay Biên Hòa ngày hai mươi chín tháng tư, trong tíc tắc ba dằn lòng quyết định bỏ chỗ trên chiếc trực thăng chở quân nhân di tản, đơn độc lái chiếc Jeep vượt hiểm nguy chạy tìm vợ con đang lánh nạn ở Sài Gòn. Khi biết vợ con đã được an toàn, ba quay xe đến sân bay TSN gài số cho chiếc Jeep không người lao nhanh qua c
ng, rồi đi bộ từ đó về nhà ngoại của tôi ở tận Nhà Bè trong cơn biến loạn. Ba nói với tôi:

- Của Không Quân ba trả lại cho Không Quân…

Tá túc nhà ngoại ít lâu, ba tôi đưa vợ con đi khai hoang vùng đất mới…          

 

Bản tính thiện lương của ba đã trả giá đắt, bằng cả quãng đời dài cơ cực đắng cay. Ba rơi trở lại vạch xuất phát, không chỉ là con số âm mà còn kéo theo bầy con nheo nhóc. Nắng bụi mưa bùn, muỗi mòng sâu vắt, cơm ngập sắn khoai, rét rừng đeo đẳng… gần nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn còn rùng mình ám ảnh. Ấy vậy mà thời đó ngày qua ngày, ba lặng lẽ cuốc cày bất kể nắng mưa từ sáng tinh mơ đến đêm tối mịt, ba dốc cạn kiệt mồ hôi sức lực làm lụng bán mạng nuôi nấng vợ con.

 

Lắm lúc tôi nóng nảy buông lời nguyền rủa bất công, ba lại ôn tồn khuyên bảo “Thôi kệ đi con…” rồi lui cui bẻ chà nhóm bếp, vừa un muỗi trong chòi ba vừa vùi khoai nướng sắn cho con. Hiền lành nhẫn nhịn, nhân hậu bao dung… ba tôi tử tế với mọi người, chưa bao giờ ba lớn tiếng gắt gỏng với ai, cũng không bao giờ ba nghĩ xấu về ai. Ba nhẹ nhàng với cả vật nuôi, ba sợ làm đau cỏ cây hoa lá. Đối với ba, tất cả các loài sinh vật đều có linh hồn…

 

@ Ước mơ ký gửi nơi con…

Trong đám con của ba tôi là đứa ham học nhất, nên ba thương tôi nhất dù ba kín đáo không biểu hiện thiếu công bằng tình thương đối với các con. Ba thích thú mỗi khi tôi lĩnh được một giải thưởng nho nhỏ nào đó, qua các cuộc thi dành cho trẻ em như chương trình trên TV của chú Lê Văn Khoa. Ba thường đọc thơ Kiều cho tôi nghe, hoặc đệm mandoline cho tôi hát. Tôi vẫn nhớ câu hát ba yêu thích nhất “… Ta là đàn chim bay trên cao xanh, khi nhìn qua khói những kinh thành xa. Đôi cánh tung hoành vượt trên mâу xanh, ta là tinh cầu baу trong đêm trăng. Đâу đó hồn nước ơi!…..” nhưng thiệt tình, tôi chỉ khoái mỗi câu “ Ù u u ú u ú…” do vậy tôi cứ “Ù u u ú…” suốt ngày, đến ru em ngủ tôi cũng “U…” luôn.

 

Gần gũi với con gái đầu lòng như vậy, nhưng ba lại mong con gái… đừng giống ba:

- Ba thích con gái của ba dạn dĩ, nói năng hoạt bát giống mấy đứa thiếu nhi trong ban Tuổi Xanh của cô Kiều Hạnh trên TV…

- Ba mong con gái của ba học xong bậc đại học, đừng dang dở việc học như ba. Con ráng học thay cho ba nghen con…

Ba hay mua sách cho tôi đọc, mà tôi có cái tật hễ đọc chưa đến hồi kết là không buông sách. Cũng cái tật này mà tôi bị má la hoài, những lúc đó ba lại nói đỡ cho tôi. Ba nhắc má may cho tôi chiếc áo đầm màu xanh da trời đồng phục chim non, khuyến khích tôi đi Hướng Đạo từ năm tôi học lớp Ba trường Nữ tiểu học. Có lẽ đó là điều hiếm hoi ba kiên quyết trái ý má tôi, bởi dù nhỏ tuổi nhỏ con nhưng tôi cũng làm được việc lớn (?!..) ẳm em phụ má.

 

Là chị cả trong gia đình, nay tôi tha đứa em này đi nhổ cái răng sâu, mai tôi ẳm đứa em khác đi mổ cái mụt nhọt sưng vù… riết rồi mấy chú lính quân y ở bệnh xá SĐ3KQ sân bay Biên Hòa nhẵn cái bản mặt tôi:

- Nữa, lại nó nữa rồi. Đâu, đưa em cho chú coi…

Trong trí nhớ thơ trẻ của tôi, mấy chú lính quân y ở bệnh xá SĐ3KQ vô cùng tốt bụng. Chú bế em vô phòng mổ rạch cái mụt nhọt mưng mủ, vệ sinh băng bó cẩn thận rồi mang em trả lại cho tôi. Xốc nách ẳm em tôi đi bộ về nhà, cả chị lẫn em vừa đi vừa tíc tác khóc…

 
DIEP VAN BANG (3)


Cũng có lúc tôi dẫn đến bệnh xá cả bầy con nít, vì có trẻ hàng xóm “quá giang” tôi đi nhổ răng. Tôi không nhớ mấy chú lính quân y ngày ấy làm cách nào, mà đám con nít trong cư xá Không Quân lại “khoái” nhổ răng (?!…) chứ không hề sợ hãi. Miệng còn ngậm cục bông gòn tổ bố, đám trẻ hồn nhiên đùa nghịch trong vuông sân bệnh xá rợp bóng phượng già, chờ chị hai gom đủ “quân số” rồi dẫn bộ cả đám về nhà. Nhớ đến sự ngưỡng mộ của ba với Không Quân, tôi cũng bày đặt lên giọng đàn chị với đám con nít:

- Ba của chị hai nói rồi, mấy chú lính Không Quân là tử tế nhất…

 

Ba là vị “cứu tinh” của tôi thời thơ ấu, nhờ ba tôi mới được tham gia phong trào Hướng Đạo, được đi cắm trại khắp nơi nên có nhiều câu chuyện kể ba nghe; được rèn luyện kỷ năng mưu sinh thoát hiểm mà về sau đã giúp tôi có khả năng vượt chông gai chướng ngại, vững vàng tồn tại mà không đánh mất chính mình.

 

@ Ba nhớ Không Quân lắm…

Khi ba buộc phải “nghỉ hưu” vì không làm rẫy được nữa, tôi thỉnh thoảng ngõ ý đưa ba du lịch đó đây nhưng ba thường từ chối:

- Thôi, ba không đi đâu. Con để dành tiền lo cho Bo ăn học…

Ba “thôi” tôi cũng thôi luôn, chứ không tỉ tê thuyết phục. Thật tình do tôi quá bận, thường xuyên tung tóe lo toan nên tôi luôn trong trạng thái căng thẳng “một được, hai không” việc gì cũng thật nhanh thật gọn. Ba tôi thì ngược lại, chậm rãi và từ tốn. Ba lúc nào cũng ngại làm phiền người khác, kể cả với con cái nên ba ít khi bộc lộ sẻ chia. Vô tình tôi trở thành đứa con hời hợt, không quan tâm nhiều đến tâm tư tình cảm cha gìa.

 

Thấy tôi tất bật quay như đèn cù, ba tôi càng dè dặt hơn. Ba lo tôi mất thời gian, ba ngại tôi chi tiêu tốn kém… mà ba không hề hay biết, hễ ba vui là con gái vui theo. Cho đến một ngày, có lẽ không dằn lòng được ba mới nhẹ nhàng ngõ ý:

- Con à, ba thích chụp hình với chiếc máy bay (?!…) ba nhớ Không Quân lắm con...

Tôi bất chợt ngỡ ngàng, thương ba tôi trào nước mắt. Mong ước của ba quá đơn giản, vậy mà tôi không nghĩ được sớm hơn. Chụp hình với chiếc máy bay, thì phải đi vào phía trong sân bay mới chụp được chứ! Tôi liền bàn với ba:

- Con với ba đi Pleiku thăm gia đình vợ của Bo nha…

 

Tôi đưa ba khám sức khỏe, rồi đặt vé bay cho hai cha con. Đến sân bay TSN ba tôi vui như trẻ thơ, vừa quan sát cảnh vật chung quanh ba vừa hồi tưởng những kỷ niệm xưa cùng con gái “hồi đó ba đi lính Không Quân như vầy, như vầy nè con…” Đến một độ cao nhất định, tự dưng ba nắm tay tôi:

- Máy bay lên tới độ cao xxx ngàn mét rồi đó con…

Tôi ngạc nhiên, bởi con số ba vừa nói không chênh lệch nhiều so với thông báo của phi hành đoàn. Mà với thính lực hiện tại, tôi biết ba không thể nào nghe rõ âm thanh trên máy bay được. Tôi thắc mắc, hỏi ba đến mấy bận:

- Sao ba biết được độ cao của máy bay?…

- Hồi còn đi lính Không Quân ba hay đi máy bay, vì vậy ba biết…

 
DIEP VAN BANG (4)

Sau lần đó tôi dự tính đưa ba đi du lịch Mỹ, ba lại từ chối bằng câu nói quen thuộc :

- Thôi, tốn kém lắm con. Con để dành tiền lo cho Bo ăn học…

Vào thời điểm con trai đang du học, đúng là tôi chạy việc gần như sút trứng bung gân. Bởi tôi đâu chỉ riêng lo việc học của con, mà còn trăm thứ hầm bà lằng khác xoay tôi điên đảo. Đến đỗi, nhỏ Dung có bận chảy nước mắt vì thương bạn:  

- Tao không hiểu cái cốt của mầy là trâu, là ngựa hay là người nữa. Sao mầy cực dữ vậy hả Mai?…

 

Biết là cực nhưng tôi thuộc loại vừa lì vừa liều, đã quyết rồi tôi cứ đúng đà lao tới. Thời điểm đó tôi vẫn có thể lo cho ba tour du lịch nước Mỹ, thế nhưng trở ngại lớn nhất và duy nhất mà cha con tôi không thể vượt qua, chính là sức khỏe của ba. Do vậy tôi đành chuyển hướng, đưa ba tôi du ngoạn trên những cung đường chỉ thích hợp cho người cao tuổi.

- Ba thích đi đâu cứ nói con biết con đưa ba đi, ba đừng ngại con tốn tiền. Con lo được cho ba mà….

Hỏi nhiều lần, ba mới nhẹ nhàng bày tỏ:

- Con đưa ba đi Đà Lạt thăm cô hai của con được không?

- Dạ được, để con đưa ba đi.

Ngày gặp lại “hai chị em tóc bạc như nhau…” quấn quít chăm sóc nhau như thưở còn thơ, trông rất xúc động. Người chị đã quá tuổi chín mươi, còn em trai ít hơn chị hai mươi tuổi. Sau lần thăm gặp đó ít lâu, cô hai của tôi giã từ cõi tạm về chốn vĩnh hằng.

DIEP VAN BANG (5)DIEP VAN BANG (6)

Sức khỏe ba tôi ngược chiều dần theo tuổi tác, không thể đi những cung đường xa được nữa nên cứ cách ngày, tôi đưa ba đến các quán cafe sân vườn quanh quẩn phố Biên. Chỉ khi ở những không gian rộng rãi thoáng mát, tôi mới có thể “la làng” chuyện trò với ba mà không làm phiền lối xóm. Thỉnh thoảng tôi rủ thêm vài người bạn cafe thân thiết, ba rất vui với các bạn của tôi nên tươi cười suốt buổi, mặc dù ba chỉ loáng thoáng nghe bọn tôi trò chuyện ồn ào .

 

Tuy thâm trầm ít nói nhưng ba tôi dạn dày vốn sống, do vậy những suy nghĩ của ba thường sâu sắc và tinh tế bất ngờ. Lắm lúc nhận xét của ba về cuộc đời về con người, khiến con gái của ba hết sức ngạc nhiên và cảm phục. Ba và con gái là hai tính cách hoàn toàn khác biệt, nhưng càng về già tôi càng thấm thía nhận ra rằng, hai tâm hồn cha con tôi đã hòa chung nhịp từ lâu. Cũng bởi gánh đời trên vai cả hai cha con đều trĩu nặng, nên ba và con gái không có nhiều cơ hội đồng hành chia sẻ yêu thương.

 

Những năm cuối đời, ba tôi rơi vào trạng thái sa sút trí nhớ người gìa. Ba không còn nhận biết mình là ai, cũng không nhớ con gái của ba tên gì. Cnhư vậy cho đến lúc các giác quan của ba mờ dần, rồi lịm tắt…

 

@  Nối dài mơ ước của ba…

Nụ cười đôn hậu hiền hòa, trái tim ấm áp yêu thương của ba là dưỡng chất nuôi nấng tâm hồn, vun vén niềm tin cho con gái nối dài mơ ước của ba. Dù vạch xuất phát vào đời của ba và con gái thật khiêm tốn, gần như chỉ số bằng không. Thêm những trận cuồng phong giông bão cuộc đời, liên tục dập vùi hai cha con tận cùng vực sâu xã hội. Mà đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi, lấy đâu ra sức chịu đựng cùng sự kiên trì cho ba và con gái thoát bao kiếp nạn khải trầm luân?... Thế nhưng vượt qua tất cả, ba và con gái đã rủ sạch bùn đen vươn lên đứng thẳng làm người.

 
DIEP VAN BANG (7)

Cuối cùng những ước mơ đời ba ký gửi con gái ngày xưa, giờ đây đã sinh cây lành trái ngọt: Con trở thành một hướng đạo sinh chân chính; Con“dạn dĩ, hoạt bát” giống các thiếu nhi trong ban Tuổi Xanh của bác Kiều Hạnh; Con có được mảnh bằng đại học như ba ước mong; Con đã đến thăm nước Mỹ văn minh ba từng ngưỡng mộ; Và con du hành khắp bổn bể năm châu, tìm gặp lại những anh chị em một thời “chung một đường lên” với con gái của ba trong gia đình Cựu hđs.Biên Hòa…

 

Ba sẽ rất vui nếu biết rằng trong chuyến đi Mỹ vừa qua, con gái của ba đã gặp lại vị bác sĩ quân y rất tử tế một thời là thần tượng của ba. Niềm vui nhân lên gấp bội, khi con gái của ba “siết bàn tay trái” vị bác sĩ quân y ấy nay đã chín mươi ba niên kỷ để nhận anh – em, bởi “anh Gà Mờ & em Sáo Lý Luận” có chung cội nguồn Hướng Đạo. Một hạnh phúc lớn lao khác nữa mà con gái của ba bất ngờ nhận được, đó là cuộc hội ngộ rất tình cờ của “gia đình Không Quân sân bay Biên Hòa” ngay trên đất nước Hoa Kỳ.

 
DIEP VAN BANG (8)

Tâm hn đy trc n cùng lối sống giàu lòng nhân nghĩa của ba, đã tích lũy cho con cả một kho tàng phúc đức. Chính nh phúc đức của ba mà tuổi hoàng hôn con thừa hưởng được lắm duyên lành, con may mắn luôn bình an và đủ vững chãi giữa đại dương muôn trùng sóng gió. Đến cuối cuộc đời con gái của ba đã nghiệm ra rằng, mỗi người chúng ta sinh ra đều mang một số phận. Số phận sẽ thử thách mỗi người, để rồi số phận đối xử công bằng với tất cả mọi người. Rằng cuộc đời này “không ai được ban phát hoài, cũng không ai bị mất mát mãi” đâu ba.

 

Giờ đây trả xong món nợ hồng trần, ba hãy chân tâm thanh tịnh về chốn Phật đài. Nếu còn duyên kiếp tái sinh, con nguyện cầu ơn trên gia hộ cho con được làm người bạn vong niên của ba, đừng làm con gái của ba lần nữa. Chỉ như vậy con mới có nhiều cơ hội gần gũi bên ba; được đồng hành đồng cảm với ba cùng dắt dìu nhau vượt qua nghịch cảnh. Con sẽ đưa ba đi đến bất cứ nơi nào ba thích, con dành thời gian nhiều hơn để chuyện trò, lắng nghe và thấu hiểu tâm tư tình cảm của ba. Còn lại nỗi buồn ba chia sẻ với con thì thôi buông bỏ hết đi ba, như ba từng khuyên con gái của ba “buông….” khi đã cố gắng tận cùng. Âu đó nghiệp chướng, mà đã là nghiệp thì nợ đời của ai người ấy sẽ tự tr ba à!…

 

Có đến ắt sẽ có đi,

Vô thường cuộc sống, có chi ba buồn?

Mọi việc đều có cội nguồn,

Luân hồi nhân quả sẽ luôn công bằng.

 

REST IN PEACE DADDY - I LOVE YOU SO MUCH…

 

Ngày chung thất của ba tôi,

Oct 01st, 2022

Sáo Lý Luận - Diệp Hoàng Mai

 

 

22 Tháng Chín 2018(Xem: 21308)
Xin trân trọng giới thiệu tập thơ "NGUỒN THẬT" của tác giả Phong Châu. Một chàng rể khóa 5 của Ngô Quyền chúng ta.
27 Tháng Bảy 2018(Xem: 32701)
Đến thăm Paxtu Museum và Outspan Hotel là giấc mơ tuyệt vời của đời người hướng đạo trên toàn thế giới, là chuyến hành hương về miền đất Thánh linh thiêng. Tôi đã đi và tôi đã đến,
21 Tháng Hai 2018(Xem: 12349)
Đầu Xuân Mậu Tuất 2018 Sơn Ca phiêu lưu Nguyễn Quang Minh lặng lẽ lìa rừng, đặt dấu chấm hết cho một quãng đời tang bồng hồ hải…
18 Tháng Giêng 2018(Xem: 13270)
Trưởng tham gia sinh hoạt Hướng Đạo liên tục từ năm 1936, cho đến lúc lìa rừng ngày 16 tháng 01 năm 2018, hưởng đại thọ 100 tuổi chẵn…
03 Tháng Mười Một 2017(Xem: 24022)
Tôi tin chắc khi trở về Mỹ lần này, hành trang của chs.NQBH K6 Võ Hải Vương sẽ ngập tràn niềm vui và hạnh phúc, đầy ăm ắp kỷ niệm yêu thương về thầy cô giáo cũ lẫn bạn bè xưa…
13 Tháng Mười 2017(Xem: 12865)
Vì vậy tôi tin dù Nai Bạch Mã đã lìa rừng trước, nhưng Sói Trầm Lặng còn ở lại chắc chắn không cô đơn…
09 Tháng Chín 2017(Xem: 19146)
Để rồi Phạm Kim Phi Hùng cũng chọn một ngày đầu thu ngủ giấc thiên thu, đặt dấu chấm hết cho hành trình xuôi ngược đời người…