I. DẪN NHẬP
Thân là thân thể của con người. Niệm là ghi nhận, quan sát. Xứ là lĩnh vực, là đề mục để hành giả quan sát tu tập. Thân ở đây là một trong bốn lĩnh vực: Thân, Thọ, Tâm, Pháp trong bài kinh Niệm Xứ (Satipatthàna sutta) do đức Phật thuyết giảng cho cư sĩ và tu sĩ học Phật, được ghi lại trong Kinh Trung Bộ phẩm số 10, Kinh Trường Bộ phẩm số 22 và tản mạn trong các bộ kinh Nikàya khác.
Học Phật chúng ta biết rằng nếu Bát Chánh Đạo là một bản đồ ghi chú cần thiết cho lộ trình đưa đến Tâm giải thoát, thì Tứ Niệm Xứ tức thiền Tuệ, chính là bức tranh mô tả cụ thể về quá trình thực hiện lộ trình tu tập đưa đến giác ngộ giải thoát rốt ráo.
Để bắt tay thực hiện từng bước trên lộ trình giác ngộ thì hành giả cần phải nắm vững một số vấn đề mà trong pháp thoại đức Phật đã dạy. Đầu tiên là một số khái niệm như: Tứ Niệm Xứ, Nhiệt tâm, Minh sát, Chánh niệm, Tỉnh giác, hành giả cần phải liễu nghĩa thì mới có thể khám phá được sự thật trên chính thân tâm mình như thế nào?
- Niệm (Sati): Còn gọi là Chánh niệm. Niệm có nhiều nghĩa, nhưng “Niệm” ở đây có nghĩa là quán sát thấy rõ hoạt động của đối tượng đang quán. Từ Hán Việt gọi là “minh sát”. Minh là sáng sủa, rõ ràng, sát là quan sát. Quan sát đối tượng một cách rõ ràng không mê mờ, tức là phải quan sát cụ thể, biết rõ ràng tường tận đối tượng, nhưng không có bóng dáng của tham, sân, si, tức bản ngã chen vào mới là “Chánh niệm”, mới là “Minh sát”.
- Tỉnh giác: Giác là biết. Tỉnh là tỉnh táo không mê mờ, Tỉnh giác là biết đầy đủ trong sáng, không tà kiến, điên đảo, không chấp ngã, chấp pháp. Là trạng thái tâm tỉnh táo, sáng suốt, không mê, không uể oải, buồn ngủ hoặc trạo cử lăng xăng. Tâm lăng xăng không thể nào có chánh niệm nơi đối tượng được. Cho nên có chánh niệm nơi đối tượng đồng nghĩa với có tỉnh giác. Vì thế chúng ta thường thấy hai nhóm từ này đi chung với nhau gọi là “Chánh niệm tỉnh giác”.
- Nhiệt tâm: Nhiệt tâm được hiểu là tinh tấn. Tinh tấn ở đây là sự chuyên cần đều đặn, là kiên tâm bền chí, chứ không phải nỗ lực tu mau để đạt mục đích càng sớm càng tốt. Muốn thành tựu pháp môn thiền Tuệ này, hành giả phải luôn hâm nóng lòng nhiệt huyết, phải giữ lửa tu tập đều đặn miên mật không lười biếng, mà lúc nào cũng chú tâm soi sáng bốn đề mục tu tập của mình. Vì có nhiệt tâm mới có nghị lực vượt qua mọi trở ngại trên đường tu.
II. QUÁN THÂN
Quán thân thể gồm có các đề mục: 1) Quán hơi thở vào, ra. 2) Tứ đại oai nghi: Đi, đứng, nằm, ngồi. 3) Tiểu oai nghi: Các động tác hoạt động của thân. 4) Quán 32 thể trược của thân thể. 5) Quán thân tứ đại: địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại. 6) Quán tử thi: Chín hoặc mười giai đoạn tan rả của tử thi.
1) ĐỀ MỤC “NIỆM HƠI THỞ”
- Một: Hơi thở vào, hơi thở ra như thế nào thì nhận biết như thế nấy.
- Hai: Thở vào dài hay ngắn, biết rõ. Thở ra dài hay ngắn, biết rõ.
- Ba: Cảm giác toàn thân hơi thở ra, vô; nhận diện được toàn thân hơi thở diễn biến ra, vô... như thế nào, biết như thế ấy.
Cảm giác toàn thân hơi thở vô, nghĩa là khi hơi thở bắt đầu từ cửa mũi, vào cổ họng, xuống lồng ngực và xuống tới bụng (đan điền). Đó là hơi thở bắt đầu vô và đang vô.
Cảm giác toàn thân hơi thở ra, nhận diện được diễn tiến toàn bộ hơi thở ra. Nghĩa là nhận diện hơi thở bắt đầu từ đan điền, ngược lên lồng ngực, lên cổ họng, qua hai lỗ mũi và ra ngoài. Chấm dứt một chu kỳ hơi thở vào hơi thở ra.
- Bốn: Tọa thiền một lúc, thì sự an tịnh tự nhiên đến, hành giả cảm thấy hơi thở nhẹ nhàng, thân tâm dễ chịu. Cảm giác an tịnh toàn thân hơi thở vào, hành giả rõ biết. Cảm giác an tịnh tòan thân hơi thở ra, hành giả rõ biết.
Đây là bốn bước “minh sát” về hơi thở vào, hơi thở ra.
2) ĐỀ MỤC QUÁN “BỐN OAI NGHI”
Kinh Niệm Xứ ghi: “... này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo đi, tuệ tri: “Tôi đi”, hay đứng, tuệ tri: “Tôi đứng”; hay ngồi, tuệ tri: “Tôi ngồi”; hay nằm, tuệ tri: “Tôi nằm”. Thân thể được sử dụng như thế nào, vị ấy biết thân như thế ấy”. (hết trích)
Có nghĩa chính xác là khi đi biết đang đi, đứng biết đang đứng, ngồi biết đang ngồi, nằm biết đang nằm. Ở chỗ này cần lưu ý “đi, đứng, nằm, ngồi” chỉ là diễn tiến của thân hành, nên chúng ta cần hiểu: Cái thân hay là sắc đang đi, hoặc đang đứng, hay đang ngồi, hoặc đang nằm. Không có “tôi đi đứng nằm ngồi” trong đó. Vì có “tôi” là có bản ngã! Chữ “tôi” được xử dụng trong bài kinh, chỉ nhằm biểu đạt hình mẫu một người đang thực hiện đi hay đứng mà thôi !
3) ĐỀ MỤC “CÁC HÀNH HOẠT CỦA THÂN”
Kinh ghi: “Lại nữa, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm; khi mang áo Tăng già lê, mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm; khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm; khi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm; khi đi, đứng, ngồi, ngủ, thức, nói, im lặng, biết rõ việc mình đang làm”. (hết trích)
Tất cả hành động diễn ra trên thân, liền biết rõ. Thí dụ: Ngó tới, ngó lui, mặc áo, mang bát, mang y đều biết rõ. Thậm chí đại tiện, tiểu tiện cũng biết rõ. Hành vi lớn nhỏ đều biết từng chi tiết, từng diễn tiến của nó ngay trong thực tại. Nó diễn biến như thế nào thì thấy y như thế đó!
4) BA MƯƠI HAI THỂ TRƯỢC CỦA THÂN
Kinh ghi: “Lại nữa này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho tới đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: Trong thân này: “Đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu và não trong đầu”. (hết trích)
Ngày nay, với y học phát triển, con số cơ quan nội tạng còn có thể nhiều hơn nữa; nhưng 32 thể trược là con số cơ bản về các thành phần bất tịnh của cơ thể của con người do các nhà cơ thể học Ấn Độ thời đức Phật đã phân loại.
Quán tưởng những thứ bất tịnh trên và trong cơ thể con người, để biết rằng, thân thể này vốn được xây dựng trên nền tảng tánh sinh diệt, và có bản chất bất tịnh, hôi hám, khó nhìn, khó chịu đựng. Từ đó, nhận ra câu nói của cổ nhân “lớp da của thân này chỉ là cái bọc đựng xương và những chất bất tịnh”. Nhờ nhận ra như thế hành giả sẽ buông bỏ những đam mê sắc dục, khát ái trên con đường tu tập giải thoát.
5) ĐỀ MỤC QUÁN “THÂN TỨ ĐẠI”
Kinh ghi: “Lại nữa này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo quán sát thân này về vị trí các giới và sự sắp đặt các giới: “Trong thân này có địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại”.(hết trích)
Tứ đại là bốn yếu tố lớn kết hợp tạo nên các hình thể vật chất khác nhau trong vũ trụ gọi là Địa đại, Thủy đại, Hỏa đại, Phong đại. Kinh dạy thân thể con người cũng kết hợp bởi Đất, Nước, Gió (Phong), Lửa nên được xem như là tiểu vũ trụ.
- Đất ở đây không phải là “đất” cụ thể, mà là tính chất của đất. Tính chất của đất là cứng (xương, răng), mềm, giản nở (thịt cơ bắp, da). Tính chất của nước là kết dính và ẩm ướt (máu, nước mắt, nước tiểu, mồ hôi...). Tính chất của hỏa là nhiệt độ lạnh nóng. Tính chất của phong là xê dịch, di động.
6) ĐỀ MỤC “MƯỜI TƯỚNG TRẠNG CỦA TỬ THI”
Kinh ghi: “ Lại nữa này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày, thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại, nát thối ra....
“ Lại nữa này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như nhìn thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa bị các loài quạ ăn, hay bị các loài diều hâu ăn, hay bị các chim kền ăn (linh thứu); hay bị các loài chó ăn; hay bị các loài giả can ăn; hay bị các loài côn trùng ăn....
“Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa; với các xương còn liên kết với nhau, còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại;... với các xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt nhưng còn dính máu, được các đường gân cột lại;... với các xương còn liên kết với nhau, không còn dính thịt và máu, còn được các đường gân cột lại;.. chỉ còn có xương không dính lại với nhau, rải rác chỗ này chỗ kia, ở đây là xương tay, ở đây là xương chân, ở đây là xương ống, nở đây là xương bắp vế, ở đây là xương mông, ở đây là xương sống, ở đây là xương đầu...
“Lại nữa này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thấy một thi thể quăng bỏ trong nghĩa địa, chỉ còn toàn xương trắng màu vỏ ốc... chỉ còn một đống xương lâu hơn một năm... chỉ còn là xương thối trở thành bột... (hết trích)
Đức Phật bày ra Pháp quán mười tướng trạng khác nhau của xác chết với mục đích chỉ ra mặt thật của xác chết. Nhờ quán cảnh ghê rợn này xảy ra trên thân người sau khi chết, hành giả giảm bớt những luyến ái, mê say thân sắc dục khi còn sống, mà tinh tấn tu hành.
Trên đây là sáu đề mục tu quán thuộc về Thân. Cả sáu đề mục này hành giả quán sát nó xảy ra trên thân một cách tường tận chi tiết mà không có một phản ứng đối kháng hay chấp nhận gì cả. Thực tập như vậy, đức Phật gọi là quán thân trên thân: “Như vậy, vị ấy sống, quán thân trên nội thân hay sống quán thân trên ngoại thân; hay sống quán thân trên cả nội thân, ngoại thân; hay vị ấy sống quán tánh sanh khởi trên thân; hay sống quán tánh diệt tận trên thân; hay sống quán tánh sanh diệt trên thân. “Có thân đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thân trên thân” (hết trích)
- Quán thân trên nội thân: Có nghĩa là quán thân của chính chúng ta, là tóc, lông, da, răng v.v... là cái thân đang có mặt này đây !
- Quán thân trên ngoại thân: Trong lúc đang quán nội thân, bất chợt có hình ảnh của một người nào đó xuất hiện trong đầu, chúng ta quán ngay trên con người đó, gọi là quán thân trên ngoại thân.
- Quán tánh sanh khởi, quán tánh diệt tận, quán tánh sanh diệt: Thí dụ như thực hành đề mục hơi thở. Tiến trình sinh diệt của hơi thở qua ba giai đoạn sinh-trụ-(hoại)diệt. Quán lúc khởi động hơi thở vào, là quán tánh sanh khởi. Khi hơi thở ra, tức chấm dứt tiến trình của hơi thở, đó là quán tánh diệt tận.
Thí dụ khác nhờ Quán Thân Tứ đại, nên biết rằng sự hình thành của cơ thể con người do đất, nước, gió, lửa mà thành. Nhờ thực tập như vậy nên chúng ta thấy tấm thân này là sự biểu hiện của danh và sắc, không có cái ta nào trong đó! Tướng đẹp tướng xấu gì cũng chỉ là biểu hiện của sắc thôi. Sắc là sắc, sắc không có tên gọi. Cái tên Ngọc, Liên, Mai, Đào.... gì đó, chỉ là do người đời gán cho để phân biệt sắc này với sắc kia mà thôi! Hằng ngày quán như vậy, nên thấy thân con người chỉ là danh và sắc, nên phiền não bớt khởi lên.
- Quán thân trên thân: Hai chữ “quán thân” đầu có nghĩa là quan sát ghi nhận một bộ phận nào đó của thân đang tiếp xúc với đối tượng.
Thí dụ: Khi đặt bàn tay lên mặt bàn, “lòng bàn tay” là một bộ phận của thân. Thí dụ khác: Con mắt nhìn quyển sách, “mắt” là một bộ phận của thân. “Tai nghe âm thanh”, tai là một bộ phận của thân. Chữ “trên thân” thứ hai trong câu là chỉ toàn bộ thân thể người đang hành trì pháp quán.
Cuối cùng đức Phật đi đến kết luận: “Có thân đây”, vị ấy an trú chánh niệm như vậy, với hy vọng hướng đến chánh trí, chánh niệm. Và vị ấy sống không nương tựa, không chấp trước vật gì ở trên đời. Này các Tỷ-kheo, như vậy Tỷ-kheo sống quán thân trên thân”.
Nhờ luôn an trú chánh niệm trên thân như vậy, hành giả xa lìa mọi dính mắc với bất cứ thứ gì ở trên đời, chỉ dồn nỗ lực tu tập hướng đến chánh trí, chánh niệm. Những vị Tỷ-kheo nào sống như vậy, đức Phật xác nhận rằng vị ấy sống quán thân trên thân.
III. KẾT LUẬN
Tóm lại, Quán Thân như lời Phật dạy thì có 6 đề mục để quán như đã nêu ở trên. Hành giả có thể thực hành thiền Quán bất cứ lúc nào trong ngày. Tùy theo đề mục hành giả chọn mà tọa thiền hay thiền hành (đi bộ) hay thiền nằm. Thông thường người ta chọn đề mục “hơi thở ra vào” khi toạ thiền. Trong lúc tọa thiền có những suy nghĩ, hay những xúc chạm, hoặc cảm giác khởi lên thì hành giả nhận biết nhưng không có phản ứng, rồi trở lại quán chủ đề chánh là hơi thở.
Pháp tu quán Thân giúp hành giả nhận ra cấu trúc của con người chỉ là Ngũ uẩn, là Danh sắc. Danh sắc thuộc pháp hữu vi, có điều kiện, nên Ngũ uẩn chịu quy luật Vô thường-Khổ-Vô ngã, và có mặt ở trên đời này theo chu kỳ Sinh-Trụ-Hoại-Diệt.
Trí tuệ nhận ra tánh sinh diệt của vạn pháp cũng như tánh sinh diệt của Ngũ uẩn, nên hành giả sống không nương tựa, chấp trước bất cứ vật gì ở trên đời, mà an trú trong chánh niệm, hướng đến chánh trí, giác ngộ giải thoát....
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
(Ngày 7-7-2024; Sinh hoạt với Hội Thiền Tánh Không Houston, TX)