Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

Nguyễn Thị Thêm - TRI ÂN NHỮNG NGƯỜI CHA

20 Tháng Sáu 20219:31 SA(Xem: 9615)
Nguyễn Thị Thêm - TRI ÂN NHỮNG NGƯỜI CHA
Tri Ân Những người Cha

BỐ

Bố là người miền Bắc. Bắc kỳ 100%.

Bố dong dỏng cao, hiền và đôi khi khó tính

Tôi chẳng biết tí gì về Bố, cũng như bằng cách nào bố có mặt ở miền Nam này cho tôi gặp bố. Bố chẳng sinh ra tôi và cũng chả bỏ tí công nào nuôi tôi khôn lớn. Tôi lại không có chút huyết thống hay dây mơ rễ má gì với dòng họ của Bố.

 

Tôi gọi bố bằng Bố, bố gọi tôi là "cái Chín". Bố thương tôi như con gái. (Tôi nghĩ thế, chẳng biết mình có lạc quan quá không?) Từ trong sâu thẳm trái tim tôi, tôi coi bố như cha. Có lẽ vì ngày đầu tiên tôi gặp bố (lúc ấy tôi còn bé lắm) là tôi bị lạc vào cuộc tình đắm say với bánh kẹo và vô số thức ăn vặt bố bán. Bố cười, nụ cười của người cha yêu con, đôi mắt sáng tinh nghịch. Cái nhìn thật hiền và nụ cười  khoan dung:

- Chúng mày muốn ăn gì thì cứ lấy mà ăn. Bố chẳng tính tiền đâu. Tự ro nhá!

Chưa có ông chủ quán nào rộng rãi như vậy. Chưa có ông bố nào tốt với con gái như thế. Chả phải tôi tham ăn mà vì đôi mắt bố ấm áp quá. Bởi vì tôi thiếu sự yêu thương thân mật nhẹ nhàng như thế trong trái tim bé nhỏ của tôi.

 

Bố có một đời vợ trước và có con cái riêng. Do thời cuộc vĩ tuyến 17 chia đôi đất nước. Bố lạc vợ xa con một mình trôi dạt vào Nam với nỗi buồn không thể phai nhạt. Bố gặp mẹ cũng mất chồng đơn thân nuôi đứa con gái. Thời gian chờ đợi đoàn tụ xa vời, đất nước chia cắt không biết chừng nào tái hợp. Bố và mẹ, hai mảnh ghép lỡ làng nối lại thành một gia đình. Hai người - cả bố và mẹ đều Bắc Kỳ di cư chín nút.-  Mẹ đẹp não nùng, vấn khăn trần, môi cắn chỉ, mắt lá răm, nói năng nhỏ nhẹ. Mẹ là hình bóng gái Bắc chính tông sang cả và giỏi giang. Gia đình không quyền cao chức trọng mà nề nếp gia phong. Các con gái cốt cách nhẹ nhàng như công chúa.

 

Bố buôn bán phải chăng, ăn nói lịch sự và hay giúp người. Trốn lánh chốn thị thành hỗn tạp, bố về đồn điền cao su mở quán. Mẹ vẫn ở nhà tại thành phố Sài Gòn trong một hẻm nhỏ tại Phú Nhuận. Gia đình mở một tiệm tạp hóa nhỏ, bán gạo dầu mắm muối bánh kẹo và nhận quay tơ cho các hãng dệt trong vùng. Bố mẹ nhận con trai một người họ xa mồ côi về nuôi từ nhỏ.Hai cô con gái ra đời xinh đẹp và ngoan.

 

Chúng tôi lớn lên chiến tranh càng ác liệt. Việt Cộng pháo kích lung tung bất kể tọa độ đúng sai. Pháo vào nhà dân nhiều hơn vào đồn lính. Bố dẹp quán về lại thành phố với vợ con

 

Tính bố hay nói đùa, kể chuyện ý nghĩa thâm thúy dạy đời. Bố không câu nệ nghèo giàu, nhưng bố đặc biệt dặn dò con gái:

- Bố không bao giờ chấp nhận con rể người Nam. chúng mày nhớ đấy. Trai Nam chỉ ham chơi, nhậu nhẹt, bạc tình.

 

Thế đó! Câu nói chắc như đinh đóng cột làm con gái bố đau lòng. Mấy cái đuôi lòng thòng người Nam vào nhà làm quen con gái bố là bố tìm cách đuổi khéo. Khéo đến độ các chàng chỉ đành cúi chào trong đau khổ và chẳng bao giờ dám quay trở lại.

 

Bố nấu ăn rất ngon. Lâu lâu bố lại trổ tài chiêu đãi cả nhà một bữa đặc biệt. Bố làm giả cầy ăn một lần là nhớ mãi cả đời. Bố làm dưa chua, thịt luộc chấm nước mắm đơn giản mà ăn quên thôi. Vào mâm cơm, bố ngồi ghế giữa, các con, cháu ngồi xung quanh. Mời qua một lượt cả nhà mới dám cầm đũa. Nhưng bố chưa gắp thì chả ai dám ăn. Bố gắp một món gì đấy rồi bảo:" Thế ăn nhá!" Vậy là rào rào đũa chén múa may, cơm canh xì xụp. Bố dừng ăn húp chén canh là cả nhà nhìn theo rồi từ từ gác đũa. "Mời bố, mời mẹ, mời cả nhà con thôi!" Bố đứng lên qua ghế mây ngồi uống trà, chúng tôi thu vén mâm bát. Bữa ăn hoàn tất, vén khéo.

 

Có một lần, trong khi đang ăn, một đứa cháu vô tình đánh rắm. Bố đang gắp thức ăn đột nhiên dừng đũa. Bố nói:

-" Cái lỗ mũi có tí ti thế này mà còn nghe thối. Cả mâm thức ăn to đùng như thế tội nghiệp chúng biết bao nhiêu.

Xong bố đứng dậy bỏ chén cơm dở dang bước qua ghế uống trà. Mọi người nhìn nhau, tội nhân cúi mặt nước mắt hoen tròng. Bữa ăn tạm ngưng trong sự sượng sùng của mọi người. Từ đó về sau không ai dám tái diễn sự vô phép lần nữa trong bữa ăn khi có bố.

 

Mẹ yêu bố lắm, lúc nào cũng muốn bố vui. Nếu bố ăn món gì ngon và khen mẹ thì y như rằng mẹ sẽ nấu mấy hôm liền. Một hôm bố nói:

- Bố may mắn lấy được mẹ chúng mày. Bà ấy thật thà như đếm. Bố chỉ khen món nộm này một lần mà bà ấy cho cả nhà ăn gần cả tuần, ăn đến sợ. Hình như bà ấy phạt bố hay sao ý. Từ nay về sau bố chả dám khen bà ấy một tiếng. Bà đừng giận tôi không khen bà nhá.

 

Rồi bố ngồi cười tủm tỉm, trong khi mẹ thẹn đỏ cả mặt. Xấu hổ với con cháu. Bà nguýt bố một cái ra trò rồi vùng vằng đi lên thang gác chắc là để khóc ấm ức một mình:

- Khen với chả khen! Tôi lo cho ông thế mà ông còn mắng tôi. Từ nay tôi chả bận tâm tới ông làm rì nữa.

Nói thế thôi chứ hôm sau mẹ lại hỏi bố:" Hôm nay ông thích ăn gì để tôi đi chợ."

 

Càng về già bố càng ít nói, lặng lẽ nhiều hơn. Bố ăn uống không bao nhiêu lại quên trước quên sau, vừa ăn xong lại than thở bị bỏ đói. Trước kia bố làm nhiều nghề để sinh nhai: buôn bán, hớt tóc, sửa đồng hồ... Bây giờ đồng hồ ở nhà đang chạy bố cũng tháo xuống để sửa. Bố loay hoay làm đến đau lưng mỏi cổ. Các bộ phận tháo ra bố sắp ngăn nắp rồi không biết để đâu. Anh cả thấy vậy, ra chợ trời khuân về vài cái đồng hồ hư cho bố mày mò. Bố vừa có việc làm đỡ buồn mà đồng hồ tốt trong nhà khỏi bị bố phá hỏng.


Trên cái gác nhỏ chứa đầy đồ nghề của bố. Một lần tôi ghé thăm bố vui lắm:

- Cái Chín xem nè! cái đồng hồ này bố sửa gần xong rồi nhá.

- Cái này còn thiếu một tị tị nữa là nó chạy tốt.

- Còn cái này bố tìm hoài chả thấy cây kim chỉ giờ nó nằm chỗ nào.

 Tôi nắm tay bố, kéo bố ngồi xuống:

- Bố ngồi nghỉ mệt, con đấm lưng cho.

Tôi bóp đôi vai gầy của bố. Đôi vai gánh cả giang san, vác cả gánh nặng gia đình. Đôi vai đã còng xuống nặng nề mỏi mệt. Bàn tay bố mềm mại, nhăn nheo. Tôi hỏi bố:

- Bố có thương con không?

- Sao chả thương, chúng mày cũng là con của bố.

- Con người Nam. Sao bố lại thương con.

- Hỏi nhảm! Mày là con gái, chả ảnh hưởng rì tới hạnh phúc cả đời con gái bố.

- Nhưng con trai miền Nam vẫn có người tốt mà bố!

- Ừm! Bố chả tin, nhưng đành chịu. Chúng lấy ai giờ bố cũng chả có sức mà cản. Bố già rồi có sống mãi được đâu.

 

Bố tôi ( mà không, bố con nhỏ bạn thân của tôi. Tôi chỉ là con bá vơ của bố) ông đâu có biết bởi quyết định khắc khe ngày xưa mà bạn tôi và người yêu nó (người Nam) phải chia tay trong đau khổ. Người ấy đã ôm khối tuyệt tình vì định kiến Bắc Nam, tình nguyện vào Thủ Đức. Anh ấy đã nằm xuống vĩnh viễn trong trong một tai nạn khi đi tập huấn. Nước mắt của tôi và nhỏ bạn ràn rụa khóc cho cuộc tình của nó và đau xót một kiếp người.

Bạn tôi ở vậy tới năm nó hơn 35 tuổi mới lấy chồng. Chồng nó chọn lại cũng là dân Nam kỳ giá sống. Ngày đám cưới, Bố không phản đối hay đuổi khéo nữa mà chỉ lặng yên nhìn chăm chăm chú rể. Khói nhang ngày cưới bao phủ bức hình của Bố trên bàn thờ gia tiên. Tôi lầm thầm nói với bố:

- Yên chí đi Bố ơi! Anh chàng Nam kỳ này yêu con gái bố thật lòng. Hai đứa nó sẽ hạnh phúc đến răng long đầu hói.

 

BA BẢY

 

Tôi gọi ông ấy bằng Ba Bảy và vợ ông ấy là Má Bảy.

Ba Bảy là dân Biên Hòa Nam kỳ chính gốc. Tính tình và cách sống của ông khác một trời một vực với ông Bố tôi viết ở trên.

Ông sống ở miệt vườn nên căn nhà tắm no trong bóng mát các cây ăn trái xanh tươi. Ba Bảy tôi một thời tung hoành ngang dọc, hào phóng rộng rãi. Con ruột một bầy, con nuôi nhiều lắm.

 

Ba Bảy mê đánh cờ, thích ngồi quán cà phê cà pháo. Sáng sớm là ông thay bộ đồ đàng hoàng, áo bỏ thùng bệ vệ đi ra cửa.

- Ba Bảy đi đâu mà sớm vậy? tôi hỏi con gái ông?

- Ổng đi ra quán ngồi đồng.

- Ngồi đồng? Bộ ổng thích coi đồng bóng hả?

- Mày hỏi ngu ơi là ngu. Ổng đi uống cà phê

- Sao mày nói đi ngồi đồng?

- Tại vì ổng ra đó ngồi tới trưa mới dìa ăn cơm. Tao hỏi mày, ly cà phê có chút xíu, ực hai cái là hết. Vậy mà ổng ngồi đó cả buổi trời.

-Ừa hé! Ổng ngồi đó uống một ly cà phê chắc chủ quán phải châm mấy bình trà. Ba Bảy bàn chuyện thời sự hả?

- Thời sự cái con khỉ khô. Ổng tán dóc thì có.

Con nhỏ bạn tôi tính tình giống Ba lẫn giống má. Dân Nam kỳ có sao nói vậy. Tếu tếu, vui vui không kiêng kỵ gì hết.

- Ổng thì đi ngồi quán tán dóc, chút xíu nữa tới phiên má tao đi xè.

- Má Bảy đi xè gì?

- Lại hỏi ngu nữa, bả đi xè là đi điều binh khiển tướng đó.

- Bộ má Bảy đi nghe đọc truyện Tam Quốc Chí hả?

- Tam Quốc Chí cái gì. Bả đi đánh tứ sắc với mấy bà xóm trên.

 

À! thì ra vậy, tôi hiểu rồi. Má Bảy đi đánh tứ sắc, có tướng sĩ tượng, xe pháo mã đây mà. Đánh tứ sắc là phải xòe bài ra như cái quạt rồi lựa cặp đôi. Tôi không biết đánh, nhưng thích nhìn mấy má xòe bài, chọn bài và quăng bài xuống chiếu thật mạnh thích thú. Khi thắng mấy má cười hỉ hả lắm. Tay gom cả mớ lá bài trộn lẫn với nhau rồi sắp lại rất điệu nghệ.

Tôi và nó còn đang nói xấu bà già, thì má Bảy miệng nhai trầu bỏm bẻm từ trong phòng ngủ bước ra.

- Hai đứa bây ăn sáng chưa? Chị Ba mày có luộc bắp để dành sẵn đó. Con Chín ở nhà chơi, má đi công chiện.

 

Má Bảy vừa nhai trầu vừa nói, cái khăn rằn lau qua một lượt cái miệng. Môi má đỏ tươi xinh đẹp nhưng không hẳn là nhờ cổ trầu. Má đẹp như lai tây, da trắng, môi đỏ, má hồng. Giai nhân xóm vườn quê tôi một thời đó nha.

Con nhỏ bạn tôi nhìn theo dáng má Bảy đi ra cổng

- Công chiện gì? Đi đánh bài thì nói phứt cho rồi. Ổng đi uống cà phê, bả đi xè. Cái nhà nó có chưn nó cũng đi theo luôn. Tao với mày ra vườn hái trái cây ăn rồi mình cũng đi chơi.

 

Nói xong nó lôi tay tôi đi. Cửa nhà vẫn mở rộng. Nói theo kiểu miền Nam là " Giao nhà cho ông táo coi chừng" Tôi với nó leo cây hái trái ăn thỏa thích. Một thời thanh bình nhà không cần đóng cửa, cây trái không có người canh chừng. Mọi người sống với nhau thân thiện.

 

Ba Bảy tôi to con, đẹp trai nhưng hiền lắm. Ông có dáng dấp một con người từng trải và am hiểu sự việc. Ra ngoài  gặp bạn bè ông nói năng lưu loát, nhận thức chính trị sâu sắc. Mỗi lời nói của ông đều có giá trị. Con cái ông rất khâm phục tư cách của cha và coi ông như tấm gương học hỏi. Điều lạ là khi về nhà ông rất ít nói. Con nhỏ bạn tôi tía lia: " Má tao nói cả ngày còn chỗ nào cho ba tao xen vô". Thật sự là ông chịu khó làm thinh khi má Bảy tôi mở đài. Bà nói càng nhiều, ông càng làm thinh, cười cười như nghe bả kể chuyện đời xưa hay chuyện khôi hài. Dưới mắt ông, má Bảy tôi chướng cỡ nào ông cũng không hơn thua. Bả là vậy, cái miệng bô lô ba la nhưng trong bụng tốt lắm. Sống với nhau lâu dài, ông hiểu tánh vợ, tánh con. Ba Bảy tôi một mực chung tình với vợ và rất thấu hiểu khoan dung con cái. Ông là một người chồng, người cha tốt.

Quan niệm về hôn nhân gia đình, ông rất thoải mái:" Thương ai thì cưới. Nam Trung Bắc gì cũng là người Việt Nam" Con cái sinh ra và lớn lên tự nhiên như cây cối trong vườn. Sống vui vẻ, tự do bén đất bén rễ đâm chồi phát triển.

 

Không như suy nghĩ của Bố (người Nam hư hỏng, nhậu nhẹt, bài bạc, không lo gia đình), ba Bảy không nhậu nhẹt say xỉn hư đời. Ông uống rượu rất có nguyên tắc và biết dừng lại đúng lúc. Rượu là lễ nghĩa, Rượu là giao tình, một ly rượu nhỏ nhưng giá trị của nó không thể đo lường.

Ba Bảy không giàu, nhưng ông hào phóng. Ai có khó khăn đến nhờ là ông vét tới đồng bạc cuối cùng để giúp. Cuộc đời ông nâng đỡ không biết bao nhiêu người, kết thân tình với bao nhiêu người. Người trang lứa, ông kết thành bạn, người nhỏ đáng con cái ông kết làm cha con. Đồng tiền đối với ông chỉ là phương tiện để sinh sống.

Bởi sinh ra và lớn lên ở miền Nam no đủ, dường như ba Bảy tôi không bận tâm nhiều lắm về sinh kế. Có thể nói ông thiếu thốn nhiều hơn dư dã, nhưng ông sống thoải mái nhàn nhã cả cuộc đời. Không chắt chiu dành dụm hay chi li tính toán như người ta, ông có tiền là xài thoải mái, ra quán ra tiệm cà phê cà pháo, hết tiền tính sau. Ông trời cho ông cuộc sống sung sướng như vậy. Năm nào khó khăn hình như trái cây được mùa thắng lớn để giải quyết nợ nần. Khi nào túng quẩn lại có một người hay một cơ hội cân bằng tất cả.

 

Cái tính tiêu xài rộng rãi, hào phóng của người miền Nam đã di truyền đến với tất cả các con của Ba Bảy. Đó là điều đại kỵ theo nhận định ông Bố miền Bắc của tôi. Sự đời oái oăm tếu không chỗ nói. Ông tơ bà nguyệt cắt cớ se duyên, con nhỏ bạn thân Sài Gòn của tôi lấy anh trai con nhỏ bạn thân miệt vườn này. (Ba đứa chúng tôi là bạn thâm tình từ hồi nhỏ xíu. Chúng tôi được chấp nhận coi cha mẹ nhau như cha mẹ mình và tới đời con chúng tôi cũng vậy) Có nghĩa là ba Bảy tôi và ông Bố Bắc kỳ là sui trai sui gái.Tôi làm dâu phụ trong ngày đám cưới. Tôi nghĩ trong đầu hai ông sui không biết có chịu cụng ly mừng cho đôi trẻ hay không?

 

Tôi tin Bố tôi đã thấy mình sai trong suy nghĩ tỵ hiềm Nam Bắc. Bởi vì thằng con rể miền Nam giá sống của Bố  cực kỳ cưng vợ, lo cho vợ từng bữa ăn, giấc ngủ. Anh ấy không hề uống rượu, không đánh bài và bây giờ cũng đã bỏ hút thuốc. Hơn 40 năm hôn phối, họ sống rất hạnh phúc và yêu nhau như thuở ban đầu. Con nhỏ bạn tôi giờ sướng lắm, được chồng lo mọi việc, thoải mái đi du lịch khắp nơi. 

 

BA TÔI

 

Ba tôi người Trung 100%. Là người Bình Định chính gốc.

Bà nội tôi từng là con gái nhà quan, được cung phụng cưng chiều nên không biết sự vất vả kiếm cơm như thế nào. Khi ông nội tôi mất, bà nội tôi bơ vơ một nách 3 đứa con không biết phải xoay sở ra sao. Ba tôi là con cả phải bỏ học đi làm nuôi mẹ nuôi em. Sau đó theo chân người dì vào Nam lập nghiệp.

 

Ba tôi lùn lùn, chân tay rắn chắc.(dường như người Bình Định đều có tạng người như vậy)  Ông không vui tính và khéo nói như bố, cũng không cà phê cà pháo sống thoải mái như ba Bảy. Trong ông là sự cần cù chắt chiu và nhẫn nại. Vào Nam khi còn nhỏ, biết mẹ và em cần mình nuôi dưỡng, ông làm bất cứ việc gì người ta mướn để kiếm tiền. Đồng tiền ông gửi về là mồ hôi kham khổ, là hiếu thảo và trách nhiệm.

Ba tôi là người chính trực và ngay thẳng. Cả đời ông không hề làm điều gì trái với lương tâm. Ông dạy chúng tôi tính lương thiện và trung thực. Dạy chúng tôi sống có trước có sau, biết đền ơn, đáp nghĩa, lấy đạo đức sống ở trên đời.

 

Ba tôi không nói đùa với con cái, không gần gủi chơi thân với con như những người cha khác. Ông không gửi cho chúng tôi cái nhìn yêu thương ngọt ngào mà là sự tin cậy và kính trọng tuyệt đối.

Tôi có thể nói đùa với ba Bảy hay với Bố nhưng tôi chưa bao giờ dám làm điều đó với ba tôi. Ông nghiêm khắc chững chạc nên anh em chúng tôi thường rúc vào thế giới riêng của mình để vui chơi suốt tuổi ấu thơ. Tình thương của ông đối với vợ con kín đáo và sâu sắc đến độ dường như có sự cách biệt.

Không biết bắt đầu từ lúc nào, nhưng từ khi tôi có nhận thức, ba tôi đã được hưởng một chế độ ưu đãi đặc biệt nhất trong gia đình.

 

Mâm cơm tươm tất má tôi dọn ra cho ba, nói theo kiểu miền Nam là "Cơm ngon, canh nóng, thức ăn bĩ bàng" Ông ngồi ăn một mình như một thượng khách. Ông gác đũa, bước qua ghế sofa là trên bàn đã có sẵn thức ăn tráng miệng, hộp tăm xỉa răng và một bình trà. Ba tôi bước vào phòng tắm là má tôi đã pha sẵn một thau nước ấm bằng nhôm thật to cho ông dùng. Khăn tắm và quần áo treo sẵn trong đó. Ông tắm xong bước ra là má tôi vào thu vén. Bao nhiêu năm như vậy, từ lúc tôi còn bé đến lúc tôi trưởng thành. Từ khi má tôi còn trẻ đến lúc má tôi là một bà già ăn trầu ngoáy. Bà vẫn phục vụ ba tôi cúc cung, trân trọng. Đừng nói riêng về má tôi mà tất cả người vợ nào của ba tôi đều lo lắng phục dịch cho ông tươm tất và tận tình như vậy.

 

Chúng tôi thuở còn bé chưa khi nào được ngồi chung mâm với ba tôi.Chúng tôi được má sắp đặt ăn riêng không khuấy rầy ông dùng bữa. Trị chúng tôi má phát cho mỗi đứa một cái roi tùy theo số tuổi, phải tự mình giữ kỹ. Khi có lỗi má kêu nằm xuống là phải vội vàng đi lấy roi rồi nằm xuống. Cái roi gát ở mông để cho má dạy, má đánh. Má tập chúng tôi tự lo vệ sinh cá nhân từ khi mình còn nhỏ. Chuẩn bị đi tắm phải sẵn sàng khăn, quần áo. Đồ dơ phải gom lại để tập trung giặt. Giặt xong phơi khô phải tự mình xếp và gói lại gọn ghẽ. Cái bao giấy đó, má phát cho mỗi đứa một cái bên ngoài ghi tên mình. Mỗi đứa con có một hộc tủ riêng ngăn nắp không tranh giành và cũng không được tự động mở hộc tủ người khác. Đi học, cô thầy đánh có chảy máu, gãy răng cũng là lỗi của mình. Gây lộn là lỗi chung, hai anh em đều bị đánh đòn. Tham ăn là thói xấu phải bỏ. Anh em phải thương yêu đùm bọc lẫn nhau...

 

Dạy con ngoan, học giỏi, lễ phép là bổn phận của má tôi. Nhưng để cho con sợ và vâng lời là oai nghiêm của ba. Chỉ cần ông nhìn và đằng hắng một tiếng là không đứa nào dám trái ý. Má tôi thường đánh và dạy con điều hơn lẽ thiệt. Ba tôi không hề đánh một đứa nào, ông chỉ nhận xét, kêu lại, chỉ cái ghế bảo ngồi xuống đó rồi ông nhẩn nha nói. Giọng Bình Định chậm rãi, trầm và nhấn mạnh điểm quan trọng làm chúng tôi nuốt từng lời từng chữ. Sợ ông đến nói không ra lời.

 

Anh em dòng lớn chúng tôi ông dạy như vậy. Nhưng với  đứa con ngỗ nghịch ông cũng trừng trị nặng tay. Em trai tôi -con người dì ghẻ- nó lợi dụng dì tôi cưng con, ba tôi không ở gần, nó lêu lỏng chơi với bạn xấu. Nó lê la ở đồn lính Mỹ rồi học hư ăn cắp tiền. Ba tôi nghe tin, dạy đôi ba lần không được. Ông bắt em tôi về. dùng xiềng cột vào chân giường khóa lại. Dì tôi khóc xin thế nào ông vẫn cứng lòng. Sau cùng ông tháo xiềng đem nó về giao cho má tôi. Ông cho đi học nghề để thoát khỏi sự cám dỗ của đám bạn hư.

Đối với ông má tôi là người vợ ông nhất mực tin cậy. Cả ba dòng con ông tin tưởng giao quyền cho má tôi dìu dắt dạy dỗ. Ba tôi không khắt khe trong quan niệm hôn nhân các con. Riêng má tôi dặn dò tôi thật kỹ:" Không được lấy chồng người Trung nhất là con một. Làm dâu họ khổ lắm  con ơi!" Có lẽ cái roi má tôi dùng để nhịp nhiều hơn đánh đau nên tôi đã không sợ. Tôi đã làm trái lời khuyên vàng ngọc của mẹ già.

Ba tôi tính bảo thủ: " Nam trọng, nữ khinh" nên ông không bao giờ làm những việc thuộc về nhà bếp của đàn bà. Cả đời ông chưa bao giờ đụng đến cây chổi quét nhà thì nói chi đến thay tã cho con."

 

Ba tôi mê đá banh và thích hoạt động thể thao. Dưới tay ông là một đội banh với cầu thủ hùng hậu. Ông từng là đoàn trưởng Thanh Niên Cộng Hòa ngày xưa nên uy tín ông khá lớn. Ông là người đầu tiên ở làng dám sắm xe moto phân khối lớn. Chiếc xe đen to kềnh, tiếng máy nổ vang rền oai không chỗ chê. Ông ngồi trên đó uy nghi và đẹp trai khiến bao nhiêu người ngưỡng mộ.Tôi thường được ba tôi cho ngồi trước bình xăng, các anh tôi ngồi phía sau để ba chở đi chơi xa.

 

Ba má tôi thời trẻ làm ăn buôn bán lớn. Bán rượu có ba tăng của Pháp. Tiền giấy 100$ bộ lư giao dịch là thường. Ba tôi có xe ngựa và nài riêng để chở ông đi giao thiệp. Cho nên ba tôi tứ đổ tường đều biết. Bài bạc ông có thử qua, có chơi lớn nhưng giới hạn không ảnh hưởng đến ngân quỹ gia đình. Uống rượu một vài ly nhỏ để thưởng thức, không bao giờ để say. Ông có nhiều bồ với ba bà vợ. Ông có thử á phiện ( ông nói như thế) vì ông giao thiệp và kết bạn với thương gia người Tàu. Nói chung ông từng trải và già dặn trong cuộc sống.  

 

Ba tôi thích chơi lớn. Ông dám bỏ tiền mua dàn máy hát  về cho cả xóm nghe vọng cổ. Thuở đó dàn máy này mắc tiền và sang trọng lắm. Máy quay bằng dây thiều, dĩa màu đen khá to. Kim được gắn vào cổ máy tròn tròn có thể xoay xoay được. Ông quay dây thiều hết mức, xoay xoay cái đầu máy có gắn cây kim. Nhẹ nhàng đặt cây kim xuống dĩa hát. Giọng ca của những nghệ sĩ tài danh vang lên mùi tận mạng. "Tình Anh Bán Chiếu, Ông Lão Chèo Đò" với tiếng hát đệ nhất danh ca Út Trà Ôn. " Nhớ Mẹ, Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà"" tiếng hát ngọt như mía lùi của Hữu Phước rồi tiếng hát Thanh Nga, Út Bạch Lan, Thành Được, hề Văn Hường...vang lên mùi mẫn ở sân nhà tôi. Bà con cô bác ngồi trong nhà, trước hàng ba vừa hút thuốc, ăn trầu vừa nghe cải lương. Mỗi khi nghe nghệ sĩ kéo hơi nhựa nhựa là ông vội vã vào quay tiếp dây thiều.
may hat dia co

 

Thấy bà con ngồi trong bóng tối lù mù quá. Ông đi Sài Gòn rinh về cây đèn măng xông. Cây đèn bơm bằng dầu hôi, có miếng vải trắng trắng bên trong. Khi bơm đủ hơi, mồi một chút lửa là đèn phựt lên sáng trưng. Ánh sáng xanh mát bao phủ cả sân nhà. Sau này mỗi khi nhà ai có tiệc lớn hay tang ma đều đến mượn cây đèn này của ba tôi.
đàn măng xông

Trước sân nhà ba tôi cũng làm một hòn non bộ khá to để nuôi cá tai tượng. Ông nói nuôi lâu năm đầu cá sẽ có ngọc trong đó. Nhưng ngọc đâu không thấy, mấy lứa tai tượng khiến ba tôi tốn rất nhiều tiền.

 

Ba tôi là người có chí lớn, nhưng rất tiếc nhà nghèo học vấn không nhiều nên ông không có sự nghiệp gì đáng kể. Cuộc đời ông qua nhiều thăng trầm, khổ cực nên ông dốc chí nuôi cho con ăn học nhất là con trai. Ông thật thà, chăm chỉ và nhiệt tình làm việc hết sức mình. Ba tôi là người tài xế kỳ cựu trong đồn điền cao su từ lúc mới thành hình đến lúc chính quyền CS tiếp thu.

Ông đã dạy cho nhiều thế hệ trở thành tài xế. Dạy cho cha rồi dạy cho con, đôi khi tới đời cháu cũng cầm vô lăng lái xe. Ông là cội tùng che chắn cho chúng tôi. Ba dòng con yêu thương đùm bọc nhau vượt qua bao sóng gió.

 

Người chồng giàu nghị lực và uy nghiêm ấy đã lần lượt tiễn đưa ba người vợ mình vào quan tài. Đã một lần tre già khóc măng non tiễn đưa con trai lớn mình vào lò thiêu. Ông đã sống hết cuộc đời mình bằng trái tim yêu thương mềm yếu vì bị tình lụy. Sau cái chết bình yên của bà nội tôi, ông giác ngộ về cuộc sống vô thường. Khi má tôi mất, tôi đi định cư nước ngoài, con cháu ổn định cuộc sống, ông đoạn ái ly gia nhất tâm vào chùa quy y sám hối. Ông đã tìm cho mình cuộc sống cuối đời bình thản, an vui theo kinh kệ.

 

Tôi đã kể về ba người đàn ông tôi kính trọng và gọi bằng cha trong mùa Father's Day năm nay. Mỗi người cha của tôi mang dấu ấn đặc biệt của ba miền Bắc Trung Nam từ tính tình đến cách sống. Mỗi người cha dạy cho tôi một cái nhìn nhân sinh quan khác nhau. Con gái như tôi lại lôi cha mình ra làm đề tài quả thật không phải. Nhưng đó là những gì tôi nhìn về cha mình, thế hệ vẫn còn vướng víu vào quan niệm: " Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu" Chúng tôi trưởng thành được đi học, bắt đầu giao tiếp với nền văn minh nhân loại nên hay nhìn vào sự thật để đánh giá vấn đề.

 

CHA CỦA CÁC CHÁU TÔI

 

Các con trai của tôi bây giờ cũng đã làm cha. Những người cha ở xứ sở văn minh tự do khác với người cha ngày xưa nhiều lắm.

- Người cha (như con trai tôi) được ưu tiên ở bên vợ tại phòng sanh để biết sự đau đớn, nguy hiễm vô vàn của phụ nữ khi cho ra đời một sinh mạng. ( Ngày xưa ba tôi không bao giờ bước vào phòng phụ nữ sinh con. Nơi ô uế đàn ông không nên vào.) Bây giờ sinh bao nhiêu đứa con là sự thỏa thuận và thông cảm của cả hai vợ chồng. Ngày xưa phụ nữ như là một cái máy đẻ "Đông con, nhiều cháu, phúc đức vô cùng".

- Con trai tôi đi làm về là chăm con. Thay tã, tắm rửa, cho ăn và cùng vợ thức đêm chăm sóc con. Ngày xưa...không có đâu. Việc đó của người mẹ.

- Dù làm đến chức gì chăng nữa, đàn ông ngày nay vẫn vào bếp cùng vợ nấu ăn, rửa chén, giặt đồ. Căn nhà là của chung, mọi người đều có bổn phận đóng góp và làm việc. Đây là bổn phận không ai phụ ai. Nếu không muốn làm thì mướn Osin. Phụ nữ cũng phải làm việc, cũng vất vả cả ngày ở công sở. Ngày xưa...còn lâu. Đàn ông không làm những việc của đàn bà, đàn ông phải lo việc đại sự. Đôi khi đại sự ấy là ...đi nhậu.

- Người cha ngày nay là người bạn thân thiết của con. Gần gũi dắt dìu con khi học lẫn chơi đùa. Cha có thể ở nhà chăm con cả ngày để vợ được thoải mái đi shopping hoặc đi chơi với bạn. Tình yêu đôi lứa là tạo cho nhau niềm vui và hạnh phúc. Hy sinh cho nhau cũng là một nghĩa vụ của người chồng. Ngày xưa ư? Thôi đừng hỏi...còn lâu.

- Kinh tế gia đình, tiền lương ngày nay là ngân quỹ chung. Mỗi người đều được sử dụng một cách minh bạch. Nhiều khi người chồng còn giao cho vợ toàn quyền nắm giữ ngân sách gia đình. Ngày xưa phụ nữ thường ở nhà chăm con không được đi làm nên cuộc sống lệ thuộc vào người chồng. Tiền bạc do chồng nắm giữ nên đàn ông có quyền hạn tuyệt đối.

- Khi vợ chồng không còn tình yêu hay vì lý do gì đó, cả hai quyết định chia tay. Gia sản chung phải chia đôi, người chồng có bổn phận chu cấp cho vợ và con theo lệnh tòa và luật pháp hiện hành. Ngày xưa khi ly hôn, người vợ bị đuổi khỏi nhà với hai bàn tay trắng, nỗi nhục nhã không phải riêng mình mà cả gia tộc còn bị mang tiếng xấu.

 

Ngày Father's Day những người cha của tôi, cha của con tôi đều đã trở về cát bụi. Họ là hoài niệm trong ký ức những người còn sống. Tôi viết bài này để lật lại trang ký ức của mình và tri ân họ. Tri ân những người cha đã cho tôi nhiều ân sủng. Tri ân người chồng từng là lính bảo vệ đất nước và cho tôi một mái ấm gia đình.

 

Happy Father's Day các bạn và các con.

Chúc tất cả các người cha có một ngày tri ân Cha thật vui và hạnh phúc.

 

Nguyễn Thị Thêm.

Father's Day 2021

 

24 Tháng Giêng 20231:04 SA(Xem: 5015)
Đối với tôi, mùa Xuân sẽ kém phần lãng mạn, tươi vui và mất đi ý nghĩa rất nhiều khi thiếu vắng những bản nhạc Xuân.
23 Tháng Giêng 202312:10 SA(Xem: 5375)
Nhà nhà hết sợ con vi rút Chốn chốn mừng vui cảnh thái bình Cuộc sống thanh nhàn ta tận hưởng Ngày Xuân Quý Mão biết bao tình
22 Tháng Giêng 202311:25 CH(Xem: 4990)
QUÝ Xuân buông bỏ những sầu vương MÃO đến đem theo mọi cát tường CHÀO tải công thành tươi nhuận thất MỪNG mang danh toại phủ phê đường
22 Tháng Giêng 202311:17 CH(Xem: 5395)
Sống đây mà chết dần dà Tháng năm chồng chất thân già cưu mang Thôi thì thỉnh thoảng lang thang Mượn vui ngoại cảnh nhẹ nhàng suy tư!
22 Tháng Giêng 202311:12 CH(Xem: 5656)
Chúc khách văn đàn ngàn chữ hỷ Mừng cùng bạn hữu vạn lời ca Hạnh tài trăm sắc ngời tâm ngọc Phúc đức muôn màu rạng ánh ngà
22 Tháng Giêng 202311:09 SA(Xem: 4754)
Người đi vào dâu biển, Có thấy gió trăng xưa? Ngày môi hồng mắt sáng, Thủa hoa bướm dại khờ? Xuân yêu kiều bao độ, Đời có mãi như mơ? Dặm ngàn sương khói phủ, Trăm năm... giấc mộng hờ...
22 Tháng Giêng 202310:57 SA(Xem: 3920)
rằng từ lúc ông quản lý được bọn mèo rồi thì kho lúa nhà ông không hề có con chuột nào dám bén mảng đến nên chẳng một hột lúa nào bị thất thoát!
22 Tháng Giêng 20231:25 SA(Xem: 10413)
vẽ trái tim tôi mầu đỏ nhạt, hay hồng… đã từ lâu, tôi nghĩ tim. chỉ để yêu thôi thỉnh thoảng. để giận hờn… nay. sao tim bối rối?*
21 Tháng Giêng 202311:24 SA(Xem: 4300)
Một năm hương lửa cho đời Ba trăm sáu lăm ngày trôi bình thường Đâu cần mỹ vị cao lương Chỉ là bóng đổ trên đường phù vân...
19 Tháng Giêng 202311:46 CH(Xem: 3928)
Thế Chiến II xảy ra như nó đã xảy ra và chúng ta cũng đã chứng kiến, nhưng những ước mơ khanh tướng còn vương vấn nơi những tấm lòng trần tục thì chắc chắn đường trần còn mang nhiều gió cuốn mưa bay.
14 Tháng Giêng 20237:47 CH(Xem: 6861)
Hai ba tháng chạp Thần táo Ngô Quyền Quỳ trước bệ tiền Về chầu thượng đế. Thần xin kể lể Một chút ưu phiền Máy hư triền miên Ráp po viết trễ
13 Tháng Giêng 202311:31 CH(Xem: 8324)
Trầm hương tưởng niệm Mẹ hiền Siêu sinh, tịnh độ cửa Thiền ngát hoa Mỗi năm tháng Chạp hai ba Là ngày giỗ Mẹ xót xa tủi buồn.
13 Tháng Giêng 202310:54 CH(Xem: 4368)
Dù không khí và cách đón Tết mỗi thời, mỗi nơi, mỗi khác nhưng trong tâm hồn của mỗi người dân Việt lúc Xuân về, Tết đến vẫn luôn có cảm xúc lâng lâng khó tả.
13 Tháng Giêng 20231:52 CH(Xem: 5450)
Tôi thèm thưởng thức cái mùi hăng hắc, nồng nồng của một loài hoa dân dã mà miền Nam tôi gọi là BÔNG VẠN THỌ.
12 Tháng Giêng 202310:09 CH(Xem: 6051)
Chủ nhật sau, tết tới rồi Một tuần lễ nữa tết trôi định kỳ Nhọc nhằn hạn xấu quên đi Hãy vui vẻ với những gì trong tay.
12 Tháng Giêng 20232:19 SA(Xem: 6984)
Như chia ly tiếng còi tàu Tiếng chim buổi sáng xôn xao lòng người Tưởng chim hót sáng làm vui Ngờ đâu chim rải bùi ngùi vào tim.
11 Tháng Giêng 20231:49 SA(Xem: 2224)
Chương trình Nhạc Tình Chọn Lọc với chủ đề “ Đón Xuân “ do Như Hương và bạn hữu tổ chức ngày thứ bảy Jan 7th - 2023 - Washington, DC.
11 Tháng Giêng 20231:15 SA(Xem: 4409)
Rồi những cái Tết tha hương ở “xứ lạnh tình nồng” Canada với bên ngoài tuyết trắng phủ đầy vạn vật khiến tôi thèm những cái Tết quê nhà ấm áp.
11 Tháng Giêng 202312:24 SA(Xem: 7617)
Đang vào những ngày đầu năm Dương lịch và tiếp đến sẽ là một cái Tết cổ truyền thiêng liêng rộn rã... . Xin có vài dòng ghi lại buổi họp mặt “ Cựu học sinh Trung học Ngô Quyền - Biên Hòa “
09 Tháng Giêng 20237:09 CH(Xem: 6412)
Nàng Thơ ơi ! Hãy đến bên anh trong từng giây phút Để cùng nhau ấp ủ cuộc tình đầy Cho chữ nghĩa thăng hoa, tràn nghĩa sống Cho bước đời rạng rỡ lối tương lai
01 Tháng Giêng 20239:17 CH(Xem: 4109)
Chỉ còn vài chục tiếng đồng hồ nữa thôi, con tàu thời gian sẽ đứa chúng ta đổ bến 2023. Chúng ta xuống tàu và đến một năm mới. Mọi thứ đã bỏ lại phía sau không thể lấy lại. Những gì đã làm trong năm 2022 chỉ là quá khứ.
31 Tháng Mười Hai 20221:51 SA(Xem: 10076)
Thương thương lắm, thầy cô giáo cũ trường mình… Ngôi trường trung học Ngô Quyền Biên Hòa dấu yêu, năm nay vừa đầy sáu mươi sáu năm tuổi.
31 Tháng Mười Hai 20221:31 SA(Xem: 4355)
Chúng ta hãy nhìn về tương lai bốn năm tới tại ba quốc gia ở vùng Bắc Mỹ và tiếp tục chào đón cầu thủ bóng tròn Mbappé ngày càng sáng ngời trên sân cỏ
31 Tháng Mười Hai 202212:24 SA(Xem: 4789)
Mỗi chuyện là một góc nhìn xoáy vào những nết ăn, nết ở tiêu biểu cho một con người và tiêu biểu cho một nét Văn Hóa một thời dần biến dạng.
30 Tháng Mười Hai 202211:41 CH(Xem: 4633)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: Hoàng Mai Đạt - Chiếc Xe Đồ Chơi Của Ông Wes Người Đọc: Đồng Phúc
30 Tháng Mười Hai 20222:25 SA(Xem: 3644)
Để ra khỏi vòng trầm luân khổ ải, có lẽ chúng ta phải nên đồng hoá Cho và Nhận để không có sự phân biệt, không cả sự phân biệt giữa người và ta
29 Tháng Mười Hai 20228:47 CH(Xem: 5420)
Với người ta vẹn sắt son Với đời thơ vẫn ví von sắc màu Xuân về nâng chén chúc nhau Bảy mươi là tuổi "Qua cầu gió bay".
29 Tháng Mười Hai 20227:29 CH(Xem: 6048)
Nghìn sau nối tiếp nghìn xưa Tử sinh, sinh tử vật vờ theo nhau Gọi tên em Ta gục đầu. Lệ ta nhỏ xuống - bể sầu dâng lên.
29 Tháng Mười Hai 20221:02 SA(Xem: 6209)
Liên Khúc Nhạc Giáng Sinh. Sáng tác: Nguyên Vũ; Tiếng hát: Đèo Văn Sách & Kim Phụng Kiều Oanh thực hiện youtube
29 Tháng Mười Hai 202212:54 SA(Xem: 5776)
Nguyện cầu thế giới bình an Chim bồ câu trắng từng đàn bay cao Một năm rồi sẽ qua mau Mùa xuân réo gọi vẫy chào thế nhân...
20 Tháng Mười Hai 20229:51 CH(Xem: 6174)
World Cup 2022 khép lại với trận chung kết có nước mắt nhiều hơn nụ cười, chỉ có 45 triệu người (Argentina) vui, mà có đến 65 triệu người (Pháp) buồn.
20 Tháng Mười Hai 20229:46 SA(Xem: 4491)
Khi trái banh lăn trên sân cỏ, người cầu thủ đem hết nhiệt huyết và tài năng để giành chiến thắng cho màu cờ sắc áo, cho đơn vị mà họ đại diện. Chúc Mừng Argentina. Chúc Mừng World Cup 2022 đã thành công rực rỡ.
18 Tháng Mười Hai 202210:26 CH(Xem: 4553)
Xin cảm ơn Canada, ..đã cho chúng tôi cơ hội tạo dựng lại cuộc sống đúng nghĩa của con người với đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ và đã cho chúng tôi hưởng những mùa Giáng Sinh an bình.
17 Tháng Mười Hai 202212:32 SA(Xem: 6031)
Đêm đông lạnh giá hang sâu Hài đồng xuất thế nhiệm mầu thánh ân Trần gian ngàn vạn lỗi lầm Cường quyền bạo chúa gieo mầm khổ đau.
14 Tháng Mười Hai 20221:57 SA(Xem: 4535)
World Cup 2022 sắp đến hồi kết thúc. Hàng tỷ người trên thế giới đang háo hức theo dõi và trông chờ. Nhân dịp này, tôi xin được ‘’bàn ngang” về World Cup trong quá khứ gọi là giúp vui, hay chia sẻ cũng được.
14 Tháng Mười Hai 20221:37 SA(Xem: 5531)
Dần dà, người Bắc di cư tự coi mình là người miền Nam nhứt là sau khi miền Nam sụp đổ. Họ không muốn người ta đánh đồng mình với người miền Bắc vào Nam sau 1975.
14 Tháng Mười Hai 20221:17 SA(Xem: 6122)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: CÒN NHỚ THƯƠNG HOÀI - Nhạc : Lê Hữu Nghĩa Lời: Thy Lệ Trang Ca sĩ : Lina Nguyễn Hòa âm / Video : Sonar Production
14 Tháng Mười Hai 202212:14 SA(Xem: 6802)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: BÀI TANGO RIÊNG CHO EM - Nhạc Hoàng Nguyên - Quý Hương trình bày
13 Tháng Mười Hai 20228:48 CH(Xem: 2641)
. Đó là hạng người thuận dòng, hạng người ngược dòng, hạng người tự đứng lại và vị thánh A-La-Hán đã giải thoát ra khỏi luân hồi sinh tử.
13 Tháng Mười Hai 20221:20 CH(Xem: 6010)
Yêu Trăng yêu Gió yêu Thơ Yêu thời áo trắng mộng mơ sân trường Áo bay tha thướt nghê thường Yêu thương nhưng sợ con đường tương lai
04 Tháng Mười Hai 20224:16 CH(Xem: 5023)
Nhiều bình luận gia danh tiếng trên thế giới tiên đoán đội vô địch kỳ nầy sẽ là một trong bốn đội Ba Tây, Argentina, Anh hay Pháp nhưng cũng không thể bỏ qua những kết cuộc bất ngờ
03 Tháng Mười Hai 20224:16 CH(Xem: 4631)
(Xin phép “lấn sân” anh Lê Quý Thể, người từng dìu dắt hai đội banh Châu Văn Tiếp và Ngô Quyền)
03 Tháng Mười Hai 20223:37 CH(Xem: 5623)
Nhưng tôi luôn nhớ mãi hình ảnh Thầy Cô khi đứng trên bục giảng, dùng bảng đen phấn trắng để truyền bá kiến thức, khơi gợi và thắp sáng cho chúng tôi những ước mơ, những hoài bão,
03 Tháng Mười Hai 20223:02 CH(Xem: 4641)
Bao mùa World Cup đã qua, bao chàng trai trên sân có thuở nào đã là “người tình” của Bông. “Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người?”
03 Tháng Mười Hai 20222:37 CH(Xem: 3917)
Chẳng bao lâu nữa World Cup sẽ khép lại, còn nhiều bất ngờ thú vị. Ai buồn ai vui, ai thất vọng nhảy cầu tự tử, ai hớn hở thắng cá độ là chuyện của họ.
02 Tháng Mười Hai 202212:07 SA(Xem: 6137)
Nói cho cùng, phải chăng số phận của bà Lê Vũ Anh đã được chính cha ruột của mình định đoạt vì ý hướng mong muốn con gái thành công.
01 Tháng Mười Hai 202211:52 CH(Xem: 2394)
Rót đầy ly rượu thi nhân Uống cho quên nỗi trầm luân kiếp người Hằng ơi! Xin một nụ cười Không trăng, rượu cũng thức đòi tri âm!
01 Tháng Mười Hai 202211:47 CH(Xem: 6794)
Hững hờ chợt giấc bình yên Em xưa còn vọng tiếng huyền hoặc sao Thì thầm con mộng qua mau Bước chân làm bạc mái đầu thanh xuân
01 Tháng Mười Hai 202211:27 CH(Xem: 6987)
Một cuốn sách, đọc, sẽ làm phấn khởi một số rất lớn người trong chúng ta, vì qua những gì đọc được. Cuối cùng cái chiến thắng trông chờ lâu nay, sẽ chắc chắn hiện hình.
01 Tháng Mười Hai 202212:35 SA(Xem: 4168)
Còn nhớ đến nhau, còn thương tưởng là trân quý. Tan rồi hợp. Hợp rồi tan. Người đi sau đốt nén hương cho người đi trước.
01 Tháng Mười Hai 202212:18 SA(Xem: 6362)
Bàn tròn tiếng nói cười vang Nhắm nghiền đôi mắt theo làn khói bay Ta vui Bên Tuổi Bảy Hai Còn bao lâu để nguôi ngoai đất trời...
23 Tháng Mười Một 20226:39 CH(Xem: 5036)
Em thành thật tri ân các Thầy Cô đã cho chúng em được là học sinh của một nền giáo dục nhân bản VNCH.. Chúng em kính chúc các thầy cô một lễ Tạ Ơn vui vẻ, sức khỏe, hạnh phúc an lạc bên gia đình, con cháu.
21 Tháng Mười Một 20221:31 SA(Xem: 5641)
chúc mừng anh Hoàng duy Liệu nhận lãnh trách nhiệm thành lập ban điều hành mới của hội AHCHS trung học Ngô Quyền Bắc California.
21 Tháng Mười Một 20221:14 SA(Xem: 6894)
ngày cuối Thu buồn tênh… vầng trăng chưa tỏ bóng những chiếc lá thoi thóp trong đêm sẽ vùi chôn theo… mùa Thu chết!*
21 Tháng Mười Một 202212:08 SA(Xem: 6690)
Tôn sư trọng đạo hiền nhân Túi khôn rộng mở bàn cân đèn trời Nửa chữ cũng gọi Thầy ơi, Mênh mông biển học ngọt lời chữ thông...
20 Tháng Mười Một 202211:25 CH(Xem: 6473)
Lễ Tạ ơn thực linh đình Cám ơn nước Mỹ ân tình biết bao! Cuộc đời tựa giấc chiêm bao? Hư vô thực ảo ước ao đợi chờ
20 Tháng Mười Một 202212:54 SA(Xem: 5949)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: THU VIẾT CHO NGƯỜI - Nhạc Lê Hữu Nghĩa Thơ Thy Lệ Trang - Ca sĩ Tâm Thư trình bày
20 Tháng Mười Một 202212:17 SA(Xem: 4183)
Cái giá phải trả cho sự hội nhập. Không thể lấy thước nào mà đo đếm được. Đành chịu và bất lực trước những khuynh hướng bảo thủ như một tiếng thở dài.
20 Tháng Mười Một 202212:13 SA(Xem: 2686)
Đương nhiên sống ở đời không ai là không lầm lỗi. Chúng ta phải học hạnh nhẫn nhịn và tha thứ của đất về những lỗi lẫm nho nhỏ của nhau thì tình bạn mới được bền lâu./.
19 Tháng Mười Một 20222:05 SA(Xem: 2307)
Sáng mai khi nắng ấm của mặt trời lên cao hai chúng tôi sẽ đứng đâu đó nhìn ông, để biết mình vẫn chưa hiểu nổi monsieur Xương. Sao lại đi bảo vệ những người mình biết họ không như mình.
18 Tháng Mười Một 202212:36 CH(Xem: 3044)
Biết ai hứa hẹn mà chờ Như mưa chiều - vẫn mịt mờ không gian Hạt mưa gội những phai tàn Héo hon tình sử, ngổn ngang cõi buồn. Nhạt nhòa lịm tắt hoàng hôn Hỏi người có lạnh những cơn mưa chiều?
13 Tháng Mười Một 202211:59 SA(Xem: 4463)
Nhớ lại "Hồi Đó" nhiều khi muốn khóc Mới hồi nào... giờ già chát nhăn nheo Cha mẹ mất các anh cũng đi theo Trai cũng chết viết thư tình ai đọc.
13 Tháng Mười Một 20221:22 SA(Xem: 4686)
Trong chuyến đi vòng quanh trái đất lần nầy tôi đã ghé qua hai quốc gia cũng “xưa” như trái đất, đó là Ai Cập ở phía bắc của Phi Châu và Ấn Độ ở phía nam của Á Châu.
12 Tháng Mười Một 20229:34 SA(Xem: 6592)
Gặp lại nhau khi tóc đen đã bạc Bạn bè xưa .. Người mất. ..Kẻ đi xa Một quãng đời... Có thủy chung bội bạc Chút tình riêng còn thất lạc quê nhà.
11 Tháng Mười Một 202211:55 SA(Xem: 6324)
Và thế có gì phải muộn phiền Tuổi này ta được sống bình yên Tháng 11 tạ ơn người và vật Tạo hóa đất trời thật linh thiêng.
11 Tháng Mười Một 202212:56 SA(Xem: 4783)
Phần công trình biên khảo của ông Nguyễn Văn Trung, tôi nghĩ, ông đã làm trọn vẹn công việc của một nhà biên khảo đã dành lại một địa vị xứng đáng cho miền Nam trong văn học.
10 Tháng Mười Một 20221:52 SA(Xem: 4588)
Trong bài này tôi chỉ xin giới thiệu điểm dừng đầu tiên của tour du lịch qua Vân Nam: Thăm khu rừng đá Thạch Lâm , một nơi đặc biệt có một không hai của Vân Nam
09 Tháng Mười Một 202212:44 SA(Xem: 4510)
Người ta nói: làm thầy thuốc sai lầm thì giết chết một người, làm chính trị sai lầm thì giết một thế hệ nhưng làm văn hoá sai lầm thì giết cả muôn đời.
08 Tháng Mười Một 202211:48 CH(Xem: 2935)
Đọc qua lịch sử của Tỳ-khưu-ni Khema, chúng ta biết rằng chết không phải là hết! Cho nên đời này may mắn gặp Phật pháp ...
06 Tháng Mười Một 20229:31 CH(Xem: 6117)
Đường vào kỷ niệm quanh co Đến đây một chuyến hẹn hò cuộc vui Khi em quay gót đi rồi Cỏ cây cũng sẽ ngậm ngùi nhớ nhung.
06 Tháng Mười Một 20229:23 CH(Xem: 6622)
Dĩ vãng giờ đã lu mờ Tương lai chưa biết thẫn thờ lo chi? Hãy vui hiện tại ngay đi Lang thang dạo cảnh ngay khi Thu vàng
05 Tháng Mười Một 20222:45 CH(Xem: 4519)
Ta cầu nguyện cho em Hồn thiêng được giải thoát Được sống đời an lạc. Không vướng khổ ưu phiền Không uất hận triền miên. Tái sinh nhiều phước báo.
30 Tháng Mười 20225:58 CH(Xem: 4494)
Bạn bè nửa thế kỷ gặp mặt. Cô đọng trong những lần gặp gỡ. Rồi lại chia tay phương trời. Kỹ niệm theo nhau suốt cuộc đời. Hy vọng sẽ có lần gặp gỡ nữa.
30 Tháng Mười 20224:57 CH(Xem: 7082)
Trăng ơi! Nguyệt hỡi bóng tà Soi đi để thấy cũng ta với mình Thu về đông đến xuân tình Chỉ trăng với gió chúng mình yêu nhau.
29 Tháng Mười 20221:11 SA(Xem: 4731)
Thầy chính là người truyền lửa ham học cho học trò, và luôn khơi gợi lên trong họ những hoài bão, những ước mơ để vươn tới những khát vọng cao đẹp trong tương lai
29 Tháng Mười 20221:11 SA(Xem: 4536)
Sau này khi nhắc tới giai đoạn này, Nguyễn Văn Trung vẫn cho là những năm tháng tốt đẹp nhất trong cuộc đời cầm bút của ông.
28 Tháng Mười 20226:17 CH(Xem: 6240)
Xin đừng trống chiếc ghế nào Cà phê thương mến đổi trao tâm tình Khấn nguyện bát nhã tâm kinh Đại bi chú pháp vượt trình tử qui...
28 Tháng Mười 20222:20 SA(Xem: 7117)
Xin cho ta được sống âm thầm Mơ bóng hình em theo tháng năm Mơ cuộc tương phùng trông khắc khoải Trao người tha thiết tiếng thu tâm
28 Tháng Mười 20221:15 SA(Xem: 6961)
Chịu khó đọc giáo sư Nguyễn Văn Trung, ta sẽ gặp một nhà trí thức dấn thân với các giá trị cốt lõi rõ rệt: khoa học, khai phóng
28 Tháng Mười 202212:39 SA(Xem: 6376)
Mùa thu nữa đến thật mau Mong được gặp lại bên nhau chờ hoài! Tuy xa quê chẳng lạc loài Trời cao ban Phước an bài chúng ta
22 Tháng Mười 20221:39 SA(Xem: 4444)
Cứ để Hải lãng mạn nuối tiếc tiếp tục đi tìm cố nhân, cứ để anh suốt đời còn nợ tôi một đóa hoa Phù Dung và giữ mãi hình ảnh tình cảm thuở ban đầu.
22 Tháng Mười 20221:20 SA(Xem: 6594)
Nếu mình mất nhau anh sẽ khó quên, Cô gái Bắc một thời anh xao xuyến, Quen bao nhiêu người mà anh vẫn tiếc Bóng hình em một cô bé Bắc kỳ.
17 Tháng Mười 20229:43 CH(Xem: 6470)
Rôì một ngày kia tôi sẽ đến Nói lời chào đất nước Việt Nam Một ngày kia rôì tôi sẽ tới Tôi chào tôi, hồn Việt mênh mang, Tôi chào người, thương mến Việt Nam.
16 Tháng Mười 202211:49 CH(Xem: 4840)
Trong quang cảnh rộng rãi khoáng đạt nơi miền quê, có một chút nắng nhàn nhạt và gió hiu hiu mát rượi của buổi chiều cận Tết, cánh diều tuổi thơ của tôi no gió vi vu bay cao vút trên bầu trời.
16 Tháng Mười 202211:24 CH(Xem: 5496)
Trong 21 năm tồn tại, miền Nam tự do đã để lại cho nền âm nhạc nước ta một gia tài đồ sộ gồm hàng ngàn tác phẩm của nhiều nhạc sĩ mà tên tuổi của họ không bao giờ quên
16 Tháng Mười 202210:25 CH(Xem: 5974)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: MẤT MÁT = Nhạc: Lê Hữu Nghĩa - Lời: Thy Lệ Trang Ca sĩ : Ngọc Quy Sonar Production
16 Tháng Mười 202212:39 SA(Xem: 4862)
Chiều chủ nhật 9 tháng 10 năm 2022, tại tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ, thi sĩ Cung Trầm Tưởng vẫy tay giã từ giới yêu thơ ông sau 90 năm rong chơi cõi đời
15 Tháng Mười 202210:54 SA(Xem: 4959)
Nó đâu phải là con cọp... thật. Trên đầu nó vẫn còn mang cặp sừng của giống loài nó mà ?! Đồng loại của nó phần đông thì oán ghét và khinh miệt,
15 Tháng Mười 20221:15 SA(Xem: 4374)
Hai người là hai sự khác biệt, chị lãng mạn, mộng mơ bao nhiêu thì anh thực tế đời thường bấy nhiêu, nên hai vợ chồng đã nhiều phen bất đồng ý kiến, cãi nhau như ngày hôm nay.
15 Tháng Mười 202212:21 SA(Xem: 6128)
Ta mê công chúa tiền triều Thuở trăng chưa khuyết, thuở chiều chưa phai Phụ hoàng còn ngự trên ngai Bá quan kim mão, gấm hài muôn tâu.
14 Tháng Mười 202212:35 SA(Xem: 6714)
Những điều em nói đó Hai đường thẳng song song Chẳng phải ta chung phòng Hai đường chỉ còn một.
13 Tháng Mười 202211:27 CH(Xem: 4347)
Rồi thì lá sẽ vàng, sẽ khô và sẽ rụng. Đó là sự tuần hoàn của sự sống, là vô thường. Chấp nhận vô thường, chấp nhận cái chết sẽ đến với tất cả mọi người mọi vật thì ta sẽ bớt phiền muộn...
10 Tháng Mười 20221:52 SA(Xem: 4957)
Tôi và ông Sung bỗng trở thành hai bạn già tâm sự kể lể chuyện thời tiết trở trời, chuyện ốm đau và dặn dò nhau kinh nghiệm thuốc men cho đến khi không còn gì để than thở thêm
10 Tháng Mười 20221:43 SA(Xem: 4294)
Có lẽ Canada (và các nước Mỹ, Úc, Châu Âu) mắc nợ người Việt tỵ nạn từ… kiếp trước, nên kiếp này họ phải rước chúng ta qua, đón tiếp nồng hậu đám người chân ướt chân ráo mới đến
09 Tháng Mười 20224:53 CH(Xem: 6889)
Cuộn tròn nỗi nhớ trong chăn Gởi em thơ viết mấy hàng trong mưa Ví dầu mưa tạnh hay chưa Cội tình cũng đã xác xơ nhánh buồn.
08 Tháng Mười 20222:32 SA(Xem: 6446)
Ta ngồi ôm lấy chợ quê Bao năm gìn giữ vẹn thề trong tim Giữa đời bảy nổi ba chìm Phố reo tiếng hát gợi mềm giấc mơ.
08 Tháng Mười 20222:21 SA(Xem: 5835)
Bạn đã thấy Thu về rồi đấy nhỉ Trên sườn đồi, bên khe núi, vườn sau Lá trên cây nay đã đổi sang màu Đỏ tím thẩm hay úa vàng ảm đạm Khắp mọi nẻo sương lam giăng màu xám
03 Tháng Mười 202211:06 CH(Xem: 5108)
Khuê ơi, cho dù bây giờ tóc đã thôi bay như trong những ngày đứng gió, nhưng chẳng bao giờ tôi quên được cảm giác những sợi tóc dài của Khuê nương theo gió, đùa giỡn mơn man trên mặt tôi.
02 Tháng Mười 202211:18 CH(Xem: 5073)
Lịch sử nhân loại đã ghi lại những cuộc vượt thoát bi hùng của những dân tộc để trốn bỏ sự cai trị tàn bạo của một chế độ.