Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Huỳnh Công Ân - TỪ SÀI GÒN ĐẾN MONTRÉAL, NỔI TRÔI THEO VẬN NƯỚC (Chương VII)

15 Tháng Năm 20192:40 SA(Xem: 11605)
GS. Huỳnh Công Ân - TỪ SÀI GÒN ĐẾN MONTRÉAL, NỔI TRÔI THEO VẬN NƯỚC (Chương VII)


Chương 7- Cuộc đổi đời: 11 năm ở lại Việt Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975



 



Ngày 1 tháng 5 năm 1975, một ngày sau khi Chánh Phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam làm chủ Sài Gòn thì Ủy ban Quân Quản Sài Gòn Gia Định kêu gọi các công chức chế độ cũ đến trình diện tại nhiệm sở của mình. Tôi đến Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng với tâm trạng hoang mang cũng như các đồng nghiệp khác. Thật giống như  hai câu thơ Kiều:

Bó thân về với triều đình,

Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?

Không thấy các giáo sư của phái bộ văn hóa Pháp đến trình diện, thì ra họ là công dân Pháp đâu có bị ràng buộc bởi nhũng quy định dành cho công chức người Việt như chúng tôi. Mọi người tập trung trong phòng giáo sư, có cả hai anh chị lao công trong trường tham dự. Không khí thật nặng nề. Có một người đàn ông và một người đàn bà lạ mặt mặc đồ bộ đội ngồi ở bàn chủ tọa. Họ tự giới thiệu là người của cách mạng đến tiếp quản trường. Sau một hồi nói về chính sách của Chánh Phủ Cách Mạng, họ phân công cho mọi người. Chị Bùi Thị Mạnh, giáo sư Triết, em của bà Bùi Thị Mè, thứ trường trong Chánh Phủ Cách Mạng làm trưởng ban điều hành trường thay anh  Lâm Võ Quỳnh, anh này được giao phụ trách ban đời sống (như ban tiếp liệu), tất cả giáo sư được gọi lại là giáo viên. Trong hệ thống giáo đục trước đây của miền Nam thì chỉ có người dạy tiểu học được gọi là giáo viên (instituteur), còn những người dạy bậc trung học, cao đẳng và đại học đều được gọi là giáo sư (professeur). Dĩ nhiên ai nấy đều cảm thấy hơi buồn lòng.

Hai cán bộ tiếp quản cho biết ngày hôm nay là ngày lễ Lao Động, ngày lễ lớn nhứt đối với hai giai cấp công, nông nên nhà trường có tổ chức một cuộc biểu tình và diễu hành (diễn hành) quanh khu phố . Các giáo viên của trường phải tham gia để xiễn dương ý nghĩa của ngày lễ và đồng thời vận động một số dân (đa số là thương, phế binh VNCH) đang trú ngụ trong những căn chòi bên lề đường phía sau trường về quê lao động.

Những ngày sau, chúng tôi đến trường làm những việc như nhặt rác, quét dọn..với áo sơ mi bỏ ngoài quần, chân mang dép đối với nam giáo viên, còn nữ giáo viên thì quần đen, áo bà ba. Chị Mạnh ngày trước thuộc đợt sống mới, áo dài màu hay bông, tay raglan, đi xe hơi dạy học. Nay thì chị cũng mặc áo bà ba,  quần đen đi xe đạp. Nghe nói chồng chị là bác sĩ Trâm được Ủy Ban Quân Quản cử làm giám đốc bệnh viện Nhi Đồng.

Chị Mạnh cho tất cả giáo viên làm một bản khai lý lịch. Khi đọc bản khai của tôi chị nói: "ngạch trật của anh là giáo sư trung học đệ nhị cấp thượng hạng hạng tư à? Sao anh dạy học có mười năm mà lên nhanh vậy. Tôi mới có hạng ba". Tôi nhủ thầm: "Chị ơi, nay đổi đời rồi, bây giờ chị là xếp của tôi".

Ngày 23 tháng 6 năm 1975, các sĩ quan VNCH ở  Sài Gòn từ thiếu úy đến đại úy phải trình diện đi học tập cải tạo và được hướng dẫn bằng thông báo trên đài phát thanh cũng như các loa ở phường là phải mang giấy bút, quần áo, vật dụng cá nhân, lương thực  đủ dùng trong 10 ngày.  Các sĩ quan cấp tá và tướng được hướng dẫn mang đồ dùng cho một tháng. Ai nấy tin tưởng rằng mình sẽ đi học tập một thời gian ngắn rồi được trả về gia đình vì trước dó các hạ sĩ quan và binh lính chỉ học tập trung cải tạo có 3 ngày tại chỗ.

Buổi chiều hôm đó vợ tôi chở tôi bằng xe Honda vào trình diện ở trường Pétrus  Ký với những thứ lỉnh kỉnh dự trù cho 10 ngày. Khi từ giả chúng tôi hẹn gặp lại trong hơn một tuần nửa. Những người đi trình diện học tập được cho vào các lớp học chọn một chỗ để nghỉ ngơi. Lát sau có xe của nhà hàng Đồng Khánh đến đem cơm chiều cho chúng tôi. Ai nấy đều hân hoan vì đi học tập mà được ăn nhà hàng và tin rằng sáng mai sẽ bắt đầu học tập tại đây. Đêm hôm đó trời mưa tầm tả như báo hiệu một ngày mai vô định.

Hai ngày ở tại trường Pétrus Ký  tôi không thấy gì thay đổi : chúng tôi vẫn ngồi tụ tập tán gẫu và chờ đợi giờ cơm. Có người bạo dạn đến hỏi thăm các anh bộ đôi canh gác trong trường thì các anh ấy chỉ lắc đầu trả lời là không biết gì.

Đêm thứ ba, chúng tôi nghe tiếng xe hơi rầm rập  ngoài cổng. Một lát sau các  anh bộ đội vào từng phòng gọi tên từng người rồi dẫn ra xe molotova phủ bạt bít bùng. Đoàn xe di chuyển qua các đường trong thành phố và đi về hướng nào chúng tôi không biết. Không ai dám dở bạt xem mìmh bị chở đi đâu vì có hai anh bộ đội mang AK ngồi đàng sau. Độ hai tiếng sau, có anh ngồi cạnh tôi bạo dạn dở hé tấm bạt lên, tôi nhìn qua trông thấy trời đang tờ mờ sáng và xe đang chạy ngang một sạp báo có hai cô gái mặc đồ bộ đang nói chuyện với nhau. Anh này nói khẻ với tôi: Tây Ninh. Thật vậy chúng tôi được chở tới phi trường Trảng Lớn, Tây Ninh.

Rồi qua hai năm ba tháng tôi trải qua nhiều trại cải tạo: Trảng Lớn, Long Khánh, Ka Tum và cuối cùng là Hàm Tân trước khi được thả ra.

Đầu tháng 9 năm 1977, trong trại học tập chúng tôi có một số sĩ quan biệt phái gốc giáo chức được thả ra trong đó có anh Nghiêm Dũng cùng ở quận 4 với tôi, anh Vân người nấu ăn chung với tôi trong trại . Tôi nghe nói  giáo chức được thả về sớm và được cho dạy học lại vì các trường học thiếu thầy giáo. Trước đó cũng có một số bác sĩ được thả về làm việc trong các bệnh viện. Vì vậy tôi hy vọng mình cũng sắp sửa được thả ra.

Vài tuần sau, tôi và một số người khác được thả. Chúng tôi ra khỏi cổng trại và băng qua quốc lộ vào một xóm nhà đối diện với trại . Chúng tôi vào một quán ăn làm một chầu  no bụng và khoái khẩu để bù lại những ngày thiếu thốn trong trại. Xong, chúng tôi đón xe đò về Sài Gòn. Những người khách trên xe nhận ra ngay chúng tôi là những người đi học tập cải tạo vừa được thả về. Tôi xuống xe trên đường Trần Quốc Toản và gọi xe xích lô máy về nhà ở quận 4.

Tôi về đến nhà trong sự vui mừng bất ngờ của gia đình, nhứt là vợ tôi. Nàng đã dẫn con tôi đi thăm nuôi và gặp tôi ở trại Katum và trại Hàm Tân, nhưng lần này nàng mới tin rằng lần gặp gở này sẽ không còn phải bịn rịn chia tay nữa. Và thằng con chưa đầy hai tuổi của tôi sẽ biết rõ người cha của nó là ai không như trong những lần đi thăm nuôi, miệng nó kêu ba ơi nhưng không biết ba nó là ai trong số những người học tập cải tạo chung quanh nó.

Công việc đầu tiên tôi phải làm là đi trình diện công an khu vực ở khu phố tôi. Sau đó, quận có một buổi tâp trung các người vừa được thả ra từ trại cải tạo để nói chuyện tại rạp Nam Tiến. Chúng tôi rất lạc quan khi nghe cán bộ thuyết trình viên nhấn mạnh trong bài nói chuyện: "chúng tôi là những người chỉ biết đi chiến đấu không có trình độ văn hóa, kỷ thuật, khoa học như các anh vì vậy chính những người có trình độ như các anh sẽ là những người cần thiết để xây dựng đất nước sau này".

Vài ngày sau, thành phố tổ chức một lớp học tập chính trị cho các giáo chức là sĩ quan biệt phái tại trường Taberd, đường Gia Long. Giám đốc Sở Giáo Dục Thành Phố là Phạm Chánh Trực, sinh viên trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn, thoát ly  theo Mặt Trận Giải Phóng năm 1968. Anh là người chủ trì khóa học. Các học viên được chia thành từng tổ. Tôi ở chung tổ với anh Phan Bửu Giá, trước 75 là hiệu trưởng trung học Giồng Trôm, Bến Tre. Sau những bài giảng chính trị do cán bộ Sở Giáo dục phụ trách, mỗi tổ chúng tôi thảo luận. Cuối cùng , mỗi người trong tổ làm bài thu họach và đọc lên cho tất cả người trong tổ nghe. Anh cán bộ phụ trách ngày thu hoạch lắng tai nghe tôi đọc bài thu hoạch và nói tôi đưa cho anh bài thu hoạch của tôi. Phan Bữu Giá nói nhỏ với tôi:"Bài thu hoạch của mày viết hay quá, cán bộ chịu rồi đó."

Mãn khóa học chính trị, tôi về phòng Giáo Dục Quận 4  thì anh Hồ Hữu Tâm, bạn của tôi từ trước 75, đang làm cán bộ ở đó dẫn tôi đến trường Nguyễn Trãi giới thiệu tôi với anh Hải, hiệu trưởng ở đó. Thế là tôi trở thành "giáo viên" trường nguyễn Trãi kể từ đó.

Tôi về dạy trường Nguyễn Trãi từ niên khóa 1977-1978, lúc đó anh Hải là hiệu trưởng, anh là Hứa Doanh Trung là hiệu phó học vụ,  anh Phạm Văn Mạnh là hiệu phó lao động, anh Xương cũng là hiệu phó nhưng phụ trách công tác gì tôi đã quên. Anh Mạnh thấy tôi còn trẻ nên mời tôi vào ban lao động của anh. Thế là ngoài giờ dạy học , thỉnh thoảng tôi dẫn học sinh đi làm lao động trong sân trường: lót gạch những chỗ ngập nước, lượm rác, quét dọn...những việc trước 1975 là của lao công trường. Lao công trường là chú Bảy và chị Bé, bây giờ được gọi là bảo vệ. Trường có ban đời sống do một giáo viên phụ trách để lo mua nhu yếu phẩm: thịt, đường, bột ngọt,thuốc lá,  vải vóc,  ...về phân phối cho giáo viên. Đến ngày phân phối nhu yếu phẩm thì trường trở thành cái chợ để mọi người đến mua hàng. Việc này chưa bao giờ có trong trường học ở miền nam trước năm 1975. Ngày đó lương giáo sư dư dã, ai muốn mua sắm gì thì cứ ra các cửa hàng bên ngoài. Bây giờ lương giáo viên khi bắt đầu vào biên chế chỉ có 60 đồng nếu ra ngoài mua hàng thì chẳng đủ dùng cho bản thân, nói chi đến gia đình. Trước khi đi học tập vợ tôi có bầu đứa con trai, khi về thì nàng sinh thêm cho tôi một đứa con gái nữa. Cả nhà 4 người sống với số lương đó thật là chật vật.

Còn nhớ một đêm tôi đang dạy học lớp bổ túc văn hóa ở trường Nguyễn Trãi thì thằng em vợ chạy vào trường  báo tin vợ tôi đã chuyển bụng, người nhà đã đưa nàng vô nhà bảo sanh Bích Liên ở đường Bến Vân Đồn , hẻm Chủ Phước gần Cầu Chông. Tôi lật đật cho học sinh nghỉ học và chay lên nhà bảo sanh. Đang ngồi chờ bên ngoài không bao lâu thì cô mụ bước ra cho biết vợ tôi đã sanh. Nhìn thấy tôi đang hồi họp chờ đợi để biết vợ tôi sanh con trai hay con gái, cô mụ cười nói"ông đừng lo nữa, bà ấy sanh con gái".  Thật tình đang mong muốn có một đứa con gái cho cân bằng vì nếu có thêm một thằng con trai nữa thì chúng quậy chịu sao nỗi. Sáng hôm sau tôi ra chợ Hãng Phân gần nhà bảo sanh Bích Liên để mua một cái núm vú cao su cho con gái tôi lại nhằm gian hàng của một em học sinh nữ của trường. Em hỏi tôi" thầy mua núm vú làm gì?" làm tôi ngượng chín cả người.

Đầu năm 1979 , sau khi bộ đội Việt Nam đã chiếm đóng toàn bộ Kampuchia (Cao Miên) đuổi quân Khmer Đỏ vào rừng, Một buổi sáng, tất cả giáo viên chúng tôi được triệu tập vào trường Nguyễn Thị Minh Khai (nữ trung học Gia Long cũ) để học tập chính trị. Chúng tôi ngỡ ngàng khi chủ đề khóa học này là để chống "bọn bành trướng" Bắc Kinh. Từ trước tôi biết chính Liên Xô và Trung Quốc đã giúp đỡ cho miền Bắc trong chiến tranh Việt Nam đến thắng lợi năm 1975. Bây giờ tại sao lại có việc chống Trung Quốc?

Ngày 17 tháng 2 năm 1979, Trung Quốc xua quân đánh vào các tỉnh phía bắc Việt Nam và Đặng Tiểu Bình tuyên bố là cho Việt Nam một bài học. Đó là bài học tại sao Việt Nam dám xâm chiếm Kampuchia.Gần một tháng sau quân Trung Quốc mới rút về nước sau khi tàn phá một số thành phố, thị trấn gần biên giới và sát hại nhiều người dân Việt Nam vô tội. Thương vong cả hai phía lên tới vài chục ngàn người.

Giáo viên và học sinh trường Nguyễn Trãi được lệnh xuống Nhà Bè đào đất để làm những ổ phòng thủ. Anh Mạnh và tôi trong ban lao động phải "động viên" các em  tích cực đào đất. Người ta đề phòng chiến hạm Trung Quốc theo dòng LòngTào tiến vào Sài Gòn. Chuyện này không bao giờ xảy ra, duy thầy trò chúng tôi khi đi thì quần áo sạch sẽ, khi về thì quần áo lấm lem bùn sình.

Về sau, anh Hải đổi đi nơi khác, chị Mai sau khi nghỉ hộ sản về thay thế làm hiệu trưởng, anh Xương vì là người gốc Hoa nên không còn làm hiệu phó và chị Lịch về thay. Thấy hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, chị Mai cho vợ tôi vào trường làm ở căn tin như một nhân viên ngoài biên chế để kiếm thêm thu nhập. Tôi cũng bắt đầu mở các lớp ở nhà dạy thêm từ luyên thi vào lớp 10, tốt nghiệp phổ thông cho đến luyện thi vào đại học. Tôi mời thêm anh Phan Văn Phùng dạy toán, anh Tôn Thất Chứng dạy hóa, Trần Ngọc Hải dạy lý, Nghiêm Dũng dạy văn phụ giúp tôi. Anh công an khu vực đến nhà tôi hỏi tôi dạy học có giấy phép không,  tôi trả lời là tôi chỉ "phụ đạo" (dạy kèm) cho các em học yếu. Như vậy anh ta không có lý do gì để làm khó dễ tôi.

Một điều lý thú ở trường Nguyễn Trãi là tôi gặp lại rất nhiều bạn  đồng nghiệp là đồng  môn  toán của tôi : Huỳnh Hoa, sau làm hiệu trưởng; Nguyễn Thanh Bá, hiện ở quận 7, Sài Gòn; Nguyễn Văn Hồng, đã mất; Trương Đức Hòa, nay ở hẻm Chủ Phước, Bến Vân Đồn, quận 4: Bùi Quốc Vượng  nay ở hải ngoại. Cũng tại trường Nguyễn Trãi tôi gặp lại một số đồng nghiệp quen biết hay từng dạy chung ở một trường khác trước dó như anh Hùynh Thành Tâm tức nhà văn Huỳnh Phan Anh, em rễ của bạn tôi, nay ở Mỹ: chị Nguyễn Mộng Thúy, dạy chung với tôi tại Trà Vinh hiện cũng ở Mỹ, tôi có gặp chị trong dịp dự Đại Hội Nguyễn Trãi ở nam Cali năm 2011; anh Đoàn Viết Biên, từng dạy chung với tôi ở Trà Vinh và Biên Hòa; Mai Khắc Bích , dạy chung ở một số trường tư Sài Gòn trước năm 1975,nay đã mất.

Đa số giáo viên dạy cùng thời với tôi ở trường Nguyễn Trãi đều được đào tạo trong miền Nam trừ một số ít gọi là giáo viên chi viện đến từ miền Bắc như chị Mai, chị Lịch, cô Thục, anh Bảy...Những người kỳ cựu xuất thân từ đại học sư phạm Sài Gòn trước năm 1975 ngoài những người tôi quen biết kể trên,tôi còn nhớ có  anh Trung, anh Mạnh, anh Can, anh Chung, anh Bích, anh Cẩm, anh Chứng, anh Phùng, anh Khoan, anh Ung Thành Hải, anh Phạm Gia Tuyên, anh Vũ Tuyên,  anh Hiệu, anh Lê Triều Vinh, anh Ngạc, anh Trần Thuần, anh Đoàn, anh Tám....và các chi như chị Bích Hà, tôi cũng gặp ở Mỹ năm 2011, chị Diệu Tố, chị Thủy (vợ anh Bá), chị Vinh, chị Minh Châu..Còn nhân viên văn phòng tôi còn nhớ chị Cúc làm ở thư viện, chị Sen thư ký; tôi cũng gặp hai chị này ở Cali, chị Lệ, anh Châu nay đã mất. Tôi cũng nhớ cô Thắng dạy nữ công; anh Vinh, anh Phong và cô Phượng dạy thể dục; anh Vinh ở Mỹ nay đã mất. Ngoài ra về sau có một số thầy cô giáo trẻ về trường như Trần Xuân Hải, Chí, Quân, cô Lan...

Năm 1979, sau việc Trung Quốc phát động chiến tranh chống Việt Nam, chính quyền ban lệnh tổng động viên thanh niên từ 18 đến 35. Tôi và anh Ngạc dạy sử địa là hai thầy giáo thuộc "đợt sống cũ" nhưng còn trẻ phải ra đăng ký nghĩa vụ ở trường Dân Cường. Dĩ nhiên chúng tôi không được "trúng tuyển" vì là sĩ quan chế độ cũ.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhà nước chủ trương hợp tác xã hóa các doanh nghiệp tư nhân. Ba tôi dẹp bỏ bảng hiệu tiệm may Huỳnh Tân của mình, kết hợp tiệm may Phước Lợi ở ngoài đường Tôn Đản làm hợp tác xã may mặc. Từ một ông chủ ba tôi trở thành như một người làm công, sáng tới nhà chú Phước Lợi may cắt, trưa về nhà ăn cơm rồi trở ra tiếp tục. Ba tôi thấy mất thì giờ mà thu nhập chẳng bao nhiêu nên một thời gian sau ba tôi rút khỏi hợp tác xã về nhà mở tiệm trở lại nhưng không đề bảng hiệu nữa. Các tiệm vàng KIm Hoa, Kim Phát, Hữu Tín và Kim Trang đóng cửa vì không được phép kinh doanh. Chú Hữu Tín bày bán thuốc rê trước nhà. Chị hiệu trưởng Mai lấy lý do vợ tôi không phải là công nhân viên của trường nên lấy căn tin lại cho chị Bé phụ trách. Vợ tôi đặt một cái bàn trước cửa nhà ba tôi để bán sinh tố. Lúc đó vợ chồng tôi ở nhà vợ tôi trong chợ Cầu Cống. Con gái tôi mới được bảy tám tháng tuổi nên vợ tôi để ở nhà nhờ một đứa em vợ trông coi giùm. Buổi tối, nếu không có giờ dạy bổ túc văn hóa, tôi ra quán sinh tố phụ vợ tôi. Một đêm, khi về nhà và lên lầu chúng tôi hốt hoảng khi bắt gặp con gái tôi đang bò từ cửa phòng ra gần tới cầu thang. Vợ tôi bồng con tôi lên và khóc ngất. Chỉ một chút nữa thì con tôi sẽ rơi xuống cầu thang. Thì ra dì nó dỗ nó ngủ trên giường xong thì yên chí bỏ đi thâu hụi. Con tôi thức giấc lăn té xuống sàn và bò ra cửa. May là chúng tôi về kịp. Vợ tôi quyết định không bỏ con đi bán sinh tố nữa. Vợ tôi bày bàn ghế trước cửa nhà bán bia hơi. Chiều nào vậy, sau khi đi dạy về tôi và Trần Xuân Hải cũng làm vài ly ở quán bia mini trước cửa nhà tôi.

Ít lâu sau mẹ vợ tôi nảy ra sáng kiến mở một quán nhậu. Chúng tôi đồng ý vì má vợ tôi nấu ăn rất ngon. Tôi mướn sân nhà cô Gái, trước 75 cha mẹ cô mở vựa bán cây ở đường Tôn Đản, khu vực phường 14. Buổi sáng vợ tôi đi chợ Bến Thành mua các thứ cần thiết về cho mẹ vợ tôi chuẩn bị. Buổi chiều, quán mở cửa, mẹ vợ tôi là đầu bếp chính, vợ tôi phụ bếp còn tôi làm người chạy bàn và tính tiền. Dần dần quán tôi đông khách, tôi phải mướn thêm người phụ. Đối diện quán nhậu của tôi là quán nhậu của ông Lâm Tồn, ông ta là một thầy đờn có tiếng trong giới cải lương. Sau này má vợ tôi đi buôn hàng ở tỉnh nên vợ tôi trở thành đầu bếp chính của quán.

Gần Tết năm đó, cô Gái đòi tăng tiền mướn chỗ và không cho chúng tôi bán trong những ngày Tết. Do đó, sau Tết tôi mướn sân nhà của ông Bốn đối diện phường đội phường 10 để mở quán. Ông Bốn là người Bắc di cư, có một đời vợ trước ngoài Bắc, vào Nam ông lấy một người vợ trong này và có một con gái. Tại chỗ mới này, khách quá đông nên chúng tôi phải mướn thêm vài người để phụ việc trong số đó có bà Lũy, mà khách quen trong vùng thường gọi là Mai Lệ Huyền. Ngày nay, bà ấy mắc bệnh tâm thần, năm ngủ lang thang ngoài đường; lần nào về Việt Nam vợ tôi thường cho tiền bà mặc dù bà ấy không còn nhận ra chúng tôi nữa. Ngoài ra chúng tôi còn mướn chị em con Gái Xẩm và thằng Thung phụ việc cho chúng tôi. Khi mẹ con Gái Xẩm gả nó lấy chồng, nghe nói nó không cho chồng nó ngủ chung mà đạp thằng này xuống giường. Còn thằng Thung về sau thành bê đê.

Quán tôi có một món đặc sản: chim sẻ rô ti, ăn rất dòn và béo. Tôi nghĩ ra mình nên đặt tên quán là Chim Sẻ. Đúng là một cái tên định mệnh: quán tôi dời đổi từ chỗ này đến chỗ khác như con chim sẻ nay đậu cành này, mai đậu cành kia. Từ đường Tôn Đản đến đường Đỗ Thanh Nhơn; từ quận 4 sang quận 1 rồi quận 3, trở về quận 1 cuối cùng trở lại quận 4; từ Sài Gòn, Việt Nam sang Montréal, Canada. Ngay khi vượt biên, vừa đặt chân lên đảo Pulau Bidong tôi nghe ai đó gọi to: Chim Sẻ.

Tôi nhờ Chí, dạy lý ở trường Nguyễn Trãi vẽ giùm cái bảng hiệu Chim Sẻ cho tôi. Ở chỗ ông Bốn, quán tôi có một người khách sau trở thành bạn tôi; anh Hải Vân, họa sĩ cho đoàn kịch Kim Cương, một người mà ai trong giới nghệ sĩ đều biết. Anh có một người vợ nhỏ hơn anh gần 20 tuổi là một ca sĩ. Cũng vì sự chênh lệch tuổi tác đó mà khi sang Mỹ người vợ trẻ đã bỏ anh dù hai người đã có với nhau hai đứa con. Trước khi anh mất, tôi có dịp ghé qua Cali thăm anh. Hôm anh đến quán tôi, anh đi với nữ ca sĩ Giao Linh.

Ở sân nhà ông Bốn không bao lâu, quán tôi phải dời chỗ khác vì vợ ông Bốn không chịu được sự ồn ào của quán nhậu. Tôi dời quán xuống sân nhà chị Kim, cũng trên đường Tôn Đản thuộc phường 15 ở Gò Bà Mụ, đối diện xéo phường đội 8, nay là góc đường Vĩnh Hội và Tôn Đản. Nhằm mùa mưa nên mỗi lần có mưa, nước mưa ngập sân, khách nhậu phải ngồi chồm hổm trên ghế. Ba vợ tôi thấy vậy, ông đi kéo lá về lợp mái che cho quán tôi. Lúc này vì quán quá đông khách nên tôi dẹp các lớp dạy thêm ở nhà để phụ giúp vợ tôi ở quán. Ban đầu khi còn ở nhà bên vợ trong chợ cầu Cống, buổi tối người làm cho tôi lấy xe đẩy chở đồ của tôi đẩy hai đứa con tôi ra quán, giăng mùng cho chúng ngủ trên xe tại chỗ. Khi dẹp quán, hai vợ chồng tôi mỗi người nách một đứa về nhà. Tội nghiệp, tuổi thơ của hai đứa con tôi phải sống trong cực khổ. Sau này, có kha khá tiền tôi thuê nhà ở trong hẻm cà phê Meilleur Goût và mướn cô Út ( người bà con của tôi) giữ hai đứa con tôi. Ở quán này, ba vợ của Trần Xuân Hải , dạy lý ở trường Nguyễn Trải thường xuống nhậu trước khi ông định cư ở Canada.

Gần nhà ba tôi có quán cà phê Bạch Tuyết, ông chủ quán cũng là chủ thầu cho mướn xích lô máy. Sau 75, ông không kinh doanh gì nữa. Một hôm ông xuống quán tôi hỏi tôi có muốn thuê nhà ông để dời quán về đó không? Nghĩ rằng quán mình thuê trước sân nhà người ta hoài rất bất tiện trong lúc nắng mưa nên tôi quyết định dời quán về nhà bác Bạch Tuyết ở đường Đỗ Thành Nhơn cho khang trang, lịch sự hơn.

Quán Chim Sẻ của tôi cứ dời chỗ hoài như thế nhưng vẫn không mất khách vì trước khi dời chỗ tôi báo trước cho khách biết đồng thời dán thông báo trên các trụ điện. Ở chỗ nào, ngày khai trương quán tôi cũng đông nghẹt khách. Quán tôi có các món đặc sản như thịt rừng: nai, heo rừng, nhím, trúc, chồn.... và các loài chim: chim sẻ, gà nước, chàng nghịch, ốc cao, le le... không kể các món nhậu thông dụng: cà ri dê, lươn xào lăn, bò bóp thấu, lẩu cá hú, lẩu lươn...Đặc biệt có hai món quán tôi rất nổi tiếng mà không quán nào có bán là: dồi lươn và trứng mực chiên bơ. Món dồi lươn làm rất công phu: cắt cổ con lươn, lộn ngược ra để lóc thịt, bầm nhỏ thịt lươn rồi ướp gia vị, xong dồn thịt trở lại bên trong lớp da để giữ nguyên hình dạng con lươn. Cuối cùng là đem dồi lươn chiên. Món này ăn với bánh tráng, rau sống và mắm nêm rất ngon.Còn món trứng mực là mua bộ phận sinh dục của con mực, lăn bột khô rồi đem chiên với bơ. Món này ăn với sauce mayonaise rất béo.

Vì bận kinh doanh quán nhậu nên tôi xin với chi Mai, hiệu trưởng và anh Trung , hiệu phó xếp tôi dạy các lớp không thi và vào buổi chiều. Thông cảm hoàn cảnh khó khăn lúc đó của giáo viên nên ban giám hiệu chấp thuận yêu cầu của tôi. Mỗi buổi sáng tôi và vợ tôi đi chợ Bến Thành, đến các chỗ mối bán hàng của mình để dặn hàng. Xong, chúng tôi lấy hàng chở về bằng xích lô đạp. Còn thịt rừng, chúng tôi lấy mối ở các quán thịt rừng đường Phạm Viết Chánh, còn chim ở chợ chim đường Phạm Hồng Thái. Tôi về nhà chuẩn bị bài vỡ để chiều đi dạy. Vợ tôi về quán để cùng các người làm chuẩn bị các món ăn để tối bán.

Nhờ quán đông khách nên chúng tôi sống dễ thở hơn trước. Buổi trưa khi đã chuẩn bị xong các món ăn, vợ tôi cho mở cửa quán. Lúc đó quán chỉ có khách lai rai. Buổi tối, quán mới bắt đầu đông khách vì sau giờ làm việc, mọi người mới nghĩ đến việc nhậu nhẹt, ăn uống. Từ trường về, tôi ra quán phụ với vợ tôi trong việc buôn bán. Có thể nói bây giờ vợ tôi là người lao động chính trong gia đình vì tiền thu nhập của quán ăn nhiều gấp mấy lần số lương dạy học khiêm nhường của tôi.

Nhưng số tôi vẫn còn lận đận nên quán  tôi đang làm ăn tốt đẹp thì thành phố mở chiến dịch gọi là "năm quản", nay tôi không nhó rõ quản lý những gì nhưng chắc chắn có một "quản" nhằm những ngành buôn bán nhỏ như quán ăn của tôi. Mỗi ngày hai vợ chồng tôi bị triệu tập lên phường 13 "làm việc" suốt ngày chỉ trừ buổi trưa được cho về khoảng 1 tiếng để ăn cơm rồi trở lại phường" làm việc" đến chiều. Mục đích họ ép buộc chúng tôi chấp nhận mức thuế ban quản lý thị trường ấn định cho quán của tôi. Nhận thấy mức thuế không hợp lý, nên tôi từ chối và đóng cửa quán.

Người ta đã triệt con đường sống của gia đình tôi,  không còn cách nào khác tôi đành chọn việc ra đi. Nhưng tôi lại thất bại phải quay về và còn bị mất việc ở trường Nguyễn Trãi  Khi tôi đóng cửa quán thì bác Bạch Tuyết  chủ nhà mướn lai toàn bộ những người phụ việc của quán tôi kể cả người phụ bếp dể mở lại quán mà bác là chủ và lấy hết khách cũ của tôi. Mỗi lần đi ngang qua quán cũ của mình nay bị người khác khai thác tôi không tránh khỏi chua xót.

Tôi nghỉ cách khác để kiếm sống. Một người quen giới thiệu tôi với bác Mạnh một người miền Nam  tập kết ra Bắc và trở về từng làm giám đốc hãng Vissan và là đại biểu hội đồng nhân dân ở thành phố, nay đã nghỉ hưu. Ông và gia đình gồm vợ người Bắc và hai con được cấp căn nhà của một gia đình tư sản đã vượt biên ở đường Phạm Ngũ Lão đối diện rap xi nê Quốc Tế (rạp Thanh Bình cũ} gần chợ Thái Bình, quận 1. Nhà rộng và vợ chồng bác không biết làm gì nên đồng ý cho tôi thuê để mở cửa hàng ăn uống của phường.

Bác Mạnh nhờ ông Sứ, phó chủ nhiệm hơp tác xã phường Phạm Ngũ Lão làm hợp đồng 6 tháng với tôi. Ngày khai trương, cũng như ở các chỗ bán trước, quán tôi đông nghẹt khách. Tại đây tôi tạo được số khách mới ngoài những người khách cũ ở quận 4 như  3 người trong ban quản lý rạp Quốc Tế: giám đốc, phó giám đốc và bảo vệ cũng như  chị giám đốc rạp Vinh Quang ( Casino Sài Gòn cũ), bạn gái của anh giám đốc rạp Quốc Tế; anh Tám nhà kế bên quán tôi, em của ca sĩ Duy Mỹ trong ban tam ca Sao Băng trước năm 75: con trai nhạc sĩ Khánh Băng, nhà trong hẻm gần quán tôi; Nguyễn Văn On, em rể của Huỳnh Đạt Bửu, bạn đồng nghiệp của tôi ở Trà Vinh, tổ trưởng tổ toán của sở giáo dục thành phố...

Trong khi quán của tôi đang hoạt động thuận lơi, một hôm bác Mạnh đưa cho coi tôi một lá thơ rơi ném vào nhà bác ban đêm. Nội dung cho bác Mạnh biết tôi là một sĩ quan "ngụy" từng bị đi học tập cải tạo và quán tôi không được phép bán ở quận 4. Bác Mạnh nói với tôi, dù tôi là một sĩ quan cải tạo nhưng đã "học tập tốt" nên được thả về và đã được trả quyền công dân, ngoài ra lúc trước tôi mở quán tư nhân ở quận 4 nhưng nay ở quận 1, tôi đã hợp tác với hợp tác xã  phường nên không có vấn đề gì. Về sau, có một người nói cho tôi biết chính là con dâu của bác Bạch Tuyết rơi thơ tố cáo tôi. Tôi thấy ngao ngán cho tình đời. Bác Bạch Tuyết, trong tiệc cưới của tôi chỉ chưa đầy một tháng trước ngày miền Nam mất, là đại diện bên gia đình tôi và bác đã cho gia đình tôi mượn xe hơi để đi rước dâu. Nay vì việc cạnh tranh buôn bán mà gia đình bác hành sử như vậy đối với tôi.

Mới vừa mất tất cả trong một chuyến ra đi thất bại, tôi không thuê nhiều người giúp việc cho quán tôi, ngoại trừ cậu Tư tôi và Chi, cháu gái tôi. Cậu Tư tôi lo vấn đề bia. Mỗi sáng ông đi ra cục đường sắt lãnh bia và chở về quán bằng xe xích lô.Ở quán ông phụ trách phục vụ bia cho khách. Cháu tôi thì phụ bếp và rửa chén bát. Tôi chạy bàn và tính tiền.

Nhưng số tôi còn lận đận. Ông Sứ nói với bác Mạnh gái hết hợp đồng hãy lấy nhà lại cho cháu ông khai thác bán lẩu dê. Thế là chỉ hoạt động có 6 tháng ở đường Phạm Ngũ Lão, tôi phải tìm chỗ khác mở quán.

Tôi được một người bạn trước 75 cùng dạy trường tư cho hay ông Thắng, thư ký trường Thượng Hiền trước kia nay làm chủ tịch ủy ban nhân dân phường 9, quận 3 có thể giúp tôi mở quán ở phường 9 được vì ở đó chưa có cửa hàng ăn uống. Trước 75, tôi có mở lớp luyện thi Tú Tài ở trường Thượng Hiền và ông Thắng giúp tôi về việc ghi danh và thu học phí của học sinh.Tôi đến gặp ôngThắng và được ông giới thiệu với hai ông chủ nhiệm và phó chủ nhiệm hợp tác xã phường 9 để tôi ký hợp đồng khai thác một cửa hàng ăn uống.

"Mặt bằng" của cửa hàng ở góc đường Võ Văn Tần (Trần Quý Cáp cũ) và đường rầy xe lửa, nguyên là nhà của một gia đình đã vượt biên nay được giao cho phường quản lý và phường giao cho hợp tác xã phường kinh doanh. Ở đây điều kiện hợp tác giữa tôi và hợp tác xã phường chặt chẻ hơn bên phường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Hợp tác xã cử một người xuống ngồi tại cửa hàng suốt ngày làm kế toán. Hợp tác xã lấy phần trăm trong thu nhập của chúng tôi. Đây cũng là một hình thức cho thuê nhà với giá linh động theo thu nhập của quán.

Ông chủ nhiệm hợp tác xã ở phường 9 là một người cao lớn và gốc Hoa, nghe nói trước kia ông ta bán thịt heo trong chợ Vườn Chuối, đường Phan Đình Phùng (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu). Ông ta có vẻ dễ chịu hơn ông phó chủ nhiệm. Ông sau này thường đến cửa hàng phê bình hay cho ý kiến này nọ. Chính ông bắt cửa hàng tôi phải bán thêm món phở để "phục vụ" người dân ngoài những món nhậu. Bà xã tôi phải luyện thêm nghề nấu phở.

Cậu Tư tôi vẫn giúp cho tôi "khâu" bia. Mối sáng, ông cùng một nhân viên của hợp tác xã đạp xe ba gác đi lấy bia hơi ở cục đường sắt. Tôi thuê thêm một đứa em họ con người chú ở Bình Dương và một đứa cháu họ ở Biên Hòa xuống phụ giúp. Sau này quán đông khách tôi còn thuê thêm hai đứa con gái ở quận 4 sang giúp việc.

Ở đây, khác ở nhưng nơi trước, trọn "mặt bằng" là của quán không còn phải tá túc trong nhà người ta nên quán tôi hoạt động thoải mái hơn. Địa điểm quán tôi cũng thuận tiện cho việc lui tới cho khách hàng ở các nơi trong thành phố. Vì vậy các bạn cũ trong giới dạy học và những người quen biết đến quán tôi thường xuyên hơn khi quán tôi ở quận 4 hay ở dường Phạm Ngũ Lão quận 1.

Nhưng, tôi không thể làm vừa lòng tất cả mọi người được, dù ông chủ tịch phường là người quen biết cũ nhưng còn bà bí thư phường và ông phó chủ nhiệm hợp tác xã , hai người này có vẻ không hài lòng trong việc hợp tác"hai bên cùng có lợi" này nên cuối năm 1984 tôi được tin hợp tác xã phường 9 sẽ không tái ký hợp đồng với tôi. Lý do họ đưa ra là cần mặt bằng để mở cửa hàng bách hóa "phục vụ" nhân dân phường 9 thiết thực hơn. Đành vậy thôi, tôi lo kiếm một chỗ bán khác sau những ngày Tết.

Một người quen giới thiệu tôi với anh chủ nhiệm hợp tác xã tiêu thụ phường 20, quận 1 tức là khu vực của chợ Cầu Ông Lãnh và Cầu Muối. Khu này có rất nhiều người gốc Hoa và anh chủ nhiệm này cũng là người gốc Hoa. Tôi đến văn phòng hợp tác xã ở đường Bến Chương Dương để ký hợp đồng. "Mặt bằng" của cửa hàng ăn uống phường 20, quận 1 là tiệm mì của một anh gốc Hoa trên đường Cô Giang. Phần lớn gia đình anh đã ra nước ngoài, chỉ còn một số ít người ở lại và xe mì của anh đã vào hợp tác xã của phường. Nhưng phường muốn khai thác việc kinh doanh mặt bằng nầy triệt để hơn nên hợp đồng với tôi để làm cửa hàng ăn uống. Anh chủ nhá bán mì một bên, tôi bán đồ nhậu một bên.

Tôi mở quán nhậu nên có hai thứ cần thiết , ngoài các món ăn, là rượu và bia. Ban đầu tự tôi đi tìm mua, nhưng về sau thì có người đến xin bỏ mối cho quán tôi. Tôi còn nhớ , anh bỏ mối rượu thuốc cho tôi là một cựu thiếu tá chế độ cũ, sau khi đi học tập cải tạo về làm công việc này để phụ với vợ anh là một nữ hộ sinh làm ở một nhà bảo sanh ở quận 4. Còn về bia, trước khi lấy mối ở cục đường sắt thì tôi lấy mối của một anh cựu cảnh sát công lộ trước 75. Gia đình anh này ở khu Lý Nhơn mà thời đó, muốn vào nhà anh tôi phải đi qua bao chiếc cầu ván gập ghềnh bắc qua những ao vũng. Anh có một cô con gái thật đẹp gả cho một anh chàng không được đẹp trai và anh này biết mình có diễm phúc nên chiều chuông vợ hết mực. Nghe nói khi trời mưa, cầu lắm bùn trơn trợt. anh bồng vợ từ ngỏ vào đến nhà. Khi anh cựu cảnh sát công lộ không làm nghề bỏ bia nữa thì chính bà vợ anh ta giới thiệu tôi lấy bia ở cục đường sắt vì chị làm việc ở đó. Khi tôi làm cửa hàng ăn uống ở phường 9, quận 3 thì có một anh cựu thiếu tá thiết giáp chế độ trước vừa đi học tập cải tạo về đến xin bỏ mối khô bò. Anh ở tận Châu Đốc có vợ bán mắm trong chợ.

Ở khu vực chợ Cầu Muối này, vì dân địa phương đa số là người gốc Hoa nên họ ăn nhiều hơn nhậu. Bán bia, rượu thì lời nhiều hơn bán thức ăn, do đó thu nhập của tôi ở đây không bằng những chỗ trước kia. Nhưng nhờ ở khu người Hoa nên tôi học được một ít tiếng Tàu để chào mời khách.

Ngoài bia và rượu thuốc, chúng tôi còn bán rượu mạnh. Nhưng thời đó làm gì có Whisky, Martel, Hennessy... như trước 75 hay như bây giờ. Thứ rượu mạnh thông dụng lúc đó Rivalet. Một buổi tối,có một nhóm thanh niên vào cửa hàng ăn uống của tôi gọi đồ ăn và một chai Rivalet. Khi cậu Tư tôi mang chai Rivalet ra, một thanh niên chụp lấy và nói: chai rượu này ở ngoài "luồng"nên không được phép. Thì ra họ là nhân viên ban quản lý thị trường phường 20. Họ lập biên bản và ngày hôm sau cửa hàng ăn uống của tôi bị đóng cửa.

Anh Thành, người bỏ mối khô bò cho tôi khi biết cửa hàng ăn uống ở phường 20 quận 1 của tôi bị đóng cửa, đến gặp tôi và hỏi vợ chồng tôi có muốn đi qua Kampuchia buôn bán không? Chán ngán vì mở quán tư nhân không được, hợp tác với địa phương để mở cửa hàng ăn uống cũng không yên nên vợ chồng tôi quyết định thử thời vận một lần nữa xem sao. Anh dẫn tôi đến nhà một cô gái ở góc đường Cô Giang và Đề Thám giới thiệu tôi với gia đình cô. Cô ấy cho biết sáng ngày mai bạn trai cô ấy sẽ cùng đi với cô qua Kampuchia tìm việc làm ăn. Cậu trai này thường xuyên qua lại giữa Việt Nam và Kampuchia nên rành đường đi nước bước. Nếu vợ chồng tôi muốn đi chung, ngày mai đến đó cùng đi. Vợ chồng tôi không do dự gom góp một mớ tiền dành dụm được từ khi làm quán ăn, gởi hai đứa con cho ông bà nội chúng, rồi sáng sớm hôm sau đến đi cùng cặp trai gái trẻ ra bến xe miền Tây bằng xe làm ba bánh.

Chúng tôi đi xe đò xuống tới Châu Đốc thì trời đã về chiều. Vào chợ Châu Đốc, chúng tôi hỏi thăm nhà vợ anh Thành bán mắm trong chợ và tìm được nhà anh Thành. Anh Thành bảo chúng tôi đi qua Nam Vang trước, anh sẽ qua sau.

Vợ chồng tôi và cặp thanh niên đó xuống bến đò Châu Đốc và tôi đưa tiền cho cậu thanh niên trả tiền đò cho 4 người đi đến Tân Châu, sát biên giới Kampuchia. Đến nơi, trời đã tối hẵn. Chúng tôi lên bờ chờ tàu chở qua biên giới. Đó là năm 1985, bộ đội Viềt Nam còn đóng ở Kampuchia nên người Việt Nam qua lại hai nước thường xuyên. Vài chiếc đò khác cũng cặp bờ và đổ người lên. Khi tàu lớn đến, tất cả mọi người lên tàu và có người đến thâu tiền. Nhưng tàu chạy chưa được bao lâu thì có tiếng người trên tàu hô to: có công an, chúng tôi ghé vào bờ, bà con mạnh ai nấy chạy kẻo bị bắt. Thế là khi tàu vừa cặp bờ, mọi người nhảy lên bờ chạy vào xóm nhà nơi có ánh đèn.

Thật ra từ Việt Nam sang Kampuchia cũng xem như là vượt biên nên ai cũng sợ bị bắt. Chúng tôi chạy tán loạn vào xóm nhà đó và vợ chồng tôi bị lạc nhau. Tôi chạy vào một ngôi nhà và người trong nhà chỉ tôi chui vào mùng một đứa bé trai. Đang ngủ, em bé mở mắt nhìn tôi, xích vào một bên để tôi nằm rồi tiếp tục ngủ như không có gì xảy ra. Chắc là người dân ở đây quen cảnh tượng này rồi.

Tờ mờ sáng hôm sau, người nhà đó hỏi tôi có muốn tiếp tục qua Miên không, họ sẽ dẫn tôi xuống tàu Miên chở qua Neak Lung. Tôi đồng ý, họ dẫn tôi đi trên một con đường bùn lầy, trơn trợt vì đêm qua trời mưa. Tôi trượt té nhiều lần và quần áo lấm lem. Họ đưa tôi lên tàu không quên đòi tiền. Nhiều người khác cũng được đưa lên tàu giống như tôi. Ngồi trên tàu, tôi lo lắng, không biết vợ tôi có được người ta đưa ra tàu này hay không. Độ nửa giờ sau tôi thấy vợ tôi lên tàu. Một lát sau thì cặp nam nữ đi chung với tôi cũng lên tới. Gặp nhau chúng tôi mừng quá. Một người Miên nói tiếng Việt lơ lớ đến thâu tiền từng người khách.

Tàu chạy đến trưa thì tới Neak Lung, mọi người đổ bộ lên bờ tìm chỗ làm vệ sinh, ăn uống và đổi tiền Việt sang tiền Miên. Xong, từng nhóm đón xe đò đi Nam Vang.

Xe đò đi đến cầu Sài Gòn, một địa điểm mà người Việt tập trung rất đông, thì dừng lại. Đa số khách người Việt xuống xe tại đây. Chúng tôi vẫn ngồi trên xe để đi vào thành phố Nam Vang cách đó khoảng hơn 5 km.

Tới bến xe, cặp nam nữ dẫn chúng tôi vào một chung cư gần bến xe. Khi vào trong, tôi thấy chung cư này xuống cấp trầm trọng. vách tường loang lỗ và cầu thang trơ cốt sắt. Cậu thanh niên hướng dẫn chúng tôi lên lầu một và vào một căn hộ không ngăn phòng. Tôi thấy một người đàn ông và một người đàn bà ở lứa tuổi trung niên đang ngồi may trên hai chiếc máy may đặt song song và lưng của họ xoay về phía vách.

Cậu thanh niên giới thiệu chúng tôi với cặp trung niên đó. Tôi được biết người đàn ông được gọi là anh Hai và người đàn bà là chị Năm. Về sau, cậu thanh niên nói với tôi biết họ là những người đã bỏ lại gia đình sang đây kiếm sống và gá nghĩa với nhau. Anh Hai và chị Năm tỏ ra rất hiếu khách, họ hỏi thăm tình cảnh hai vợ chồng tôi rồi chị Năm nấu nướng và dọn bữa cơm chiều ăn chung với chúng tôi. Tối đến, chị Năm đem hai cái mùng, một cho vợ chồng tôi, một cho cặp thanh niên kia ngủ.

Sáng hôm sau, anh Hai và chị Năm dẫn chúng tôi ra một quán ăn người Tàu gần nhà ăn sáng. Cặp thanh niên từ giả chúng tôi để đi đến nhà người bạn ở. Anh Hai về nhà may đồ còn chị Năm dắt chúng tôi đi Chợ Cũ (tiếng Miên gọi là Pho sa Chát) để sang chỗ làm quán ăn khi biết vợ tôi chuyên nghề nấu ăn.

Sau khi hỏi thăm nhiều người Việt buôn bán trong Chợ Cũ, chúng tôi tìm được một người đàn bà gọi là chị Ba đang muốn sang sạp của chị. Sau khi mặc cả, chị Ba đồng ý sang giá 2 chỉ vàng và tôi đặt cọc trước 1 chỉ, sau khi đóng đủ sẽ lấy sạp.

Ngày 17-4 năm 1975, quân Khmer Đỏ tiến vào Nam Vang. Hầu hết người dân trong thành phố bị đuổi ra ngoài. Thay vào đó những người dân ở quê kéo vào, mạnh ai muốn chiếm chỗ nào ở thì chiếm. Những cửa hàng và sạp trong chợ cũng vậy. Sau khi bộ đội Việt Nam đuổi quân Khmer Đỏ ra khỏi thành phố và người Việt đổ xô qua đây sinh sống thì những người Miên sang lại nhà hoặc tiệm lại cho những người Việt có tiền . Giá cả thì thật rẻ chỉ có một vài chỉ cho một căn hộ trong chung cư hay một sạp bán hàng trong chợ.

Trở về nhà chị Năm, chị hỏi tôi lộ trình vợ chồng tôi đi qua đây. Khi chúng tôi cho biết, vợ chồng tôi phải trả hết lộ phí cho cặp nam nữ dẫn đường để sang đây thì chị cười và nói: "hai vợ chồng em bị thằng đó gạt để hai đứa nó đi qua đây khỏi tốn xu nào". Tôi tự nhủ "thì coi như trả công người dẫn đường". Sau này khi tôi ở nước ngoài và vợ con tôi còn ở lại Việt Nam, chị Năm có nhiều lần về Việt Nam và lần nào cũng ghé ở chơi với vợ tôi vài ngày.

Chị Năm dắt chúng tôi đến nhà một đôi vợ chồng tài xế người Miên tên Nư. Anh Nư lái xe chở hàng đường Sài Gòn Nam Vang. Anh Nư nói tiếng Việt lơ lớ nhưng chị Nư thì nói tiếng Việt rất rành. Chúng tôi sẽ về Việt Nam gom góp tiền và dụng cụ nấu nướng đem qua Nam Vang. Anh Nư sẽ chở dùm các dụng cụ cho tôi. Sàng hôm sau, vợ chồng tôi ra bến xe để trở về Việt Nam chuẩn bị cho chuyến đi thứ hai.

Về Sài Gòn, tôi đem dụng cụ nấu nướng ra phía sau Nhà Hát Lớn (Quốc Hội cũ) , nơi đoàn xe chở hàng Kampuchia đậu để nhờ anh Nư chở qua Nam Vang. Khi nhận đồ, anh Nư hỏi tôi: "mấy cái nồi có tắm rửa chưa?". Ý anh hỏi chúng tôi có rửa nồi niêu sạch sẻ chưa? Hôm sau chúng tôi lên đường đi Nam Vang.

Khi tới Nam Vang, chúng tôi nhờ Mal, bạn của thanh niên hướng dẫn đi Kampuchia mướn dùm một căn phòng trong chung cư gần Chợ Mới (Pho-sa Thơ-mây). Phòng đối diện là hai anh em anh Thành đi buôn guốc từ Việt Nam qua đây. Hôm tôi tới thì có một người bạn của anh Thành, tên Hưng đang cải nhau với anh Thành vì một chuyện nào đó. Hưng bỏ ra ngoài hành lang giăng mùng ngủ. Tôi thấy bất nhẫn nên mời anh vào phòng chúng tôi ngủ đỡ một đêm.

Mal là một thanh niên người Chàm ở Việt Nam, theo đạo Hồi và nguyên quán ở Phan Rang. Cậu ta là bạn của một thiếu úy Miên ở đây cũng tên là Mal và theo đạo Hồi. Tôi phân biệt hai người tên Mal, người ở Việt Nam tôi gọi là Mal nhỏ, người ở Kampuchia là Mal lớn.Mal lớn là chủ căn nhà tôi mướn.

Chúng tôi trả nốt chỉ vàng còn lại để nhận cái sạp bán hàng trong Chợ Cũ. Chúng tôi bán cơm với vài món ăn: gà rô-ti, thịt kho, tôm rang, rau xào, canh cải...và bán thêm rượu. Tôi học vài câu tiếng Miên để mời chào khách:

"Bòn ơi, xi bai tê? (Anh, chị ăn cơm không?)

"Bòn ơi, phấc so-ra tê?" (Anh uống rượu không?).

Người Miên không như người Việt, họ không biết lo xa. Tôi thấy buổi sáng họ xuống bến tàu làm phu bốc vác kiếm một ít tiền. Đến buổi trưa, họ ra chợ ăn cơm, uống rượu đến say mèm rồi kiếm một cái sạp trống để ngủ.

Anh Hưng, người gốc Hanh Thông Tây, là em của một sinh viên tranh đấu trước năm 1975. Anh của Hưng lúc đó là giám đốc của công ty du lịch, trụ sở ở Đệ Nhất Khách Sạn cũ. Trong thời gian chờ đợi tìm một công việc thích hợp, Hưng làm thợ hớt tóc. Vì không phải là tay nghề, một hôm anh hớt cái đầu một em bé Miên bên thấp, bên cao bị mẹ của em cự nự thì Hưng chỉ lên trời đổ thừa tại trời mưa.

Chị Năm và Hưng thỉnh thoảng ghé sạp bán cơm của tôi ăn uống. Những lần đó tôi mua một chai rượu mạnh hiệu Bayon để chung vui với những người bạn mới. Có điều những món ăn vợ tôi nấu thì rất ngon đối với người Việt nhưng không hợp khẩu vị người Miên nên việc buôn bán của chúng tôi không khá lắm.

Một hôm, bán xong ở chợ về khi vợ tôi mở hộc tủ ra cất tiền thì nàng khám phá mấy ngàn ria (tiền Miên) để trong đó không còn nữa. Ai đã vào phòng chúng tôi mở tủ lấy hết tiền của chúng tôi rồi. Vợ tôi bật khóc nức nở. Chúng tôi còn vốn liếng đâu để bán quán ăn nữa. Theo lời anh Thành, thì chắc chăn thằng em vợ của thiếu úy Mal đã làm chìa khóa giả vào phòng tôi cạy tủ lấy hết tiền của chúng tôi. Nhưng chúng tôi không bắt được tại trận thì làm sao quả quyết chính nó ăn cắp tiền của chúng tôi được.

Tôi có quen một chú bộ đội Việt Nam thường đến sạp tôi ăn cơm trưa  Hôm sau ngày tôi bị mất tiền, chúng tôi ra sạp để dọn dẹp đồ đạc đem về nhà thì chú bộ đội đến định ăn cơm trưa. Thấy chúng tôi dẹp quán chú ấy hỏi tại sao chúng tôi nghỉ bán. Sau khi tôi trình bày lý do thì chú ấy nói tôi dẫn chú ấy về nhà kiếm thằng em chủ nhà. Vừa gặp thằng em chủ nhà chú bộ đội hỏi ngay:"Mày ăn cắp tiền của anh chị tao phải không?" . Thằng Miên vừa bỏ chạy vứa trả lời bằng tiếng Việt lơ lớ:"Tôi không có lấy". Xong nó bỏ chạy ra đường, mất dạng.

Thiếu úy Mal lớn là một người đàng hoàng, mhưng thăng em vợ của anh ta khoảng 17, 18 tuổi là một tên du thủ , du thực. suốt ngày lêu lỏng ngoài đường với chúng bạn, tối đến gần giờ giới nghiêm nó mới mò về nhà. Lúc chúng tôi mới dọn tới, nó nhìn chúng tôi vẻ mặt dò la. Anh Thành có dặn tôi cẩn thận về việc cất dấu tiền bạc, nhưng tôi không ngờ nó táo tợn như vây, Hôm sau, nó gặp tôi ở cầu thang nó hăm tôi:" Ông dám kêu bộ đội Việt Nam tới đánh tôi, ông coi chừng tôi đó."

Khi vợ tôi nghe tôi kể lại chuyện thằng em chủ nhà hăm tôi như vậy. nàng nói: "Mình nên dọn đi chỗ khác , chú bộ đội đó có lòng tốt muốn giúp mình nhưng chú ấy có ở bên cạnh mình hoài được đâu".  Thế là chúng tôi trả phòng lại và mướn chỗ ở chung với anh Hưng trên lầu một chung cư gần chợ Ô-Xây.

Trong các chợ ở trung tâm thành phố Nam Vang thì chợ Ô-Xây là sung túc nhứt. Ở đó có đủ loại hàng hóa, từ thực phẩm, trái cây, gia vị, hàng gia dụng, điện tử và cả vàng bạc nữa. Những tiệm lớn đều là của người Hoa. Người Miên buôn bán nhỏ. Còn người Việt thì nói ra thật đau lòng. Đa số làm nghề hàn quai dép. Thời ấy ít có người mang giày, đa số mang dép, ai có tiền thì mang dép da, ai ít tiền thì mang dép cao su. Loại dép cao su tốt nhứt là dép Lào. Tôi nhớ lại có một lần, lúc còn bán quán ở Việt Nam, hôm tôi đi thăm đứa con trai nhỏ của bạn tôi là anh họa sĩ Hải Vân, nằm ở bệnh viện Saint-Paul vì mắc cổ hạt dưa, tôi bỏ đôi dép Lào ngoài cửa dể vào phòng thăm. Khi trở ra thì đôi dép tôi không cánh mà bay mất. Báo hai hôm ấy tôi phải đi chân không về nhà. Còn nữa, sau này lúc tôi gần trở về Việt Nam, tôi mang một đôi dép cao su mà cả hai chiếc đều đứt quai đưoc nối lại bằng dây kẻm.

Sau khi mướn nhà chỗ mới xong, đang lang thang tìm thứ gì để buôn bán, vợ chồng tôi gặp được bà tám Cấy, người lối xóm, ngụ ở hẻm Công An phường 14, quận 4. Bà ấy lấy một người Tàu và cả gia đình bà sang đây làm ăn. Bà dẫn chúng tôi đến nhà bà. Chúng tôi theo bà leo lên mái một chung cư. Chỗ lỗ thông hơi của chung cư có mái che, là nhà của gia đình bà tám Cấy. Ông tám Cấy che thêm một miếng vải bạt để nới rộng diện tích căn nhà. Đây là căn nhà có một không hai trên thế giới!

Ông bà tám Cấy có hai đứa con, đứa nhỏ theo ông bà buôn bán. Đứa lớn đi làm móng tay. Ông bà chiên bánh tiêu và bánh giò chó quẩy bán gần quán cà phê lề đường của ông Năm gần chợ Ô-Xây. Ông bà nghe chúng tôi cho biết tiền bạc bị mất cắp hết chỉ còn chút đỉnh thì khuyên vợ tôi bán bánh cuốn không cần vốn nhiều. Thế là chúng tôi nhờ anh Nư mua dùm dụng cụ tráng bánh từ Việt Nam đem qua. Còn cái sạp ở Chợ Cũ, chúng tôi nhờ chị Năm rao coi có ai muốn sang không. Nhưng cho tới ngày chúng tôi trở về Việt Nam cũng chẳng có ai sang, chúng tôi đành bỏ không.

Ông tám Cấy nói với ông Năm cà phê cho chúng tôi đặt bàn và nồi tráng bánh cuốn gần quán của ông và khi dẹp hàng có thể gởi bàn ghế và dụng cụ chung một chỗ với ông ở gầm của một căn chung cư tại đó và chịu trả một ít tiền cho chủ nhà.  Tôi nghỉ ra cách kiếm thêm tiền phụ vợ bằng cách mượn chiếc xe đạp của anh Hưng lót một bao plastic trên porte bagage để làm xe đạp ôm tiếng Miên gọi là "koong đúp". Còn vợ tôi bán bánh cuốn gọi là bán "num cắt".

Thế là mỗi sáng, tôi dọn bàn ghế, lò, nồi cho vợ tôi. Nàng lo tráng bánh còn tôi đi lấy mối bánh cống ở một bà người Tàu trong một hẻm cách chỗ vợ tôi bán cũng không xa. Tôi lấy năm chục bánh được bà "khuyến mãi" cho một bánh để tôi điểm tâm trước khi chạy xe ôm. Tôi đạp xe rề theo các bà Miên đang cắp rổ rá đi bên đường, miệng mời chào:"Bòn ơi tâu na?, Tâu pho-sa?Tâu pho-te?" (Chị đi đâu?Đi chợ? Đi về nhà). Có lần tôi rán sức chở một bà Miên thật mập đạp xe ngang quán bánh cuốn của vợ tôi không quên kêu tên nàng. Vợ tôi nhìn theo cười nhưng tôi biết đó là nụ cười có kèm theo nước mắt.

Vợ tôi có một thằng em tên Thành đi nghĩa vụ quân sự ở tỉnh Pun-Sat. Nay vợ chồng tôi có mặt tại Nam Vang thì đây là dịp thuận tiện để đi thăm nó. Thế là vợ tôi nghỉ bán bánh cuốn, tôi nghỉ chạy xe ôm quyết định đi Pun-Sat. Anh Hưng cũng nghỉ hớt tóc đi theo chúng tôi cho vui. Tôi ra ga xe lửa mua ba vé đi Pun-Sat. Khi ngồi trên xe lửa, nhìn quanh quất trên toa, tôi chỉ thấy toàn là người Miên chỉ có 3 chúng tôi là người Việt. Phần đông  hành khách là những phụ nữ Miên đi buôn bán với thúng, rổ lỉnh kỉnh chung quanh.

Xe lửa đang chạy bỗng thắng và dừng lại. Tôi nghe phía trước có nhiều tiếng súng nổ. Các bà Miên nhìn nhau lo lắng. Qua câu chuyện trao đổi giữa họ, tôi hiểu loáng thoáng là lính Pôn Pốt định phục kích xe lửa bị bộ đội Việt Nam đến giải tỏa. Các bà Miên này đi buôn bán thường xuyên bằng đường xe lửa nên quen thuộc với cảnh đụng độ giữa hai bên. Chúng tôi lo sợ, nếu bọn Pôn Pốt thắng và lên cướp xe lửa thì chúng chẵng tha chết cho chúng tôi vì nghe nói bọn Pôn Pốt gặp người Việt là giết ngay. Vợ tôi run rẩy, nép sát vào tôi và nắm chặt lấy tay tôi.

Một lát sau, tiếng súng im bặt và xe lại chuyển bánh. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Chắc là bọn Pôn Pốt đã bỏ chạy.

Xe chạy ngang một khu chợ lụp xụp lợp bằng lá trước khi vào thành phố Pun-Sat . Sau này tôi được biết đó là chợ Pun-Sat, lúc trước ở bên trong thành phố nhưng nay bộ chỉ huy trung đoàn bộ đội Việt Nam đóng trong thành phố nên chợ bị dời ra ngoài.

Chúng tôi hỏi thăm tìm đến đại đội thằng em vợ tôi. Thành gặp chúng tôi lên thăm mừng rở, dẫn chúng tôi đến gặp thiếu úy đại đội trưởng của nó. Anh này còn trẻ dộ ngoài hai mươi, vui vẻ đón tiếp chúng tôi. Anh ta bảo lính luộc một con gà, trộn gỏi đãi chúng tôi. Ở đây chỉ có rượu đế nên tôi đành phải rán  uống sec những chung rượu 40 độ cồn đó cho đúng phép lịch sự với anh đại đội trưởng này. Trước 75, tôi chỉ quen dùng bia và rượu Cognac, sau này thì bia hơi hoặc Rivalet chớ rượu đế cháy gan này, tôi ít khi đụng tới.

Sau bữa tiệc dã chiến, anh đại đội trưởng này dẫn chúng tôi lên nhà khách trung đoàn để ở đó sắp xếp chỗ nghỉ ngơi cho chúng tôi. Chỗ ngủ chúng tôi ở trên lầu, mỗi người ngủ một giường sắt có trải chiếu và có giăng mùng coi tươm tất hơn chỗ ngủ của chúng tôi ở Nam Vang là nằm ở dưới sàn.

Bữa sau, chúng tôi dẫn Thành đi ăn ở căn tin và tối đến đi xem trình diễn văn nghệ trong rạp hát. Nhưng buổi tối về phòng ngủ, chúng tôi mất "quy chế" khách VIP vì bộ chỉ huy trung đoàn ban đầu tưởng chúng tôi là thân nhân của một sĩ quan trong đơn vị nên để chúng tôi ở chỗ khang trang. Giờ họ biết chúng tôi chỉ là thân nhân của một thằng lính trơn, lại bỏ ngũ ở Bắc -đơm -bon chạy về hậu cứ nên bảo chúng tôi xuống ngủ  dưới phòng chờ của nhà tiếp tân. Thế là chúng tôi xuống đó trải chiếu, giăng mùng ngủ trên sàn gạch  như ở Nam Vang..

Sáng hôm sau, chúng tôi từ giả Thành và anh đại đội trưởng tốt bụng của nó để về lại Nam Vang. Thành nhìn theo chúng tôi ra cổng, vẻ mặt buốn bã.

Trở lại Nam Vang, chúng tôi tiếp tục hành nghề cũ: vợ tôi bán bánh cuốn, tôi chạy xe ôm và anh Hưng hớt tóc. Chủ nhà cho chúng tôi và anh Hưng mướn là một người đàn bà Miên, không thấy chồng chị đâu nhưng chị có 3 đứa con mà tôi nghe nói có 3 người cha khác nhau. Đứa lớn nhứt là con gái vừa đến tuổi cập kê đang có bầu mà tác giả là ai mẹ nó cũng không biết. Người Miên có vẻ sống bằng bản năng không cần suy tính rắc rối như người Việt. Bà chủ có hai người bạn: một người là cô giáo ở bên cạnh nhà và một người buôn bán ngoài chợ Ô-Xây. Thỉnh thoảng tôi thấy họ dắt một ông bồ về nhà bà Miên chủ nhà tôi để bù khú . Hèn chi, con gái bà chủ nhà sớm hư hỏng. Đứa con gái giữa của bà chủ nhà độ 12, 13 tuổi có vẻ ngoan, ở nhà thường xuyên. Còn thằng con trai út của bà độ 10 tuôi thì đi chơi lang thang ngoài đường suốt ngày. Tôi hành nghề xe ôm chở khách khắp nơi trong thành phố nên thường gặp nó khi thì trước ga xe lửa, khi thì ở  một ngôi chợ.

Khi Khmer  Đỏ chiếm Nam Vang thì dân thành phố bị đuổi đi vào các trại tập trung,  dân quê kéo vào  ở, những cơ sở hạ tầng như: cống, nước,  điện không người bảo trì nên xuống cấp trầm trọng. Trước khi bị lôi cuốn vào cuộc chiến Việt Nam, Kampuchia là một đất nước yên bình, vua Sihanouk và hoàng hậu Monique lai Pháp xinh đẹp được người dân Miên yêu kính. Kampuchia lúc đó giữ vị trí trung lập trong chiến tranh lạnh nên đước các phía vuốt ve. Thành phố Nam Vang được huy hoạch tân tiến hơn cả miền Nam Việt Nam trước 75 với những chung cư khang trang, đường sá rộng rải, thảng tấp. Thành phố cảng Sihanoukville và xa lộ từ Nam Vang dẫn xuống đó được Hoa Kỳ xây dựng và phu nhân tổng thống Mỹ thời đó là bà Jacqueline Kennedy khánh thành là một niềm tự hào của Kampuchia. Nhưng đén khi tôi sang đến Nam Vang năm 1985 thì Nam Vang là một thành phố hoang tàn trong cuộc chiến giữa bộ đội Việt Nam và bọn diệt chủng Pôn Pốt. Công tâm mà nói nếu không có sự can thiệp của  Việt Nam vào Kampuchia thì bọn Pôn Pốt sẽ còn giết thêm vài triệu người nữa.

Đường sá trong thành phố Nam Vang ngập đầy rác. Người ta phóng uế bừa bải trên những bậc thang. Thế mà tôi và anh Hưng phải thay phiên mượn quang gánh và hai cái thùng thiếc của chủ nhà,  hứng nước từ vòi nước công cộng dưới sân gánh  lên lầu đổ vào hồ nước của căn hộ chúng tôi ở để tắm rửa, nấu nướng. Từ nhỏ tới lớn, tôi chưa từng làm việc nặng nhọc  mà giờ đây tôi phải mang  mỗi lượt 40 lít nước từ dưới đất lên lầu.

Có những buổi chiều, ăn cơm xong, tôi chở vợ tôi xuống bờ sông Tonlé-Sáp  sgồi hóng mát. Nhìn măt nước, sóng gợi lăn tăn tôi nhớ Sài Gòn và hai đứa con nhỏ da diết.  Tôi thầm nghỉ, vợ chồng tôi sang đây làm gì để chuốc những điiều cực khổ.

Một hôm ông tám Cấy nói với tôi:"Ông Năm cà phê cho biết ông ấy để quên cái đồng hồ trong hộc tủ bàn tính tiền của ông  khi dẹp quán đem bàn, ghế vào  chỗ gởi đồ chung với tôi. Sáng hôm sau, ông ấy khám phá đồng hồ ông bị mất. Ông nghi tôi lấy cái đồng hồ đó. Ông tám Cấy có nói với ông Năm là trước đây, ở Việt Nam tôi từng làm chủ một quán ăn lớn, chắc không làm vậy đâu". Tôi nói cám ơn ông tám Cấy đã tốt bụng đính chánh cho tôi nhưng lòng thầm nghĩ: người ta thấy mình nghèo nên cho rằng mình tham lam vì ngạn ngữ có câu :'bần cùng sinh đạo tặc". Tôi cảm thấy chua xót.

Anh Nư tài xế có căn hộ trong cùng chung cư với tôi. Chị Nư là vợ bé của anh. Chị có thằng con trai riêng độ 20 tuổi. Thỉnh thoảng chị Nư nấu một vài món ăn mời vợ chồng tôi qua ăn uống với anh chị. Tôi và anh Nư uống consomation  rượu Bayon với soda. Một đêm công an Miên xét nhà tôi ở bắt tôi và anh Hưng xuống trụ sở công an phường vì chúng tội không có tên trong sổ hộ khẩu. Vợ tôi chạy sang nhà chị Nư cầu cứu. Chị ấy bảo vợ tôi đưa một số tiền cho thằng con trai chị ấy xuống trụ sở công an đưa cho họ để bảo lãnh tôi và anh Hưng ra.

Mẹ con bà Miên ăn ở không được sạch sẻ cho lắm. Nhiều lần tôi thấy thằng con trai út ăn cơm bỏ mứa, để chén cơm lăn lóc giữa nhà rồi đi ra khỏi nhà. Sau đó có những con chuột bò vào chén cơm của nó. Tối đến, nó về nhà bưng chén cơm lên ăn tiếp mặc cho tôi ngăn cản. Có lẽ vốn liếng tiếng Miên của tôi  không đủ cho nó hiểu sự nguy hiểm của chén cơm đó.

Để giết bớt lũ chuột trong nhà, tôi chế một cái bẫy chuột thật đơn giản. Tôi đổ  nước vào một cái chén, để một miếng plastic trên miệng chén rồi rải vài hột cơm phía trên. Con chuột nào tham ăn, bò lên miếng plastic sẽ rơi xuống nước. Đêm nào cũng có một hai con chuột rơi vào bẫy của tôi.

Một hôm Hưng cho vợ chông tôi biết anh sẽ về Việt Nam làm đám cưới với một người bạn gái từ thời còn đi học và đem chị ấy qua. Vài hôm sau, hai vợ chồng anh Hưng qua tới Nam Vang. Anh Hưng làm rideau che chắn chỗ ngủ của hai người cẩn thận vì họ là vợ chồng son.

Gần sáu tháng đã trôi qua kể từ ngày vợ chồng tôi đến Nam Vang. Chúng tôi chán nản cuộc sống cơ cực bên đây nên quyết định trở về Việt Nam. Nhưng chúng tôi không đủ tiền đi tàu xe về Việt Nam. Anh Hưng đề nghị cho chúng tôi mượn tiền. Không còn cách nào khác, chúng tôi phải nhận nghĩa cử đó của anh. Sau khi vợ chồng tôi đi rồi, vợ chồng anh Hưng dời về khu cầu Sài Gòn ở
.

Thế là chuyến phiêu lưu của vợ chồng tôi ở xứ Chùa Tháp kết thúc trong thất bại. Hai câu ca dao:

"Nam Vang đi dễ, khó về,

Trai đi có vợ, gái về có con"

được tôi sửa lại là:

"Nam Vang đi dễ, khó về

"Khi đi mang dép, khi về chân không"

cho đúng với trường hợp của vợ chồng tôi. 

Về tới nhà, gặp lại hai đứa con sau nửa năm trời xa cách, chúng tôi rất sung sướng và những nỗi nhọc nhằn trước đó hầu như tan biến. Chúng tôi dẫn hai con ra chợ Xóm Chiếu gọi hai tô hủ tíu mì cho chúng ăn. Nhìn hai đứa ăn một cách ngon lành, vợ tôi không cầm được nước mắt.

Thằng Được, em vợ tôi, nhà ở đường Nguyễn Khoái, có quen với ông chủ tịch phường 1, quận 4. Nó giới thiệu với ông ta là vợ chồng tôi chuyên mở quán ăn. Ông chủ tịch đồng ý cho chúng tôi khai thác cửa hàng ăn uống của phường nằm sát bờ sông, đối diện cù lao Nguyễn Kiệu. Cửa hàng này đang giao cho bà Oanh làm nhưng không có đông khách hàng.Ông muốn giao cho chúng tôi để có thể thu hút nhiều khách hàng hơn. Bà Oanh thì không xa lạ gì  với chúng tôi. Lúc chúng tôi mở quán tư nhân, bà ta cũng mở quán ăn như chúng tôi ở cùng quận 4 này. Quán bà bán cũng được nhưng ông chồng bà đã không giúp vợ lại nhậu say sĩn suốt ngày và thường hay quậy phá nên bà bị mất khách.

Để  chuẩn bị mở quán, vợ tôi và má tôi đi một chuyến sang Kampuchia để trả tiền tôi còn thiếu anh Hưng đồng thời lấy dụng cụ nấu nướng mà chúng tôi gởi anh ấy giữ dùm trước khi về Việt Nam. Khi về, vợ tôi thuật lại khi tìm được nhà anh Hưng ở cầu Sài Gòn, nàng trông thấy vợ chồng anh ấy ở trong một căn nhà lá lụp xụp sát mé sông. Hưng đang hớt tóc cho khách còn vợ anh mặc quần ống thấp, ống cao đang nấu cơm. Tôi thở dài thấy thương hại cho vợ chồng anh. Tôi nghĩ thà  ở Việt Nam vợ chồng anh ấy còn có thể xoay sở khá hơn.

Cũng giống như ở phường 9, quận 3 trước đó, phường 1 cử một cô gái làm thư ký để ghi vào sổ thu nhập của cửa hàng. Chúng tôi vẫn lấy mối rượu thuốc của ông thiếu tá người Huế và bia hơi ở cục đường sât, Còn bia chai và nước ngọt chúng tôi lấy ở anh vợ  của anh Thành, người bỏ mối khô bò cho chúng tôi.   Anh vợ của anh Thành là một đại úy chế độ cũ, sau khi đi cải tạo về anh mở một đề pô bán rượu, bia và nước ngọt tại nhà anh ô quận 8. Anh ta dùng xuồng chèo từ bên kia sông sang đến phía sau quán của tôi để  giao hàng.

Ngày khai trương cửa hàng, cũng như ở những chỗ khác trước đó, khách đến ăn uống đông nghẹt. Ở đây, chúng tôi không chỉ bán các món nhậu mà còn phải bán thêm cà phê và phở.  Nhưng số của tôi vẫn còn lận đận, chỉ sau vài tháng dù chưa hết hợp đồng, không biết  cô thư ký đã báo cáo thế nào mà bà bí thư phường xuống cửa hàng làm khó dễ chúng tôi. Chán ngán, tôi xin thôi không khai thác cửa hàng nữa để trả lại cho hợp tác xã của phường. Có người khách cho biết, cô thư ký thân với bà Oanh nên muốn phường lấy lại cho bà ấy trở lại khai thác.

Đang không biết làm gì để sống thì bà Mạnh ở đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 mời lvợ chồng tôi lên nhà bà ấy chơi. Đến nơi bà Mạnh than thở:" Trước đây vì nghe lời ông Sứ nên bác đã lấy nhà lại cho cháu ông ấy mở bán lẩu dê. Nhưng quán làm không ngon nên không bao lâu phải dẹp quán. Bây giờ bác muốn giao nhà lại cho tôi khai thác."

Tôi nhìn qua bên kia đường, rạp xi nê Quốc Tế đông nghẹt khách đang chen lấn để mua vé vào xem. Tôi chợt nghĩ ra tại sao không lấy nhà bà Mạnh làm chỗ giữ xe. Thế là bà Mạnh lên phường xin giấy phép mở điểm giữ xe đạp. Vợ chồng tôi phụ trách xếp chỗ để xe và kiểm soát vé. Công việc cũng nhàn hạ nhưng lúc tan hát, mọi người ùn ùn kéo tới lấy xe thì vợ chồng tôi rất vất vả.

Nhưng vận đen không buông tha cho tôi. Một hôm, khi rạp Quốc Tế hết xuất hát, khách xem phim ra về và kéo sang điểm giữ xe của chúng tôi để lấy xe rất đông. Thăng Được, em vợ tôi, đạp xích lô ngang đó thấy vậy cũng vào phụ chúng tôi nhận vé và trả xe. Nhưng có một cậu thanh niên trình vé cho chúng tôi mà không có xe để giao lại cho cậu ta. Ai đó đã thừa cơ hội lộn xộn đã đánh căp chiếc xe đó. Bao nhiêu tiền bạc của chúng tôi  đã tiêu tan ở bên Kampu chia nên tôi không còn đủ tiền để đền. Má tôi phải cho chúng tôi năm phân vàng để tôi bán ra đền cho chủ xe.

Trong lúc tuyệt vọng vì không phương cách nào sinh sống và lo cho vợ con thì cô bảy tôi giúp cho tôi ra đi.

 

(Còn tiếp)

 

 

20 Tháng Ba 202412:32 SA(Xem: 429)
Cuộc vui kéo dài mãi cho đến bốn giờ chiều mọi người mới lưu luyến chia tay ra về mang theo hình ảnh của buổi họp mặt ấm cúng trong tình đồng hương Biên Hòa, đồng môn Ngô Quyền
19 Tháng Ba 20241:45 SA(Xem: 293)
Cuộc vui nào cũng tàn, điều thú vị là đã ghi lại kỷ niệm để tạo mong ước cho người tham dự sẽ có cuộc hội ngộ vui vẻ như vừa qua.
18 Tháng Ba 202411:34 CH(Xem: 602)
Cầu còn ba nhịp phân hai Bộ hành qua lại tàu dài chợ khuya Tám năm hồn đá dựng bia Sông quê nước vẫn đầm đìa ngược xuôi Cầu Gành Biểu Tượng Quê Tôi...
18 Tháng Ba 20242:42 SA(Xem: 298)
Với nền giáo dục nhân bản và khai phóng, trong gần 20 năm tồn tại cùng Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Trường NQ sản sinh biết bao nhân tài cho đất nước.
18 Tháng Ba 20242:31 SA(Xem: 364)
Như vậy, ngay tại khuôn viên của trường, Đạo làm Thầy, Đạo làm trò và Tinh thần Tôn Sự Trong Đạo đã được đề cao và xem trọng, như là một tiêu chí căn bản mang đậm ý nghĩa giáo dục của trường THCT.
18 Tháng Ba 202412:59 SA(Xem: 180)
Từng đám mây xanh lợn lờ trôi dưới cánh của chiếc westjet, cuộc sống vốn dĩ phải ganh đua; rồi… tiền bạc, danh tiếng, hạnh phúc có mãi mãi theo ta xuống mồ chăng?
18 Tháng Ba 202412:59 SA(Xem: 263)
Hát Rong được gọi là Troubadour, tên của một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ biểu diễn vào thời kỳ trung cổ ở Âu Châu. Người phụ nữ hát rong được gọi là Troubairitz.
18 Tháng Ba 202412:35 SA(Xem: 280)
Hôm nay là Ngày Giỗ của Nhị Vị Trưng Nữ Vương, bé Phú có làm mấy bài thơ để Vọng Tưởng đến Hai Bà. Xin kính mời Quý Thầy Cô cùng Quý vị thưởng lãm.
18 Tháng Ba 202412:28 SA(Xem: 247)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: Ở ĐÓ, MÙA XUÂN Nhạc Phạm Chinh Đông, trình bày Kim Oanh
16 Tháng Ba 20242:00 SA(Xem: 335)
Trong những đêm cuối tháng 4 năm 1975, tôi thường trực đêm trong trung tâm giáo dục Hồng Bàng với các ban đồng nghiệp. Chúng tôi uống bia và đánh xập xám chướng để quên đi những lo âu
13 Tháng Ba 20244:39 SA(Xem: 4400)
Chuyến đi thăm Thầy Xưa ngày đầu năm mới 2024 của chị em mình lần này thấm đẫm ân tình, vô cùng ấm áp đúng không chị?
12 Tháng Ba 20243:54 CH(Xem: 1041)
Sống thêm hơn chục năm thôi Để xem sự thế đỏ đời thăng hoa Chúc Mừng Sinh Nhật chị ba Niềm vui bất tận tuổi già an nhiên...
10 Tháng Ba 20244:38 SA(Xem: 788)
Gần nửa thế kỷ biền biệt xa cách Ngô Quyền. Cứ tưởng tượng một buổi chiều nào đó có người học trò trở về thăm trường cũ để rồi cảm thấy cõi lòng xa xót bơ vơ, ngậm ngùi thương nhớ cảnh cũ người xưa.
09 Tháng Ba 202411:58 CH(Xem: 564)
Năm nay xuân Giáp Thìn cây anh đào tật nguyền lại nở rộ từ những ngày chớm tết cho đến giờ này. Ông dự định sẽ mời vài người bạn thân ghé nhà để uống trà thưởng hoa như dạo nào…
09 Tháng Ba 202411:21 CH(Xem: 340)
Bài viết này dựa trên kinh Nikãya nhằm cung ứng một vài khía cạnh cần biết trên đường tu học của thiền sinh Phật tử muốn tìm hiểu lộ trình tu tập trong đạo Phật như thế nào.
09 Tháng Ba 20243:32 SA(Xem: 699)
Xuân về ! tuyết giá ngậm ngùi Nhớ em, còn tận phương trời nào...xa Xuân là Xuân của mọi nhà Chỉ mình anh vẫn thiết tha đợi người Mai đây, Xuân lại qua rồi Người đi biền biệt ngàn khơi, không về.
09 Tháng Ba 20242:23 SA(Xem: 763)
Nắng sớm theo em lên đồi thông Quấn quýt chân em vạt nắng hồng Hoa cỏ xôn xao mừng em đến Anh một mình đứng giữa trời không… Mây trắng theo em lên đồi thông Chân chim mắt biếc tóc bềnh bồng
09 Tháng Ba 20241:44 SA(Xem: 280)
Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận những nhà văn trẻ vừa và thật trẻ vẫn là niềm hy vọng của sinh hoạt Văn Học Di Dân Việt Nam như những đóm lửa của hy vọng còn chờ đợi
09 Tháng Ba 202412:51 SA(Xem: 802)
Vượt qua sóng gió ba đào Cám ơn em giữ trọn màu thủy chung Qua rồi tuổi Lễ Tình Nhân Ngày Ba Tháng Tám có phần bậu đây
09 Tháng Ba 202412:40 SA(Xem: 1034)
Dù cho đi ngược về ngang Tháng Ba Ngày Tám tặng nàng bó hoa Thương nhau ân nghĩa đậm đà Nghĩa tình sâu lắng bài ca hạnh tồn...
08 Tháng Ba 202411:34 CH(Xem: 994)
Xuân từ “Lục bát “bước ra? Ngắm Anh Đào nở sắc Hoa trắng ngần! Xuân đi Xuân đến bao lần? Mời tới Lễ Hội ân cần thiết tha!
01 Tháng Ba 20245:28 CH(Xem: 303)
Nếu “nhận thức về vô thường” được tu tập như vậy ngay trên tự thân, được làm cho sung mãn như vậy ngay trên tự thân ngũ uẩn, thì “tất cả dục tham được chấm dứt, tất cả các sắc tham được chấm dứt
01 Tháng Ba 20244:54 CH(Xem: 413)
Chỉ tồn tại có 21 năm, từ di sản của nền giáo dục thuộc địa của Pháp chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã khai sinh một nền giáo dục Dân tộc, Nhân bản và Khai phóng mà giá trị đến ngày nay không ai có thể phủ nhận được.
01 Tháng Ba 20243:09 CH(Xem: 568)
Anh hùng chỉ là người của một thời, một giai đoạn. Nhưng người tử tế đòi hỏi sự hy sinh thiệt thòi cả một đời! Miền Nam Việt Nam có thể không có nhiều anh hùng, nhưng những người có một tấm lòng và người tử tế thì không thiếu.
01 Tháng Ba 202411:40 SA(Xem: 655)
Cũng đã khá lâu tôi có nghe vài người bạn kể rằng họ có xem một bộ phim Đại Hàn có tựa đề là “Bản Tình Ca Mùa Đông”. Tôi nghe rồi cũng bỏ qua chứ không quan tâm gì
01 Tháng Ba 202411:31 SA(Xem: 448)
Tôi cám ơn bác sĩ rồi theo con ra khỏi phòng mạch. Mọi sự vật trong toà nhà như sáng hẳn lên và rõ ràng, khi ra ngoài, tôi nắm lấy tay con gái, reo lên -Mẹ đã thấy được chiếc lá cây rung rinh trong gió… từng chiếc lá, không phải một khối xanh lay động như trước nữa.
01 Tháng Ba 202411:14 SA(Xem: 604)
Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra.Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện,
01 Tháng Ba 202410:24 SA(Xem: 572)
Cây ngọc lan nhân chứng cuối cùng của nhà xứ Tâng đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vật đổi sao rời không còn nữa. Cảnh vật và con người trăm năm cũ nay chỉ còn là chuyện kể khúc còn, khúc mất mà thôi.
01 Tháng Ba 20249:30 SA(Xem: 288)
Tháng ba này, bác sĩ Quang lại lên đường sang Ukraine trong ba tháng.. Tháng bảy mới trở về. Tôi gợi ý anh nên viết hồi ký ghi lại những sụ việc, biến cố của từng ngày,
01 Tháng Ba 20248:53 SA(Xem: 861)
những tánh người đồng nghĩa với địa danh Tân Mai, Tân Uyên, Dĩ An, Phước Hải, ... ánh mắt ở đây đẹp hơn từ ánh mắt tình chưa ai mà đã nhớ thương ai
24 Tháng Hai 20245:33 CH(Xem: 1071)
Kính chia sẻ đến quý anh chị CHƯƠNG TRÌNH CÙNG NHAU TU HỌC lớp Tìm Hiểu và Ứng Dung kinh NGUYÊN THỦY do Tuệ Huy- Tô Đăng Khoa phụ trách
24 Tháng Hai 20243:40 CH(Xem: 709)
Người già tức là người lớn tuổi, còn gọi là người nhiều tuổi hay người cao niên… Thế thì bao nhiêu tuổi mới được gọi là người già, người lớn tuổi hoặc người cao niên?
24 Tháng Hai 20243:30 CH(Xem: 1718)
Mùa trăng đầu năm tháng giêng Trông như ánh mắt mẹ hiền yêu thương Dù cho xa cách hai phương Sáng soi vằng vặc độ lường nguyên tiêu.
23 Tháng Hai 202411:26 SA(Xem: 757)
Tình yêu thật sự đã hiếm; tình bạn thật sự còn hiếm hơn”. Tình bạn giữa tôi và Cát Đằng quả là hiếm có. Cát Đằng, tên một loài hoa leo có màu xanh pha tím, mỏng mảnh. Bạn tôi cũng dịu dàng, mềm mại, quý phái như hoa.
23 Tháng Hai 202410:49 SA(Xem: 380)
Chính qua sự chú ý, chúng ta không chỉ tương tác với thế giới mà còn duy trì, quyết định phẩm chất của sự tồn tại của mình một cách chân thực nhất.
23 Tháng Hai 202410:16 SA(Xem: 434)
Hãy viết thêm lời nguyền trên là - Lá vẫn xanh xanh mùa thủy chung - Cho trăm năm chỉ là chút tình - Hãy nâng niu giọt nắng mong mamh
23 Tháng Hai 20248:35 SA(Xem: 962)
Khi hay tin một người bạn đồng nghiệp mới qua đời làm tôi hồi tưởng lại những kỷ niệm khi tôi mới bước chân vào nghề. Những kỷ niệm có vui có buồn đã theo tôi suốt cả cuộc đời dù muốn quên cũng không quên được.
17 Tháng Hai 20245:25 CH(Xem: 1072)
Lại một năm nữa sắp trôi qua, dù trí thông minh nhân tạo ngày nay đã có thể viết văn, sáng tác thơ, làm phim ảnh một cách dễ dàng, nhưng tôi vẫn thích theo lối cũ, ngồi mò mẫm để viết chút tản mạn chuẩn bị chào đón năm Giáp Thìn 2024.
17 Tháng Hai 20244:34 CH(Xem: 1000)
Làm sao quên được cái thời hoang sơ của thành phố Đà Lạt. Phong cảnh hữu tình và người thì dễ thương…
16 Tháng Hai 20246:07 CH(Xem: 855)
Ý Như Vạn Sự là sự bùng vỡ của Trí Tuệ và Từ Bi cùng lúc. Trí Tuệ vì nhận chân bản tánh Như của vạn sự. Từ Bi vì sự bùng vỡ của tình thương yêu bình đẳng đối với vạn sự, cho phép vạn sự là chính nó, tự vận hành theo chu kỳ tuần hoàn sinh-trụ-hoại-diệt của chính nó.
16 Tháng Hai 20248:23 SA(Xem: 990)
Hà ô Lôi là ai nhỉ? Chỉ được biết Hà Ô Lôi là một tiếng hát tuyệt vời, ảo diệu có thể làm mê hoặc lòng người. Nhưng vì cách đây đã năm thế kỷ nên không có cách gì ghi lại được tiếng hát đó. Người đời sau muốn nghe lại được nó, chỉ còn mỗi một con đường : nghe câu truyện kể về Hà ô Lôi
16 Tháng Hai 20248:03 SA(Xem: 811)
Bởi vậy, nếu có chàng nào ngơ ngác lạc vào xóm tui, hỏi nhà cô Loan, thì phần nhiều sẽ nhận được câu trả lời rất... chảnh, rất lạnh lùng rằng: - Xóm này hổng có ai tên Loan hết á! Ủa, đang yên đang lành, Tết đến mần chi, để tôi bỗng nhớ da diết xóm cũ thương yêu của tôi thế này! Thôi, tui đi khóc đây.
16 Tháng Hai 20247:45 SA(Xem: 1513)
Mùa Xuân đó, tôi với anh gặp gỡ Ngày Ba Mươi nơi mảnh đất tạm dung Kẻ lưu vong nghe thương nhớ bâng khuâng Hình bóng quê nhà mới vừa bỏ lại
16 Tháng Hai 20247:26 SA(Xem: 1044)
Bây giờ Mẹ đã xa xôi 50 năm niềm nhớ bồi hồi vọng ngân Con ngồi đón gió mùa xuân Tìm đâu ánh mắt thiên thần Mẹ yêu...
16 Tháng Hai 20247:17 SA(Xem: 615)
Hôm qua lội bộ Sài Gòn Ngang Dinh Độc Lập thấy còn nguy nga Tối nay có mặt ở nhà Cali về lại như là giấc mơ!
13 Tháng Hai 202410:11 SA(Xem: 826)
Kim Phú viết một số bài thơ về Xuân, kính mời quý vị nhàn lãm. Trân trọng. KimPhú Nguyễn
08 Tháng Hai 20242:02 SA(Xem: 6338)
Tôi cảm thấy điều may mắn nhất cuộc đời tôi có được, đó là tình thương yêu của thầy cô giáo trường xưa - cho dù thầy cô đã từng trao tôi con chữ hoặc không -
07 Tháng Hai 20243:39 SA(Xem: 1288)
Giáp Thìn… Tân Xuân chúc Ông-Bà Cùng lời thân kính chúc Mẹ-Cha Bách Niên, sức khỏe cao như núi Vui vẻ đoàn viên vui cửa nhà Kính chúc Thầy Cô, chúc bạn bè Đón Xuân họp mặt tay nâng ly
07 Tháng Hai 20243:21 SA(Xem: 1690)
Trong cuộc sống của chúng ta đôi khi có những cuộc gặp gỡ thật tinh cờ … dù ngắn ngủi nhưng cũng để trong lòng nhau những tình cảm quý mến chân tinh và trân trọng
07 Tháng Hai 20243:14 SA(Xem: 1138)
CHÀO xuân đáo tuế niên lai ĐÓN năm mới với bạc tài đầy rương GIÁP che cờ xí mở đường THÌN uy trấn vũ vô cương cưỡng cầu.
06 Tháng Hai 20243:48 SA(Xem: 765)
Phải chăng Tiếu ngạo giang hồ thể hiện được tính lãng mạn cao độ, khát vọng tự do của con người? Phải chăng đó cũng là tâm thức và nỗi khát vọng của chính tác giả Kim Dung?
05 Tháng Hai 20245:48 CH(Xem: 710)
Các cựu học sinh nổi tiếng của trường này là hoàng đế Bảo Đại, quốc vương Sihanouk, tổng trưởng dân vận chiêu hồi Hoàng Đức Nhã, chuẩn tướng Dương Mộng Bảo…
05 Tháng Hai 20243:58 CH(Xem: 2121)
Anh chị em chúng tôi đã có một buổi chiều cuối năm âm lịch đáng nhớ, Tết Giáp Thìn đang về rất gần, chúng tôi vui vì mình đã cùng nhau "mời người lên xe tìm về quá khứ"
05 Tháng Hai 20243:47 CH(Xem: 595)
Đó là mùa Xuân không sinh không diệt. Chất Xuân vượt ra ngoài cảm xúc của con người, nó vượt ra khỏi thời gian, không gian. Nó không bị ảnh hưởng bởi quy luật vô thường
03 Tháng Hai 20241:59 SA(Xem: 653)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: NHỚ MỘT CHIỀU XUÂN - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông Tiếng hát Kim Phụng - Hòa âm Hoàng Cung Fa
03 Tháng Hai 20241:32 SA(Xem: 1705)
Có thể nói đọc báo Xuân trong những ngày Tết là thú tiêu khiển tao nhã, là món ăn tinh thần lành mạnh, là nét đẹp văn hóa của cha ông đã có từ xa xưa,
29 Tháng Giêng 202410:26 CH(Xem: 3164)
Nhưng së sang sông Đồng Nai về thăm lại trường cũ, gặp lại Thầy xưa, để biết mình từ đâu và biết chốn để quay về. Ngô Quyền như tiếng gọi trường xưa
29 Tháng Giêng 20243:43 CH(Xem: 967)
Tết con rồng thứ ba của thế kỷ 21 sẽ bắt đầu từ ngày 10 tháng 2 – 2024. Mong rằng suốt năm con rồng đừng có thêm biến cố chết người để khỏi nghe các lời bàn của các nhà mê tiên tri
29 Tháng Giêng 20242:00 SA(Xem: 837)
Chương trình Nhạc Tình Chọn Lọc với chủ đề “ CHÚC XUÂN" do Như Hương và bạn hữu tổ chức ngày thứ bảy Jan 13rd - 2024. Do chị Kiều Oanh chuyển
28 Tháng Giêng 202411:27 CH(Xem: 1370)
Mưa thắm non xanh, hồng cỏ biếc, Nhớ mờ dâu biển, lạc vân hài. Em ơi, Xuân khóc, mười phương lệ, Tình đắm phương nào, có nhạt phai?
28 Tháng Giêng 20241:03 SA(Xem: 1718)
Tết Tây xong, tới Tết Ta Cả hai cái Tết chả tha cái nào! Tết Việt không có countdown Cúng giao thừa lạy đón chào tổ tiên Nhan đèn, ngũ quả Bàn-Thiên Bao lì xì đựng sẵn tiền mới tinh
28 Tháng Giêng 202412:30 SA(Xem: 963)
Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường trung học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế , Cần Thơ...
27 Tháng Giêng 202411:05 CH(Xem: 1065)
Không biết mấy chục năm sau những lứa tuổi học trò ngày nay tại Việt Nam họ cũng sẽ họp mặt trường lớp cũ, họ cũng có những kỷ niệm đẹp dưới mái trường xưa với thày cô, bạn bè,
27 Tháng Giêng 20241:50 SA(Xem: 1742)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: CHÚC THƯ MÙA ĐÔNG Nhạc Phạm Chinh Đông, trình bày Cẩm Bình.
27 Tháng Giêng 202412:13 SA(Xem: 963)
Tôi chỉ kể chuyện cá nhân chứng kiến (bên đây), và xem video ( bún chửi Hà Nội), chớ không vơ đũa cả nắm cho bất cứ nơi chốn nào.
26 Tháng Giêng 20244:08 CH(Xem: 1298)
Thưa đó là những thành phần có ăn học, được các chính phủ thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa cho học bổng đi học tại Pháp, tại Mỹ,
15 Tháng Giêng 20242:50 SA(Xem: 3072)
Họp mặt mini của Thầy trò Ngô Quyền ở thủ phủ Austin ở một tiểu bang được mệnh danh là "Everything's big here" vào cuối tháng 11 năm 2023 được chúng tôi gọi là "Tạ ơn ở Austin".
15 Tháng Giêng 20242:47 SA(Xem: 2189)
nhưng thành phố của tôi có những góc nhỏ duyên dáng và dễ thương khiến người dân bản địa sẽ nhớ hoài như: con đường đẹp dốc tòa, con đường Nguyễn văn Trị (NVT) dọc theo bờ sông
14 Tháng Giêng 20243:49 SA(Xem: 727)
Đã có nhiều tác giả viết hoặc bình luận khen chê trực tiếp hay gián tiếp về cuốn tiểu thuyết Vòng tay học trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng.
14 Tháng Giêng 20242:15 SA(Xem: 1797)
Lần đầu tiên, sau 52 năm, hai người bạn gặp gỡ, tay bắt mặt mừng. Tôi sẽ giới thiệu cho vợ chồng bạn thành phố BH, và Chợ Đồn quê hương tôi.
13 Tháng Giêng 20242:18 SA(Xem: 2297)
Cuối năm trở lại Sài Gòn Những gì chứng kiến hết còn thiết tha! Sài Gòn đổi thịt thay da Xuyên qua đường phố nhận ra sự tình “Khôn hồn ngậm miệng làm thinh
11 Tháng Giêng 20241:53 SA(Xem: 1000)
Trong phạm vi bài này xin chỉ nhắc đến một số trường trung học tiêu biểu ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Huế , Cần Thơ, Mỹ Tho.
09 Tháng Giêng 202410:53 CH(Xem: 1913)
Xuân sắp sang với tươi xanh Đông này một thoáng qua nhanh đâu ngờ? Quê hương xa cách đôi bờ . Tuổi vàng còn lại đâu chờ riêng ai ?
02 Tháng Giêng 20249:27 CH(Xem: 1810)
Đêm nay là đêm cuối Năm hai không hai ba Ta ngồi nhìn tờ lịch Một tuổi đã rời xa Cuốn lịch của một năm Từng tờ ta xé phăng Như vất đi cuộc sống Tiếc nuối ta buồn thầm.
02 Tháng Giêng 20248:28 CH(Xem: 1365)
Nhìn cái mỏ chu chu của thằng con đưa ra chực chờ hôn phá mẹ, hai tay nó đưa ra lo le thọc lét, tôi tuột vội xuống giường chạy ra khỏi phòng: - Thằng khỉ gió đừng thọc lét mẹ, mẹ đầu hàng.
01 Tháng Giêng 20241:42 SA(Xem: 797)
Xin bấm vào link tên bài hát bên dưới hoặc youtube để thưởng thức: HAPPY NEW YEAR - AULD LANG SCYNE Kiều Oanh thực hiện Youtube
01 Tháng Giêng 202412:55 SA(Xem: 785)
Cuối năm khui rượu tự mời Uống thay cho bạn, đồng thời riêng Ta! 76 năm cõi Ta-Bà Đảo điên thế sự, thực thà mình ên! Tiếp ly tiễn biệt tất niên
31 Tháng Mười Hai 20236:39 CH(Xem: 2123)
Năm mới và những ước mong 2024 xuôi dòng thời gian Êm trôi nước chảy đầy tràn Bến đời thôi bớt lang thang sông dài.
31 Tháng Mười Hai 20236:00 SA(Xem: 1178)
Đọc tới đây ông xã tôi bảo, Tiễn Vong là Vong cả thế giới năm qua, sao em tiễn vong Chiều Nay dài thế. Vậy đó, hễ nói tới xứ đó là em không kiềm được cảm xúc tuôn trào, huyết áp tăng cao
31 Tháng Mười Hai 20232:31 SA(Xem: 2010)
Xin bấm vào link hoặc phần Youtube bên dưới để thưởng thức: QUÊ HƯƠNG ƠI! - Thơ Phạm Gia Hưng -
31 Tháng Mười Hai 20232:05 SA(Xem: 2630)
Ngày đi tương tự ngày về Sóng to gió lớn tứ bề mông mênh Sài-Gòn, thành phố mất tên 49 năm trở lại Tôi quên rất nhiều
31 Tháng Mười Hai 20231:07 SA(Xem: 606)
Xin bấm vào phần Youtube bên dưới để thưởng thức: KHÔNG TÊN CHO TẾT Thơ Miên Vũ Thanh, Nhạc Phạm Chinh Đông, trình bày Văn Vĩnh.
29 Tháng Mười Hai 20232:05 SA(Xem: 2191)
ĐÓN mùa xuân mới niên lai CHÀO tân niên đáo bướm bay lượn vòng NĂM dài tháng rộng duổi dong MỚI thêm chút nắng tưới hồng ngày xuân.
28 Tháng Mười Hai 20232:09 SA(Xem: 1754)
Đêm Thánh Vô Cùng vang khắp chốn Sông Ngân bát ngát rọi bên mành Giáo đường hực hỡ đèn giăng mắc Khắp chốn vui mừng Chúa Giáng Sanh
25 Tháng Mười Hai 20231:59 SA(Xem: 2119)
Tôi hôm nay trong lòng rất vui Giáng Sinh đến rồi rộn rã nơi nơi Ngày mai con về gia đình sum họp Nâng ly chúc mừng hạnh phúc đầy vơi.
24 Tháng Mười Hai 202310:48 CH(Xem: 2050)
Hôm nay giữa ánh đèn Giáng Sinh Chúa rước chồng em về nước mình Tang trắng em quỳ Chúa đã thấy Vòng hoa khen tặng chữ Trung Trinh
24 Tháng Mười Hai 20232:51 SA(Xem: 1008)
Sách cũ đối với tôi là một ám ảnh mời gọi tìm về. Trong đó đặc biệt có chuyện sưu tập tài liệu triết cũ. Cũng từ những sách cũ đó mà trước đây tôi lớn lên, được nuôi dưỡng và phát triển về trí năng mỗi ngày.
24 Tháng Mười Hai 202312:30 SA(Xem: 1947)
trong suốt 21 năm tồn tại của miền Nam còn rất nhiều phim hay khác của Âu, Mỹ, Hồng Kông, Ấn Độ và Việt Nam nữa mà chúng ta may mắn được sống ở vùng đất tự do nên có cơ hội thưởng thức
23 Tháng Mười Hai 20233:00 SA(Xem: 1539)
Theo người hướng dẫn, với cư dân khoảng 15 triệu (chiếm 190/0 dân số Thổ Nhỉ Kỳ), thành phố Istanbul có gần 4 ngàn thánh đường mà đẹp nhất là Đại Thánh Đường Xanh (Blue Mosque).
23 Tháng Mười Hai 20232:39 SA(Xem: 888)
Merry Christmas & Happy New Year to all of you from Kiều Oanh and famiy Gia đình Kiều Oanh Chúc Mừng 2023 Noel & Năm Mới 2024
23 Tháng Mười Hai 20232:24 SA(Xem: 982)
Nghi ngờ là sợi dây trói buộc thứ năm khiến hành giả phân vân, giải đãi, buông lung, không biết đi hướng nào trên con đường tu tập tâm linh.
22 Tháng Mười Hai 20233:58 SA(Xem: 1822)
Noel về có ngày Sinh Nhật Chị Đúng đêm Đông, Mẹ đem chị vào đời Mừng Giáng Sinh mọi năm đều ăn bánh Mà năm nay thì bánh vẫn còn đây!
22 Tháng Mười Hai 20231:04 SA(Xem: 988)
Tôi viết dòng này, cha già Crawford đã chết rồi. Mẹ Têrêsa cũng chết rồi. Ngày mai, giữa biên giới của sự sống và chết ,còn những chuyện không ngờ nào sẽ xảy đến nhỉ ?
19 Tháng Mười Hai 20231:32 SA(Xem: 1473)
Chó chết có nghĩa trang chôn cất Hòm, hoa quả, nhang đèn tươm-tất Tiễn đưa lệ đổ kém chi người! Tôi tham dự mới tin là thật!
18 Tháng Mười Hai 20231:02 SA(Xem: 899)
Gần tới Lễ Giáng Sinh, mời quý vi-hữu đọc chuyện cũ “Thần Bò Boul” cũng đồng thời để tưởng nhớ Cựu Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ, Bà Rosalynn Carter (1927-2023) mới qua đời,
17 Tháng Mười Hai 202311:15 CH(Xem: 1009)
Noel hay Noël có nguồn gốc từ một từ tiếng Pháp cổ, “nael”, có nghĩa là “của hoặc sinh ra vào ngày Giáng Sinh”. Tên này bắt nguồn từ sự ra đời của Chúa Giêsu
17 Tháng Mười Hai 202310:18 CH(Xem: 738)
*Xin bấm vào link hoặc phần Youtube bên dưới để thưởng thức: MỘT MÙA ĐÔNG - Thơ: Lưu Trọng Lư Ngâm thơ: Hoàng Oanh Kiều Oanh thực hiện youtube
16 Tháng Mười Hai 20233:26 SA(Xem: 1625)
Sau nhiều năm đón Christmas lạnh giá ở xứ người, tôi mong có dịp trở lại BH vào dịp lễ Noel một lần, chỉ để :“Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu”,
16 Tháng Mười Hai 20232:34 SA(Xem: 1579)
Vào tháng 9 vừa qua,vợ chồng Tôi du lịch Iceland bằng Cruiseship Hollandamerica Rotterdam Hai tuần liên tục thưởng thức Iceland Lamb-Rack tuyệt vời không đâu ngon bằng.