
Có những chuyện rất thường, có những hình ảnh rất quen thuộc hàng ngày, nhưng đến một lúc nào đó nó trở nên đặt biệt. Nó khiến mình suy tư và lắng lòng cảm xúc.
Như tôi buổi sáng nay đi trên con đường này, con đường quen thuộc trong xóm. Tôi bất chợt dừng bên sidewalk của một căn nhà rất quen. Bao nhiêu ý nghĩ dội về. Căn nhà này cũng là một căn nhà bình thường trong xóm với lối xây dựng, mẫu mã giống giống như nhau. Những bậc thềm, những mái nhà, phía trước, cửa sổ thay đổi chừng 4 kiểu na ná nhau trong khu vực do nhà thầu thiết kế. Mỗi sáng tôi đi bộ loanh quanh trên sidewalk trong xóm, mấy ngàn bước chân đều đặn, ghé lấy thư rồi về lại nhà. Tiêu chuẩn một ngày thể dục của người già. Những căn nhà tôi quen thuộc đến từng bụi hoa, sân cỏ. Nhà này hôm nay bụi hoa đã nở, nhà này cây lựu đã đậu thêm mấy trái, cây chanh nhà này năm nay sai trái quá, nhà này chắc giàu đậu toàn xe BMW và Tesla... Những lời chào của người hàng xóm, những cảnh vật trước mỗi nhà cho tôi một buổi sáng bình an.
Căn nhà đó cách nhà tôi chỉ một block đường. Đứng ở phía trước nhà tôi có thể nhìn qua bên ấy. Căn nhà có cái sân trước cắt cỏ thật đẹp, chăm sóc thật kỹ, hoa trước nhà những chậu nhỏ tươi thắm. Chủ nhà là một người Mỹ lớn tuổi. Sở dĩ tôi chú ý là vì ông thường xuất hiện gần như thường xuyên mỗi sáng ở sân cỏ trước nhà. Ngoài cắt cỏ, cắt xén ngoài rìa cho đẹp, bỏ phân, tưới nước, ông còn dùng máy rải thêm hột cỏ định kỳ. Có khi tôi đứng lại chào ông buổi sáng đi ngang qua. Tôi còn đứng lại xem cách ông làm, khen cỏ ông chăm sóc, những hoa trong chậu ông trồng... Nghe đâu ông là cựu quân nhân đã về hưu rất lâu. Ông đặt mua căn nhà đó khi nó còn trên bảng vẽ, chủ thầu mới phóng nọc nền.
Đầu năm ngoái xe cấp cứu đến nhà ông hai lần. Tôi đứng bên nhà nhìn qua, xe chữa lửa, xe cấp cứu hú còi báo động cả xóm tôi. Chiếc băng ca đẩy ra và chiếc xe rời khỏi xóm. Lần thứ ba khi chiếc xe cấp cứu đến nghe bà hàng xóm nói ông đã ra đi. Đó là ngày Memorial Day, tôi đứng bên nhà nhìn qua và tôi cúi đầu thầm nghĩ: "Ngày Memorial Day người lính đã về với đồng đội" Dường như cái từ lính nó đi theo tôi và chi phối tư tưởng tôi rất nhiều. Có lẽ vì tôi từng là vợ lính, mẹ lính nên cảm xúc thường bén nhạy về lính hay chăng.
Sân cỏ nhà ông được giao cho nhóm cắt cỏ mướn. Cứ cách tuần hai vợ chồng người Mễ khá to con đến nổ máy làm việc rất sớm. Tôi đi bộ ngang qua đôi khi né vòng ra ngoài đường vì họ thổi lá cây bụi bay mù trời. Dù chăm sóc định kỳ nhưng cỏ không còn đẹp và xanh tươi như trước. Căn nhà im ắng, hoa trước nhà ông một số được thay đổi, một số dẹp luôn. Thỉnh thoảng có những người trẻ tuổi đến nhà ở lại. Mùa hè có trẻ con chạy nhảy ngoài sân, xe đậu trước nhà hai ba chiếc. Bình thường căn nhà đó chỉ còn bà vợ ông ở. Tuổi bà chắc cũng khoảng 80. Đó là một bà Mỹ già mập mạp. Tôi bắt gặp đôi lần bà ra săm soi mấy chậu hoa trước nhà nhưng bà ít đi ra ngoài lắm. Năm nay, hai lần xe cấp cứu hú còi dừng lại cũng căn nhà đó. Lần đầu lúc đẩy ra tôi thấy người bà còn tỉnh, đầu được nâng cao, bàn tay còn đưa ra nắm tay người con trai nói gì đó. Lần thứ hai bà nằm im, đầu thấp xuống, không khí trầm hẳn lại, bà hàng xóm cạnh nhà tôi đưa tay làm dấu thánh giá. Lần đó bà đã không trở về nhà.
Hôm nay tôi đi ngang căn nhà đó lòng chợt thấy buồn. Cỏ vẫn được cắt, nhưng hoa bên cạnh nhà đã dẹp hết trống trơn. Nhà cứ đóng cửa im lìm không thấy người đến ở.
Những năm về trước, căn nhà này đều cắm dọc theo vòng đai sân cỏ những lá cờ Mỹ khổ nhỏ. Trước sân treo lá cờ Mỹ to tướng. Bây giờ căn nhà lặng lẽ, trống trơn, trơ trụi như người lính đã ra đi, giã từ tất cả trở về số không.
Ngày Memorial của Mỹ. Trong máy tôi, trên Email bạn bè gửi đến những bài viết, những bài thơ về người lính Mỹ, người lính VNCH còn sống và đã chết. Những người đã hy sinh để bảo vệ chân lý và tự do. Những người đàn ông "Da ngựa bọc thây" của ngày xưa, còn bây giờ là trở về trên quan tài có phủ lá cờ tổ quốc.
Tôi nghĩ đến đời người trong quy luật tử sinh. Người lính trong chiến tranh chết chóc. Những tính toán trên bàn cờ chính trị có thể hủy diệt một chế độ. Những lợi ích cá nhân hay đảng phái có thể quyết định sinh tử biết bao nhiêu người dân vô tội. Cái chết không quy định bạn bao nhiêu tuổi và chết cách nào, giờ nào. Cái chết không hẹn trước nên mỗi ngày, buổi sáng thức dậy thấy mình còn khỏe mạnh bình an là một ngày hạnh phúc. Nói như một bài giảng của thầy Pháp Hòa - Trên đời không có gì chắc chắn hay trường cửu chỉ chết là chắc "Chết chắc" - Chết là hết là không trở về là bỏ tất cả là phủi tay là vĩnh biệt là chấm dứt là un point final .
Tháng năm chúng tôi vĩnh biệt Nguyễn văn Quang một người lính VNCH cũng là bạn già thời Trung Học. Ngày đó, chúng tôi còn nhỏ vô tư chỉ biết học hành. Tôi đã chứng kiến cảnh người dân bị treo cổ thân xác lòng thòng trên một nhánh cây cao su bên cạnh là một bản án. Cảnh một người dân trong làng bị bắn gục, trên cổ treo một tờ giấy gì đó. Ngoài đường là hai cây cao su bị chặt ngáng ngang đường đắp mô. Những hình ảnh kinh hoàng đập vào mắt của những học trò trường quận sống trong vùng xôi đậu mãi mãi là vết hằn không phai trong ký ức chúng tôi.
Khi bước vào cổng trường, qua cửa lớp, ngồi vào bàn lời thầy dạy luôn là khuôn vàng thước ngọc về đạo đức, vị tha. Những bài giảng về lòng yêu nước, về thế hệ thanh niên phải sống khỏe mạnh, biết yêu thương đồng bào, giúp đỡ người già, kẻ yếu, biết kính trên nhường dưới, là anh em như thể tay chân, là đồng bào phải biết yêu thương giúp đỡ ... Bài dạy tuyệt đối không hề có thù hằn, chém giết, hận thù. Không hề nói gì về chủ nghĩa Quốc gia hay Cộng Sản. Những bài dạy về kiến thức và văn chương để chúng tôi học thi lấy bằng cấp bước vào đời. Những bài dạy về cái hay, cái đẹp trong cách cư xử để làm một người văn minh có nhân cách sống xứng đáng trong xã hội. Do đó mãi đến bây giờ hình ảnh người thầy trong trái tim những người học trò già chúng tôi mãi mãi tốt đẹp, sáng trưng, mô phạm. Ngôi trường và những vị thầy dù có được học trực tiếp hay không chúng tôi vẫn luôn kính trọng.
Bây giờ đã bước vào tuổi bát tuần, chúng tôi đã có cháu nội, cháu ngoại, có người đã có cháu cố nhưng ngôi trường với thầy cô, bạn hữu luôn là một điểm tựa, là nơi để quay về mỗi năm đoàn tụ.
Tháng năm chúng tôi nhận được tin buồn Phu Quân cô Hoàng thị Minh Nguyệt là ông Trần Công Tằng qua đời tại San Diego thọ 94 tuổi . Tôi không được học với cô Minh Nguyệt, nhưng cô là một người tôi vô cùng kính mến và khâm phục. Dù số tuổi mỗi năm mỗi cao nhưng cô xuất hiện trong những lần họp mặt vẫn luôn luôn tươi trẻ, xinh đẹp và đầy sức sống. Cô truyền cho chúng tôi một năng lượng sống dồi dào. Cô hát, múa và sẵn sàng tham gia trong chương trình văn ng
hệ bằng tất cả niềm vui với học trò. Cô cũng là một người vợ tận tụy bên chồng chăm sóc cho thầy đau yếu, bệnh
tật rất nhiều năm. Đám tang thầy, tôi không thể đến tham dự để chia buồn cùng cô. Em thật lòng xin lỗi, mong cô thông cảm cho em.
Ngoài ra, còn có Phu Quân cô Phan Thị Tốt là ông Huỳnh văn Sái qua đời tại Washington State thọ 92 tuổi. Các học sinh Ngô Quyền không thể đến để đốt hương cho thầy và chia buồn cùng cô vì quá xa không thu xếp được. Mong cô thông cảm cho chúng em.
Tháng năm chúng tôi tiễn biệt thầy Mai Kiến Phúc, thầy dạy Lý Hóa thật giỏi của trường trung học Ngô Quyền đi vào thiên thu.
Thầy Mai Kiến Phúc là người thầy được cựu học sinh Ngô Quyền vô cùng kính yêu. Thầy luôn có mặt trong mỗi năm họp mặt Ngô Quyền. Thầy ít nói nhưng nụ cười thầy rất ấm áp, luôn vui vẻ mỗi khi học trò đến hỏi thăm sức khỏe và xin chụp hình chung. Thầy ra đi thật nhanh khiến ai nghe tin cũng bất ngờ. Học sinh Ngô Quyền đến tiễn đưa thầy trong ngày tang lễ khá đông. Những người học trò tuổi không còn trẻ đến tiễn người thầy cũ của mình với tất cả sự trang trọng, tôn kính. Anh Dương văn Y đã phát biểu trong ngày lễ tang của thầy thật cảm động. Anh kể về những ngày thầy về dạy tại trường, những việc thầy làm cho học trò, những lời khuyên vàng ngọc anh nhớ mãi không quên.
Trên trang Web trường những tâm tình, những kỷ niệm về thầy được các cựu học sinh Ngô Quyền viết ra trên trang Một Góc Thầy Trò đủ để chứng minh người thầy quan trọng thế nào với thế hệ mai sau.
Chúng tôi sinh ra và trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt. Chúng tôi cũng là nhân chứng sống cho một giai đoạn lịch sử sang trang. Chúng tôi thấy rõ và phân biệt cái hay và dở về sự giáo dục, chính trị, đời sống xã hội của hai chính thể VNCH và XHCN. Những gì chúng tôi học được dưới mái trường thời VNCH vô cùng quý báo. Không như các cháu tôi bây giờ, phương tiện học thật đầy đủ và dư thừa nhưng những kỷ niệm tốt đẹp trong trường lớp, thầy cô thì thua xa lắc xa lơ.
Tháng năm, chúng tôi được phu quân cô Huỳnh Thanh Mai mời tham dự ngày giỗ đầu của cô tại tư gia. Tư gia cô Mai là một ngôi nhà ấm cúng trên đường SummerWood ở Garden Grove. Tôi nhớ ngôi nhà này vì ngoài sân trước, phía hông nhà là một khoảng sân cỏ khá rộng. Một lần cùng nhóm Ngô Quyền đến chúc tết thầy cô. Cô Mai và chồng dẫn chúng tôi đến khu vực đó và nói rất chân tình:
- Nếu các em muốn tổ chức tiền hội ngộ NQ ở đây cô sẵn sàng. Trong nhà, ngoài sân và cả khu vực này cứ sử dụng.
Thật lòng cám ơn sự nhiệt tình của thầy cô Thanh Mai nhưng địa điểm quá sát đường, không thể tập trung mọi người sinh hoạt văn nghệ và ăn uống nên đành phụ lòng thầy cô.
Nói ra điều đó để thấy thầy cô Thanh Mai rất nhiệt tình với những sinh hoạt Ngô Quyền. Năm nào họp mặt thầy cô đều có mặt. Cô thầy đến sớm, trang trọng trong cách ăn mặc và luôn vui vẻ với mọi người. Ngọc Huệ thủ quỹ của NQ từng tâm sự: "cô Thanh Mai là một trong số những mạnh thường quân ủng hộ nhiệt tình nhất". Khi cô lâm bệnh nặng nghĩ không thể qua khỏi. Cô đã làm một số bao lì xì và dặn chồng gửi đến lì xì Tết cho chúng tôi. Nhận được phong bao đỏ với chữ viết ghi tên từng người chúng tôi vô cùng cảm động. Chỉ mấy tờ 2 đồng mới nhưng tấm lòng và sự thương yêu của cô chúng tôi rưng rưng nước mắt kính thương và trân trọng.
Chúng tôi đến đốt hương trên bàn thờ cô Thanh Mai, chia buồn với thầy cùng các con của cô. Giỗ cô nên bà con và học sinh NQ đến khá đông. Thầy chỉ ra phía sau giới thiệu mấy cây quýt sai oằn những trái và ngọt vô cùng. Con cô đem bịch nilon ra bảo chúng tôi cứ hái về ăn. Thầy giới thiệu một công trình thầy mới làm xong. Đó là một cái Storage Shed khá rộng, thầy biến thành một căn phòng khá đẹp với giường, bàn viết, võng có TV và một số tiện nghi khác. Hỏi thầy để làm gì? Thầy nói để thỉnh thoảng ra đây nghỉ ngơi.
Mặc dù cô Thanh Mai đã mất nhưng phu quân cô vẫn có mặt trong những sinh hoạt của Ngô Quyền. Đó có thể chứng tỏ được tình yêu thầy dành cho cô rất nhiều.
Chúng tôi ra trước nhà thầy cô để chụp một tấm ảnh lưu niệm. Thầy mời dùng cơm ở nhà hàng Seafood Cove gần nhà, đi bộ vài bước là tới. Sau bữa ăn, chúng tôi đi ra nghĩa trang viếng mộ cô Thanh Mai rồi mới tan hàng.
Tháng Năm năm nay mặc dù là có ngày Lễ Mẹ nhưng trong tôi là một tháng năm buồn. Một vài người bạn văn chương nằm xuống. Thế hệ đầu tiên đến Mỹ lần lượt gục ngã vì tuổi già sức yếu. Những căn nhà khang trang được gầy dựng bằng những ngày mới đến Mỹ cày 2, 3 job quên ăn bỏ ngủ để tạo một mái ấm cho con. Bây giờ may mắn lắm hai vợ chồng còn đủ nhưng đa phần một người đã bỏ cuộc ra đi, người còn lại lặng lẽ cuối đời. Con cái như chim trời bay đi gây dựng một nơi ấm áp cho riêng mình. Căn nhà mấy chục năm qua vẫn y như vậy. Nhưng giờ thấy rộng ra trống trải, quạnh hiu. Tuổi già 80, 90 hiu hắt nhìn quanh. Rồi sao nữa, nhóm bạn già email qua lại với nhau để chọn một giải pháp tốt nhất cho những ngày còn lại của mình. Tìm một nơi dưỡng lão cuối đời, lấy căn nhà thế chấp trả tiền viện phí cho tới ngày nhắm mắt. Hay là dùng số tiền đó mướn người về chăm sóc. Buồn thay đó là những người thành công trong đời sống mới ở xứ người. Phần lớn con cái họ đều rất thành đạt nhưng không người nào nói sẽ sống chung với con đến ngày cuối đời. Email qua lại khiến tôi chùng xuống trong tháng năm Lễ Mẹ và sẽ tới tháng 6 lễ phụ thân.
Dọn đường cho những ngày cuối đời là việc làm thực tế mà bất cứ người già nào cũng phải nghĩ đến. Con cái đều có một gia đình riêng, chúng không thể ở bên phụng dưỡng cha mẹ như "Nhị Thập Tứ Hiếu" mà chúng ta học hồi còn bé xíu. Ngày xưa cha mẹ mong mỏi sinh con trai để nối dõi tông đường, phụng dưỡng cha mẹ. "Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Bây giờ thực tế cho thấy đa phần con gái lại ở gần cha mẹ già. Cho nên những quan niệm cổ hũ những tư tưởng phong kiến không còn đất sống và không thể nảy mầm.
Cuối tháng năm các cháu nội tôi đã nghỉ hè. Các cháu facetime mời bà tháng 6 qua thăm. Bà nội cũng muốn lắm nhưng lỡ lấy tour đi chơi mấy ngày và còn vài cái hẹn của Bác Sĩ nên bà nội hẹn qua tháng 7. Nhưng khoan đã, tháng 7 bà nội còn làm học trò già đi họp mặt Ngô Quyền. Bà nội hẹn con trai và cháu nội gặp nhau sau ngày 6 tháng 7. Con trai mua vé, mẹ già sẽ qua thăm.
Nhưng các bạn ơi! Muốn tới nhà con trai đâu phải dễ, bà nội già phải đi máy bay mới tới. Mà đi máy bay cũng đâu phải dễ. Phải tới trước 3 tiếng đồng hồ làm thủ tục và chờ đợi. Chưa hết, đôi khi xuống máy bay phải chạy cho kịp chuyến bay kế tiếp sợ trễ giờ bay. Bây giờ hai chân còn khỏe chút xíu để tiếp tục những chuyến bay thăm con. Vài năm nữa không biết sức khỏe thế nào.
Thôi thì trăm sông đổ về biển, nước mắt chảy xuống, cái gì đến sẽ đến. Cứ vui những ngày ta làm - tỷ phú thời gian - tận hưởng những hạnh phúc ấm áp quanh ta ở tuổi này. Phải không các bạn.
Nguyễn thị Thêm.
5/2025