Danh mục
Số lượt truy cập
1,000,000

GS. Phan Thanh Hoài - Trường Ngô Quyền: Giai Đoạn Thành Lập Và Phát Triển.

26 Tháng Năm 200812:00 SA(Xem: 16013)
GS. Phan Thanh Hoài - Trường Ngô Quyền: Giai Đoạn Thành Lập Và Phát Triển.


thay_hoai_2011-1-content(Giai đoạn I, từ 1957-1964)

Ngày 12 tháng 05 năm 2003,

Kính thưa quý thầy cô, quý thân hữu,

Cùng các em cựu học sinh Trung học Ngô Quyền thân mến,

Bài này được viết không ngoài mục đích là ghi lại những ký ức và những sự kiện đã xảy ra trong khoảng thời gian người viết lần đầu tiên được Nha Trung học Sàigòn bổ dụng về dạy tại các lớp đệ Thất, vừa mới khai giảng vào đầu niên học 1957-1958 tại tỉnh lỵ Biên hoà, vì thế được hân hạnh là một chứng nhân trong thời gian thành lập và phát triển (giai đoạn đầu) cuả ngôi trường Trung học Ngô quyền, trường Trung học công lập đầu tiên cuả miền Đông Nam Việt. Trong cảm nghĩ cuả người phương Tây, đại danh từ " Tôi " là một từ đáng ghét ( le moi est le mot le plus haissable), cho nên người viết bài này xin được dùng từ "chúng tôi" thay cho từ "tôi", và cũng xin cố gắng trình bày mọi việc với cái nhìn khách quan cần thiết cho những bài viết thuộc loại này.

Rất mong rằng những tư liệu được ghi lại đây sẽ không bị mai một và sẽ được các nhà viết sử của tỉnh Biên Hoà, theo chân ông Lương văn Lựu (tác giả Biên Hoà Sử Lược) và một cựu học sinh Ngô Quyền, em Trần văn Toại (đồng tác giả quyển sách " 300 năm hình thành và phát triển tỉnh Đồng nai " sử dụng như là nguồn Sử liệu cấp một (primary source) trong những công trình nghiên cứu về lịch sử tỉnh Biên hòa thân yêu của chúng ta.

Với hơn 40 năm trôi qua, dù với nhiều cố gắng cá nhân trong khi ghi chép những sự kiện xảy ra, chắc chắn là có những sai sót, những quên lãng không thể tránh khỏi, nhất là về niên lịch và danh tánh của những cá nhân được nhắc đến hoặc không được nhắc đến vì trí nhớ của người viết bài trở nên hạn hẹp sau hơn 3 thập niên trôi qua từ ngày rời khỏi trường Ngô Quyên thân yêu, chúng tôi rất mong được sự chỉ bảo của các đồng nghiệp, quý vị thân hữu và các em cựu học sinh Ngô Quyền để bài viết này được hoàn hảo hơn, xin chân thành cảm tạ. ( Thầy Phan Thanh Hoài )

Khi còn cắp sách đến ngôi trường Tiểu học cấp quận (Làng Hạnh Thông Xã, quận Gò Vấp), mỗi buổi sáng trước khi vào lớp học, chúng tôi toàn thể học sinh phải tập họp tại sân trường theo sự hướng dẫn của các Thầy Cô để dự lễ chào cờ, lá cờ tam tài, với ba màu: xanh, trắng đỏ, là cờ của nước Đại Pháp, nhà nước bảo hộ, mà Nam kỳ là một thuộc địa sau khi quân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Đông rồi thôn tính luôn ba tỉnh miền Tây Nam kỳ dưới triều vua Tự Đức.

Vào lớp học, câu văn đầu tiên (motto) đập vào mắt các học sinh là hai hàng chữ mà tôi còn nhớ mãi như từ một bài học của ngày gần đây: Đại Pháp phất phới nơi nào thì cuộc khai hóa vẫn tiến hành và học đường vẫn mở rộng luôn.

Câu văn trên thật là mỉa mai khi mà trong hơn 20 tỉnh thành của vùng đất Nam kỳ dưới thời thuộc địa, số trường Trung học mở ra không hơn năm đầu ngón tay. Ở Sàigòn thì có trường Trung học Lycée Chasseloup Laubat, dành riêng cho con em quan lại người Pháp, cùng những con em các gia đình An Nam được mẫu quốc đặc ân cho nhập quốc tịch Pháp (dưới thời thuộc địa, người Việt nam được bọn thực dân gọi với giọng chê bai là người An Nam do chữ "Annamite", một từ trong ngôn ngữ Pháp, không mấy gì tao nhã lắm; và hai trường dành cho con em người dân thuộc địa, trường Nữ Trung học : Collège Gia Long và trường Nam Trung học Lycée Pétrus Ký. Trường thứ tư là trường Trung học Collège de Mỹ Tho để thu nhận học sinh thuộc các tỉnh Tiền giang và trường thứ năm là trường Trung học Collège de Cần Thơ để thu nhận học sinh thuộc các tỉnh Hậu giang (chúng tôi sẽ nói rõ hơn sự khác biệt giữa hai từ Collège và Lycée trong một phần sau)

Vì chỉ có hai trường, một nam, một nữ ở thành phố Sàigòn, thủ phủ của Nam kỳ thuộc địa, trong khi số học sinh dự thi để được chọn vào thì quá đông (mặc dù đã bị loại bớt một đợt khá gian nan với kỳ thi tốt nghiệp để lấy bằng Tiểu học, sau khi đã qua sáu năm học ở bậc Tiểu học, cours: Enfantin, Préparatoire, Elémentaire, Moyen de 1ère Année, Moyen 2ème Année và Supérieur) xin tạm dịch là: (lớp Đồng ấu, lớp Dự bị, lớp Sơ đẳng, lớp Nhì nhất niên, lớp Nhì nhị niên và lớp Nhất.) Với số sĩ tử quá nhiều thuộc các quận, tỉnh, thành phố của miền Đông Nam kỳ gồm có Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Cap St. Jacques (Vũng Tàu), cộng thêm các tỉnh Chợ lớn (đừng nhầm với thành phố có cùng tên, thành phố Chợ Lớn). Tân an và Gò công, nếu như học sinh của hai tỉnh sau cùng này không định chọn trường Collège de Mỹ tho để theo học bậc Trung học, chưa kể số thí sinh đã trong những năm trước và gia đình không đủ khả năng tài chính để vào học tại các trường tư thục mở ra tại thủ phủ Sàigòn hay tại các tỉnh lỵ địa phương.

Vì thế tỷ lệ thi đỗ vào hai trường Collège Gia Long và Lycée Pétrus Ký tính ra chỉ từ 2% đến 5% và không đến 1/10 những thí sinh trúng tuyển được cấp học bổng nếu có đơn xin sau ngày trúng tuyển. Vì vậy nên người xưa có dùng từ Đại Đăng Khoa để ám chỉ những ông Trạng, ông Cống, ông Nghè cũng như những sĩ tử được chọn vào các trường lớn trong nước.

Người Pháp dùng 2 từ Collège và Lycée để xếp loại các trường Trung học vì mục tiêu đào tạo của 2 loại trường này khác nhau. Trường Collège, tương tự như trường Trung Học Đệ Nhất Cấp sau này (Ecole Seconđaire - Premier Cycle/ Junior High School) dạy 4 năm học để thi lấy bằng Cao tiểu, sau đó được gọi là bằng Trung học đệ nhất cấp (Brevet - Elémentaire/ Brevet d'Etudes du Premier Cucle). Còn trường Lycée, tương tự như trường Trung học Đệ Nhị cấp sau này (Ecole Secondaire - Deuxième Cycle/ Senior High School) có chương trình đào tạo cao hơn, trải ra trong 7 niên học để sửa soạn học sinh thi lấy bằng Cao Trung, sau đó được gọi là bằng Tú Tài Pháp hoặc bằng Tú Tài bản xứ tùy theo trường mình theo học (Brevet Supérieur - Baccalauréat/ High School Diploma)

Và tại sao vào thời bấy giờ, trường nữ Trung học Gia long chỉ được mở theo loại Collège và trường nam Trung học Pétrus Ký lại được mở theo loại Lycée; việc này chắc rằng phần lớn các gia đình Việt Nam cũng hiểu rõ lý do: phong tục và tập quán người xưa là: "nam trọng, nữ khinh", và phụ nữ chỉ giữ vai trò thứ yếu trong gia đình, cho nên không cần phải học hành đến nơi đến chốn, thậm chí có nhiều gia đình chỉ cho con gái trong nhà học hết lớp 3 bậc tiểu học rồi cho nghỉ học để về nhà trau dồi thêm về 4 điểm "công, dung, ngôn, hạnh" trước ngày gả con đi lấy chồng; và đối với những gia đình không chấp nhận quan niệm lỗi thời đó, thì họ có thể gửi con em họ vào học tiếp ở các trường đệ Nhị cấp tức là các Lycée, và các trường này có mở thêm một vài lớp hỗn hợp để thu nhận nam sinh lẫn nữ sinh trong cùng một lớp.

Trong suốt 13 năm học ở bậc tiểu và trung học với hệ thống giáo dục 6 năm + 4 năm + 3 năm mà thực dân Pháp áp đặt cho con em người bản xứ, thay thế cho hệ thống giáo dục 12 năm thường được áp dụng tại các nước Âu Mỹ và ở mẫu quốc ( 5 năm + 4 năm + 3 năm) hoặc (4 + 4 + 4) chúng còn áp đặt nhiều kỳ thi tốt nghiệp để cấp văn bằng với chủ yếu là đánh rớt càng nhiều càng tốt để cản trở bước tiến của con em người bản xứ trên con đường học vấn ở những trường cấp cao hơn, như các trường đại học, trường chuyên nghiệp, trường kỹ thuật, rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế ở các nước chậm tiến dưới sự cai trị khắt khe của thực dân Pháp. Các kỳ thi tốt nghiệp đó được mở ra hàng năm để cấp các văn bằng sau: Sơ học yếu lược vào cuối năm thứ 3, Tiểu học vào cuối năm thứ 6, Thành chung hay Trung học đệ Nhất cấp vào cuối năm thứ 10, Tú tài I vào cuối năm thứ 12 và Văn bằng Tú tài II vào cuối năm thứ 13, năm cuối cùng của bậc Trung học.

Đi xa hơn nũa, bọn thực dân còn áp đặt cách chấm điểm bài thi viết môn luận Pháp văn (dissertation francaise) trong kỳ thi Tú tài I, và thí sinh nào không được 7 điểm trên thang điểm 20 thì sẽ bị loại ngay, vì các giám khảo không phải chấm những bài khác như Toán, Lý hóa.... dù rằng những bài này nếu được chấm có thể được điểm cao như 15/20, hoặc cao hơn nữa. Đó là điểm loại (barrage) áp dụng cho bài thi luận Pháp văn mà thôi, một trở ngại rất lớn cho con em người bản xứ vì trong gia đình cũng như ngoài xã hội, ngôn ngữ chính là Việt ngữ, nên các thí sinh phải trau dồi tiếng Pháp thật nhiều thì mới có cơ may được chấm đậu để lên lớp và chuẩn bị cho kỳ thi Tú tài II vào năm sau.

Có nhiều thí sinh phải thi đến 3 năm liền, tức phải trải qua 5 hoặc 6 khóa thi (vì mỗi năm có tôû chức 2 kỳ thi, một kỳ vào tháng 6 và kỳ thứ 2 vào tháng 9 dương lịch.) mới được chấm đậu để lên lớp cuối cùng và sửa soạn cho kỳ thi Tú tài II cũng không dễ dàng gì hơn vì sau khi lọt qua kỳ thi viết, thí sinh phải qua kỳ thi vấn đáp, và phải "trầy vi tróc vẩy" mới được cấp văn bằng Tú tài toàn phần, để được nhận vào trường Đại học Hà nội được mở ra ở Hànội (thủ phủ của toàn cõi Đông dương thuộc Pháp,. gồm có Bắc Kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cao miên và Lào), nhưng mẫu trường Đại học này (tương đương với loại trường Junior College ở Hoa kỳ chỉ cốt đào tạo một lớp chuyên viên thừa hành người bản xứ; ví dụ như trường y khoa Hànội chỉ đào tạo trong 4 năm những y sĩ người bản xứ mà thôi (médecin indochinois hay médecin indigène)

Muốn được cấp bằng Tiến sĩ hay Thạc sĩ Y khoa, người bản xứ Việt Miên, Lào phải qua tận bên Pháp để theo học các trường Đại học chính quy và phải theo học từ 6 đến 8 năm mới được cấp bằng Bác sĩ Y khoa (tương đương với loại trường University, với phân khoa Y học ở Hoa kỳ), điều này vượt quá khả năng tài chính của phần đông các gia đình người bản xứ, mặc dù con em của họ có đủ thông minh và ý chí để học thành tài tại xứ lạ quê người. Chỉ một thiểu số nhỏ nhoi người bản xứ trong thành phần thương gia giầu có hay thành phần địa chủ với ruộng vườn "cò bay thẳng cánh" hay những lớp người được thực dân Pháp ân huệ cho nhập tịch Pháp với những ưu đãi về chức quyền và thu nhập kinh tài, thì mới đủ khả năng gửi con em sang du học tại mẫu quốc.

Chỉ đến năm 1956, khi người lính cuối cùng trong đoàn viễn chinh Pháp xuống tàu về nước và miền Nam Việt nam được hoàn toàn độc lập, đúng danh nghĩa của nó nền giáo dục quốc gia mới được phát triển dần và các trường trung học công lập được thành hình trước tiên tại các tỉnh trọng điểm rồi đến các tỉnh nhỏ hơn. Riêng ở miền đông Nam Việt, tỉnh Biên hòa được chọn mở trường Trung học đầu tiên vào niên học 1957/1958 và con em các gia đình hiếu học không phải lặn lội về tận Sàigòn để được học hành theo ý muốn của mình. Đây là một thắng lợi quan trọng của tất cả phụ huynh học sinh tỉnh Biên hòa trong việc yêu cầu xin mở một trường Trung học ở tỉnh nhà để khỏi phải gửi con em đi học tận Sài gòn, xa gia đình và sự trông nom con em ngoài những giờ học ở các trường thuộc Thủ đô miền Nam.

Được động viên vào tháng 3/1953 để thi hành nghĩa vụ quân sự, trên nguyên tắc thì chúng tôi phải được giải ngũ sau thời gian 2 năm quân dịch, nhưng vì thời cuộc bất ổn với những cuộc nổi dậy chống chính phủ đương thời về mặt quân sự của các nhóm Bình xuyên, các giáo phái Cao đài và Hòa hảo, cho nên chúng tôi được mặc nhiên lưu ngũ thêm 1 năm, sau đó lại được nhà nước chiếu cố lần thứ nhì nên được tái lưu ngũ thêm 9 tháng, thành ra thời gian tại ngũ kéo dài ra 3 năm 9 tháng thay vì 2 năm như luật định. Trong thời gian tại ngũ, chúng tôi phải chuẩn bị học tập qua sách vở, tìm mua trong những lần đi phép về thăm gia đình ở Sàigòn (vào thời gian này nơi đóng quân của tôi là ở Long xuyên rồi đến Bạc Liêu và vùng Chắc Bằng / U Minh Thượng) để sửa soạn cho kỳ thi bằng Tú tài Pháp, phần II. Khó nhất là môn Triết học, vì chúng tôi chọn phần Baccalauréat-Philosophie; rất may là được chấm đậu các bài thi viết và khi qua khâu vấn đáp, mấy mụ đầm giám khảo thấy thí sinh là quân nhân nên cũng không làm khó dễ gì và cho qua luôn; đó là vào cuối tháng 6/1956.

Với hy vọng được giải ngũ sớm hơn 3 năm tại ngũ, chúng tôi nộp đơn xin thi vào trường Cao đẳng Sư phạm Sàigòn (sau này đổi thành Đại học Sư phạm Sàigòn). Được chấm đậu khá cao trong danh sách trúng tuyển, nhưng đến ngày tựu trường 15/09/56, vì chưa nhận được quyết định cho giải ngũ, chúng tôi đành bỏ mất cơ hội để ra làm nhà giáo chuyên ngành ở bậc Trung học.

Thôi thì đành phải ghi danh học bên trường Đại học Văn khoa, mới vừa được chuyển lại cho chính phủ Việt nam với thành phần giáo sư chủ chốt là các giảng sư người Pháp và lớp Dự bị Đại học (Propédeutique des Lettres Francaise) vẫn còn dạy bằng tiếng Pháp. Chúng tôi còn nhớ là trong danh sách trúng tuyển lớp dự bị này của năm trước đó có tên chị Nguyễn thị Tuyết, đang dạy tại Trung học Gia long và sau đó chị Nguyệt được bổ về làm Hiệu trưởng trường Kiểu mẫu Thủ đức, nơi mà chúng tôi, sau khi rời trường Ngô Quyền để sang du học tại Hoa kỳ, cũng được bổ về dạy các môn chuyên nghiệp về ngành Doanh thương. Việc đến lớp để thường xuyên dự thính các buổi diễn giảng tại các trường Văn khoa, Luật khoa, Khoa học vào thời gian này không có tính cách bó buộc, học viên có thể nhờ các bạn cho mượn bài chép hoặc mua những bài giảng được các trưởng tràng in ronéo và bán lại cho những ai cần đến.

Mãi đến tháng 11/1956, lệnh giải ngũ mới được chuyển về trường huấn luyện Cây mai, Chợ lớn (trường Quân báo và Chiến tranh Tâm lý) đơn vị cuối cùng trong thời gian tại ngũ của chúng tôi. Từ đó đến tháng 6/1957, chúng tôi theo học năm Dự bị ờ Đại học Văn khoa như được nói ở đoạn trên và dự thi cuối năm học với kết quả tốt.

Ngay sau đó, với bản thông cáo của Nha Trung và Tiểu học cần tuyển dụng giáo chức cho niên khóa 1957/1958, chúng tôi nộp đơn ngay và đến đầu tháng 9/1957, tôi nhận được Sự vụ lệnh về dạy tại trường Võ trường Toản, ở phía cánh phải của Nha Trung và Tiểu học, phía bên cánh trái của Nha là trường nữ Trung học Trưng vương; điều may mắn là chúng tôi được bổ dạy ở ngay tại Thủ đô Sàigòn, theo chúng tôi nghĩ, có lẽ là một ưu tiên dành cho cựu quân nhân đã thi hành xong nghĩa vụ quân sự.

Nhưng, khi đó chúng tôi có một anh bạn cùng học chung trường và chung lớp ở Đại học Văn khoa, anh Trương Phan Nam MInh, anh ấy cũng nộp đơn và được bổ về dạy trường Ngô Quyền, nên anh rủ tôi về cùng dạy ở Biên hòa với anh cho có bạn. Vì thấy rằng Biên hòa, một tỉnh miền đông, không xa Sàigòn bao nhiêu và cũng ở cạnh tỉnh Bà Rịa, quê hương của chúng tôi, nên chúng tôi nhận lời yêu cầu của anh bạn và xin Nha Trung học cấp một Sự vụ Lệnh khác để được bổ về dạy tại Biên hòa, việc này không có gì khó khăn, nên được nhân viên phụ trách vui vẻ hẹn đến ngày hôm sau là có ngay sự vụ lệnh mới, vì như thế, họ có được một chỗ tốt ở ngay Thủ đô để dành lại cho người nhà hay người quen biết của họ chen vào.

Quyền Hiệu trưởng của những Trường Trung học mới mở theo thông lệ được trao cho vị Trưởng ty Tiểu học địa phương kiêm nhiệm, vì trong cương vị này, và với sự giúp đỡ của chính quyền tỉnh, ông được quyền trưng dụng các cơ sở vật chất và nhân sự thuộc quyền để việc thành lập và phát triển ngành giáo dục ở bậc Trung học được tiến triển tốt đẹp.. Ông Trưởng ty kiêm Thanh tra Tiểu học đương thời là ông Phạm văn Nga, người con rể của ông là ông Mai văn Bộ, giữ chức vụ Đại sứ của chính quyền miền Bắc tại Thủ đô Ba lê trong những năm chiến tranh giữa chính phủ 2 miền. Cháu ngoại của ông Nga, cháu Mai Quỳnh Lâm, trong những năm sau đó, thi đậu kỳ thi đệ Thất và được vào học trường Ngô Quyền như các bạn học khác của cháu.

Trong niên học đầu tiên, năm 57/58, trường Ngô Quyền thu nhận khoảng 200 học sinh cho 4 lớp đệ Thất, 2 lớp nam và 2 lớp nữ, và cũng chia ra 2 lớp chọn Pháp văn và 2 lớp chọn Anh văn. Kỳ thi tuyển vào các lớp đệ Thất cho niên học này đã được Ty Tiểu học Biên hòa tổ chức hơn 1 tháng trước ngày khai giảng. Hai phòng học được trường Tiểu học Nguyễn Du tạm nhượng để dùng làm phòng học cho 2 lớp buổi sáng và 2 lớp buổi chiều (từ cổng trường Nguyễn Du, tọa lạc trên đường Hàm nghi gần công trường Sông Phố nhìn vào thì 2 phòng học này nằm ở cánh trái và phía trong cùng của dãy phòng học của ngôi trường tiểu học này.)

Các lớp buổi sáng từ 7:30 đến 12:30, các lớp buổi chiều học từ 1:00 đến 6:00. Tội nghiệp cho các em, nhất là các em nữ sinh cư trú ở các làng ấp xa thị xã Biên hòa như Tấn Thành, Bửu Long, Hố Nai, Tân Vạn, Dĩ An, sau giờ tan học, phải đạp xe đạp đến lúc đỏ đèn mới về tới nhà, trước sự chờ đợi và lo âu của gia đình; những hôm nào xe bị nổ lốp ở giữa đường thì lại còn nguy hại hơn cho các em. Tính hiếu học đã giúp cho các em có nhiều can đảm để đấu tranh chống mọi trở ngại trên đường học vấn của mình; đó là lý do mà sau này trong chức vụ Giám học ở trường Ngô Quyền, chúng tôi đã cố gắng hết sức mình để các em học sinh ở xa tỉnh lỵ có được một thời dụng biểu tốt đẹp, phù hợp với việc di chuyển từ nhà tới trường và ngược lại.

Ngoài 2 giáo chức được nha Trung học bổ về dạy, anh Trương Phan Nam Minh và chúng tôi, ông Trưởng ty Phạm văn Nga còn biệt phái 3 vị giáo học kỳ cựu của trường Nguyễn Du sang cộng tác với chúng tôi để phụ trách các môn chính; các ông Phạm văn Tiếng, Bùi quang Huệ, Đinh văn Sái; một giáo viên công nhật là thầy Hồ văn Vinh và 2 giáo viên chuyên nghiệp: thầy Trần văn Lộc, phụ trách giờ Âm nhạc, và thầy Phạm văn Mẫn, giáo sư Hội họa của trường Mỹ nghệ Biên hòa phụ trách các giờ Hội họa. Ông Trưởng ty Tiểu học còn cử ông Lê văn Tam, Hiệu trưởng trường Nguyễn Du phụ trách những việc hành chính và học vụ cho trường Ngô Quyền trong bước đầu thành lập; theo chỉ tiêu thì trường chưa đủ tiêu chuẩn để được cấp số nhân sự như thư ký văn phòng lẫn giám thị. Chỉ khi nào các lớp đệ Tứ được mở ra thì mới có cấp số về Hiệu trưởng, Giám thị, Thư ký văn phòng.

Anh Trương Phan Nam Minh xin được dạy 2 lớp Pháp văn và 2 lớp Toán, chúng tôi phải nhận 2 lớp Anh văn còn lại vì không có ai đảm trách, cộng với 4 lớp Lý Hoá cho đủ 18 giờ hàng tuần mà một giáo sư đệ Nhất cấp phải đảm trách (vào thời điểm này, các giáo chức như chúng tôi chỉ được tạm tuyển dụng vào ngạch giáo sư đệ Nhất cấp công nhật, và chỉ sau 2 năm tập sự thì mới được chuyển vào ngạch giáo sư đệ Nhất cấp hạng 5 hay tập sự). Quý ông Phạm văn Tiếng, Bùi Quang Huệ, Đinh văn Sái thì đảm trách các môn Việt văn, Toán, Vạn vật, và Công dân giáo dục; thầy HoÀ văn Vinh dạy Sử Địa và Hiệu đoàn. Các giờ Âm nhạc, Hội họa giao cho thầy Trần văn Lộc và Thầy Phạm văn Mẫn đảm trách như đã nói trên. Trong năm đầu tiên, không có giờ Thể dục thể thao cho các lớp đệ Thất vì không có huấn luyện viên và tiện nghi về sân bãi.

Vì anh Minh và chúng tôi phải đi từ Sàigòn lên Biên hòa trong những ngày có giờ dạy, nên cũng được phần nào ưu tiên xếp giờ khá gọn vào 3 ngày trong tuần, trung bình là 6 giờ cho một ngày lên lớp. Chúng tôi đi và về bằng loại xe nhỏ chở khách, những chiếc xe Citroen, màu đen một hình thức chuyển vận rất quen thuộc với người dân địa phương trên trục lộ Sàigòn-Biên Hòa với giá cước cho mỗi lần đi là 15 đồng, loại xe này chạy nhanh hơn nhưng chỗ ngồi rất chật chội vì bác tài cố chèn ép để có thêm khách và lẽ dĩ nhiên là để có thêm tiền cho mỗi chuyến xe. Nhưng khi thời gian di chuyển không bị gò bó thì nên sử dụng xe đò của hãng xe Liên Hiệp, xe đò lớn nên khá an toàn với băng ghế tương đối rộng rãi và thoải mái mà giá cước cho mỗi lần đi xe lại rẻ hơn, chỉ 10 đồng cho mỗi chuyến, riêng đối với công nhân viên chức nhà nước, có thẻ nhân viên thì được bán từng tập 10 vé với giá hạ là 80 đồng. Chúng tôi lên xe ngay gần cổng trường Nguyẽn Du, trên đường Hàm nghi; nếu dùng xe đò Liên Hiệp thì chúng tôi phải để ra độ 1 giờ rưỡi để đi từ nhà đến trường hay ngược lại.

Sang niên học thứ nhì, 1958/1959, vì phải thu nhận thêm 4 lớp sau kỳ thi tuyển vào lớp đệ Thất mỗi năm, trường Ngô Quyền được chuyển qua cơ sở mới, rộng rãi hơn, đó là ngôi trường Nữ công Biên hòa cũ, trên đường Trịnh hoài Đức, đối diện với bệnh viện Biên Hòa, được vinh dự mang tên vị Bác sĩ nổi tiếng trong y giới Pháp Việt đương thời: bác sĩ Nguyễn hữu Chí; không may, bác sĩ Chí đã qua đời khi còn rất trẻ trên đường sự nghiệp của ông, trong sự thương tiếc của tất cả đồngbào ở mìên đông Nam Việt, nơi ông đã sinh ra và lớn lên, nhưng không được may mắn để phục vụ cho quê cha đất tổ như ông mong muốn. Bên phải của trường này là trụ sở của làng Bình Trước, ngôi làng kỳ cựu nhất của thị xã Biên Hòa.

Trường Nữ công Biên Hòa dùng làm cơ sở mới cho trường Ngô Quyền rập theo kiểu mẫu kiến trúc xưa, được xây cất theo khuôn hình chữ U, dãy giữa ở trong cùng hướng ra cổng vào, và 2 dãy lớp học ở 2 bên, mỗi bên có 4 phòng học, vì thế nên tạm đủ phòng ốc cho đến năm thứ tư khi mà các lớp học sinh đầu tiên vào trường đã lên đến đệ Tứ trung học, và dãy trong cùng gồm có 2 phòng: một dùng làm văn phòng cho Hiệu trưởng và thư ký, một phòng thì trước đây dùng cho các giáo viên nữ công sử dụng hoặc làm nhà bếp để nấu nướng khi cần đến; nay thì được ông lao công tên Thủy, người Việt gốc Hoa (vừa được ty Tiểu học bổ dụng đến để phục dịch tại trường sở mới này) làm kho cất giữ những công cụ cần thiết sau những giờ làm việc tại trường. Căn phòng này cũng được tạm dùng làm nơi nghỉ đêm cho những nam giáo chức từ Sàigòn lên dạy liên tiếp 2 ngày, như thế các Thầy sẽ khỏi phải đi đón xe đò về Sàigòn vào chiều hôm trước để rồi lại phải đón xe lên trường vào sáng hôm sau, vừa tiết kiệm được cả thời gian lẫn tiền bạc.

Trong niên học thứ nhì, 1958/1959 và niên học thứ 3, 59/60, nha Trung học có bổ nhiệm thêm về trường những giáo chức khác như các giáo sư đệ Nhất cấp công nhật: cô Phạm thị Kim Thanh, thầy Hoàng phùng Võ, phụ trách các môn Việt văn và Công dân giáo dục ở các lớp đệ Lục và đệ Ngũ; thầy Trần minh Đức dạy Anh văn đệ Lục và đệ Ngũ; các giáo sư dạy giờ như thầy Dương hòa Huân, thầy Trần thắng Thơm, thầy Nguyễn văn Lộc, Nguyễn văn Quảng và một vài thầy cô khác mà chúng tôi không nhớ hết tên phụ trách các môn như Sử Địa, Pháp văn, Lý, Hóa, VaÏn vật ở các lớp đệ Lục và đệ Ngũ (những giáo sư dạy giờ được tạm tuyển để dạy không quá 10 giờ một tuần; và sau 2 năm có thể xin vào giáo sư đệ Nhất cấp công nhật nếu có đủ điều kiện về văn bằng). Nha Trung học cũng bổ nhiệm thầy Phan thông Hảo (có gia đình bên vợ đang sinh sống tại khu vực cù lao Biên Hòa) về Ngô Quyền để dạy thay thầy Trương Phan Nam Minh, xin thuyên chuyển về Sàigòn sau 2 năm dạy ở Biên hòa.

Và ông Phạm văn Nga, quyền Hiệu trưởng, có biệt phái hai giáo viên từ ty tiểu học Biên hòa về trường Ngô quyền để tạm thời đảm trách phần việc của giám thị và thư ký văn phòng, đó là thầy Lê hồng Sanh và Đặng văn Chẩn. Ông Phạm văn Nga cũng yêu cầu ty Thanh niên và Thể thao Biên hòa, xin tạm phái sang trường Ngô Quyền 2 huấn luyện viên, một nam, một nữ để phụ trách giờ thể dục. Trong 2 năm sau này, vì số giờ có tăng lên cho phần đông các giáo chức, thầy Hoàng phùng Võ (lúc đó có gia đình ở tận Trung chánh Quận Hốc môn) và chúng tôi phải nghỉ qua đêm tại phòng kho, tạm dùng làm phòng trọ như đã nói trên mỗi khi chúng tôi được xếp dạy 2 ngày liền.

Vấn đề ăn uống trong những ngày dạy thì không có khó khăn gì. Chúng tôi thường ra quán bà Tư mập ở bên trái của trường sở mới, quán này nằm ngay trước cái tháp nước cũ để bơm nước máy cho châu thành Biên hòa, hoặc chúng tôi ra tiệm cơm Thịnh Vượng, trên đường Phan đình Phùng cách ngã tư Trần thượng Xuyên/Phan đình Phùng độ 100 mét; để dùng điểm tâm, chúng tôi có thể đến quán bà Tư mập hay ra quán Tuyết Sơn trên đường vào chợ Biên Hòa hoặc xa hơn nữa lên quán hủ tíu Nam vang cạnh rạp hát Biên Hùng, hay lên quán cháo lòng gần nhà ông Hiệu trưởng Hồ văn Tam, trên đoạn đường dẫn đến trường sở sau cùng được xây cất gần ty Kiến thiết và đài Kỷ niệm của thành phố.

Đến đầu niên học 1960/61, trường Ngô Quyền có đủ 4 cấp từ đệ Thất đến đệ Tứ, tổng cộng 16 lớp Trung học, vì thế được nha Trung học cử một Hiệu trưởng đến để trực tiếp quản trị nhà trường, đó là ông Huỳnh quốc Tuấn, một giáo sư trung học đệ nhất cấp và trong những niên học trước đó ông dạy tại trường Pétrus Ký, Sàigòn; trường Ngô Quyền cũng được bổ nhiệm thêm 2 vị giám thị chuyển từ các trường tiểu học biên hòa sang: bà Nguyễn thị Giàu và ông Lương minh Tý.

Vì sĩ số của trường đã hơn 800 học sinh, nên ban giám hiệu phải triệu tập một buổi họp mặt các vị phụ huynh học sinh có con em theo học taiï trường để xúc tiến thành lập hội Phụ huynh học sinh hầu góp sức và giúp đỡ nhà trường trong việc giáo dục các em trong thời gian đến trường cũng như khi các em ở nhà với cha mẹ. Ông Lê văn Nhơn, một đốc sự làm việc tại tòa Hành chính tỉnh Biên Hòa, đã sốt sắng nhận chức vụ Hội trưởng hội Phụ Huynh học sinh Ngô Quyền Biên Hòa trong khi phần đông các vị phụ huynh hiện diện trong buổi họp đã tránh né nhiệm vụ nặng nề này trong suốt thời gian 15 năm, kể từ nảm 1960 đến 1975.

Cũng trong niên học này và niên học kế tiếp, nha Trung và Tiểu học còn bổ dụng thêm vào ban giáo sư những giáo chức vừa tốt nghiệp các trường đào tạo Giáo học cấp bổ túc của trường Sư phạm Sàigòn (ngạch Giáo học Bổ túc là ngạch giáo viên với chương trình đào tạo cao hơn để đảm trách việc giảng dạy tại các lớp cuối cùng của bậc Tiểu học), với chính sách phát triển quy mô và nhanh chóng ngành giáo dục trung học phổ thông đến khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, gây ra việc thiếu nhiều giáo chức so với nhu cầu nhân sự cho các trường Trung học mới thành lập nên nha Trung và Tiểu học đã đồng ý bổ dụng các Giáo học tốt nghiệp năm đầu về dạy tại các trường Trung học đệ nhất cấp đã mở ra trước đó. Trong đợt này, trường Ngô Quyền có được 10 giáo chức ngạch này về hợp tác: các cô Khương thị Bàn, Bạch thị Bê, Đinh thị Hòa, Nguyễn thị Xuân Hoàng, Bùi thị Ngọc Lan, Nguyễn thị Luông, Đào thị Nga, Huỳnh thị Tâm, Võ thu Thủy và Đặng thị Trí. Ngoài các cô Bê, cô Hoàng, cô Thủy và cô Trí có nhà cửa ở Sàigòn hoặc quê ở các tỉnh khác, những nữ giáo chức còn lại, quê tại Biên hòa hoặc gia đình đang sinh sống tại đây, nên khi chọn nhiệm sở, các cô xin được về dạy tại trường Ngô Quyền.

Để phụ trách các giờ Thể dục Thể thao càng lúc càng nhiều hơn, nha Trung Tiểu học Sàigòn có phối hợp với nha Thanh niên và Thể thao để bổ dụng một huấn luyện viên chuyên nghiệp, ông Phạm đình Thắng đã tốt nghiệp trường Thể dục cao cấp Nha Trang nhiều năm trước đó, về trường Ngô Quyền để phụ trách những giờ thể dục cho các nam sinh và góp sức vào việc đào tạo tại chức những nữ huấn luyện viên cần thiết cho các lớp nữ sinh; 2 cô Khương thị Bàn và Đào thi Nga được cử đi dự lớp huấn luyện tại chức ở trại huấn luyện Vũng Tàu, và sau đó phụ trách các giờ thể dục cho các lớp nữ sinh.

Và cũng để sửa soạn cho trường Ngô Quyền biến cải thành trường Trung học đệ Nhị cấp vào niên học kế tiếp, bộ Giáo dục có cấp một ngân khoản trích từ ngân sách Quốc gia và giao cho Ty Kiến thiết Biên Hòa để thực hiện việc xây cất trường sở mới rộng rải, khang trang, với đầy đủ khả năng về phòng ốc hầu kịp thời tiếp nhận một trường đệ Nhị cấp tương lai cho tỉnh Biên hòa.

blankVới số giáo chức được bổ về Ngô Quyền càng ngày càng đông, tòa Hành chính Biên hòa có một ưu đãi dành cho các giáo sư Ngô Quyền một cơ sở nhỏ đó là tòa nhà "Bát giác", để làm phòng trọ nghỉ đêm, khi các giáo sư phải dạy 2 ngày liên tiếp; tòa nhà này được xây cất trên bờ sông Đồng nai, trước dinh Tỉnh trưởng Biên Hòa ở một bên, và bên kia là ty Bưu điện với ty Tiểu học liền theo đó; trước đây công trình này được xây dựng để làm nhà khách cho các vị quan lại thời Pháp thuộc đến viếng thăm, làm việc hoặc thanh tra tại tỉnh nhà. Sau những giờ dạy, trong những lớp học oi bức, chật hẹp, chúng tôi về phòng trọ ở trên lầu của tòa nhà này vơi đầy đủ tiện nghi về điện, nước, vệ sinh và với nhiều cửa số luôn được mở ra để đón gió mát từ sông Đồng nai thổi vào, chúng tôi thấy thoải mái và quên hết những cực nhọc của mỗi ngày làm việc khá vất vả khi phải lên lớp ở một nơi xa nhà, xa gia đình.

Đúng như chương trình đã phác họa, trường học mới đã được xây cất xong vào đầu niên học 1961/62, để tiếp nhận một trường Trung học Đệ Nhị cấp đầu tiên tại tỉnh nhà, đó là trường Trung Hoc Ngô Quyền, để sau đó trường được phát triển và tồn tại cho đến ngày nay, trải qua bao nhiêu biến cố lịch sử mà chúng ta là những chứng nhân của thời đại. Cơ sở mới chiếm một khu đất rộng hơn một mẫu tây, với 2 dãy kiến trúc có lầu, được xây cất song song với nhau, giữa 2 kiến trúc là một sân trường khá rộng để tập hợp toàn thể học sinh và giáo chức trong những buổi lễ mà trường tổ chức sau này. Dĩ nhiên là ngay giữa sân trường, có dựng lên cột cờ để các em làm lễ chào cờ vào mỗi buổi sáng thứ hai trong tuần. Mỗi dãy lầu được chia làm nhiều phòng rộng rải, sáng sủa, thoáng mát ở tầng trệt cũng như ở tầng lầu, và được dùng làm các phòng học và các văn phòng Hiệu trưởng, Giám học, Tổng giám thị và Thư ký. Phía trước 2 dãy phòng ốc đó còn có xây cất một dãy kiến trúc thứ 3 gồm có 2 phòng rộng lớn, khang trang để dùng làm phòng thí nghiệm và thực tập khoa học, sinh vật cho các môn Lý, Hóa, và Vạn vật.

Với số lớp đệ Tam vừa mở, và để đáp ứng nhu cầu về giáo chức, giám thị và nhân viên văn phòng, nha Trung học có bổ về trường một số giáo sư từ các tỉnh miền Trung và các tỉnh khác về như các giáo sư: Phạm đức Bảo (từ Quốc học Huế), Nguyễn phi Hùng (trung học Nha Trang), Đỗ trọng Thạc (trung học Ban mê Thuat) và các giáo sư vừa tốt nghiệp khóa cấp tốc đầu tiên của trường Đại học Sư phạm Sàigòn, như các giáo sư: Đào mạnh Đạt, Nguyễn thất Hiệp, Hoàng quý Nam, Phạm gia Quýnh, Nguyễn Sơn và Trần thanh Thủy. Kế tiếp là các Giáo học bổ túc hoặc giáo viên như: bà Huỳnh tư Muội, ông Nguyễn hữu Cầm, ông Nguyễn hữu Bang, ông Nguyễn hữu Tiến từ nha Trung và Tiểu học thuyên chuyển về để tăng cường cho phòng Tổng giám thị. Nha Trung học cũng cho phép ban giám hiệu trường Ngô Quyền được tuyển dụng tại chỗ một vài giáo sư công nhật để phụ trách không quá 10 giờ một tuần để điền khuyết số giờ chưa có giáo sư chính ngạch phụ trách. Trong số này chúng tôi còn nhớ các thầy: Dương hồng Duyệt, Lý ngọc Mai, Kiều vĩnh Phúc, Nguyễn văn Phố, Nguyễn hữu Thiệu và các cô: Phạm thị Đức Hạnh, Đặng thị Nhung, Đặng thị Tuyết, Trần thị Nguyệt Thu để dạy các môn Việt văn, Sử Địa, Toán. Lý Hóa, Công dân, Vạn Vật; cùng với các thầy; Nguyễn văn A, Trần văn Nam, Lê hoàng Long để dạy môn âm nhạc.

Vào giữa niên học này, ông Hiệu trưởng Huỳnh quốc Tuấn được lệnh nhập ngũ từ Nha Động viên gửi về, nên ông có gọi chúng tôi đến để cho biết ý định muốn đề cử chúng tôi lên thay thế chức vụ Hiệu trưởng mà ông sắp nhượng lại (ông Tuấn mà gia đình có mở một tiệm thuốc tây hiệu Bình dân tại chợ Bà Rịa vì thế ông là người đồng hương với chúng tôi; đương nhiên với số thâm niên của chúng tôi tại trường Ngô Quyền và vì chúng tôi là người cùng quê, nên sự đề cử đó là một điều thường tình thôi; nhưng chúng tôi đã trả lời ông như sau: "Mong muốn trong đời tôi là được dạy trong ngành giáo dục chứ không thích làm việc bên hành chính với nhiều ràng buộc và nhiều gò bó đối với tự do cá nhân, và hiện nay chúng tôi cũng đang học ở năm cuối cùng để lấy nốt văn bằng Cử nhân Giáo khoa Anh văn tại đại học văn khoa Sàigòn, vì lẽ đó chúng tôi khôngnhận đề nghị của ông được". Sau đó ông Tuấn đã đề nghị ông Phạm đức Bảo, giáo sư hiện có nhiều thâm niên trong ngạch để phụ trách chức vụ Hiệu trưởng Ngô Quyền. Sau khi ông Phạm đức Bảo lên làm hiệu trưởng được vài tháng ông lại yêu cầu tôi giữ chức Giám học đúng với cấp số nhân sự của mỗi trường Trung học đệ II cấp hiện hữu. Không thể từ chối một lần nữa lời đề nghị mà mục tiêu là kiện toàn công trình giáo dục tại một trường sở mà tôi đã chọn đến để giảng dạy ngay từ ngày thành lập cho đến ngày nay. Chúng tôi vui vẻ nhận lời nhưng với điều kiện là chúng tôi phải được tiếp tục dạy một ít giờ tại lớp ngoài nhửng giờ phụ trách phòng Giám học của trường.

blankHai tháng sau, chúng tôi đã kết thúc năm học cuối cùng ở trường Văn khoa và độ một tháng sau ngày khai giảng niên khóa 62/63, với 4 lớp đệ Nhị mới mở, nha Trung học gửi về Sự vụ lệnh cử chúng tôi vào chức vụ Giám học kiêm Tổng giám thị trường Ngô Quyền. Với chức vụ mới, đòi hỏi nhiều thời gian hiện diện tại trường sở, chúng tôi phải đưa gia đình lên cư ngụ gần trường. Chúng tôi thuê mướn một căn phố được ông Tám Mộng, một địa chủ và doanh gia ở Biên hòa mới xây cất đối diện với rạp hát Biên Hùng; dãy phố này nằm gần nhà biến điện của khu phố này và cũng gần với cây xăng đối diện ty Cảnh sát.

Vì mỗi tuần tôi ở Biên hoà đủ 7 ngày, nên vào những buổi tối hay những giờ rảnh rỗi, tôi có dạy thêm ở các trường tư thục như trường Khiết tâm cuả Linh mục Hoàng Yến, trường Tiến Đức trên đường Phan đình Phùng và trường Minh Tân trên đường Trịnh hoài Đức.

Cũng trong niên học này, nha Trung học có thuyên chuyển về trường các giáo sư tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sàigòn, khoá đào tạo chính quy 4 năm, đó là các thầy: Đặng quốc Toản (Sử Điạ), Thân trọng Hưng, Nguyễn thế Văn (Việt văn), Lê tiến Đạt (Vạn vật), và các cô: Hà bích Loan (Việt văn), Trần thị Thưởng (Pháp văn), Nguyễn thị Thu (Anh văn). Các môn toán và lý hoá thì vẫn còn thiếu giáo sư chuyên nghiệp nên chúng tôi phải mời vài vị giáo sư có uy tín trong môn này từ các trường ở Sàigòn lên giảng dạy. Tôi nhớ có thầy: Cù an Hưng, Nguyễn bát Tuấn dạy đệ Nhị và năm sau dạy đệ Nhất

Vì số học sinh thi vào lớp đệ Thất mỗi năm một nhiều thêm với đà phát triển giáo dục ở Tiểu học và Trung học tăng rất nhanh, mà số thu nhận vào 4 lớp đệ Thất công lập cho toàn tỉnh không thay đổi, xấp xỉ 200, nên bộ Giáo dục cho phép các điạ phương (tỉnh và quận) được phép mở thêm các trường Trung học bán công để thu nhận những học sinh không có may mắn được nhận vào các lớp đệ Thất trường công lập. Việc xây cất trường sở sẽ do ngân sách tỉnh với một phần tài trợ cuả bộ Giáo dục. Về nhân sự thì sẽ do vị Hiệu trưởng trường Trung học tỉnh điều động và quản trị. Trong tinh thần đó, Biên hoà có mờ 2 trường Bán công: Trần thượng Xuyên được xây cất ngay trong khuôn viên trường Ngô Quyền và trường bán công Dĩ An, tại quận lỵ Dĩ An, khá xa tỉnh lỵ Biên Hoà. Hai giáo chức cuả trường Ngô Quyền được chỉ định vào chức vụ Hiệu trưởng tạm thời để trông nom 2 trường này là: ông Nguyễn thanh Sơn về trường Trần thượng Xuyên, ông Bùi quang Huệ về Dĩ An.

blankVào cuối niên học này, các em học sinh cuả 4 lớp đệ Nhị phải về Sàigòn để dự thi Tú tài phấn I (chỉ vài năm sau, mới có các kỳ thi Tú tài I và II được tổ chức ngay tại trường Ngô Quyền, Biên Hoà, và các học sinh tỉnh nhà tránh được nỗi vất vả phải về Sàigòn trong 5, 3 ngày để vừa đủ thi và xem kết quả.) tỷ lệ các học sinh được chấm đậu tuy không bằng các trường lớn ờ Sàigòn nhưng so với các trường ở các tỉnh khác trong toàn quốc thì rất khích lệ. Đó là một niềm vui đối với các thầy cô đã đóng góp công sức cá ùnhân vào con đường học vấn cuả toàn thể các em học sinh hiếu học cuả tỉnh Biên hòa.

Đến niên học 63/64, năm học mà nhà trường được mở 4 lớp đệ Nhất để thu nhận tất cả những học sinh cuả trường đã đỗ Tú tài I và một số ít học sinh từ các trường tư thục vừa đậu Tú tài I. Trong niên học này, nha Trung học bổ về trường một vài giáo sư chuyên ngành như: thầy Nguyễn xuân Hoàng, tốt nghiệp Đại học Đà lạt để dạy Triết, cô Trần thị Kim Chi, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sàigòn dạy Pháp văn, thầy Hà tường Cát phụ trách Sử Điạ và kiêm nhiệm chức vụ Hiệu đoàn phó (Hiệu đoàn trưởng vãn phải do ông Hiệu trưởng đảm nhận), thầy Trần văn Dinh từ Cần thơ phụ trách chức Tổng giám thị tách ra khỏi chức vụ Giám học kiêm Tổng giám thị trước đó. Và cũng là năm học cuối cùng mà chúng tôi được dạy tại Ngô Quyền, sau khi dẫn dắt 4 lớp học sinh từ đầu năm đệ Thất đến năm cuối cùng đệ Nhất, để rồi thầy trò phải chia tay. Chúng tôi và gia đình di chuyển trở về Sàigòn để liền sau đó lập hồ sơ du học tại Hoa kỳ, còn các em một số được gọi nhập ngũ để thi hành nghiã vụ trong thời chiến. Trong số này có 2 em nữ sinh tình nguyện gia nhập hàng ngũ Nữ quân nhân là em Lê thị Ngọc Ánh và em Huỳnh thị Đỗi; một số phải sớm bước vào đời với cuộc sống hỗn tạp cuả thời chinh chiến điêu tàn, số còn lại được may mắn hơn về phương diện tài chính, kinh tế thì tiếp tục con đường học vấn ở Đại học. Dù con đường phiá trước có như thế nào, các em học sinh khoá đầu tàu cuả trường Ngô Quyền đã để lại trong tâm khảm cuả chúng tôi những hình ảnh và kỷ niệm khó quên, vì các em đã không phụ lòng các thầy cô đã hết lòng hướngh dẫn các em trên con đường học vấn để đi đến mục tiêu đặt ra: Chân, Thiện, Mỹ

Nhìn lại quãng đường đã trôi qua với trên 30 năm trong ngành giáo huấn, chúng tôi thấy rằng những năm tháng sống và làm việc ở ngôi trường Trung học Ngô Quyền Biên hoà, với các đồng nghiệp có đầy đủ tinh thần chức nghiệp, với những bạn bè thân thiết cùng chia sẻ ngọt bùi với chúng tôi, với 4 lớp học sinh dịu hiền và chăm chỉ mà chúng tôi hân hạnh được ban giám hiệu giao phó việc dạy dỗ và đi theo mỗi năm để dẫn dắt các em suốt 7 năm liền, từ lớp đệ Thất, năm đầu mà các em mới vào trường; đến lớp đệ Nhất, năm cuối cùng trước ngày các em rời trường, là một chuỗi thời gian vui đẹp và hạnh phúc nhất cuả đời chúng tôi với những khung trời xanh mát, những hình ảnh tươi đẹp, những tâm hồn trong sáng mà chúng tôi không bao giờ quên được trong những ngày còn lại của cuộc đời.

Xin chào thân ái

Thầy Phan Thanh Hoài

04 Tháng Mười Hai 2010(Xem: 54244)
Nhân dịp nghi lễ Tạ Ơn, BCH Hội AHNgô Quyền và BCH Hội AHBiên Hòa, California đã nhận lời mời của anh Nguyễn Quý Đoàn khoá 6 Ngô Quyền tham dự tiệc thân mật với gia đình ngày chủ nhựt 28 tháng 11 năm 2010.
30 Tháng Bảy 2010(Xem: 95730)
Một nhóm bạn bè được tin vào tối thứ sáu 23 tháng 7 năm 2010 sẽ tiếp đón anh chị Huỳnh văn Tươi khóa 6 Ngô Quyền về thăm bạn bè từ Houston Texas.
30 Tháng Bảy 2010(Xem: 93446)
... lần đầu tiên đại diện gia đình Ngô Quyền được mời tham dự trong ngày họp mặt Gia Long tại nhà hàng Paracel Seafood vào đêm 18 tháng 7 năm 2010.
12 Tháng Bảy 2010(Xem: 44863)
Trong một buổi sáng đầu tháng Bảy đẹp trời và ấm cúng, cùng dịp lễ Độc Lập Hoa Kỳ, ngày họp mặt truyền thống kỳ 9 của hội Ái Hữu Chs Ngô Quyền, Biên Hòa (3 tháng 7, 2010) đã tưng bừng khai diễn với gần 200 thầy cô và cựu học sinh NQ về tham dự
11 Tháng Sáu 2010(Xem: 83746)
Một buổi chiều se lạnh của Nam Cali, nhưng một nhóm cựu học sinh Ngô Quyền vẫn thấy ấm lòng khi tiếp đón bạn cũ Nguyễn Ngọc Long từ Việt Nam chiều ngày 31 tháng 5, 2010 tại nhà hàng Asian buffet.
25 Tháng Năm 2010(Xem: 66390)
Trong tình cảm trân quý đồng môn chung mái trường Ngô Quyền, đồng hương Biên Hòa, chúng tôi đã có niềm hạnh phúc khi được cùng quý Thầy Cô các đàn anh khoá 1 cùng tiếp đón người bạn cũ Phạm Phú Vĩnh đến từ Canada vào chiều chủ nhựt 23/05/2010.
24 Tháng Hai 2010(Xem: 88329)
Một buổi họp mặt tân niên Canh Dần của tuổi Cọp đã được tổ chức vào chiều chủ nhựt 21/2/2010 tại nhà chị Nguyễn thị Mỹ thuộc thành phố Westminter.
02 Tháng Hai 2010(Xem: 56653)
Do đề nghị của thầy Nguyễn thất Hiệp cùng một số anh chị em Ngô Quyền, chúng tôi sẽ tổ chức buổi họp mặt mừng xuân Canh Dần cùng Thầy Cô và anh chị em Ngô Quyền. Ngày, giờ và địa điểm như sau: Super Buffet 3830 Stevens Creek Blvd San Jose, CA 95117 (408) 985-2968 Ngày: thứ bảy 27 tháng 2, 2010 Giờ: từ 6:00pm
11 Tháng Giêng 2010(Xem: 71670)
Như một thông lệ đã có từ ngày tôi và Lynh đặt chân đến USA, chúng tôi dùng San Diego là địa điểm hội ngộ gia đình trong mỗi mùa Noel. Tuy nhiên, trong chuyến đi lần nầy, ngoài việc họp mặt gia đình, chúng tôi có cơ may được gặp gỡ cũng như tham dự những sinh hoạt liên quan đến Ngô Quyền mà tôi muốn chia sẻ nơi đây cùng Thầy Cô và các bạn .